Bông hoa khổng lồ giúp làm giảm ô nhiễm không khí

Bông hoa Wendy, được bao phủ bởi tấm vải nylon, có thể phun ra các phân tử hạt nano titan (TiO2) giúp giảm ô nhiễm không khí. Các đầu nhọn của ngôi sao được lắp thiết bị thổi mát, chơi nhạc, phun sương, bắn súng nước… giúp thời tiết mùa hè trở nên mát mẻ hơn.

Hàng năm chuỗi sự kiện Summer Warm Up đều mang đến những thiết kế ấn tượng nhất và rất nhiều trong số đó tập trung vào việc cải thiện môi trường.


Bông hoa khổng lồ này có hình thù khá ngộ nghĩnh.

Một tác phẩm sắp đặt kết hợp công nghệ có tên gọi Wendy của công ty HWKN (Mỹ) được xem là điểm nhấn tại khu MoMA PS1.

Đây chính là thiết kế thắng giải trong chương trình Kiến trúc trẻ lần thứ 13 của MoMa PS1 – cuộc thi nhằm khích lệ các công ty kiến trúc mới nổi.

Wendy được làm từ những chất liệu có sẵn, được bảo vệ bằng một khung giàn giáo khổng lồ. Wendy được phủ ngoài bởi lớp vải nylon màu xanh tạo thành hình những chiếc gai nhọn nhô ra giống như cánh của những ngôi sao.

Tấm vải nylon có thể phun ra các phân tử hạt nano titan (TiO2) giúp giảm ô nhiễm không khí. Các đầu nhọn của ngôi sao được lắp thiết bị thổi mát, chơi nhạc, phun sương, bắn súng nước… giúp thời tiết mùa hè trở nên mát mẻ hơn. Theo ước tính, trong khoảng 3 tháng, Wendy có khả năng lọc được lượng khí thải của 260 chiếc xe hơi.

Theo moitruong.com.vn

32 học sinh tiểu học trải nghiệm chương trình “Em sống xanh” cùng VNCPC

Ngày 11/4, 32 em học sinh lớp 5 trên địa bàn Hà Nội đã có dịp được trải nghiệm chương trình “Em sống xanh” tại Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC).

Tại buổi trải nghiệm các em học sinh đã có dịp tìm hiểu về vòng đời của các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như: giấy, chai nhựa, túi nylon… Thông qua trò chơi ghép hình, các em học sinh đã biết được nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm và sau khi sử dụng các sản phẩm này đều có thể tái chế thành những sản phẩm vô cùng hữu ích trong cuộc sống.

Các em học sinh rất hào hứng với trò chơi tìm hiểu vòng đời sản phẩm.

Các em học sinh cũng đã được hướng dẫn để tự đo “Dấu chân sinh thái” của chính mình, cũng như hiểu được mức độ tàn phá của loài người đối với trái đất. Theo các nhà khoa học, vào năm 1960 chỉ cần ½ diện tích trái đất đã đủ nuôi sống toàn bộ loài người. Nhưng chỉ 20 năm sau, vào năm 1980, loài người đã phải sử dụng toàn bộ diện tích trái đất mới có thể đảm bảo các nhu cầu trong cuộc sống. Và đến năm 2007, loài người phải cần thêm 1 trái đất nữa mới có thể đáp ứng các nhu cầu của mình.

Các em học sinh được hướng dẫn để tự đo “Dấu chân sinh thái” của chính mình.

Cũng trong buổi trải nghiệm, thông qua các clip vui nhộn, thú vị, ý nghĩa các em cũng đã nhận thức được sự lãng phí tài nguyên của con người, từ đó các cán bộ VNCPC đã giới thiệu tới các em cẩm nang sống xanh để góp phần bảo vệ trái đất, môi trường sống xung quanh như: hạn chế sử dụng túi nylon, sử dụng các sản phẩm có thể tái chế, tắt đèn khi không sử dụng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi xe đạp… Những cẩm nang sống xanh này là sản phẩm của dự án GetGreen Việt Nam. Dự án do Chương trình SWITCH-Asia của Liên minh châu Âu tài trợ, với các đối tác thực hiện gồm Đại học Công nghệ Delft (TUDelft, Hà Lan), VNCPC và Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AITVN).

Getgreen.vn là website cung cấp những cẩm nang sống xanh vô cùng hữu ích.

VNCPC

Ba Lan có máy hút sương mù tạo không khí sạch

Dự án Smog Free của Studio Roosegaarde đã đưa ra tầm nhìn mới về không khí sạch tại một thành phố thuộc Ba Lan, bằng thiết kế một tòa nhà đóng vai trò là chiếc máy hút sương mù lần đầu tiên trên thế giới được lắp đặt tại công viên Jordana, TP Krakow.

Tòa nhà có tên gọi Smog Free Tower của Roosegaarde bắt đầu hút chất ô nhiễmtrong không khí ở công viên Jordana từ ngày 16/2.

Khách tham quan dự án cũng sẽ có cơ hội xem chiếc nhẫn lọc khói bụi Smog Free Ring được trưng bày tại Bảo tàng đương đại nghệ thuật ở Krakow.

Tháp cao 7m dựa trên công nghệ ion hóa tích cực được cấp bằng sáng chế để làm sạch không khí. Theo Roosegaarde máy hút khói bụi này là một giải pháp ở cấp độ địa phương, tạo ra những bong bóng không khí sạch trong thành phố.

