Posts

Tham gia thị trường tín chỉ carbon: Việt Nam cần làm gì?

Thị trường tín chỉ carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng hướng đến thực hiện mục tiêu trung hòa carbon trong cam kết của các nền kinh tế tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.

Nhu cầu tín chỉ carbon trên thế giới trong những năm gần đây đang tăng lên, thúc đẩy sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của thị trường này. Tại Việt Nam, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp nắm bắt những cơ hội trong lộ trình thực hiện cam kết giảm phát thải carbon. Tuy nhiên, để vận hành thị trường này hiệu quả, không ít vấn đề đặt ra từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, các tiêu chuẩn về kỹ thuật và đẩy mạnh công tác truyền thông.

Thị trường tín chỉ carbon

Thị trường tín chỉ carbon xuất hiện từ năm 1997, khi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc được chính thức thông qua. Theo Nghị định này, các nền kinh tế còn dư thừa về quyền phát thải khí nhà kính được phép mua, bán hoặc cho các quốc gia khác quyền này. Đây là cơ sở làm xuất hiện trên thế giới một loại hàng hóa có nhu cầu gia dịch mới trên thị trường là các chứng chỉ liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính. Do CO2 là một loại khí nhà kính nên việc quy đổi tương đương liên quan đến khí nhà kính khác cho các giao dịch về phát thải khí nhà kính được gọi chung là mua/bán, trao đổi chứng chỉ carbon. Từ đó, hình thành nên thị trường giao dịch carbon hay thị trường tín chỉ carbon. Trên thị trường này, việc mua, bán phát thải khí nhà kính hay mua/bán phát thải khí carbon được giao dịch thông quan đơn vị quy đổi là tín chỉ carbon.

Theo Tạp chí Forbes Việt Nam, tín chỉ carbon là một thuật ngữ đề cập đến một đơn vị tín chỉ giao dịch trong kinh doanh, hay là giấy phép về 1 tấn CO2 hay khối lượng của một loại khí nhà kính khác quy đổi tương đương 1 tấn CO2 (viết tắt là tCO2tđ). Như vậy, tín chỉ carbon là chứng nhận (hay giấy phép) cho phép người sở hữu được quyền phát thải 1 tấn CO2 hoặc một loại khí nhà kính quy đổi khác. Một tín chỉ carbon giới hạn một lượng phát thải là 1 tấn CO2. Mục tiêu ra đời của tín chỉ carbon là để từng bước giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.

Trong tiến trình thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, các nền kinh tế, ngành công nghiệp, hay doanh nghiệp được ấn định một “hạn ngạch” phát thải hàng năm cụ thể hay đưa ra một mức trần về số đơn vị carbon phát thải (còn gọi là Cap). Mức trần này thường sẽ điều chỉnh giảm dần theo hướng giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển. Số tín chỉ carbon mà các bên tham gia được phép giao dịch phải ở trong mức trần quy định đó, nếu vượt qua mức trần sẽ bị phạt. Chính vì vậy, trong trường hợp phát thải vượt trần, để tránh bị phạt, các chủ thể này cần mua thêm “quyền” phát thải từ các chủ thể đang dư thừa trên thị trường. Ngược lại, nếu không dùng hết hạn ngạch của trần phát thải, các chủ thể này có thể chuyển nhượng lại cho các chủ thể có nhu cầu.

Từ khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực, thị trường giao dịch tín chỉ carbon đã phát triển mạnh mẽ tại các quốc gia phát triển. Hiện có 02 loại thị trường giao dịch chính gồm: (1) Thị trường tín chỉ carbon bắt buộc là thị trường mua/bán carbon thực hiện theo các cam kết cắt giảm khí nhà kính khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu của các quốc gia. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu sử dụng trong các dự án thuộc cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism – CDM); cơ chế phát triển bền vững (Sustainable Development Mechanism – SDM) hoặc cơ chế đồng thực hiện (Joint – Implementation – JI); (2) Thị trường giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện -là thị trường dựa trên cơ sở hợp tác giữa các quốc gia, tổ chức hay công ty thông qua các thỏa thuận song phương hoặc đa phương. Trên thị trường này, bên có nhu cầu tín chỉ sẽ tham gia vào các giao dịch mua, bán trên cơ sở tự nguyện nhằm đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị (Environmental – Social – Governance – ESG) trong phát triển hướng tới giảm phát thải khí nhà kính.

