Vì sao cần lồng ghép Sản xuất sạch hơn và Sử dụng năng lượng hiệu quả?

Sản xuất sạch hơn (SXSH) và Sử dụng năng lượng hiệu quả (SDNLHQ) là những chiến lược có tác động mạnh mẽ nhằm giảm chi phí và tạo ra lợi nhuận từ việc giảm phát sinh chất thải. Việc lồng ghép hai chiến lược này sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích hơn – cả về khía cạnh môi trường và kinh tế.

Sản xuất sạch hơn – Trọng tâm là dòng vật liệu

SXSH là một chiến lược mang tính phòng ngừa nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm tiêu thụ các nguyên vật liệu. SXSH tập trung chủ yếu vào các quy trình và việc giảm thiểu các đầu vào của các quy trình đó.

Đây là một phương pháp tư duy mới và sáng tạo về sản phẩm và quy trình, trong đó liên tục áp dụng các chiến lược nhằm ngăn ngừa và/hoặc giảm sự phát sinh chất thải. Người thực hành SXSH dựa vào phương pháp luận SXSH đã được xác lập nhằm nhận diện và triển khai giải pháp.

SXSH là một chiến lược mang tính phòng ngừa nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm tiêu thụ các nguyên vật liệu.

Như vậy, khái niệm SXSH giúp kết hợp các cơ hội tăng trưởng thực sự với hiệu quả sử dụng nguyên liệu tối ưu. Tuy nhiên, vì SXSH được phát triển bắt nguồn từ những mối lo ngại về môi trường liên quan đến ô nhiễm vật lý phát sinh từ các dòng thải nguyên liệu và phát thải nên các cấu phần của nó và những người thực hành đều chú trọng đến vấn đề bảo toàn nguồn nguyên liệu. Nhìn chung, SXSH không giải quyết những vấn đề tổng năng suất sử dụng tài nguyên, và các khía cạnh khác của năng suất như bảo toàn năng lượng, kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật giá trị… chưa được lồng ghép vào khái niệm này. Bên cạnh đó, SXSH, theo định nghĩa, cũng không bao hàm các giải pháp “cuối đường ống”.

Sử dụng năng lượng hiệu quả – trọng tâm là giảm chi phí

Những nỗ lực cải thiện sử dụng năng lượng hiệu quả bắt đầu được tiến hành vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, chủ yếu là do nhu cầu giảm chi phí sản xuất. Dù cho năng lượng là đầu vào thiết yếu của nhiều quy trình thì cũng không nhất thiết phải là một thành phần chi phí quan trọng nhất.

Điều này giải thích tại sao những người thực hành SDNLHQ có xu hướng chú trọng vào thiết bị chuyển hoá năng lượng (ít rủi ro hơn về việc làm phá vỡ quy trình) và luôn tránh các giải pháp SDNLHQ có liên quan đến quy trình (mang tính chất rủi ro hơn).

Lợi ích của việc tích hợp SXSH và SDNLHQ

Tiếp cận SXSH-SDNLHQ tích hợp sẽ giúp mang lại những lợi ích sau:

Gói dịch vụ mở rộng mang lại lợi ích lớn hơn: Khi tài nguyên được định giá ở mức thấp (hoặc có thể được trợ giá) và/hoặc các vấn đề môi trường chưa được xem là quan trọng thì giải pháp SXSH tự nó có thể không thu hút được nhiều sự quan tâm. Lúc đó, nếu kết hợp với lợi ích từ SDNLHQ có thể đề xuất một gói giải pháp hấp dẫn hơn.

SXSH-SDNLHQ có thể giúp tạo ra những sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường sinh thái.

Tương tự, vấn đề giảm tiêu hao năng lượng trong thời điểm giá năng lượng giảm xuống có thể được quan tâm hơn khi kết hợp với SXSH. Tiếp cận SXSH-SDNLHQ tích hợp đúc rút từ số lượng lớn hơn những thực hành sản xuất tốt nhất nên mang lại các giải pháp kinh doanh toàn diện và có nhiều lợi ích hơn về mặt kinh tế.

Thị phần của sản phẩm được mở rộng hơn

SXSH-SDNLHQ có thể giúp tạo ra những sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường sinh thái. Sản phẩm “xanh”, bảo đảm cả nhãn đánh giá tính sinh thái và năng lượng, nên sẽ giúp sản phẩm có thêm lợi thế cạnh tranh – có thể giành được thị phần tốt hơn.

