Chỉ cần có ánh sáng Mặt trời, có ngay nước sạch 100%

Mới đây nhất, các nhà khoa học của Australia đã sáng chế ra một loại vật liệu mới, chỉ cần sử dụng ánh sáng Mặt trời thiết bị lọc nước có thể khử được gần như 100% các loại vi khuẩn gây bệnh.

Khử độc chỉ cần ánh sáng Mặt trời

Trong một thử nghiệm của mình tại trường Đại học Công nghệ Sydney (Australia), các nhà khoa học này đã sử dụng ánh sáng Mặt trời và một loại vật liệu mới phát minh đã có thể sẵn sàng lọc nước sạch gần như tuyệt đối, phục vụ đủ nhu cầu về nước của 4 người trưởng thành trong một ngày.

Loại vật liệu kỳ diệu này chính là một tấm graphitic carbon nitride 2D – một chất quang xúc tác. Chất quang xúc tác này giải phóng electron khi ánh sáng chiếu vào, cho ra những chất hóa học có gốc oxy mang theo khả năng diệt khuẩn cấp độ cao.

Chất hóa học có khả năng tiêu diệt vi khuẩn mới có một điểm khiến nó vượt trội hơn hẳn những cách lọc nước khác như: các chất quang xúc tác đều chứa kim loại, và khi tan vào trong nước nó sẽ khiến nước bị nhiễm độc.

Còn những vật liệu khác không chứa kim loại như tấm vật liệu 2D được các nhà khoa học Đại học Công nghệ Sydney sử dụng trong nghiên cứu không gây độc tính, tuy nhiên lại không được hiệu quả bằng những thứ vật liệu rò rỉ kim loại ra nước bởi vì chúng giữ electron rất chặt.

Trong khi nghiên cứu và thực hành thí nghiệm, nhà khoa học vật chất Guoxiu Wang tại ĐH Công nghệ Sydney cùng các cộng sự của mình đã tạo một tấm graphitic carbon nitride siêu mỏng, thêm những thành phần hóa học như axit hay xeton để thu hút các electron ra rìa tấm vật liệu. Tại rìa các tấm vật liệu, các electron nhảy lên các nguyên tử oxy có trong nước và biến thành một sự kết hợp tiêu diệt vi khuẩn như hydro peroxide.

An toàn tuyệt đối

Hiện nay, cả nhân loại chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không chỉ ở các quốc gia nghèo, đang phát triển mà ngay thậm chí tại các quốc gia phát triển thì môi trường cũng đang đương đầu hết sức khó khăn.

Đặc biệt, vấn đề nhân đạo đang đặt ra trước mắt chúng ta khi hàng năm có tới khoảng gần 1 triệu người tử vong do sử dụng nguồn nước nhiễm khuẩn.

Chỉ tính riêng châu Phi, hàng năm có khoảng 3,5 triệu người dân đã phải bỏ mạng liên quan đến nước uống không an toàn, vệ sinh kém và các tập tục vệ sinh không đạt chuẩn.

Với thiết bị lọc nước mới của các nhà khoa học

Australia, có tới 99,9999% vi khuẩn bị tiêu diệt bởi ánh sáng Mặt trời, trong đó có cả khuẩn E.coli. Ngoài ra, thời gian lọc nước của vật liệu thiết bị này nhanh gấp đôi so với những thiết bị lọc nước thông thường hiện nay.

Ví dụ, thiết bị lọc nước thông thường muốn lọc được 10 lít nước thì phải mất tới hơn 1 giờ, trong khi đó thiết bị lọc mới có thể lọc được 10 lít nước trong vòng nửa giờ.

“Mục đích của chúng tôi là phát triển thiết bị sử dụng ánh sáng Mặt trời để lọc nước sạch gần như tinh khiết để đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống tại các quốc gia nghèo, chưa phát triển hoặc những vùng xa xôi hẻo lánh khó tiếp cận với nguồn nước sạch”, ông Guoxiu Wang cho biết.

