Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nhiên liệu sinh học

Các nhà khoa học đã kết luận rằng việc biến chất thải nông nghiệp thành nhiên liệu sinh học là hoàn toàn có thể và chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cả về mặt kinh tế. Nhóm nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng chất thải “ướt” vốn thường được xem là khó sử dụng, đồng thời cũng đã phát triển một quy trình khá đơn giản để vận chuyển chất thải và sản xuất điện năng từ chúng.

31020153

Chất thải nông nghiệp “khô”, chẳng hạn như mạt gỗ hay mùn cưa, rất dễ tái sử dụng để sản xuất năng lượng, trong khi những chất thải nông nghiệp dạng “ướt”, như vỏ ngô, dây leo cà chua và phân thường bị phân huỷ trước khi có thể sử dụng chúng vào việc này.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu do Giáo sư kỹ thuật Animesh Dutta, giám đốc Bio-Renewable Innovation Lab (BRIL) tại Đại học Guelph, tin rằng họ đã tìm thấy một giải pháp liên quan đến sử dụng áp suất để giải quyết vấn đề nêu trên. Quá trình này sẽ tạo ra những nguyên liệu nhỏ gọn, dễ vận chuyển, khó phân huỷ và có thể được sử dụng để phát điện.

 

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí “Applied Energy” và, theo giáo sư Dutta, trong điều kiện phòng thí nghiệm, chất thải nông nghiệp cũng có thể tạo ra một lượng điện năng tương đương với than đá với một lượng như nhau.

“Điều này cũng có nghĩa là chúng ta đang có sẵn một nguồn chất thải nông nghiệp khá phong phú để sản xuất điện với hiệu năng như than đốt, song không đòi hỏi bất cứ một khoản đầu tư đáng kể nào cho việc khởi nghiệp”, giáo sư Dutta nói. “Việc chúng tôi đang thực hiện là xử lý một nguồn chất thải nông nghiệp thuần âm mà người nông dân phải trả phí để vứt bỏ, đồng thời tạo cơ hội cho họ kiếm thêm tiền và góp phần bảo vệ môi trường. Đây là một vòng tuần hoàn kín, vì vậy, chúng ta không cần phải lo lắng về những chí phí phát sinh.”

Sử dụng thức ăn dư thừa và chất thải xanh “ướt” đã nhận được rất nhiều sự quan tâm ở châu Âu nhưng vẫn chưa được chứng minh là khả thi ở Bắc Mỹ, nơi nguồn cung than dồi dào hơn. Các kim loại kiềm và kiềm thổ có trong chất thải nông nghiệp, như silic, kali, natri và canxi, cũng có thể làm hỏng đường ống tại nhà máy điện trong quá trình cháy. Các nhiên liệu sinh học mới được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại BRIL chứa ít kim loại kiềm và kiềm thổ hơn, do đó cho phép chúng có thể được sử dụng trong các nhà máy điện.

Giáo sư Dutta nói rằng nhóm nghiên cứu của ông hiện đã có thể sản xuất một lượng điện năng nhỏ ở quy mô phòng thí nghiệm từ những nhiên liệu sinh học này và bước tiếp theo sẽ là đưa quá trình này phát triển ở bên ngoài phòng thí nghiệm – với sự quan tâm rộng rãi của các đối tác doanh nghiệp và cơ quan chính phủ.

Giáo sư Dutta tin rằng ngành nông nghiệp – thực phẩm giờ đây có thể tự phát triển nguồn cung cấp năng lượng cho chính mình. Những nồi áp suất lớn có thể được xây dựng bên trong hoặc gần các trang trại, tạo điều kiện cho họ có thể dễ dàng thực hiện việc chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành điện năng. Quá trình này có thể mất đến 5 – 7 năm phát triển phụ thuộc vào các nguồn tài trợ.

