Xây dựng nền kinh tế xanh ở Việt Nam

Chuyển đổi phương thức phát triển, hướng tới xây dựng “Nền Kinh tế Xanh” là hướng tiếp cận mới, tuy nhiên xét về dài hạn đây là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu.

b9581337a2c927c0b1944d768848784d-slide-greenurban

Hình minh họa: nguoiduatin.vn

Để phát triển hướng tới nền Kinh tế Xanh, Việt Nam có những cơ hội và thách thức sau:

Cơ hội

Trong khi tài nguyên thế giới đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học đang bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn Kinh tế Xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp. Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền Kinh tế Xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp, khuyến sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn.

Các sáng kiến được các cơ quan Liên hợp quốc thúc đẩy hướng tới nền Kinh tế Xanh như: Nông nghiệp thông minh với khí hậu (FAO phát động), Đầu tư công nghệ sạch (WB), việc làm xanh (ILO), Kinh tế Xanh (UNEP), Giáo dục vì sự phát triển bền vững (UNESCO), Xanh hóa khu vực y tế (WHO), Thị trường công nghệ xanh (WIPO), Tiêu chuẩn công nghệ thông tin xanh (ITU), Giải pháp năng lượng xanh (UN WTO), Sản xuất sạch hơn và hiệu quả sử dụng tài nguyên (UNEP và UNIDO), các thành phố và biến đổi khí hậu (UN-HABITAT), Tái chế tàu biển (IMO),… đang thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Theo tính toán của UNEP, năm 2009, cộng đồng EU và Mỹ đã tạo ra 2 – 3,5 triệu việc làm khi xây dựng các tòa nhà xanh, Trung Quốc tạo nên 10 triệu việc làm trong lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo với doanh thu 17 tỷ USD/năm. Ngân hàng thế giới đánh giá nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Kinh tế Xanh như xây dựng, năng lượng, vận tải ở các nước đang phát triển có thể lên tới 563 tỷ USD vào năm 2030 cùng với 100 tỷ USD để thích nghi với biến đổi khí hậu. Những dữ liệu thực tế này cho thấy, gieo mầm Kinh tế Xanh, tạo nên tăng trưởng xanh là chiến lược cho phát triển bền vững ở tương lai.

Bên cạnh đó, thực tiễn tại các nước cũng cho thấy rằng việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”, “kinh tế nâu”.

Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 đã nêu rõ “tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế xã  hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu ”. Như vậy, tăng trưởng xanh là phù hợp với Chiến lược dài hạn của Việt Nam và định hướng phát triển bền vững nói chung, điều này cũng phù hợp với những lợi thế so sánh của Việt Nam cần phát huy trong thế giới toàn cầu hóa.

Cụ thể cho những lý do sau đây đẩy mạnh tăng trưởng xanh:

*  Thứ nhất: Theo định hướng của Chiến lược phát triển, trong những năm tới, hoạt động đầu tư phát triển mạnh mẽ, nhưng nếu không có điều chỉnh trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu thì nhu cầu năng lượng, ô nhiễm môi trường và chi phí nói chung ở Việt Nam cũng sẽ rất lớn, nhất là trong sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, phát triển đô thị và dịch vụ. Do đó, Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu đồng thời giảm phát thải khí nhà kính để tham gia nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, tăng trưởng xanh là cơ hội phát triển phù hợp với định hướng Chiến lược;

*  Thứ hai:  Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên vị thế cao, vị trí địa lý chính trị quan trọng, có cả vùng núi, đồng bằng và ven biển, có hệ thống hạ tầng giao thông nối kết với kinh tế của các nước trong vùng, về khách quan đang trở thành một trung tâm của vùng Đông Nam Á, với tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, giàu vốn tự nhiên để phát triển nền Kinh tế Xanh;

*  Thứ ba: Nguồn lực lao động của Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng”, có truyền thống cần cù lao động, sống giản dị và hài hòa với thiên nhiên theo truyền thống văn hóa phương Đông, có khả năng tiếp thu nhanh khoa học, bí quyết công nghệ và kỹ năng quản lý để phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ hiện đại cũng như nguồn lực chủ yếu của tăng trưởng xanh.

