VNCPC tập huấn nâng cao năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp tại Quảng Bình

Mới đây, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Quảng Bình đã phối hợp cùng Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức tập huấn nâng cao năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn  (SXSH) trong công nghiệp cho các doanh nghiệp tại địa phương.

Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được nghe PGS.TS Trần Văn Nhân, Giám đốc VNCPC giới thiệu về sản xuất sạch hơn và thực tiễn áp dụng ở Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện tiếp cận trong phát triển công nghiệp bền vững; đồng thời trao đổi các thông tin về những thách thức, lợi ích, bài học kinh nghiệm trong thực tiễn áp dụng sản xuất sạch hơn, thúc đẩy thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 tại Quảng Bình.

Hình minh họa.

Đây là dịp tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, giảm thiểu phát thải, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.

Được biết, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Quảng Bình cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phổ biến, nâng cao nhận thức cho các cán bộ quản lý Nhà nước, cán bộ quản lý tại cơ sở doanh nghiệp về sản xuất sạch hơn. Qua đó, tạo điều kiện cho đơn vị quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nắm vững những chính sách, thông tin liên quan về sản xuất sạch hơn, đồng thời tiếp cận, phổ biến nhân rộng mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

VNCPC

Hơn 200 triệu USD phát triển năng lượng tái tạo

Theo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, với quy mô kinh tế hiện nay và tốc độ tăng trưởng kinh tế trên dưới 7%/năm, nhu cầu năng lượng nói chung và điện nói riêng của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. 

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, Việt Nam từ một nước xuất khẩu tịnh năng lượng đã trở thành nước nhập khẩu tịnh về năng lượng và ngày càng phụ thuộc nhập khẩu nguồn than và khí hóa lỏng từ nước ngoài.

Trong bối cảnh này, việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là xu thế tất yếu nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào than nhập khẩu…

Điện gió, nguồn năng lượng tái tạo thực hiện thành công tại Bạc Liêu Ảnh: CAO THĂNG

Để phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công thương đã triển khai dự án “Phát triển năng lượng tái tạo” (REDP) với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Cục Hợp tác kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO). Dự án REDP có tổng kinh phí 204,272 triệu USD; trong đó, nguồn vốn tài trợ không hoàn lại là 2,272 triệu USD. Mục tiêu của dự án REDP nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cấp lên lưới điện quốc gia, trên cơ sở thương mại, đảm bảo phát triển bền vững.

Dự án REDP đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong công tác đầu tư xây dựng dự án năng lượng tái tạo; hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện khung chính sách pháp lý về năng lượng tái tạo, tập trung giải quyết một số rào cản đối với việc huy động nguồn vốn thương mại để phát triển năng lượng tái tạo; cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực ở các trường đại học chuyên ngành, cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo.

Theo sggp.org.vn

Hội nghị Bàn tròn về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững năm 2018

Sáng ngày 06 tháng 7 năm 2018 tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị bàn tròn về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững, Hội nghị có sự tham dự là đại diện lãnh đạo của các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương và Bộ tài Nguyên Môi trường cùng với lãnh đạo Sở Công Thương, các Trung tâm tư vấn sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng của các địa phương cả nước.

Ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị Bộ Công Thương đánh giá kết quả đạt được từ hoạt động SXSH cơ bản đạt các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2009-2018, có 55% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã biết về SXSH, 24% doanh nghiệp áp dụng SXSH giảm suất tiêu hao nguyên nhiên liệu, 73% Sở Công Thương có cán bộ hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn. Mạng lưới SXSH tại các địa phương gồm có 47 Trung tâm (TKNL, SXSH, Khuyến công) trên cả nước có hoạt động hỗ trợ SXSH và 355 chuyên gia về SXSH tại các Sở Công Thương của 63 tỉnh, thành.

Bộ Công Thương ghi nhận các địa phương đã tiếp tục triển khai hoạt động SXSH bằng nguồn ngân sách địa phương sau khi chương trình hỗ trợ từ Đan Mạch kết thúc vào năm 2011, đây cũng là hoạt động giúp cho chương trình triển khai không bị gián đoạn cho đến nay.