Thị trường giao dịch chứng chỉ carbon tự nguyện là cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp giao dịch với nhau để giảm phát thải khí carbon. Thị trường hoạt động thông qua quy định giới hạn về lượng khí thải được phép phát thải và cho phép các doanh nghiệp tham gia giao dịch lượng khí thải đã giảm đi so với giới hạn cho phép. Thông qua các giao dịch này sẽ hình thành cơ chế tự điều chỉnh, từ đó lập lại sự cân bằng về carbon thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính.


Tín chỉ carbon – công cụ quan trọng chống biến đổi khí hậu.

Hiện nay, thị trường tín chỉ carbon là một công cụ quan trọng trong điều tiết khí thải của Liên minh châu Âu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu cũng như thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu theo Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris. Tại châu Âu, thị trường giao dịch tín chỉ carbon đã chiếm xấp xỉ 45% toàn bộ lượng phát thải khí nhà kính trên toàn châu Âu và chiếm xấp xỉ 3/4 thị trường thế giới. Tại châu Á, Trung Quốc là quốc gia đưa nội dung hình thành thị trường tín chỉ carbon vào kế hoạch phát triển giai đoạn 2011-2015 và đang thí điểm thực hiện trên phạm vi rộng tại nhiều khu vực với các mức độ áp dụng đa dạng, linh hoạt. Trung Quốc chính thức đưa thị trường giao dịch tín chỉ carbon vào vận hành từ ngày 16/07/2021, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Triển khai tại Việt Nam

Thực hiện các mục tiêu về phát thải ròng đạt mức không (Net Zero) vào năm 2050, Việt Nam đang thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển thị trường giao dịch tín chỉ carbon trong những năm gần đây.

Tại Việt Nam, theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, “tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương”. Bên cạnh đó, dự thảo của Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” xây dựng dựa trên cơ sở Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn (Nghị định số 06/2022/NĐ-CP) đã đưa ra mục tiêu từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ hoàn thiện các quy định trong quản lý tín chỉ carbon, các giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính; quy chế trong vận hành sàn giao dịch; thí điểm cơ chế giao dịch, bù trừ trong các lĩnh vực có tiềm năng; tổ chức hướng dẫn việc thực hiện cơ chế giao dịch trong nước và cả quốc tế, đảm bảo sự phù hợp với các quy định trong các điều ước quốc tế; tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch vào năm 2025.

Từ 2028, Việt Nam sẽ chính thức sẽ đưa vào vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Đối với các chủ thể tham gia thị trường, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định: các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Việt Nam hiện có khoảng 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định trong Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đây chính là các khách hàng sẽ tham gia thị trường trong thời gian tới. Về giao dịch, quy trình giao dịch được thực hiện theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/07/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon. Theo báo cáo tháng 03/2023 của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), tính đến tháng 11/2022, Việt Nam có 276 dự án với khoảng gần 30 triệu tín chỉ carbon đã được chứng nhận từ các dự án tín chỉ carbon theo cơ chế CDM. Bên cạnh đó, Việt Nam đã phát triển nhiều dự án liên quan đến tín chỉ carbon khác với các tiêu chuẩn quốc tế khác nhau.

Theo Cục Biến đổi Khí hậu, việc mua, bán tín chỉ carbon của Việt Nam với thế giới theo hình thức tự nguyện đã được triển khai từ những năm 2000 bởi các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án CDM. Trên 300 chương trình, dự án tại Việt Nam trong thời gian qua đã đăng ký thực hiện các giao dịch mua/bán, bù trừ tín chỉ carbon. Trong số đó có trên 150 dự án đã được cấp trên 40 triệu tín chỉ carbon và thực hiện giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon thế giới. Việt Nam là 1 trong 04 quốc gia (cùng Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil) có các dự án CDM đăng ký nhiều nhất; đứng thứ 09 trong số 80 nước có nhiều dự án CDM được công nhận và cấp tín chỉ carbon. Việc hình thành và vận hành thị trường tín chỉ carbon sẽ góp phần giúp Việt Nam gia tăng năng lực năng cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường có những yêu cầu cao về bảo vệ môi trường như thị trường châu Âu cũng như tăng cường khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh “xanh hóa” hoạt động đầu tư.


