Xây dựng mô hình sản xuất sạch hơn ở làng nghề Đa Sỹ

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm tại làng nghề rèn Đa Sỹ, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC Hà Nội) đã hỗ trợ tư vấn và xây dựng mô hình thí điểm sản xuất sạch hơn cho cơ sở sản xuất Nguyễn Thị Huệ tại làng nghề bằng nguồn ngân sách của UBND thành phố.

1360720477303
Làng nghề rèn Đa Sỹ

Ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ cho biết, hiện nay làng có khoảng 4.000 lao động, với hơn 900 hộ hội viên. Trước đây, nghề rèn cơ khí chỉ là nghề phụ sau sản xuất nông nghiệp. Từ sau năm 2005, do ảnh hưởng bởi đô thị hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp phục vụ cho các dự án, nhiều gia đình không còn đất canh tác, việc làm không có, nghề rèn đã trở thành “cứu cánh” cho những lao động nông nhàn, không có bằng cấp. Nghề này đang đem lại nguồn thu nhập ổn định, bình quân mỗi hộ khoảng 8 -10 triệu đồng/tháng, hộ nào có búa máy thu nhập lên tới 15-20 triệu/tháng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và mở rộng hoạt động của làng nghề thì vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.

Trước thực trạng trên, năm 2014, ECC Hà Nội đã lựa chọn cơ sở sản xuất Nguyễn Thị Huệ để xây dựng mô hình thí điểm sản xuất sạch hơn. Sau khi khảo sát và đánh giá, đội ngũ cán bộ tư vấn đã đưa ra phương án đầu tư đổi mới công nghệ và cải tạo nhà xưởng nhằm tận dụng được ánh sáng tự nhiên và không gian sản xuất đảm bảo an toàn lao động. Tổng mức đầu tư của dự án là 380 triệu đồng, trong đó, 80 triệu đồng cho cải tạo nhà xưởng và 300 triệu cho máy móc, thiết bị (máy cắt phôi và búa máy). Ngân sách từ UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư cho đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị.

Theo ông Hoàng Minh Lâm, Phó Giám đốc ECC Hà Nội, đối với hạng mục cải tạo nhà xưởng, chúng tôi bố trí lại các hệ thống thiết bị, loại bỏ các thiết bị và vật dụng không cần thiết. Cải tạo lại hệ thống mái che, thay thế dần các bóng sợi đốt loại 100W bằng các bóng compact tiết kiệm điện loại 55W. Đồng thời, đầu tư mới hệ thống máy cắt phôi hiệu suất cao để thay thế máy cắt phôi bằng tay sử dụng sức lao động của con người để định hình sản phẩm. Nhờ đó, năng suất lao động được nâng lên, tối đa cắt được 1.200 phôi/giờ. Còn đối với hạng mục đầu tư hệ thống búa máy thay thế rèn thủ công, năng suất rèn đã đạt 600 phôi/giờ. Với hai hạng mục đầu tư thiết bị đã giúp cơ sở gia công được đa dạng các sản phẩm, chất lượng sản phẩm đồng đều, ổn định; giảm nhân công; giảm thiểu việc ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ cơ sở sản xuất cho biết, dự tính năm đầu tiên đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh phát huy được 50% công suất thiết kế, năm thứ 2 là 70% và từ năm thứ 3 trở đi được 100% công suất thiết kế.

Với thị trường tiêu thụ sẵn có, hiện sản lượng của cơ sở sản xuất đạt khoảng 50 tấn sản phẩm/năm, tổng doanh thu hàng năm đạt 1,685 tỷ đồng. Cũng theo bà Huệ, thông qua việc cải tạo nhà xưởng, đầu tư công nghệ, môi trường cơ sở sản xuất đã được cải thiện. Việc áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn tại cơ sở đã làm tăng hiệu quả của việc sử dụng nguyên liệu, năng lượng, cải thiện môi trường làm việc, giảm lượng chất thải ra môi trường. Còn đối với công nhân lao động trực tiếp, giải pháp không chỉ góp phần tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, cải thiện sức khỏe người lao động do giảm các công đoạn thủ công. Chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao, tỷ lệ sản phẩm lỗi hỏng hầu như không có, giúp cơ sở sản xuất giữ vững uy tín trên thị trường./.

