Hành lang pháp lý cho tín dụng xanh

Dường như các tổ chức tín dụng nằm hơi xa vấn đề bảo đảm môi trường trong các dự án. Tuy nhiên, nếu đó là một cơ chế ràng buộc với điều kiện cơ bản trong quyết định cho hay không cho vay vốn thì chắc chắn môi trường sẽ trở thành vấn đề quan tâm của các nhà đầu tư. Đó cũng là cách hiểu đơn giản nhất về tín dụng xanh. Ở Việt Nam, hành lang pháp lý cho tín dụng xanh đã có hay chưa? Và, tín dụng xanh đã phát huy như thế nào với vấn đề phát triển và môi trường?

GCTF-tin dung xanh

  Nguồn: tindungxanh.tk

Chưa quy định

Pháp luật hiện hành chưa có một quy định hay hướng dẫn nào đối với việc các ngân hàng phải cân nhắc đến những rủi ro về môi trường và an sinh xã hội trước khi cấp tín dụng. Văn bản pháp lý cao nhất quy định về các hoạt động bảo đảm an toàn môi trường là Luật Bảo vệ môi trường với nguyên tắc xuyên suốt là “bảo vệ môi trường gắn hài hòa với phát triển kinh tế” và “bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân”.

Tuy nhiên, luật này cũng chỉ tập trung làm rõ trách nhiệm của khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các ngành nghề quan trọng (Điều 35 – 49), ngoài ra không nhắc đến trách nhiệm của ngành tài chính, ngân hàng. Các chế tài về xử lý ô nhiễm quy định trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như trong Bộ luật Hình sự – phần quy định về tội phạm môi trường – cũng chỉ áp dụng với các tổ chức, cá nhân trực tiếp gây ô nhiễm.

Trong khi đó, những công cụ chủ yếu để bảo đảm an toàn môi trường là đánh giá tác động môi trường (dự án), đánh giá tác động môi trường chiến lược và cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện, phê duyệt và theo dõi các đánh giá/cam kết này còn nhiều vấn đề phải bàn thêm về tính hiệu quả của nó. Việc đánh giá tác động môi trường chỉ được xem như một việc cần làm để xin giấy phép hoạt động cho dự án thay vì một bước tính toán, cân nhắc về những tác động đến môi trường, xã hội và cách giảm thiểu, khắc phục.

Trách nhiệm của ngành ngân hàng trong việc giúp cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường dường như chưa được quan tâm nhiều, mặc dù họ đóng một vai trò quan trọng trong việc điều tiết và cấp vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trong khi Ngân hàng Nhà nước có vai trò quản lý chung, các ngân hàng thương mại có quyền quyết định sẽ cho và không cho những dự án nào vay vốn theo tiêu chí riêng của mỗi ngân hàng.

Do đó, nếu các ngân hàng có những yêu cầu nhất định đối với các dự án vay vốn khi thực hiện phải bảo đảm những quy định về môi trường và an sinh xã hội thì sẽ góp phần hạn chế các dự án gây ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến người dân và khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh sạch, an toàn hơn.

Đã có hệ thống quản lý rủi ro

Tín dụng xanh chỉ những khoản tín dụng mà ngân hàng cấp phát cho các dự án sản xuất kinh doanh không gây rủi ro hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường – xã hội.

Thực tế, một số tổ chức tài chính quốc tế hoạt động tại Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc nhận tài trợ của họ phải tuân theo. Các tổ chức này cũng chịu nhiều áp lực hơn các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện trách nhiệm của họ đối với môi trường và xã hội. Chẳng hạn, ADB đã từng bị Mạng lưới sông ngòi Việt Nam gây sức ép trong việc tài trợ cho dự án thủy điện Sông Bung 4 vì không bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội.

Theo khảo sát của Công ty Kiểm toán và Tư vấn tài chính quốc tế (IFC) – 2012, hiện có 3 ngân hàng thương mại Việt Nam có hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội, trong đó có hai ngân hàng sử dụng bộ tiêu chuẩn của IFC (Techcombank, Vietinbank), một ngân hàng (Sacombank) có tham khảo bộ tiêu chuẩn này nhưng cũng xây dựng chính sách riêng của mình.

Một nghiên cứu độc lập của Tổ chức PanNature (Trung tâm Con người và Thiên nhiên) trên 19 ngân hàng thương mại lớn nhất hiện nay cho thấy, các cán bộ ngân hàng chưa thực sự quan tâm đến các rủi ro về môi trường, xã hội khi thẩm định dự án. Theo đó, hầu hết các cán bộ tín dụng chỉ kiểm tra trong hồ sơ xin vay vốn xem có bản đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hay chưa, một số kiểm tra thêm công nghệ xả thải và kế hoạch di dân.

