Giải pháp sản xuất sạch hơn: “8 giải pháp vàng” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Việc tham gia áp dụng và thực hiện sản xuất sạch hơn (SXSH) sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) một cách mạnh mẽ; tạo được lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Mặt khác, khi tham gia thực hiện SXSH, DN công nghiệp sẽ nhận được sự khuyến khích và được hưởng chính sách ưu đãi tài chính của Nhà nước.

Bên trong nhà máy dệt may thuộc Tập đoàn Esquel Group tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Thuận An, Bình Dương

Bên trong nhà máy dệt may thuộc Tập đoàn Esquel Group tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore ở Thuận An, Bình Dương

Hưởng ứng xu thế chung của thế giới

Ở các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Canada, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch từ những năm 1985-1990 đã áp dụng SXSH. Các nước ở châu Á và Đông Âu như Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Ba Lan, Tiệp, Hungari… từ năm 1993 trở lại đây.

Khái niệm SXSH vào Việt Nam bắt đầu từ những năm 1996 qua dự án của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP). Với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sĩ và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc UNIDO, năm 1998 Việt Nam đã thành lập Trung tâm SXSH Việt Nam đặt tại Viện Khoa học Công nghệ & Môi trường thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội. Trung tâm này đã có những hoạt động thúc đẩy, quảng bá SXSH trong công nghiệp ở Việt Nam như: Đào tạo các chuyên gia tư vấn về SXSH, đưa SXSH vào chương trình đào tạo của một số trường đại học, tiến hành trình diễn đánh giá SXSH tại một số cơ sở sản xuất thuộc nhiều ngành công nghiệp, đào tạo nâng cao trình độ về SXSH cho các cán bộ kỹ thuật.

Từ năm 2000, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã có những hoạt động triển khai thực hiện SXSH, tham gia trong dự án “Những chiến lược và cơ chế khuyến khích đầu tư SXSH tại các nước đang phát triển” của UNEP, là đầu mối tổ chức hợp phần “Quá trình đầu tư cho SXSH” của dự án này. Bộ đã tổ chức các khóa đào tạo cho các cán bộ chủ chốt ngành công nghiệp trong cả nước về SXSH, cách lập dự án đầu tư và khai thác nguồn vốn. Một số cơ quan khoa học trong bộ đã tổ chức nghiên cứu và tham gia các hoạt động đào tạo, phổ biến thông tin, điều tra, khảo sát tiềm năng SXSH của một số cơ sở sản xuất công nghiệp.

Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), SXSH được định nghĩa là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Đối với quá trình sản xuất: SXSH bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại; giảm về lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải; Đối với sản phẩm: SXSH bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ; Đối với dịch vụ: SXSH đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển dịch vụ.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ chú trọng đến hiệu quả năng lượng

Theo xu thế chung của thế giới, các DN công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ, tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập. Mới đây, vào sáng 5-6, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Chính sách năng lượng và việc sử dụng năng lượng tiết kiệm tại DNVVN”. Tọa đàm do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách Dịch vụ công – CIEM cho biết, trong giai đoạn 2011-2014, tốc độ sử dụng năng lượng luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Khi giá điện tăng, giá xăng ở mức cao, các DN buộc phải tăng chi phí sản xuất/dịch vụ.

Các DNVVN chiếm đến 40% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp. Một số lĩnh vực như gạch, gốm và chế biến thực phẩm, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở mức tương đối cao, trên 30%. Trong khi đó, đối với các lĩnh vực như sản xuất xi măng và nông nghiệp, tiềm năng này ở mức trên 50%.

Để khắc phục tình trạng này, các DNVVN cần đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.

