Lớp tập huấn Sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm

Ngành thực phẩm đang phát triển nhanh chóng về tiêu dùng và xuất khẩu, sự đa dạng hóa về mẫu mã lẫn chất lượng được nâng cao trong thời gian qua. Là một trong các ngành có đóng góp lớn vào ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy cùng với sự phát triển, việc sử dụng tài nguyên và năng lượng trong ngành chế biến thực phẩm chưa hợp lý, môi trường cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng mà phần lớn nguyên nhân là từ nguồn thải của ngành công nghiệp này. 

Đại diện các DN lắng nghe Tiến sĩ Lê Anh Kiên chia sẻ các tiêu chuẩn về SXSH

Đại diện các DN lắng nghe Tiến sĩ Lê Anh Kiên chia sẻ các tiêu chuẩn về SXSH

Vì vậy để bảo vệ môi trường, đã đến lúc chúng ta cần đẩy mạnh cơ chế phát triển sạch trong các ngành công nghiệp trọng điểm nói chung và đặc biệt là ngành chế biến thực phẩm nói riêng. Xuất phát từ thực tế đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp – Sở Công Thương Bình Dương đã tổ chức lớp tập huấn “Sản xuất sạch hơn và Bộ công cụ quản lý nội vi 5S cho các doanh nghiệp ngành thực phẩm” tại Sở Công Thương Bình Dương. Chương trình tập huấn thu hút được trên 50 học viên đến từ các doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Mục đích của lớp tập huấn nhằm khái quát kiến thức và phương pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp với mục tiêu đưa sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; Giới thiệu Bộ công cụ quản lý nội vi 5S trong công nghiệp và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khi áp dụng sản xuất sạch hơn.

Trong buổi Tập huấn, Tiến sĩ Lê Anh Kiên – Chuyên gia cao cấp Sản xuất sạch hơn (SXSH) đã cung cấp cho học viên các tài liệu, kiến thức về các nguyên tắc, kỹ thuật và các bước thực hiện sản xuất sạch hơn trong ngành chế biến thực phẩm. Nâng cao nhận thức của các học viên về sản xuất sạch hơn, quản lý nội vi – một trong những giải pháp sản xuất sạch hơn ít chi phí đầu tư nhưng mang lại hiệu quả cao, cách thực hiện 5S, quản lý an toàn hóa chất và bảo dưỡng, bảo trì thiết bị nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên nhiên vật liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.

Vì vậy đây là dịp hết sức thuận lợi để các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt và quyết định kịp thời việc đưa SXSH vào doanh nghiệp của mình. Chương trình đi sâu vào vấn đề sử dụng tài nguyên hợp lý và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát hiện các cơ hội thực hiện SXSH, những quy trình công nghệ, những giải pháp sản xuất sạch hơn trong ngành chế biến thực phẩm. Kết thúc khóa tập huấn, ban tổ chức ghi nhận ý kiến đóng góp và tổng hợp danh sách cấp chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn. Qua khóa tập huấn, các học viên đều nắm được các kiến thức SXSH và các nguyên tắc áp dụng các kỹ thuật quản lý nội vi như: 5S, quản lý an toàn hóa chất và bảo dưỡng, bảo trì thiết bị.

Lớp tập huấn đã thực sự đem đến cho các doanh nghiệp hướng đi mới trong việc áp dụng kiến thức về tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, từ đó doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận và ứng dụng SXSH, điều này không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm, của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của tỉnh.

Theo baocungcau.vn

Xanh môi trường – Sạch doanh nghiệp

Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC Hà Nội), Công ty CP thức ăn chăn nuôi trung ương đã từng bước áp dụng nhiều giải pháp sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Xanh môi trường - sạch doanh nghiệp
Nhờ áp dụng các giải pháp quản lý nội vi và đầu tư nhỏ,
môi trường của công ty đã được cải thiện

Ông Hoàng Minh Lâm, Phó Giám đốc ECC Hà Nội cho biết: “Cách đơn giản nhất để giảm ô nhiễm môi trường với chi phí thấp là cải tiến trong quản lý nội vi vì không cần phải phải đầu tư thêm thiết bị. Đối với Công ty CP Thức ăn chăn nuôi trung ương, chúng tôi đã đưa ra 14 giải pháp cần thực hiện, trong đó 11 giải pháp thuộc quản lý nội vi và doanh nghiệp có thể thực hiện được ngay. Đây là các giải pháp theo mô hình quản lý tiên tiến của Nhật Bản (mô hình 5S), bao gồm bảo dưỡng phòng ngừa, kiểm kê quản lý kho, chống tràn, chống nhiễm bẩn cho dung dịch trong bể, phân loại chất thải và đào tạo công nhân viên”.

