Sản xuất điện từ những… cánh diều

Năng lượng gió đã được sử dụng hàng trăm năm nay và người ta mới chỉ biết đến việc tận dụng nguồn năng lượng này nhờ vào hệ thống tuabin gió. Tuy nhiên, mới đây các nhà nghiên cứu và những kỹ sư hàng đầu của nhiều nước đã phát triển một phương pháp sản xuất điện từ gió hoàn toàn mới dựa trên hoạt động của những… cánh diều.

Diều tuabin

Công ty Makani Power tại California, Mỹ, cố gắng hiện thực hóa ý tưởng trên với một thiết kế mới tạm gọi là diều tuabin. Thiết kế này có tên là Wing7, trông giống như một con diều lớn với 2 tuabin gió được gắn vào thân diều. Mới đây, Công ty Makani Power đã thử nghiệm đưa Wing7 lên độ cao 400m, từ độ cao này thiết bị đã tạo ra một dòng điện có công suất 20kW trong điều kiện sức gió là 35km/h.

Các kỹ sư của Makani Power đã sử dụng vật liệu sợi carbon để tạo ra Wing7 với mục đích giảm tối đa khối lượng của thiết bị bay này. Wing7 có thể bay theo phương ngang và thẳng đứng nhờ vào thiết kế đặc biệt.

Được làm từ sợi carbon, diều tuabin Wing7 có chiều dài 8m và nặng gần 60kg. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Được làm từ sợi carbon, diều tuabin Wing7 có chiều dài 8m và nặng gần 60kg. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Nó cất cánh thẳng đứng và sau khi đạt đến độ cao nhất định sẽ di chuyển theo phương ngang để đón các luồng gió mạnh nhờ sự điều khiển của các bộ cảm biến khí động được gắn vào thân diều. Dòng điện tạo ra nhờ sức gió sẽ được chuyển xuống một bộ acquy tại tháp điều khiển thông qua dây giữ diều có tích hợp dây dẫn điện.

Đường bay của Wing7 sẽ được tính toán để đón được hướng gió mạnh nhất, như vậy so với việc gắn tuabin gió lên một tháp cố định như hiện nay, diều tuabin có khả năng tạo ra hiệu suất lớn hơn nhiều nhờ vào việc tiết giảm được các vật liệu và chi phí để xây tháp.

Công ty Makani Power kỳ vọng sẽ chế tạo được một chiếc diều tuabin lớn hơn Wing7 với công suất phát điện là 1MW khi bay ở độ cao 550m.

Công nghệ của KiteGen

Cũng giống công nghệ của Makani Power, KiteGen – một công ty chuyên về công nghệ năng lượng có trụ sở tại Ý cũng đang thử nghiệm những cánh diều và các thiết bị chuyển đổi năng lượng mà họ gọi là các “máy phát điện” để biến đổi động năng của gió đối lưu thành điện năng.

Cánh diều của KiteGen đang được nâng lên bởi cần cẩu, chuẩn bị bay thử. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Cánh diều của KiteGen đang được nâng lên bởi cần cẩu, chuẩn bị bay thử. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Con diều đặc biệt này được cấu tạo với những bộ cánh lớn được nối với các sợi dây polymer cực kỳ chắc chắn và dài đến 1km. Các con diều này được điều khiển bởi một hệ thống công nghệ cao nhận thông tin từ các cảm biến điện tử hàng không gắn trên diều và các kỹ sư sẽ sử dụng thông tin này để điều chỉnh hướng cánh sao cho khai thác được tối đa lượng gió.

Theo KiteGen, nguồn năng lượng này luôn được làm mới, sạch, rẻ hơn năng lượng hóa thạch và không cần các cỗ máy khổng lồ như tua bin gió truyền thống. Một con diều khổng lồ của KiteGen có trọng lượng khoảng 20 tấn trong khi tua bin gió nặng đến 2.000 tấn. Quan trọng hơn, KiteGen cho biết diều của họ có thể sản xuất ra lượng điện nhiều gấp 3 lần so với một tua bin gió đặt ở độ cao từ 45 đến 60m.

