Amazon mất 2,3 triệu hécta rừng nguyên sinh trong năm 2020

65% số vụ phá rừng của toàn bộ khu vực Amazon trong năm 2020 được ghi nhận ở Brazil, quốc gia có diện tích lớn nhất Nam Mỹ này đã mất tổng cộng 1,5 triệu ha rừng trong năm vừa qua.

Ngày 13/4, Dự án Giám sát rừng Amazon vùng Andes (MAAP) công bố báo cáo cho thấy, trong năm 2020, rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh Amazon đã mất 2,3 triệu ha rừng nguyên sinh, tăng 17% so với năm trước đó.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, MAAP đã tiến hành phân tích các dữ liệu và hình ảnh vệ tinh có độ phân giải 30 mét ghi nhận tại các vùng lãnh thổ của tất cả quốc gia nằm trong châu thổ Amazon gồm Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Guyana và Surinam.

Cơ quan này ước tính chỉ riêng diện tích rừng nguyên sinh của Amazon bị mất trong năm qua đã tương đương diện tích của quốc gia Trung Mỹ El Salvador.

Khói lửa bốc lên từ đám cháy tại khu vực rừng Amazon ở bang Para State, Brazil ngày 16/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các quốc gia có số lượng rừng nguyên sinh Amazon bị mất nhiều nhất trong năm 2020 theo thứ tự là Brazil, Bolivia, Peru, Colombia, Venezuela và Ecuador.

MAAP cho biết hơn 65% số vụ phá rừng của toàn bộ khu vực Amazon trong năm 2020 được ghi nhận ở Brazil. Quốc gia có diện tích lớn nhất Nam Mỹ này đã mất tổng cộng 1,5 triệu ha rừng trong năm qua, tăng hơn 13% so với năm trước đó.

Diện tích rừng bị tàn phá ở Brazil gần gấp đôi diện tích Puerto Rico và chủ yếu tập trung ở phía Nam nước này.

Trong khi đó, diện tích rừng bị tàn phá tại Bolivia trong năm 2020 lên tới con số kỷ lục 240.000 ha với nguyên nhân chủ yếu do các đám cháy xảy ra ở phía Đông Nam nước này đã tàn phá các khu rừng tại các hệ sinh thái Chiquitano và Chaco.

Đối với trường hợp của Peru, nước này đã mất 190.000ha rừng nguyên sinh trong năm ngoái, tăng 18% so với năm 2019 và cũng là con số kỷ lục ghi nhận được. Nguyên nhân chính của nạn phá rừng ở Peru bị cho là bắt nguồn từ nạn đốt rừng lấy đất canh tác./.

Ngọc Tùng (TTXVN/ Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/amazon-mat-23-trieu-hecta-rung-nguyen-sinh-trong-nam-2020/705730.vnp

Đức xây dựng mạng lưới phân phối hydro rộng khắp cả nước

Các thành viên của dự án The Hydrogen Power Storage and Solution East Germany (HYPOS) đang lên kế hoạch xây dựng mạng lưới phân phối hydro rộng khắp nước Đức.

Mục đích chính của dự án là xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng thông minh gồm mạng lưới nhà phân phối, các trạm lưu trữ hydro nhằm cung cấp năng lượng sạch cho tất cả các vùng trong cả nước. Các nhà khoa học tại tổ chức nghiên cứu Fraunhofer-Gesellschaft đã phát triển thành công công nghệ màng lọc mới, cho phép tách hydro khỏi hỗn hợp khí đốt thiên nhiên – hydro và đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Bước đột phá công nghệ này mở ra triển vọng vận chuyển thương mại hỗn hợp khí thiên nhiên – hydro trong mạng lưới đường ống khí đốt quốc gia, trước khi được phân tách riêng tại điểm tiêu thụ cuối cùng. Điều này cũng sẽ hỗ trợ dự án HYPOS tích hợp nhiên liệu hydro vào mạng lưới 511.000 km đường ống khí đốt và 33 kho lưu trữ khí đốt của Đức.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/duc-xay-dung-mang-luoi-phan-phoi-hydro-rong-khap-ca-nuoc-607433.html

Thí điểm DPPA: Dự án điện gió, điện mặt trời cần điều kiện gì để được tham gia?

Bộ Công Thương hiện đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Thông tư Quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện (DPPA).

Theo đó, Thông tư áp dụng cho các dự án điện gió hoặc điện mặt trời nối lưới có công suất lắp đặt lớn hơn 30 MW (riêng với nhà máy điện mặt trời, tỷ lệ quy đổi là 01 MWp bằng 0,8 MW), đã có trong quy hoạch phát triển điện lực.

