Vật liệu không nung được sử dụng phổ biến nhất trong các loại vật liệu xanh

Nhiều loại vật liệu xây dựng xanh đã được khuyến khích sử dụng, nhưng phổ biến nhất là vật liệu xây dựng không nung do nguyên liệu sản xuất được lấy từ phế thải công nghiệp, có khả năng tái sử dụng và dễ tiêu hủy sau khi không còn công năng.

Xốp cách nhiệt

Được làm bằng chất dẻo PS (Polystyren), vật liệu này không độc hại và có tác dụng cách nhiệt, chống lại lực nén cao, không thấm nước, chống ăn mòn. Xốp cách nhiệt có tuổi thọ cao và hệ số dẫn nhiệt thấp, vật liệu có trọng lượng nhẹ nên thuận tiện trong việc vận chuyển. Ngoài ra, xốp cách nhiệt có đặc tính cách âm, phù hợp sử dụng làm vách ngăn trong nhà hàng, phòng vui chơi giải trí.

Xốp cách nhiệt phù hợp sử dụng làm vách ngăn trong nhà hàng, phòng vui chơi giải trí.

Tôn lợp sinh thái

Là vật liệu lợp mái giả ngói, được sản xuất từ nguyên liệu tái sinh thân thiện môi trường, có trọng lượng nhẹ, thiết kế kiểu dáng dạng sóng và màu sắc giống ngói cải tiến. Tôn lợp sinh thái có khả năng chịu được gió bão, lốc xoáy lên đến 192 km/giờ, chống tiếng ồn, nóng và chống dẫn điện.

Tôn lợp sinh thái có khả năng chịu được gió bão, lốc xoáy lên đến 192 km/giờ, chống tiếng ồn, nóng và chống dẫn điện.

Do trọng lượng nhẹ, vật liệu này thích hợp cho việc sửa mái như lợp chồng lên các mái cũ đã bị dột, hoặc lợp mái trên nhà tiền chế ở sân thượng để chống nóng, chống thấm. Đặc biệt tôn lợp sinh thái chịu được thời tiết khắc nghiệt, không gỉ sét trong môi trường muối, thích hợp cho các khu vực biển.

Gỗ ốp tường xanh

Vật liệu được sản xuất theo công nghệ ép bằng áp suất hơi nước từ vụn gỗ xay của nhánh cây, cành cây tận thu. Gỗ ốp tường xanh có thành phần vụn gỗ chiếm 97%, còn lại 3% là chất kết dính. Gỗ được sản xuất để làm vách công trình, có ưu điểm hơn gỗ tự nhiên như không cong vênh, không mối mọt, chống cháy và có độ bền cao.

Gỗ ốp tường xanh có thành phần vụn gỗ chiếm 97%, còn lại 3% là chất kết dính.

Vật liệu này có kích thước tiêu chuẩn nên việc thi công dễ, nhanh chóng. Một ưu điểm nữa của loại gỗ này là trọng lượng nhẹ, thích hợp cho việc nâng tầng.

Tấm bê tông thực vật

Loại vật liệu này được dùng để lát sàn lối đi bộ, vỉa hè, trong những công trình cho phép cỏ hoặc các hệ thực vật phát triển. Sử dụng bê tông thực vật sẽ giảm thiểu được việc sử dụng bê tông, cải thiện được sự hấp thụ và thoát nước mưa. Ngoài ra còn có một số loại bê tông được sản xuất từ tro bay, vốn là bụi khí thải dưới dạng hạt bụi thu được từ quá trình đốt cháy nhiên liệu than đá trong các nhà máy nhiệt điện chạy than cũng được sử dụng trong các công trình xanh.

Tấm bê tông thực vật được dùng để lát sàn lối đi bộ, vỉa hè, trong những công trình cho phép cỏ hoặc các hệ thực vật phát triển.