Anh Tuấn (Theo Renewable Energy Magazine)

Nguyên liệu nhựa thân thiện môi trường – công nghệ R3Plas

Thương hiệu công nghệ R3Plas đã chính thức xuất hiện tại Việt Nam – một thị trường rất giàu tiềm năng của dòng nguyên liệu nhựa thân thiện môi trường.

main19-products

Một số sản phẩm điển hình của công ty Winrigo (nguồn: winrigo.com.sg)

Ngày 31/3 vừa qua, hội thảo “Bao bì xanh – Hoạt động sản xuất theo xu hướng thân thiện môi trường” đã được tổ chức tại Trung tâm triển lãm SECC bởi các Hiệp hội của Singapore, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nội dung của hội thảo chia sẻ các thông tin hữu ích từ khâu lựa chọn nguyên vật liệu sản xuất, hoạt động sản xuất, đến hoạt động thiết kế và đóng gói sản phẩm nhằm cho ra đời các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng

Một doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực này là Công ty Winrigo (S) Pte Ltd Singapore với thương hiệu “R3Plas”. Winrigo (S) Pte Ltd vừa chính thức đón nhận giải thưởng giá trị “World Star Award 2015 – Phát kiến công nghệ trong lĩnh vực bao bì” do Tổ chức Bao bì quốc tế trao tặng nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc sản xuất nhiều dòng nguyên liệu nhựa sinh học.

Bên cạnh đó, công ty còn sở hữu nhiều chứng nhận, giải thưởng khác như “Singapore Green Label – Nhãn xanh Singapore”; “Asia Star Award”, “Sustainable Manufacturing – Sản xuất bền vững”…

Thương hiệu công nghệ R3Plas đã chính thức xuất hiện tại Việt Nam – một thị trường rất giàu tiềm năng của dòng nguyên liệu nhựa thân thiện môi trường.

Ông Đặng Hoàng Khánh, đã cùng hợp tác với công ty Winrigo nhằm phát triển thương hiệu R3Plas tại Việt Nam cho biết: “Rác thải từ các sản phẩm ngành nhựa đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng rác thải, là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Mặt khác, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ nhựa trong sản xuất, sinh hoạt là một nhu cầu thiết yếu của xã hội. Giải pháp theo công nghệ sinh học R3Plas góp phần nhằm giải quyết hiệu quả cho các yếu tố trên, do công nghệ này có thể ứng dụng rộng rãi cho các công nghệ sản xuất nhựa khác nhau như thổi màng, đùn tấm và ép khuôn mà không làm thay đổi máy móc, qui trình sản xuất của nhà máy”.

Công ty Winrigo phát triển công nghệ sinh học R3Plas gồm 3 dòng nguyên liệu:

– R3Plas – Nguyên liệu hạt nhựa tự huỷ sinh học: ứng dụng trong sản xuất sản phẩm bao bì nhựa màng đơn, màng ghép và những sản phẩm ép nhựa gia dụng khác.

– R3Plas – Nguyên liệu hạt nhựa bio-composite: dùng cho sản xuất các sản phẩm nhựa gia dụng có nguồn gốc từ thực vật như vỏ trấu, cà phê, gỗ, mía (PLA)…

– R3plas – Nguyên liệu hạt nhựa compound kĩ thuật cao như PP, PC, ABS, POM, PBT…

Thương hiệu R3Plas được công nhận bởi nhiều đơn vị sản xuất tại các quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hồng Kông, Nhật Bản. Trong buổi hội thảo này, Công ty Cổ phần Đại Đồng Tiến đã chính thức công bố sự ra đời của dòng “sản phẩm xanh” gồm các sản phẩm nhựa gia dụng có tính năng tự huỷ sinh học sau một thời gian sử dụng và các sản phẩm nhựa có nguồn gốc từ thực vật.

Đây là dòng sản phẩm mới hướng đến hoạt động sản xuất bền vững, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó là kì vọng giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thông qua sinh hoạt hàng ngày.

“Sản xuất, kinh doanh theo hướng thân thiện môi trường luôn là hoạt động được Nhà nước khuyến khích. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã có những chiến dịch, sắc lệnh nhằm hạn chế hoặc nghiêm cấm các sản phẩm bao bì nhựa thông thường, đồng thời khuyến khích các sản phẩm thân thiện môi trường.

