Châu Á dẫn đầu trong việc bảo vệ môi trường, nói không với đồ nhựa

Các nước trong khu vực Châu Á đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong đó vấn đề bảo vệ môi trường luôn được chú trọng hàng đầu

Phát triển bền vững dựa trên tiêu chí bảo vệ môi trường đang là một chủ đề nóng trên toàn cầu, được nhiều quốc gia quan tâm. Ở Nhật Bản, số lượng bao bì nhựa thải ra tính trên đầu người đang cao thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ.

Giải quyết ô nghiễm rác thải nhựa là một trong những thách thức lớn nhất đối với thế giới hiện nay. Trên toàn cầu, có khoảng 360 triệu tấn nhựa mới được sản xuất mỗi năm và có tới 12,7 triệu tấn rác thải nhựa rò rỉ ra đại dương, gây tác hại to lớn tới môi trường và đa dạng sinh học. Chỉ có ít hơn 10% số lượng nhựa sản xuất ra được đem đi tái chế.


Đồ nhựa dùng 1 lần là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường.

Các quốc gia châu Á là một trong những nguồn gây ô nhiễm rác thải nhựa trên biển lớn nhất thế giới. Hơn một nửa lượng rác nhựa thải ra đại dương đến từ 5 quốc gia châu Á. Nguyên nhân cho sự phổ biến của nhựa đến từ đặc tính rẻ và bền, cùng tính thuận tiện khi sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Việc chuyển sang dùng các nguồn nguyên liệu tái sử dụng để góp phần bảo vệ môi trường là điều có thể thấy rõ, nhưng các loại vật liệu này thường có giá cao hơn các sản phẩm làm từ nhựa. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp tập trung vào vấn đề cắt giảm chi phí hơn là chịu trách nhiệm về môi trường.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Á đang tăng tốc trong việc giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa. Ấn Độ và Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận và lên kế hoạch thực hiện các sáng kiến nhằm hạn chế lượng đồ nhựa dùng một lần. Chính phủ Nhật Bản gần đây đã tuyên bố rằng tất cả các nhà bán lẻ, bao gồm siêu thị và cửa hàng tiện lợi, phải tính phí cho túi nhựa từ mùa hè tới.

Nhiều nỗ lực hạn chế đồ nhựa đang được nhắm vào hướng doanh nghiệp. Chẳng hạn như việc ra các quy định yêu cầu họ phải tham gia vào các quy trình tái chế đồ nhựa hoặc cấm buôn bán các mặt hàng nhựa dùng một lần.


Giảm thiểu rác thải nhựa, thay vào đó có thể sử dụng các nguyên liệu có thể tái tạo được.

Một phương pháp thường được các chính phủ áp dụng là áp phí túi nhựa. Quy định này đã được áp dụng tại Úc và giúp giảm 80% lượng túi nhựa được sử dụng.

Nhưng trong nhiều trường hợp. việc thay đổi thói quen người tiêu dùng vẫn có thể mang lại hiệu quả hơn. Trên thực tế, người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc xoay chuyển tình hình bởi họ có sức ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Họ có thể thay đổi thói quen tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp đang áp dụng sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Một ví dụ tiêu biểu có thể kể đến là sự hợp tác của BioPak – một doanh nghiệp sản xuất bao bì thân thiện với môi trường – với công ty giao thực phẩm Deliveryoo. Điều này sẽ thay thế các bao bì nhựa dùng một lần bằng các lựa chọn thay thế dễ phân hủy hơn cho các hoạt động giao đồ ăn tại Singapore. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc giảm lượng nhựa thải ra môi trường vì dịch vụ giao đồ ăn thường được nhiều người lựa chọn bởi tính tiện lợi của nó.

Một tương lai không có rác thải nhựa chỉ thành hiện thực khi có sự đồng lòng từ cả 2 phía là doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cùng với đó, chính phủ cũng cần có những động thái cụ thể hơn để đảm bảo người tiêu dùng nhận thức được các thiệt hại môi trường do nhựa gây ra. Môi trường ngày nay đang bị ảnh hưởng xấu quá nhiều, một phần lớn nguyên nhân là do các rác thải nhựa. Môi trường bi tác động cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội của các quốc gia.

Bảo Linh (theo Nikkei Asian Review)
http://vietq.vn/chau-a-dan-dau-trong-viec-bao-ve-moi-truong-noi-khong-voi-do-nhua-d167989.html

Cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất nhờ công nghệ nhiệt định hình

Nhiệt định hình là công nghệ đúc nhựa mới đang dần trở nên phổ biến nhờ những ưu thế về tốc độ và chi phí của nó. So với quy trình ép phun truyền thống, nhiệt định hình có thể cắt giảm quá trình sản xuất từ 18 – 20 tuần xuống chỉ còn 10 tuần cho 1 lô sản phẩm.

Nhìn chung, quy trình công nghệ nhiệt định hình được chia làm 3 bước: Đầu tiên, tấm nhựa nguyên liệu sẽ được làm nóng đến khi mềm ra, tiếp đó phần nguyên liệu đã gia nhiệt sẽ tiếp tục được tạo hình với một chiếc khuôn. Khi tấm nhựa đã có được hình dáng mong muốn và cứng lại, chúng sẽ được cắt gọt những phần thừa để cho ra sản phẩm cuối cùng.