Cùng với bê tông thực vật, trên thị trường hiện còn có những loại bê tông ‘xanh’ khác như: Bê tông mùn cưa – sản phẩm được làm từ mùn cưa và bê tông trộn với nhau; bê tông từ bụi thép, vật liệu này đang được nghiên cứu, tái chế từ bụi thép. Loại bê tông này hấp thụ khí CO2 trong quá trình khô và làm cứng, thân thiện với môi trường, được đánh giá cao do sử dụng phế thải của các ngành sản xuất thép và thủy tinh.

Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn/Tietkiemnangluong (16/7/2019)

CO2 trong nhà có thể gây ra các vấn đề về thận và xương

Các nhà nghiên cứu cảnh báo CO2 trong phòng ngủ và văn phòng có thể ảnh hưởng đến nhận thức và gây ra các vấn đề về thận và xương. Vì vậy trồng cây cảnh trong nhà có thể giúp chúng ta giảm căng thẳng và làm việc hiệu quả hơn, vì cây cảnh có thể hấp thụ được không khí ô nhiễm.

Mặc dù các chất gây ô nhiễm không khí như các hạt nhỏ và oxit nitơ là chủ đề của nhiều nghiên cứu nhưng có rất ít nghiên cứu về tác động của CO2 đến sức khỏe con người.

Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu mới nhất cho biết ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy nồng độ CO2 có thể tìm thấy trong phòng ngủ, lớp học và văn phòng có thể gây hại đến cơ thể, trong đó ảnh hưởng đến xử lý nhận thức.

“Có đủ bằng chứng để quan ngại nhưng không đủ để báo động. Tuy vậy, không còn nhiều thời gian”, Giáo sư Michael Hernke, đồng tác giả của nghiên cứu thuộc Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) nhấn mạnh cần phải nghiên cứu thêm.

Viết trên tạp chí Nature Sustainability, Hernke và các đồng nghiệp cho biết họ đã xem xét 18 nghiên cứu về nồng độ CO2 mà con người tiếp xúc, cũng như tác động của nó đối với sức khỏe con người và động vật.

Theo truyền thống, nhóm nghiên cứu cho biết CO2 sẽ cần phải đạt đến nồng độ rất cao ít nhất 5.000 phần triệu (ppm) trước khi chúng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhưng một cơ quan nghiên cứu cho biết nồng độ CO2 thấp 1.000 ppm có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, ngay cả khi việc tiếp xúc chỉ kéo dài trong vài giờ.

CO2 trong phòng ngủ và văn phòng có thể ảnh hưởng đến nhận thức và gây ra các vấn đề về thận và xương.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết môi trường của các lớp học, văn phòng và phòng ngủ đông đúc hoặc thông gió kém đều có nồng độ CO2 vượt quá 1.000ppm và là không gian mà mọi người thường ở trong nhiều giờ. Cũng có phát hiện về nồng độ CO2 trong các đoàn tàu và máy bay có điều hòa vượt quá 1.000ppm.

“Hiện tại, môi trường trong nhà rất được quan tâm và đối với nhiều người, đó là nơi họ dành 60-80% thời gian của họ. Theo dự báo, 2.100 thành phố lớn có thể đạt tới nồng độ CO2 ngoài trời 1.000ppm trong năm” – Hernke nhấn mạnh.

Tiến sĩ Gary Fuller, một nhà khoa học về ô nhiễm không khí tại Đại học King (Anh) cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã đo nồng độ CO2 ở London trong thập kỷ qua. “Mặc dù nồng độ hiếm khi đạt tới 1.000ppm nhưng chúng thường vượt quá 750ppm trên những con đường đông đúc. Nếu chúng ta không giải phóng nhiệt và hạn chế giao thông thì nồng độ này sẽ tăng lên” – Tiến sĩ Gary Fuller nhấn mạnh.

Cây cảnh giúp giảm ô nhiễm không khí trong nhà

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ cho thấy rằng trồng cây cảnh trong nhà có thể giúp chúng ta giảm căng thẳng và làm việc hiệu quả hơn vì cây cảnh có thể hấp thụ được không khí ô nhiễm trong căn nhà của chúng ta.

