Không dùng rượu vodka làm chất khử trùng bởi nó không hề có tác dụng chống Covid-19

Một công ty rượu vodka cảnh báo mọi người không tự làm nước rửa tay từ loại rượu này bởi nó không chứa ít nhất 60% cồn, lượng đủ để có thể tiêu diệt được Covid-19.

Phản ứng của mọi người đối với sự bùng phát của COVID-19 có thể bao gồm việc tần suất rửa tay và sự hoảng loạn tăng lên nhanh chóng. Các cửa hàng, siêu thị với những kệ hàng nước rửa tay, thậm chí là mì ống và sữa yến mạch trống trơn do lượng người mua tăng lên với mục đích tích trữ.

Vì thế mà sự thiếu hụt chất khử trùng tay khiến nhiều đang chuyển sang ý tưởng tự làm nước rửa tay tại nhà. Nhưng nếu đang tra cách làm trên Google thì mọi người hãy cẩn thận bởi công thức đó yêu cầu sử dụng vodka để tiêu diệt vi khuẩn, có thể nó sẽ không có tác dụng gì.

Dallas Morning News cho biết, thương hiệu rượu Tito’s Handmade Vodka có trụ sở tại Texas đã có những biện pháp để chống lại thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông xã hội.

 Công ty Tito’s Handmade Vodka nhấn mạnh lại tuyên bố của CDC rằng rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây mới là cách tốt nhất để tiêu diệt vi khuẩn, chứ không phải dùng rượu vodka. (Ảnh minh họa)

“Ngay khi chúng tôi thấy các bài viết và bài đăng trên mạng xã hội không chính xác, chúng tôi muốn ghi chép vào hồ sơ pháp lý một cách chính xác. Mặc dù việc mọi người sử dụng số lượng lớn rượu vodka để khử trùng tay sẽ rất tốt cho doanh nghiệp của chúng tôi, nhưng sẽ thật đáng tiếc nếu lãng phí những thứ tốt mà lại không có tác dụng diệt khuẩn”, phát ngôn viên của công ty nói với Food & Wine qua email.

Báo cáo lại được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, công ty tiếp tục: “Xin nhắc lại, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã tuyên bố ‘rửa tay bằng xà phòng và nước là cách tốt nhất để loại bỏ vi trùng trong hầu hết các tình huống. Nếu xà phòng và nước không có sẵn, bạn có thể sử dụng chất khử trùng tay chứa ít nhất 60% cồn. Mọi người có thể xem tên nhãn dán của sản phẩm để biết nó có chứa ít nhất 60% cồn hay không’. Rượu Vodka của Tito’s Handmade có độ cồn 40% và do đó không đáp ứng khuyến nghị hiện tại của CDC”.

Như báo cáo của tạp chí Rolling Stone, khi nói đến các biện pháp tốt nhất để giảm nguy cơ nhiễm virus, chất khử trùng tay không phải là hành động đầu tiên. Điều quan trọng nhất là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cùng với nước trong ít nhất 20 giây và tránh chạm vào mặt người khác. Chất khử trùng tay chỉ được liệt kê như một lựa chọn thứ ba nếu 2 cái đầu tiên không thể có sẵn ngay lập tức.

Mặc dù Tito’s không ủng hộ mọi người sử dụng rượu vodka để rửa tay, thương hiệu này vẫn hy vọng sẽ tăng doanh số theo cách truyền thống cũ với lượng khách hàng ổn định.

Trong bối cảnh tình hình Covid-19 ngày càng phức tạp, mọi người cần phải cập nhật tin tức và khuyến nghị cho bản thân và những người xung quanh từ những nguồn như CDC, WHO và bộ phận y tế công cộng địa phương. Tuyệt đối không làm theo những thông tin không được kiểm chứng.

Hương Giang (theo: Health)

http://vietq.vn/khong-dung-ruou-vodka-lam-chat-khu-trung-boi-no-khong-he-co-tac-dung-chong-covid-19-d171692.html

Vì sao không nên dùng buồng khử khuẩn để ngăn virus corona thời điểm này?