Khu vực xung quanh tháp không khí sạch hơn từ 55 – 70% so với các khu vực còn lại của thành phố. Nghiên cứu này đã được Đại học công nghệ Eindhoven khẳng định về hiệu quả lọc không khí.

Theo moitruong.com.vn

Thiết bị tạo nước uống từ nguồn nước ô nhiễm

Thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời có khả năng tạo ra nước uống từ hầu hết nguồn nước ô nhiễm hoặc nước biển, ngay cả nước từ biển Chết. Nghiên cứu do các nhà khoa học Mỹ phát triển đã được công bố trong tạp chí Nature Nanotechnology.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas (Mỹ) đang phát triển hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp với vật liệu hydrogel hấp thụ ánh sáng để lọc nước bằng phương pháp chưng cất.

Kỹ thuật chưng cất nước, khử muối được sử dụng phổ biến trong sản xuất nước ngọt. Tuy nhiên, các công nghệ chưng cất nước hiện tại như chưng cất đa giai đoạn và chưng cất đa tác động rất tốn kém, vì tiêu tốn nhiều năng lượng và cần có cơ sở hạ tầng hiện đại.

Kỹ thuật chưng cất nước, khử muối được sử dụng phổ biến trong sản xuất nước ngọt.

Thiết bị lọc nước bằng năng lượng mặt trời được làm từ vật liệu hydrogel với đặc tính hấp thụ ánh sáng. Cấu trúc nano của hydrogel giúp tận dụng được nhiều năng lượng Mặt Trời hơn mà không cần sử dụng thiết bị quang học hỗ trợ tập trung ánh sáng, qua đó đẩy nhanh quá trình bay hơi. Hơi nước sau đó được xử lý, ngưng tụ thành nước sạch và được đựng trong trong bình chứa.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm với mẫu nước lấy từ biển Chết có độ mặn khoảng 34% (gấp 10 lần độ mặn của nước biển thông thường). Nước sau khi lọc đáp ứng được các tiêu chuẩn nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA).

Kết quả thử nghiệm cho thấy nước sau khi lọc đáp ứng được tiêu chuẩn nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo Fei Zhao, thành viên trong nhóm nghiên cứu, công nghệ mới chỉ sử dụng năng lượng Mặt Trời để làm bay hơi nước và loại bỏ tạp chất. Phương pháp này đơn giản hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

“Năng lượng Mặt Trời là nguồn nhiệt tiềm năng và bền vững nhất, đây là giải pháp tuyệt vời để chưng cất nước và khử muối”, Zhao cho biết.

Theo moitruong.com.vn

VNCPC đẩy mạnh triển khai dự án Low carbon trong năm 2018

Sau những kết quả khả quan từ việc triển khai dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì nền sản xuất carbon thấp” – (Low carbon), Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tiếp tục được nhà tài trợ cung cấp kinh phí để cùng các đối tác triển khai dự án trong năm 2018.

“Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì nền sản xuất carbon thấp” là dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác của UNIDO – UNEP về Sử dụng Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP). Mục tiêu chung của dự án là: cải thiện môi trường địa phương; giảm phát thải khí nhà kính và mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Tại Việt Nam, dự án đã và đang hỗ trợ cho ngành chế biến gạo, thuộc đồng bằng sông Cửu Long và ngành cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên.

Hiện nay, theo ước tính, mỗi năm lượng phát thải từ hoạt động nông nghiệp tương đương 65 triệu tấn CO2, chiếm trên 43% tổng lượng khí nhà kính của cả nước. Nguồn phát thải chủ yếu là từ canh tác lúa nước, đốt phế phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi. Vì vậy, việc xây dựng các mô hình thí điểm công nghệ sản xuất nông nghiệp carbon thấp đang trở thành vấn đề được cơ quan quản lý, doanh  nghiệp và người dân quan tâm.

Theo ước tính, mỗi năm lượng phát thải từ hoạt động nông nghiệp tương đương 65 triệu tấn CO2, chiếm trên 43% tổng lượng khí nhà kính của cả nước.

Theo đó, trong năm 2018, VNCPC sẽ tập trung vào các hoạt động chính đó là:

Cung cấp gói hỗ trợ kỹ thuật đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho 3 doanh nghiệp chế biến gạo đã được vay vốn/nằm trong diện được vay vốn từ nguồn vốn tín dụng của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT);

Xây dựng tài liệu hướng dẫn về kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc liên quan đến mối liên hệ giữa hợp tác xã và doanh nghiệp doanh nghiệp chế biến. Tài liệu hướng dẫn sẽ được xây dựng thí điểm tại 1 doanh nghiệp chế biến gạo được lựa chọn;

Nghiên cứu cơ hội hợp tác giữa hai dự án cho giai đoạn kế tiếp.

Qua 4 năm triển khai (2014 – 2017), dự án Low carbon đã hướng dẫn, hỗ trợ 10 doanh nghiệp chế biến gạo cùng 10 công ty chế biến cà phê thực hiện đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Kết quả đã giúp các doanh nghiệp này tiết kiệm 1,08 triệu kwh/năm, tương đương 80.000 USD, cắt giảm 621 tấn CO2/năm.

VNCPC