Việc tích hợp bảo đảm cho tính bền vững của các giải pháp SDNLHQ

Cho đến nay, tiếp cận SDNLHQ đang thịnh hành, về bản chất, có định hướng theo nhiệm vụ (kiểu “kê toa”) vì thế không được xem là hoạt động quản lý hàng ngày tại doanh nghiệp. Một tình trạng phổ biến là các chương trình SDNLHQ kết thúc ngay khi các nhà tư vấn rời khỏi công ty và kết quả là các chương trình vẫn mang tính rời rạc và diễn ra trong thời gian ngắn.

Ngược lại, áp dụng liên tục là một đặc điểm chính của SXSH. Khi SXSH và SDNLHQ tích hợp, khái niệm “liên tục” mở rộng cho SDNLHQ và do đó đảm bảo tính bền vững lâu dài cho thực hiện SDNLHQ.

Hỗ trợ thực hiện các hiệp định và nghị định thư toàn cầu

Trong những năm gần đây một loạt các hiệp định và nghị định thư của khu vực và toàn cầu đã được xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường và năng lượng.

SXSH-SDNLHQ có thể giúp kiểm soát những vấn đề này dễ dàng hơn so với khi chỉ áp dụng SXSH hay SDNLHQ đơn lẻ. Một số quốc gia ban hành luật về SXSH, một số quốc gia khác lại ban hành luật về SDNLHQ; nếu kết hợp hai luật này sẽ giúp thực hiện đồng thời những biện pháp bảo toàn nguyên vật liệu và năng lượng. Nhóm công tác SXSH-SDNLHQ có thể đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ chính phủ một quốc gia đạt được mục tiêu này.

Bớt lặp lại nhiệm vụ và tạo ra sự đồng vận giữa các mục tiêu của SXSH và SDNLHQ

Khi không tích hợp, các chuyên gia SXSH và SDNLHQ mất nhiều thời gian để thu thập và phân tích dữ liệu một cách riêng biệt và sau đó thực hiện các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng cũng theo cách đơn lẻ. Khi tích hợp, nỗ lực chung và đồng thời sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian thu thập và phân tích dữ liệu, như vậy, sẽ dẫn đến nhiều cách thức đơn giản hơn để giải quyết những vấn đề độc lập về lãng phí nguyên vật liệu và năng lượng.

Dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn

Có những nguồn vốn trong khu vực và trên toàn cầu chỉ dành cho SXSH hoặc chỉ dành cho SDNLHQ. Theo đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với tất cả những nguồn vốn này bằng cách tích hợp SXSH-SDNLHQ.

SXSH-SDNLHQ mở đường cho việc thực hiện Hệ thống Quản lý Môi trường (EMS)

Tiếp cận SXSH-SDNLHQ tích hợp, với phương pháp luận của mình sẽ giúp dễ dàng triển khai và duy trì một Hệ thống Quản lý Môi trường (EMS) toàn diện hơn.

VNCPC

Thư ngỏ!

Lời đầu tiên, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) xin gửi tới Quý vị lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe và thành công!

VNCPC là sản phẩm của sự hợp tác giữa trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), trong khuôn khổ dự án VIE/96/063 và VIE/04/064, với sự tài trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO). Hiện VNCPC là thành viên chính thức trong mạng lưới toàn cầu của UNIDO – UNEP về “Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn” (RECPnet).

Là đơn vị hoạt động dựa trên nguyên tắc không vì lợi nhuận, VNCPC tập trung vào hoạt động thúc đẩy thực hiện sản xuất sạch hơn; chuyển giao công nghệ carbon thấp trong công nghiệp và dịch vụ cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Các dịch vụ chính của VNCPC gồm:

  • Đào tạo xây dựng năng lực và hướng dẫn thực hiện đánh giá “Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn”;
  • Tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sử dụng tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp;
  • Tư vấn tích hợp đánh giá SXSH với xây dựng hệ thống quản lý môi trường; quản lý an toàn hóa chất và chất thải công nghiệp; nâng cao năng suất và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp;
  • Tư vấn các giải pháp sản xuất xanh, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững…

Trong 20 năm qua, thông qua các hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật, VNCPC đã giúp hàng ngàn doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc các ngành sản xuất và dịch vụ tiếp cận, áp dụng các biện pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, nước, quản lý an toàn hóa chất, giảm thiểu phát sinh chất thải. Điều này đã giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Những kết quả VNCPC đạt được trong năm qua đã được tóm tắt trong báo cáo thường niên 2017. Hy vọng ấn phẩm cung cấp cho Quý cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp những thông tin hữu ích, đồng thời mong rằng Quý vị sẽ cùng chúng tôi đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và sản xuất sạch hơn, góp phần vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn!