Bộ Y tế cho biết thời gian qua đã nhận được đề xuất nghiên cứu của đơn vị trực thuộc Bộ về buồng khử khuẩn toàn thân di động để phòng chống Covid-19.

Tuy nhiên, đề xuất chưa được hội đồng khoa học cấp Bộ thông qua do chưa đủ tài liệu minh chứng và cần được đánh giá về hiệu quả diệt virus cũng như mức độ an toàn đối với người sử dụng.

Bộ Y tế nhấn mạnh, trong thời gian Bộ này xem xét, đánh giá, các tổ chức, cá nhân không nên sử dụng để đảm bảo an toàn. Người dân hãy thực hiện những biện pháp dự phòng đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả như không đi ra ngoài nếu không cần thiết, nếu phải đi ra ngoài thì giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét và đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có nồng độ cồn ít nhất 60%…

Theo Bộ Y tế, buồng khử khuẩn toàn thân đang được đề xuất hiện nay về cấu tạo thường gồm 1 buồng (phun sương dung dịch clo hoạt tính) hoặc gồm 2 buồng nối tiếp nhau; buồng 1 phun khí ozone nồng độ 0,12ppm trong 30 giây, tiếp đến buồng 2 có phun sương (hạt sương 5µm) nước điện hóa (là dung dịch anolyte hay nước Javen, khử khuẩn bằng clo hoạt tính) trong 30 giây.

Tuy nhiên, Ozone là chất gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh đường hô hấp. Theo khuyến cáo của Viện quốc gia về Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp Mỹ, nồng độ ozone trong không khí không được vượt quá 0,10ppm tại bất cứ thời điểm nào. Không có khuyến cáo dùng ozone để khử khuẩn quần áo, da người trong điều kiện bình thường.

Hiện, chưa có nghiên cứu nào được công bố chỉ ra dung dịch clo hoạt tính dạng phun sương có tác dụng khử khuẩn quần áo, da người trong vòng 30 giây. Clo hoạt tính dạng phun sương dễ xâm nhập vào đường hô hấp và phổi gây hại cho con người khi hít phải. Tổ chức Y tế thế giới cũng không khuyến cáo áp dụng phương pháp phun sương trong khử khuẩn bề mặt.


Ảnh minh họa

Phòng áp lực âm là một phương pháp cách ly được sử dụng trong các bệnh viện để ngăn chặn sự lây nhiễm chéo, không phải dùng để điều trị bệnh. Phòng áp lực âm có cấu tạo gồm 2 phòng là phòng đệm và phòng điều trị. Không khí từ bên ngoài sẽ đi qua phòng đệm vào phòng điều trị. Trong phòng điều trị có hệ thống đẩy không khí qua bộ lọc không khí hiệu suất cao (HEPA), sau đó bơm ra ngoài. Không khí bơm ra ngoài không chứa virus vì virus đã được giữ lại tại bộ lọc. Vì vậy, phòng áp lực âm chỉ làm giảm lượng virus có trong không khí mà không có khả năng diệt virus.

Ngoài ra, khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện sẽ phát tán các giọt bắn có chứa virus và vẫn còn một lượng virus này bám trên các bề mặt trong phòng mà không bị hút theo luồng không khí. Do vậy, phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus cho nhân viên y tế, người chăm sóc bệnh nhân nếu không thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ.

Hiện nay, chi phí xây dựng một phòng áp lực âm rất lớn, việc xây dựng phức tạp, tốn nhiều thời gian, quy trình vận hành để đảm bảo không xảy ra hiện tượng đảo ngược chiều luồng không khí và xử lý bộ lọc an toàn thì tốn kém và đòi hỏi kỹ thuật cao. Mỗi phòng áp lực âm hiện chỉ có thể sử dụng cho một bệnh nhân.

Vì vậy, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, việc thiết kế, xây dựng, lắp đặt và đào tạo để vận hành phòng áp lực âm sẽ không đáp ứng kịp thời yêu cầu chống dịch. Các bệnh viện chưa có phòng áp lực âm nên tập trung thực hiện các biện pháp cách ly bệnh nhân nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả như bố trí phòng cách ly bệnh nhân thông thoáng, sử dụng thông khí hỗn hợp hoặc thông khí tự nhiên… theo đúng hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh của Bộ Y tế và đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn tốt.

Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các nghiên cứu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và mô trường trực thuộc Bộ Y tế, tổ chức thực hiện có liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19 nếu chưa được hội đồng khoa học cấp Bộ và lãnh đạo Bộ Y tế thông qua đề cương và kết quả thì không được phép phổ biến và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bảo Lâm
http://vietq.vn/vi-sao-khong-nen-dung-buong-khu-khuan-de-ngan-virus-corona-thoi-diem-nay-d171647.html

Covid-19 có thể tồn tại 72 giờ trên bề mặt nhựa, thép

Các nhà nghiên cứu của chính phủ Hoa Kỳ mới đây tiết lộ, Covid-19 có thể tồn tại tới 3 giờ trong không khí, và tới 72 giờ trên bề mặt nhựa hoặc thép.

Nhóm nghiên cứu Hoa Kỳ cùng các chuyên gia đã khám phá ra rằng, chủng Covid-19 đang có sức lan nhanh chóng trên toàn thế giới có thể tồn tại ba giờ đồng hồ trong không khí.

Các thử nghiệm cũng cho thấy, virus này có thể sống trên bề mặt đồng trong bốn giờ, lưu trú cả ngày trong bìa cứng và tuổi thọ lên đến 72 giờ trên bề mặt nhựa hoặc thép.

Nhân viên làm vệ sinh bề mặt máy ATM tại thành phố New York.

Nghiên cứu được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế Thế giới ngày 11/3 tuyên bố sự bùng phát dịch bệnh toàn cầu đang leo thang là một đại dịch. Gần 130.000 người trên khắp thế giới đã bị nhiễm Covid-19 và gần 5.000 bệnh nhân đã tử vong bởi căn bệnh do virus này gây ra.

Bộ trưởng Y tế của Anh đã đưa ra cảnh báo rằng, mọi người có thể bị nhiễm Covid-19 nếu chạm vào bất kỳ bề mặt nào có chứa virus này và sau đó chạm lên mặt họ.

Giáo sư Chris Whitty cho biết, Covid-19 có thể lưu trú và lây nhiễm qua các vật dụng như tay nắm cửa hoặc tay vịn trong thang máy.

Một số nhà khoa học thậm chí cho rằng nguy cơ lây nhiễm virus qua tiếp xúc bằng tay có khả năng còn cao hơn là lây qua không khí khi ho, hắt hơi và thở.

Các quan chức trên khắp thế giới đã phát động các chiến dịch mạnh mẽ kêu gọi công chúng rửa tay để ngăn chặn Covid-19. Các kết quả tương tự cũng thu được từ các xét nghiệm mà họ đã thực hiện đối với virus gây ra dịch SARS năm 2003.

Tiến sĩ Neeltje van Doremalen, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết, các nhà khoa học vẫn đang tìm cách tốt nhất để tiêu diệt Covid-19.

Bà khuyến cáo nên thường xuyên làm sạch các bề mặt bằng các dung dịch có chứa chất tẩy pha loãng có khả năng loại bỏ virus Covid-19.

“Hãy hiểu đúng về virus và cách tiêu diệt nó – và làm như vậy – điều này rất quan trọng để ngăn chặn đại dịch và kiểm soát bệnh”, Tiến sĩ Doremalen nói.

Thúy Nga (Theo Dailymail)

https://emdep.vn/xem-choi/lang-ngam-mot-ha-noi-vang-hon-tet-trong-mua-dich-covid-19-20200323073446036.htm

Ý tưởng táo bạo: Dùng siêu máy tính đẩy nhanh tốc độ tìm phương pháp “khắc chế” virus corona

Bộ năng lượng Mỹ cho biết cơ quan này đang có phương án sử dụng siêu máy tính Summit của IBM để đẩy nhanh tốc độ tìm ra phương pháp ức chế virus corona chủng mới.

