Ba Lan có máy hút sương mù tạo không khí sạch

Dự án Smog Free của Studio Roosegaarde đã đưa ra tầm nhìn mới về không khí sạch tại một thành phố thuộc Ba Lan, bằng thiết kế một tòa nhà đóng vai trò là chiếc máy hút sương mù lần đầu tiên trên thế giới được lắp đặt tại công viên Jordana, TP Krakow.

Tòa nhà có tên gọi Smog Free Tower của Roosegaarde bắt đầu hút chất ô nhiễmtrong không khí ở công viên Jordana từ ngày 16/2.

Khách tham quan dự án cũng sẽ có cơ hội xem chiếc nhẫn lọc khói bụi Smog Free Ring được trưng bày tại Bảo tàng đương đại nghệ thuật ở Krakow.

Tháp cao 7m dựa trên công nghệ ion hóa tích cực được cấp bằng sáng chế để làm sạch không khí. Theo Roosegaarde máy hút khói bụi này là một giải pháp ở cấp độ địa phương, tạo ra những bong bóng không khí sạch trong thành phố.

Khu vực xung quanh tháp không khí sạch hơn từ 55 – 70% so với các khu vực còn lại của thành phố. Nghiên cứu này đã được Đại học công nghệ Eindhoven khẳng định về hiệu quả lọc không khí.

Theo moitruong.com.vn

Thiết bị tạo nước uống từ nguồn nước ô nhiễm

Thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời có khả năng tạo ra nước uống từ hầu hết nguồn nước ô nhiễm hoặc nước biển, ngay cả nước từ biển Chết. Nghiên cứu do các nhà khoa học Mỹ phát triển đã được công bố trong tạp chí Nature Nanotechnology.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas (Mỹ) đang phát triển hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp với vật liệu hydrogel hấp thụ ánh sáng để lọc nước bằng phương pháp chưng cất.

Kỹ thuật chưng cất nước, khử muối được sử dụng phổ biến trong sản xuất nước ngọt. Tuy nhiên, các công nghệ chưng cất nước hiện tại như chưng cất đa giai đoạn và chưng cất đa tác động rất tốn kém, vì tiêu tốn nhiều năng lượng và cần có cơ sở hạ tầng hiện đại.

Kỹ thuật chưng cất nước, khử muối được sử dụng phổ biến trong sản xuất nước ngọt.

Thiết bị lọc nước bằng năng lượng mặt trời được làm từ vật liệu hydrogel với đặc tính hấp thụ ánh sáng. Cấu trúc nano của hydrogel giúp tận dụng được nhiều năng lượng Mặt Trời hơn mà không cần sử dụng thiết bị quang học hỗ trợ tập trung ánh sáng, qua đó đẩy nhanh quá trình bay hơi. Hơi nước sau đó được xử lý, ngưng tụ thành nước sạch và được đựng trong trong bình chứa.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm với mẫu nước lấy từ biển Chết có độ mặn khoảng 34% (gấp 10 lần độ mặn của nước biển thông thường). Nước sau khi lọc đáp ứng được các tiêu chuẩn nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA).

Kết quả thử nghiệm cho thấy nước sau khi lọc đáp ứng được tiêu chuẩn nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo Fei Zhao, thành viên trong nhóm nghiên cứu, công nghệ mới chỉ sử dụng năng lượng Mặt Trời để làm bay hơi nước và loại bỏ tạp chất. Phương pháp này đơn giản hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

“Năng lượng Mặt Trời là nguồn nhiệt tiềm năng và bền vững nhất, đây là giải pháp tuyệt vời để chưng cất nước và khử muối”, Zhao cho biết.

Theo moitruong.com.vn

VNCPC đẩy mạnh triển khai dự án Low carbon trong năm 2018

Sau những kết quả khả quan từ việc triển khai dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì nền sản xuất carbon thấp” – (Low carbon), Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tiếp tục được nhà tài trợ cung cấp kinh phí để cùng các đối tác triển khai dự án trong năm 2018.

“Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì nền sản xuất carbon thấp” là dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác của UNIDO – UNEP về Sử dụng Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP). Mục tiêu chung của dự án là: cải thiện môi trường địa phương; giảm phát thải khí nhà kính và mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Tại Việt Nam, dự án đã và đang hỗ trợ cho ngành chế biến gạo, thuộc đồng bằng sông Cửu Long và ngành cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên.