Bà Đỗ Thị Tú Anh, Tổng Thư ký Hội DN trẻ Hà Nội cho biết, năng lượng là một trong những cấu phần hình thành nên giá thành sản phẩm. Vì vậy, các DN cần có phương án sử dụng năng lượng hợp lý để giảm giá thành sản phẩm, giúp DN tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Các chuyên gia SXSH đã khẳng định SXSH chính là cơ hội, là giải pháp của các DN vừa và nhỏ mang lại lợi ích kinh tế cho cơ sở sản xuất, đồng thời giải quyết các vấn đề môi trường. Với “8 cơ hội vàng”: Một là, SXSH làm giảm giá thành sản phẩm thông qua: Nâng cao hiệu quả sản xuất và nguồn lực; giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu, nước và năng lượng đầu vào; tận dụng được các sản phẩm phụ; Hai là, giảm chi phí liên quan đến thu gom và xử lý chất thải do giảm lượng chất thải phát sinh vì DN chú trọng đến phòng ngừa ô nhiễm hơn là khắc phục ô nhiễm; Ba là, thực hiện tốt hơn các yêu cầu pháp lý về môi trường; Bốn là, tăng cường ý thức của người lao động về bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường làm việc, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động; Năm là, cải thiện hình ảnh của DN về trách nhiệm xã hội và tuân thủ luật pháp. Giúp DN tạo dựng sự tin tưởng đối với các bên liên quan (khách hàng, nhà cung cấp, nhà quản lý, địa phương…) trên các lĩnh vực; Sáu là, tạo ra các cơ hội thị trường mới và hấp dẫn; Bảy là, SXSH còn gắn liền với: Hệ thống quản lý môi trường, Quản lý chất lượng tổng hợp, Quản lý sức khỏe và an toàn và Tám, cũng là lợi ích lớn nhất trong giai đoạn hội nhập hiện nay, đó là thị trường quốc tế không chỉ yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm mà còn là đòi hỏi về khía cạnh môi trường và trách nhiệm xã hội của DN. Chính vì vậy, SXSH là công cụ hữu hiệu cho DN nâng cao tính cạnh tranh và chỗ đứng trên thị trường do chất lượng sản phẩm tốt hơn và uy tín hơn.

Rõ ràng, qua thực tế phát triển công nghiệp nói chung, ở Bình Dương nói riêng, việc tham gia áp dụng và thực hiện SXSH sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN đặc biệt là DNVVN một cách mạnh mẽ; tạo được lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Mặt khác, khi tham gia thực hiện SXSH, DN công nghiệp còn nhận được chính sách ưu đãi tài chính của Nhà nước và sự ưu tiên chọn lựa của những khách hàng khó tính.

Theo Bảo Anh – baocungcau.vn

Những doanh nghiệp điển hình sản xuất sạch hơn

Lần thứ hai, Công ty FrieslandCampina Việt Nam nhận được giải thưởng Sách Xanh Bình Dương, do có nhiều nỗ lực đóng góp tích cực hiệu quả vào công tác bảo vệ môi trường (BVMT).
Các nhà máy của FrieslandCampina Việt Nam đều có hệ thống xử lý chất thải (nước thải, bụi, khí thải, tiếng ồn) đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường cho phép, luôn thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại theo đúng quy định.

Thiết kế và xây dựng tách riêng hệ thống thoát nước mưa; nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt được thu gom và đưa về hệ thống xử lý nước thải để xử lý trước khi ra môi trường. Nhờ vậy, nước thải từ nhà máy luôn nằm trong tiêu chuẩn cho phép và đạt tiêu chuẩn loại A-QCVN 24:2009 (loại cho phép nước xả được xả vào các nguồn tiếp nhận là các nguồn nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt) của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong năm 2014, FrieslandCampina Việt Nam đã tài trợ cho dự án Green Talk thuộc Tổ chức UNESCO-CEP để thực hiện tuyên truyền thông điệp “Không xả rác” tới cộng đồng, chương trình “Giờ xanh” toàn quốc trong tháng 5 vừa qua và nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Trước đó, năm 2013, FrieslandCampina Việt Nam đã trở thành đơn vị tiên phong trong việc sử dụng bao bì có nguồn gốc là tài nguyên tái sinh. Công ty đã sử dụng bao bì sản phẩm có logo của FSC (Forest Stewardship Council) là chứng nhận bao bì sử dụng có nguồn gốc từ rừng tái sinh.

