Áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng xanh

Hóa học xanh là khái niệm về phát triển hóa học một cách bền vững (còn gọi là hóa học bền vững), qua đó khuyến khích phát triển các phương pháp và quá trình tạo ra sản phẩm nhằm hạn chế sản xuất và sử dụng các hóa chất độc hại.

Mới đây, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) triển khai dự án “Áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam” nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh, giảm thiểu sử dụng, phát thải các chất ô nhiễm khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại.

Khởi động dự án “Áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam”

Mục tiêu của dự án là nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu hóa học xanh và những ứng dụng hóa học xanh cho các ngành sản xuất tại Việt Nam nhằm mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng và phát thải các hóa chất thuộc danh mục kiểm soát của Công ước Stockholm (về POPs) và Công ước Minamata (về thủy ngân), nhằm ngăn chặn ô nhiễm thủy ngân gây tác hại đối với sức khỏe con người và môi trường, dựa trên 12 nguyên tắc của hóa học xanh, bao gồm: Ngăn ngừa chất thải; tối đa hóa tiết kiệm nguyên tử; phát triển các quá trình tổng hợp hóa học ít độc hại hơn; phát triển các sản phẩm và hóa chất an toàn hơn; sử dụng các dung môi và điều kiện phản ứng an toàn hơn; tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng; sử dụng các nguyên liệu có thể tái sinh; tránh làm phát sinh phụ phẩm; sử dụng chất xúc tác để tăng hiệu suất phản ứng; phát triển các hóa chất và sản phẩm có thể phân hủy sau khi sử dụng; quan trắc và phân tích theo thời gian thực tế để ngăn ngừa ô nhiễm; giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra tai nạn.

Hóa học xanh góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Dự án “Áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam” là dự án đầu tiên về hóa học xanh được triển khai ở Đông Nam Á, được thực hiện trong vòng 3 năm, tập trung vào việc tiếp tục giúp giảm thiểu sử dụng POPs, giảm phát thải không chủ định POPs thông qua hoạt động giới thiệu về các cách tiếp cận hóa học xanh trong 6 ngành công nghiệp tại Việt Nam, bao gồm: Mạ crôm; sản xuất giấy và bột giấy; sản xuất nhựa; dệt; hóa chất bảo vệ thực vật; dung môi – sơn. Những hướng dẫn cụ thể cho từng ngành sẽ được xây dựng, lồng ghép cách tiếp cận hóa học xanh vào các văn bản pháp luật có liên quan.

Trong năm 2018, dự án đặt mục tiêu thiết lập được môi trường thuận lợi cho việc áp dụng thực hành hóa học xanh, giới thiệu các ứng dụng và lợi ích của hóa học xanh cho cán bộ lãnh đạo, công chúng và doanh nghiệp thuộc các ngành tiểu ngành công nghiệp được chọn. Trình diễn thí điểm các giải pháp hoặc công nghệ hóa học xanh nhằm mục đích giảm thiểu sử dụng hoặc phát thải các chất POPs và thủy ngân tại ít nhất 2 doanh nghiệp ở 2 ngành sản xuất, chế tạo. Đánh giá năng lực quốc gia liên quan đến áp dụng hóa học xanh, đánh giá hiện trạng khung pháp lý cho 6 ngành ưu tiên, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Theo scp.gov.vn (8/10/2018)

Doanh nghiệp xi măng tích cực triển khai công nghệ tận dụng nhiệt thừa để phát điện

Xi măng dư cung khá cao; giá điện, than và các nguyên liệu đầu vào không ngừng tăng lên, buộc các doanh nghiệp trong ngành xi măng phải ‘thắt lưng buộc bụng’ tiết kiệm tối đa các chi phí, trong đó có chi phí về năng lượng điện. Tận dụng nhiệt thừa để phát điện đã và đang được các doanh nghiệp xi măng từng bước triển khai.

VICEM quyết tâm làm

Theo thống kê, cả nước hiện có 83 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất đạt 98,56 triệu tấn. Nhưng con số chưa dừng lại ở đây, giai đoạn tới, dự kiến sẽ có 3 dây chuyền với công suất 10,1 triệu tấn sẽ đi vào vận hành, gồm Xi măng Sông Lam dây chuyền 3, 4 (giai đoạn 2) của Tập đoàn The Vissai, công suất 3,8 triệu tấn/năm; Xi măng Kaito Hà Tiên của Thai Group công suất 4,5 triệu tấn; Xi măng Tân Thắng (Nghệ An) công suất 1,8 triệu tấn/năm.