Các dự án này cần cam kết mốc thời gian đưa toàn bộ dự án nhà máy điện vào vận hành thương mại và tham gia thị trường điện không lớn hơn 270 ngày làm việc (tính từ ngày được công bố lựa chọn tham gia thí điểm DPPA); ngoài ra cần có văn bản của các tổ chức tài chính, tín dụng về việc hỗ trợ tài chính cho dự án.

Còn với bên mua điện, các tổ chức, cá nhân cần đảm bảo điện mua phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp tại cấp điện áp từ 22 kV trở lên; có cam kết mục tiêu về sử dụng năng lượng tái tạo và cam kết tỷ lệ sản lượng điện so với tổng điện năng tiêu thụ trong 3 năm đầu tham gia thí điểm đạt từ 80% trở lên.

Các bên cần hoàn thành đàm phán, ký kết hợp đồng, xây dựng và đưa nhà máy vào vận hành thương mại trong 270 ngày kể từ khi danh sách các đơn vị phát điện và khách hàng tham gia thí điểm DPPA được công bố. Thời hạn của Hợp đồng mua bán điện sẽ do hai bên tự thỏa thuận trong khoảng từ 10 năm đến 20 năm.

Giá và sản lượng điện năng lượng tái tạo cam kết trong Hợp đồng kỳ hạn cho các chu kỳ giao dịch trong tương lai do hai bên thỏa thuận, thống nhất, việc thanh toán thực hiện theo Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành.

Lưu ý, giá điện năng được xác định có tính tới tổn thất lưới điện phân phối, cộng với chi phí dịch vụ mua bán điện trực tiếp tính cho một đơn vị điện năng (gồm chi phí truyền tải điện, phân phối điện, điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, dịch vụ phụ trợ).

Dự kiến, các tổ chức, cá nhân sẽ có 45 ngày làm việc để đăng ký tham gia thí điểm DPPA, kể từ ngày Bộ Công Thương mở cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Bộ Công Thương sẽ triển khai thí điểm cơ chế DPPA trên toàn quốc với tổng công suất các dự án điện mặt trời, điện gió được lựa chọn tham gia không quá 1.000 MW. Trường hợp con số này vượt mốc 1.000 MW, các bên đăng ký sớm hơn sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Căn cứ kết quả vận hành thí điểm DPPA trong 1 năm từ khi các nhà máy điện được đưa vào vận hành, Bộ Công Thương (Cục Điều tiết điện lực) sẽ đánh giá các khía cạnh về thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý, đề xuất các nội dung hoàn thiện cơ chế DPPA để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc áp dụng chính thức cơ chế này.

Theo Bộ Công Thương, khi có hiệu lực, cơ chế DPPA mới sẽ cho phép các doanh nghiệp tại Việt Nam đấu thầu mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thy Thảo
http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thi-diem-dppa-du-an-dien-gio-dien-mat-troi-can-dieu-kien-gi-de-duoc-tham-gia-80249.htm

Thí điểm mua bán điện mặt trời, gió không qua EVN

Khách hàng dùng điện cho sản xuất công nghiệp có thể đàm phán mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió qua hợp đồng kỳ hạn.

Các khách hàng sử dụng điện sẽ có quyền trực tiếp ký kết hợp đồng và thỏa thuận giá điện với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện (cơ chế DPPA).

Theo đó, khách hàng dùng điện cho sản xuất công nghiệp (cấp điện áp từ 22 kV trở lên) có thể đàm phán, thoả thuận mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió thông qua hợp đồng kỳ hạn.

Giao dịch mua bán điện sẽ được thực hiện qua thị trường điện giao ngay, vận hành theo quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Bộ Công Thương.

Cơ chế DPPA sẽ giúp doanh nghiệp có thể nâng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động kinh doanh, sản xuất lên 100% – tỉ lệ này hầu như không thể đạt được nếu chỉ đầu tư điện mặt trời áp mái. Điều này rất phù hợp với các công ty, tập đoàn tham gia mạng lưới cam kết toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển bền vững.

“Để DPPA thực sự khả thi, cần có sự tính toán cụ thể và minh bạch cơ chế bù trừ giữa các bên, các khoản phí như phí sản xuất điện, phí truyền tải, phí phân phối và dịch vụ… đồng thời cần có hành lang pháp lý hoàn chỉnh với các quy chế, các điều khoản khi xảy ra tranh chấp”, một doanh nghiệp ngành cho hay.


Bộ Công Thương dự kiến thí điểm cơ chế này trong giai đoạn 2021-2023 với tổng công suất khoảng 1.000 MW.