Ra đời cách đây 2 năm, Chương trình sản xuất sản xuất và tiêu dùng bền vững hiện mới có 02 địa phương là Hà Nội và Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch hành động, song Hội nghị tin rằng giai đoạn tiếp theo đến năm 2030, sự kết hợp giữa SXSH và sản xuất tiêu dùng bền vững sẽ mang lại kết quả quan.

Thời gian qua, việc triển khai chương trình sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững triển khai có nhiều thuận lợi khi lồng ghép với các hoạt động khác của Khuyến công như: Chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; Xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Càng thuận lợi hơn khi được tư vấn triển khai chương trình từ mạng lưới Khuyến công của các địa phương, ông Hoàng Chính Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương phát biểu tại Hội nghị.

Theo PGS, TS Trần Văn Nhân cần nghiên cứu cấp các chứng nhận về SXSH cho các doanh nghiệp phù hợp.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị, PGS.TS Trần Văn Nhân – Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cho biết, khi tiếp cận doanh nghiệp, cần khai thác và báo cáo sâu về lợi ích kinh tế khi doanh nghiệp tham gia SXSH nhằm tạo động lực lớn và doanh nghiệp tham gia chặt chẽ hơn; Cần nghiên cứu cấp các chứng nhận về SXSH cho các doanh nghiệp phù hợp.

“Thời gian sắp tới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hoạt động sản xuất tiêu dùng bền vững; Xây dựng cơ chế khuyến khích người tiêu dùng thông thái, nhà sản xuất thay đổi phương thức sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, tác động đến môi trường thấp nhất trong hoạt động chuỗi giá trị sản phẩm; Xây dựng và phát triển mạng lưới tư vấn địa phương bền vững; Xây dựng chỉ tiêu cụ thể để có cơ sở đánh giá kết quả chương trình” đó cũng là nội dung ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh trong kết luận tại Hội nghị.

Theo sxsh.vn

4,1 tỷ USD hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu

Mới đây, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Phiên khai mạc toàn thể Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu khai mạc.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà được bầu làm Chủ tịch, điều hành Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng GEF.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nhấn mạnh Trái Đất – ngôi nhà chung của nhân loại, đang phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra.

Do vậy, nếu chúng ta không có những giải pháp tổng thể, các quốc gia, dân tộc và mọi người dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự kỳ họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thách thức to lớn đó cũng chính là cơ hội để nhân loại phải nhìn nhận, đánh giá lại con đường và mô hình phát triển, từ đó tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động để môi trường sống tự nhiên trên toàn cầu mãi trường tồn, những giá trị văn hóa, lịch sử cao đẹp của bao thế hệ của chúng ta sẽ được gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ mai sau.

Và hơn hết là để chúng ta cùng đoàn kết hiện thực hóa ước vọng của biết bao thế hệ người dân không phân biệt màu da, dân tộc về một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao việc trong gần ba thập kỷ kể từ khi thành lập đến nay, Quỹ Môi trường toàn cầu đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết các thách thức to lớn về môi trường, biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là sự hỗ trợ của Quỹ GEF dành cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết triển khai lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, huy động nguồn lực, sự sáng tạo, chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững.

Bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến Quỹ Môi trường toàn cầu và các quốc gia thành viên GEF, các đối tác phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự tư vấn, hợp tác, hỗ trợ nguồn lực quý báu của các bạn.

Để góp phần vào thảo luận của Kỳ họp lần thứ 6, Đại hội đồng GEF, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu một số nội dung quan trọng để các đại biểu thảo luận: cần nhận diện cụ thể những thách thức chính về môi trường đối với nhân loại hiện nay, từ đó đề ra được chính sách ưu tiên nhằm giải quyết một cách tổng thể, hiệu quả những thách thức đó; cần đánh giá được hiệu quả của cơ chế hỗ trợ và hợp tác hiện nay, từ đó có những cải tiến mang tính đột phá, đặc biệt trong khâu huy động và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia thành viên, nhất là những quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức to lớn do suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra; cần đề xuất được những dự án tổng hợp mang tính toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm giải quyết các nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu…; cũng như cần có các dự án trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay như vấn đề rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng…

Bà Naoki Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu cảm ơn Ngài Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, vì đã chủ trì tổ chức Đại Hội đồng GEF, tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc.