Hà Nội hiện có 225 làng nghề với 6 loại hình sản xuất khác nhau (chủ yếu tập trung ở tỉnh Hà Tây trước đây). Nghiên cứu tại các làng nghề ở Hà Nội cho thấy, người dân ở đây thường bị nhiễm bệnh về hô hấp, bệnh ngoài da… môi trường sống bị suy thoái và ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Báo công thương (ven.vn)

 

Khung hướng dẫn Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Khung hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ mục tiêu đặt ra trong năm 2016 là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý, kinh tế phát triển bền vững. Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2016 như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trên 6,5% so với năm 2015; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10,3% so với 2015; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 3,3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31% GDP…

Với các mục tiêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn những nhiệm vụ định hướng phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu trong năm 2016.

Về phát triển kinh tế, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng thời thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao, phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng… Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đối với những mặt hàng không thiết yếu. Mở rộng thị trường, khai thác tốt những thị trường hiện có và những thị trường tiềm năng để xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao.

Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ phát triển thị trường tài chính, chính khoán để tăng khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Về phát triển xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ. Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng. Tập trung giảm nghèo bền vững.

Thực hiện các chính sách tạo việc làm gắn với phát triển thị trường lao động. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đồng thời cơ cấu lại lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Chủ động tích cực phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập và hình thức hợp tác công –tư. Chú trọng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền lợi của trẻ em, phát triển thanh niên.

Về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, khu công nghiệp. Kiên quyết xử lý các cơ sở sử dụng lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Khung hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hướng dẫn của Bộ Tài chính và điều kiện của bộ, ngành, địa phương mình, tiến hành xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2016, gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31/7/2015.

Trước ngày 20/11/2015, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 cho các bộ, ngành, địa phương.

Theo chinhphu.vn

Đan Mạch hỗ trợ 6,5 triệu USD cho các sáng kiến tiết kiệm năng lượng

Chiều 25/6, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) về việc hỗ trợ các sáng kiến sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực tư nhân.

266201515

 Thỏa thuận này nằm trong Chương trình hỗ trợ đầu tư tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam tới tổng kinh phí 6,5 triệu đô la Mỹ (USD). 

Theo cam kết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch, gốm sứ và thực phẩm có thể tiếp cận vốn vay từ 3 ngân hàng chỉ định nói trên, đồng thời có thể nhận được nguồn hỗ trợ tài chính tương đương 50% giá trị khoản vay thông qua bảo lãnh ngân hàng dành cho những dự án đầu tư về tiết kiệm năng lượng.

Điểm đặc biệt của cơ chế này là các doanh nghiệp có thể được hưởng những khoản trả thưởng từ 10% đến 30% tổng chi phí đầu tư dựa trên mức năng lượng tiết kiệm được.

Ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, Đan Mạch đã tài trợ cho Việt Nam gần 30 triệu USD để nâng cao việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và bền vững.

Thông qua Chương trình hỗ trợ đầu tư tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam, từ nay tới cuối năm 2016, có từ 100 đến 300 dự án sẽ được hưởng lợi từ chương trình này.

Đan Mạch và các công ty của Đan Mạch, vốn có nhiều thế mạnh, kiến thức và công nghệ Xanh tiên tiến, có thể giúp giải quyết những thách thức hiện tại của Việt Nam.