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, khách hàng dùng điện tham gia thí điểm phải có hồ sơ đăng ký đáp ứng các tiêu chí, như cam kết sử dụng năng lượng tái tạo; tỷ lệ sản lượng điện hợp đồng mua trong 3 năm đầu tham gia thí điểm từ 80% trở lên.

Về phía đơn vị phát điện, muốn tham gia thí điểm cơ chế này, dự án điện gió, mặt trời phải có trong quy hoạch, công suất lắp đặt trên 30 MW. Các dự án này cũng phải cam kết mốc thời gian vận hành thương mại, tham gia thị trường điện trong vòng 9 tháng từ khi được công bố lựa chọn tham gia của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, hồ sơ tham gia thí điểm của dự án cũng phải kèm theo văn bản chứng minh hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tài chính, tín dụng.

Bộ Công Thương dự kiến thí điểm cơ chế này trong giai đoạn 2021-2023 với tổng công suất khoảng 1.000 MW. Sau thí điểm một năm, Cục Điều tiết điện lực sẽ đánh giá các khía cạnh thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý… hoàn thiện nội dung, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng rộng rãi cơ chế này.

Cũng theo Cục Điều tiết điện lực, khi thực hiện cơ chế thí điểm này, thị trường bán buôn điện cạnh tranh được hoàn chỉnh, bán lẻ điện cạnh tranh chính thức triển khai, hợp đồng mua bán điện trực tiếp sẽ chuyển sang thực hiện theo quy định mới có liên quan.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp
https://petrotimes.vn/thi-diem-mua-ban-dien-mat-troi-gio-khong-qua-evn-607387.html

Chi phí sản xuất hydro sẽ giảm tới 85%

Theo một nghiên cứu của BloombergNEF công bố hôm thứ Tư, hydro từ các nguồn tái tạo sẽ ngày càng ít tốn kém hơn và trở nên cạnh tranh với hydro từ nhiên liệu hóa thạch, và thậm chí, trong một số trường hợp, rẻ hơn khí tự nhiên.

Cái gọi là hydro “xanh” được sản xuất bằng cách điện phân nước sử dụng điện có nguồn gốc tái tạo (gió, mặt trời hoặc thủy điện). Loại khí này với nhiều mục đích sử dụng hiện vẫn có chi phí sản xuất rất cao.

Nhưng BloombergNEF, một trung tâm nghiên cứu dành riêng cho quá trình chuyển đổi năng lượng, đã hạ dự báo chi phí cho tương lai do giá điện mặt trời dự kiến ​​giảm. Các chuyên gia BNEF viết trong một báo cáo: “Giờ đây, chúng tôi tin rằng điện quang điện sẽ rẻ hơn 40% vào năm 2050 so với những gì chúng tôi nghĩ chỉ hai năm trước. Các tác giả kết luận: “Chi phí sản xuất hydro xanh từ điện tái tạo dự kiến ​​sẽ giảm tới 85% vào năm 2050”, kết luận của các tác giả, ước tính chi phí dưới 1 USD cho mỗi kg hydro ở hầu hết 28 thị trường được nghiên cứu.

Đến năm 2030, loại hydro xanh này sẽ có giá thấp hơn hydro “xanh” (có nguồn gốc hóa thạch nhưng được sản xuất bằng cách thu giữ và cô lập CO2 ) ở tất cả các thị trường này. Sau đó, nó sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với hydro “xám”, rất có hại cho khí hậu (có nguồn gốc hóa thạch và không thu giữ CO2) vào năm 2050. Khi đó, hydro xanh thậm chí sẽ có giá thấp hơn khí tự nhiên trong 15/28 quốc gia được nghiên cứu (chiếm 1/3 GDP thế giới).

Martin Tengler, nhà phân tích của BNEF cho biết: “Chi phí thấp như vậy cho hydro từ các nguồn tái tạo hoàn toàn có thể thiết lập lại bản đồ năng lượng. Ông nói: “Trong tương lai, ít nhất 33% nền kinh tế thế giới có thể sử dụng năng lượng sạch mà không phải chi thêm một xu nào so với năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo rằng quá trình xanh hóa hydro này sẽ cần “sự hỗ trợ liên tục từ các chính phủ” để đạt được điều đó.

Hydro hiện đang được quan tâm lớn vì nó sạch trong quá trình sử dụng: làm nhiên liệu động cơ, nó chỉ thải ra hơi nước. Do đó, nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình khử cacbon của ngành công nghiệp hoặc vận tải nặng, với điều kiện là nó được sản xuất mà không thải ra CO2 và các chất ô nhiễm khác. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, về cơ bản nó vẫn là kết quả của một quá trình sử dụng nhiều năng lượng dựa trên than đá hoặc khí đốt.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chi-phi-san-xuat-hydro-se-giam-toi-85-607039.html

Ánh sáng LED có thể gia tăng hoạt chất sinh học trong thảo mộc 

Các hợp chất hóa học trong thảo mộc có rất nhiều công dụng hữu ích, cả trong chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Đó là lý do các nhà khoa học luôn tìm tòi, khám phá những phương pháp mới nhằm tăng sản lượng thu hoạch các hoạt chất sinh học có lợi từ những cây dược liệu tự nhiên này.