Như FrieslandCampina Việt Nam, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á có nhà máy đặt tại số 5, đường số 5, Khu công nghiệp Sóng Thần 1, phường Dĩ An, TX. Dĩ An với tổng diện tích nhà xưởng hơn 35.000m2. Với 2 dây chuyền mạ kẽm, 3 dây chuyền mạ màu và 1 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm công nghệ NOF với tổng công suất thiết bị 250.000 tấn/năm. Các dây chuyền được thiết kế theo công nghệ tiên tiến, sử dụng nhiên liệu sạch thân thiện môi trường. Với phương châm “Chất lượng – Uy tín – Phát triển bền vững”, công ty luôn thực hiện và tuân thủ tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực BVMT, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, cải tiến công nghệ dây chuyền sản xuất, sử dụng các nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường. Hiện nay, các dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á đã chuyển sang sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch: khí CNG (Compressed Natural Gas), năng lượng sinh khối (Biomass) để sử dụng thay thế nguồn nhiên liệu cũ là LPG và dầu FO, DO.

Theo baocungcau.vn

Trung tâm Khuyến công tỉnh Bình Dương: Thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn năm 2015

Cùng với tốc độ phát triển công nghiệp mạnh mẽ, môi trường của tỉnh Bình Dương cũng bị ô nhiễm nặng nề. Với mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, ngày 15-2-2012, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 366/QĐ-UBND về việc triển khai chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015.
Theo đó, Sở Công thương cũng đã xây dựng chương trình SXSH.

Cùng với tốc độ phát triển công nghiệp mạnh mẽ, môi trường của tỉnh Bình Dương cũng bị ô nhiễm nặng nề, với mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, ngày 15-2-2012, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 366/QĐ-UBND về việc triển khai chương trình SXSH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015, giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng liên quan thực hiện. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương (trung tâm) là đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện. SXSH là một lĩnh vực mới và tương đối trừu tượng so với doanh nghiệp (DN). Song cùng với những chính sách, chương trình hỗ trợ của tỉnh nhà, sự nhiệt tình của cán bộ thực hiện, các DN đã từng bước nắm rõ được những lợi ích từ SXSH mang lại, nên chương trình đã đạt được một số kết quả. Từ năm 2011 đến nay trung tâm đã tổ chức tập huấn truyên truyền phổ biến kiến thức SXSH cho hơn 500 lượt cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật của DN và các cán bộ phòng Tài nguyên – Môi trường huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Báo Bình Dương viết 20 bài tuyên truyền SXSH; Phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh xây dựng 2 phóng sự về SXSH; Phát hành 5.000 áp phích tuyên truyền nâng cao nhận thức về SXSH trong công nghiệp; Triển khai đánh giá nhanh SXSH cho 15 DN, đánh giá tổng thể SXSH cho 2 DN.

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, năm 2015 trung tâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện SXSH theo kế hoạch đã được Sở Công thương phê duyệt với những nội dung cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về SXSH trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức 2 lớp tập huấn SXSH, phát hành 3.000 tờ rơi nhằm giới thiệu các hiệu quả mang lại từ SXSH cho các DN.

Song song với công tác tuyên truyền, trung tâm tiếp tục tổ chức thực hiện đánh giá nhanh cho 3 DN thuộc ngành chế biến gỗ, thuốc lá và thực phẩm; đánh giá tổng thể cho 2 DN ngành hóa chất. Qua đó, giúp DN nhận diện những hạn chế, lãng phí từ các công đoạn sản xuất của mình; vấn đề tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên vật liệu và vấn đề phát thải đối với môi trường làm việc của công nhân và môi trường sống của cộng đồng.

Mặc dù những con số trên còn khiêm tốn so với số lượng DN sản xuất trong tỉnh, nhưng với những chính sách, chương trình hành động của tỉnh cùng với động thái tích cực từ các DN, tin tưởng rằng áp dụng SXSH sẽ là giải pháp tốt để DN tiến đến phát triển bền vững và thân thiện với môi trường sống của cộng đồng.

Theo baocungcau.vn

Bình Phước nâng cao nhận thức về sản xuất sạch

Xác định sản xuất sạch hơn (SXSH) sẽ góp phần kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, giảm chi phí đầu vào của sản xuất và nhận thấy tiềm năng áp dụng SXSH ở các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn là rất lớn, tỉnh Bình Phước đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho DN về SXSH.
Bình Phước hiện có gần 500 DN sản xuất công nghiệp, chủ yếu là DN khai khoáng, chế biến nông lâm sản. Tuy nhiên, điểm yếu của hầu hết DN là công nghệ sản xuất còn lạc hậu, máy móc thiết bị không đồng bộ, gây thất thoát lớn về tài nguyên, năng lượng cũng như nguyên vật liệu, nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.

Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2015 có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp; 25% cơ sở áp dụng SXSH, tiết kiệm được từ 5-8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công Thương Bình Phước đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về SXSH. Đồng thời rà soát các cơ sở sản xuất, DN trọng điểm, có năng lực để tư vấn trực tiếp, giải thích cặn kẽ để cơ sở sản xuất, DN mạnh dạn tham gia áp dụng SXSH.

Theo đó, trung tâm đã đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành 1.500 tờ rơi và treo băng rôn tuyên truyền về áp dụng SXSH; xây dựng và tổ chức hội thảo tuyên truyền về áp dụng SXSH, 4 lớp tập huấn kỹ thuật về SXSH cho cán bộ quản lý của các sở, ngành.

Theo bà Trần Thị Hồng – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, “việc triển khai các nhiệm vụ của chiến lược đã giúp một số DN bước đầu nhận thức được tầm quan trọng của SXSH và đã từng bước áp dụng vào sản xuất như: Đầu tư đổi mới công nghệ, hệ thống xử lý nước thải, sử dụng nguyên liệu thay thế ít phát sinh chất thải…, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn eo hẹp (giai đoạn 2009-2015 là 334,9 triệu đồng, trong đó ngân sách địa phương là 88,7 triệu đồng) nên công tác này vẫn chưa phát huy hiệu quả rõ nét mà mục tiêu của Kế hoạch quốc gia về SXSH đến năm 2020 đặt ra”.

Cũng theo bà Hồng, không chỉ nguồn ngân sách của địa phương và trung ương rót eo hẹp, mà bản thân DN trong giai đoạn vừa qua cũng gặp nhiều khó khăn nên khả năng đầu tư áp dụng các giải pháp chuyên sâu về SXSH còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, tập huấn cho các DN để nâng cao nhận thức cũng bị ảnh hưởng do thiếu kinh phí, nên phần lớn DN nhỏ và vừa chưa nhận thức đầy đủ hiệu quả của việc áp dụng SXSH.

Đặc biệt, chính sách hỗ trợ kinh phí cho áp dụng SXSH chưa rõ ràng, chi tiết, các chế tài và quy định chưa cụ thể, đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên sâu còn ít và chưa có đủ điều kiện để thực hiện các nội dung của Chiến lược SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Năm 2016 tới, Bình Phước xác định tiếp tục ưu tiên các hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức về lợi ích của việc áp dụng SXSH tại DN. Đồng thời tập trung vào các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thực hiện SXSH nhằm thúc đẩy nhiều DN tham gia hơn nữa.

Theo ven.vn

Thực hiện được 48 đề tài phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH

Ngày 14/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc báo cáo kết quả thực hiện của Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu” KHCN – BĐKH/11 – 15.
Thứ trưởng Nguyễn Thái Lan phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo kết quả thực hiện chương trình được biết từ khi được giao nhiệm vụ tới nay, Bộ TN&MT đã phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiên cứu 48 đề tài cấp Quốc gia. Các nhiệm vụ của Chương trình đã tập trung nghiên cứu các vấn đề nhằm cung cấp kiến thức và hiểu biết về hiện tượng, bản chất khoa học của biến đổi khí hậu, xác lập cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, thiết kế hệ thống giám sát và cảnh báo sớm về khí hậu và biến đổi khí hậu, các đối tượng dễ tác động nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ và năng lực quản lý trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đề xuất định hướng công nghệ, chính sách và các giải pháp thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Xác định được cơ sở khoa học cho việ tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu và quy trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch trong đó chú trọng phân tích và đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường nhằm cung cấp công cụ quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp
Các đề tài của Chương trình đã tiếp cận đến đời sống thực tế sâu sát hơn, toàn diện hơn và chủ động hơn. Tính đến nay, Chương trình đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu cấp Nhà nước cho 16 đề tài. Số đề tài còn lại sẽ được đánh giá, nghiêm thu trong năm 2015.
Theo Nguyễn Cường – Báo TN & MT

Biến rác thải thành năng lượng

Tại các quốc gia phát triển, nguồn rác thải đã và đang được tận dụng triệt để để sản xuất điện, giảm áp lực lên lưới điện quốc gia. Ở giai đoạn phát triển rất nhanh, TP. HCM đang tìm kiếm giải pháp xử lý rác thải thành nguồn năng lượng nhằm thu được lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và giảm thiểu áp lực cho lưới điện. 