Các nhà nghiên cứu đã liệt kê những cây cảnh thích hợp để trồng trong nhà và nơi làm việc bao gồm: cây thường xuân, những loại cây có lá sáp và cây thuộc họ dương xỉ.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2002, các chất ô nhiễm không khí trong nhà có thể gây ra một vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe của chúng ta.

WHO cho biết mỗi năm có hơn 1,6 triệu người chết liên quan tới ô nhiễm không khí trong nhà. Theo nghiên cứu ở một số nơi trên thế giới, mức độ ô nhiễm không khí trong nhà có thể cao gấp 12 lần so với mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời.

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà là do các hóa chất từ sơn tường, dầu bóng, keo dán, đồ nội thất, quần áo, dung môi, vật liệu xây dựng và thậm chí nước máy. Những hợp chất này sẽ phát tán vào không khí và có thể gây ảnh hưởng tới những người trong nhà.

Các nhà khoa học, thuộc Trường Đại học Georgia – Mỹ, đã tiến hành nghiên cứu tác dụng của một số loại cây cảnh trong việc giảm các chất gây ô nhiễm không khí trong nhà.

Nhóm nghiên cứu thử nghiệm 28 loài thực vật phổ biến được trồng làm cảnh trong nhà về khả năng loại bỏ các chất ô nhiễm dễ bay hơi năm trong nhà.

Trong những loài được thử nghiệm, thì những loại cây như cây thường xuân, cây có lá sáp và cây dương sỉ được đánh giá là có khả năng hấp thụ tốt nhất đối với các chất ô nhiễm không khí trong nhà và ở công sở.

Tiến sĩ Stanley Kays, người đứng đầu cuộc nghiên cứu này, cho rằng một số cây cảnh trồng trong nhà có khả năng loại bỏ hiệu quả các chất gây ô nhiễm không khí. Ngoài ra, việc đặt cây cảnh trong nhà có thể làm giảm căng thẳng, tăng hiệu suất làm việc và làm giảm các triệu chứng của sức khỏe kém.

“Các hợp chất dễ bay hơi được thử nghiệm trong nghiên cứu này là những chất có thể ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà và có nguy cơ gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe đối với những người hàng ngày phải tiếp xúc với chúng”, TS Stanley Kays cho biết. “Việc trồng cây cảnh trong nhà không chỉ có lợi cho sức khỏe của chúng ta, mà còn có những tác động tích cực đối với ngành công nghiệp cây cảnh vì điều này làm tăng nhu cầu sử dụng cây cảnh trong nhà”.

Theo Khánh Ly/moitruong.com.vn (10/7/2019)

Công nghệ plasma mới có thể tiêu diệt vi trùng gây bệnh trong không khí

Các nhà khoa học đang thử nghiệm công nghệ plasma mới có thể tiêu diệt 99,9% vi trùng gây chết người trong không khí.

Theo Bgr, bị cảm lạnh là một cảm giác thật khó chịu, và đôi khi không thể biết trước được thời gian và địa điểm bạn sẽ mắc phải chứng bệnh “đáng ghét” này. Bản chất của bệnh tật đến từ không khí và cảm lạnh là một trong số đó. Bạn chỉ đơn giản là thở và di chuyển để rồi cuối cùng nhiễm phải các thành tố gây cảm lạnh (hay bất cứ loại bệnh nào lây lan qua không khí).

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các khí như vậy có thể loại bỏ hiệu quả khoảng 99,9% virus trong không khí khi hai người tiếp xúc.

Giờ đây, một nghiên cứu mới kiểm tra tiềm năng của một loại khí đặc biệt để loại bỏ virus và vi khuẩn trong không khí. Các nhà khoa học cho biết nó có thể hạn chế các vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn nếu được sử dụng đúng cách.