 Thách thức

Để chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, Việt Nam cũng có những khó khăn, thách thức rất lớn như sau:

* Trình độ phát triển nói chung còn thấp, bị tụt hậu so với nhiều nước sau những năm chiến tranh kéo dài đang để lại những di hại không nhỏ, cần có thời gian và nguồn lực lớn để khắc phục. Nhưng nếu biết cách tổ chức lại một cách có hệ thống và khôn khéo thì Việt Nam hoàn toàn có cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển trong thời gian không dài, bằng cách phi truyền thống;

*  Hệ thống pháp luật đang trong thời kỳ chuyển đổi chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hướng tới tăng trưởng xanh. Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý còn chia cắt chưa phù hợp với sự phát triển trong liên kết của đất nước trong hội nhập, cần có những chỉnh sửa rất mạnh mẽ;

*  Công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu còn phổ biến, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh không cao, hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp; công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo chưa phát triển;trình độ phát triển khoa học công nghệ (nhất là R&D và chuyển giao công nghệ) còn thấp;

*  Tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái nghiêm trọng, một phần bị hủy hoại chính do phương thức tăng trưởng, phương thức tăng trưởng còn nặng theo chiều rộng, sử dụng năng lượng hóa thạch là nguyên liệu đầu vào, trong khi trình độ sử dụng công nghệ mới để giảm tiêu hao vật chất còn thấp. Trong khi đó, đất nước lại kém trong quản lý tài nguyên;

*  Nhận thức và năng lực của toàn hệ thống (con người, cơ sở hạ tầng, tài chính và thể chế) còn thấp, làm cho những thói quen cũ trong sản xuất, đời sống và quản lý chậm thay đổi, phải có những chuyển biến mang tính chiến lược hơn.

Đứng trước thời cơ mới, Việt Nam cần phát huy các lợi thế so sánh, lợi thế “động” đang mở ra, khắc phục các yếu kém để phát triển đất nước. Phương thức tăng trưởng xanh là con đường tốt nhất để giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển trong thời gian tương đối ngắn, nhờ sử dụng hiệu quả nội lực và toàn cầu hóa.

 Chiến lược Tăng trư ởng xanh của Việt Nam

*  Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược phát triển đất nước trong thời gian sắp tới, trên cơ sở kết hợp hài hòa ba trụ cột của sự phát triển, gồm phát triển bền vững về kinh tế – xã hội – môi trường. Quá trình phát triển bền vững với ba trụ cột này được bảo đảm liên kết lại bằng môi trường thể chế hiện đại, thích ứng với định hướng phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh là nội dung của phát triển bền vững, đồng thời góp phần giảm nhẹ và phòng chống tác động của biến đổi khí hậu;

*  Tăng trưởng xanh phải là tăng trưởng do con người và vì con người, phát triển hài hòa đời sống xã hội với môi trường tự nhiên, góp phần giải quyết yêu cầu tăng trưởng hợp lý với giảm nghèo bền vững, bảo đảm sự bình đẳng trong cơ hội phát triển cho mỗi người và điều kiện thụ hưởng hợp lý cho mỗi người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong phát triển;

*   Tăng trưởng xanh phải dựa trên việc tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế ngay trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng cao sẽ tác động mạnh vào nhiều vùng của đất nước;

*  Tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học, thực hiện chuyển giao công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý tiên tiến, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn lực chất lượng cao, kết hợp giữa nội lực với mở rộng hợp tác quốc tế, làm thành nguồn lực tổng thể cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp giữa nội lực với mở rộng hợp tác quốc tế, làm thành nguồn lực tổng thể cho phát triển;

*  Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ của mọi cấp chính quyền, từ các bộ, ngành đến chính quyền địa phương, thích ứng với một hệ thống phân cấp quản lý phi tập trung hóa; sự phối hợp với các tổ chức và cá nhân nước ngoài; trên cơ sở kết hợp liên kết, giám sát đan chéo của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mọi người dân.