Theo các chuyên gia, để sản xuất được 1 tấn clinker, tiêu thụ hết 58 – 60KWh điện; từ clinker để nghiền ra 1 tấn xi măng tiêu thụ khoảng 40KWh. Nếu sử dụng công nghệ nghiền đứng hiện đại thì nghiền 1 tấn xi măng tiêu thụ khoảng 33 – 34KWh. Như vậy, nếu sản xuất và chạy 100% công suất, ngành xi măng sẽ tiêu thụ khoảng trên dưới 100 triệu KWh. Trong bối cảnh giá điện, than và nguyên liệu không ngừng tăng thì chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng nhiệt thừa để phát điện đã và đang được các doanh nghiệp ngành xi măng quan tâm, triển khai.

Theo thống kê, cả nước hiện có 83 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất đạt 98,56 triệu tấn.

Đi đầu trong ứng dụng công nghệ tận dụng nhiệt thừa để phát điện phải kể đến Holcim Việt Nam và VICEM. Holcim Việt Nam đã đầu tư 18 triệu USD xây dựng trạm phát điện tận dụng nhiệt thừa để phát điện, đáp ứng 25% nhu cầu điện năng cho toàn bộ nhà máy Hòn Chông (Kiên Giang), giảm phát thải khoảng 25.300 tấn CO2/năm. VICEM cũng đang quyết liệt triển khai xây dựng hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện ở các nhà máy sản xuất xi măng.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Lương Quang Khải cho biết, chương trình tiết kiệm năng lượng và tận dụng nhiệt thừa để phát điện thì VICEM vẫn đang triển khai. Mặc dù áp lực sản xuất, áp lực tiền vốn đầu tư nhưng VICEM quyết làm.

Khi được hỏi về tính hiệu quả của dự án, ông Khải chia sẻ, tùy từng dự án mới đánh giá cụ thể tính hiệu quả của dự án. Nhưng trong tình hình giá than, giá điện không ngừng tăng thì các doanh nghiệp sản xuất xi măng buộc phải tính toán, tận dụng nhiệt thừa để phát điện để giảm tiêu hao điện năng và góp phần xử lý môi trường.

Tuyệt đối tránh mua thiết bị cũ, lạc hậu

Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM cho biết, theo tính toán, nếu vốn vay cao, thời gian hoàn vốn sẽ kéo dài. Vì thế VICEM chỉ đạo các đơn vị thành viên, đơn vị nào triển khai dự án tận dụng nhiệt thừa để phát điện thì vốn tự có phải đủ 30% trở lên. Với lãi suất thương mại như hiện nay thì giới hạn vay từ 70% trở xuống sẽ an toàn và giúp các nhà máy nhanh hoàn vốn.

Ông Khải khuyến cáo, nếu đầu tư, các nhà máy xi măng nên sử dụng công nghệ dung môi, kỹ thuật tiên tiến; tránh mua các thiết bị cũ, lạc hậu. Đây là yếu tố rất quan trọng làm nên hiệu quả và quá trình vận hành sau này của dự án. Công nghệ hiện đại, thiết bị tốt, bền nên được ưu tiên hàng đầu.

Hiện một số Công ty, một số nhà môi giới đứng ra tư vấn, bán thiết bị, hình thức thực hiện dự án theo mô hình xây dựng – chuyển giao. Ông Khải khuyến cáo nếu thực hiện theo hình thức này sẽ khó quản lý, vì nhiệt thừa là một bộ phận của nhà máy.

Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM cho rằng, các nhà máy xi măng nên tự thực hiện để sau sẽ tốt hơn trong quản lý vận hành, đồng thời quản lý được công nghệ, thiết bị. VICEM cũng đánh giá hiệu quả và làm từng dự án, tránh làm theo phong trào sẽ bị môi giới ép giá. Những đơn vị có nguồn nhiệt lớn và có tiềm năng tài chính được lựa chọn triển khai trước. Sau đó nghiên cứu đánh giá dự án trên cơ sở thực tế nhằm đưa ra lộ trình phù hợp đảm bảo tính hiệu quả.

