Khuyến công Khánh Hòa: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

Thực hiện Chương trình khuyến công do UBND tỉnh Khánh Hòa và Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) ban hành, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC-XTTM) đã tích cực hỗ trợ các đơn vị đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất.

Nhiều chương trình hỗ trợ

Năm 2015, doanh nghiệp (DN) tư nhân Đông dược Dân Lợi (phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh) được Trung tâm KC-XTTM hỗ trợ 150 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, qua đó có điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. DN tư nhân Phương Đài (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) cũng mới được hỗ trợ 130 triệu đồng từ chương trình khuyến công địa phương. Ông Trần Văn Ân, chủ cơ sở chế biến sản phẩm từ xoài ở xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) cho biết: “Gia đình tôi muốn mua máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhưng kinh phí quá lớn nên khó thực hiện. Nhờ chương trình khuyến công hỗ trợ hơn 112 triệu đồng nên tôi đã mạnh dạn thực hiện đề án”.

Bên cạnh đó, Trung tâm KC-XTTM còn tích cực giúp các DN được hưởng thụ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Trong năm 2015, Bộ Công Thương đã hỗ trợ 350 triệu đồng cho Công ty Cổ phần Vật liệu mới Asia. Nguồn kinh phí này hỗ trợ một phần tổng kinh phí mà công ty đã đầu tư thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất gạch không nung và trình diễn mô hình sản xuất cho các đơn vị khác học tập.

Ông Lê Ngọc, quyền Giám đốc Trung tâm KC-XTTM cho biết: “Năm 2015, trung tâm đã hỗ trợ các DN trong chương trình khuyến công địa phương với tổng kinh phí  hơn 516 triệu đồng, chương trình khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 350 triệu đồng. Bên cạnh đó, tổ chức thành công cuộc bình chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lần thứ 2. Nhờ nguồn kinh phí khuyến công, nhiều DN có điều kiện đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Đẩy mạnh hoạt động khuyến công

Trên cơ sở kết quả đạt được, Trung tâm KC-XTTM đã đề xuất kinh phí khuyến công địa phương năm 2016 với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Để nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, trang bị kiến thức về quy trình xây dựng trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản, trung tâm sẽ tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua giới thiệu và hướng dẫn các tiêu chuẩn trong từng lĩnh vực; tổ chức các chuyên đề hội thảo về giải pháp định hướng phát triển cho DN nhỏ và vừa trong thời kỳ hội nhập. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp phổ biến vật liệu xây không nung, bê tông nhẹ và công nghệ sản xuất các sản phẩm này.

Được biết, hiện nay, các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn rất cần chuyển đổi công nghệ, ứng dụng thiết bị tiên tiến vào khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, trong năm 2016, Trung tâm KC-XTTM sẽ phối hợp với Phòng Quản lý Cụm công nghiệp (Sở Công Thương) và phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố xây dựng 13 mô hình ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào khâu sản xuất ở 5 địa phương gồm: Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh và Khánh Vĩnh. Những đề án sẽ được tập trung hỗ trợ như: ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất trà thảo dược (hộ kinh doanh Hoàng Hoa Thôn, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang); ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất gạch không nung (DN tư nhân Xây dựng cơ bản Việt Ngân, huyện Diên Khánh); ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ ngành đóng tàu (Công ty TNHH Hưng Bảo, huyện Diên Khánh)…

Ngoài ra, trên cơ sở các đơn vị đăng ký đề án khuyến công quốc gia năm 2015, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định trình Bộ Công Thương duyệt kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2016. Theo đó, tổng kinh phí hỗ trợ là 1,4 tỷ đồng, với những đề án như: sản xuất gạch không nung của Công ty Cổ phần Kỹ thuật cầu đường An Phong (xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh); sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ ngành tàu biển của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại H.T.H (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh); sản xuất khuôn bế hộp phục vụ ngành bao bì của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Trúc Lâm (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang); sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH Thuận Phát (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang).

Bà Tô Thị Thu Nga, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Nha Trang cho rằng, thời gian tới, Trung tâm KC-XTTM cần phối hợp với phòng chức năng các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách để các cơ sở kinh doanh nắm được, từ đó chủ động tham gia, thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công. Bên cạnh đó, trung tâm cần nâng cao mức hỗ trợ khuyến công cho các nội dung đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến để khuyến khích các cơ sở mạnh dạn đổi mới.