Hội thảo tham vấn nâng cao năng lực trong đánh giá thực trạng pháp luật hạ tầng và kinh nghiệm quốc tế để thiết kế sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Mặc dù thị trường tín chỉ carbon được xác định là một trong những giải pháp hữu hiệu để tạo động lực cho doanh nghiệp hành động nhằm góp phần giảm thiểu phát thải, cắt giảm lượng khí thải hoặc hướng tới chuyển đổi sử dụng các công nghệ xanh, sạch, ít thải khí carbon. Tuy nhiên, để thị trường này tại Việt Nam đi vào hoạt động, cần tiếp tục hoàn thiện các quy phạm, quy chuẩn mang tính kỹ thuật liên quan đến cơ chế giao dịch, đảm bảo phù hợp, liên thông với các quy định, quy chuẩn quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Để làm được điều đó, Việt Nam cần triển khai một số giải pháp đồng bộ sau:

Một là, xây dựng bộ công cụ định giá carbon tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường tín chỉ carbon; các định mức phát thải carbon đối với từng đơn vị, chủng loại sản phẩm cho các loại hình sản xuất, kinh doanh.

Hai là, xây dựng cơ chế vận hành, quản lý thị trường, bao gồm các sàn giao dịch nhằm thống nhất công tác quản lý của nhà nước. Xây dựng hệ thống đăng ký tầm quốc gia nhằm quản lý lượng tín chỉ carbon, cùng với đó là thực hiện kết nối với các hệ thống, tổ chức tham gia thị trường trên thế giới. Các chủ thể tham gia thị trường sẽ đăng ký cho mình tài khoản giao dịch, cung cấp các thông tin về chủng loại, số lượng hàng hóa có nhu cầu giao dịch khi tham gia thị trường.

Ba là, hỗ trợ doanh nghiệp và các bên tham gia thị trường cơ hội tiếp cận thông tin, phương thức giao dịch, để chủ động sẵn sàng gia nhập thị trường. Qua đó, gắn hoạt động sản xuất với lượng khí nhà kính quy về chứng chỉ phát thải carbon.

Để thực hiện các giải pháp này, cần sự phối hợp và hợp tác một cách hiệu quả của các đơn vị nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, hệ thống doanh nghiệp là yếu tố quyết định bởi họ là chủ thể có nhu cầu giao dịch và cũng là chủ thể tham gia, đồng thời chịu tác động trực tiếp của thị trường tín chỉ carbon. Ngoài ra, cần đào tạo nguồn nhân lực tham gia tổ chức vận hành khi thị trường carbon đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức về thị trường mới mẻ này trong cộng đồng doanh nghiệp, các chủ thể liên quan khác chuẩn bị các điều kiện để tham gia thị trường.

Việt Nam đang hướng tới là nước dẫn đầu khu vực trong hoạt động giao dịch tín chỉ carbon theo thông lệ quốc tế trong Thỏa thuận Paris. Muốn vậy, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các chính sách để phát triển thị trường này, góp phần hướng tới mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050.

Theo Tạp chí KHCNVN
https://vietq.vn/tham-gia-thi-truong-tin-chi-carbon-viet-nam-can-lam-gi-d219752.html

Vai trò của các công ty dầu khí quốc gia trong giảm thải carbon

Một số chuyên gia cao cấp của hãng phân tích Wood Mackenzie mới đây đã có bài phân tích về vai trò của các công ty dầu khí quốc gia (NOCs) đến mục tiêu trung hòa carbon toàn cầu.

Có thể thấy, NOCs đang thống trị không gian dầu khí toàn cầu khi sản xuất 50% nhiên liệu lỏng và 48% khí đốt toàn cầu. Và một khi các công ty dầu khí quốc tế (IOCs) đa dạng hóa danh mục đầu tư và giảm tỷ trọng đầu tư vào dầu khí trong khuôn khổ chiến lược chuyển đổi năng lượng, tỷ trọng của NOCs trong sản xuất dầu khí có khả năng sẽ tăng lên.