Những sản phẩm của KiteGen đã sẵn sàng được sản xuất ở quy mô công nghiệp, mặc dù vậy loại diều khổng lồ này vẫn được xem là ý tưởng lạ trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, hơn nữa họ cần phải có giấy cấp phép để đảm bảo diều khổng lồ không ảnh hưởng đến hoạt động hàng không.

Theo báo An ninh Thủ đô

Đức hỗ trợ 6,9 triệu euro mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam

Ngày 12/6, tại trụ sở Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng Việt Nam và đơn vị hỗ trợ năng lượng GIZ đã ký kết thỏa thuận thực hiện Dự án Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam.

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Dự án này có giá trị 6,9 triệu euro, được triển khai đến năm 2018. Dự án thực hiện trên ba mảng lớn xây dựng khung chính sách và pháp lý để phát triển điện gió; nâng cao năng lực cho đơn vị liên quan, các công ty điện; chuyển giao công nghệ và hợp tác công nghệ với các đối tác Việt Nam.

Tại buổi ký kết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực xây dựng các chương trình phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng điện gió. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa đạt như mong muốn và kỳ vọng Chính phủ đặt ra. Do đó, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách hiện có để khuyến khích mạnh hơn các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng điện gió.

Thứ trưởng hy vọng sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ từ Chính phủ Đức sẽ giúp triển khai thành công và thúc đẩy phát triển năng lượng điện gió tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo bà Annette Frick, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, việc ký kết dự án này thể hiện cam kết của Chính phủ Đức trong việc đóng góp và hỗ trợ cho phát triển năng lực tái tạo, đặc biệt là năng lượng điện gió tại Việt Nam. Dự án phù hợp với năng lực phát triển của Việt Nam.

Phía Đức có nhiều năm kinh nghiệm trong việc triển khai năng lượng điện gió, và qua dự án này sẽ có thể chuyển giao hoàn toàn công nghệ, kỹ thuật sang phía Việt Nam.

Chính phủ Đức cam kết sẽ luôn hỗ trợ phía Việt Nam, các doanh nghiệp điện vượt qua khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào năng lượng gió, năng lượng tái tạo…

Theo Chương trình hỗ trợ Năng lượng GIZ tại Việt Nam, trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Đức ở các lĩnh vực môi trường, năng lượng và đào tạo nghề với tổng kinh phí hỗ trợ gần 220 triệu euro, lĩnh vực năng lượng, các dự án về năng lượng chiếm tổng mức kinh phí khoảng 160 triệu euro.

Đại sứ quán Đức và GIZ cũng mong muốn có thể phối hợp và tham gia vào hỗ trợ sâu hơn về mặt chính sách, khuôn khổ pháp lý với Bộ Công Thương và các đơn vị triển khai liên quan để từ đó thực hiện đàm phán với nhiều đối tác phát triển, tìm hiểu hợp tác đầu tư Việt Nam-Đức và các tổ chức tài chính quốc tế.

Theo TTXVN

Các nước G7 hướng tới mục tiêu bỏ dần năng lượng hóa thạch

Lãnh đạo Nhóm bảy nền công nghiệp phát triển (G7) đã thống nhất được mục tiêu cắt giảm phát thải khí CO2 đi đôi với việc từ bỏ dần năng lượng hóa thạch.

ttxvn_andoonhiem

G7 ủng hộ mục tiêu cắt giảm so với năm 2010 khoảng 40-70% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới từ nay đến năm 2050. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kết quả này được đánh giá là một tiến bộ quan trọng trước thềm Hội nghị quốc tế về khí hậu COP 21 dự kiến diễn ra vào cuối năm nay tại Paris, Pháp.

Theo tuyên bố chung ngày 8/6 bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Bayern (Đức), G7 ủng hộ mục tiêu cắt giảm so với năm 2010 khoảng 40-70% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới từ nay đến năm 2050.

Bên cạnh đó, bảy cường quốc công nghiệp còn cam kết nỗ lực giữ nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 2 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp, cũng như huy động 100 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2020 nhằm hỗ trợ các sáng kiến giữ gìn khí hậu chung.

