Posts

Thói quen sử dụng sai lầm khiến điện thoại bị nóng bất thường

Những thói quen sử dụng tưởng như vô hại nhưng đôi khi lại khiến điện thoại bị nóng bất thường. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng của máy mà còn gây nguy hiểm trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người dùng.

Điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân đối với nhiều người trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Nhiều người vẫn nghĩ mình đã quá hiểu cách sử dụng và cách vận hành của một chiếc điện thoại thông minh. Tuy nhiên, chính sự chủ quan trong khi sử dụng khiến những thói quen dùng điện thoại tưởng chừng như vô hại đôi khi lại gây ra nhiều tác hại cho điện thoại của người dùng. Một trong những hậu quả đó chính là tình trạng điện thoại bị nóng lên bất thường.

Nhiều người có thói quen sử dụng điện thoại ở bất cứ đâu vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại với tần suất dày đặc cùng thời gian sử dụng lâu sẽ vô tình khiến cho chiếc điện thoại của chúng ta bị nóng lên. Sự tăng nhiệt này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và tuổi thọ của máy, nguy hiểm hơn đã có rất nhiều trường hợp điện thoại phát nổ ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng và sức khỏe của người sử dụng.

Một số dấu hiệu cảnh báo điện thoại của bạn đang bị tăng nhiệt bao gồm: điện thoại ấm hơn bình thường, các chương trình đang chạy chậm hơn, một số ứng dụng đóng đột ngột hoặc phải mất một khoảng thời gian để mở, quá trình sạc pin mất nhiều thời gian hơn hoặc hoàn toàn không sạc được, màn hình bị mờ hoặc đột ngột tắt nguồn, điện thoại chuyển sang chế độ nguồn điện thấp, dễ bị lỗi tín hiệu.

Nhiều thói quen khi sử dụng điện thoại tưởng như vô hại nhưng lại khiến thiết bị trở nên nóng ran. Ảnh: Shutterstock

Những sai lầm khi sử dụng khiến điện thoại bị nóng bất thường

– Sử dụng hoặc để điện thoại dưới trời nắng nóng

Với mức nhiệt từ 35 độ C trở lên, điện thoại có thể trở nên nóng lên nhanh chóng nếu người dùng để các thiết bị này dưới điều kiện thời tiết nắng nóng quá lâu. Ngoài ra, khi ăn uống ở ngoài trời nóng và để điện thoại trên bàn, chụp ảnh bằng điện thoại khi ở bãi biển cũng là nguyên nhân khiến điện thoại bị nóng lên.

Vào những ngày nắng nóng, người dùng nên tránh để điện thoại tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ở những môi trường có nhiệt độ cao như bãi biển, ô tô, các quán ăn ngoài trời ,… Tốt hơn hết nên để điện thoại nghỉ ngơi khi phải ra ngoài trong thời tiết nắng nóng và chỉ nên sử dụng khi đã ở trong môi trường thoáng mát hơn.

Sử dụng điện thoại dưới trời nắng nóng dễ khiến thiết bị tăng nhiệt nhanh. Ảnh minh họa

– Đặt điện thoại gần với các thiết bị điện tử khác

Nhiều người có thói quen đặt các thiết bị điện tử như laptop, điện thoại, máy tính bảng,… gần nhau trong cùng một khu vực để tiện lợi cho việc sử dụng trong quá trình làm việc. Sau khi dùng xong, chúng ta cũng thường “quen tay” cất các thiết bị này vào chung một túi.

Điều này tưởng như là vô hại nhưng thực chất, các thiết bị điện tử hầu hết đều có xu hướng nóng lên sau khoảng thời gian dài sử dụng. Nếu một trong số các thiết bị này có dấu hiệu nóng lên, việc để chúng quá gần nhau sẽ dẫn đến hiện tượng truyền nhiệt, ảnh hưởng đến hiệu suất và tuổi thọ của các thiết bị. Do đó người dùng cần chú ý không nên để các thiết bị điện tử quá gần nhau mà cần giữ chúng tách biệt.

Để các thiết bị điện tử gần nhau có thể đem lại nhiều tiện lợi khi sử dụng, tuy nhiên việc để các thiết bị này quá gần có thể dẫn tới hiện tượng truyền nhiệt. Ảnh minh họa

– Để điện thoại trong túi quần

Đây chắc chắn là thói quen mà rất nhiều người dùng mắc phải. Nhiều người sau khi sử dụng điện thoại thường tiện tay nhét điện thoại vào trong túi quần mà không hề biết việc làm này gây nguy hiểm cho thiết bị cũng như chính người dùng.

Nhiệt độ từ cơ thể có thể dễ dàng ảnh hưởng tới thiết bị di động, từ đó khiến điện thoại của chúng ta bị nóng lên. Do đó, cần hạn chế và từ bỏ thói quen để điện thoại trong túi quần (đặc biệt trong thời tiết nắng nóng) để tránh việc điện thoại bị tăng nhiệt, vô tình làm giảm hiệu năng sử dụng của thiết bị.