Bên cạnh đó, ông Wang cũng khẳng định rằng, các thành phần nito và carbon được sử dụng trong thí nghiệp thì hoàn toàn không hề tốn kém. Trong tương lai gần, Wang và các cộng sự của mình đang muốn nhân rộng mô hình lọc nước kiểu mới phục vụ cho mục đích nhân đạo và cả thương mại.

Theo antd.vn (27/2/2019)

Công nghệ Lakos: Biến nước biển thành nước ngọt

Hệ thống xử lý nước do Việt Thái Sinh cung cấp có khả năng đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho nhà máy, khu công nghiệp, tàu thuyền đánh cá xa bờ, hải đảo, vùng nhiễm mặn.

Hiện nay, thiếu nước là vấn đề lớn của thế giới và tiết kiệm nước đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi tốc độ ô nhiễm nguồn nước và tình trạng sử dụng lãng phí của con người ngày càng tăng. Ngay cả quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc như Việt Nam cũng rơi vào tình trạng thiếu nước.

Theo thống kê của Hiệp hội tài nguyên nước quốc tế (IWRA), xét về nguồn nước nội địa, Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới với 3.600m³/người/năm, ít hơn 400m³/người/năm so với mức bình quân toàn cầu. Thậm chí, theo Bộ Tài nguyên Môi trường, đến năm 2025, lượng nước bình quân đầu người Việt Nam chỉ còn một nửa con số này. Theo đó, cứ mỗi 3 người Việt Nam thì có 1 người sống trong tình trạng thiếu nước sạch để sinh hoạt.

Bên cạnh đó, cùng với tốc độ đô thị hóa, sự phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa thì nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng nề. Ngoài ra, với tình trạng khai thác quá mức nguồn nước ngầm dẫn đến suy thoái, cạn kiệt ở một số tầng chứa nước, làm gia tăng diện tích nhiễm mặn, sụt lún mặt đất và đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày của người dân, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực tế cho thấy một thực trạng đáng báo động, đó là nước sạch đang dần cạn kiệt ở nhiều nơi trên thế giới. Trong một tương lai không xa, khi việc khan hiếm nước lan đến những quốc gia phát triển và cả những vùng đô thị lớn thì giải pháp để mang lại nguồn nước sạch cho người dân sử dụng sẽ là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Quang – Giám đốc Việt Thái Sinh cho biết đơn vị này đang triển khai ứng dụng một sản phẩm mới với nhiều ưu điểm vượt trội, đó là hệ thống xử lý nước cấp của Lakos (Mỹ).

Hệ thống bao gồm đầu hút, thiết bị tách cặn/phù sa và thiết bị lọc áp lực. Đầu hút có tính năng tự động xả rửa lưới chặn rác, ngăn ngừa khả năng chết máy đột xuất, bảo vệ bơm khỏi các hư hại do tích tụ cặn bẩn và bọt khí. Bộ phận tách cặn/phù sa ứng dụng công nghệ lọc ly tâm có khả năng tách cát, bùn, phù sa mà không cần dùng đến lưới lọc, lõi lọc để lọc cặn; loại bỏ 98% các chất bẩn trên 50 micron; xả thải tự động; không cần sử dụng hóa chất, không phải súc rửa;…

Thiết bị lọc áp lực Lakos là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong quy trình xử lý nước thô, có thể loại bỏ tạp chất trong nước có kích thước trên 5 micron, không dùng hóa chất gây nguy hại môi trường, tự động vệ sinh, súc rửa khi lọc bị bẩn, hoàn toàn không tốn nhân công cũng như chi phí bảo trì, tiết kiệm diện tích lắp đặt do thiết bị nhỏ gọn.

Hệ thống ứng dụng được cho nhiều dạng nguồn nước đầu vào: nước sông, nước giếng, nước ao hồ, có công suất được thiết kế đa dạng tùy theo nhu cầu 240 – 500.000 m3/ngày.