Hiện, các kênh về tín dụng xanh chủ yếu được tiếp cận qua Quỹ ủy thác tín dụng xanh (GCTF) do Chính phủ Thụy Sỹ (SECO) thành lập tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các công nghệ sản xuất có hiệu suất cao và thân thiện với môi trường. Quỹ được vận hành có sự phối hợp của cơ quan tài trợ SECO, Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam và các ngân hàng ACB, Techcombank và VIB. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được bảo lãnh tín dụng (50%) và hoàn trả một phần (tới 25%) vốn vay ngân hàng để đầu tư cho công nghệ thân thiện với môi trường tùy theo tác động cải thiện môi trường của công nghệ đó.

GCTF logo - 360-1030

Th.s Nguyễn Hồng Anh, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đề xuất, cần sớm có chính sách tín dụng xanh. Theo đó, ngoài những hướng dẫn và quy định chi tiết về trách nhiệm là các yêu cầu đối với ngân hàng trong việc cấp phát tín dụng, không nêu những nguyên tắc quá chung chung. Đồng thời, ngành ngân hàng cần phối hợp với các bộ, ngành xây dựng một hệ thống phân loại, đánh giá các ngành nghề và cơ sở gây ô nhiễm để từ đó các ngân hàng cũng có cơ sở để đánh giá khi thẩm định tín dụng và ra quyết định cấp tín dụng.

Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có quy định về trách nhiệm đối với môi trường không chỉ của doanh nghiệp gây ô nhiễm mà còn của các bên liên quan khác, trong đó bao gồm các ngân hàng cho vay vốn cho công trình, dự án gây ô nhiễm. Bên cạnh những nỗ lực của các quốc gia trong việc bảo vệ môi trường, thì Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng có Sáng kiến của Chương trình môi trường LHQ, Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm của LHQ… Đây đều là những cam kết quan trọng trong việc xác định trách nhiệm liên đới của các tổ chức tín dụng trước sự cố môi trường và sẽ là những nguyên tắc Việt Nam có thể tham khảo. Được biết, hiện những vấn đề pháp lý liên quan đến tín dụng xanh (bảo đảm an toàn môi trường, xã hội trong các hoạt động tín dụng) đang được các cơ quan chức năng tiến hành soạn thảo.

Theo Đại biểu nhân dân

Khởi động dự án Sống xanh – Việt Nam

Sống xanh Việt Nam: Thúc đẩy tiêu dùng bền vững

Sáng 7/11, Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AIT-VN) và Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã chính thức khởi động dự án “Sống xanh Việt Nam”.

GetGreen Vietnam - 260-185px

“Sống xanh Việt Nam” (Get Green Vietnam) là dự án về thúc đẩy tiêu dùng bền vững do chương trình SWITCH-Asia của Liên minh châu Âu tài trợ với tổng ngân sách lên đến 1,4 triệu Euro (37,5 tỷ đồng). 

Dự án do Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan), Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam và Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam phối hợp thực hiện. Dự án kéo dài trong ba năm từ 2012-2015 và được triển khai tại sáu đô thị lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang và Cần Thơ. 

Mục tiêu của dự án là thành lập hàng trăm câu lạc bộ tiêu dùng bền vững và xây dựng mạng lưới 1.000 người tiêu dùng thông thái để phổ biến phong cách sống và làm việc bền vững trong cộng đồng.

“Dự án ‘Sống xanh Việt Nam’ mong muốn tạo ra một mô hình để chỉ cho người tiêu dùng thấy rằng sống bền vững là có thể, và thậm chí không hề khó. Chúng tôi không ảo tưởng rằng chỉ qua ba năm có thể thay đổi hành vi tiêu dùng của hàng triệu người Việt Nam nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ có ít nhất 1.000 người trở thành những ‘hạt giống thay đổi’, là những ví dụ sống động cho nhiều người khác làm theo” PGS.TS Trần Văn Nhân, Giám đốc VNCPC nói.

Tại buổi lễ, Bà Berenice Muraille, Cố vấn Phát triển của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã nhấn mạnh: “EU đã không ngừng thúc đẩy các sáng kiến về sản xuất và tiêu dùng bền vững, những yếu tố quan trọng của một nền kinh tế xanh tại châu Á. ‘Sống xanh Việt Nam’ đã thúc đẩy những phương pháp sản xuất hiệu quả và nâng cao thói quen tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.” 

Tiến sĩ Marcel Crul, đại diện Đại học Công nghệ Delft cho biết: “Đây là dự án đầu tiên thiết lập cầu nối giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, để hai bên cùng nhau cải tiến sản phẩm, tạo ra những sản phẩm bền vững hơn. Chúng tôi gọi đây là phương pháp đồng sáng tạo”.