Với quan điểm trên, Chiến lược Tăng trưởng xanh ở Việt Nam là phương thức thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược Tăng trưởng xanh: Thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tận dụng lợi thế so sánh một cách chủ động và sáng tạo, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cụ thể:

*  Tái cấu trúc nền kinh tế và hoàn thiện thể chế theo hướng khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao, hạn chế tiến tới xóa bỏ những ngành sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường;

*  Nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi công nghệ hiện đại nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu;

*  Nâng cao đời sống nhân dân thông qua việc tạo thêm việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc xây dựng hạ tầng xanh, lối sống thân thiện với môi trường.

*  Trên cơ sở đó, sẽ nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế trong điều kiện mới, thực hiện việc rút ngắn khoảng cách phát triển, với chất lượng tăng trưởng cao.

Các định hướng, nhiệm vụ thực hiện Tăng trư ởng xanh  ở Việt Nam Để đạt được các mục tiêu như trên, Chiến lược Tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 tập trung vào 03 mục tiêu chủ yếu:

i)  Xanh hóa sản xuất:  Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển sâu, giảm sử dụng tài nguyên thiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường, đổi mới công nghệ (hay mặt cung của nền kinh tế). Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm:

*  Xanh hóa sản xuất thông qua sắp xếp lại cơ cấu, đặc biệt là hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường;

*  Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước, tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản;

*  Thúc đẩy các ngành Kinh tế Xanh phát triển nhanh để làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên của đất nước, tạo thêm việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân;

*  Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững;

*  Đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn.

ii)  Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo:  Xanh hóa nền kinh tế để thực hiện nỗ lực chung về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Hiện nay, tổng mức phát thải khí nhà kính của Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển, nhưng đang tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn tới, các ngành chính có sự phát thải cao là nông nghiệp, năng lượng (gần 70% tổng lượng CO2 ), còn lại là sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất và quá trình công nghiệp. Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nhiệm vụ sau:

*  Cải thiện hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại;

*  Chuyển đổi nhiên liệu trong các ngành công nghiệp và giao thông vận tải;

*  Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng mới và tái tạo nhằm từng bước gia tăng tỷ trọng của các nguồn năng lượng sạch trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, tăng cường an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững;

*  Giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp;

*  Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động lâm nghiệp (chống mất rừng và suy thoái rừng).

iii) Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững: xanh hóa sản xuất (mặt cung trong nền kinh tế) không thể tách rời xanh hóa lối sống và phương thức tiêu dùng bền vững của xã hội (mặt cầu của kinh tế). Lối sống hòa hợp với môi trường vốn đã là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện mới của nền văn minh hiện đại mang lại sẽ tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại. Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm:

*  Thực thi đô thị hóa bền vững: Để nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển hài hòa, nâng cao chất lượng cho người dân, quy hoạch phát triển đô thị và quản lý quy hoạch cần đạt được các tiêu chí về hiệu quả sinh thái và bảo đảm xã hội để:

•           Đô thị là động lực thúc đẩy tăng trưởng Kinh tế Xanh và cạnh tranh;

•           Tăng cơ hội việc làm;

•           Giảm nghèo;

•           Cải thiện chất lượng sống;

•           Tăng cường an ninh năng lượng;

•           Cải thiện chất lượng sống;

•           Tránh được các chi phí và rủi ro tương lai.

*   Xây dựng nông thôn mới với lối sống hài hòa với môi trường: Thực hiện các nội dung của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và trong những năm tiếp theo, kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và công bằng xã hội nhằm đảm bảo phát triển nông thôn bền vững;

*  Thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh: thay đổi mô hình và hành vi tiêu dùng theo hướng bền vững của cả ba khu vực tiêu dùng trong xã hội: khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp và khu vực dân cư. (Nguồn: Dự thảo báo cáo của Việt Nam tại Rio +20, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

 Theo T.D (Tăng Trưởng Xanh) – moitruong.com.vn