Hiện nay, theo ước tính, mỗi năm lượng phát thải từ hoạt động nông nghiệp tương đương 65 triệu tấn CO2, chiếm trên 43% tổng lượng khí nhà kính của cả nước. Nguồn phát thải chủ yếu là từ canh tác lúa nước, đốt phế phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi. Vì vậy, việc xây dựng các mô hình thí điểm công nghệ sản xuất nông nghiệp carbon thấp đang trở thành vấn đề được cơ quan quản lý, doanh  nghiệp và người dân quan tâm.

Theo ước tính, mỗi năm lượng phát thải từ hoạt động nông nghiệp tương đương 65 triệu tấn CO2, chiếm trên 43% tổng lượng khí nhà kính của cả nước.

Theo đó, trong năm 2018, VNCPC sẽ tập trung vào các hoạt động chính đó là:

Cung cấp gói hỗ trợ kỹ thuật đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho 3 doanh nghiệp chế biến gạo đã được vay vốn/nằm trong diện được vay vốn từ nguồn vốn tín dụng của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT);

Xây dựng tài liệu hướng dẫn về kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc liên quan đến mối liên hệ giữa hợp tác xã và doanh nghiệp doanh nghiệp chế biến. Tài liệu hướng dẫn sẽ được xây dựng thí điểm tại 1 doanh nghiệp chế biến gạo được lựa chọn;

Nghiên cứu cơ hội hợp tác giữa hai dự án cho giai đoạn kế tiếp.

Qua 4 năm triển khai (2014 – 2017), dự án Low carbon đã hướng dẫn, hỗ trợ 10 doanh nghiệp chế biến gạo cùng 10 công ty chế biến cà phê thực hiện đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Kết quả đã giúp các doanh nghiệp này tiết kiệm 1,08 triệu kwh/năm, tương đương 80.000 USD, cắt giảm 621 tấn CO2/năm.

VNCPC

Sản xuất sạch hơn được triển khai ở doanh nghiệp như thế nào?

Sản xuất sạch hơn (SXSH) khác hẳn so với phương pháp “xử lý và kiểm soát ô nhiễm”. Đây là phương pháp “dự đoán và ngăn chặn” rất linh hoạt. Song không ít người vẫn băn khoăn với câu hỏi: SXSH được triển khai ở doanh nghiệp như thế nào?

SXSH doanh nghiệp nào tham gia cũng “chiến thắng”

Thực tế, sản xuất sạch hơn là chiến lược mà doanh nghiệp nào tham gia cũng “chiến thắng” bởi nó vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ công nhân vừa giúp tăng hiệu quả công nghiệp, lợi nhuận và tính cạnh tranh.

SXSH thường được áp dụng đối với những lãng phí tài nguyên hữu hình (như nguyên liệu), nên hiện tượng lãng phí ngẫu nhiên sẽ rất ít. Nhìn chung, có thể tính toán truy tìm được vật liệu đầu vào cho một công đoạn nào đó thông qua các sản phẩm đầu ra định tính và định lượng được.

Sản xuất sạch hơn vừa giúp doanh nghiệp bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ công nhân vừa giúp tăng hiệu quả công nghiệp, lợi nhuận và tính cạnh tranh.

Mặc dù vậy, điều này không phải lúc nào cũng đúng khi xem xét trong đánh giá sử dụng năng lượng. Về căn bản, năng lượng “vào” phải bằng năng lượng “ra”, nhưng vấn đề gặp phải ở đây là các dòng năng lượng đầu ra thường khó nhận biết hơn so với dòng vật liệu. Vì thế, việc xác định và đánh giá các dòng năng lượng lãng phí dạng ẩn và sử dụng thiếu hiệu quả thường gặp nhiều khó khăn.

Điều này đặc biệt đúng với các thiết bị chạy điện như máy bơm, quạt, máy nén khí,… khi năng lượng đầu vào dưới dạng điện năng có thể dễ dàng đo lường được, nhưng mức độ chuyển đổi hiệu quả sang đầu ra hữu ích (chẳng hạn: nước được bơm, khí được nén, v.v…) thì lại không thể định lượng trực tiếp được.