Bà Naoki Ishii cho biết, bản thân rất ấn tượng tới kết quả của công cuộc đổi mới của Việt Nam từ năm 1986, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng chưa từng thấy, 5,5% trong gần ba thập niên và trở thành một nước có thu nhập trung bình.

Hơn nữa, Việt Nam đã làm được điều này với sự ổn định và chất lượng; tỉ lệ nghèo đói đã giảm từ 50% xuống chỉ còn 3% và người dân Việt Nam giờ đây có sức khỏe và một nền giáo dục tốt hơn so với nhiều nước ở ngưỡng trên mức thu nhập trung bình.

Đó là một thành tựu to lớn của Việt Nam. Trong quá trình phát triển này, Việt Nam cũng đã phải chịu đựng sự suy thoái đất và rừng, ô nhiễm không khí và nguồn nước; đồng thời nhận thức rất rõ về sự cần thiết phải quan tâm đến môi trường; về sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam không hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế, cũng như khuyến khích năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, vì các đại dương xanh và khỏe mạnh.

Nhấn mạnh tới vai trò của Quỹ Môi trường toàn cầu trong suốt 25 năm qua đồng hành trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở nhiều nơi, nhiều quốc gia trên thế giới, bà Naoki Ishii thừa nhận rằng thành công trong quá khứ này là không đủ và chúng ta phải thay đổi.

Chúng ta phải chuyển đổi các hệ thống kinh tế chủ chốt; chuyển đổi hệ thống lương thực và sử dụng đất; chuyển đổi các thành phố; chuyển đổi hệ thống năng lượng – để chuyển sang một nền kinh tế tuần hoàn.

Chúng ta phải khôi phục lại các hệ sinh là nền tảng cho phát triển xã hội và kinh tế của chúng ta. Muốn thế, cần phải dựa trên sự liên kết giữa nhiều cơ quan, đối tác liên quan – chính là sức mạnh của sự hợp tác – sự hợp tác của 183 quốc gia thành viên, 18 cơ quan lớn với mạng lưới đối tác mạnh để thực hiện 5 Công ước bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, các trường đại học và viện nghiên cứu…

Chính vì vậy, GEF-7 chính là cơ hội để cùng thay đổi. Với 29 nhà tài trợ, GEF đã có sự bảo đảm về 4,1 tỷ USD trong bốn năm tới cho rất nhiều chương trình hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.

Kỳ họp Đại hội đồng GEF-6 diễn ra trong 2 ngày 27 – 28/6/2018, tập trung vào việc thảo luận, hoàn thiện các Văn kiện hợp tác GEF; Báo cáo về Quỹ Biến đổi khí hậu Đặc biệt (SCCF)/Quỹ Ủy thác cho các nước kém phát triển (LCDF); Báo cáo chiến lược dài hạn của GEF; Báo cáo của Ban Tư vấn về Khoa học và Kỹ thuật; Đánh giá và thẩm định các chính sách trong việc vận hành Quỹ; Báo cáo của các nước thành viên tham gia GEF.

Đồng thời cũng sẽ thông qua kết quả các Phiên họp hội nghị bàn tròn cấp cao về một số chủ đề trọng tâm như phát triển kinh tế xanh lam; quản lý đất đai; hóa chất, chất thải và thủy ngân; thành phố bền vững; động vật hoang dã…; và thông qua Văn kiện hợp tác GEF.

Cũng trong ngày 27/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Tổng thống Nauru, Tổng thống Marshalls và Tổng thống Guyana; tiếp Lãnh đạo của các tổ chức quốc tế như UNDP, ADB, UNIDO, WB và tập đoàn Unilever tại Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu GEF lần thứ 6.