Hệ thống xử lý nước Lakos sử dụng công nghệ gia tốc chuyên biệt tạo lực ly tâm để thu gom, đẩy cặn bẩn xuống phần dưới của thiết bị rồi thoát ra ngoài. Trong đó, công nghệ gia tốc giúp tạo ra tác dụng tối ưu của thiết bị, bảo vệ tối đa các hệ thống xử lý nước khỏi tác động của các chất rắn không mong muốn, kết hợp cùng kiểu thiết kế tiên tiến (được cấp bằng sáng chế của LAKOS), giúp hệ thống có khả năng loại bỏ cát, vụn và các chất rắn khác có trong nước, loại bỏ 98% các chất rắn lơ lửng có kích thước 74 micron (200 mesh) và lớn hơn. Với các chất rắn nặng hơn (vụn kim loại, chì ..) thì hiệu suất tách cặn sẽ cao hơn. Hệ thống tách cặn với tính năng lọc ly tâm độc đáo này là giải pháp tuyệt vời cho các yêu cầu lọc hiện nay.

Không chỉ thế, ưu điểm của hệ thống xử lý nước Lakos là thiết bị vận hành dễ dàng, lọc sạch nước và có tính năng gom cặn và tự xả ra ngoài mà bị không cần rửa ngược. Với những đầu nối vào, ra có khớp nối giúp dễ dàng lắp đặt ở những nơi bị hạn chế không gian, thiết bị còn được thiết kế theo dạng ứng dụng những khe xoáy bên trong tạo gia tốc để tối đa hóa khả năng tách cặn mà tránh được giảm áp lực nước, giúp giảm thất thoát nước.

Ông Lê Văn Quang khẳng định, việc ứng dụng công nghệ sẽ mang lại hiệu quả vượt trội như giảm được chi phí đầu tư xử lý nước cấp; giảm diện tích lắp đặt; giảm chi phí vận hành; không dùng hóa chất ảnh hưởng môi trường, sức khỏe con người; đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của nước đầu ra. Việt Thái Sinh sẵn sàng hợp tác với các đơn vị tại địa phương nhằm ứng dụng công nghệ này một cách phù hợp. Cụ thể, sắp tới công ty có hướng hợp tác với các nhà máy nước ở Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh,… triển khai chạy demo, ứng dụng thử nghiệm để vừa chia sẻ chi phí, vừa có thể kiểm chứng hiệu quả trước khi lắp đặt sử dụng. Quan điểm của Việt Thái Sinh là làm sao đưa được giải pháp công nghệ phù hợp giúp người dân xử lý hạn mặn, nếu công nghệ giá rẻ mà không sử dụng được hoặc sử dụng không ổn định thì vẫn là mắc.

Việt Thái Sinh cũng rất quan tâm hướng đến việc ứng dụng công nghệ mới để giải quyết khó khăn của người dân tại các vùng sâu, vùng xa, đem lại lợi ích chung cho cộng đồng. Cụ thể, với đề án “Thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 – 2020” đã được Chính phủ phê duyệt, một trong những mục tiêu của đề án là xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường theo hướng huy động nguồn lực và sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị – xã hội. Trong đó, nước sạch ở các vùng nông thôn, hải đảo đang là vấn đề bức xúc, cần ưu tiên giải quyết bằng con đường ứng dụng khoa học – công nghệ. Việt Thái Sinh tập trung tham gia các nội dung thuộc nhiệm vụ xây dựng các mô hình cấp nước sạch nông thôn tập trung; cấp nước uống cho trường học, trạm y tế ở các xã đảo; các tàu đánh bắt xa bờ.

Qua đó, hàng loạt công trình lọc nước lợ đã được Việt Thái Sinh lắp đặt chuyển giao tại Ninh Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang; cùng nhiều máy lọc nước biển cho các tàu đánh bắt xa bờ (ở Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang), tàu hải quân (Khánh Hòa), tàu cảnh sát biển (Cần Thơ), tàu kiểm ngư (Hải Phòng, Hà Nội),…

Với cách tiếp cận đúng đắn, hoạt động chuyển giao công nghệ của Việt Thái Sinh nhận được hỗ trợ từ nhiều nguồn, trong đó có những hỗ trợ giúp mở rộng cơ hội chuyển giao công nghệ ứng dụng vào thực tế khi tham gia Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM – Techmart Daily do Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN (CESTI) quản lý.