Tại Việt Nam, thuế môi trường hiện cũng đã được áp dụng đối với bao bì túi nylon. Chương trình Nhãn xanh Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất theo hướng này. Theo xu hướng hội nhập kinh tế thế giới, các sản phẩm có Nhãn xanh Việt Nam sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước”, ông Đặng Hoàng Khánh cho biết thêm.

Theo moitruong.com.vn

EU chú trọng phát triển năng lượng đại dương

Ngày 16/4  Ủy ban châu Âu (EC) đã tổ chức Diễn đàn lần thứ 3 về năng lượng đại dương ở Brussels (Bỉ) nhằm hoàn thiện chính sách của Liên minh châu Âu (EU) cũng như thúc đẩy nỗ lực của các quốc gia thành viên trong phát triển năng lượng tái tạo, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu chiến lược của châu Âu đến năm 2020 và mục tiêu dài hạn của châu Âu giảm phát thải hiệu ứng nhà kính.
S6Windfarm (3)
Năng lượng đại dương (ảnh minh họa: wavestarenergy.com)
Theo bà Lowri Evans, Tổng vụ trưởng về các vấn đề biển và nghề cá thuộc EC, châu Âu đang hướng tới công nghệ mới về năng lượng đại dương bao gồm năng lượng sóng, thủy triều, độ mặn, khí tượng vật lý học, nhằm xây dựng một kế hoạch hành động để khai thác tiềm năng này.

Việc khai thác bền vững tiềm năng kinh tế của biển và đại dương là một yếu tố then chốt trong chính sách biển của EU. Mới đây, ngành năng lượng đại dương đã được EC coi là 1 trong 5 lĩnh vực phát triển kinh tế xanh nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho khu vực ven biển.

Ngoài ra, việc khai thác nguồn năng lượng đại dương còn giúp cho EU hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt hóa thạch sử dụng trong sản xuất điện và tăng cường an ninh năng lượng. Đây là một khía cạnh đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia EU và khu vực biển đảo, nơi nguồn năng lượng xanh góp phần đảm bảo việc tự chủ năng lượng, thay thế việc sản xuất điện với giá thành cao bằng các nhà máy điện diesel. Hiện nay mỗi năm, EU chi khoảng 500 tỷ euro cho năng lượng hóa thạch.

Ông Rémi Gruet, Giám đốc phụ trách chính sách và triển khai của Hiệp hội Năng lượng đại dương châu Âu (EOE) cho biết năng lượng xanh đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của EC để có thể tham gia vào Liên minh năng lượng mà EU sắp thành lập. Đặc biệt là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn ra phức tạp thì năng lượng đại dương sẵn có sẽ giúp châu Âu tránh sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Ukraine mà Nga có thể cắt bất kỳ lúc nào.

Ông Rémi Gruet cho rằng Việt Nam, với hơn 3.000 km bờ biển, rất thuận lợi để khai thác năng lượng đại dương. Với ưu điểm sẵn có và ổn định, nguồn năng lượng mới này sẽ giúp kinh tế của các vùng ven biển ở Việt Nam phát triển.

Diễn đàn năng lượng đại dương là một trong hàng loạt các sự kiện nhằm chuẩn bị cho những đóng góp của EU vào Hội nghị quốc tế về khí hậu sẽ diễn ra vào cuối năm nay tại Paris (Pháp).

Theo baodientu.chinhphu.vn

Ninh Thuận hút nhiều vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo

Tỉnh Ninh Thuận đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án điện gió có quy mô vốn đến 3.780 tỉ đồng, và đồng ý về nguyên tắc một dự án điện mặt trời trị giá đến 40.000 tỉ đồng.

Các doanh nghiệp cam kết đầu tư vào Ninh Thuận tại Hội nghị 

Cụ thể, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận diễn ra tại TPHCM ngày 25-3, Ninh Thuận đã cấp phép cho dự án xây dựng nhà máy điện gió Trung Nam do Công ty cổ phần điện gió Trung Nam làm chủ đầu tư. Dự án này sẽ được thực hiện tại xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc với vốn đăng ký lên đến 3.780 tỉ đồng.