Theo tư vấn của các chuyên gia, công ty đã thay thế các van nước cấp sinh hoạt bị rò rỉ, đồng thời lắp đặt hệ thống khử mùi tại khu vực làm mát sản phẩm và nâng cao ống khói từ 10m lên 15m để giảm thiểu khí từ quá trình đốt than ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Cùng với đó là thay thế dần bóng đèn chiếu sáng cũ 50W bằng các bóng đèn tiết kiệm điện có công suất 36W, lắp kính mái nhà xưởng để tăng ánh sáng….

Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc sản xuất Công ty CP Thức ăn chăn nuôi trung ương, song song với các giải pháp trên, công ty đã tổ chức đào tạo cho cán bộ công nhân viên về sử dụng điện, nâng cao ý thức của người lao động trong quá trình sử dụng nước, không để rơi vãi trong quá trình vận chuyển nguyên, nhiên, vật liệu. Đồng thời, lên kế hoạch và lịch trình bảo dưỡng, kiểm tra thiết bị máy móc, tổ chức sắp xếp lại nguyên, vật liệu sản xuất tại các khâu, kiểm kê và quản lý kho. Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ nơi làm việc, không có bụi bẩn bám trên máy móc và cuối mỗi ca làm việc sẽ thực hiện vệ sinh 5 phút…. Đặc biệt, tạo ý thức tuân thủ các nội quy tại nơi làm việc, hình thành nề nếp tốt và tạo văn hóa 5S trong cơ sở sản xuất.

Nhờ áp dụng các giải pháp quản lý nội vi và đầu tư nhỏ, công ty đã giảm đáng kể thời gian thu dọn phế thải, nâng cao điều kiện làm việc cho người lao động, qua đó đã góp phần tăng năng suất lao động. Chi phí từ nước, năng lượng, nguyên liệu hỏng giảm cũng góp phần hạ chi phí sản xuất/1 đơn vị sản phẩm. Tro bụi và xỉ than được bán cho người dân làm gạch cũng tăng thêm nguồn thu cho công ty và giảm chi phí xử lý môi trường, cải thiện môi trường làm việc của người lao động.

Như vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có thể cải thiện điều kiện sản xuất, môi trường làm việc và nâng cao năng suất lao động thông qua các giải pháp quản lý nội vi khi chưa có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ. Nếu các hoạt động này được áp dụng và duy trì thường xuyên sẽ góp phần xanh môi trường – sạch doanh nghiệp – nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm môi trường và xã hội của doanh nghiệp, tuân thủ tốt các quy định về pháp luật môi trường, kiểm soát ô nhiễm tại nguồn hiệu quả.

Theo Minh Kỳ – ven.vn

Nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất sạch hơn

Cùng với Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) sản xuất và tiêu thụ theo hướng bền vững. Những chính sách này đã góp phần mang lại lợi ích kinh tế và môi trường to lớn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho toàn xã hội.
Nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất sạch hơn
 Hiện nay, phương pháp tiếp cận quản lý môi trường theo hướng phòng ngừa ô nhiễm tại nguồn đang được sử dụng ngày càng rộng rãi ở các nước trên thế giới và đã được lồng ghép vào các chiến lược phát triển của quốc gia.

Ông Tạ Xuân Quang – Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Chính phủ có thể sử dụng rất nhiều các công cụ chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất sạch nhưng chủ yếu dựa trên 3 mặt chính: các công cụ pháp lý (thông qua các quy định của pháp luật để quản lý và bảo vệ môi trường, quy định lượng chất thải mà DN/tổ chức được phép thải ra môi trường cũng như yêu cầu DN/tổ chức/cá nhân tác động đến môi trường phải tuân theo những chuẩn mực nhất định); các công cụ kinh tế (các chính sách về thuế phí, tiền phạt, hỗ trợ tài chính); và các công cụ truyền thông. Hiện chúng ta đã ban hành nhiều chính sách và đều sử dụng các công cụ trên để thúc đẩy các DN tham gia thực hiện sản xuất sạch hơn”.