PGS. TS Trần Văn Nhân

Giám đốc VNCPC

Báo cáo năm 2017 xem tại đây.

Người Việt đang lãng phí tiền tỷ vì “bỏ qua” tài nguyên rác

Ở Việt Nam, rác thải được xử lý lâu nay chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, hoặc đốt thủ công tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng.

Với nhiều người, rác thải là những thứ thừa thãi, hết tác dụng, bỏ đi… tuy nhiên, trong thực tế rác cũng được coi là một “nguồn tài nguyên” vì nhiều thành phần trong đó có nguồn gốc từ các tài nguyên thiên nhiên nên nhiều nước trên thế giới đã coi việc phân loại và xử lý rác là một ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận.

Ở Việt Nam, rác thải được xử lý lâu nay chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, hoặc đốt thủ công tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy nhiều bãi rác đã và đang gây ra ô nhiễm môi trường rất nặng nề, đồng thời lãng phí một lượng lớn rác có thể tái chế sử dụng do thói quen không phân loại rác của người dân.

Không phân loại rác chính là nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta đang lãng phí nguồn tài nguyên rất lớn.

Việc xử lý phổ biến nhất là chôn lấp và đốt thủ công mà chưa qua phân loại, phương pháp này chiếm tới 50%, theo đó các chất như nhựa, kim loại nặng, chất hữu cơ là những thứ lãng phí nhiều nhất.

Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn-Hà Nội) là một trong những nhà máy có công nghệ xử lý rác được đánh giá tốt nhất Việt Nam. Nhưng rác thải túi nylon, chất hữu cơ, dầu thải, bông băng y tế, sắt vụn được thu gom về đây cũng không được tái chế và tái sử dụng mà chủ yếu chôn lấp.

Theo ông Phạm Trọng Thực – Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo và Năng lượng mới, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), có tới 85% lượng chất thải hiện nay tại Việt Nam được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, đòi hỏi nhiều quỹ đất, trong đó 80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, thế giới đã và đang sử dụng công nghệ tiên tiến để thực hiện việc tái chế rác thải, tận dụng các sản phẩm đó phục vụ vào sản xuất năng lượng. Về công nghệ xử lý rác thải, Việt Nam đang bị tụt hậu khá xa so với thế giới.

Số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay. Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm lượng rác thải gia tăng thêm 10%, đồng nghĩa với hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí. Nếu như số lượng rác này được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên không nhỏ.

Các chuyên gia đánh giá, cần phải thay đổi tư duy ngay từ bây giờ, thay vì sử dụng giải pháp chôn lấp rác thải, chúng ta cần tính đến giải pháp sử dụng công nghệ để tái chế rác thải vì một môi trường xanh sạch trong tương lai, vì mục tiêu hướng đến những đô thị văn minh, hiện đại. Việt Nam phải có nhiều các nhà máy đốt rác phát điện để không lãng phí tài nguyên rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Và trên thực tế, nhiều DN hiện nay cũng đang bắt đầu đi theo xu hướng này. Vấn đề là các DN cần có được nguồn nguyên liệu ổn định nhưng lại không tìm được ở đâu, trong khi nghịch lý là mỗi ngày cả nước thải ra đến 70.000 tấn rác thải.

Theo ông Trương Việt Anh- đại diện Công ty Fecom, trong khi ở Việt Nam nguồn rác đang bị lãng phí, như nguồn rác Nam Sơn, mỗi ngày có từ 5.000 – 6.000 tấn được chở đi chôn lấp, thì nhiều nhà đầu tư lại “bó tay” vì không tìm được nguồn nguyên liệu để thực hiện tái chế rác thải một cách ổn định. Dường như đây vẫn là một ngịch lý chưa có lời giải đối với bài toán công nghệ tái chế rác thải ở Việt Nam.