Các nhà nghiên cứu đã khám phá các ứng dụng tiềm năng của cái được gọi là plasma không nhiệt, hay NTP. NTP là thuật ngữ được đặt cho các khí bao gồm các hạt tích điện, trong đó các hạt đã được cung cấp năng lượng nhưng bản thân khí vẫn mát, chẳng hạn như khí bên trong ánh sáng huỳnh quang.

Tuy nhiên, NTP không chỉ có ích trong việc chiếu sáng một căn phòng, và sức mạnh của chúng để tiêu diệt nhanh chóng các vi sinh vật đã được khai thác trong ngành công nghiệp thực phẩm cũng như các lĩnh vực y tế khác nhau.

Các khí được cung cấp năng lượng cực kỳ hiệu quả trong việc khử trùng, và các nhà các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các khí như vậy có thể loại bỏ hiệu quả khoảng 99,9% virus trong không khí khi hai người tiếp xúc.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một lò phản ứng plasma không nhiệt để kiểm tra tính khả thi của nó trong việc khử trùng một lượng lớn không khí, sử dụng nó trên hệ thống thông gió của một trang trại để xác định mức độ có thể loại bỏ mầm bệnh của không khí.

Hệ thống NTP dường như là một sự thay thế đầy hứa hẹn, hoặc có thể là sự tăng cường cho các hệ thống lọc không khí hiện có được sử dụng trong các không gian công cộng (nơi có nhiều người qua lại).

Trên thực tế, việc xây dựng và triển khai các hệ thống NTP trên quy mô lớn sẽ là một nỗ lực tốn kém cho bất kỳ thành phố lớn nào. Hơn nữa, các nhà khoa học vẫn phải thử nghiệm nhiều hơn để đảm bảo an toàn cho hệ thống đó.

Theo VnReview (5/7/2019)

Quỹ hỗ trợ cá nhân, tổ chức có các dự án đầu tư bảo vệ môi trường

Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam thông báo năm 2019 sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tượng cho vay là những tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư bảo vệ môi trường.

Trải qua hơn 17 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã thực hiện hỗ trợ tài chính cho hàng trăm dự án đầu tư bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc với số tiền hơn 2.600 tỷ đồng.

Quỹ hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong 02 ngày 05-06/7/2019, tại Hội trường thống nhất (Dinh Độc lập), thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị khách hàng năm 2019 với chủ đề “Hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Hội nghị là hoạt động thường niên của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn tài chính ưu đãi cho các chương trình, dự án bảo vệ môi trường từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Hội nghị cũng là diễn đàn trao đổi, giới thiệu công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là công nghệ xử lý nước thải, rác thải và những công nghệ hướng tới phát triển bền vững, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm khi thực hiện các dự án đầu tư bảo vệ môi trường.

Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hợp tác, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thực hiện các dự án về môi trường; góp phần quan trọng vào thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia vì các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Với mong muốn tiếp tục mang đến sự hỗ trợ tốt nhất về tài chính cho các đơn vị có dự án đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi năm 2019 như sau:

1. Đối tượng cho vay: Các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư bảo vệ môi trường.

2. Lãi suất vay: 2,6% – 3,6%/năm, cố định trong suốt thời gian vay (cụ thể theo từng lĩnh vực cho vay).

3. Số tiền cho vay: Tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Hiện tại, mức cho vay không quá 36,6 tỷ đồng đối với một dự án và không quá 73,2 tỷ đồng đối với một Chủ đầu tư.

4. Thời gian vay: Tối đa 10 năm.

5. Thời gian ân hạn: Tối đa 02 năm.

6. Lĩnh vực cho vay:

– Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500 m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.

– Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.

– Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung.

– Xử lý chất thải nguy hại, đồng xử lý chất thải nguy hại.

– Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.

– Sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường.

– Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.

– Quan trắc môi trường.

– Các lĩnh vực khác quy định tại Phụ lục III Nghị định 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và Phụ lục III Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2019).