Theo sxsh.vn

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước từ hồ chứa

Trên thực tế, các nhà máy thủy điện trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý đang phối hợp với chính quyền địa phương vùng hạ du sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước từ các hồ chứa, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp điện vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị là cấp nước sinh hoạt và nước phục vụ chống hạn cho ngành nông nghiệp trong mùa khô. 

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ, ông Đặng Văn Tuần cho biết, Công ty thường xuyên làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Hòa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các huyện để tận dụng, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.

Ngay trong vụ Đông Xuân này và sắp tới là vụ Hè Thu, trước khi vận hành chạy máy phát điện cấp nước, Công ty thông báo với các Trạm bơm ở huyện Sơn Hòa để chủ động thời gian bơm cấp nước cho đồng ruộng hiệu quả, tiết kiệm tận dụng tối đa nguồn nước, tránh lãng phí.

Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ

Công ty cũng thường xuyên liên lạc và làm việc với các Hợp tác xã ở hạ du sông Ba để tìm hiểu rõ từng giai đoạn quá trình phát triển của cây lúa từ đó có lịch cấp tưới tiêu phù hợp, đồng thời cung cấp nước đảm bảo kịp thời khi cây lúa sinh trưởng, đặc biệt là giai đoạn đầu trỗ bông cần nước nhiều để tăng năng suất của lúa. Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ còn tăng cường phối hợp với nhà máy thủy điện Sông Hinh để việc cung cấp nước được thuận lợi và tăng hiệu quả chống hạn.

Ngay từ đầu tháng 12 hàng năm, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã làm việc với các địa phương liên quan, đại diện là các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để xác định về nhu cầu sử dụng nước phục vụ nông nghiệp trong các tháng mùa kiệt. Sau đó, Công ty trình kế hoạch khai thác hồ chứa vào các tháng mùa kiệt đến Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Nhân dân các huyện/thành phố thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để theo dõi chỉ đạo và phối hợp thực hiện nhằm khai thác các hồ sao cho hiệu quả cao nhất.

Trong quá trình vận hành hàng ngày, khi trên lưới điện Quốc gia có những thay đổi ảnh hưởng đến chế độ vận hành của các nhà máy, làm lượng xả ra hạ du từ các hồ không đạt theo quy định, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cũng đã thông báo kịp thời đến các bên liên quan để sớm có kế hoạch phù hợp trong việc tưới tiêu, canh tác nông nghiệp. Nhờ vậy, từ năm 2009 đến nay, các hồ thủy điện do công ty quản lý luôn đảm bảo cung cấp đủ nước tưới tiêu nông nghiệp vào các tháng mùa kiệt cho các vùng hạ du hồ.

Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty cho hay, để tạo thuận lợi cho nhân dân và các trạm bơm thuỷ lợi trong việc bơm nước tưới tiêu, Công ty đã chế tạo và lắp đặt Hệ thống cảnh báo xa dọc hạ lưu hồ để thông báo thời gian xả nước, để nhân dân trong vùng và các Trạm bơm ​thủy lợi chủ động trong việc bơm nước. Bên cạnh đó, Công ty thiết lập số điện thoại nóng (0500 2480 412) tại Phòng điều khiển trung tâm nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah để tiếp nhận 24/24 giờ mọi sự yêu cầu của nhân dân địa phương.

Hồ Buôn Tua Sah cung cấp nước chủ yếu phục vụ canh tác nông nghiệp cho xã Ea R’Bin huyện Lắk (Đắk Lắk) , một số xã thuộc huyện Krông Ana và huyện Krông Nô (Đắk Nông). Dọc hạ du hồ Buôn Kuốp, Srêpôk 3 đặc thù đồi núi đá có độ dốc cao nên canh tác nông nghiệp bị hạn chế. Như vậy, việc khai thác hồ Buôn Tua Sah đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên sông Srêpôk.

Theo kế hoạch xả nước hồ chứa Buôn Tua Srah phục vụ tưới tiêu vụ Đông Xuân 2015-2016 và vụ Hè Thu 2016 đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp và Chi nhánh Công ty Thủy nông huyện Krông Nô thống nhất, từ ngày 1-14/12/2015, chế độ xả hồ Buôn Tua Srah là ngày xả-ngày nghỉ để tiếp tục tích nước hồ, thời gian xả từ 10-12 giờ/ngày, xả từ 6 giờ sáng hàng ngày với lưu lượng xả khoảng 70m3/s; từ ngày 15/12/2015-30/4/2016, chế độ xả là hàng ngày, thời gian xả từ 12-14 giờ/ngày và lưu lượng xả khoảng 90m3/s.