Theo Pcworld.vn (25/2/2019)

Tiến sĩ người Việt công bố đột phá về pin mặt trời

Nhóm nghiên cứu của tiến sỹ Nguyễn Trọng Hiếu tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), trường đại học hàng đầu của Australia và thế giới, mới đây đã công bố một loạt phát hiện đột phá có thể giúp cách mạng hóa công nghệ năng lượng Mặt trời.

Thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam cho biết, trong khi đa số các nghiên cứu tập trung vào cải thiện chất lượng của phần lõi bên trong pin Mặt trời, nhóm nghiên cứu của tiến sỹ Trọng Hiếu tập trung vào lớp màng mỏng bên trên của pin, vốn mỏng hơn vài nghìn lần so với tóc người. Lớp vỏ mỏng này dùng để dẫn điện từ pin và bảo vệ phần lõi.

Đầu năm 2018, nhóm nghiên cứu phát hiện lớp vỏ mỏng này có thể phát ra ánh sáng rất đặc biệt. Họ nhanh chóng nhận ra sự hiện diện của các nguyên tử hydro làm thay đổi đáng kể các đặc tính của ánh sáng này. Đây là thông tin mà sau đó có thể được sử dụng để tìm hiều những gì xảy ra bên trong lớp màng mỏng.

Cuối năm 2018, nhóm tiếp tục tìm ra ra một phương pháp để tích hợp các nguyên tử hydro vào lớp màng này để cải thiện chất lượng của toàn bộ pin. Trong tự nhiên, hydro thường tồn tại ở dạng phân tử (hai nguyên tử liên kết với nhau).


Nhiều quốc gia chọn pin mặt trời như một nguồn năng lượng chủ đạo.

Nhóm nghiên cứu đã khắc phục điều này bằng cách đặt một vật liệu khác có nhiều hydro nguyên tử lên trên lớp màng, sau đó đẩy các nguyên tử hydro riêng lẻ vào trong màng bằng cách làm nóng mẫu ở 400 độ C. Tiến sỹ Hiếu cho biết khi các nguyên tử hydro được “tiêm” vào lớp màng, thay vì lõi tế bào, hiệu suất của toàn bộ pin được tăng lên đáng kể.

Những khám phá này chắc chắn sẽ giúp sản xuất pin Mặt trời silicon mạnh hơn và hiệu quả hơn bởi các nhà khoa học đã biết cách điều khiển hàm lượng hydro bên trong lớp màng để có pin Mặt trời tốt hơn.

Năng lượng mặt trời là loại năng lượng rẻ, sạch bậc nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, loại năng lượng này lại đang ẩn hiện một thảm họa môi trường.

Bởi lẽ, khi các tấm pin mặt trời lão hóa, các quốc gia đang sử dụng loại này làm một trong những nguồn năng lượng chính sẽ phải đối diện với một “quả bom rác” khổng lồ.

Tiêu biểu như trường hợp của Trung Quốc. Đây là quốc gia có số lượng nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới với tổng công suất lên tới gần 80 GW vào năm 2016, gần gấp đôi so với Mỹ.

Trang tin Business Insider cho hay, hồi đầu năm 2017, Bắc Kinh tuyên bố sẽ dành 361 tỷ USD đầu tư cho năng lượng tái tạo (bao gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện và điện hạt nhân) vào năm 2020. Đến năm 2022, Trung Quốc dự tính đạt 320 GW công suất năng lượng từ gió và mặt trời, cùng với 340 GW năng lượng từ thủy điện. Đến năm 2030, nước này muốn tạo ra 1/5 năng lượng từ các nguồn tái tạo.

Tuy nhiên, các tấm pin mặt trời có tuổi thọ tương đối ngắn, trong khi Chính phủ Trung Quốc lại chưa có kế hoạch “nghỉ hưu” nào cho chúng. Ông Lu Fang, đại diện Hiệp hội Năng lượng Tái tạo Trung Quốc, ước tính tới năm 2040, khối lượng các tấm pin mặt trời quá hạn sử dụng tại nước này dự kiến sẽ lên tới 20 triệu tấn – tương đương gấp 2.000 lần trọng lượng của tháp Eiffel.

