Giải pháp tuyệt vời tiết kiệm than cho các nhà máy điện

Nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam đều áp dụng cách trộn than mới thì lượng than tiết kiệm được sẽ rất lớn. Giải pháp đã được thử nghiệm thành công tại Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình.

Trộn than antraxit trong nước với than nhập khẩu dễ cháy để tăng hiệu suất cháy và giảm lượng than tiêu thụ là nội dung đề tài khoa học mà PGS-TS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam – làm chủ nhiệm. Đề tài được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ.

Tại buổi công bố kết quả bước đầu của đề tài “Nghiên cứu công nghệ đốt than trộn của than khó cháy với than nhập khẩu dễ cháy nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu tại các nhà máy nhiệt điện đốt than ở Việt Nam”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao kết quả mà các tác giả đã đạt được. Theo Phó Thủ tướng, việc tìm ra phương thức trộn than mới sẽ đảm bảo mục tiêu kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy, giúp các nhà máy chủ động hơn trong việc tìm kiếm các nguồn nhiên liệu.

Chủ nhiệm đề tài – PGS-TS Trương Duy Nghĩa – cho biết: Hiện các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam đều chỉ sử dụng một loại than ổn định cho suốt “cuộc đời” vận hành của nhà máy và loại than này được chọn mặc định ngay từ khâu thiết kế. Than được dùng ở hầu hết các nhà máy nhiệt điện Việt Nam hiện nay là antraxit – một loại than xấu rất khó cháy. Nếu đem trộn nó với than nhập khẩu cùng loại thì thường không có trở ngại gì về kỹ thuật, nhưng việc trộn với than khác loại sẽ có thể là vấn đề lớn.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã tìm ra giải pháp trộn than antraxit của Việt Nam với than á bitum của Indonesia. Cách làm này nhằm giảm chỉ tiêu xấu của than nội địa (như giảm lượng tro), từ đó cải thiện quá trình cháy, tăng hiệu suất cháy và giảm lượng than tiêu thụ. Quá trình thí nghiệm tại Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình đã bước đầu mang đến thành công ngoài mong đợi.

Mô tả rõ hơn về quá trình thí nghiệm, KS Trịnh Văn Đoàn – Giám đốc Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình – cho biết: “Nhà máy đã thực hiện trộn than theo đúng tỉ lệ các nhà khoa học yêu cầu. Tất cả các ca vận hành lò hơi thí nghiệm đều tuân thủ chế độ vận hành do ban chủ nhiệm đề tài xây dựng, trực tiếp thực hiện dưới sự điều hành của đội trưởng đội thí nghiệm và ghi nhận số liệu. Kết quả cho thấy, trong suốt quá trình đốt than trộn, lò hơi vận hành an toàn, ổn định. Việc điều chỉnh công suất tăng – giảm tải, điều chỉnh thiết bị đều thuận lợi, dễ dàng. Hỗn hợp than trộn bắt cháy sớm hơn than nội địa, buồng cháy rất ổn định”.

Đặc biệt, KS Đoàn khẳng định, hiệu suất của lò hơi đồng đều hơn giữa các phụ tải và tăng hơn từ 2% đến 5% so với than nội địa. Trong thí nghiệm, tỷ lệ trộn 10-20% than ngoại nhập đã được ghi nhận là đem lại chế độ vận hành tốt nhất cho lò hơi của Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, hiệu suất đạt trung bình 84-85%. Còn nếu đốt hoàn toàn than nội địa, tỷ lệ này chỉ đạt 82%.

“Hàm lượng NOx trong khói thải giảm 10-15% so với đốt 100% than nội địa. Trong quá trình đốt than trộn không xảy ra hiện tượng đóng xỉ, chảy xỉ, sập xỉ. Hệ thống thải xỉ tự động của lò hơi vận hành ổn định. Hệ thống khử bụi tĩnh điện làm việc tốt hơn do đã giảm được nồng độ bụi đầu vào xuống dưới định mức” – KS Đoàn nói.

Để có thông số chính xác và khách quan nhất, Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình đã chuẩn bị các bảng biểu để ghi thông số quá trình thí nghiệm, xây dựng quy trình phân công cho các đơn vị thí nghiệm. Hệ thống lò hơi thực hiện thí nghiệm được cô lập để đảm bảo độ chính xác cao nhất.