Tờ ExtremeTech cho biết, Bộ Năng lượng Mỹ vừa có thông báo rằng cơ quan này sẽ sử dụng siêu máy tính Summit của IBM để tìm kiếm phương pháp điều trị dịch do virus corona chủng mới (Covid-19). Với sự giúp đỡ từ siêu máy tính này, các nhà khoa học hi vọng có thể cải thiện tốc độ mô phỏng kỹ thuật số nhằm thu hẹp phạm vi những biến số tiềm năng.

Bộ Năng lượng Mỹ muốn khai thác chiếc siêu máy tính này để đẩy nhanh tốc độ tìm ra phương pháp ức chế hoặc tấn công virus. Thông thường, quá trình nghiên cứu virus diễn ra khá lâu và xuất hiện nhiều biến số.

“Việc tiến hành mô phỏng bằng máy tính có thể kiểm tra nhiều biến số phản ứng đối với từng loại virus khác nhau cùng lúc. Mỗi biến số riêng lẻ này có thể bao gồm hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ dữ liệu khác nhau. Quá trình này sẽ trở nên cực kỳ tốn thời gian nếu không sử dụng sức mạnh xử lý ưu việt từ siêu máy tính”, IBM cho biết.


Summit, siêu máy tính nhanh nhất thế giới sẽ hỗ trợ tích cực cho việc tìm ra phương pháp điều trị bệnh do virus corona.

Jeremy Smith, Giám đốc trung tâm nghiên cứu sinh lý học phân tử thuộc Đại học Tennessee nói thêm, việc sử dụng siêu máy tính như Summit là rất cần thiết để nhanh chóng có được kết quả mô phỏng mà các nhà khoa học cần chỉ trong vòng từ một đến hai ngày. Trong khi đó, một máy tính bình thường phải mất đến vài tháng mới cho ra kết quả.

Summit là thành quả hợp tác giữa IBM và hãng sản xuất chip đồ họa Nvidia đặt tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge ở bang Tennessee, Mỹ. Năm 2018, siêu máy tính Summit với khả năng thực hiện 200 triệu tỷ phép tính/giây, đã vượt qua cỗ máy Sunway TaihuLight của Trung Quốc để giúp Mỹ giành lại vị trí quốc gia sở hữu siêu máy tính mạnh nhất thế giới.

Bảo Lâm (Theo ExtremeTech)
http://vietq.vn/y-tuong-tao-bao-dung-sieu-may-tinh-day-nhanh-toc-do-tim-phuong-phap-khac-che-virus-corona-d171164.html

Hệ thống xét nghiệm virus corona nhanh gấp 10 lần chính thức được cấp phép

Chính quyền Mỹ vừa chính thức phê duyệt đưa vào sử dụng hệ thống xét nghiệm virus corona chủng mới với tốc độ nhanh gấp 10 lần các hệ thống cũ.

Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cho xét nghiệm chạy trên hệ thống cobas 6800/8800 của Công ty Roche Holding AG. Hệ thống 8800 này có khả năng xét nghiệm tới 4.128 bệnh nhân/ngày, trong khi phiên bản 6800 có thể xét nghiệm cho 1.440 người/ngày.

Công cụ này có sẵn tại châu Âu và các quốc gia chấp nhận tiêu chuẩn chứng chỉ CE (chứng chỉ bắt buộc đối với hàng hoá theo quy định, được coi như hộ chiếu thương mại vào thị trường Liên minh châu Âu (EU)). Hệ thống xét nghiệm cobas của Roche đã lắp đặt 695 thiết bị phiên bản 6800 và 132 phiên bản 8800 trên toàn cầu.

Hệ thống cobas 8800 có thể xét nghiệm bệnh nhân nhanh hơn khoảng 10 lần so với các thiết bị MagNA Pure 24 và LightCycler 480 của Roche. Các dụng cụ cobas 6800/8800 cho kết quả trong vòng 4 giờ. Cơ chế xét nghiệm bao gồm phân tích axit nucleic có trong nước bọt hoặc chất nhầy của bệnh nhân, so sánh chúng với các chuỗi được tìm thấy trong các chủng virus corona khác.


Mỹ vừa chính thức cấp phép sử dụng hệ thống xét nghiệm nhanh gấp 10 lần các hệ thống cũ.