Với sự hỗ trợ của Đan Mạch, hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy các sáng kiến về sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực tư nhân, ông John nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Việt Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, những dự án nhận được sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ đầu tư tiết kiệm năng lượng sẽ cải thiện các tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng hiệu quả ở khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời cung cấp các bài học có giá trị về sáng kiến sử dụng năng lượng hiệu quả đối với các doanh nghiệp lớn, góp phần phát triển một nền kinh tế Xanh hơn ở Việt Nam.

Được biết, chương trình hỗ trợ sẽ kéo dài tới tháng 6/2017 và phía Ngân hàng ANZ được ủy quyền quản lý quỹ này từ phía Đan Mạch./.

Theo TTXVN/Vietnam +

Tiền Giang: Nhiều doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn

Xác định áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) là một trong những bước đi chiến lược cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cùng với cả nước, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã triển khai áp dụng SXSH và bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
 Tiền Giang: Nhiều doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã có nhiều giải pháp thực hiện sản xuất sạch hơn

Tính đến hết tháng 4/2015, toàn tỉnh Tiền Giang có 280 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, thực phẩm đồ uống, dệt may, da giày, kim loại, thức ăn chăn nuôi…. đây cũng là những ngành tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Để tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông về SXSH, đến nay, 12.000 tờ rơi được xây dựng và phát đến doanh nghiệp, 5 hội thảo với gần 400 đại biểu tham dự đã được tổ chức; đã có 7 khóa tập huấn kỹ thuật về SXSH cho gần 350 đại biểu tại các doanh nghiệp; 21 doanh nghiệp được đánh giá nhanh SXSH, 7 doanh nghiệp thực hiện đánh giá chi tiết về SXSH.

Ông Nguyễn Văn Công – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, Tiền Giang đã hỗ trợ hơn 260 triệu đồng thông qua nguồn quỹ khuyến công và một phần nguồn kinh phí của Sở Công Thương để hỗ trợ cho các hoạt động SXSH. Đặc biệt, năm 2014 Sở Công Thương cũng hỗ trợ cho chương trình Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững với số tiền 50 triệu đồng. Tính đến hết năm 2014, đã có 51,7% doanh nghiệp nhận thức SXSH, về đích 01 năm so với mục tiêu Chiến lược đặt ra, 17,9%/25% doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật SXSH; Tỷ lệ nguyên, nhiên, vật liệu đối với các cơ sở đã áp dụng SXSH là 3%; Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động SXSH là 17,9%, có 05 cán bộ của Sở Công Thương được đào tạo về SXSH”.

Tỉnh Tiền Giang đề ra mục tiêu, giai đoạn 2011-2015 có 50% số cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của SXSH, 25% doanh nghiệp áp dụng các giải pháp SXSH…

Cũng theo ông Công, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện giải pháp tái sử dụng nước góp phần giảm 30% lượng nước tiêu thụ như tại Công ty TNHH Đại Thành. Một số đơn vị áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng thay thế bóng đèn T8-ballast bằng bóng đèn tiết kiệm năng lượng compact T5 đồng thời, thay đổi sắp xếp lại quy trình sản xuất, đẩy mạnh sản xuất vào giờ thấp điểm, tránh giờ cao điểm, lắp các biến tần cho máy bơm nước… để tiết kiệm điện như: HTX Chế biến thức ăn chăn nuôi Bình Minh, Công ty TNHH XNK Thủy sản An Phát, Công ty CP Châu Âu, Công ty CP Nông thủy sản Việt Phú….

Đặc biệt, thông qua công tác tư vấn, đánh giá nhanh SXSH, các doanh nghiệp đã chủ động áp dụng những giải pháp quản lý nội vi và đầu tư nhỏ nhằm tiết kiệm điện, nước từ 3-5% như: Công ty CP vật tư nông nghiệp Tiền Giang, Công ty TNHH Trinity Việt Nam… Nhiều doanh nghiệp giảm được lượng điện, nước thải trong quá trình sản xuất từ 30-60% như: Công ty CP Dược phẩm Tipharco (tiết kiệm nước 28%, điện giảm 30%), Doanh nghiệp tư nhân SD nhờ đổi mới công nghệ đã rút ngắn thời gian sản xuất 10%, giảm 60% điện sử dụng cho các thiết bị chiếu sáng, giảm 50% lượng nước thải công nghiệp…./.