Bốn trong số bảy nước mong muốn đẩy mạnh hơn nữa các cam kết nỗ lực điều tiết lượng khí CO2 phát thải trong hoạt động kinh tế thế giới bằng cách chuyển đổi lĩnh vực năng lượng của mình từ nay đến năm 2050. Nói cách khác là giảm tối đa trong khả năng cho phép của mỗi nước việc sử dụng các loại năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt, đồng thời thay thế vào đó là các loại nhiên liệu có thể tái tạo.

Hiện các nước G7 (Mỹ, Canada, Nhật Bản, Pháp, Đức, Italy và Anh) chiếm 10% dân số thế giới, nhưng phát thải lượng khí CO2 bằng 1/4 của cả hành tinh. Chính vì vậy, những cam kết nói trên được giới chuyên gia đánh giá là một tiến bộ quan trọng.

Bà Jenifer Morgan, chuyên gia khí hậu của Viện nghiên cứu Tài nguyên Thế giới (World Ressources Institute), nhận định đây là một tuyên bố mang tính lịch sử, “báo hiệu kết thúc kỷ nguyên của các loại năng lượng hóa thạch” và là lần đầu tiên, lãnh đạo các nước G7 tìm được tiếng nói chung trong việc đặt mục tiêu vì một nền kinh tế phi carbon.

Mảng thảo luận về khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này được kỳ vọng như một tín hiệu tích cực trước Hội nghị COP 21 của Liên hợp quốc tại Paris vào tháng 12 tới. Hội nghị quốc tế về khí hậu này có nhiệm vụ xác định bước đi tiếp theo nhằm giới hạn nhiệt độ ấm lên trên toàn cầu./.

Theo TTXVN Việt Nam

Hà Lan nghiên cứu phát triển hệ thống sản xuất điện từ lúa nước

Các nhà khoa học Hà Lan cho biết họ đang phát triển một hệ thống mang tính cách mạng để một ngày nào đó có thể giúp các ngôi làng xa xôi hẻo lánh trên toàn thế giới tự sản xuất được điện sinh hoạt một cách ổn định từ các loại cây trồng dưới nước, chẳng hạn lúa nước.

Nhà khoa học Marjolein Helder bên công trình thử nghiệm của mình (Nguồn: AFP)

Nhà khoa học Marjolein Helder bên công trình thử nghiệm của mình (Nguồn: AFP)

Theo nhà khoa học Marjolein Helder, người đồng sáng lập cơ sở Plant-e tại thành phố Wageningen miền Đông Hà Lan – nơi chuyên tạo ra các sản phẩm sản sinh năng lượng từ các loài thực vật sống, hệ thống nói trên được phát triển dựa theo nguyên tắc tận dụng nguồn năng lượng hữu cơ dư thừa do thực vật tạo ra trong quá trình quang hợp.

Trong quá trình này, năng lượng được giải phóng qua rễ cây, các vi sinh vật hấp thụ nguồn năng lượng này và giải phóng các electron. Xác định được cơ chế này, các nhà khoa học đã đặt các điện cực carbon gần rễ cây để chúng kết hợp với các electron và tạo ra nguồn điện.

Tính năng của hệ thống trên vượt trội hơn hẳn so với năng lượng gió và năng lượng mặt trời bởi nó có thể liên tục tạo ra năng lượng kể cả vào ban đêm và kể cả khi không có gió. Tất cả những gì cần có để hệ thống này sản xuất được điện năng chỉ là một loài thực vật phát triển trong môi trường nước, chẳng hạn như cây đước mọc ở đầm lầy hay cây lúa nước…

Việc sản xuất điện chỉ chấm dứt nếu vùng nước đó trở nên khô hạn hoặc bị đóng băng. Tuy nhiên, chỉ cần được bổ sung nước hoặc đợi băng tan chảy, quá trình sản xuất điện năng sẽ được nối lại.

Cựu Bộ trưởng Môi trường Hà Lan Jacqueline Cramer nhận định mặc dù đây mới chỉ là bước khởi đầu và vẫn còn rất nhiều điều cần được phát triển, nhưng hệ thống nói trên có tiềm năng rất lớn.