Top 20 NOCs thải CO2 từ 1965-2017 (đơn vị Megaton tương đương 1 triệu tấn CO2)

Mức độ sản xuất cao trong lĩnh vực thượng nguồn dẫn đến gia tăng lượng phát thải tuyệt đốt các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Kết quả đo điểm chuẩn phát thải đối với 100 NOCs năm 2021, Wood Mackenzie ghi nhận có gần 10/20 dầu khí công ty khai thác dầu khí hàng đầu gia tăng tuyệt đối phát thải khí. Do đó, NOCs cần phải đóng một vai trò nào đó trong sứ mệnh khử carbon toàn cầu và năm 2021 có thể là một năm cho những sự thay đổi tích cực.

Đối với nhiều NOCs, vai trò chính của họ là tạo ra doanh thu và tối đa hóa việc khai thác các nguồn tài nguyên giàu có cho chính phủ các nước. Thông thường, NOCs được tiếp cận một số nguồn tài nguyên có chất lượng tốt nhất với chi phí thất nhất. NOCs là “động cơ tiền mặt” cho các nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn thu dầu mỏ. Theo các chuyên gia của Wood Mackenzie, NOCs sẽ tạo ra trung bình 8,2 USD dòng tiền tự do cho mỗi thùng dầu tương đương (boe) trong năm 2021, cao hơn mức trung bình là 6,6 USD/boe của các công ty dầu khí không thuộc NOCs. Một số chính phủ có mức độ phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ lên tới hơn 90%. Vì vậy, những nỗ lực toàn cầu để giảm lượng khí thải hoặc đánh thuế carbon là mối đe dọa lớn đối với NOCs.

Mặc dù có mức phát thải tuyệt đối cao, 11 NOCs được đề cập trong bộ công cụ đo điểm chuẩn phát thải của Wood Mackenzie lại có cường độ phát thải thấp hơn mức trung bình. Tuy nhiên, không phải tất cả NOCs đều giống nhau. Những công ty có danh mục đầu tư thông thường lớn, tuổi đời cao như Saudi Aramco và Rosneft có cường độ phát thải thấp hơn so với nhiều NOCs khác. Mặt khác, các công ty có tỷ trọng đầu tư lớn vào LNG lại có cường độ phát thải cao.

Xu hướng thực hiện các chính sách carbon như thuế carbon và các mục tiêu giảm phát thải đang tăng lên. Wood Mackenzie nhận định, rủi ro đối với nhiều NOCs sẽ thấp, ít nhất là đối với các hoạt động trong nước. Hầu hết các chính phủ sẽ không thực hiện các chính sách carbon mà ảnh hưởng đến doanh thu dầu khí trong nước.

Tuy nhiên, sau Hiệp định khí hậu Paris 2015, áp lực toàn cầu ngày càng tăng đối với tất cả các quốc gia trong việc đặt ra mục tiêu và chính sách giảm phát thải. Các cơ chế chính sách đó có thể tác động đến các sản phẩm nhập khẩu cũng như các sản phẩm sản xuất trong nước. Cơ chế đánh thuế carbon xuyên biên giới theo Thỏa thuận xanh châu u là một trong những cơ chế như vậy. Ngoài ra còn có áp lực ngành càng tăng từ các nhà đầu tư đối với các công ty trong việc giảm phát thải.

Sản lượng khai thác cao và lượng khí thải tuyệt đối lớn khiến NOCs có lượng phát thải tuyệt đối cao đối mặt với những rủi ro nếu chính sách thuế carbon được thực hiện. Khoảng 40 tỷ USD giá trị sẽ gặp rủi ro đối với hai NOCs có lượng phát thải carbon hàng đầu nếu mức thuế carbon đối với hoạt động thượng nguồn ở mức 40 USD/tấn. Nói chung, cường độ phát thải thấp hơn và dòng tiền tự do cao có nghĩa là nhiều NOCs có thể phải chịu thuế carbon cao.