Trong quá trình khai thác hồ mà chưa đáp ứng đủ nước phục vụ tưới tiêu cho hạ du thì Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô sẽ đề nghị Công ty Thủy điện Buôn Kuốp điều chỉnh chế độ xả hồ này phù hợp với nhu cầu sử dụng nước khu vực hạ du hồ.

Đại Lộc là huyện hạ du của Quảng Nam có 10/18 xã sử dụng nước ở hệ thống sông Vũ Gia, còn 8 xã còn lại sử dụng nước của hồ chứa thủy lợi Khe Tăng. Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Lộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, từ có sự phối hợp với tỉnh và nhà máy thủy điện A Vương, việc cung cấp và sử dụng nước trên địa bàn huyện được đảm bảo.

“Công ty thực hiện chế độ dự báo thông số hồ 10 ngày/lần, từ đó hiệu chỉnh lưu lượng xả phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn cụ thể, nhằm khai thác hiệu quả các nguồn nước từ các hồ chứa. Do vậy các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Vũ Gia hiện cung cấp nước ổn định cho vụ Đông Xuân này,” Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc nhận xét.

Từ đầu tháng 3 đến nay, lưu lượng về hồ Sê San 4 bình quân là 107 m3 /s, lưu lượng xả về hạ du qua các tổ máy để sản xuất điện năng là 102 m 3 /s, sản lượng điện sản xuất là 9,56 triệu kWh. Riêng ngày 9/3, mực nước hồ thủy điện Pleikrông là 564,43m, tương ứng với dung tích nước có khả năng xả về hạ du là 685,17 triệu m3. Mực nước hồ thủy điện Ialy là 498,74m, tương ứng với dung tích nước có khả năng xả về hạ du là 173,74 triệu m3.

Phó Giám đốc Công ty Phát triển Thủy điện Sê San, ông Nguyễn Đăng Hà cho rằng hiện nay, hồ Sê San 4 vận hành được nhờ lượng nước xả từ hồ chứa thủy điện Pleikrông và Ialy xả về. Trong khi lưu lượng nước xả về hạ du từ dung tích các hồ hiện đang có đến cuối mùa kiệt, theo tính toán trung bình là 86m 3/s. Như vậy, lưu lượng xả về hạ du từ nay cho đến cuối mùa bao gồm lưu lượng tự nhiên sông Sê San và lưu lượng xả từ các hồ dự trữ hiện có khoảng từ 90-195m 3/s.

Theo Vietnamplus/TTXVN

 

Hà Nội: Đồng bộ giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 47/KH-UBND, triển khai thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố, phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 2% – 3% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu; nâng cao hiệu suất, giảm mức tiêu hao năng lượng ít nhất 3% đối với một số nhóm ngành sử dụng nhiêu năng lượng.
Theo đó, để thực hiện tốt kế hoạch, UBND thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu về tiêu thụ năng lượng, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu, duy trì trang thông tin điện tử sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả các cơ sở sử dụng nhiều năng lượng; kiện toàn Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thành phố.

Cùng với đó, phát triển, phổ biến trang thiết bị hiệu suất cao về năng lượng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ xanh, sạch thông qua tổ chức hội chợ triễn lãm quốc tế “Công nghệ năng lượng – môi trường Hà Nội” (ENTECH HANOI). Phổ biến các giải pháp, công nghệ, kinh nghiệm về hiệu suất năng lượng thông qua hội nghị, diễn đàn và các ấn phẩm thông tin, tờ rơi, tờ dán, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật…; hỗ trợ thí điểm chợ loại II các giải pháp tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp. Phát triển hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, xây dựng thói quen sử dụng năng lượng hiệu quả. Phổ biến, phát triển mô hình sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong các cơ sở sử dụng năng lượng, trong quy mô hộ gia đình (như hầm biogas, thiết bị đun nước nóng, bình năng lượng mặt trời. Thực hiện lồng ghép Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp để thúc đẩy các cơ sở sử dụng năng lượng đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế Thủ đô theo mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.

Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Khu Công nghiệp Nội Bài; Cụm công nghiệp Lai Xá – Kim Chung và Trường An (Hoài Đức). Hỗ trợ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng các trạm bơm tưới tiêu trên địa bàn thành phố; vận hành hệ thống đóng mở cống lấy nước, cống điều tiết đảm bảo tiết kiệm điện, hiện đại hóa công trình thủy lợi. Hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp ngành dệt may trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp cơ khí phục vụ quốc phòng trên địa bàn thành phố, xác định tiềm năng tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa quá trình sản xuất. Ngoài ra, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong khu vực toà nhà và chiếu sáng công cộng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệụ quả trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Theo sxsh.vn

Giải pháp tuyệt vời tiết kiệm than cho các nhà máy điện

Nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam đều áp dụng cách trộn than mới thì lượng than tiết kiệm được sẽ rất lớn. Giải pháp đã được thử nghiệm thành công tại Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình.

Trộn than antraxit trong nước với than nhập khẩu dễ cháy để tăng hiệu suất cháy và giảm lượng than tiêu thụ là nội dung đề tài khoa học mà PGS-TS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam – làm chủ nhiệm. Đề tài được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ.

Tại buổi công bố kết quả bước đầu của đề tài “Nghiên cứu công nghệ đốt than trộn của than khó cháy với than nhập khẩu dễ cháy nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu tại các nhà máy nhiệt điện đốt than ở Việt Nam”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao kết quả mà các tác giả đã đạt được. Theo Phó Thủ tướng, việc tìm ra phương thức trộn than mới sẽ đảm bảo mục tiêu kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy, giúp các nhà máy chủ động hơn trong việc tìm kiếm các nguồn nhiên liệu.

Chủ nhiệm đề tài – PGS-TS Trương Duy Nghĩa – cho biết: Hiện các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam đều chỉ sử dụng một loại than ổn định cho suốt “cuộc đời” vận hành của nhà máy và loại than này được chọn mặc định ngay từ khâu thiết kế. Than được dùng ở hầu hết các nhà máy nhiệt điện Việt Nam hiện nay là antraxit – một loại than xấu rất khó cháy. Nếu đem trộn nó với than nhập khẩu cùng loại thì thường không có trở ngại gì về kỹ thuật, nhưng việc trộn với than khác loại sẽ có thể là vấn đề lớn.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã tìm ra giải pháp trộn than antraxit của Việt Nam với than á bitum của Indonesia. Cách làm này nhằm giảm chỉ tiêu xấu của than nội địa (như giảm lượng tro), từ đó cải thiện quá trình cháy, tăng hiệu suất cháy và giảm lượng than tiêu thụ. Quá trình thí nghiệm tại Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình đã bước đầu mang đến thành công ngoài mong đợi.

Mô tả rõ hơn về quá trình thí nghiệm, KS Trịnh Văn Đoàn – Giám đốc Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình – cho biết: “Nhà máy đã thực hiện trộn than theo đúng tỉ lệ các nhà khoa học yêu cầu. Tất cả các ca vận hành lò hơi thí nghiệm đều tuân thủ chế độ vận hành do ban chủ nhiệm đề tài xây dựng, trực tiếp thực hiện dưới sự điều hành của đội trưởng đội thí nghiệm và ghi nhận số liệu. Kết quả cho thấy, trong suốt quá trình đốt than trộn, lò hơi vận hành an toàn, ổn định. Việc điều chỉnh công suất tăng – giảm tải, điều chỉnh thiết bị đều thuận lợi, dễ dàng. Hỗn hợp than trộn bắt cháy sớm hơn than nội địa, buồng cháy rất ổn định”.

Đặc biệt, KS Đoàn khẳng định, hiệu suất của lò hơi đồng đều hơn giữa các phụ tải và tăng hơn từ 2% đến 5% so với than nội địa. Trong thí nghiệm, tỷ lệ trộn 10-20% than ngoại nhập đã được ghi nhận là đem lại chế độ vận hành tốt nhất cho lò hơi của Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, hiệu suất đạt trung bình 84-85%. Còn nếu đốt hoàn toàn than nội địa, tỷ lệ này chỉ đạt 82%.

