Doximex: Hiệu quả bước đầu từ sản xuất sạch hơn

Triển khai chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH), khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quản lý môi trường theo ISO 14000, tạo môi trường lao động theo tiêu chuẩn SA 8000, tổ chức sắp xếp lại quản lý nội vi theo 5S, cải tiến môi trường công nghệ … là những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp dệt may đang triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, trong đó có công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (Doximex).

Doximex: Hiệu quả bước đầu từ sản xuất sạch hơn
Dây chuyền máy dệt kim

Từ năm 2005, Doximex đã triển khai chương trình 5S dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản. Đây thực sự là công cụ quản lý nội vi dễ thực hiện nhưng đem lại hiệu quả lớn. 5S đã giúp loại bỏ tức thời các lãng phí như thời gian, không gian, nguyên vật liệu… và còn giúp tạo ra và duy trì nề nếp làm việc công nghiệp, đồng thời thúc đẩy khả năng sáng tạo của tất cả mọi người và tạo ra phong trào cải tiến liên tục trong công ty.

Từ năm 2012-2014, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được Doximex lựa chọn và áp dụng vào sản xuất và kinh doanh của công ty, đem lại lợi ích về kinh tế và môi trường, xã hội cho DN và cộng đồng với số tiền làm lợi lên đến trên 87 triệu đồng/mỗi năm nhờ áp dụng các cải tiến vào sản xuất, giúp tiết kiệm thời gian gia công sản phẩm, tiết giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Doximex cũng áp dụng nhiều giải pháp khác nhằm tiết kiệm chi phí điện năng như lắp đặt biến tần cho các động cơ bơm nước, các động cơ trục chính, động cơ máy dệt…, thay thế lò hơi đốt than cũ bằng lò hơi lớn hơn và có hiệu suất cao hơn; thay thế một số bóng đèn cao áp thủy ngân công suất 250W có hiệu suất chiếu sáng thấp và tiêu tốn năng lượng bằng các đèn compact 75W tiết kiệm điện…

Ông Hoàng Minh Lâm – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội (ECC Hà nội) cho biết: “Dệt kim Đông Xuân mới chỉ tiếp cận với phương pháp SXSH, hiện tại tiềm năng để áp dụng SXSH của công ty còn rất lớn như: ngăn chặn lượng bụi phát sinh trong quá trình dệt bằng giải pháp cải tạo lại nền nhà xưởng, tạo hệ thống hút bụi ‘âm sàn’; tiến hành bọc bảo ôn cho đường ống, van… của hệ thống phân phối lò hơi trong xưởng tại xí nghiệm dệt; công ty chưa tận dụng nhiệt khí thải ra từ lò hơi, nước ngưng thu hồi chưa triệt để; công ty cũng chưa có kế hoạch điều chỉnh sản xuất tránh giờ cao điểm cho các thiết bị công suất lớn; tại khu vực dệt, lượng bụi phát sinh vẫn nhiều, chưa có giải pháp hiệu quả trong khi đó bụi phát sinh từ lò hơi đốt than thì DN đã xử lý bằng hệ thống xyclone nhưng chỉ hạn chế được lượng bụi có kích cỡ lớn còn một lượng đáng kể vẫn bị phát tán ra môi trường qua ống khói lò hơi cao 18m; lắp biến tần cho bơm dầu tải nhiệt công suất 30kW nhằm giảm lượng điện tiêu hao…”.

Để chương trình SXSH phát huy hiệu quả hơn nữa, các chuyên gia tư vấn của ECC Hà Nội cũng khuyến nghị Doximex nên có kế hoạch để từng bước triển khai đối với các hạng mục có đầu tư về chí phí và phải thực hiện ngay công tác tăng cường quản lý nội vi và bảo dưỡng thiết bị, máy móc định kỳ, đồng thời phải luôn cập nhật các chi phí sản xuất sao cho nằm trong định mức cho phép. Cuối cùng là công ty phải tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức về SXSH cho công nhân cũng như liên tục theo dõi và duy trì các kết quả của chương trình SXSH.