Hầu hết NOCs đang nằm ngoài các mục tiêu giảm phát thải ròng về mức 0. Chỉ có ba NOCs đặt tham vọng trung hòa carbon là PetroChina, Petronas và Sinopec. Nhiều công ty có mục tiêu ngắn hạn, ít tham vọng hơn và một số ít như Saudi Aramco và Gazprom thì chưa đặt bất kỳ mục tiêu giảm phát thải nào. Ngoài ra, một số NOCs có các mục tiêu tăng trưởng sản xuất đầy tham vọng. Điều này sẽ khiến cho bất kỳ mục tiêu giảm phát thải tuyệt đối nào cũng trở thành thách thức.

Trong năm 2020, thế giới đã chứng kiến sự thay đổi trọng tâm đối với công ty dầu khí hàng đầu châu Âu. Các công ty này tuyên bố các mục tiêu tham vọng về giảm phát thải tuyệt đối khí gây hiệu ứng nhà kính và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Vậy NOCs có đi theo không? Một số tập trung cho sự thay đổi như vậy. Rủi ro tài chính do định giá carbon không phải là rủi ro chính, nhưng áp lực của các bên liên quan và nhà đầu tư ngày càng tăng; tính thị trường ngày càng tăng của các sản phẩm phát thải carbon thấp và những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đều là những động lực chính cho NOCs.

Và việc giảm lượng khí thải có thể hình thành những cơ hội kinh doanh hấp dẫn với nhiều NOCs chủ động tận dụng. Các lĩnh vực mới như LNG “xanh”, thu gom và lưu trữ carbon cũng như các công cụ giảm lượng khí thải và tránh phát thải đang được một số NOCs xem xét tích cực.

Các chuyên gia của Wood Mackenzie cho rằng, năm 2021 có thể là một năm bản lề với hội nghị COP 26 ở Glasgow, Ireland vào tháng 11/2021. Hội nghị sẽ hướng tới thông qua các mục tiêu giảm phát thải hơn nữa. Đặt mục tiêu giảm phát thải carbon ròng về 0 có thể không đạt được hoặc không là mong muốn đối với tất cả NOCs nhưng những NOCs chủ động trước có thể gặt hái được những thành quả bền vững. Các nhà hoạch định chính sách của chính phủ có nhiệm vụ khó khăn trong việc cân đối dòng tiền của NOCs để phân bổ cho chi tiêu công, tối đa hóa khai thác tài nguyên, đồng thời giải quyết các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu.

Viễn Đông
https://petrotimes.vn/vai-tro-cua-cac-cong-ty-dau-khi-quoc-gia-trong-giam-thai-carbon-609148.html

Mỹ đang mất phương hướng và tụt hậu trong phát triển năng lượng tái tạo?

Vào cuối tháng 9/2020, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc sẽ giảm mức tối đa lượng khí thải vào năm 2030 và trung hòa carbon trước năm 2060.

Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ phải mở rộng thị trường nội địa cho các công nghệ năng lượng sạch, trong đó nhiều công nghệ được Trung Quốc tự sản xuất. Trung Quốc cũng hy vọng sẽ thúc đẩy các quốc gia khác tích cực hơn trong việc giảm phát thải, kêu gọi tham gia “Green Revolution”. Chính những quốc gia này cũng có thể là thị trường tốt cho công nghệ Trung Quốc. Nhờ những sáng kiến này, Trung Quốc hiện đang giành chiến thắng trong cuộc đua toàn cầu nhằm phát minh và sản xuất các công nghệ cho một thế giới low-carbon mới.

Với lĩnh vực công nghệ cao phát triển mạnh mẽ và lượng đầu tư tư nhân dồi dào, Mỹ có vị thế tốt để cạnh tranh, nhưng lại có nguy cơ tụt hậu. Hiện tại, Mỹ vẫn đang dựa vào sự bùng nổ năng lượng trên cơ sở cách mạng dầu đá phiến và dựa trên cách tiếp cận truyền thống để đổi mới năng lượng.