Tiết kiệm lượng than lớn nếu áp dụng đại trà

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, đây là một đề tài thuộc chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước do Bộ KH&CN hỗ trợ. Kết quả đề tài có ý nghĩa lớn đối với việc tiết kiệm năng lượng cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng ở Việt Nam – nhất là khi chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng cho công nghiệp hóa.

“Khi chúng ta phối một tỷ lệ nhất định giữa than nhập khẩu với than nội địa thì có thể nâng cao năng suất và hiệu suất các lò hơi đốt than bột, áp dụng được cho cả lò dùng chế độ đốt tầng sôi 1-3%. Có thể nói chúng ta tiết kiệm 1-3% nhiên liệu sử dụng cho đốt lò hơi tại các nhà máy nhiệt điện. Nếu áp dụng đại trà cho tất cả các nhà máy nhiệt điện đang hoạt động tại Việt Nam thì sẽ tiết kiệm được một khối lượng than rất lớn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải nhập khẩu than” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng đề nghị nhóm nghiên cứu tổng kết kết quả nghiên cứu để kiến nghị Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam cho phép áp dụng đại trà giải pháp trên tại tất cả các nhà máy nhiệt điện trong thời gian tới.

Ghi nhận những kết quả bước đầu của đề tài, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng nhóm nghiên cứu nên tiếp thu các ý kiến, kiểm nghiệm đề tài, đưa thêm cách tính hiệu quả về tài chính trong báo cáo. Phó Thủ tướng cũng khuyến khích thực hiện các đề án tương tự, đẩy mạnh KH&CN để gia tăng giá trị sản xuất, giảm thải hiệu ứng nhà kính, đảm bảo gìn giữ môi trường.

“Kết quả của đề tài này sẽ là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo nhằm hoàn thiện chế độ vận hành tối ưu khi chuyển từ than antraxit sang than trộn. Các nhà máy nhiệt điện than được thiết kế để đốt than nhập khẩu cũng cần nghiên cứu để áp dụng đốt than trộn, theo hướng giảm lượng than á bitum nhập khẩu và thay bằng than antraxit nội địa” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.

KS Nguyễn Khắc Sơn – Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 – cũng cho biết, về dài hạn, nguồn than trong nước không đáp ứng đủ cho các dự án Duyên Hải 1 và Vĩnh Tân 2. Do đó, tổng công ty phải nghiên cứu và ứng dụng giải pháp đốt than trộn cho dự án Duyên Hải 1. Việc nghiên cứu sẽ tập trung vào việc tìm ra các loại than nhập khẩu có thể trộn với than cám 6a.1 nhằm đảm bảo tính kinh tế và lò hơi vận hành không bị đóng xỉ.

“Than subbitumimous dự kiến cấp cho dự án Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3MR tiềm ẩn nguy cơ đóng xỉ cao nên cần nghiên cứu trộn với loại than thích hợp nhằm giảm thiểu nguy cơ đóng xỉ trong lò hơi” – KS Sơn khẳng định.

Ông Sơn cũng kiến nghị, các nhà khoa học cần có những nghiên cứu, thực nghiệm sâu hơn về công nghệ đốt than trộn nhằm đảm bảo cho các lò hơi vận hành ổn định và chi phí sản xuất điện tối ưu.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

Đan Mạch thẳng tiến trên con đường phát triển không carbon

Đan Mạch đang thực hiện cam kết về sử dụng năng lượng tái tạo, hướng tới một đất nước không carbon vào năm 2050.  Với việc mở rộng sản xuất điện gió ngoài khơi, chuyển đổi sang lưới điện thông minh, kết hợp cùng các sáng kiến tiết kiệm năng lượng, Đan Mạch đang trên đường trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng Liên minh Châu  Âu (EU).

Vào những năm 1970, 92% điện năng của Đan Mạch được sản xuất từ dầu nhập khẩu. Còn hiện tại, hơn 40% lưới điện được vận hành nhờ năng lượng tái tạo. Quốc gia này đang hướng tới sản xuất 100% điện bằng năng lượng tái tạo vào năm 2035, và tất cả các khu vực ngành nghề sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050.

Đan Mạch cũng dự định giảm 40% phát thải khí nhà kính vào năm 2020.

