TP HCM có tiềm năng lớn để phát triển điện mặt trời

TP HCM được đánh giá là một trong những tỉnh thành có tiềm năng lớn để phát triển ngành năng lượng mặt trời và là nơi có các hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ ứng dụng thực tiễn nguồn năng lượng mặt trời quy mô lớn nhất nước.

Theo khảo sát của Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) thì tổng công suất lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại TP HCM đến tháng 6/2017 khoảng 33MW. Trong đó, hiện toàn thành phố có khoảng 17.340 bình nước nóng năng lượng mặt trời, góp phần cắt giảm được công suất hệ thống khoảng 31MW. Và công suất lắp đặt pin mặt trời hiện nay trên địa bàn thành phố ước tính đạt 2MWp, trong đó 1.838,2 kWp đã nối lưới, được phân bố ở hai đối tượng chính gồm tòa nhà các cơ quan và doanh nghiệp 1.607,2 kWp (chiếm 87,5%) và hộ gia đình 231 kWp (chiếm 12,5%).


Doanh nghiệp điện mặt trời giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm Quốc tế hàng đầu về ngành Tiết kiệm Năng lượng và Năng lượng Tái tạo tại Việt Nam (RE & EE Vietnam 2018) tại TPHCM.

TP HCM có điều kiện khí hậu rất phù hợp để phát triển điện mặt trời, nắng quanh năm, dù mùa mưa thì trong ngày vẫn có nắng. Theo đó, cường độ bức xạ mặt trời trung bình của TP HCM là khá cao nên có tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời tương đối lớn. Ước tính tổng bức xạ theo phương ngang (GHI) trung bình hằng năm tại khu vực phía Nam (trong đó có TP HCM) là 4,8-5,5 (kWh/m2/ngày).

Tuy nhiên, do quỹ đất hạn chế nên việc phát triển điện mặt trời tại TP HCM không khả thi đối với các nhà máy điện có công suất lớn chiếm nhiều diện tích đất mà chủ yếu xem xét tập trung theo hướng phát triển ứng dụng hệ thống pin mặt trời cho các tòa nhà (hộ gia đình, các tòa nhà chung cư, các trung tâm hành chính của thành phố).

Theo Sở Công Thương thành phố thì hiện đề án “Quy hoạch phát triển điện lực TP HCM giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035” quy hoạch điện mặt trời tại TP HCM có tổng công suất lắp đặt giai đoạn đến 2025 là khoảng 8,5MW và giai đoạn đến 2035 là khoảng 13,3MW.

Các tấm pin mặt trời lắp đặt nhà dân ở TP HCM (ảnh minh họa)

Hiện cơ chế hỗ trợ giá bán điện mặt trời nối lưới (quy mô lớn) có giá bán 2.086 đồng/kWh tương đương 9,35 UScents/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). EVN có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện mặt trời nối lưới. Theo quy định thì giá bán điện mặt trời nối lưới được điều chỉnh theo biến động của tỉ giá đồng/USD. Và cơ chế hỗ trợ giá bán này chỉ có hiệu lực đến ngày 30/06/2019.

Đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà thì thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-meterring) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Theo đó trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp.

Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện 2.086 đồng/kWh tương đương 9,35 UScents/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Hằng năm, căn cứ vào tỉ giá, Bộ Công Thương ban hành giá mua bán điện mặt trời đối với sự án trên mái nhà cho năm tiếp theo.

Dựa trên các phân tích định lượng và định tính về hiệu quả của chương trình năng lượng mặt trời trên mái nhà đối với TP HCM cho thấy, TP HCM có thể trở thành trung tâm và tiên phong trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Đồng thời, chương trình phát triển năng lượng mặt trời sẽ tận dụng các mái nhà (hiện chưa được sử dụng) vào các hoạt động kinh doanh, tạo thu nhập cho người dân thành phố. Qua đó tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân trong việc lắp đặt, bảo dưỡng và vận hành các hệ thống năng lượng mặt trời. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có được kinh nghiệm trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời mở rộng kinh doanh đến các địa phương khác trên cả nước.

Theo Thiên Thanh/petrotimes.vn (24/9/2018)

Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 27/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Nhằm tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu từ xa, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường không cấp mới Giấy xác nhận, không gia hạn Giấy xác nhận đối với đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu; chỉ xem xét cấp mới, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với đơn vị nhập khẩu phế liệu để sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu.