SXSH có lợi nhưng…

Các mâu thuẫn có thể nảy sinh SXSH và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng (HQSDNL) có tính bổ trợ cho nhau rất cao. Tuy nhiên, trong một số tình huống, các kết quả có lợi thu được của một phương pháp luận (chẳng hạn SXSH) lại có thể được hiểu là đối lập với phương pháp còn lại (HQSDNL). Dưới đây là một số ví dụ minh chứng cho điều này:

Tuần hoàn là một kỹ thuật SXSH rất có lợi, nhưng tuần hoàn dầu và chất bôi trơn, tái sử dụng các ổ đệm đã qua sửa chữa hoặc quấn lại các động cơ bị cháy (đặc biệt là trường hợp việc sửa chữa hoặc quấn lại được thực hiện không hoàn chỉnh) thường dẫn đến tiêu hao năng lượng ở mức cao hơn.

Phương pháp luận triển khai SXSH tại doanh nghiệp

Làm lạnh bằng công nghệ hấp thụ hơi là một giải pháp SXSH chuyên nghiệp và thân thiện sinh thái khi so sánh với các máy nén hơi đang thịnh hành. Tuy nhiên, khi xét về mặt sử dụng năng lượng thì các hệ thống hấp thụ hơi lại có hiệu quả thấp hơn.

Các bóng đèn huỳnh quang tuýp gầy có hiệu quả năng lượng hơn loại bóng sợi đốt, nhưng về mặt môi trường (SXSH) thì việc phủ thủy ngân làm cho loại bóng này ít thân thiện sinh thái hơn.

VNCPC

Sử dụng và quản lý hoá chất: Thách thức lớn đối với DNVVN

Hoá chất có vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp và hiện diện trong hầu hết các cơ sở sản xuất. Song sử dụng và quản lý hóa chất thế nào cho hiệu quả vẫn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).

Hiện nay, có khoảng 100.000 chất đang được sử dụng phổ biến trong quá trình sản xuất ở các doanh nghiệp. Trong đó, có khoảng 8.000 hóa chất thương phẩm thuộc loại độc hại và mỗi năm có thêm khoảng 1.000 hóa chất mới được ra đời.

Ở Việt Nam, lượng hóa chất sử dụng hàng năm lên tới hơn 9 triệu tấn. Hầu như tất cả doanh nghiệp đều đang sử dụng ít nhất một loại hoá chất nào đó, doanh nghiệp nhiều có thể lên tới vài chục loại hoá chất khác nhau. Lượng và loại hoá chất trong từng ngành sản xuất công nghiệp là khác nhau, chẳng hạn sản xuất giấy cần các loại hoá chất như NaOH, NaCO3, H2O2, Al2(SO4)3.18H2O, ClO2, Cl2,CaO, NaSiO3 (hoá chất khử mực), Na2O4S2… với lượng từ 70 – 150 kg/tấn sản phẩm.

Hiện nay, có khoảng 100.000 chất đang được sử dụng phổ biến trong quá trình sản xuất ở các doanh nghiệp.

Đối với các cơ sở dệt, nhuộm lượng hoá chất các loại sử dụng để xử lý trước và xử lý hoàn tất vải có thể từ 500 – 2.000 kg/tấn sản phẩm, trong đó có cả hoá chất dạng vô, hữu cơ là axit, kiềm, dung môi và các loại muối khác nhau. Tuy nhiên, những hoạt động liên quan đến hoá chất luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người, an ninh xã hội và môi trường.

Các chất hóa học có thể gây ra những tác động:

– Vật lý như gây cháy, nổ, gây chấn thương cho người và thiệt hại cơ sở vật chất;
– Ăn mòn thiết bị, đường ống làm máy móc xuống cấp, hư hỏng;
– Ô nhiễm môi trường do hóa chất phát tán, bị tràn, rò rỉ hay hóa chất bị tồn kho, kém chất lượng thải bỏ;
– Ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động do hàng ngày tiếp xúc với hoá chất (gây các bệnh như ung thư, lao phổi, nhiễm độc, bỏng da…);

Vì sao các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thực hiện quản lý hóa chất?

Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động ở nước ta thường hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân lực có kỹ năng. Phải đối mặt với những khó khăn và vật lộn để tồn tại nên họ thường chỉ chú trọng tới việc sản xuất và bán sản phẩm của mình. Việc thực hiện quản lý hóa chất do vậy thường không được ưu tiên trong danh mục các hoạt động quản lý của công ty.

