VNCPC tham gia chuỗi hội thảo Công bố kết quả hỗ trợ kỹ thuật về KCNST

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng Ban quản lý các Khu công nghiệp thuộc thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ và tỉnh Ninh Bình tổ chức chuỗi hội thảo Công bố kết quả hỗ trợ kỹ thuật về Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) cho doanh nghiệp và cộng đồng, tại mỗi tỉnh, thành phố.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ban, ngành và các doanh nghiệp tham gia dự án tại 3 địa phương. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Triển khai sáng kiến Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”. Tại hội thảo, VNCPC đại diện đơn vị tư vấn đã báo cáo các kết quả hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dự án sau gần 4 năm thực hiện.

Đại diện Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) báo cáo các kết quả hỗ trợ doanh nghiệp tham gia dự án sau gần 4 năm thực hiện.

Theo đó, dự án đã đạt được kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức về KCNST, thúc đẩy các doanh nghiệp trong các KCN đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp sử dụng Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đặc biệt là vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả hơn… Trên cơ sở các kết quả tích cực của sáng kiến KCNST, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, ngày 22/5/2018 quy định về quản lý KCN và KKT, trong đó nêu rõ khái niệm, tiêu chí KCNST và phân công trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc hướng dẫn phát triển KCNST.

Đại diện của Ban quản lý KCN đã đánh giá cao những hỗ trợ của dự án.

Đại diện của Ban quản lý KCN đã đánh giá cao những hỗ trợ của dự án và khẳng định những giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) đã được hầu hết các doanh nghiệp thực hiện, mang lại nhiều lợi ích về sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên (điện, nước, nhiên liệu, nguyên liệu, hóa chất), giúp tăng lợi ích kinh tế và giảm phát thải ra môi trường, cũng như cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân.

Cụ thể, tại Ninh Bình, trong số 15 doanh nghiệp tham gia dự án, có 13 doanh nghiệp đã áp dụng và duy trì 185 trên tổng số 213 giải pháp RECP (chiếm 86,9%). Trong đó, các giải pháp liên quan đến tiết kiệm điện chiếm tới 50,2%, tiếp đó là các giải pháp về tiết kiệm nước, nhiên liệu, nguyên liệu, hóa chất, giảm thiểu tác động môi trường.

Chuỗi hội thảo đã thu hút được sự tham gia của BQL các khu công nghiệp và đông đảo các doanh nghiệp.

Kể từ cuối năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp tại Ninh Bình đã đầu tư thêm 5,56 tỷ đồng cho các giải pháp RECP, từ đó, giúp tiết kiệm khoảng 5.400 MWh điện; 11.715 m3 nước; 42 tấn LPG và 3.982 tấn than và 507 tấn củi, với tổng lợi ích về kinh tế khoảng 25 tỷ đồng…

Tại Đà Nẵng, 15 doanh nghiệp trong tổng số 25 doanh nghiệp tham gia dự án đã duy trì thực hiện 182 trên tổng số 208 các giải pháp RECP. Tính từ cuối năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư thêm 15,5 tỷ đồng cho các giải pháp RECP và đã tiết kiệm khoảng 4.555 MWh điện; 188.800 m3 nước; 2.108 tấn hóa chất; 3 tấn LPG và 1.288 tấn củi, với tổng lợi ích về kinh tế khoảng 13,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn giảm đáng kể lượng nước thải, CO2, chất thải rắn và các hợp chất phát thải nguy hiểm vào môi trường…

Tương tự, tại Cần Thơ, 26 doanh nghiệp đã đầu tư thêm số vốn là 17 tỷ đồng cho việc thực hiện và duy trì các giải pháp RECP từ cuối năm 2017 đến nay và lợi ích kinh tế thu về là khoảng 33,5 tỷ đồng, nhờ việc tiết kiệm đáng kể điện, nước, cũng như giảm phát thải…

VNCPC

WWF cảnh báo nguy cơ gia tăng rác thải nhựa vào năm 2030

Mới đây, Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã đưa ra Báo cáo về vấn đề rác thải nhựa, trong đó cảnh báo, đến năm 2030, sẽ có thêm 104 triệu tấn rác thải nhựa có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, nếu như không có giải pháp hiệu quả. Việt Nam được xem là một trong những quốc gia thải ra biển lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới.

Theo WWF, lượng rác thải nhựa hiện đang hủy hoại môi trường, tàn phá hệ sinh thái và các loài động, thực vật thủy sinh. Báo cáo cho biết, có hơn 270 loài bị tổn thương do vướng phải rác thải nhựa và 240 loài được ghi nhận là nuốt phải rác nhựa, nhất là các mẩu vụn. Đồng thời, Báo cáo cũng chỉ rõ, lượng rác thải ngày càng tăng, trong khi công tác quản lý rác thải chưa hiệu quả, càng làm gia tăng lượng phát thải khí ra môi trường. Dự đoán, đến năm 2030, tổng lượng phát thải khí CO2 theo vòng đời của nhựa sẽ tăng 50% và lượng khí CO2 thải ra cũng tăng gấp 3 lần do việc đốt rác thải.