Không cấp phép nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung và xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu theo hướng quy định chặt chẽ các điều kiện bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu; thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu trước khi phế liệu được nhập vào lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam. Rà soát các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà Việt Nam đã tham gia, rà soát các quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa nhóm 2 là phế liệu nhập khẩu tại Việt Nam để không trái với các cam kết quốc tế.

Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng phế liệu nhập khẩu, đồng thời để thuận lợi cho công tác giám định phế liệu nhập khẩu, hoàn thành và ban hành trong quý III/2018.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra đánh giá toàn diện công tác cấp Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu của các tổ chức được cấp Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của các tổ chức được chỉ định tham gia chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu. Ảnh: báo Thanh niên

Ngăn chặn hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng quy định

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan tập trung lực lượng cho thông quan nhanh các lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân đã có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực và hạn ngạch nhập khẩu.

Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam; hướng dẫn các hãng tàu/đại lý hãng tàu khi khai thông tin e-Manifest trước khi tàu cập cảng phải khai đầy đủ thông tin cụ thể về chủ hàng tại Việt Nam đối với phế liệu nhập khẩu (tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ, số của Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…), mô tả hàng hóa phải thể hiện đầy đủ để xác định được loại phế liệu thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất…

Buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, bổ sung quy định về việc tạm dừng các hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa là phế liệu nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật; kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, áp dụng hoặc đề xuất áp dụng biện pháp tạm ngừng hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa là phế liệu vào lãnh thổ Việt Nam phù hợp với tình hình thực tế; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với quy định của WTO đối với việc nhập khẩu phế liệu.

Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường theo thẩm quyền tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động buôn bán và sử dụng phế liệu nhập khẩu; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu về việc kể từ ngày 01/10/2018 không cho phép phế liệu nhập khẩu thông qua các cửa khẩu bằng đường bộ và đường sắt vào Việt Nam.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan thông báo cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, chủ tàu, chủ hãng vận tải biển chỉ được đưa xuống tàu để vận chuyển về Việt Nam những đơn hàng có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu (còn hiệu lực) nhằm phòng ngừa vận chuyển phế liệu bất hợp pháp từ xa ngoài biên giới; Chủ tàu, chủ hãng vận tải biển phải chịu trách nhiệm đối với lô hàng phế liệu đang vận chuyển của tổ chức, cá nhân không có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; doanh nghiệp kinh doanh cảng biển không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu và chủ hàng không xuất trình được Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực, hạn ngạch nhập khẩu và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định; chịu trách nhiệm về việc cho phép bốc dỡ các lô hàng phế liệu nhập khẩu nêu trên.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ xem xét cấp mới, cấp lại Giấy xác nhận đối với đơn vị nhập khẩu sử dụng trực tiếp phế liệu làm nguyên liệu sản xuất khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Gửi Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và các thông báo về lô hàng phế liệu nhập khẩu theo thẩm quyền trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cổng thông tin Một cửa quốc gia.

Theo Bảo Lâm/vietq.vn (19/9/2018)

Biến ánh nắng mặt trời thành nhiên liệu

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Cambridge đã phát minh ra kỹ thuật liên quan đến tách nước thành khí oxy và khí hydro ở thực vật.

Theo các nhà nghiên cứu, khí hydro được sản sinh ra có thể trở thành một nguồn năng lượng tái tạo xanh và vô hạn.

Đội nghiên cứu đã sử dụng ánh nắng tự nhiên để chuyển đổi nước thành khí hydro và khí oxy nhờ sử dụng một hỗn hợp các thành phần sinh học và công nghệ nhân tạo.

Katarzyna Sokó, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Quang hợp tự nhiên không hiệu quả vì nó chỉ tiến hóa để sinh tồn nên chỉ tạo ra lượng năng lượng cần thiết tối thiểu, khoảng 1 – 2% khối lượng nó có thể biến đổi và dự trữ”.


Khí hydro được sản sinh ra có thể trở thành một nguồn năng lượng tái tạo xanh.(Ảnh minh họa)

Trong khi quang hợp nhân tạo đã có từ lâu, các kỹ thuật trước đây phụ thuộc vào các chất xúc tác, thường đắt đỏ và độc hại còn kỹ thuật mới thì sử dụng một enzyme có tên hydrogenase, không độc hại.