Một nhà máy điện mặt trời ở Trung Quốc

Theo Cục Năng lượng Mỹ, tuổi thọ của một tấm pin mặt trời dao động từ 20 – 30 năm, tùy thuộc vào môi trường sử dụng. Ông Tian Min, Tổng giám đốc Nanjing Fangrun Materials – công ty chuyên tái chế tấm năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng, đặt tại tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc – đánh giá, ngành điện mặt trời là một quả bom hẹn giờ đang đếm ngược.

“Quả bom này sẽ nổ tung trong 2 – 3 thập kỷ tới và là hiểm họa khủng khiếp đối với môi trường”, ông Tain nói. “Đó là bãi rác khổng lồ không dễ tái chế”.

Một tấm pin mặt trời chứa các kim loại như chì, đồng, nhôm, với các tế bào năng lượng mặt trời làm từ tinh thể silicon và được bọc trong lớp nhựa dày để bảo vệ. Tại châu Âu, đã có một số công ty phát triển được công nghệ tinh vi cho phép thu hồi hơn 90% các vật liệu này, tuy nhiên giá cả của công nghệ này là vấn đề lớn.

Các nhà máy điện mặt trời của Trung Quốc đa phần được đặt tại những vùng sâu vùng xa như Gobi ở Mông Cổ, trong khi các công ty tái chế chủ yếu nằm ở những nơi phát triển dọc vùng duyên hải. Do đó, việc vận chuyển các tấm pin mặt trời hết hạn trên quãng đường xa như vậy cũng vô cùng tốn kém.

Ngoài ra, việc phân loại và xử lý rác tốn chi phí lớn cho lao động và điện năng, chưa kể các hóa chất như acid sinh ra trong quá trình tái chế cũng gây hại cho môi trường.

Nếu các phát hiện của nhóm tiến sĩ Việt được phát triển thành giải pháp cho các tấm pin có tuổi thọ dài và hiệu năng cao hơn, ít nhất, những “quả bom rác hẹn giờ” ấy sẽ được kéo dài thời gian để chính quyền các nước có thêm cơ hội tìm kiếm giải pháp triệt để.

Theo Datviet.vn (24/2/2018)

Đại dương biến đổi bất thường, nguy cơ thảm họa “tấn công” con người?

Biến đổi khí hậu đang dần khiến cho nước đại dương biến dạng. Hiện tượng này nếu kéo dài đe dọa tới cuộc sống của con người.

Màu sắc đại dương đang thay đổi

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, hiện nay đại dương đang xuất hiện nhiều hiện tượng lạ bất thường. Những vùng biển nhiệt đới trở nên xanh đậm hơn và sáng hơn trong khi vùng nước biển lạnh dần trở nên tối hơn.

Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu đang làm thay đổi quần thể tảo nhỏ, siêu nhỏ trôi qua cột nước được gọi là thực vật phù du. Giống như họ hàng chúng sống trên cạn, thực vật phù du có chứa chất diệp lục – sắc tố hấp thụ các bước sóng màu xanh trong ánh sáng mặt trời và phản chiếu ánh sáng màu xanh lá cây để tạo ra carbon cho quá trình quang hợp.

Đại dương đang biến đổi bất thường sẽ gây ra nhiều thảm họa cho con người.

Cụ thể, vùng nước lạnh, đậm đặc chất dinh dưỡng với quần thể thực vật phù du dày đặc hơn sẽ có màu nước xanh lá cây đậm hơn. Trong khi đó vùng nước nhiệt đới ít thực vật phù du sẽ có màu nước xanh lam hoặc màu ngọc lam đậm hơn. Nhưng khi vùng nước ấm, cận nhiệt đới trở nên ấm hơn thì dự báo quần thể thực vật phù du sẽ giảm, màu nước thành xanh lam hơn.

Mặt khác, vùng nước lạnh màu xanh lá cây giàu tảo cũng sẽ ấm lên, thúc đẩy thực vật phù du phát triển đa dạng hơn cũng sẽ trở nên xanh lam hơn. Như vậy, cuộc sống thực vật ở những khu vực này cũng sẽ thay đổi.