Rác thải nhựa hiện đang hủy hoại môi trường, tàn phá hệ sinh thái và các loài động, thực vật thủy sinh.

Ngoài ra, Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hiện nay, trách nhiệm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa chủ yếu thuộc về người tiêu dùng và cơ quan quản lý rác thải, những nỗ lực này sẽ không hiệu quả trừ phi tất cả các bên liên quan đến hoạt động quản lý, sản xuất và thải bỏ các sản phẩm nhựa cùng hành động.

Tại cuộc họp UNEA, WWF sẽ kêu gọi các quốc gia đàm phán về một hiệp định quốc tế có tính pháp lý về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Hiệp định này cần xác định các mục tiêu quốc gia và có một hệ thống báo cáo minh bạch để các doanh nghiệp có thể áp dụng. Thêm vào đó, hiệp định cần có quy định về hỗ trợ tài chính và kỹ thuật đối với các quốc gia có thu nhập thấp.

Phương Tâm/tapchimoitruong.vn

Biến sóng biển thành năng lượng sạch

Một công nghệ năng lượng từ sóng biển đang được nhóm kỹ sư Trường Đại học Edinburgh và Ý hợp tác phát triển có thể giúp tạo ra điện giá rẻ cho hàng ngàn người dân.

Thiết bị này có giá thấp hơn so với các thiết kế thông thường, có ít bộ phận chuyển động hơn và được làm bằng các loại vật liệu bền. Nó có thiết kế tích hợp vào các hệ thống năng lượng đại dương hiện có và có thể chuyển đổi năng lượng sóng biển thành điện năng.

Các thử nghiệm mô hình hóa đại dương quy mô nhỏ cho thấy phiên bản kích cỡ thực của thiết bị này có thể tạo ra công suất tương đương 500kW, đủ điện dùng cho khoảng 100 ngôi nhà. Các kỹ sư nói rằng thiết kế của họ có thể được sử dụng cho các nhu cầu giá rẻ, có các kết cấu dễ bảo trì trên biển trong nhiều năm, để tận dụng sóng mạnh của vùng biển Scotland.

Nhóm kỹ sư đặt tên cho thiết bị của họ là Dielectric Elastomer Generator (DEG). Thiết bị này sử dụng các màng cao su dẻo. Nó được thiết kế đặt trên đỉnh của một ống trục thẳng đứng, khi đặt dưới biển, một phần chứa đầy nước dâng lên và rơi xuống theo chuyển động sóng.


Mô hình công nghệ năng lượng từ sóng biển đang được nhóm kỹ sư Trường Đại học Edinburgh và Ý hợp tác nghiên cứu.

Khi sóng truyền qua ống, nước bên trong đẩy không khí bị kẹt ở trên để bơm căng phồng và thoát hơi, máy phát điện nằm trên đỉnh thiết bị. Khi màng cao su phồng căng, sẽ tạo ra điện áp. Nó sẽ gia tăng khi màng cao su xẹp hơi xuống và sinh ra điện. Trong một thiết bị thương mại, điện này sẽ được “vận chuyển” vào bờ qua hệ thống cáp điện dưới nước.

Phiên bản thu nhỏ của hệ thống đã được thử nghiệm tại nhà máy FloWave thuộc Trường Đại học Edinburgh. Nó giống một cái bể tròn, đường kính 25m, có thể khai thác năng lượng sóng biển và hải lưu để tạo ra điện. Hệ thống này có thể thay thế các thiết kế thông thường, liên quan đến các tuabin khí phức tạp và các bộ phận chuyển động đắt tiền.

Năng lượng sóng là nguồn tài nguyên có giá trị xung quanh bờ biển Scotland và việc phát triển các hệ thống khai thác nguồn năng lượng này có thể đóng vai trò quý giá trong việc tạo ra năng lượng sạch cho các thế hệ tương lai, GS David Ingram, Trường Đại học Edinburgh, nói.

Theo Congthuong.vn (4/3/2019)

Hướng mới tái chế các sản phẩm nhựa dùng một lần

Với quy trình mới, PET tái chế được nâng cấp thành các vật liệu tổng hợp có giá trị cao, thậm chí có thể được sử dụng để sản xuất trong các linh kiện xe hơi, cánh quạt tuabin gió hoặc ván lướt sóng.

Các nhà khoa học Mỹ đang phát triển một giải pháp hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn để tái chế các sản phẩm nhựa dùng một lần vốn được làm từ vật liệu polyester thông thường. Không chỉ giúp giảm thiểu được lượng rác thải nhựa, nghiên cứu này còn khởi động thị trường nhựa tái chế.

Các sản phẩm nắp hộp nhựa phế thải tại một nhà máy tái chế gần Marseille, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Joule ra ngày 27/2, các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia Mỹ (NREL) đã kết hợp polyethylene terephthalate (PET) tái chế với các phân tử có nguồn gốc từ sinh khối thực vật bỏ đi để sản xuất hai loại nhựa được gia cố theo dạng sợi, bền gấp hai đến ba lần so với PET ban đầu (PET là nhựa nhiệt dẻo, thuộc loại nhựa polyester và được dùng trong tổng hợp xơ sợi).