Theo baoxaydung.com.vn

Độc đáo công nghệ bụi thông minh với vô số ứng dụng

Hãy tưởng tượng một thế giới nơi các thiết bị không dây chỉ nhỏ như một hạt muối song vẫn có cảm biến, máy ảnh và nhiều cơ chế truyền thông để truyền dữ liệu mà chúng thu thập để xử lý.

Thế giới nói trên sẽ không còn là tưởng tượng ngày nay với hệ thống vi điện cơ (MEMS), thường được gọi là vi vật thể. MEMS đã xuất hiện và có thể sẵn có tại một khu phố Tây phương.

Theo Forbes, MEMS được trang bị cảm biến thu nhỏ, có thể phát hiện mọi thứ từ ánh sáng, rung động đến nhiệt độ. Với lượng năng lượng đáng kinh ngạc được đóng gói trong kích thước nhỏ chỉ vài milimet, MEMS bao gồm chức năng cảm biến, một nguồn cung cấp năng lượng tự động hóa, khả năng tính toán và truyền thông không dây. Với kích thước nhỏ như thế, thiết bị có thể bay trong môi trường hệt như một hạt bụi.

Dù nhỏ nhưng MEMS lại có rất nhiều “võ”. Vài tính năng tiêu biểu của MEMS là: Thu thập dữ liệu gồm áp lực, áp suất, độ ẩm, âm thanh và nhiều hơn nữa từ cảm biến; xử lý dữ liệu cho hệ thống máy tính; lưu trữ dữ liệu trong bộ nhớ; truyền thông không dây dữ liệu đến đám mây, cơ sở hoặc các MEMS khác.

Bụi thông minh có tiềm năng được sử dụng để thu thập thông tin về bất kỳ môi trường nào.

Vì các thành phần cấu tạo thiết bị này được in 3D theo một khối từ máy in 3D thương mại, chúng có thể xử lý số lượng phức tạp đáng kinh ngạc cùng một số rào cản trước đó trong việc in cực nhỏ. Ống kính quang học được tạo ra để các cảm biến thu nhỏ này có thể đạt được hình ảnh có chất lượng tốt nhất.

Bụi thông minh có tiềm năng được sử dụng để thu thập thông tin về bất kỳ môi trường nào. Vì thế, nó có thể tác động và thay đổi nhiều mặt trong các ngành công nghiệp, từ an toàn cho đến tuân thủ năng suất. Nó giống như việc nhân rộng công nghệ internet vạn vật (IOT) ra hàng triệu, hàng tỉ lần.

Một số ví dụ ứng dụng bụi thông minh trong thực tế kinh doanh và cuộc sống có thể kể đến là: Giám sát thiết bị để tạo điều kiện bảo trì kịp thời hơn; xác định điểm yếu và sự ăn mòn trước khi hệ thống hỏng; cho phép giám sát không dây con người và sản phẩm vì mục đích an ninh, bảo mật; tăng cường kiểm soát hàng tồn kho với MEMS để theo dõi sản phẩm từ kệ trong cơ sở sản xuất đến đóng gói, vận chuyển đến nơi bán lẻ.

Trong y tế, bụi nhân tạo có thể được dùng trong quy trình chẩn đoán mà không cần phẫu thuật, dùng để theo dõi các thiết bị giúp người khuyết tật tương tác với nhiều công cụ giúp họ sống một cách độc lập. Giới nghiên cứu tại Đại học California Berkeley còn công bố nghiên cứu về tiềm năng bụi thần kinh, một hệ thống cấy ghép được rắc lên não người để cung cấp phản hồi về chức năng não bộ.

Dù có nhiều ứng dụng độc đáo, bụi thông minh cũng còn không ít tồn tại, chẳng hạn như mối lo ngại về quyền riêng tư, giá cả và sự kiểm soát. Nhiều người hiểu về sản phẩm này lo ngại về các vấn đề riêng tư, vì bụi thông minh là các cảm biến siêu nhỏ, có thể ghi lại mọi thứ mà chúng được lập trình để ghi nhận. Vì quá nhỏ nên chúng rất khó để phát hiện.