Không những khuyến khích thói quen tiêu dùng bền vững của người Việt, “Sống xanh Việt Nam” còn hướng đến nâng cao năng lực của các cơ quan nhà nước và các hội người tiêu dùng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy tiêu dùng bền vững./.

Theo Vietnamplus.vn

Xu hướng logistics xanh

Đã có hàng loạt những công bố từ những công ty logistics hàng đầu thế giới rằng công ty của họ là những doanh nghiệp (DN) xanh.

Metrobus, một hệ thống xe buýt nhanh (Bus Rapid Transit – BRT) hoạt động ở trung tâm thủ đô Mexico City, Mexico, mỗi ngày chuyên chở khoảng 450.000 hành khách. Năm 2010, EMBARQ, một tổ chức phi chính phủ chuyên giải quyết các vấn đề của đô thị, đã hướng dẫn cho Metrobus bằng cách nào để thanh toán 114.000 tấn khí CO gây ô nhiễm không khí. Với một tài trợ 500.000 USD và được công ty logistics khổng lồ FedEx tư vấn, EMBARQ đã giúp hệ thống Metrobus mở rộng, thậm chí phát triển một cách hiệu quả. FedEx đã sử dụng kinh nghiệm quản lý chu kỳ hoạt động của các phương tiện vận tải để giúp các quan chức ngành giao thông vận tải ở Mexico City quản lý tốt hơn đội ngũ xe buýt của họ.

Đó chỉ là một trong những cách mà FedEx đang làm để giải quyết các vấn đề về môi trường xảy ra ở những nước mà họ đang hoạt động. Những nỗ lực lâu dài khác nhằm vào chính các hoạt động của FedEx.

FedEx gần đây vừa mới xuất bản báo cáo Cập nhật Công dân Toàn cầu 2010 (2010 Global Citizenship Update) cho thấy những nỗ lực đầu tư liên tục và những thông lệ kinh doanh hiệu quả của họ trong việc sử dụng đội bay Boeing 777F vốn tiết kiệm nhiên liệu hơn hay các xe hoạt động bằng điện nhằm giảm thiểu việc thải khí CO.

Báo cáo của FedEx cũng cho thấy những thành quả khác của họ, gồm cả việc tăng nhận thức về môi trường bằng các tái chế và khuyến khích thói quen sử dụng xe tiết kiệm nhiên liệu. Một trong những chương trình đó là Eco-Driving, thiết kế để giảm thiểu tác động của xe cộ đối với môi trường. Các tài xế của FedEx được hướng dẫn những cách thức để làm giảm thiểu việc thải khí CO vào môi trường bằng các cách như lên ga nhẹ nhàng, lái với tốc độ ổn định và giảm thời gian chạy không tải.

Jeremy Goldstritch, Giám đốc Điều hành của các hoạt động đường bộ của FedEx ở Nhật, nơi chương trình Eco-Driving thực hiện đầu tiên, đã ghi nhận trong báo cáo này: “Sử dụng nhiên liệu là bản chất của DN. Nếu bạn nhận thức được phải làm gì đó với môi trường và rồi hành động từ cấp độ đầu tiên đến cấp độ quản lý, bạn sẽ làm được một sự thay đổi cực lớn”.

Tương tự, công ty UPS, một công ty logistics của Mỹ cũng có những quan tâm đến môi trường nhưng theo một cách khác.

Các công ty cần hoặc muốn giảm tổng lượng khí thải carbon có thể đầu tư vào một dự án tên tuổi “đền bù” (carbon offset)(**) đâu đó. Tương tự, UPS mua một chương trình như vậy từ công ty Carbon Neutral.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Để trở thành một ví dụ điển hình cho việc giảm khí thải carbon, UPS cũng vừa công bố kế hoạch của họ trong việc giúp cho ban nhạc rock The Dave Mathews một chuyến lưu diễn thân thiện với môi trường trong mùa hè năm 2010.

UPS đã tiến hành một tiến trình gồm 3 bước đầy tính “logistics”. Họ đã tính toán giải pháp chuyên chở một sân khấu khổng lồ, toàn bộ thiết bị ánh sáng và các trang thiết bị khác; đo lường lượng toàn bộ lượng khí thải carbon trong từng giai đoạn; và sau đó mua chương trình “đền bù” cho lượng khí thải carbon trong quá trình chuyên chở.

UPS cũng luôn quan tâm đến những gói chương trình phát triển bền vững(***) như là chiến lược của họ. Để giúp nâng cao nhận thức về nhu cầu này, UPS đưa ra chương trình Eco Responsible Packaging, chương trình nhìn nhận các nỗ lực phát triển bền vững từ các khách hàng bằng cách gắn logo của chương trình này cho những lô hàng đạt chuẩn.