Theo Vietnamplus.vn

Cảnh báo hiện tượng nóng lên toàn cầu

Sự nóng lên toàn cầu là một thuật ngữ ám chỉ quá trình tăng nhiệt độ trung bình của Trái Đất trong thời gian ngắn, đó là hậu quả do những hoạt động của con người.

Về mặt chuyên môn, nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng từ 1 độ C trở lên trong khoảng 100 đến 200 năm thì được coi là xuất hiện sự nóng lên toàn cầu. Như vậy, qua 1 thể kỷ, việc tăng nhiệt độ trung bình lên 0.4 độ C cũng có tính chất gợi ý.

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), một nhóm gồm hơn 2.500 nhà khoa học từ rất nhiều quốc gia trên thế giới, đã nhóm họp tại Paris tháng 2 năm 2007 để so sánh và thực hiện những cuộc nghiên cứu.

Họ đã xác định rằng trái đất đã tăng 0,6 độ C trong khoảng thời gian từ năm 1901 đến năm 2000. Khi dịch khoảng thời gian này lên 5 năm, từ năm 1906 đến năm 2006, các nhà khoa học đã xác định rằng nhiệt độ đã tăng lên 0,74 độ C.

Sự nóng lên toàn cầu được gây ra bởi sự tăng hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính thực chất không phải là vô ích, có ảnh hưởng xấu – nhờ có hiệu ứng này mà Trái đất mới có thể giữ được nhiệt độ đủ để duy trì sự sống.

Sự nóng lên toàn cầu cũng làm xảy ra một vấn đề về nhân lực. Hàng nghìn người chết mỗi năm do nguyên nhân tuổi tác hay có những chấn thương liên quan tới nhiệt.

Các nước nghèo và kém phát triển sẽ bị ảnh hưởng tồi tệ nhất, do họ không có đủ nguồn lực về tài chính để giải quyết các vấn đề đi kèm với sự nóng lên toàn cầu. Một lượng lớn dân số sẽ bị chết đói nếu giảm lượng mưa tối thiểu cho việc trồng trọt và chết do bệnh dịch xảy ra sau những trận lũ lụt.

Một số nhà khoa học nhận ra rằng sự nóng lên toàn cầu đang thực sự xảy ra, nhưng một số lại tin rằng có nhiều điều khác phải quan tâm hơn. Họ nói rằng Trái đất có khả năng chống lại sự thay đổi khí hậu rất tốt, rằng cây cối và động vật sẽ phát triển để thích ứng với sự thay đổi này, và có vẻ như không có gì quá nghiêm trọng sẽ xảy ra.

Sự thay đổi về mùa có thể kéo dài hơn một chút, lượng mưa biến đổi cũng như về thời tiết nói chung, theo họ là chẳng có gì nghiêm trọng. Họ còn cho rằng việc tìm cách cắt giảm lượng khí thải gây nên hiệu ứng nhà kính sẽ gây hậu quả tồi tệ về kinh tế hơn là ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu.

Mặc dù các nhà khoa học đã cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu có thể còn diễn ra trong những thế kỷ tiếp sau nữa, có một số việc chúng ta có thể làm ngay hôm nay để giảm ảnh hưởng của nó. Về cơ bản, tất cả đều quy về một chuyện: giảm tạo ra khí nhà kính. Hãy sử dụng ít năng lượng hơn.

Để thực sự ngăn chặn việc phát tán khí nhà kính, chúng ta cần phải phát triển nguồn năng lượng sạch. Năng lượng nước, năng lượng mặt trời, năng lượng Hidro… có thể giảm lượng khí nhà kính rất nhiều nếu chúng được đưa vào sử dụng rộng rãi.

Theo moitruong.com.vn

VNCPC đồng hành cùng dự án “Áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái”

Trong hai ngày 20 và 21/6 năm 2018, với sự tài trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trực thuộc Nhóm Ngân hàng thế giới (WB), Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) và Tổ chức Tư vấn Quốc tế Sofies (Thụy Sỹ) đã tổ chức hội thảo khởi động dự án “Áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái”, tại Khu Công nghệ cao Tp.HCM và Khu Công nghiệp Sonadezi Long Thành (Đồng Nai).