1 tỉ hạt bụi thông minh được triển khai trong một khu vực có thể rất khó để được quản lý, truy xuất nếu cần. Cũng vì quá nhỏ nên bạn sẽ rất khó phát hiện ra chúng nếu không hay về sự hiện diện của chúng. Cuối cùng, như bất kỳ công nghệ mới nào, chi phí để thiết lập hệ thống bụi thông minh bao gồm nhiều vệ tinh và các yếu tố cần thiết khác là cao. Vì rào cản chi phí, công nghệ có thể khó đến được với số đông trong tương lai gần.

Theo Tapchicongthuong/Thanhnien.vn 

VNCPC triển khai Áp dụng Mô hình Khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại KCN Long Thành

Với mục tiêu triển khai thực hiện dự án “Áp dụng Mô hình Khu công nghiệp sinh thái” –  trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Tổ chức Tài chính Thế giới (IFC) với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), tuần cuối tháng 9/2018 vừa qua, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng với IFC đã triển khai một số hoạt động cụ thể tại KCN Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Các công việc bao gồm:

1. Tiến hành khảo sát sơ bộ tiềm năng nâng cao hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại 3 doanh nghiệp trong KCN Long Thành thuộc các ngành: sản xuất móc áo nhựa và phụ kiện, chế biến cà phê và in hoa trên sản phẩm bằng vải.

Qua quá trình khảo sát đánh giá sơ bộ tại doanh nghiệp, nhóm tư vấn đã phát hiện được những cơ hội tiết kiệm năng lượng và hiệu quả tài nguyên, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết kiệm chi phí đầu vào.

Các biện pháp bảo trì phòng ngừa góp phần nâng cao hiệu suất hoạt động của hệ thống làm mát.

Kiểm tra thường xuyên để giám sát hoạt động của hệ thống điện sẽ giúp doanh nghiệp phòng tránh cháy nổ, cũng như giảm thiểu tổn hao điện năng.

2. Thảo luận với Công ty CP Sonadezi Long Thành (SZL) – là đơn vị quản lý, đầu tư Cơ sở hạ tầng trong KCN Long Thành để tìm kiếm và xác định các cơ hội cộng sinh công nghiệp.

Một số cơ hội cộng sinh công nghiệp nhận được sự quan tâm về tiềm năng ứng dụng cao từ phía SZL sẽ được triển khai phân tích khả thi trong thời gian tiếp theo trong khuôn khổ dự án bao gồm: sử dụng hệ thống cấp hơi tập trung, dịch vụ cung cấp khí LPG cho KCN và tái sử dụng nước thải sau xử lý.

Buổi thảo luận giữa nhóm cán bộ dự án và SZL.

3. Thực hiện khóa đào tạo về Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) cho các cán bộ, công nhân viên thuộc các công ty trong khu và đơn vị quản lý SZL.

Khóa đào tạo đã tạo cơ hội để đại biểu thảo luận trực tiếp với chuyên gia về các vấn đề cụ thể tại các doanh nghiệp liên quan tới tiêu tốn tài nguyên (năng lượng, nước, hóa chất, vật liệu) và quản lý chất thải và các phương thức để cải thiện.

VNCPC

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT và Tổng giám đốc UNIDO cùng các đại biểu tới thăm KCN sinh thái tại Đà Nẵng 

Ông Nguyễn Thế Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng ông Li Yong – Tổng giám đốc Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và các đại diện cấp cao là các đại biểu tham dự Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 đã đến thăm Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) để chứng kiến ​​một số thành tựu của Dự án “Thực hiện sáng kiến ​​Khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình Khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” (EIP).

Dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI)  và UNIDO phối hợp thực hiện, dự án hướng đến giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu thụ nước, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, giảm phát thải các chất  hữu cơ gây ô nhiễm và giảm sử dụng các hóa chất khác. Đồng thời, dự án cũng phổ biến các kỹ thuật và biện pháp sản xuất sạch và carbon thấp tại các địa phương Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng

Hiện nay, dự án đã hoàn thành đánh giá cho 72 doanh nghiệp, đề xuất 880 giải pháp kỹ thuật sản xuất sạch hơn, giúp tiết kiệm hàng năm hơn 3 triệu đô la Mỹ  và thu hút đầu tư tư nhân trên 9 triệu đô la Mỹ cho việc thực hiện các giải pháp.