7. Thủ tục vay vốn: Hồ sơ vay vốn theo Điều 11 Thông tư số 03/2017/TT-BTNMT ngày 21/3/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Khánh Ly (moitruong.com.vn/Quybaovemoitruongvietnam)

Làm sao để nhận biết các loại nhựa an toàn?

Để hạn chế rác thải nhựa, không ít người đã tận dụng các hộp nhựa, chai nhựa để đựng nước hay thực phẩm. Cách làm này liệu có an toàn cho sức khỏe?

Thông thường, dưới đáy các vật dụng bằng nhựa đều có ký hiệu tái chế, với các số từ 1 đến 7 và có các ký tự viết tắt như PETE, PP, PS,… Vì vậy, hãy dựa vào những ký hiệu này để biết được mức độ an toàn và chúng có thể tái chế được hay không. Từ đó có cách sử dụng hợp lý, an toàn cho sức khoẻ và góp phần bảo vệ môi trường.

Nhựa số 1 – PETE hoặc PET (Polyethylene Terephthalate):

Nhựa số 1 an toàn cho thực phẩm và rất dễ tái chế.

Nhựa số 1 an toàn cho thực phẩm và rất dễ tái chế. Bạn sẽ thấy ký hiệu số 1 ở đáy các chai nước ngọt, nước suối, dầu ăn, chai nước súc miệng, hoặc thực phẩm đóng hộp (bơ, nước sốt). Nhiều gia đình thường giữ các chai loại này lại để trữ nước lọc, nhưng ít ai chú ý đến bề mặt gồ ghề của chúng rất dễ tích tụ vi khuẩn. Điều này đồng nghĩa với độ an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ giảm dần sau mỗi lần tái sử dụng.

Nhựa số 2 – HDPE (High Density Polyethylene):

Nhựa số 2 có màu đục, bề mặt trơn tru nên khó tích tụ vi khuẩn, ít bị thấm nước và được đánh giá an toàn với thực phẩm. Bạn sẽ tìm thấy ký hiệu của nhựa số 2 trên các bình sữa cho trẻ em, bình nước trái cây, hộp ngũ cốc, hộp sữa chua, chai chứa chất tẩy rửa, chai dầu động cơ, chai dầu gội,… Nhựa số 2 dễ tái chế thành các loại bút, bàn, ghế, hàng rào, và chai đựng chất tẩy rửa.

Nhựa số 3 – V hoặc PVC (Vinyl):

Nhựa PVC có giá thành rẻ, độ dẻo cao, dễ nóng chảy nên hiếm khi được dùng tái chế. Đặc biệt, trong PVC có chứa một số chất độc như Phthalat, DEHA có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khoẻ người dùng. Vì thế, chúng ta tuyệt đối không dùng các sản phẩm làm từ PVC để đựng thực phẩm nóng, đun nấu và đốt.

Nhựa số 3 được sử dụng để làm màng bọc thực phẩm, áo mưa, thiết bị y tế, vật liệu xây dựng (ống nước, vỏ bọc dây điện), và một số loại chai, hộp. Nhiều hãng sản xuất trên thế giới đã tẩy chay PVC, nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện đồ chơi trẻ em làm bằng loại nhựa này, do đó các bậc phụ huynh cần lưu tâm đến chất liệu khi lựa chọn đồ chơi cho con mình.

Nhựa số 4 – LDPE (Low Density Polyethylene):

Nhựa số 4 thường được dùng để sản xuất các loại túi nhựa, các loại chai có thể ép, quần áo, thảm, giấy gói thực phẩm, hộp đựng thực phẩm,… Tuy LDPE được cho là an toàn với sức khoẻ nhưng nó lại không được dùng để tái chế.

Nhận biết loại nhựa an toàn cho sức khoẻ bằng những con số dưới đáy hộp

Nhựa số 5 – PP (Polypropylene):

PP được xem là người bạn thân thiện với con người và môi trường vì nó an toàn với thực phẩm và rất dễ tái chế. Hộp sữa chua, chai đựng nước lọc, lọ đựng thuốc, chai đựng nước si rô hoặc nước sốt cà chua, tương ớt, ống hút, chai thuốc… đều được sản xuất từ nhựa số 5.