Chỉ một số vùng nước đang xanh lá cây hơn sẽ trở nên xanh đậm hơn nữa. Nhiều vùng nước xanh lá cây hơn khác sẽ thành xanh lam hơn.

Cũng theo kết luận của các nhà khoa học, vào cuối thế kỷ 21 chắc chắn 50% đại dương sẽ thay đổi màu sắc rõ ràng hơn. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả khá nghiêm trọng. Các loại thực vật phù du khác nhau hấp thụ ánh sáng khác nhau và nếu biến đổi khí hậu chuyển quần thể thực vật phù du này sang quần thể khác, sẽ làm thay đổi các lưới thức ăn.

Các nhà khoa học đã đo màu sắc của đại dương từ cuối thập niên 90, để xác định mức độ chất diệp lục và thực vật phù du. Sự thay đổi đáng kể của chất diệp lục có thể do toàn cầu nóng lên, nhưng cũng có thể do sự biến đổi tự nhiên của chu kỳ tăng trưởng của chất diệp lục do điều kiện thời tiết tự nhiên như El Nino hoặc La Nina.

Để giải thích những sự kiện tự nhiên này, các nhà nghiên cứu đã vận hành mô hình toàn cầu trước đây được sử dụng dự đoán sự thay đổi của thực vật phù du để đối phó với nhiệt độ tăng lên và axit hóa đại dương, nay dùng để dự đoán thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến thực vật phù du thế nào.

Các nhà khoa học dự báo nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3 độ C vào năm 2100. Họ đã thấy ánh sáng trong dải sóng màu xanh lam và xanh lục cho phản ứng nhanh nhất, nhưng những thay đổi do khí hậu đối với chất diệp lục có thể bắt đầu ngay từ năm 2055.

Đại dương nóng lên nhanh chóng

Việc đại dương nóng lên cũng làm cho xuất hiện nhiều cơn bão và siêu bão trong tương lai. Năm 2018 được xem là năm đại dương có mức nhiệt nóng nhất trong lịch sử gần 70 năm.

Cụ thể, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý Khí quyển (IAP) tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc: Năm 2018, phần trên cùng của đại dương thế giới đã hấp thụ lượng nhiệt gấp 150 triệu quả bom nguyên tử “Little Boy” Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.

Theo The Washington Post, công bố trên cũng có thể gây những tác động chính sách quan trọng. Nếu nhiệt độ đại dương tăng nhanh hơn những tính toán trước đây, các quốc gia thậm chí có thể còn ít thời gian hơn để cắt giảm khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Ngay cả trước khi nghiên cứu nói trên công bố, báo cáo từ IPCC trước đó cũng đã cảnh báo “thời gian hành động sắp hết” và kêu gọi những nỗ lực “nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có tiền lệ” để ngăn toàn cầu nóng thêm 1,5 độ C, thay vì 2 độ C như những kêu gọi trước đây.

Báo cáo cũng kêu gọi cắt giảm 20% khí thải vào năm 2030 và loại bỏ khí thải vào năm 2075 để thực hiện mục tiêu này. Nghiên cứu công bố hôm 31-10 cho thấy lượng khí thải cần phải thấp hơn 25% so với chỉ dẫn của IPCC, vì nhiệt độ đại dương gia tăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự nóng lên toàn cầu thêm vài thập kỷ ngay cả khi thế giới tiết giảm khí thải nhà kính ngay lập tức.

Chưa hết, nghiên cứu mới cũng nhấn mạnh những hậu quả tiềm tàng của sự chây ì hành động trên toàn cầu. Các đại dương nóng lên nhanh chóng đồng nghĩa với mực nước biển sẽ dâng cao hơn và tình trạng nguy cấp hơn đối với những khu vực vốn đã phải đối mặt với tác động của khí hậu nóng lên, như các rạn san hô ở vùng nhiệt đới, các dải băng Greenland và Nam cực.