Không chỉ gây hư hỏng điện thoại, việc thường xuyên để trong túi quần cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc thường xuyên để điện thoại trong túi sau cũng khiến người dùng sớm gặp phải tình trạng đau lưng. Nguyên nhân là bởi ở mông và hông của mỗi người đều có nhiều dây thần kinh, do đó khi có vật cứng liên tục đè vào trong thời gian dài rất có thể sẽ gây ra sự tổn thương.

Thói quen để điện thoại trong túi quần không chỉ khiến điện thoại bị nóng lên mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. Ảnh: Shutterstock.

– Sạc pin không đúng cách

Các vấn đề về pin và sạc pin thường là nguyên nhân chính gây ra tình trạng điện thoại nóng lên bất thường và có nguy cơ phát nổ. Các sai lầm phổ biến thường gặp đó là: sạc điện thoại qua đêm; đặt điện thoại dưới gối, nệm hoặc trên các bề mặt không thông gió khác; vừa sạc vừa sửa dụng điện thoại.

Khi vừa sạc vừa đặt điện thoại dưới gối, nguy cơ điện thoại nóng lên bất thường và có nguy cơ cháy nổ là rất dễ xảy ra. Nguyên nhân bởi điện thoại sẽ bắt đầu tỏa nhiệt khi sạc pin, tuy nhiên lớp vỏ gối và drap giường lại ngăn chặn hoạt động này, nhiệt không thể tỏa ra sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng và tăng nguy cơ phát nổ.

Đặt điện thoại dưới gối hoặc trên các bề mặt không thông gió khác khiến điện thoại không thể tỏa nhiệt. Ảnh minh họa

Mặc dù đã có nhiều trường hợp bị tai nạn, giật điện thậm chí tử vong thương tâm khi vừa sạc vừa sử dụng điện thoại, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người chủ quan với thói quen sử dụng này. Ngoài nguy cơ bị điện giật, việc sử dụng điện thoại trong khi sạc pin khiến cho hoạt động sạc – xả năng lượng diễn ra liên tục khiến cho điện thoại bị quá tải, dẫn tới tình trạng thiết bị phát nổ. Do đó, người dùng nên để điện thoại nghỉ ngơi trong quá trình sử pin, ngoài ra nên sử dụng các thiết bị như củ sạc, dây sạc chính hãng để tránh nguy cơ điện thoại phát nổ gây nguy hiểm tới tính mạng của bản thân.

– Sử dụng nhiều chức năng khi không cần thiết

Khác với máy tính, điện thoại di động thường không có bộ phận tản nhiệt. Do đó chúng có thể nóng lên khi chạy quá nhiều chương trình và ứng dụng cùng một lúc. Vì vậy, người dùng cần kiểm tra điện thoại thường xuyên và tắt các chức năng, hoạt động khi chưa cần sử dụng đến như định vị, làm mới nền,… vì các chức năng này làm tiêu hao năng lượng của điện thoại.

Ngoài ra, các kết nối không dây như Wifi, Bluetooth vẫn có thể hoạt động ngay cả khi đã tắt màn hình mà chúng ta không hề hay biết. Do đó, chủ động ngắt các loại kết nối này khi không có nhu cầu sử dụng đến cũng là cách giúp giảm thiểu lượng công việc cho điện thoại, giúp hạn chế tình trạng nóng lên của thiết bị.

– Không thường xuyên tháo ốp điện thoại

Ốp điện thoại có tác dụng bảo vệ tránh cho điện thoại không bị trầy, xước trong trường hợp bị rơi vỡ. Do đó nhiều người không có thói quen tháo bỏ ốp thường xuyên vì lo sợ điện thoại bị hư hỏng nếu chẳng may gặp sự cố. Tuy nhiên, việc không thường xuyên tháo ốp điện thoại không những khiến chiếc ốp của bạn tích tụ thêm nhiều vi khuẩn mà còn là một trong nhiều nguyên nhân khiến điện thoại bị tăng nhiệt.

Ốp điện thoại bảo vệ thiết bị khỏi hư hỏng khi bị va chạm. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại ốp đều phù hợp để điện thoại được thông gió đủ. Hãy tháo bỏ ốp điện thoại nếu thường xuyên thấy điện thoại bị nóng lên bất thường. Nên bỏ ốp điện thoại khi sạc pin hoặc trong những ngày thời tiết nắng nóng.