Nhiệt định hình chính là lời giải cho ngành nhựa khi mà thời gian để tạo ra các sản phẩm từ nhựa bằng công nghệ này được rút ngắn rất nhiều so với công nghệ phun, thổi truyền thống.

Trong công đoạn tạo hình, có 2 phương pháp đúc nhựa chính áp dụng công nghệ nhiệt định hình: Đúc chân không và đúc cao áp. Phương pháp đúc chân không sử dụng sử dụng nhiệt và áp suất để định dạng cấu trúc cho các tấm nhựa. Phương pháp này có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng loạt với tốc độ cao của Productive Plastics một cách dễ dàng. Trong khi đó, phương pháp đúc cao áp thường được sử dụng trong trường hợp đơn hàng là một sản phẩm có kích thước lớn, hoặc yêu cầu cao về độ chính xác chi tiết.

Dù cho sử dụng bất kì phương pháp nào, thời gian thiết kế và thời gian sản xuất cũng giảm đáng kể so với phương pháp ép phun truyền thống. Đại diện Productive Plastics cho biết, trong điều kiện tiêu chuẩn (máy móc và nguyên vật liệu luôn sẵn sàng), việc thực hiện phương pháp ép phun sẽ mất từ 15-16 tuần để thiết kế và tùy chỉnh hệ thống, trong khi con số này đã giảm chỉ còn 1 nửa kể từ khi công ty áp dụng nhiệt định hình. Bên cạnh đó, thời gian sản xuất cũng giảm từ 3-4 tuần xuống chỉ còn 2 tuần cho 1 lô sản phẩm.

Productive Plastics đã làm một so sánh nhỏ về chi phí sản xuất khi sử dụng nhiệt định hình so với công nghệ ép phun truyền thống. Nếu tính trên 1500 chi tiết có kích thước 45×50 inch, chi phí sản xuất bằng nhiệt định hình chỉ khoảng 125.000$, tiết kiệm 100.000$ so với khi sử dụng công nghệ ép phun. Không chỉ vậy, chi phí tạo khuôn với kích thước 20×30 inch bằng công nghệ ép phun cũng cao gấp đôi công nghệ nhiệt định hình, và con số này ngày càng cao hơn với những khuôn có kích thước lớn hơn.

Một lợi thế khác của nhiệt định hình chính là tính tùy biến cao và khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Với quá trình thiết kế được xây dựng trên mô hình 3D, những thay đổi của của khách hàng có thể được đáp ứng nhanh nhất có thể.

“Nhiệt định hình” chính là lời giải cho ngành nhựa khi thời gian để tạo ra các sản phẩm từ nhựa bằng công nghệ này được rút ngắn rất nhiều so với công nghệ phun, thổi truyền thống. Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của các phần mềm máy tính chuyên dụng mà việc sản xuất nhựa bằng nhiệt định hình đang trở nên ngày càng đơn giản hơn. Thay vì phải mất đến nhiều ngày và qua hàng chục công đoạn nhà sản xuất mới có thể tạo ra vỏ nhựa của xe hơi như trước đây thì với nhiệt định hình tích hợp với mô hình 3D, thời gian sản xuất chỉ còn tính bằng giờ và quy trình sản xuất cũng giản lược đi rất nhiều.

Theo An Hạ
http://vietq.vn/cat-giam-dang-ke-chi-phi-san-xuat-nho-cong-nghe-nhiet-dinh-hinh-d167771.html

Thái Lan cấm túi nhựa dùng một lần

Thái Lan bắt đầu cấm túi nhựa dùng một lần tại các cửa hàng lớn từ ngày 1/1 để giảm rác thải xả ra biển.

Lệnh cấm là một phần của chiến dịch do chính phủ và các nhà bán lẻ khởi xướng. Thái Lan sẽ cấm hoàn toàn túi nhựa dùng một lần vào năm 2021.


Một người cầm túi nhựa ở Bangkok. Ảnh: Bangkok Post.

“Thái Lan đứng thứ sáu trong số các quốc gia xả rác ra biển nhiều nhất”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-Archa nói với phóng viên ngày 1/1 tại Bangkok. “Trong 5 tháng qua, chúng ta đã đứng thứ mười, nhờ sự hợp tác của người dân Thái Lan”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nước này năm ngoái giảm sử dụng hai tỷ túi nhựa, tương đương khoảng 5.765 tấn, sau khi khuyến khích người tiêu dùng từ chối nhận túi nhựa tại các cửa hàng. “Ban đầu tôi không quen việc mang theo túi khi đi mua sắm vì đôi khi tôi quên mất. Nếu nhớ, tôi sẽ mang theo”, Supanee Burut-thong, một người mua hàng, nói.

Công chúng Thái Lan năm ngoái gia tăng chú ý đến vấn đề rác thải gây ra nguy cơ cho động vật và môi trường sau khi phát hiện nhựa trong hệ thống tiêu hóa của một con nai và một con cá cúi chết.

Varawut cho biết khía cạnh thách thức nhất là 40% túi nhựa của Thái Lan được sử dụng tại các chợ rau và khu vực nông thôn. “Sẽ không dễ dàng thay đổi cách suy nghĩ và hành vi của những người này”, ông nói.

Theo VNE

https://petrotimes.vn/thai-lan-cam-tui-nhua-dung-mot-lan-560167.html

Happy New Year!

A new year, new start and way to go. Wish you successful and glorious!

Director of VNCPC 

Mr. Le Xuan Thinh