Trên thực tế, Đan Mạch cũng là một quốc gia may mắn khi có tốc độ gió trung bình đạt 7,6 mét/giây. Nước này dự định sẽ đáp ứng được 50% tiêu thụ điện bằng năng lượng gió vào năm 2020. Hiện tại mọi việc đang rất thuận lợi. Vào năm 2015, điện gió đã cung cấp 42% năng lượng cho nước này.

Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng những trang trại điện gió ngoài khơi quy mô lớn, họ đã lắp đặt một trang trại với công suất 5 MW, kéo dài 2 km trên bờ biển vào năm 1991. Kể từ đó, Đan Mạch đã lắp đặt thêm 4 trang trại gió ngoài khơi, nâng công suất phong điện lên 1.271 MW.

Ngoài ra, nước này cũng có hơn 300 tuabin gió trên bờ với công suất 5.070 MW (tính đến ngày 1/1/2016). Để cung cấp 50% điện bằng năng lượng gió vào năm 2020, Đan Mạch cũng đã khai thác thêm 1.000 MW công suất điện ngoài khơi, 500 MW điện gió gần bờ, trong khi đó thay thế các tuabin gió cũ trong đất liền bằng tua bin mới có công suất cao hơn.

Để tránh sự phản đối của người dân đối với việc xây dựng trang trại điện gió trên bờ, chính phủ Đan Mạch đã thi hành nhiều điều luật để có được sự đồng thuận của công chúng. Ví dụ, người dân sẽ được đền bù nếu mất tài sản do ảnh hưởng của các tuabin gió, địa phương sẽ nhận được tiền trên mỗi MWh điện được tạo ra, và ít nhất 20% cổ phần của trang trại điện gió phải được trao cho người dân địa phương.

Trong hơn 30 năm, tiêu thụ năng lượng của Đan Mạch vẫn duy trì ổn định dù GDP đã tăng gấp đôi. Trên thực tế, Đan Mạch là một trong những nước sử dụng năng lượng hiệu quả nhất EU và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, một phần nhờ các công ty đã tối ưu hóa quy trình sản xuất công nghiệp, thiết bị, và cơ sở vật chất. Đan Mạch đặt ra mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng thêm 7% vào năm 2020 so với năm 2010.

Ngoài ra, 12% điện tại Đan Mạch được sản xuất từ khí sinh học và rác thải hữu cơ từ các nhà máy điện nhiệt kết hợp (CHP). Ngày nay, có hơn 670 nhà máy phân bổ trên khắp đất nước này. Các nhà máy CHP cùng với tuabin gió khiến Đan Mạch trở thành một trong những quốc gia sản xuất và phân phối điện nhiều nhất trên thế giới.

Ngoài ra, trong lĩnh vực vận tải, để hạn chế nhu cầu tiêu thụ xăng, Đan Mạch đã nâng thuế mua xe ô tố mới lên 180%, nhưng sẽ miến thuế nên mua xe điện. Bên cạnh đó, nước này còn có bài đỗ xe điện miễn phí trên khắp thành phố. Ước tính tại Đan Mạch có hơn 4 triệu xe đạp và hơn 10.000 km làn đường riêng cho xe đạp.

Đan Mạch đang chứng minh được rằng một tương lai không sử dụng nhiên liệu hóa thạch là hoàn toàn có thể, và họ đang từng bước hiện thực hóa điều này.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

TP. Hồ Chí Minh: “Ươm mầm” xanh qua chiến lược tiết kiệm năng lượng

Trong chiến lược và kế hoạch tăng trưởng xanh của TPHCM, chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2016 – 2018 là giảm được 4,5% cường độ năng lượng vào năm 2018, tương ứng mỗi năm giảm 1,5% cường độ năng lượng.

Giảm cường độ năng lượng đa ngành

Cụ thể, trong năm 2016, cường độ năng lượng ngành công nghiệp phấn đấu còn 103,3; dịch vụ thương mại là 38,4; giao thông vận tải là 1033,3, bệnh viện 9,7; trường học 15,4 và các ngành khác (hộ gia đình, tòa nhà…) là 1072,1.

Mục tiêu tỉ lệ công suất năng lượng tái tạo đến năm 2018 là 1,00%. Trong đó, công suất tiêu thụ điện lắp đặt mới dự kiến đạt 10W với mục tiêu tăng trưởng là 0,21%.