Theo An Dương/vietq.vn (15/2/2019)

Biến năng lượng mặt trời thành nhiên liệu lỏng

Các nhà khoa học Mỹ giới thiệu phương pháp sử dụng một loại vi khuẩn để biến đổi năng lượng mặt trời thành nhiên liệu lỏng.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Harvard dùng chất xúc tác để tách ánh sáng Mặt Trời thành hydro và oxy. Sau khi hệ thống “lá cây nhân tạo” này sinh ra oxy và hyro, họ sử dụng vi khuẩn Ralstonia eutropha để chuyển hóa và kết hợp carbon dioxide, hydro thành dạng nhiên liệu lỏng gọi là isopropanol.

Isopropanol chủ yếu được sử dụng làm dung môi và ứng dụng trong ngành công nghiệp dược phẩm. Nó cũng có thể làm nhiên liệu lỏng cho các phương tiện vận chuyển.

Chuyển năng lượng mặt trời thành nhiên liệu lỏng nhờ một loại vi khuẩn. (Ảnh minh họa: Fotolia)

“Đây là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể thu hoạch năng lượng mặt trời và lưu trữ chúng dưới dạng nhiên liệu lỏng”, Science Daily dẫn lời Pamela Silver, thành viên nhóm nghiên cứu, cho hay. Họ hy vọng có thể tăng hiệu suất chuyển đổi của hệ thống này từ 1% lên 5% trong thời gian tới.

Theo Time, hiện các nhà khoa học chuyển đổi năng lượng mặt trời thành hydro bằng cách sử dụng tế bào quang điện. Năng lượng có thể được lưu trữ trong tế bào nhiên liệu (hay còn gọi là pin nhiên liệu) và phục vụ cho các mục đích trong tương lai.

Theo Khoahoc.vn (19/2/2019)

5 phát minh thay đổi thế giới về nguồn năng lượng mặt trời

Năng lượng mặt trời đang dần trở thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo được tận dụng nhiều nhất qua nhiều năm và các nhà sáng tạo đang tìm kiếm nhiều cách tốt hơn để khai thác nguồn năng lượng này.

Nguồn năng lượng miễn phí có sẵn khoảng 12 tiếng mỗi ngày và thậm chí nhiều hơn ở một vài nước để khai thác? Năng lượng mặt trời đang dần trở thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo được tận dụng nhiều nhất qua nhiều năm và các nhà sáng tạo đang tìm kiếm nhiều cách tốt hơn để khai thác nguồn năng lượng này. Đó là các dự án ứng dụng lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, phương tiện giao thông, quần áo, điện thoại đi động và nhiều hơn nữa.

Dưới đây là một trong những phát minh thay đổi thế giới về nguồn năng lượng tái tạo:

Chảo gương mặt trời (Mirrored solar dishes)

Được biết đến với nhiều ưu điểm nổi trội, nhiều người thường thắc mắc về lý do tại sao năng lượng mặt trời không phải là nguồn năng lượng duy nhất. Điều đó vẫn chưa thành hiện thức vì các thiết bị năng lượng mặt trời còn có giá thành khá cao. Tận dụng năng lượng từ những vùng được đánh giá là nhiều năng lượng mặt trời như sa mạc cũng không phải là một điều dễ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng việc phát minh ra những chảo gương mặt trời (mirrored solar dishes) có thể là giải phát tối ưu nhất để khai thác năng lượng mặt trời với giá rẻ nhất.

Hệ thống thu năng lượng mặt trời với chi phí thấp có thể thu ánh sáng mặt trời 2000 lần. Chảo mặt trời được bao phủ bởi nhiều lớp gương giúp hướng tia nắng quy tụ vào một vùng nhỏ nhất định. Hình lõm lòng chảo cho phép thu hầu hết tia nắng từ mặt trời xuyên suốt ngày. Thiết kế hệ thống thu năng lượng mặt trời hình lõm được đánh giá là hiệu quả hơn hệ thống pin. Trong khi những hệ thống thông thường chỉ chuyển hoá khoảng 20% nắng từ mặt trời thành năng lượng thì hệ thống chảo gương mặt trời có thể chuyển hoá lên đến 80%.