Nếu được phát triển đúng hướng, hệ thống này có thể cung cấp điện năng cho các khu vực xa xôi hẻo lánh, thậm chí có thể lắp đặt tại các thành phố cũng như các vùng nông thôn, để cung cấp nguồn điện sạch.

Theo bà Cramer, việc tạo ra nguồn điện từ các loài thực vật không phải là phát hiện mới, song điều đặc biệt ở đây là hệ thống mà các nhà khoa học Hà Lan đang phát triển không gây hại cho cây trồng.

Theo TTXVN

Siết chặt quy hoạch, quản lý các khu công nghiệp

Các khu công nghiệp (KCN) đóng vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế đất nước, là động lực quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển các KCN đang nảy sinh một số bất cập, hạn chế như tỷ lệ lấp đầy các KCN ở nhiều địa phương còn thấp, ô nhiễm môi trường,… gây bức xúc cho người dân địa phương. Điều đó đặt ra vấn đề, cần rà soát kỹ hơn quy hoạch cũng như các dự án KCN để có thể sớm khắc phục bất cập, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, đầu tư tại các KCN hiện nay.

Bài 1: Những khu công nghiệp bỏ hoang

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH – ĐT), đến hết năm 2014, cả nước có 295 KCN được thành lập, nhưng chỉ 212 KCN đi vào hoạt động, 83 KCN vẫn đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng cơ bản. Tổng diện tích đất có thể cho thuê lên đến 56 nghìn ha, nhưng các KCN chỉ cho thuê vỏn vẹn 26 nghìn ha; còn tỷ lệ lấp đầy tại các KCN đã đi vào hoạt động mới đạt khoảng 65%.

Bờ xôi, ruộng mật để cỏ mọc

Năm 2007, Tập đoàn Compal (Đài Loan, Trung Quốc) được tỉnh Vĩnh Phúc chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) xây dựng nhà máy sản xuất máy tính xách tay, thiết bị hỗ trợ cá nhân kỹ thuật số và điện thoại di động tại KCN Bá Thiện (huyện Bình Xuyên). Đây là một dự án công nghiệp công nghệ thông tin có quy mô hoành tráng nhất trong khu vực thời bấy giờ, với mức đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 500 triệu USD, mỗi năm cho ra đời bốn triệu sản phẩm với doanh thu hàng tỷ USD và tạo việc làm cho hơn 30 nghìn lao động tại địa phương,… Tuy nhiên, khi đến khảo sát tận nơi, chúng tôi mới hiểu không như những gì mô tả trong dự án. Trên tổng diện tích 327 ha đất của KCN Bá Thiện được tỉnh Vĩnh Phúc tự bỏ tiền GPMB, nằm trơ trọi duy nhất một nhà máy của Compal với diện tích gần 100 ha (tính cả “sân vườn”), còn lại phần lớn là đất hoang, được người dân tận dụng để thả bò hoặc đổ rác thải xây dựng.

Vừa xua bò trên chính khu đất của KCN, cô Vũ Thị Trầm, ngụ tại thôn Vinh Tiến, xã Bá Hiến (huyện Bình Xuyên) nói với vẻ chán chường: Trước kia, đây là ruộng “bờ xôi ruộng mật”, từ khi Nhà nước thu hồi đất làm KCN, đất ruộng bị san phẳng rồi bỏ hoang, nông dân chúng tôi thấy xót xa lắm! Cũng theo cô Trầm, mất nghề nông, nhà cô cũng như nhiều gia đình khác đều trông mong thời điểm KCN đi vào hoạt động để thanh niên trong thôn có việc làm, kinh tế dịch vụ trong vùng phát triển, người dân nhờ đó ổn định cuộc sống. Ầy vậy mà nhà máy xây xong chỉ hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa, cứ như được dựng lên chỉ để… giữ đất. “Miệng ăn, núi lở, mấy chục triệu đồng tiền đền bù cũng đã hết sạch từ lâu mà chồng tôi còn bị đau ốm, nhà tôi ngày càng khó khăn. Bây giờ còn sức, tôi còn thả được bò hay đi làm thuê để kiếm sống, chứ nay mai già yếu thì không biết sống bằng cái gì?”, cô Trầm thở dài.