Theo đó, tổng năng lượng tiết kiệm điện đến năm 2017 là 18,768 TOE dựa trên các hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) của mỗi nhóm ngành. Đơn cử với ngành công nghiệp, dịch vụ thương mại và cấp thoát nước tiết kiệm thông qua việc hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng và tư vấn xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; hỗ trợ xây dựng định mức tiêu hao năng lượng; xây dựng các giải pháp đầu tư TKNL và hỗ trợ triển khai các giải pháp; xây dựng mô hình năng lượng xanh (doanh nghiệp xanh, khu công nghiệp xanh).

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hỗ trợ thực hiện đổi mới công nghệ, xây dựng định mức tiêu hao năng lượng mức năng lượng; xây dựng chương trình chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu LPG/CNG đạt từ 5 – 20% số xe buýt và taxi; phối hợp thực hiện chương trình khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Đối với bệnh viện và trường học, khảo sát xây dựng định mức tiêu hao năng lượng và nhận diện các giải pháp TKNL; xây dựng mô hình năng lượng xanh (bệnh viện xanh, trường học xanh). Đối với hộ gia đình, tòa nhà và công sở, truyền thông và đào tạo về TKNL cho hộ gia đình, công sở; phối hợp với EVN HCMC thực hiện chương trình gia đình tiết kiệm điện; đào tạo về kiến trúc xanh. Hệ thống chiếu sáng công cộng và dân lập cũng sẽ được cải tạo. Tất cả những hoạt động trên sẽ đều được giám sát kết quả triển khai.

Để tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, TPHCM sẽ triển khai loại hình điện mặt trời với các chương trình như bù giá điện mặt trời, hỗ trợ đầu tư điện mặt trời hệ thống tòa nhà công sở. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ có các chương trình hỗ trợ phát triển thị trường máy nước nóng năng lượng mặt trời, năng lượng khí sinh học (biogas), năng lượng gió, xử lý rác phát điện… Trong năm 2016, tổng mục tiêu dự kiến đạt 9,7 MW và giai đoạn 2016 – 2018 là 49,1 MW.

Gắn tăng trưởng xanh với phát triển năng lượng sạch

Theo đó, trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM kiến nghị, cần sớm xây dựng các chỉ tiêu cụ thể về góc độ tiết kiệm năng lượng để có thể đáp ứng các chỉ tiêu tăng trưởng xanh; cần có hệ thống cơ sở dữ liệu để thực hiện đánh giá toàn diện các lĩnh vực sử dụng năng lượng trên một địa bàn/ tỉnh thành để từ đó đề xuất ra các chỉ tiêu dài hạn.

Ngoài ra, cũng cần thiết có các hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách từ cấp chính quyền địa phương trong việc hình thành các chương trình, chiến lược thực hiện tiết kiệm năng lượng, ứng dụng năng lượng tái tạo trên diện rộng ở địa phương. Ví dụ, tại TPHCM, tất cả các tổng công ty, tập đoàn, hợp tác xã lớn, các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng đều phải cam kết với UBND TP trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng nhằm đạt chỉ tiêu đề ra. Mặt khác, cũng cần hình thành cơ chế MRV (giám sát báo cáo và đánh giá) để có thể đánh giá được kết quả thực hiện.

Mục tiêu của TPHCM từ nay – 2020 sẽ duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong đó, đặc biệt nâng dần tỉ trọng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo và năng lượng từ chất thải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố cho từng giai đoạn.

Xây dựng nhà máy thu khí phát điện từ các bãi chôn lấp của thành phố theo cơ chế phát triển sạch (CDM) nhằm tận dụng lượng khí nhà kính để phát điện. Phấn đấu tỉ lệ tổn thất điện năng đến năm 2020 còn khoảng 5%; chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới lên trên 1,74% tổng công suất tiêu thụ của toàn thành phố.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

Bến Tre: Hiệu quả thiết thực từ thực hiện kiểm toán năng lượng

Hiện nay, việc sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết kế vận hành chưa phù hợp, qui trình vận hành sử dụng chưa hiệu quả… là những nguyên nhân chủ yếu gây thất thoát năng lượng. Kết quả từ những báo cáo kiểm toán năng lượng cho thấy tiềm năng áp dụng các giải pháp đối với các doanh nghiệp thường mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng từ 5% đến 40% tổng năng lượng tiêu thụ. Vì vậy kiểm toán năng lượng là hoạt động tiên quyết, phải thực hiện khi doanh nghiệp triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng, nhằm mang lại những lợi ích thiết thực, nâng cao sự cạnh tranh của doanh nghiệp.