Theo kế hoạch nhà đầu tư sẽ triển khai khởi công nhà máy vào tháng 6 tới và hoàn thành cả hai giai đoạn vào năm 2018 cho công suất phát điện 90MW.

Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh cũng “bật đèn xanh” cho Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Tân tiến hành dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời trên khu đất đến 600 héc ta tại ba huyện gồm Ninh Phước, Bác Ái và Ninh Sơn. Với công suất thiết kế lên đến 300 MW, nhà đầu tư cam kết sẽ đầu tư dự án này với số vốn là 40.000 tỉ đồng. Hiện dự án này đã được lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đồng ý về chủ trương đầu tư, và nhà đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm 2018.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh, mục tiêu của tỉnh là xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước (gồm điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời), phấn đấu đến năm 2020, giải quyết 5-8% nhu cầu năng lượng quốc gia. Trọng tâm của tỉnh là đầu tư xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân với công suất mỗi nhà máy 4.000 MW, đồng thời phát triển các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời ở các khu vực có tiềm năng theo quy hoạch, với quy mô 2.600 MW.

Đối với năng lượng gió, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5m/s, lý tưởng để phát triển điện gió. Đặc biệt, Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6m/giây, đảm bảo ổn định cho turbin gió phát điện.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận, không kể các dự án mới cam kết tại Hội nghị, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án điện gió với tổng công suất 654MW, tổng vốn đăng ký là 24.804 tỉ đồng. Trong số này có ba dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nhà đầu tư EAB và Vend Wind (Đức), Enfinity (Bỉ), và đã chấp thuận địa điểm cho 7 dự án khác với tổng công suất 431,4 MW.

Tuy nhiên việc triển khai đầu tư các dự án điện gió còn chậm do nhiều nhà đầu tư chờ đợi chính sách được tăng thêm giá mua điện gió nối lưới bởi theo họ giá điện gió hiện nay thấp không đủ bù vốn đầu tư.

Đối với năng lượng mặt trời, Ninh Thuận có số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước (7,7 giờ mỗi ngày), cường độ ánh sáng lớn, lượng bức xạ mặt trời trên 230 kcal/cm2, trở thành địa bàn tốt phát triển năng lượng mặt trời.

Đến nay, tỉnh cũng đã có chủ trương đồng ý cho liên doanh Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Terra Wood và Công ty Belectric Solar (Đức) triển khai thí điểm dự án điện mặt trời tại huyện Ninh Hải, có công suất khoảng 3 MW với vốn đầu tư khoảng 7 triệu đô la Mỹ.

Theo Thời báo KT Sài Gòn

10 thành phố xanh đáng sống nhất thế giới

Những thành phố xanh, sạch, đẹp này là thành quả của quá trình cải tạo và bảo vệ không gian xanh một cách nghiêm ngặt của chính quyền sở tại.

Báo cáo của Chỉ số Kinh tế Xanh Toàn cầu vào năm 2014 đã xếp hạng những thành phố xanh đáng sống nhất trên thế giới dựa trên việc phân tích các vấn đề biến đổi khí hậu, giao thông, đầu tư xanh và môi trường thủ đô.

1. Copenhagen, Đan Mạch

Theo Chỉ số Kinh tế Xanh Toàn cầu, thành phố xanh nhất thế giới là Copenhagen. Chính sách của thành phố đang đặt mục tiêu giảm lượng khí thải CO2 xuống 20% trước khi kết thúc năm 2015.

thành phố, cây xanh

Copenhagen có hệ thống giao thông công cộng quy mô lớn và người dân có thói quen đi xe đạp nhiều, tuy nhiên điều đó dường như vẫn chưa đủ với người dân ở thành phố yêu cây xanh này. Các kiến trúc sư vẫn tiếp tục lên chiến lược quy hoạch và lắp đặt mái nhà xanh cùng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, giúp cho thành phố này xanh sạch hơn nữa.