PET là vật liệu nhẹ, bền và chịu nước, được sử dụng rộng rãi trong các đồ dùng như chai nước giải khát, quần áo và thảm. Nó có thể tái chế, nhưng dường như có độ bền thấp hơn so với bản gốc và chỉ có thể tái sản xuất một hoặc hai lần.

Theo ông Gregg Beckham, tác giả chính của nghiên cứu trên, tái chế PET tiêu chuẩn ngày nay về cơ bản là giảm giá trị (tái chế xuống cấp). Song với quy trình mới, PET tái chế được nâng cấp thành các vật liệu tổng hợp có giá trị cao, thậm chí có thể được sử dụng để sản xuất trong các linh kiện xe hơi, cánh quạt tuabin gió hoặc ván lướt sóng.

Mặc dù vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, song các nhà khoa học dự đoán sản phẩm tổng hợp này sẽ cần ít hơn 57% năng lượng so với quy trình tái chế hiện tại và thải ít hơn 40% khí gây hiệu ứng nhà kính so với sản xuất nhựa gia cố sợi tiêu chuẩn. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn phải kiểm tra quy trình này trước khi có thể mở rộng sản xuất.

Theo TTXVN (1/3/2019)

Biến CO2 thành than ở nhiệt độ thường

Trong nghiên cứu được đăng tải trên Nature, các tác giả tuyên bố công nghệ của mình mang tới cách thức loại bỏ CO2 “an toàn và vĩnh viễn”.

Các nhà khoa học vừa thành công trong việc biến khí CO2 ngược thành than rắn, thành tựu mới đưa những nỗ lực giảm thiểu khí thải, hạn chế biến đổi khí hậu lên một tầm cao hơn toàn mới. Đội ngũ nghiên cứu dẫn dắt bởi Đại học RMIT phát triển thành công kỹ thuật mới, áp dụng phương pháp điện phân kim loại trong dung dịch để biến CO2 thành những hạt carbon rắn tại nhiệt độ phòng.

Trước đây, những cách thức biến CO2 dạng khí thành dạng rắn đều cần tới nhiệt độ cực cao, không thể áp dụng đại trà.

Trong nghiên cứu được đăng tải trên Nature, các tác giả tuyên bố công nghệ của mình mang tới cách thức loại bỏ CO2 “an toàn và vĩnh viễn”.

Những kỹ thuật thu nạp carbon hiện tại chủ yếu là biến carbon dạng khí thành chất lỏng rồi lưu trữ bằng các cách khác nhau. Tuy nhiên, có hai trở ngại: về mặt kinh tế và mối nguy hại khi chất lỏng rò rỉ ra khỏi khu vực lưu trữ.

Nhưng với cách thức mới, khí thải biến thành những khối carbon rắn, gần như là một loại than. Việc cất trữ sẽ dễ dàng hơn nhiều và rất có thể, ta còn có thể tái sử dụng chúng.

Để biến hóa CO2 thành dạng rắn, các nhà nghiên cứu sử dụng chất xúc tác là dung dịch kim loại, có bề mặt dung dịch được thiết kế đặc biệt để dẫn điện hiệu quả. Điện sẽ được đưa vào carbon dioxide nằm trong một cốc thí nghiệm chứa dung dịch điện phân cùng với một phần nhỏ dung dịch kim loại. CO2 sẽ dần biến thành những mảng rắn qua thử nghiệm điện phân.

Giáo sư Torben Daeneke, nhà nghiên từ RMIT cho hay: “Chúng ta không thể đảo ngược thời gian, nhưng việc biến carbon dioxide thành than rồi lại chôn xuống đất quả là đi ngược lại với những gì con người vẫn làm”.

“Cho tới nay, ta mới chỉ có thể biến CO2 thành dạng rắn bằng nhiệt độ cực cao, vì vậy khó có thể tăng quy mô quá trình xử lý CO2. Bằng việc sử dụng chất xúc tác là dung dịch kim loại, chúng tôi tạo ra quá trình mới hiệu quả và có khả năng biến thành dây chuyền lớn”.

Daeneke công nhận vẫn phải cần thêm các nghiên cứu chuyên sâu, nhưng đây là bước tiến đầu tiên rất đáng kỳ vọng.


Hai giáo sư RMIT là Torben Daeneke và Dorna Esrafilzadeh.

Giáo sư Dorna Esrafilzahed, trưởng ban nghiên cứu nói về việc tận dụng sản phẩm carbon tạo ra vào việc sản xuất điện cực.

“Có một lợi ích nữa của quá trình biến đổi khí carbon dioxide mới, đó là nó có thể giữ được dòng điện, biến được thành một siêu tụ, vì thế có thể đưa nó vào những hệ thống phương tiện của tương lai”.

Cô nói thêm: “Quá trình ‘rắn hóa’ carbon dioxde cũng tạo ra phụ phẩm là nhiên liệu tổng hợp, có thể dùng trong các ngành công nghiệp”.

Mọi thứ dường như quá hoàn hảo để thành sự thật.

Theo tapchicongthuong.vn (1/3/2019)