Cụ thể, công cụ pháp lý là các chính sách thúc đẩy sản xuất sạch hơn như Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07/09/2009 về phê duyệt Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020, theo đó đến năm 2015 sẽ có 25% DN áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và phấn đấu đến 2020 có 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của sản xuất sạch hơn; Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công nhằm khuyến khích, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014; Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/04/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020…

Công cụ kinh tế – thuế và phí môi trường – là khoản thu của ngân sách nhà nước nhằm điều tiết các hoạt động có ảnh hưởng tới môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Mục tiêu của những chính sách này là khuyến khích cải tiến và áp dụng kỹ thuật, công nghệ sạch trong sản xuất chống ô nhiễm, nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên, nhiên liệu hoặc thay thế bằng nhiên liệu khác ít ô nhiễm hơn cũng như sử dụng nguồn tài chính này cho khắc phục các tác động tiêu cực do chất ô nhiễm gây ra với môi trường. Ngoài ra còn các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên, thuế các bon và các chính sách tài chính ưu đãi cho các DN trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, xử lý và kiểm soát ô nhiễm trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Công cụ truyền thông cũng đã được xây dựng. Việc cho ra đời trang thông tin sản xuất sạch hơn tại địa chỉ http://sxsh.vn là một phần trong những việc mà Bộ Công Thương đã triển khai nhằm cụ thể hóa Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020. Ngoài ra các phương tiện truyền thông từ trung ương đến địa phương cũng đã thường xuyên đăng tải các nội dung thông tin liên quan đến sản xuất sạch hơn. Đây là những công cụ hữu hiệu giúp tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, góp phần tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường./.

Theo Thu Hường ven.vn

Hà Tĩnh: Nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp

 Tính đến cuối năm 2014, hà Tĩnh có gần 17.000 cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động trong một số ngành chủ yếu như chế biến nông, lâm, thuỷ sản, khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng… Việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp (DN) và cơ sở vẫn chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét. Xác định sản xuất sạc hơn sẽ giúp các DN vừa và nhỏ nâng cao sức cạnh tranh, Hà Tĩnh đang ráo riết đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm tạo sự thay đổi về nhận thức và hành động cho các DN trong lĩnh vực này. 

Hà Tĩnh: Nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp

Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã có bước đột phá về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút nhiều DN công nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Tỉnh đã thu hút nhiều dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm mang tầm quốc gia như Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương Fomosa, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng… Bên cạnh đó, việc thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất đã góp phần gia tăng các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Theo số liệu thống kê, đến hết ngày 31/12//2014 toàn tỉnh có gần 17.000 cơ sở sản xuất công nghiệp. Đây là những cơ sở sẽ được tỉnh ưu tiên trong các chương trình triển khai thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 và Quyết định số 3210/QĐ-UBND ngày 04/11/2011 phê duyệt Kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn.

Ông Nguyễn Hiền Lương – Phó giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: “Trong giai đoạn 2012-2015, Sở Công Thương đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp từ tuyên truyền đến đánh giá nhanh, đánh giá chi tiết sản xuất sạch hơn. Ngân sách của tỉnh dành cho các hoạt động này lên đến 1.465 tỷ đồng. Trong đó, chúng tôi xác định công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng vào sự thành công của Chương trình và phải đi trước một bước để từ đó tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, tiến tới thay đổi trong hành động của DN”.

Theo đó, công tác thông tin tuyên truyền được xây dựng và triển khai thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau như báo, đài truyền hình, bản tin, tờ rơi… Đặc biệt, trong giai đoạn 2012-2015, Hà Tĩnh đã tổ chức được 16 lớp tập huấn với 3.152 lượt người tham dự trong đó có 2.652 lượt người từ các DN, hợp tác xã và hộ sản xuất cá thể. Bên cạnh đó, 20 DN đã được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, 20 DN được hỗ trợ tư vấn đánh giá nhanh về sản xuất sạch hơn, và 01 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đã được xây dưng tại Cụm làng nghề sản xuất chế biến mộc xã Thái Yên (Đức Thọ).

Cũng theo ông Nguyễn Hiền Lương, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tích cực hướng dẫn DN cách thức tiếp cận, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch sạch hơn trong công nghiệp nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất sạch hơn cho các ngành công nghiệp đặc thù của địa phương như chế biến gỗ, thủy sản, nông sản, rèn, đúc, đồng thời có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các DN điển hình thực hiện dựa trên các tiêu chí theo quy định hiện hành.

Theo Minh Kỳ – ven.vn