Theo Báo công thương (ven.vn)

Nông dân Tây Nguyên lãng phí 40% lượng nước tưới cây cà phê

Theo một nghiên cứu mới đây, ước tính trung bình nông dân sử dụng nhiều hơn 60% lượng nước cần để tưới cây trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới. Lĩnh vực này hiện đang thu hút 2,6 triệu người làm việc. Phần lớn diện tích trồng cà phê tập trung trên Tây Nguyên, nơi ngành nông nghiệp nói chung tiêu thụ đến 96% lượng nước cung cấp cho toàn khu vực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khai thác và sử dụng nước quá mức đang diễn biến mạnh mẽ, tình trạng khan hiếm nước đang dần trở nên một vấn đề bức thiết đối với nông dân, hộ gia đình và ngành sản xuất cà phê nói chung.

Theo các chuyên gia, nông dân trồng cà phê dùng trung bình 700 đến 1.000 lít nước để bơm tưới cho cây, trong khi lượng nước cần để cho ra sản lượng cà phê tương đương chỉ là một nửa con số trên, tương đương 300-400 lít.

Từ tháng 4/2015, dự án Sử dụng nước tưới hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam đã được triển khai, dự kiến sẽ hỗ trợ quản lý nước hiệu quả cho 50.000 nông dân trồng cà phê ở khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai,Kon Tum và Lâm Đồng, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước do thiên tai, biến đổi khí hậu và kỹ thuật canh tác, tưới tiêu kém hiệu quả. Dự án do tập đoàn Nestlé, Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ với tổng trị giá 2 triệu Euro, sẽ kéo dài trong vòng 5 năm đến năm 2019.

Bên cạnh dự án nước, người nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên còn được hỗ trợ cây giống cà phê sạch bệnh và tập huấn khoa học kỹ thuật, đạt được hiệu quả kinh tế cao và còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn nước.

Theo BizLIVE

Ưu tiên đầu tư năng lượng sạch

Việt Nam có thể tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài nhờ phát triển nguồn năng lượng xanh. Đó là khẳng định của rất nhiều đại biểu tham dự cuộc họp bàn về Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tổ chức.

8 tỷ USD/năm để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng

Ông Christoph Schill, Phó Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng xanh, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cho biết, nguồn cung ứng điện năng tại Việt Nam tăng gấp đôi sau mỗi 6 năm. Và để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng này, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần gần 8 tỷ USD/năm để đầu tư cho nguồn cung ứng. Điều đáng nói là cho đến nay, Việt Nam vẫn chỉ đang ưu tiên cho phát triển nguồn năng lượng giá thấp là thủy điện, than, mà chưa có chính sách đầu tư hiệu quả cho phát triển nguồn cung ứng năng lượng sạch. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng sạch để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng của quốc gia.