Mục đích của dự án là giúp các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và Ban Quản lý (BQL) có những thông tin và xác định các bước triển khai nhằm hướng tới Khu Công nghiệp sinh thái theo Nghị định 82-CP ban hành ngày 22/5/2018 của Chính phủ về Quản lý khu Công nghiệp và khu Kinh tế.

Với sự tài trợ của IFC, dự án cũng sẽ hoàn thiện Hướng dẫn Quốc gia về Xây dựng Khu công nghiệp Sinh thái giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành một hướng dẫn chuẩn để các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng như các doanh nghiệp thực hiện.

Hội thảo khởi động dự án “Áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái” được tổ chức tại Tp.HCM ngày 20/6.

Tới dự buổi lễ khởi động tại Khu Công nghệ cao Tp.HCM có Trưởng Ban Quản lý PGS.TS Lê Hoài Quốc, đại diện các Phòng Ban cùng đại diện của 40 doanh nghiệp đang hoạt động và đầu tư tại đây.

Phát biểu tại lễ khởi động TS.Hoài Quốc cho biết định hướng của Tp.HCM đã được Thành Ủy thông qua là hướng tới xây dựng một thành phố thông minh (Smart City), xanh và phát triển bền vững. Trong đó, xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế thành mô hình các khu sinh thái là ưu tiên hàng đầu. Thời gian tới, BQL Khu Công nghệ cao Tp.HCM cam kết phối hợp chặt chẽ với dự án và cùng các doanh nghiệp triển khai, nhằm nhanh chóng chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái.

Tại Khu công nghiệp Sonadezi Long Thành, ông Phạm Anh Tuấn – Tổng Giám đốc cùng gần 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại đây đã tới tham dự. Trong bài phát biểu chào mừng, ông Tuấn cho biết: Sonadezi Long Thành là một trong những khu công nghiệp hình thành đầu tiên trong cả nước và đã từng có rất nhiều các chính sách được thử nghiệm thành công ở đây trước khi nhân rộng ra cả nước. Xây dựng Khu công nghiệp Sinh thái là hướng đi đúng đắn và phù hợp với định hướng của Tập đoàn Sonadezi cũng như Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai. Vì vậy, Công ty CP Sonadezi Long Thành và các công ty trong khu công nghiệp rất ủng hộ và mong muốn tham gia dự án này.

Sau khi nghe các chuyên gia giới thiệu về mục đích, các hoạt động và kết quả dự kiến đạt được, các doanh nghiệp đã chia nhóm thảo luận và đưa ra được rất nhiều các giải pháp hữu ích giúp các doanh nghiệp thực hiện sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn (RE-CP) nhằm cắt giảm chi phí sản xuất và tham gia cộng sinh công nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất các giải pháp chia sẻ tài nguyên trong cùng một khu công nghiệp để Ban Quản lý cân nhắc đầu tư.

Các doanh nghiệp chia nhóm thảo luận và đưa ra được rất nhiều các giải pháp hữu ích giúp các doanh nghiệp thực hiện sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn (RE-CP) nhằm cắt giảm chi phí sản xuất.

VNCPC với 20 năm kinh nghiệm trong đào tạo nhân lực và tư vấn RECP trong các ngành công nghiệp đã được chọn là đối tác thực hiện dự án này.

Ông Lê Xuân Thịnh- Phó giám đốc VNCPC phát biểu tại hội thảo khởi động dự án “Áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái” tổ chức tại Tp.HCM.

Trong năm 2017, Hợp phần “Đào tạo năng lực và tư vấn triển khai sử dụng Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” thuộc dự án “Triển khai Sáng kiến Khu công nghiệp Sinh thái hướng tới mô hình Khu công nghiệp Bền vững tại Việt Nam” do VNCPC triển khai đã giúp các doanh nghiệp tham gia tiết kiệm 32,86 tỷ đồng (tương đương 1.448.215 USD) nhờ tiết giảm tiêu thụ nguyên vật liệu, nước, năng lượng và hóa chất phục vụ sản xuất.

VNCPC