Theo báo cáo nghiên cứu và thị trường của GlobeNewswire, thị trường thuốc thảo mộc toàn cầu dự kiến sẽ đạt giá trị hơn 411 tỉ USD vào năm 2026, với các yếu tố thúc đẩy chủ yếu gồm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gia tăng trên toàn thế giới, chính phủ các nước tăng nguồn tài trợ cho nghiên cứu và phát triển thuốc từ thảo mộc, mang lưới phân phối sản phẩm ngày càng được mở rộng. Không chỉ vậy, người tiêu dùng ngày nay cũng rất chú trọng các thành phần tự nhiên và cảnh giác với các thành phần tổng hợp trong sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Điều này thúc giục các nhà khoa học tìm kiếm và làm tăng tác dụng dược lý của cây thảo dược.

Thảo mộc được chiếu đèn LED trong thử nghiệm tại Đại học Monash Malaysia.

Tại Đại học Monash Malaysia, một trong những phân viện của Đại học Monash (Úc), các nhà nghiên cứu đang nỗ lực nhận diện và xác định hoạt tính sinh học của các loại thảo dược, cũng như tìm cách nâng cao sản lượng những hoạt chất có lợi trong cây. Dự án nghiên cứu dẫn đầu bởi Phó giáo sư Lim Yau Yan tập trung chiết xuất các hoạt chất sinh học từ cây thảo dược để bảo tồn các hợp chất có lợi cho sức khỏe và sử dụng đèn LED màu để điều chỉnh tăng sản lượng các chất dinh dưỡng trong cây. Được biết, các nhà khoa học từ lâu đã nghiên cứu sự phát triển của thực vật dựa vào nguồn sáng LED, song họ vẫn chưa hiểu nhiều về tác động của nó đối với sản lượng các hoạt chất sinh học, hoặc cách chúng phản ứng với các màu ánh sáng LED khác nhau.

Theo đó, chuyên gia Lim đã hợp tác với Phó Giáo sư Khoa Kỹ thuật Vineetha Kalavally xây dựng một hệ thống đèn LED trong một khu vườn khép kín để thử nghiệm. Nhiều sự kết hợp màu sắc ánh sáng LED khác nhau đã được sử dụng để kích thích sự sản sinh các hợp chất có hoạt tính sinh học trong cây thảo dược. Họ phát hiện ra rằng tỷ lệ ánh sáng đỏ cao hơn ánh sáng xanh lam đã khiến sản lượng axit rosmarinic trong cây râu mèo tăng thêm tới 70%. “Đó là một mức tăng đáng kể so với cải tạo đất hoặc thay đổi khí hậu” – Phó Giáo sư Lim nói, đồng thời nhận định đèn LED thực sự có thể kích thích quá trình trao đổi chất của cây. Axit rosmarinic thường có trong các loài thực vật thuộc họ Lamiaceae, bao gồm các loại thảo mộc như hương thảo, xô thơm, húng quế, bạc hà, râu mèo…

Điều mới lạ ở nghiên cứu này là ánh sáng LED trước giờ hiếm khi được thử nghiệm để kích thích sự gia tăng các hóa chất thúc đẩy sức khỏe đặc trưng như axit rosmarinic. “Axit Rosmarinic là một hợp chất có lợi về mặt dinh dưỡng và dược lý. Nó được sử dụng rộng rãi trong ngành dược phẩm và mỹ phẩm. Nó cũng chứa các đặc tính chống tiểu đường, chống viêm và chống ôxy hóa – Phó giáo sư Lim cho biết thêm.

Nhóm nghiên cứu hiện tiếp tục thử nghiệm trên các loại cây khác nhau, đồng thời từng bước cải thiện hệ thống đèn LED nhằm nâng cao hiệu quả chiếu sáng. Họ cho biết sự kết hợp giữa 50% ánh sáng đỏ và 25% ánh sáng xanh lam là tỷ lệ tốt nhất, song hiệu quả ở mỗi loại thảo mộc khác nhau thì vẫn cần tiến hành thêm nhiều thử nghiệm cụ thể.

HOÀNG ĐIỂU (Theo Monash.edu)
https://baocantho.com.vn/anh-sang-led-co-the-gia-tang-hoat-chat-sinh-hoc-trong-thao-moc-a131636.html