Hơn nữa, trong các doanh nghiệp hoạt động ở quy mô hộ gia đình và được quản lý theo kiểu gia đình với việc chuyển giao các kiến thức và kinh nghiệm mang tính cha truyền con nối, việc tiếp cận với các nguồn thông tin hiện đại về lưu giữ, xử lý, sử dụng đúng cách và đánh giá rủi ro liên quan đến hóa chất là rất khó. Do những hạn chế này, nhiều công ty có xu hướng phản ứng rất thụ động đối với công tác quản lý hóa chất. Nghĩa là, họ chỉ quan tâm đến công tác này chỉ sau khi có các sự cố xảy ra hay vấn đề liên quan đến sử dụng hóa chất trong sản xuất ở doanh nghiệp mình.

Khi thực hiện quản lý hóa chất các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có những trở ngại:

– Thiếu thông tin về chất lượng, số lượng, đặc tính về mức độ độc hại của tất cả các hóa chất đang được sử dụng;
– Mua hóa chất có chất lượng kém hoặc không có đủ những tính chất cần cho sản xuất;
– Hóa chất không được dán nhãn, không nhận biết được hóa chất;
– Hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân lực;
– Không có quy định quản lý tốt hệ thống thông tin và tư liệu;
– Chưa ưu tiên đúng mức cho công tác quản lý hóa chất;
– Tuy nhiên, nếu suy nghĩ về hoá chất sử dụng ở cơ sở sản xuất, chắc chắn doanh nghiệp sẽ nhận ra:

Sử dụng hóa chất thường là nhằm mục tiêu đảm bảo đạt được những đặc tính kỹ thuật cũng như chất lượng nhất định của các sản phẩm. Song phần lớn lượng hoá chất cần được loại bỏ trước khi cho ra sản phẩm cuối ví dụ như đối với sản phẩm dệt may chỉ có một phần thuốc nhuộm được giữ lại trên sản phẩm, còn lượng lớn hoá chất (70 – 85%) phải thải bỏ trong các quá trình giặt sau mỗi công đoạn xử lý ướt hay trong công nghệ mạ điện hiệu quả sử dụng hoá chất không cao, mạ crôm chỉ khoảng 15 – 40%. Hóa chất thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và phá hủy môi trường sinh thái.

Sử dụng hóa chất thường là nhằm mục tiêu đảm bảo đạt được những đặc tính kỹ thuật cũng như chất lượng nhất định của các sản phẩm.

Chi phí cho hóa chất chiếm một phần đáng kể trong tổng chi phí sản xuất của các công ty,đặc biệt như trong dệt nhuộm, sản xuất giấy và bột giấy, gia công kim loại… chi phí cho hoá chất chiếm 25 – 30% tổng chi phí sản xuất. Như vậy, doanh nghiệp cần phải có chiến lược quản lý hoá chất cho cơ sở sản xuất của mình.

Những lợi ích đem lại cho doanh nghiệp khi quản lý hoá chất hiệu quả, đó là:

– Giảm chi phí sản xuất thông qua bất kỳ biện pháp nào có thể làm giảm lượng thất thoát, lãng phí hóa chất cũng như tránh để hóa chất bị nhiễm bẩn, bị quá hạn sử dụng cũng sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho công ty và đồng thời giúp giảm tác động môi trường gây bởi hoạt động sản xuất của công ty.

– Tăng lợi thế cạnh tranh do yêu cầu và nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm và môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc hình thành những yêu cầu mới, ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các nhà sản xuất và cung cấp hàng hóa trên thị trường nội địa và quốc tế. Bằng cách nhận biết và giảm sử dụng các hóa chất bị cấm và các hóa chất độc hại, doanh nghiệp tránh được sự phàn nàn của khách hàng và có thể nâng cao vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường.

– Nâng cao an toàn và sức khỏe công nhân thông qua quản lý, bảo quản và sử dụng hoá chất hợp lý sẽ giảm được các rủi ro về nhiễm độc, gây bệnh nghề nghiệp hay các vụ cháy nổ. Nâng cao sức khỏe cho người lao động và thúc đẩy động lực làm việc, tăng năng suất và giảm nghỉ việc do ốm đau, hoặc chấn thương.

Cách quản lý hiệu quả hoá chất trong doanh nghiệp vừa và nhỏ

Để quản lý hiệu quả hóa chất, cách tiếp cận theo hướng chiến lược phòng ngừa hay sản xuất sạch hơn sẽ giúp doanh nghiệp phòng tránh được các sự cố và giảm đáng kể những chi phí liên quan đến việc giải quyết các sự cố khi chúng xảy ra. Cách tiếp cận mang tính phòng ngừa sẽ giúp công ty khắc phục được những điểm yếu và giải quyết được khó khăn ngay từ giai đoạn đầu.

VNCPC (Tổng hợp)