Theo Danviet.vn

Xăng sinh học có thực sự giúp bảo vệ môi trường

Nhiên liệu sinh học, thứ từng được xem như giải pháp hoàn hảo để thay thế cho các loại nhiên liệu hóa thạch, có thực sự bảo vệ môi trường?

Nghe đến cụm từ “xăng sinh học”, chúng ta dễ hình dung đây là một loại xăng thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ môi trường.

Trên thực tế, ý nghĩa lớn nhất của xăng sinh học là nó giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cũng như giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Khí thải từ các động cơ sử dụng xăng pha cồn ít hơn so với các loại xe sử dụng xăng dầu thông thường, với mức giảm lượng khí thải carbon monoxide (CO-khí thải gây hiệu ứng nhà kính) từ 20-30%.

Sản xuất ethanol từ các sản phẩm nông nghiệp như ngô, mía đường, sắn lát, khoai mì… có thể giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao giá trị nông sản và phần nào mang lại lợi ích cho nông dân.

Nghe đến cụm từ “xăng sinh học”, chúng ta dễ hình dung đây là một loại xăng thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, các tài liệu tuyên truyền cho xăng sinh học đang bỏ qua nhiều yếu tố có thể gây hại đối với hệ sinh thái và môi trường.

Theo báo cáo năm 2015 của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), nhiên liệu sinh học, thứ từng được xem như giải pháp để bảo vệ hành tinh khỏi sự tàn phá môi trường của các loại nhiên liệu hóa thạch, đang mất dần “vai trò vẻ vang” của mình.

WRI cảnh báo các nước nên xem lại chính sách năng lượng và cho rằng, việc tiếp tục theo đuổi chiến lược vốn đã ngốn hàng tỉ đô la đầu tư này sẽ dẫn tới việc hao tốn thêm nhiều vùng đất rộng lớn màu mỡ có thể dùng để giúp nuôi sống dân số ngày càng tăng của thế giới.

Theo ông Timothy D. Searchinger, học giả tại Đại học Princeton và là tác giả chính của báo cáo, để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu hiện tại bằng nhiên liệu sinh học, sẽ cần tới hàng trăm triệu ha đất trồng trọt. Trong khi diện tích đất đó cũng cần thiết để đáp ứng nhu cầu lương thực trên toàn thế giới, dự kiến sẽ tăng 70% hoặc hơn vào năm 2050.

“Chúng ta chỉ có một hành tinh, với từng ấy đất. Nếu bạn có sử dụng đất cho mục đích này, bạn không thể sử dụng nó cho mục đích khác”, ông Searchinger lập luận.

Việc mở rộng diện tích trồng cây làm nhiên liệu sinh học cũng hủy hoại trực tiếp và gián tiếp nhiều diện tích rừng. Theo ước tính, nếu như 1 ha đất trồng mía để chế tạo ethanol cho phép giảm 13 tấn CO2 một năm ở Brazil, thì cũng cần biết là 1 ha rừng có khả năng hấp thụ đến 20 tấn CO2 một năm. Hủy hoại 1 ha rừng để trông mía như vậy “không có lãi” về khối lượng khí thải carbon.

Chính vì thế, báo cáo của WRI cho rằng, nếu rừng hoặc cỏ được trồng ở vị trí của mình (không bị biến thành nhiên liệu), nó sẽ hút CO2 khỏi không khí, lưu trữ trong thân cây và đất, có lợi hơn so với những gì mà nhiên liệu sinh học làm.

Bên cạnh đó, sự đa dạng môi trường sinh thái có thể bị đe dọa khi hàng trăm ngàn ha đất được sử dụng để trồng một thứ thực vật duy nhất, ví dụ như những cánh đồng trồng toàn ngô, toàn mía hoặc toàn sắn… chỉ để cung cấp nguyên liệu sản xuất ethanol.

Để đảm bảo chất lượng nguyên liệu, người ta cần dùng thêm rất nhiều phân bón và nước để trồng cây nguyên liệu, và điều này có thể dẫn tới các vấn đề khác về môi trường như tồn dư hóa chất trong đất từ phân bón, hoặc thiếu nước phục vụ dân sinh.