“Hàm lượng NOx trong khói thải giảm 10-15% so với đốt 100% than nội địa. Trong quá trình đốt than trộn không xảy ra hiện tượng đóng xỉ, chảy xỉ, sập xỉ. Hệ thống thải xỉ tự động của lò hơi vận hành ổn định. Hệ thống khử bụi tĩnh điện làm việc tốt hơn do đã giảm được nồng độ bụi đầu vào xuống dưới định mức” – KS Đoàn nói.

Để có thông số chính xác và khách quan nhất, Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình đã chuẩn bị các bảng biểu để ghi thông số quá trình thí nghiệm, xây dựng quy trình phân công cho các đơn vị thí nghiệm. Hệ thống lò hơi thực hiện thí nghiệm được cô lập để đảm bảo độ chính xác cao nhất.

Tiết kiệm lượng than lớn nếu áp dụng đại trà

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, đây là một đề tài thuộc chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước do Bộ KH&CN hỗ trợ. Kết quả đề tài có ý nghĩa lớn đối với việc tiết kiệm năng lượng cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng ở Việt Nam – nhất là khi chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng cho công nghiệp hóa.

“Khi chúng ta phối một tỷ lệ nhất định giữa than nhập khẩu với than nội địa thì có thể nâng cao năng suất và hiệu suất các lò hơi đốt than bột, áp dụng được cho cả lò dùng chế độ đốt tầng sôi 1-3%. Có thể nói chúng ta tiết kiệm 1-3% nhiên liệu sử dụng cho đốt lò hơi tại các nhà máy nhiệt điện. Nếu áp dụng đại trà cho tất cả các nhà máy nhiệt điện đang hoạt động tại Việt Nam thì sẽ tiết kiệm được một khối lượng than rất lớn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải nhập khẩu than” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng đề nghị nhóm nghiên cứu tổng kết kết quả nghiên cứu để kiến nghị Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam cho phép áp dụng đại trà giải pháp trên tại tất cả các nhà máy nhiệt điện trong thời gian tới.

Ghi nhận những kết quả bước đầu của đề tài, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng nhóm nghiên cứu nên tiếp thu các ý kiến, kiểm nghiệm đề tài, đưa thêm cách tính hiệu quả về tài chính trong báo cáo. Phó Thủ tướng cũng khuyến khích thực hiện các đề án tương tự, đẩy mạnh KH&CN để gia tăng giá trị sản xuất, giảm thải hiệu ứng nhà kính, đảm bảo gìn giữ môi trường.

“Kết quả của đề tài này sẽ là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo nhằm hoàn thiện chế độ vận hành tối ưu khi chuyển từ than antraxit sang than trộn. Các nhà máy nhiệt điện than được thiết kế để đốt than nhập khẩu cũng cần nghiên cứu để áp dụng đốt than trộn, theo hướng giảm lượng than á bitum nhập khẩu và thay bằng than antraxit nội địa” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.

KS Nguyễn Khắc Sơn – Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 – cũng cho biết, về dài hạn, nguồn than trong nước không đáp ứng đủ cho các dự án Duyên Hải 1 và Vĩnh Tân 2. Do đó, tổng công ty phải nghiên cứu và ứng dụng giải pháp đốt than trộn cho dự án Duyên Hải 1. Việc nghiên cứu sẽ tập trung vào việc tìm ra các loại than nhập khẩu có thể trộn với than cám 6a.1 nhằm đảm bảo tính kinh tế và lò hơi vận hành không bị đóng xỉ.

“Than subbitumimous dự kiến cấp cho dự án Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3MR tiềm ẩn nguy cơ đóng xỉ cao nên cần nghiên cứu trộn với loại than thích hợp nhằm giảm thiểu nguy cơ đóng xỉ trong lò hơi” – KS Sơn khẳng định.

Ông Sơn cũng kiến nghị, các nhà khoa học cần có những nghiên cứu, thực nghiệm sâu hơn về công nghệ đốt than trộn nhằm đảm bảo cho các lò hơi vận hành ổn định và chi phí sản xuất điện tối ưu.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

Đan Mạch thẳng tiến trên con đường phát triển không carbon

Đan Mạch đang thực hiện cam kết về sử dụng năng lượng tái tạo, hướng tới một đất nước không carbon vào năm 2050.  Với việc mở rộng sản xuất điện gió ngoài khơi, chuyển đổi sang lưới điện thông minh, kết hợp cùng các sáng kiến tiết kiệm năng lượng, Đan Mạch đang trên đường trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng Liên minh Châu  Âu (EU).