Bà Sokó giải thích: “Hydrogenase là một enzyme có trong tảo, có khả năng biến đổi các proton thành khí hydro. Trong quá trình tiến hóa, quá trình này đã bị vô hiệu hóa vì nó không cần thiết cho sự sinh tồn, nhưng chúng tôi đã thành công bỏ qua trạng thái không hoạt động để đạt được phản ứng như mong đợi – tách nước thành khí hydro và khí oxy”.

Các nhà nghiên cứu đang hy vọng kỹ thuật của họ có thể được sử dụng trên phạm vi lớn hơn để biến ánh nắng mặt trời thành nhiên liệu.

Theo Phạm Đình/tapchimoitruong.vn (14/9/2018)

Chế phẩm sinh học từ tinh bột sắn có thể giúp hoa quả tươi lâu

TS. Lê Đại Vương (Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế); TS. Võ Văn Quốc Bảo (Đại học Nông lâm Huế) cùng các cộng sự đã dày công nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học từ tinh bột sắn có thể giúp hoa quả tươi lâu 35 ngày, thân thiện môi trường và an toàn cho sức khỏe con người.

TS. Lê Đại Vương cho biết, Thừa Thiên – Huế nổi tiếng với nhiều loại trái có múi đặc sản như bưởi Thanh Trà, quýt Hương Cần, cam Nam Đông… có giá trị dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, quá trình quan sát trên quýt Hương Cần chúng tôi thấy rằng hầu hết các hộ nông dân bị thương lái ép giá và thị trường tiêu thụ chưa mở rộng do dễ bị dập và úng vì không có biện pháp hữu hiệu để bảo quản. Vì vậy chúng tôi quyết định nghiên cứu để tìm ra một giải pháp bảo quản lâu dài, giá thành phù hợp, dễ áp dụng.

Đề tài “Ứng dụng nano bạc trong sản xuất chế phẩm màng bảo quản một số quả tươi” được nhóm nghiên cứu từ năm 2015. Theo TS. Lê Đại Vương, công nghệ nano là một lĩnh vực mới và hấp dẫn của khoa học, cho phép nâng cao nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực. Một trong số các hạt nano thân thiện với môi trường và con người được ứng dụng rộng rãi hiện nay là nano bạc. Các hạt nano bạc có diện tích mặt rất lớn, gia tăng tiếp xúc của chúng với vi khuẩn hoặc nấm và nâng cao hiệu quả diệt khuẩn, diệt nấm. Do đó, việc nghiên cứu chế tạo chế phẩm sinh học có khả năng kháng khuẩn từ tinh bột sắn, nano bạc từ một số nguồn gốc thực vật là rất thiết thực.

TS. Lê Đại Vương giới thiệu hiệu quả của nano bạc trong bảo quản quả tươi.

Khi tiến hành nghiên cứu chế phẩm bảo quản, nhóm đã phân lập, định danh nấm từ quả quýt Hương Cần rồi cấy nấm trên môi trường PDA (môi trường nuôi cấy vi sinh vật và nấm) có nồng độ nano bạc khác nhau để xác định được tính kháng khuẩn của dung dịch nano bạc. Từ đó, khẳng định dung dịch nano bạc có tính kháng khuẩn tốt dù nồng độ thấp (10 ppm) và nhóm chọn mẫu nano có nồng độ 30 ppm, 50 ppm để tạo chế phẩm sinh học.

Ở nồng độ 10 ppm, tính kháng khuẩn của nano yếu hơn so với 30,ppm, 50,ppm, 100,ppm, 150,ppm. Vì vậy, nhóm nghiên cứu chọn nano có nồng độ 30 ppm và 50 ppm để chế tạo màng bảo quản quả tươi. Để biết được những biến đổi của quýt trong quá trình bảo quản, nhóm đã tiến hành khảo sát một số yếu tố như cảm quan, hao hụt khối lượng, vitamin C, hàm lượng đường.