Sạc điện thoại khi vẫn còn để ốp dễ khiến cho thiết bị nóng lên bất thường. Ảnh: BrightSide

Ngoài ra, vẫn còn một số nguyên nhân khác trong quá trình sử dụng người dùng thường chủ quan, không để ý dẫn đến tình trạng tăng nhiệt của điện thoại như: không sử dụng các chế độ bảo vệ điện thoại; sử dụng các tính năng nặng như chơi game, xem phim trong thời gian dài; không cập nhật hệ điều hành thường xuyên,…

Một số giải pháp giúp hạ nhiệt cho điện thoại di động

Để giúp điện thoại giảm nhiệt, người dùng có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

– Giữ độ sáng màn hình ở mức vừa phải: Điện thoại nhanh nóng dẫn đến việc mau hết pin có thể do người dùng để độ sáng màn hình điện thoại quá mức. Do đó, nên giảm độ sáng màn hình khoảng 30 – 40% là tốt nhất – không chỉ giúp giảm nhiệt cho điện thoại mà còn tránh gây chói mắt.

Độ sáng màn hình vừa phải giúp giảm nhiệt cho thiết bị và không gây chói mắt. Ảnh minh họa

– Kiểm tra các ứng dụng gặp lỗi: Các ứng dụng bị lỗi cũng được coi là một nguyên nhân khiến điện thoại bị nóng. Vì vậy, nên xóa các ứng dụng bị lỗi và cài đặt lại. Ngoài ra, cập nhật phiên bản mới nhất cho ứng dụng cũng là cách để tối ưu hệ thống.

– Tắt các ứng dụng chạy ngầm không cần thiết: Một nguyên nhân khác khiến điện thoại nhanh nóng là mở quá nhiều ứng dụng hay tác vụ khi sử dụng. Vì thế, hãy tắt các ứng dụng đang hoạt động ở chế độ nền bằng cách: Mở đa nhiệm -> Vuốt từ dưới lên trên để tắt các ứng dụng không cần thiết.

– Tránh để điện thoại dưới ánh nắng mặt trời: Khi ánh nắng chiếu vào, điện thoại sẽ bắt sáng và nhiệt từ mặt trời rồi giữ lại, gây nóng máy. Thiết bị sẽ càng nóng hơn nếu để lâu dưới ánh nắng mặt trời với mức nhiệt độ cao. Do đó hãy đảm bảo điện thoại không được tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời để tránh nguy cơ thiết bị bị tăng nhiệt.

– Không chơi game trong thời gian dài: Khi chơi game cần chạy các chương trình yêu cầu cấu hình cao. Do đó thiết bị di động trở nên nóng cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu chơi game trong thời gian dài thì điện thoại sẽ bị quá tải công suất và nhanh nóng hơn bình thường. Do đó, trong thời gian chơi, người dùng nên có quãng nghỉ để điện thoại được nghỉ ngơi sẽ là cách hạ nhiệt tốt nhất, giúp thiết bị có thể trở lại hoạt động nhanh hơn và mát hơn.

Chơi game trong thời gian dài khiến điện thoại bị quá tải công suất, do đó thiết bị sẽ trở nên nóng nhanh hơn bình thường. Ảnh minh họa

– Sạc pin điện thoại đúng cách: Để khắc phục tình trạng điện thoại nóng kên khi sạc, người dùng cần ưu tiên sử dụng cốc sạc, dây sạc chính hãng; tháo ốp lưng khi sạc pin; tạm dừng các ứng dụng không cần thiết. Đặc biệt, cần ngưng hoàn toàn việc vừa sạc vừa sử dụng điện thoại vì không những gây hại đến thiệt bị mà còn nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng.

 Khởi động lại điện thoại: Trong quá trình sử dụng điện thoại, các ứng dụng và tính năng trên máy đều sẽ tiêu tốn một lượng RAM nhất định. Vì vậy, các dữ liệu chứa trong RAM sẽ bị quá tải sau một thời gian dài. Để khắc phục tình trạng này, cách đơn giản nhất là tắt nguồn và khởi động lại máy. Điều này sẽ giúp làm mát đồng thời giải phóng bộ nhớ RAM, giúp giải quyết tình trạng nóng máy.

Khởi động lại thiết bị giúp cải thiện tình trạng nóng máy. Ảnh minh họa

Ngoài những cách trên, vẫn còn một số biện pháp giúp người dùng hạn chế nguy cơ điện thoại bị tăng nhiệt, gồm: tắt tạm thời dữ liệu chạy nền; dừng tạm thời việc sử dụng máy ảnh; kiểm tra các phần mềm độc hại; giảm sử dụng mạng, Bluetooth khi không cần thiết.

Có thể thấy, việc điện thoại bị nóng lên nguyên nhân chủ yếu tới từ sự chủ quan trong thói quen sử dụng của người dùng. Nhiều thói quen tưởng như vô hại nhưng lại gây ra nhiều tác hại không nhỏ cho thiết bị, ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn của người sử dụng. Do đó, người dùng cần thay đổi thói quen sử dụng điện thoại của mình để tránh các sự cố, tai nạn xảy ra không đáng có, đồng thời bảo vệ được sức khỏe và tính mạng của bản thân.

Ngọc Linh (t/h)
https://vietq.vn/nhung-sai-lam-nguoi-dung-mac-phai-khi-su-dung-khien-dien-thoai-nong-bat-thuong-d191782.html