Vào những năm 1970, 92% điện năng của Đan Mạch được sản xuất từ dầu nhập khẩu. Còn hiện tại, hơn 40% lưới điện được vận hành nhờ năng lượng tái tạo. Quốc gia này đang hướng tới sản xuất 100% điện bằng năng lượng tái tạo vào năm 2035, và tất cả các khu vực ngành nghề sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050.

Đan Mạch cũng dự định giảm 40% phát thải khí nhà kính vào năm 2020.

Trên thực tế, Đan Mạch cũng là một quốc gia may mắn khi có tốc độ gió trung bình đạt 7,6 mét/giây. Nước này dự định sẽ đáp ứng được 50% tiêu thụ điện bằng năng lượng gió vào năm 2020. Hiện tại mọi việc đang rất thuận lợi. Vào năm 2015, điện gió đã cung cấp 42% năng lượng cho nước này.

Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng những trang trại điện gió ngoài khơi quy mô lớn, họ đã lắp đặt một trang trại với công suất 5 MW, kéo dài 2 km trên bờ biển vào năm 1991. Kể từ đó, Đan Mạch đã lắp đặt thêm 4 trang trại gió ngoài khơi, nâng công suất phong điện lên 1.271 MW.

Ngoài ra, nước này cũng có hơn 300 tuabin gió trên bờ với công suất 5.070 MW (tính đến ngày 1/1/2016). Để cung cấp 50% điện bằng năng lượng gió vào năm 2020, Đan Mạch cũng đã khai thác thêm 1.000 MW công suất điện ngoài khơi, 500 MW điện gió gần bờ, trong khi đó thay thế các tuabin gió cũ trong đất liền bằng tua bin mới có công suất cao hơn.

Để tránh sự phản đối của người dân đối với việc xây dựng trang trại điện gió trên bờ, chính phủ Đan Mạch đã thi hành nhiều điều luật để có được sự đồng thuận của công chúng. Ví dụ, người dân sẽ được đền bù nếu mất tài sản do ảnh hưởng của các tuabin gió, địa phương sẽ nhận được tiền trên mỗi MWh điện được tạo ra, và ít nhất 20% cổ phần của trang trại điện gió phải được trao cho người dân địa phương.

Trong hơn 30 năm, tiêu thụ năng lượng của Đan Mạch vẫn duy trì ổn định dù GDP đã tăng gấp đôi. Trên thực tế, Đan Mạch là một trong những nước sử dụng năng lượng hiệu quả nhất EU và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, một phần nhờ các công ty đã tối ưu hóa quy trình sản xuất công nghiệp, thiết bị, và cơ sở vật chất. Đan Mạch đặt ra mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng thêm 7% vào năm 2020 so với năm 2010.

Ngoài ra, 12% điện tại Đan Mạch được sản xuất từ khí sinh học và rác thải hữu cơ từ các nhà máy điện nhiệt kết hợp (CHP). Ngày nay, có hơn 670 nhà máy phân bổ trên khắp đất nước này. Các nhà máy CHP cùng với tuabin gió khiến Đan Mạch trở thành một trong những quốc gia sản xuất và phân phối điện nhiều nhất trên thế giới.

Ngoài ra, trong lĩnh vực vận tải, để hạn chế nhu cầu tiêu thụ xăng, Đan Mạch đã nâng thuế mua xe ô tố mới lên 180%, nhưng sẽ miến thuế nên mua xe điện. Bên cạnh đó, nước này còn có bài đỗ xe điện miễn phí trên khắp thành phố. Ước tính tại Đan Mạch có hơn 4 triệu xe đạp và hơn 10.000 km làn đường riêng cho xe đạp.

Đan Mạch đang chứng minh được rằng một tương lai không sử dụng nhiên liệu hóa thạch là hoàn toàn có thể, và họ đang từng bước hiện thực hóa điều này.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

TP. Hồ Chí Minh: “Ươm mầm” xanh qua chiến lược tiết kiệm năng lượng

Trong chiến lược và kế hoạch tăng trưởng xanh của TPHCM, chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2016 – 2018 là giảm được 4,5% cường độ năng lượng vào năm 2018, tương ứng mỗi năm giảm 1,5% cường độ năng lượng.