Kiểm toán năng lượng được hiểu là hoạt động khảo sát, thu thập và phân tích dữ liệu tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp, tòa nhà, quy trình sản xuất hay một hệ thống… nhằm đánh giá thực trạng hệ thống thiết bị sử dụng năng lượng, từ đó đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng khả thi về kỹ thuật và kinh tế, kế hoạch triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng.

Nhà máy chế biến dừa Phú Hưng, Thành phố Bến Tre là một trong những đơn vị đã đạt được nhiều lợi ích thiết thực trong thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng thời gian qua.

Sản phẩm chính của Nhà máy chế biến dừa Phú Hưng là mặt hàng cơm dừa nạo sấy, vì vậy, một trong những bộ phận quan trọng của nhà máy chính là lò hơi. Để cơm dừa có thể sấy khô đến độ mong muốn, đòi hỏi nhiệt độ nồi hơi phải cao và duy trì liên tục. Từ những ngày đầu hoạt động nguồn nhiên liệu chủ yếu của lò hơi là dầu FO, nhưng giá nguồn nhiên liệu này rất cao, đẩy giá thành sản xuất cơm dừa tăng theo. Trước thực trạng đó, nhà máy đã mạnh dạn thuê đơn vị tư vấn để thực hiện kiểm toán năng lượng cho nhà máy.

Ngoài ra, qua kiểm toán năng lượng, Nhà máy chế biến dừa Phú Hưng cũng đã tiến hành nhiều giải pháp tưởng chừng như đơn giản nhưng mang lại rất hiệu quả rất lớn như: Tiến hành đầu tư mới lò hơi, thay đổi nhiên liệu sang trấu, bảo ôn các thiết bị có nhiệt độ bề mặt cao: Quạt thổi buồn sấy, đường ống dẫn gió nóng, buồng phân phối gió, vis tải của sấy tiệt trùng, bồn cấp nước, thay đổi hệ thống chiếu sáng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên hoặc hệ thống đèn huỳnh quang 1,2m bóng T5 balats điện tử nhằm tiết kiệm điện… và không ngừng nghiên cứu, cải tiến các hoạt động của công ty trong tiết kiệm năng lượng.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện các giải pháp theo kiểm toán năng lượng thông thường là các giải pháp đơn giản, chi phí đầu tư không quá lớn tuy nhiên hiệu quả mang lại lại mang tính bền vững lâu dài. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, tổng mức đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại Nhà máy chế biến dừa Phú Hưng vào khoảng 76,6 triệu đồng. Trong các giải pháp mà đơn vị tư vấn đề xuất, giải pháp có thời gian hoàn vốn dài nhất chưa đầy 2 năm, giải pháp có thời gian hoàn vốn ngắn nhất là 5 ngày. Thực hiện đồng loạt các giải pháp trên, ước tính mỗi năm nhà máy có thể tiết kiệm gần 61.600 kWh điện.

Các giải pháp mà đơn vị tư vấn yêu cầu nhà máy cần ưu tiên là: Thực hiện quản lý năng lượng tiêu thụ nhằm quản lý điện, trấu và nước sử dụng tốt hơn, tránh lãng phí và thất thoát, nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho công nhân; Điều chỉnh lại lưu lượng không khí cấp vào lò hơi hợp lý; Lắp biến tần cho quạt hút ẩm, lấp biến tần cho vít cấp liệu vào máy nghiền và điều chỉnh lượng nguyên liệu cấp vào máy…

Mặc dù kiểm toán năng lượng mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực tuy nhiên vẫn chưa nhận được sư quan tâm đúng mức từ phía các doanh nghiệp trong tỉnh. Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp tự nguyện thực hiện kiểm toán năng lượng trên địa bàn tỉnh cũng rất hạn chế, đây là thực trạng đáng để chúng ta phải suy ngẫm.