2. Amsterdam, Hà Lan

Tại Amsterdam, một thành phố khá nhỏ, việc di chuyển và tìm chỗ gửi xe hai bánh dễ dàng hơn rất nhiều so với xe bốn bánh. Đó là lý do mà ở thành phố này, số lượng xe đạp còn nhiều hơn số đầu người.

thành phố, cây xanh

Điều đó giúp cho thành phố xanh này có môi trường rất trong lành. Tuy nhiên, các nhà quy hoạch thành phố vẫn không ngừng tìm kiếm các sáng kiến xanh để giúp cho Amsterdam giảm thiểu ô nhiễm hơn nữa và trở thành một thành phố đáng sống trên thế giới.

3. Stockholm, Thụy Điển

Stockholm là thành phố châu Âu đầu tiên thắng giải thưởng Thủ đô Xanh vào năm 2010 nhờ sự đổi mới và thân thiện với môi trường. Kể từ năm 1990, thành phố này đã giảm được lượng khí thải xuống 25% và dự kiến sẽ chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050.

thành phố, cây xanh

4. Vancouver, Canada

Vancouver là thành phố có chi phí nhà ở cao nhất ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, điều đó được cho là xứng đáng khi đây là thành phố có hiệu xuất năng lượng cao nhất hành tinh, với 93% điện năng sử dụng trong thành phố được tạo ra từ nguồn tài nguyên bền vững.

thành phố, cây xanh

Vancouver đang lên kế hoạch sẽ vượt qua Copenhagen để đứng đầu trong bảng bình chọn thành phố xanh vào năm 2020 với một kế hoạch đầy tham vọng là làm tăng không gian xanh và giảm chất thải.

5. London, Anh

Mặc dù nổi tiếng là thành phố sương mù, nhưng London vẫn là một thành phố xanh sạch đẹp. London đang cố gắng xóa bỏ hình ảnh công nghiệp hóa của mình bằng cách tăng thêm số lượng “công viên bỏ túi” trong các khu vực bên trong thành phố, đồng thời xây dựng hệ thống vườn treo trên sân thượng. London cũng là một thành phố chuộng xe đạp và có hệ thống giao thông công cộng thuận tiện.

thành phố, cây xanh

6. Berlin, Đức

Berlin là một thành phố phát triển mạnh nhưng vẫn giữ được môi trường xanh. Thành phố này có đến 1/3 diện tích là rừng, công viên, không gian xanh, sông và hồ.

thành phố, cây xanh

7. New York, Mỹ

New York là thành phố xanh nhất của nước Mỹ. Lượng khí thải nhà kính tại thành phố này được xem là khá thấp so với diện tích thành phố. Đồng thời, New York cũng phát triển một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Các sáng kiến về việc xây dựng vườn treo trên sân thượng và bảo vệ trên 28.000 ha đất công viên trong thành phố cũng góp phần không nhỏ vào thành quả xây dựng môi trường xanh của thành phố.

thành phố, cây xanh

8. Singapore

Chính phủ Singapore khởi xướng chiến dịch Singapore Xanh và Sạch cách đây hơn 2 thập kỷ và vẫn đang tiếp tục. Thành phố Singapore đã thực hiện chính sách tái chế toàn bộ nước thải, cung cấp hệ thống giao thông công cộng đáng tin cậy, đồng thời trồng 54 ha “siêu cây” để cung cấp bóng mát, nơi trú ẩn cho động vật và không gian xanh.

thành phố, cây xanh

“Siêu cây” được tạo nên từ bộ khung kim loại, sau đó người ta trồng những loại dây leo từ chân lên đến đỉnh. Chính quyền Singapore hy vọng những cây xanh này sẽ trở thành biểu tượng cho nỗ lực tạo nên sự cân bằng tự nhiên và tuyên truyền cho mọi người về sự quan trọng của việc giữ gìn môi trường.