Hệ thống năng lượng của thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Thập kỷ qua đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong việc sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời để sản xuất điện. Một số mốc quan trọng của quá trình chuyển đổi này đã được biết đến như vào năm 2019, mức tiêu thụ từ các nguồn năng lượng tái tạo đã vượt qua việc sử dụng than ở Hoa Kỳ lần đầu tiên sau hơn 130 năm.


Biểu đồ 1: So sánh tiêu dùng nhiên liệu than và năng lượng tái tạo của Mỹ từ năm 1776 – 2019.

Ở Anh và Tây Ban Nha, nhiệt điện than gần như bị loại bỏ, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo đã vượt mức tiêu thụ điện năng của Đức. Tuy quá trình chuyển đổi này vẫn chưa diễn ra ở khắp mọi nơi, nhưng nó đang diễn ra nhanh chóng và ngày càng lan rộng. Mặc dù vậy, so với những thách thức to lớn của việc đối phó với biến đổi khí hậu thì quá trình chuyển đổi này diễn ra khá chậm chạp.

Trung Quốc đã nổi lên là nhà cung cấp hàng đầu của quá trình chuyển đổi này. Vào năm 2018, các công ty Trung Quốc chiếm hơn 1/3 thị phần sản xuất tuabin gió trên thế giới. Năm 2019, Trung Quốc đã xây dựng hơn 70% công suất quang điện mặt trời trên thế giới. Trong lĩnh vực xe điện, ảnh hưởng của Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn với sở hữu 3/4 năng lực sản xuất tế bào pin lithium ion trên thế giới và thậm chí còn kiểm soát chuỗi cung ứng trước khi lắp ráp cuối cùng. Trong số 3 công nghệ năng lượng xanh lớn đang phát triển trên khắp thế giới, 2 công nghệ phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc.

Châu Âu cũng đang chú ý đến thị trường đang phát triển này. Các nước châu Âu phụ thuộc vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió nhiều hơn hết các nước khác trên thế giới và các nhà sản xuất châu Âu nổi bật về năng lượng gió. Liên minh châu Âu đã công bố Chiến lược pin nhằm tạo ra một chuỗi giá trị sản xuất cạnh tranh ở châu Âu cho các công nghệ pin bền vững, và Europe’s Green Deal rõ ràng không chỉ là một chiến lược môi trường mà còn là một chiến lược công nghiệp. Ngoài việc khử carbon trong hệ thống năng lượng của lục địa, Green Deal hướng tới việc phát triển các ngành công nghiệp cần thiết. Để làm như vậy, cần đặc biệt tập trung vào hydro, một trong những mục tiêu lớn của EU và là lĩnh vực kỳ vọng sẽ được EU dẫn đầu.


Biểu đồ 2: Điện gió và điện mặt trời của các nước trên thế giới năm 2019.

Trung Quốc trong bối cảnh này đương nhiên sẽ trở thành đối tác được lựa chọn của bất kỳ quốc gia nào muốn giảm phát thải khí nhà kính. Bên đặt hàng sẽ không quan tâm nhiều đến việc nguyên liệu có nguồn gốc như thế nào hoặc liệu việc khai thác chúng có ảnh hưởng thế nào đến hệ thống chính trị. Trung Quốc cũng sẽ có thể kiểm soát các chuỗi cung ứng và can thiệp vào chuỗi cung ứng khi thuận tiện về mặt chính trị. Mỹ có thể sẽ phải đứng ngoài chuỗi hoạt động này nếu không thực sự xắn tay tham gia trực tiếp vào quá trình này.

Đối với Mỹ, thách thức công nghệ xanh thường được coi là nhu cầu đổi mới nhiều hơn. Tính theo tỷ trọng GDP, Mỹ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ít hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy vốn tư nhân cũng đã tham gia vào quá trình, nhưng sự chuyển dịch tiền R&D (nghiên cứu và phát triển) từ chính phủ sang các công ty tư nhân cũng đồng nghĩa với sự thay đổi về trọng tâm (hẹp hơn) và tham vọng (ngắn hạn hơn).