Theo sxsh.vn

Cao Bằng: Nâng cao năng suất lao động từ các giải pháp cải tiến thiết bị sản xuất

Trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IV (2014 – 2015), Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Cao Bằng có 3 giải pháp sáng tạo được giải. Điều này khẳng định Công ty luôn tích cực nghiên cứu, cải tiến khoa học kỹ thuật và được xem là yếu tố then chốt, lâu dài, tạo bước phát triển đột phá về khoa học công nghệ tại Công ty.
Hằng năm, Công ty sử dụng nguồn vốn khá lớn để đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và củng cố các trang thiết bị sản xuất. Trong số đó, chi phí nhân công dành cho việc tra mỡ bánh goòng dùng để xếp sản phẩm vận hành cho dây chuyền sấy, nung sản phẩm khá lớn, tốn nhiều thời gian cũng như gây ảnh hưởng trong quá trình vận hành lò. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm tác giả của Công ty, gồm: Chu Bá Phú, Nông Văn Hưng, Bùi Văn Quang đã thực hiện giải pháp “Cải tiến quy trình bơm mỡ bánh xe goòng – dây chuyền sản xuất gạch Tuynel”, sử dụng máy nén khí dùng áp lực khí và máy bơm mỡ cho ô tô thay thế cho phương pháp bơm mỡ thủ công. Nếu như trước kia ở công đoạn này cần 2 nhân công thực hiện bơm goòng cả ngày chỉ được 4 goòng, một năm mất 528 công; hiện nay sau khi cải tiến, chỉ cần sử dụng 1 nhân công làm được 28 goòng/ngày, một năm chỉ phải bơm mỡ 3 lần, khoảng 12 công/năm. Công việc bơm mỡ được tiến hành nhanh hơn, đồng thời tăng tuổi thọ của nhánh xe, vòng bi, trục goòng. Anh Trương Hoàng Huynh, công nhân phân xưởng cơ khí của Công ty cho biết: Việc cải tiến quy trình này cũng tận dụng được khoảng không dưới hầm vét xỉ lò, giúp cho công nhân đỡ mất sức lao động, dễ thao tác, an toàn hơn trong quá trình làm việc.

Cùng với nhóm của mình, kỹ sư Nguyễn Hồng Phương và Nông Thanh Tuấn đã đưa giải pháp “Cải tiến hệ thống kẹp dây kéo máy cắt gạch tự động – dây chuyền sản xuất gạch Tuynel” vào hoạt động thử nghiệm tại Công ty từ tháng 3/2012, hiện đang được áp dụng cho cả hai máy cắt gạch của hai nhà máy trong Công ty. Với bộ dây kéo mới dùng tôn 10 mm cắt gọt, mài đường dẫn dây kéo đã hạn chế được việc đứt dây kéo, giảm từ 70 – 80% thời gian chết cho việc nối dây kéo và lượng sản phẩm hỏng, tăng độ chính xác gần như tuyệt đối khi đặt chiều dài kích thước sản phẩm; giảm việc tắt, bật máy nhiều lần trong ca, giúp kéo dài tuổi thọ của vật tư, thiết bị dây chuyền, tăng năng suất ca máy. Ngoài ra, giải pháp “Cải tiến kỹ thuật cấp liệu đĩa dây chuyền nghiền xi măng” của kỹ sư xây dựng Nông Văn Đá cũng được đánh giá là một trong những giải pháp có tính ứng dụng cao trong thực tiện sản xuất, góp phần ổn định chất lượng sản phẩm xi măng cung cấp cho thị trường, tiết kiệm cho Công ty khoảng 32 triệu đồng/năm.

Ông Đào Nguyên Lê, Trưởng Phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Cao Bằng cho biết: Kết quả công trình nghiên cứu của các nhóm tác giả áp dụng vào thực tế tại Công ty giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Để đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh, hằng năm Công ty phát động phong trào thi đua sáng kiến, có hình thức khen thưởng và biểu dương kịp thời. Đó là nền tảng đảm bảo những sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực và phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo không ngừng lớn mạnh trong tập thể cán bộ, công nhân Công ty.