Nhựa PP có khả năng chịu nhiệt lên đến 130°C và được cho là có thể sử dụng trong lò vi sóng nếu bạn kiểm soát được nhiệt độ an toàn, tránh thôi nhiễm chất độc ra thức ăn. PP thường được tái chế thành chổi, thùng rác, tấm ván, các đèn tín hiệu, kệ tủ,…

Nhựa số 6 – PS (Polystyrene):

Nhựa số 6 thường thấy ở các loại hộp, chén, dĩa dùng một lần . Khi sử dụng những sản phẩm này, chúng ta không nên đựng thực phẩm nóng, thực phẩm có chất kiềm và acid mạnh, vì PS sẽ bị phân giải gây hại cho cơ thể.

Nhựa PS, cũng như các sản phẩm làm từ PS không được ủng hộ sử dụng vì rất khó tái chế và có hại cho môi trường.

Nhựa số 7 – Các hợp chất khác:

Sản phẩm có ký hiệu số 7 là tập hợp của các chất không thuộc 6 loại kể trên. Polycarbonat (PC) được sử dụng nhiều trong nhựa số 7 và có khả năng gây hại nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Mặc dù trên thị trường rất hiếm gặp các loại hộp đựng thực phẩm và đồ gia dụng làm từ nhựa số 7, nhưng mọi người cần lưu ý khi chọn mua. Bên cạnh đó, hầu hết các chương trình tái chế đều không chấp nhận loại nhựa này.

VNCPC (tổng hợp)

Thực phẩm mới được sản xuất từ nước và không khí

Tờ The Guardian ngày 30.6 đưa tin công ty Solar Foods tại Phần Lan sẽ sản xuất thực phẩm từ nước và không khí bằng phương pháp điện phân, với số lượng tương đương 50 triệu suất ăn để bán ra trong 2 năm tới.

Công ty đang phối hợp với Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) nhằm cung cấp cho các phi hành gia du hành đến sao Hỏa trong tương lai, sau khi phát minh ra cách chế tạo thực phẩm giàu protein có vị giống bột mì, với giá 5 euro (133.000 đồng)/kg.


Bột Solein của công ty Solar Foods.

Solar Foods được sự hỗ trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật VTT và Đại học công nghệ Lappeenranta. Dự kiến công ty sẽ nộp đơn xin EU cấp phép ngay trong năm nay để có thể sản xuất trên quy mô công nghiệp vào năm 2021.

Loại bột trên có tên gọi là Solein có thể được dùng làm nguyên liệu chế biến các món ăn hoặc được xử lý để có cấu trúc giống thịt hay bánh mì.

Theo các nhà nghiên cứu, Solein được sản xuất theo quy trình tương tự như chưng cất bia, khi sử dụng vi khuẩn đưa vào chất lỏng chứa bọt khí CO2 và hydro được tách ra từ nước bằng phương pháp điện phân.

Các vi khuẩn sau đó sẽ sản sinh protein để sấy khô và tạo thành bột. Tuy nhiên, chi tiết về loại vi khuẩn trên không được công bố.

“Đó là một loại thực phẩm, protein hoàn toàn mới, khác với tất cả thực phẩm trên thị trường vì cách sản xuất không cần nông nghiệp hay thủy canh”, theo tiến sĩ Pasi Vainikka, Tổng giám đốc Solar Foods.

Theo ông, loại thực phẩm thân thiện với môi trường này sẽ không cạnh tranh với nông dân trong thời gian tới mà là “sự thu hoạch mới”. Hiện 3/4 thực phẩm trên thế giới có nguồn gốc từ 12 loài thực vật và 5 loài động vật.

Theo Thanhnien.vn (30/6/2019)