Biến rác thành năng lượng

Thông tin đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp xử lý rác đô thị – Nghiên cứu công nghệ và tính khả thi” diễn ra mới đây tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, với dân số hơn 9 triệu dân, tổng khối lượng chất thải rắn (CTR) đô thị phát sinh trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 7.500-8.000 tấn/ngày. Hầu hết lượng rác thải này (bao gồm cả chất thải nguy hại) đều được xử lý bằng cách chôn lấp, gây ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm mùi và thải ra nhiều chất khí gây hiệu ứng nhà kính.

Nhiều giải pháp đã được đề ra để giải quyết vấn đề đó, trong đó có giải pháp xử lý CTR sinh hoạt thành phân compost. Tuy nhiên, do chất lượng phân compost sản xuất ra chưa cao nên đây chưa phải là giải pháp khả thi, chưa kể quỹ đất tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng thu hẹp và lượng rác thải lại ngày càng tăng, ước tính khoảng 7-8%/năm, nên thành phố vẫn không ngừng tìm kiếm giải pháp hữu hiệu hơn.

Tại các nước phát triển, nhiều công nghệ hiện đại đã được áp dụng trong việc thu gom và xử lý rác thải đô thị, từ đó vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm, tạo mỹ quan đô thị, vừa tận dụng được nguồn năng lượng rác thải để sản xuất điện, phân bón, thu hồi khí phát điện… Trong đó thiêu đốt kết hợp thu hồi nhiệt, phát điện là xu hướng tiên tiến và phổ biến của nhiều nước. Hiện nay, tỷ trọng xử lý CTR bằng thiêu đốt kết hợp phát điện ở một số nước tương đối cao như Singapore 100%; Thụy Sĩ 80%; Nhật Bản 73%; Đan Mạch 70%; Thụy Điển 55%; Hà Lan 51%; Pháp 38%; Đức 32%… Riêng ở Trung Quốc, phương hướng chủ đạo trong xử lý CTR sinh hoạt là chuyển từ chôn lấp sang đốt phát điện. Công suất đốt rác phát điện đã tăng từ 124.000 tấn/ngày năm 2012 lên 300.000 tấn/ngày năm 2015.

Hiện nay, một số dự án nhà máy phát điện từ rác trên địa bàn thành phố đã được phê duyệt như: Nhà máy sản xuất điện từ rác ở Gò Cát; Dự án thu khí thải phát điện theo cơ chế phát triển sạch tại bãi rác Phước Hiệp và Đông Thạnh…. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu áp dụng tốt các công nghệ tái chế, các mô hình thu hồi khí sẽ góp phần làm giảm khí thải nhà kính với lượng giảm tải có thể lên đến khoảng 0,68 tấn CO2/tấn rác, đặc biệt, nếu tái sử dụng thành nguồn năng lượng thay thế năng lượng hóa thạch thì con số này sẽ là một đóng góp đáng kể cho ngành năng lượng nước ta.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ – Bộ Công Thương, ưu điểm lớn nhất của phương pháp thiêu đốt kết hợp thu hồi nhiệt, phát điện là thời gian xử lý nhanh nhất; khối lượng CTR còn sau xử lý nhỏ nhất (khoảng 10-15% CTR đã phân loại); nhu cầu sử dụng đất thấp (phù hợp các đô thị); loại bỏ được các chất độc hại triệt để nhất; giảm thiểu tác động môi trường so với chôn lấp…. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả cao nhất, ông Hoàn nhấn mạnh: “Các dự án đầu tư đốt rác có phát điện cần có quy mô đủ lớn, lựa chọn công nghệ tiên tiến để đảm bảo hiệu quả xử lý, không gây ô nhiễm thứ sinh”.

Theo Bảo Ngọc – ven.vn