Giảm cường độ năng lượng đa ngành

Cụ thể, trong năm 2016, cường độ năng lượng ngành công nghiệp phấn đấu còn 103,3; dịch vụ thương mại là 38,4; giao thông vận tải là 1033,3, bệnh viện 9,7; trường học 15,4 và các ngành khác (hộ gia đình, tòa nhà…) là 1072,1.

Mục tiêu tỉ lệ công suất năng lượng tái tạo đến năm 2018 là 1,00%. Trong đó, công suất tiêu thụ điện lắp đặt mới dự kiến đạt 10W với mục tiêu tăng trưởng là 0,21%.

Theo đó, tổng năng lượng tiết kiệm điện đến năm 2017 là 18,768 TOE dựa trên các hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) của mỗi nhóm ngành. Đơn cử với ngành công nghiệp, dịch vụ thương mại và cấp thoát nước tiết kiệm thông qua việc hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng và tư vấn xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; hỗ trợ xây dựng định mức tiêu hao năng lượng; xây dựng các giải pháp đầu tư TKNL và hỗ trợ triển khai các giải pháp; xây dựng mô hình năng lượng xanh (doanh nghiệp xanh, khu công nghiệp xanh).

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hỗ trợ thực hiện đổi mới công nghệ, xây dựng định mức tiêu hao năng lượng mức năng lượng; xây dựng chương trình chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu LPG/CNG đạt từ 5 – 20% số xe buýt và taxi; phối hợp thực hiện chương trình khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Đối với bệnh viện và trường học, khảo sát xây dựng định mức tiêu hao năng lượng và nhận diện các giải pháp TKNL; xây dựng mô hình năng lượng xanh (bệnh viện xanh, trường học xanh). Đối với hộ gia đình, tòa nhà và công sở, truyền thông và đào tạo về TKNL cho hộ gia đình, công sở; phối hợp với EVN HCMC thực hiện chương trình gia đình tiết kiệm điện; đào tạo về kiến trúc xanh. Hệ thống chiếu sáng công cộng và dân lập cũng sẽ được cải tạo. Tất cả những hoạt động trên sẽ đều được giám sát kết quả triển khai.

Để tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, TPHCM sẽ triển khai loại hình điện mặt trời với các chương trình như bù giá điện mặt trời, hỗ trợ đầu tư điện mặt trời hệ thống tòa nhà công sở. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ có các chương trình hỗ trợ phát triển thị trường máy nước nóng năng lượng mặt trời, năng lượng khí sinh học (biogas), năng lượng gió, xử lý rác phát điện… Trong năm 2016, tổng mục tiêu dự kiến đạt 9,7 MW và giai đoạn 2016 – 2018 là 49,1 MW.

Gắn tăng trưởng xanh với phát triển năng lượng sạch

Theo đó, trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM kiến nghị, cần sớm xây dựng các chỉ tiêu cụ thể về góc độ tiết kiệm năng lượng để có thể đáp ứng các chỉ tiêu tăng trưởng xanh; cần có hệ thống cơ sở dữ liệu để thực hiện đánh giá toàn diện các lĩnh vực sử dụng năng lượng trên một địa bàn/ tỉnh thành để từ đó đề xuất ra các chỉ tiêu dài hạn.

Ngoài ra, cũng cần thiết có các hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách từ cấp chính quyền địa phương trong việc hình thành các chương trình, chiến lược thực hiện tiết kiệm năng lượng, ứng dụng năng lượng tái tạo trên diện rộng ở địa phương. Ví dụ, tại TPHCM, tất cả các tổng công ty, tập đoàn, hợp tác xã lớn, các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng đều phải cam kết với UBND TP trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng nhằm đạt chỉ tiêu đề ra. Mặt khác, cũng cần hình thành cơ chế MRV (giám sát báo cáo và đánh giá) để có thể đánh giá được kết quả thực hiện.

Mục tiêu của TPHCM từ nay – 2020 sẽ duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong đó, đặc biệt nâng dần tỉ trọng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo và năng lượng từ chất thải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố cho từng giai đoạn.

Xây dựng nhà máy thu khí phát điện từ các bãi chôn lấp của thành phố theo cơ chế phát triển sạch (CDM) nhằm tận dụng lượng khí nhà kính để phát điện. Phấn đấu tỉ lệ tổn thất điện năng đến năm 2020 còn khoảng 5%; chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới lên trên 1,74% tổng công suất tiêu thụ của toàn thành phố.

Theo tietkiemnangluong.com.vn