Sau 2 năm nghiên cứu giải pháp ứng dụng nano bạc trong sản xuất chế phẩm màng bảo quản một số quả tươi đã chứng minh hiệu quả với quả quýt Hương Cần, cà chua. Kết quả cho thấy, chế phẩm sinh học từ nano bạc, chitosan, tinh bột sắn đảm bảo tính an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy đối với quả quýt Hương Cần được phun chế phẩm nano có thể tươi lâu đến 35 ngày đồng thời vẫn giữ được độ ngọt, mùi vị và màu sắc của cam, so với chỉ 9 ngày nếu không bảo quản. Nhờ cách bảo quản này, quýt Hương Cần có thể được nhập khẩu hay vận chuyển đi xa trong thời gian dài và điều quan trọng nữa là cách sử dụng chế phẩm rất đơn giản, thuận tiện cho bà con áp dụng và giá thành cũng rất rẻ. Một lít chế phẩm chỉ có 50.000 đồng, sử dụng cho khoảng 2 – 3 tạ quýt.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của đề tài, nhóm đã hợp tác với làng Hương Cần, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà nhằm giúp bà con bảo quản quýt đặc sản. TS Vương khẳng định, việc áp dụng chế phẩm màng bảo quản quả tươi sẽ hạn chế việc thu hái quýt trước thời điểm thu hoạch, đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng và vitamin C trong quýt; Hạn chế thất thoát khối lượng, giữ được màu sắc và hương vị tự nhiên.

Sau khi ứng dụng thành công bảo quản quýt Hương Cần, nhóm sẽ triển khai hướng dẫn chi tiết kỹ thuật cho người dân để nhân rộng mô hình, phát triển với nhiều loại trái cây khác như thanh long, bưởi Thanh Trà…

Theo Nguyệt Minh/tapchimoitruong.vn (13/9/2018)

Đào tạo RECP chuyên sâu cho 26 cán bộ các địa phương

Trong 2 ngày 5-6/9, tại Hà Nội, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu “Đánh giá Sử dụng hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP)” cho 26 cán bộ tại các địa phương.

Các cán bộ tham gia khóa đào tạo RECP chuyên sâu chủ yếu đến từ các trung tâm tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến sản xuất sạch hơn và cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp FDI.

Phát biểu tại lễ khai mạc khóa học, ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc VNCPC cho biết: Dự án triển khai sáng kiến khu Công nghiệp (KCN) Sinh thái hướng tới khu Công nghiệp Bền vững với sự tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) được tiến hành từ năm 2015 – 2019, trong đó có hoạt động đào tạo năng cao năng lực và đánh giá RECP cho doanh nghiệp ở các khu công nghiệp được lựa chọn: Đà Nẵng, Cần Thơ, Ninh Bình.

Ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC (ngồi giữa) cùng đại diện của UNIDO, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự lễ khai mạc khóa học. 

Trong 3 năm qua, VNCPC đã vinh dự được ban quản lý dự án lựa chọn là đơn vị tư vấn thực hiện các nhiệm vụ này. Tính đến nay, VNCPC đã đào tạo được 220 cán bộ cho doanh nghiệp.

Còn theo đánh giá của ông Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sau 25 năm phát triển, KCN ở Việt Nam cần một mô hình mới và cạnh tranh hiệu quả hơn.

Ông Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại lễ khai mạc.

Thứ hai là các doanh nghiệp trong KCN chưa quan tâm hoặc không có đủ kiến thức, thông tin để áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn nguồn tài nguyên, nguyên vật liệu để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Thứ 3, vấn đề môi trường, đặc biệt là quản lý chất thải, khí thải chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ tư, các doanh nghiệp trong KCN chưa có sự liên kết trong hợp tác sử dụng chung tài nguyên, nguyên vật liệu và tái sử dụng các chất thải công nghiệp.

Do vậy, mục tiêu của khóa đào tạo này là nâng cao kỹ năng tư vấn và đánh giá RECP chuyên sâu cho các cán bộ tư vấn về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng của các sở, ban ngành và các trường đại học. Sau khóa tập huấn, các cán bộ tham gia sẽ trở thành nguồn chuyên gia có thể đảm nhận những nhiệm vụ liên quan đến thực hiện chương trình RECP tại địa phương.

Về phần mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh/thành phố và Ban Quản lý các KCN địa phương đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi các KCN thành KCN sinh thái. Mong rằng các chuyên gia được tập huấn sẽ trở thành những cánh tay nối dài hỗ trợ các chương trình chuyển đổi này tại địa phương.

Theo đó, trong 2 ngày, các học viên đã được tiếp cận với các kỹ thuật RECP và các ví dụ trong thực tiễn; các kỹ năng đánh giá năng lượng; nguyên liệu; năng lượng nhiệt; kỹ năng đánh giá nước; quản lý hóa chất; chất thải; quan trắc.