Hệ thống xét nghiệm này đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn bệnh Covid-19 lây lan vì nó cho phép nhân viên y tế xác định người nhiễm bệnh và cách ly họ, ngay cả khi họ không biểu hiện nhiều triệu chứng. Điều đó có khả năng làm giảm tổng số ca nhiễm bệnh và giúp các nhà sản xuất thuốc có thêm thời gian đưa ra các phương pháp điều trị tốt hơn và chế tạo vắc-xin. Đây là công cụ xét nghiệm thứ 3 và là công cụ đầu tiên được sản xuất thương mại mà FDA thông qua.

Mỹ và phần lớn các nước châu Âu đang bị chỉ trích về tốc độ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cũng như không có đủ bộ xét nghiệm virus để phục vụ người dân, khiến cho dịch bệnh chết người mới lây lan một cách chóng mặt. Kể từ tháng 1 khi dịch COVID-19 bùng phát, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ và các phòng thí nghiệm y tế cộng đồng của Mỹ mới làm 13.600 xét nghiệm.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra cam kết cải tổ cách tiếp cận xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ với các lựa chọn dịch vụ nhanh chóng và thuận tiện. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết trong tuần này, nước Mỹ sẽ có thêm khoảng 500.000 bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Bảo Lâm (Theo Bloomberg)
http://vietq.vn/he-thong-xet-nghiem-virus-corona-nhanh-gap-10-lan-chinh-thuc-duoc-cap-phep-d170984.html

Google nói gì về bản đồ dịch COVID-19 tại Hà Nội đang được lan truyền

Trước những thắc mắc của người dùng về tính xác thực của tấm bản đồ lưu ý dịch COVID-19 tại Hà Nội được chia sẻ trong những ngày gần đây, đại diện của Google đã chính thức lên tiếng.

Đại diện của Google đã chính thức lên tiếng về tấm bản đồ đánh dấu các điểm nghi lây nhiễm COVID-19 tại Hà Nội. Theo đó, đại diện Google cho biết đây chính là tính năng Google My Maps. Đây được coi là một tấm bản đồ cá nhân do chính người dùng tự xây dựng nên.

“Google My Maps cho phép bất kỳ người dùng nào tạo một bản đồ tùy chỉnh cho mục đích sử dụng của riêng họ”, đại diện Google cho biết.

Đại diện Google cũng khẳng định: “Chúng tôi có những chính sách nội dung nghiêm ngặt, và nếu phát hiện ra những vi phạm, chúng tôi sẽ có những biện pháp thích hợp. Sau khi xem xét cẩn thận, chúng tôi không thấy bản đồ này vi phạm chính sách của chúng tôi.”

Tính năng My Maps của Google cho phép người dùng đánh dấu các điểm lưu ý dịch COVID-19 tại Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia công nghệ tại Việt Nam, người dùng nên cẩn trọng khi sử dụng những tấm bản đồ cá nhân dạng này.

Tính năng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi sự chính xác của công cụ nói trên phụ thuộc vào chính người chủ bản đồ.

Trong trường hợp người chủ bản đồ vô tình hay cố ý đăng tải những thông tin không chính xác, điều này sẽ gây ra tâm lý hoang mang không cần thiết.

Bởi vậy, người dân không nên quá tin tưởng vào các công cụ bản đồ về tình hình dịch bệnh COVID-19 được chia sẻ. Thay vào đó, người dùng internet nên tìm đến các phương tiện truyền thông chính thống hay website, cổng thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế.

Hiện tại, ứng dụng khai báo y tế tự nguyên NCOVI do Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông khai trương cũng đã tích hợp chức năng cảnh báo cho phép người dân biết khu vực nào đang có dịch để chủ động phòng tránh. Các ca nhiễm bệnh sẽ được cập nhật trên thời gian thực và được định vị trên nền tảng bản đồ số Việt Nam (Vmap)./.

Minh Sơn (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/google-noi-gi-ve-ban-do-dich-covid19-tai-ha-noi-dang-duoc-lan-truyen/627732.vnp