Theo một báo cáo năm 2013 của tổ chức Nông lương LHQ (FAO), phải cần 1000 – 4000 lít nước để sản xuất 1 lít nhiên liệu ethanol. Trước bối cảnh khủng hoảng nước ngọt mà nhân loại đang đối mặt, mức độ sử dụng nước để sản xuất ethanol như vậy là phi lý.

Ngoài ra, tác động của nhiên liệu sinh học đối với vấn đề lương thực đã được kiểm chứng. Tổ chức chống nghèo đói và bất công Oxfam cũng đã có nhiều cảnh báo về việc năng lượng xanh có thể đe dọa đến vấn đề an ninh lương thực. Khi đất trồng trọt được sử dụng tối đa để trồng cây làm nguyên liệu sản xuất năng lượng sinh học thì sẽ thiếu đất để trồng cây lương thực, đồng thời đẩy giá nông sản lên cao và đe dọa cuộc sống của người nghèo. Theo một nghiên cứu của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, vai trò của nhiên liệu sinh học trong sự gia tăng giá là 70% với giá ngô và 40% với giá đậu nành.

FAO ước tính hiện nay thế giới vẫn còn khoảng 800 triệu người thiếu đói, và thật vô lý khi nguồn lương thực bị biến thành chất đốt. Có thể thấy rõ thực tế này qua một bài toán rất đơn giản: Phải mất khoảng 2,6 kg ngô mới sản xuất ra được 1 lít ethanol, và để đổ đầy bình xăng một chiếc xe ô tô với 94 lít nhiên liệu ethanol, phải dùng đến 244 kg ngô, đủ để nuôi một người trong một năm.

Vì vậy, ông Jean Ziegler, trong nhiệm kỳ làm Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền được đảm bảo dinh dưỡng (từ năm 2001-2008), đã gọi nhiên liệu sinh học là “tội ác chống loài người”.

Ngoài ra, Bộ Môi trường Brazil năm 2014 đã công bố một bản báo cáo cho biết, khi sử dụng nhiên liệu ethanol làm nguyên liệu cho động cơ ô tô, lượng khí thải ô nhiễm cho dù có thể không ảnh hưởng đến sự biến đổi khí hậu, nhưng vẫn ảnh hưởng tới sức khỏe con người do vẫn phát thải các khí như carbon monoxide, hydrocarbons và nitrogen oxide.

Nói tóm lại, các loại động cơ sử dụng nhiên liệu sinh học thải ít khí CO2 vào khí quyển hơn, nhưng nếu tính tới cả toàn bộ chu kỳ từ sản xuất, phân phối và sử dụng thì ưu điểm trên sẽ giảm đi ít nhiều, và trong một số trường hợp thì nhiên liệu sinh học còn tiêu cực hơn so với nhiều loại nhiên liệu khác.

Vì thế, giải pháp trên cấp độ toàn cầu chỉ có thể là giảm mức tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là tại các nước phát triển, và đầu tư vào công nghệ mới (như điện mặt trời, phong điện…). Còn nhiên liệu sinh học bản thân nó không hoàn toàn mang tính tiêu cực và có thể là giải pháp đáng quan tâm ở cấp độ địa phương, với điều kiện tôn trọng sự đa dạng sinh học, chất lượng đất, nguồn nước, và đảm bảo an ninh lương thực.

Theo Khampha.vn

Pin mặt trời tạo ra điện vào cả những ngày trời mưa 

Các nhà khoa học tại Đại học Tô Châu (Trung Quốc) đã đưa ra một giải pháp hoàn hảo đối với hoạt động của các tấm pin năng lượng mặt trời là các tấm pin này có thể cung cấp điện ngay cả khi trời mưa và âm u.

Các công trình nghiên cứu trước đây có liên quan đến năng lượng mặt trời thì đều phải có ánh nắng mặt trời. Nhưng mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Tô Châu (Trung Quốc) đã đưa ra một giải pháp hoàn hảo đối với hoạt động của các tấm pin năng lượng mặt trời. Đó là các tấm pin này có thể cung cấp điện ngay cả khi trời mưa và âm u.


Sơ đồ tạo ra điện từ những giọt mưa.

Có nghĩa là, các tế bào lai của tấm pin năng lượng mặt trời có thể phát điện khi có nắng và năng lượng cơ học được tạo ra bởi các hạt mưa rơi trên thiết bị.