9. Helsinki, Phần Lan

Thành phố Helsinki bắt đầu chương trình xây dựng thành phố xanh từ những năm 1950, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng hệ thống giao thông công cộng và xe đạp. Cho đến nay, Helsinki đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn với những con đường trải thảm, những phương tiện giao thông thân thiện với môi trường và bầu không khí trong lành.

thành phố, cây xanh

10. Oslo, Na Uy

2/3 diện tích thành phố Oslo là rừng, đất nông nghiệp và sông ngòi. Thậm chí hệ thống sưởi trong thành phố cũng là thân thiện với môi trường, với 80% đến từ nguồn năng lượng tái tạo. Để có được ngày hôm nay, chính quyền thành phố Oslo từ lâu đã có những quy định rất chặt chẽ về việc bảo vệ không gian xanh trong thành phố.

thành phố, cây xanh

Theo Trí Thức Trẻ

 

Đầu tư năng lượng xanh toàn cầu tăng lên 270 tỷ USD năm 2014

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) được công bố ngày 31/3, đầu tư toàn cầu về năng lượng tái tạo đã phục hồi và tăng mạnh lên tới 270 tỷ USD trong năm qua sau hai năm suy giảm.

ttxvn_PinMattroi2
Các tấm gương hấp thụ năng lượng mặt trời tại nhà máy điện Horus, Guatemala. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việc mở rộng lắp đặt thiết bị thu năng lượng Mặt Trời ở Trung Quốc và Nhật Bản cùng với các khoản đầu tư kỷ lục trong dự án điện gió ngoài khơi ở châu Âu đã giúp thúc đẩy đầu tư toàn cầu trong năm 2014, tăng 17% so với con số 232 tỷ USD trong năm 2013.

Đây là mức tăng đầu tiên tính theo năm trong việc cam kết và đầu tư vào năng lượng tái tạo (không tính các dự án thủy điện lớn) trong ba năm qua.

Trên toàn thế giới, công suất lắp đặt thêm trong năm 2014 là 103 GW, so với 86 GW năm 2013, 89 GW năm 2012 và 81 GW năm 2011.

Việc giảm mạnh chi phí công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, cũng là yếu tố góp phần gia tăng công suất.

Ông Achim Steiner, Phó Tổng thư ký LHQ kiêm Giám đốc điều hành UNEP cho biết một lần nữa vào năm 2014, năng lượng tái tạo chiếm gần một nửa công suất điện lưới lắp đặt thêm trên toàn thế giới.

Công nghệ năng lượng thân thiện với môi trường hiện là một thành phần không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng toàn cầu và tầm quan trọng của nó sẽ gia tăng khi thị trường trưởng thành, giá cả công nghệ tiếp tục giảm và sự cần thiết hạn chế lượng khí thải có carbon ngày càng trở nên cấp bách hơn.

Sự thâm nhập ngày càng tăng của việc phát triển năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới là một trong những khía cạnh quan trọng và đáng khích lệ trong báo cáo “Xu hướng đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu” của UNEP.

Trong năm 2014, đầu tư vào năng lượng tái tạo của các thị trường mới ở các nước đang phát triển đã gia tăng nhanh chóng với mức tăng 36% lên 131,3 tỷ USD.

Trung Quốc với 83,3 tỷ USD, Brazil (7,6 tỷ USD), Ấn Độ (7,4 tỷ USD) và Nam Phi (5,5 tỷ USD) đều nằm trong nhóm 10 nước đầu tư hàng đầu, trong khi hơn 1 tỷ USD đã được đầu tư ở Indonesia, Chile, Mexico, Kenya và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngược lại, tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế phát triển chỉ tăng 3% lên 138,9 tỷ USD. Thậm chí tính cả việc phát triển mạnh lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi thì các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo ở châu Âu hầu như không thay đổi ở mức 57,5 tỷ USD.

Báo cáo UNEP nhấn mạnh, mặc dù 2014 là một năm bước ngoặt cho năng lượng tái tạo sau hai năm sụt giảm, song vẫn còn nhiều thách thức dưới các hình thức như sự bất ổn chính sách, các vấn đề về cơ cấu trong hệ thống điện – vì chính bản chất của việc phát triển năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời vẫn phụ thuộc vào sức gió và ánh sáng Mặt Trời. Đấy là còn chưa kể đến các thách thức liên quan đến những biến động của giá dầu thô thế giới./.

Theo Vietnamplus.vn