Theo kết quả khảo sát, tình trạng đất các KCN được đưa vào sử dụng đạt thấp so với quy hoạch là hiện tượng không chỉ xảy ra ở Vĩnh Phúc, mà còn ở hầu hết các địa phương. Tại Đồng Nai, một trong những địa phương có nhiều KCN nhất cả nước, mặc dù tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN đi vào hoạt động đạt mức khá cao (gần 76%), song tại một số nơi, nhất là các huyện miền núi, tỷ lệ lấp đầy rất thấp. Cụ thể, KCN Tân Phú (huyện Tân Phú) được thành lập cách đây hơn tám năm với quy mô 54 ha, trong đó 35 ha làm công nghiệp, nhưng đến nay mới chỉ cho thuê được hơn sáu ha (khoảng 18%). Người dân trong vùng cho biết, một ha đất sản xuất nông nghiệp ở đây đem lại thu nhập gần một trăm triệu đồng mỗi năm, nay bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, trong khi người dân không có đất để sản xuất, cuộc sống khó khăn thêm bội phần.

Tương tự, KCN Sông Mây giai đoạn 2 (huyện Trảng Bom) được thành lập từ năm 2007, quy mô 224 ha, đến nay chưa có một nhà máy nào mọc lên. Đáng nói, KCN Nhơn Trạch 6, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) với quy mô 315 ha nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư nào vào tìm hiểu, thuê đất để sản xuất, kinh doanh. Theo thống kê, riêng tại xã Long Thọ, có hơn một nghìn hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất làm các KCN.

Câu chuyện của cô Trầm ở Vĩnh Phúc, của những người dân ở Đồng Nai cũng chính là hoàn cảnh chung của nhiều gia đình nông dân nằm trong các dự án KCN bị thu hồi đất tại nhiều địa phương trên khắp cả nước đang trông chờ các KCN đi vào hoạt động để có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế nhiều hộ gia đình đã lâm vào cảnh “chạy ăn từng bữa”, hoặc rời bỏ quê hương lên thành phố mưu sinh, trong khi chính mảnh ruộng của mình bị bỏ hoang.

Ô nhiễm môi trường

Nhiều dự án KCN còn “ngắc ngoải” ngay từ đầu do gặp vướng mắc khâu GPMB và triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, điển hình như các dự án KCN Minh Quang, Vĩnh Khúc, Ngọc Long (Hưng Yên); các KCN Phú Mỹ 3, Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) hay KCN Đức Hòa III – Liên Thành và Đông Nam Á (Long An),… Trưởng ban Quản lư các KCN tỉnh Hưng Yên Phạm Thái Sơn chia sẻ: Các KCN Minh Quang, Vĩnh Khúc được thành lập và cấp GCNĐT trước năm 2009, nhưng do các quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất,… khiến chi phí bồi thường tăng cao so với thời điểm lập dự án, chủ đầu tư phải nghiên cứu, đánh giá lại dự án khiến thời gian kéo dài. Nhưng các dự án này phần lớn vẫn còn nằm trên giấy, vẫn là đất ruộng, nên không gây thiệt hại nhiều cho nông dân. Còn tại nhiều nơi khác, tình trạng GPMB theo kiểu “xôi đỗ” đang là nỗi bức xúc không chỉ của người dân địa phương, mà còn khiến chính chủ đầu tư các dự án “đau đầu”.

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3, Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, hiện dự án đã chậm tiến độ hai năm so với kế hoạch, nhưng không thể đẩy nhanh hơn vì vướng GPMB. Cụ thể, trong tổng số 999 ha đất của dự án, mới chỉ đền bù và thu hồi được hơn 688 ha. Phần diện tích đã đền bù không liền thửa cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc thi công san lấp mặt bằng, không thể giao thầu thi công các hạng mục kỹ thuật.

Khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương)  bị bỏ hoang. (Ảnh: Nhân Dân)

Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) bị bỏ hoang. (Ảnh: Nhân Dân)

Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường từ các KCN mới là tình trạng đáng báo động nhất, gây ra thiệt hại không nhỏ về kinh tế cũng như những hiểm họa khôn lường về sức khỏe cho người dân các địa phương có KCN. Theo báo cáo của Ban Quản lư các KCN tỉnh Đồng Nai, vấn đề giải quyết môi trường cho các KCN trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, nhất là KCN Biên Hòa 1 với quy mô 335 ha nằm dọc sông Đồng Nai. Hiện tại, trừ một số nhà đầu tư thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, còn rất nhiều nhà máy chưa quan tâm và chưa xử lư ô nhiễm triệt để, khiến tình trạng ô nhiễm do KCN Biên Hòa 1 gây ra hết sức nghiêm trọng, hàng loạt chỉ tiêu nước thải và khí thải xả vào môi trường tự nhiên vượt giới hạn cho phép hàng chục, hàng trăm lần. Theo thống kê, mỗi ngày, 97 DN đang hoạt động tại KCN Biên Hòa 1 xả ra hơn 9.000 m3nước thải; trong đó, chỉ có hơn 1.000 m3 nước thải được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lư, gần 8.000 m3 nước thải còn lại được DN tự xử lư, xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Nguồn nước sông Đồng Nai vì thế bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng việc cung cấp nước sạch cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Ngoài ra, số liệu quan trắc quốc gia tại KCN Biên Hòa 1 (gần Nhà máy Vicasa) cho thấy, nồng độ ô nhiễm bụi dao động từ 0,42 đến 0,55 mg/m3, trung bình 0,496 mg/m3, vượt tiêu chuẩn cho phép; nồng độ khí độc SO2, NO2, CO cũng ở mức “báo động đỏ”. KCN Biên Hòa 1 được hình thành đã khá lâu và được xem là KCN hình thành sớm nhất cả nước, do quy hoạch không đồng bộ, hệ thống hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, việc sửa chữa chỉ được thực hiện một cách chắp vá. Bên cạnh đó, trong KCN Biên Hòa 1 còn nhiều vấn đề như việc sắp xếp các nhà máy lộn xộn, việc sản xuất của nhà máy này ảnh hưởng sản phẩm của nhà máy khác, việc xả khí thải của các nhà máy sản xuất khiến một số nhà máy sử dụng nhiều lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Đơn cử, tại KCN Biên Hòa 1, nhà máy sữa nằm kế bên nhà máy sản xuất bình ắc-quy, nhà máy sản xuất đường hoạt động gần nhà máy sản xuất gạch, bê-tông và hóa chất,…

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ các KCN có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm khoảng 70%, nhiều KCN đi vào hoạt động chưa triển khai xây dựng hệ thống trạm xử lư cục bộ hoặc có nhưng không vận hành. Ước tính, khoảng 70% trong tổng số một triệu m3 nước thải mỗi ngày phát sinh từ các KCN đang được xả thẳng ra môi trường mà không qua bất kỳ một khâu xử lư nào.

Năm 2014, cả nước có năm KCN mới được thành lập với quy mô 655 ha, mở rộng bảy KCN với quy mô 1.007 ha, thu hồi giấy GCNĐT của hai KCN với quy mô 359 ha và chuyển đổi một KCN với quy mô 92 ha sang mô hình cụm công nghiệp. Tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN tăng thêm trong năm 2014 đạt 6.000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm 4.300 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối năm 2014, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,525 tỷ USD và 184.370 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư đã thực hiện các dự án đạt 2,022 tỷ USD và 79.217 tỷ đồng, tương ứng 57% và 43% tổng vốn đầu tư đã đăng ký.(Nguồn: Bộ KH – ĐT)

Năm 2014, cả nước khởi công xây dựng mới 14 nhà máy xử lý nước thải tập trung, hoàn thành và đưa vào hoạt động 32 nhà máy với tổng công suất tăng thêm 183 nghìn m3/ngày đêm so với năm 2013. Như vậy, đến hết năm 2014, đã có 177 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động, tổng công suất 728 nghìn m3/ngày đêm, 34 nhà máy đang trong quá trình xây dựng, công suất 116 nghìn m3/ngày. Trong khi đó, theo mục tiêu QH đề ra, đến hết năm 2015, 100% số KCN đang hoạt động sẽ có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tiêu chuẩn về môi trường.

(Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Theo Báo Nhân Dân