Pin điện Tesla

Một thử thách khác khi ứng dụng nguồn điện năng lượng mặt trời tái tạo ngoài chi phí thiết bị cao là công nghệ lưu trữ năng lượng. Lưu trữ năng lượng là chìa khoá để biến năng lượng mặt trời trở nên phổ biến hơn ngày nay và đó là nguồn cảm hứng từ pin điện của Tesla. Được mệnh danh là “Năng lượng Tesla”, pin điện được thiết kế nhằm lưu trữ năng lượng mặt trời hiệu quả hơn nhưng loại pin khác trên thị trường hiện nay.

Kết hợp công nghệ pin và công nghệ mặt trời là cách tốt nhất để đảm bảo dòng năng lượng ổn định có giá thành rẻ hơn năng lượng được khai thác từ các nhà máy đốt nhiên liệu hoá thạch. Theo các nhà sáng kiến từ Tesla, họ đang đến gần mục tiêu phổ biến hoá sản phẩm pin của mình tới các công ty thương mại.

“Chia sẻ năng lượng mặt trời” là giải pháp cho những người không có mái nhà để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời bằng việc chia sẻ nguồn năng lượng từ các hệ thống của hàng xóm với chi phí thấp hơn so với việc họ phải trả cho công ty cung cấp điện.

Hệ thống điện mặt trời di động

Các nước và khu vực phát triển đang hồi phục sau thiên tai tận dụng tối đa từ nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, nguồn năng lượng hiệu quả, an toàn và rẻ hơn máy phát điện.

Các nhà máy điện có tác động to lớn đến việc giúp các nước hồi phục sau thiên tai bằng việc ứng dụng các hệ thống năng lượng mặt trời di động cho việc chiếu sáng và các trạm sạc điện thoại phục vụ nhân viên cứu trợ. Bộ sản phẩm năng lượng di động bao gồm tấm pin năng lượng mặt trời và hộp điều khiển có hệ thống dự trữ có vai trò thu và lưu trữ năng lượng. Nỗ lực mới nhất trong việc sử dụng nguồn điện di động là sử dụng máy in 3D chạy bằng lượng mặt trời để cung cấp thiết bị y tế tại điểm cứu trợ mà chi phí nhỏ.

Khử muối bằng mặt trời

Nguồn điện mặt trời chuyển hoá năng lượng từ mặt trời thành điện trong khi việc khử muối với mục đích loại bỏ những khoáng chất không cần thiết từ nước biển để sử dụng và cho mục đích nông nghiệp. Vậy làm thế nào để kết hợp hai quá trình đó?

Các nhà nghiên cứu đã phát kiến ra máy chạy bằng lượng mặt trời có chức năng biến nước lợ thành nước uống bằng cách tách muối ra khỏi nước. Bên cạnh khử muối, máy có thể thanh lọc và tẩy sạch nước bằng tia cực tím (Ultraviolet Rays). Nhiều vùng đất ngày nay vẫn phải sống trong điều kiện thiếu nước dù 70% trái đất được bao phủ bởi nước. Sáng kiến này là một trong những giải pháp hiệu quả nhất cung cấp nguồn nước sạch cho sinh hoạt.

Phương tiện chạy bằng năng lượng mặt trời

Công nghệ năng lượng mặt trời đã thúc đẩy mạnh mẽ việc cải thiện hệ thống phương tiện di chuyển cả trên không và mặt đất. Chúng ta tiếp xúc nhiều với ánh năng mặt trời trong lúc lái xe, đi tàu hay bay trên không. Các nhà khoa học đã thử nghiệm rất nhiều cách để khai thác nguồn năng lượng này. Cùng với những sáng chế phương tiện di chuyển chạy bằng điện, đã đến lúc chúng ta nên bắt đầu sử dụng năng lượng mặt trời thay thế năng lượng điện.

“Solar Impulse 2” là chiếc máy bay năng lượng mặt trời đầu tiên. Phi công có thể bay đến mọi nơi trên thế giới ngay cả trong đêm cùng với chiếc máy bay được cung cấp nhiên liệu chỉ từ năng lượng mặt trời. Ở Hà Lan còn có cả một con đường chỉ dài bằng 230 feet (70m) tạo ra 3000kWh, tương đương với cung cấp năng lượng cho một hộ gia đình một người trong suốt một năm.

Theo tech.co (17/2/2019)