Công ty DHL với trụ sở chính ở Đức, một trong những DN hàng đầu của ngành logistics, cũng tham gia vào phong trào logistics xanh này. Với dịch vụ Go Green, công ty cung cấp một tùy chọn cho việc vận tải. Lượng khí CO thải ra từ quá trình vận chuyển sẽ được đền bù bằng các dự án bảo vệ khí hậu như dự án xây dựng một nhà máy phong điện ở Phật Sơn, Trung Quốc. Những đối tác lựa chọn dịch vụ này sẽ có giấy chứng nhận Go Green được gắn trên các lô hàng của họ.

Mới đây DHL đã giới thiệu một dịch vụ mới gọi là Go Green Carbon Dashboard, cho phép khách hàng từ máy tính của họ theo dõi lượng khí carbon thải ra với từng loại hình chuyên chở khác nhau. Dịch vụ này sử dụng một phần mềm do DHL cung cấp tính toán lượng khí thải carbon cho từng lô hàng của họ – những thông tin họ có thể sử dụng để tối ưu hóa chuỗi cung ứng của họ cũng như đạt được mục tiêu là giảm lượng khí thải carbon.

Một cải tiến cũng được DHL áp dụng là chương trình Smart Trucks, lựa chọn đường đi ngắn nhất và nhanh nhất cho các tài xế dự trên các kỹ thuật nhận hàng và giao hàng thông minh. Có thể giảm đến 15% tổng khí thải bằng cách giảm quãng đường di chuyển. Chương trình này đang được áp dụng ở những thị trường mới như Ấn Độ, một thị trường rất đông dân cư và cũng gây “nhức đầu” với những vụ kẹt xe ngày càng tăng.

Những động thái ban đầu của các DN cho một ngành logistics xanh cũng đồng hành với nhận thức ngày càng tăng về những gì có thể tác động lên môi trường khi vận chuyển hàng hóa từ nơi này sang nơi khác.

Trong một cuộc phỏng vấn bằng email với tạp chí mạng Eco-Business, ông Paul Graham, CEO của chuỗi cung ứng DHL ở châu – Á Thái Bình Dương cho biết khách hàng khắp nơi trên thế giới bắt đầu nhận ra sự quan trọng của một ngành logistics xanh và việc có lợi về chi phí về lâu dài. Trong một nền kinh tế, ngành logistics sẽ là đầu tàu trong việc giảm thiểu khí carbon.

Theo một bảng thăm dò ý kiến từ DHL, có khoảng 63% các DN khách hàng xem lĩnh vực vận tải là nơi chính để giảm thiểu lượng khí thải carbon. Hơn 2/3 trong số hoặc hoặc đang theo đuổi những chương trình giảm thiểu khí thải hoặc đang có dự định làm chuyện đó.

Ô. Graham cũng đề cập đến Trung tâm chuỗi cung ứng bền vững (Sustainable Supply Chain Centre) vùng châu Á – Thái Bình Dương được thành lập năm vừa rồi do DHL và Viện Logistics châu Á – Thái Bình Dương ở Singapore như là một ví dụ cho sự quan tâm đến sự phát triển bền vững của ngành logistics trong vùng châu Á.

Nhưng, ông nói, những bước khởi đầu trong việc phát triển bền vững của ngành logistics đã mất đi phần nào động lực do hậu quả của suy thoái kinh tế và sự bất ổn định của nhiên liệu hóa thạch và nguyên liệu thay thế.

Giám đốc Điều hành của Viện Logistics và Chuỗi cung ứng (Supply Chain& Logistics Institute) ở Georgia, Mỹ – Giáo sư Donald Ratliff – cũng đồng ý sự phát triển bền vững của ngành logistics cũng phụ thuộc nhiều giá cả. Ông nói việc sử dụng ít xăng dầu dẫn đến giảm chi phí và giảm việc thải khí carbon vào môi trường là thắng lợi của chính công ty đó và thắng lợi về phía môi trường. Việc phát triển bền vững dưới áp lực của chi phí sẽ là một thách thức.

——————————-
(*) Chen He: nữ phóng viên trẻ của Tạp chí mạng Eco-Business.

(**) Khái niệm cơ bản của carbon offset là ước tính lượng khí thải carbon từ các hoạt động của DN như vận tải, gọi là tổng lượng khí thải (carbon footprint), và sau đó có thể cân bằng bằng cách tham gia vào các quỹ đầu tư tạo ra nguyên liệu “sạch” – ví dụ như phong điện – như một hoạt động để ‘đền bù’ cho lượng khí thải carbon vào môi trường.

(***) Khái niệm phát triển bền vững (sustainable development) được xem là một khuynh hướng của thế kỷ 21. Các chuỗi cung ứng cũng theo khuynh hướng đó với các mục tiêu thân thiện với môi trường như giảm lượng khí thải, tiết kiệm năng lượng.

Theo Vlr.vn 

 

 

Sản xuất sạch hơn – Khoa học và ứng dụng