Đầu tư phát triển năng lượng sạch không chỉ giúp Việt Nam tận dụng lợi thế tự nhiên của mình mà còn giúp đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới. Thậm chí, trong trường hợp phải tăng giá bán năng lượng cũng không ảnh hưởng đến sự hấp dẫn đầu tư của các doanh nghiệp. Đó là kết quả nghiên cứu mới nhất do Ủy ban Tăng trưởng xanh (EuroCham GGSC) và Viện Quốc tế về phát triển bền vững thực hiện sau khi khảo sát, phỏng vấn 150 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp được lấy ý kiến khẳng định, khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam không dựa trên năng lượng giá rẻ. Giá năng lượng là yếu tố ít quan trọng nhất trong 10 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ tại Việt Nam. Các yếu tố quan trọng hơn đối với nhà đầu tư là chi phí, mức độ sẵn sàng của lao động có tay nghề, điều kiện thị trường nội địa và chính sách phát triển của Chính phủ. Khi được yêu cầu đánh giá tầm quan trọng của giá năng lượng trong quyết định đầu tư (với thang điểm tăng dần từ 1 đến 10), 72% các công ty tham gia cho điểm từ 5 trở xuống. Các nhà đầu tư nước ngoài không lo ngại lắm về việc giá năng lượng đang có xu hướng tăng dần. Điều này một phần có thể do các công ty nước ngoài tiêu tốn một chi phí tương đối không đáng kể cho điện. 90% công ty nước ngoài trong hầu hết các ngành chi ít hơn 10% trong tổng chi phí hoạt động cho điện. 60% công ty có chi phí cho điện thấp hơn 5%. Đa số các công ty tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng chịu được mức tăng giá điện hàng năm ở mức 15% hoặc hơn trước khi cân nhắc lại các ý định đầu tư trong tương lai, và trên 65% các công ty có thể chấp nhận được mức tăng giá điện 10% mỗi năm.

Cần hạn chế phát triển nguồn năng lượng từ thủy điện và than trong tương lai. (Ảnh: Cao Thăng)

Cần hạn chế phát triển nguồn năng lượng từ thủy điện và than trong tương lai. (Ảnh: Cao Thăng)

Chuyển hướng đầu tư sang năng lượng sạch

Kết quả nghiên cứu trên đã tạo nên khoảng không gian chính sách để Chính phủ Việt Nam quyết tâm hơn trong việc quy hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo và đưa ra mức giá năng lượng phù hợp mà không phải lo lắng rằng làm như vậy sẽ gây ra phản ứng ngược, bất lợi cho thu hút đầu tư quốc gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, cùng với việc chấp nhận chuyển đổi nguồn năng lượng sử dụng sang năng lượng sạch cộng với yếu tố gia tăng chi phí điện năng tiêu thụ thì Việt Nam cần hoàn thiện hơn chất lượng cung ứng điện năng. Điều này xuất phát từ thực tế có đến 65% các công ty cho biết họ cảm thấy không thỏa mãn với hạ tầng cung cấp năng lượng. 2/3 các công ty tiết lộ họ sử dụng hệ thống phát điện dự phòng của riêng mình. Ngoài ra, 73% các công ty cho rằng việc không có đủ độ tin cậy về khả năng cung cấp năng lượng là yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam hơn là yếu tố giá năng lượng theo thời gian.

Bên cạnh đó, ông Xavier Denoly, Chủ tịch Tập đoàn Schneider Electric Việt Nam, cho biết, Việt Nam cần có kế hoạch dài hạn hướng đến sử dụng năng lượng điện xanh hơn; khuyến khích các hình thức đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Quan trọng hơn là cần xây dựng một môi trường pháp lý cho sự phát triển trong tương lai của năng lượng tái tạo. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu nhấn mạnh, cộng đồng châu Âu không những là một trong các đối tác thương mại lớn của Việt Nam với tổng giá trị hàng hóa thương mại là 27,6 tỷ EUR, mà còn là một trong những nhà đầu tư lớn với 1.810 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Con số này được dự báo sẽ tăng nhanh hơn khi Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (FTA) ký kết.

Hiện Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (FTA) đang ở giai đoạn đàm phán cuối cùng. Việc ký kết hiệp định này dự kiến diễn ra trong năm 2016, ngoài việc góp phần tăng cường hợp tác và cơ hội tiếp cận thị trường cho các hàng hóa và đối tác Việt Nam tại châu Âu thì cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho các hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng sạch và tăng trưởng xanh. Vấn đề còn lại là Chính phủ Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý khuyến khích các hình thức đầu tư tư nhân và một môi trường pháp lý mới cho đầu tư rõ ràng hơn.

Theo Sài Gòn Giải Phóng