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra một tấm pin bằng nhựa trong suốt, tạo ra một lớp tế bào lai của tấm pin năng lượng mặt trời và có thể đặt ngay trên mái nhà bởi trọng lượng của nó rất nhẹ.

Các lớp tế bào lai này có thể liên kết với nhau những cũng có thể hoạt động độc lập nhằm giúp cho tấm pin có thể hoạt động, tạo ra điện trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào.

“Chúng tôi đã kết hợp các máy phát điện ma sát nano với các tấm pin mặt trời đã được sử dụng trên các tấm quang điện”, Tiến sĩ Zhen Wen, Viện Vật liệu Linh hoạt & Nano (FUNSOM), cho biết.

Dự án trên với các lợi ích trông thấy là giảm chi phí sản xuất và hiệu năng lớn là điểm đánh dấu cho sự khởi đầu một cuộc cách mạng hóa nền công nghiệp năng lượng sử dụng pin năng lượng mặt trời.

Nó sẽ là giải pháp năng lượng sạch tuyệt vời cho những vùng không có điều kiện tiếp cận với điện lưới hoặc vùng có khí hậu thất thường, hoặc khu vực có nhiều mưa…

Đó chính là nguồn năng lượng thách thức mọi điều kiện khí hậu và còn được đánh giá sẽ dễ dàng triển khai trên nhiều vùng trên toàn thế giới.

Theo moitruong.com.vn

Trái đất đang trở nên khó sống hơn

Giới chuyên gia cảnh báo Trái đất đang trở thành một nơi ngày càng nguy hiểm và khó sống hơn với các thế hệ tương lai khi nồng độ carbon dioxide tăng vọt lên mức kỷ lục trong vòng 800.000 năm qua.

Theo báo Usa Today, nồng độ khí carbon dioxide (CO2) – loại khí là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu, còn gọi là khí nhà kính, trong tháng 4 năm nay đã vừa đạt tới mức kỷ lục trong vòng 800.000 năm qua.

Cụ thể, nồng độ CO2 tính theo thể tích đã vọt lên mức 410 ppm, có nghĩa là trong 1m3 không khí có 410 mg CO2.

Nồng độ carbon dioxide tăng vọt lên mức kỷ lục trong vòng 800.000 năm qua – Ảnh: GETTY
 Theo dữ liệu theo dõi của Viện Hải dương học Scripps, nồng độ trung bình của khí CO2 trong không khí đo được trong tháng 4 vừa qua cũng tăng 30% so với nồng độ CO2 của không khí toàn cầu kể từ thời điểm người ta bắt đầu đo lường nồng độ này năm 1958.

Cũng theo Viện Scripps, trước khi bắt đầu giai đoạn Cách mạng Công nghiệp, lượng CO2 cũng dao động ở nhiều mức cao, song chưa bao giờ vượt quá mốc 300 ppm.

Ông Ralph Keeling – chuyên gia có thời gian theo dõi lâu nhất về nồng độ CO2 trên Trái đất của Viện hải dương học Scripps giải thích: “Chúng ta vẫn tiếp tục đốt các nhiên liệu hóa thạch. CO2 vẫn tiếp tục tích tụ vào không khí. Về cơ bản mọi chuyện đơn giản là thế”.

Bà Katharine Hayhoe – nhà khoa học thời tiết thuộc Đại học Công nghệ Texas, bày tỏ lo ngại: “Điều khiến tôi lo lắng nhất không phải vì chúng ta vừa vượt qua một cột mốc nữa, mà chính là xu hướng tiếp tục tăng lên đó có nghĩa chúng ta vẫn đang tiếp tục giữ nguyên xi tốc độ tiến về phía trước với một trải nghiệm chưa từng có tiền lệ trên hành tinh của mình, ngôi nhà duy nhất chúng ta có”.

Tổ chức Khí tượng học Thế giới cho rằng việc tăng thêm các loại khí như carbon dioxide, methane và nitrous oxide (N2O) đang làm trầm trọng hơn tình trạng biến đổi khí hậu và khiến “hành tinh của chúng ta trở nên nguy hiểm và không thể ở được với các thế hệ tương lai”.

Theo Tuổi Trẻ