Kết thúc khóa học, tất cả các học viên đều cho điểm 8-10/10 cho các chuyên đề do các cán bộ kỹ thuật của VNCPC hướng dẫn.

Trao chứng nhận cho học viên sau khi kết thúc khóa đào tạo

VNCPC

Biến CO2 thành năng lượng xanh

Hiện nay, hầu hết các biện pháp bảo vệ môi trường đều nhằm chống lại khí thải CO2, nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính. Nhưng ít ai biết rằng, CO2 có thể trở thành năng lượng xanh. Ở Pháp, Tập đoàn Suez đã hợp tác với Công ty Fermentalg phát triển một bể chứa carbon nhân tạo cho phép biến CO2 thành biogas.

Bể chứa carbon nhân tạo

Trong tự nhiên, các bồn chứa carbon (tức là các khu rừng và vỉa than bùn) hấp thụ khí CO2 tồn tại trong không khí. Lượng khí CO2 được các bồn chứa carbon tồn trữ nhiều gấp 3 lần so với trong khí quyển. Bồn chứa carbon tự nhiên lớn nhất hành tinh là biển. Các đại dương hấp thụ nhiều khí CO2 nhất với hơn 3,2 tỉ tấn CO2/năm (tương đương một nửa khí thải CO2 liên quan đến hoạt động của con người).

Phỏng theo cơ chế của các bồn chứa carbon tự nhiên, để sử dụng khí CO2 chuyển hóa thành năng lượng xanh, Suez và Fermentalg đã phát triển một bể chứa carbon sử dụng vi tảo đơn bào. Những vi tảo này được nuôi trong bể nước. Sau đó, nhờ vào quá trình quang hợp, khí CO2 sẽ được lưu lại trên những vi tảo. Quá trình này sẽ diễn ra liên tục, tạo ra một sinh khối. Sinh khối này sẽ được chuyển đến nhà máy để xử lý, từ đó cho phép sản xuất ra nhiều khí biogas, cuối cùng chuyển thành khí biomethane (khí thiên nhiên bền vững).

Như vậy, nhờ vào sử dụng vi tảo và quá trình quang hợp của ánh sáng mặt trời, người ta sử dụng khí CO2 để phát triển năng lượng tái tạo. Khí biomethane sau khi được xử lý có thể sử dụng cho hệ thống làm nước nóng hay lò hơi đốt gas.

Giải pháp hữu hiệu chuyển đổi năng lượng?

Năm 2016, bể chứa khí carbon đầu tiên được đặt ở Colombes, trong một nhà máy xử lý của SIAAP (Nghiệp đoàn xử lý nước thải liên vùng Paris). Sau đó, bể chứa thứ 2 có tên gọi “bể chứa thí điểm” được khánh thành vào năm 2017 ở Paris. Cuối cùng, ngày 2-5-2018, bể chứa thứ 3 được đưa vào hoạt động ở Poissy.

Mỗi lần lắp đặt các bể chứa, Tập đoàn Suez đều rất cẩn thận trong việc chọn vị trí, chọn những khu vực đông người qua lại, nơi có mật độ giao thông đông đúc và cũng là nơi có rất nhiều khí thải CO2. Cụ thể, ở trung tâm thành phố, nơi có ít cây xanh, những bể chứa khổng lồ này hoạt động với cơ chế giống như một khu rừng, tức là hấp thụ khí ô nhiễm nhờ quá trình quang hợp.

Chương trình quốc gia về năng lượng dài hạn đặt ra mục tiêu rất rõ ràng: Pháp phải giảm tiêu thụ năng lượng, sản xuất thêm năng lượng tái tạo và hạn chế khí thải nhà kính. Liệu các bể khí carbon có thể góp phần vào thành công của việc chuyển đổi năng lượng?

Suy cho cùng, các bể khí carbon hiện tại đang trong giai đoạn thử nghiệm, với việc lắp đặt thử nghiệm ở một số nơi.

Hiện tại, Suez chỉ chọn những thành phố lớn và những khu phố đông đúc để thu được tối đa lượng khí CO2. Nhưng trong tương lai không xa, các bể khí này có thể tích hợp vào các nhà máy để hấp thu đến 10.000 tấn khí CO2 mỗi năm. Theo Tập đoàn Suez, ứng dụng này không chỉ giải quyết những vấn đề của biến đổi khí hậu, mà còn có thể phát triển thành một ngành kinh tế.

Theo S.P/petrotimes.vn (30/8/2018)