“Dự án góp phần đáng kể vào việc tăng cường năng lực của các nhà quản lý KCN trong việc thúc đẩy thực hành và phổ biến các kinh nghiệm sản xuất sạch”, ông Li nói. “Việc thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ giúp cải thiện tình hình sử dụng năng lượng giúp giảm thiểu tiêu thụ nguyên vật liệu, nước, giảm phát thải và quản lý tốt chất thải”.

Tại KCN Hòa Khánh, các đại biểu được giới thiệu những điển hình tốt về việc áp dụng kỹ thuật Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn  (RECP), Công nghệ sẵn có tốt nhất (BAT) nhằm kiểm soát khí thải, và Chuyển giao công nghệ môi trường tốt (TEST), cũng như tái sử dụng chất thải của doanh nghiệp bằng cách tiếp cận “cộng sinh” giữa các doanh nghiệp…

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Ông Jerome Stucki, Cán bộ phụ trách Phát triển Công nghiêp, UNIDO (Vienna), [email protected]

Bà Trần Thanh Phương, Quản lý Dự án Quốc gia, Dự án KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – UNIDO (Việt Nam)

Theo khucongnghiepsinhthai.vn

Việt Nam thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong các công trình

Sử dụng vật liệu xanh là xu hướng của các công trình hiện đại để phát triển bền vững. Trên thế giới hiện nay, nhiều quốc gia và thành phố lớn đang giảm dần việc sử dụng vật liệu xây dựng gây hại đến môi trường. Việt Nam cũng đi theo xu hướng này bằng việc thúc đẩy nhanh việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong các công trình.

Các vật liệu xây dựng mới đang được quan tâm phát triển gồm: vật liệu xây không nung, các loại sơn sinh thái, tấm thạch cao, vật liệu cách nhiệt… Cụ thể, nước ta đã sản xuất được khoảng 24 tỷ viên gạch, tiết kiệm được hơn 1.800 ha đất, 3,6 triệu tấn than và giảm phát thải trên 13 triệu tấn khí nhà kính.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Xây dựng)

Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, đến năm 2030, toàn ngành vật liệu xây dựng phải có công nghệ sản xuất tiên tiến, tự động hóa ở mức ngày càng cao; tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp; chất lượng sản phẩm cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế và có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, đặc biệt là đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, sẽ tập trung vào các giải pháp để chế tạo ra các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh phục vụ cho xây dựng trước mắt và lâu dài.

“Hy vọng rằng ngành công nghiệp vật liệu xây dựng của nước ta, với sự đóng góp tích cực của các chuyên gia đầu ngành về quản trị, kỹ thuật, hợp tác quốc tế cũng sẽ có những bước tiến nhảy vọt trong việc lựa chọn công nghệ chế tạo và hợp tác chế tạo ra các dây chuyền thiết bị tiên tiến, đổi mới trong quản trị doanh nghiệp và thương mại để ngày càng có nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng xanh”, ông Nga nhấn mạnh.

Cũng theo thông tin từ Hội Vật liệu xây dựng, Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh hơn để phát triển vật liệu xây dựng xanh đến năm 2030. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách khuyến khích còn chưa được phát triển mạnh mẽ, do tính cạnh tranh của cơ chế thị trường nên chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kết quả đưa các sản phẩm vào sản xuất còn hạn chế. Do vậy, việc thúc đẩy nhanh, mạnh hơn nữa việc phát triển vật liệu xanh là vô cùng cần thiết.

“Để việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh đạt được kết quả như kỳ vọng, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như đầu tư đổi mới công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu. Đồng thời tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Việc cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan về lợi ích, ưu nhược điểm, những kết quả, bài học thành công và không thành công trong việc sản xuất, sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh sẽ giúp khách hàng tiếp cận nhiều hơn đối với sản phẩm này. Từ đó, các mô hình sản xuất sẽ được mở rộng để dần thay thế các loại vật liệu xây dựng truyền thống”, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Thái Duy Sâm nhấn mạnh.

Theo Văn phòng SXSH và SXTDBV