Theo Minh Kỳ – ven.vn

Thúc đẩy hoạt động liên quan đến năng lượng sạch

Sáng 29/8, Đại hội lần thứ nhất thành lập Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) đã được tổ chức tại Hà Nội.

 

1

Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 637 QĐ/BNV ngày 29/7/2015 của Bộ Nội vụ; hoạt động với tôn chỉ, mục đích là tổ chức xã hội-nghề nghiệp tự nguyện của các tổ chức pháp nhân và công dân cùng có chung mục đích với tiêu chí “Tất cả vì sự nghiệp phát triển năng lượng sạch”.

Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VECA) có phạm vi hoạt động trên cả nước, trong lĩnh vực năng lượng sạch; chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Thành viên của Hiệp hội là các nhà đầu tư, khai thác, sản xuất, sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp tái tạo xanh, sạch, ít tác động tiêu cực đến môi trường như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện địa nhiệt…; các nhà đầu tư sản xuất nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than đá, sản phẩm dầu, khí đốt) áp dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường; các nhà đầu tư, khai thác, cung cấp, sử dụng năng lượng sinh học; các nhà đầu tư, khai thác, cung cấp, sử dụng sản phẩm dân sinh sạch; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch về tư vấn khoa học, kỹ thuật, công nghệ, chuyển giao công nghệ, môi trường…

Sự ra đời của Hiệp hội nhằm thúc đẩy các hoạt động về bảo đảm năng lượng sạch và chính sách phát triển năng lượng sạch Việt Nam, từng bước góp phần nâng cao tỉ lệ sử dụng năng lượng sạch trong nền kinh tế.

Phát biểu với đại biểu Hiệp hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, rất nhiều thiên tai như bão lũ, hạn hán, xói lở bờ biển đã xảy ra tại nhiều địa phương, gây thiệt hại rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.  Vì vậy, cần thiết phải có cuộc cách mạng thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường, nhất là khi những nguồn năng lượng hoá thạch sẽ cạn kiệt trong thời gian không xa. “Cuộc cách mạng” tất yếu đó là cuộc cách mạng về sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Theo Phan Trang – baochinhphu.vn

 

 

Hội thảo “Công nghệ xanh – công nghệ sạch thúc đẩy phát triển đô thị bền vững”

Ngày 20/8/2015, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội thảo “Công nghệ xanh – công nghệ sạch thúc đẩy phát triển đô thị bền vững”. Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các sở, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích và môi trường đô thị tại địa phương và tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai.

228_san_xuat_sach

 

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ năm 2015 với sự kiện chính sẽ được tổ chức tại Thành phố Vũng Tàu vào tháng 11 năm nay.

Mục tiêu của hội thảo là nhằm giới thiệu các công nghệ được phát triển dựa trên nền tảng độc quyền sáng chế có xuất xứ từ châu Âu, Hàn Quốc và Việt Nam trong các lĩnh vực cải tạo và phát triển cảnh quan đô thị, tiết kiệm năng lượng, xử lý và sản xuất điện năng từ rác thải đô thị, bao gồm: công nghệ trồng cây không cần tưới nước, công nghệ giữ nước cho thảm xanh và gốc cây, công nghệ chiếu sáng và trang trí cảnh quan đô thị tiết kiệm điện năng và sử dụng năng lượng mặt trời, công nghệ chống ngập do triều cường sử dụng hố ga đặc biệt, công nghệ xử lý rác thải kết hợp sản xuất điện năng, nhiệt năng, công nghệ xây dựng nhà dây căng.

Theo đánh giá của ông Mai Thanh Quang – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì các công nghệ được giới thiệu tại hội thảo đều có tiềm năng ứng dụng to lớn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, góp phần giải bài toán phát triển hài hòa, bền vững và không làm phá hủy cảnh quan, môi trường – điều đang là trăn trở đối với Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như các sở ban ngành liên quan.

Theo Minh Kỳ – ven.vn