Những sáng kiến nêu trên chỉ là một trong số rất nhiều sáng kiến hữu ích góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, lao động, tiết kiệm chi phí tại Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Cao Bằng. Bên cạnh việc tăng năng suất, cán bộ, công nhân Công ty đã nỗ lực không ngừng trong cải tiến kỹ thuật để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng nhất ra thị trường, được khách hàng nhiều nơi đánh giá cao với giá thành phù hợp. Đây cũng là hướng đi lâu dài, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển bền vững của Công ty trong thời gian tới.

Theo sxsh.vn

Công ty Tuyển than Hòn Gai: Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường

Công ty Tuyển than Hòn Gai có nhiệm vụ quan trọng là vận chuyển và sàng tuyển chế biến hầu như toàn bộ than của các đơn vị khai thác than vùng Hòn Gai của TKV. Bên cạnh việc chủ động trong điều hành, đổi mới công nghệ sàng tuyển hiện đại đạt năng suất năm sau cao hơn năm trước và đảm bảo tốt công tác môi trường “Xanh – Sạch – Đẹp”, đời sống của công nhân cán bộ công ty không ngừng được cải thiện, nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

 Không ai nhận ra dấu tích của một bến than sơ sài lạc hậu thời thuộc Pháp ngự giữa lòng thị xã Hòn Gai, thay vào đó là một nhà máy sàng tuyển than hiện đại được đầu tư bằng công nghệ của Australia vừa thân thiện với môi trường, vừa mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.Bằng nguồn vốn của công ty và sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Cảng Nam Cầu Trắng được đầu tư mở rộng, đưa công suất rót than qua cảng từ 700.000 tấn/năm lên 3,5 triệu tấn/năm. Nhờ đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng chục triệu tấn than thương phẩm từ Tuyển than Hòn Gai đã có mặt khắp các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nếu như năm 2013 doanh thu của đơn vị đạt trên 2.400 tỷ đồng, thì năm 2014 đã tăng lên 2.800 tỷ đồng. Năm 2015, mặc dù ngành than phải gánh chịu hậu quả nặng nề của trận mưa lũ lịch sử vào cuối tháng 7 đầu tháng 8, nhưng với quyết tâm của toàn thể cán bộ, công nhân viên, Tuyển than Hòn Gai vẫn nêu quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, giữ vững nhịp độ tăng trưởng, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Ông Bùi Hữu Lý, Phó giám đốc công ty cho biết: Năm 2015 Tuyển than Hòn Gai đã dùng toàn bộ tàu vận tải bằng đường sắt để đưa than từ mỏ về nhà máy sàng tuyển; đầu tư hệ thống phun nước tạo ẩm bề mắt cho tàu không bị bụi khi vận chuyển. Ngoài ra công ty cũng đã lắp đặt toàn bộ hệ thống phun sương giảm bụi, lắp đặt hệ thống phun nước, rửa sạch cho các toa xe khi ra vào mỏ để không tạo bui, ô nhiễm môi trường khi tàu vận hành.

Năm 2015, Tuyển than Hòn Gai đã chi phí thường xuyên cho công tác bảo vệ môi trường sinh thái trên 2 tỷ đồng để duy trì chế độ kiểm tra thường xuyên, và phối hợp với các tổ dân phố đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn. Ngoài ra công ty còn phối hợp với Công ty Môi trường mỏ đầu tư hơn 3 tỷ đồng làm bao cứng cho 115 toa xe kéo than từ mỏ về nhà máy.

Năm 2015, công ty được Tập đoàn duyệt kế hoạch đầu tư 9 công trình, với tổng số vốn gần 69 tỷ đồng. Trong đó các dự án chính như: Thiết bị duy trì sản xuất; Hệ thống băng tải vận chuyển than và rót than tại cảng; Nâng cao năng lực thiết bị vận tải đường sắt; Cải tạo hệ thống sàng khử cám mịn; Hệ thống xử lý bụi than nguyên khai. Tất cả các dự án nói trên đã được đơn vị triển khai đúng tiến độ và bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Kết thúc năm 2015 các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đều đạt và vượt kế hoạch năm. Cụ thể: doanh thu bán than đạt trên 4.200 tỷ đồng đạt 110% kế hoạch năm, than tiêu thụ đạt gần 3 triệu tấn đạt 110% kế hoạch năm, đời sống việc làm của gần 1.500 cán bộ công nhân viên ổn định, với mức thu nhập bình quân trên 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo sxsh.vn