Trong lĩnh vực năng lượng, chi tiêu cho R&D của Mỹ vẫn ở trên mức trung bình so với các nền kinh tế tiên tiến khác, ở mức vừa đủ: Trong số 27 quốc gia được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) so sánh chi tiêu so với GDP, Mỹ xếp thứ 10 trong năm 2018. Trung Quốc đã đầu tư nhiều hơn. Ở những lĩnh vực mà Mỹ dẫn đầu về công nghệ như chăm sóc sức khỏe và quốc phòng, mức chi lớn hơn nhiều. Ví dụ R&D của Mỹ dành cho chăm sóc sức khỏe chiếm khoảng 1% tổng chi tiêu cho y tế, lớn hơn 4 lần so với đầu tư vào năng lượng, một lĩnh vực đòi hỏi nhiều chi phí hơn.

Một tương lai carbon thấp sẽ hiệu quả hơn và được điện khí hóa, nó dựa trên một số nền tảng công nghệ lưu trữ và cấp năng lượng cho các lĩnh vực khó điện khí hóa như ngành công nghiệp, vận tải hàng hóa, hàng không và liên quan đến loại bỏ carbon dioxide trong khí quyển. Tuy nhiên, nếu chỉ đầu tư nghiên cứu thì chưa đủ, để đi đầu trong lĩnh vực công nghệ xanh thì nghiên cứu phải kết hợp với triển khai sản xuất. Năm 2009, Mỹ có công suất điện gió cao gấp đôi Trung Quốc và gấp 5 lần công suất năng lượng mặt trời. Đến năm 2019, Trung Quốc đã dẫn đầu và triển khai lượng gió nhiều gấp đôi và gấp 3 lần năng lượng mặt trời so với Mỹ. Trong lĩnh vực xe chạy điện, sự đảo ngược diễn ra nhanh hơn: Mỹ có số lượng xe điện nhiều gấp 5 lần Trung Quốc vào năm 2013, nhưng hiện nay Trung Quốc đã gấp đôi Mỹ, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ. Vào cuối những năm 1990, Mỹ có 30% thị phần trong sản xuất quang điện mặt trời, hiện tại chỉ còn 1%.

Cơ chế khuyến khích tiêu dùng năng lượng tái tạo khá đơn giản, tuy nhiên phụ thuộc nhiều vào tham vọng được đặt ra. Ở một khía cạnh nào đó, có thể khuyến khích người tiêu dùng chuyển từ thiết bị này sang thiết bị khác, thúc đẩy họ cắt giảm việc sử dụng năng lượng cá nhân; đưa ra các khoản tín dụng thuế và các gói hỗ trợ/chính sách mua xe điện hoặc trang bị thiết bị dân dụng, khuyến khích mua một lượng năng lượng tái tạo nhất định hoặc chế tạo ô tô đáp ứng tiêu chuẩn quãng đường nhất định. Ở khía cạnh khác, nhà nước đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra thị trường để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ. Phần lớn, đây là một thách thức chính trị, không phải chính sách hay kỹ thuật.

Dù sao, việc triển khai không thể tách rời khỏi sản xuất. Từ quan điểm khí hậu, một tấm pin mặt trời là một tấm pin mặt trời cho dù nó được sản xuất ở đâu. Nhưng từ góc độ kinh tế và an ninh quốc gia, vấn đề sản xuất có ý nghĩa đặc biệt. Ở góc nhìn từ nhà phân tích Mỹ, người ta lưu ý đến nơi được đầu tư xây dựng sản xuất và cần đặt ra câu hỏi về lý do tại sao các công ty sản xuất có xu hướng đặt nhà máy ở nước ngoài và đặt ra câu hỏi về vai trò của Mỹ không chỉ trong khâu tiêu thụ hay đầu tư, mà trong khâu tham gia chuỗi cung ứng.

Việc tăng gấp đôi R&D và khuyến khích triển khai công nghệ xanh sẽ đánh dấu sự đảo ngược các chính sách của Mỹ trong vài năm qua. Quốc gia này luôn đấu tranh để thực hiện chiến lược năng lượng xanh. Nhưng chính quyền Trump đã tiến xa hơn trong việc giảm gấp đôi nhiên liệu hóa thạch, đi ngược lại với xu thế, ưu tiên xuất khẩu hydrocarbon, cơ sở hạ tầng và kích thích tiêu dùng. Khi đường ống dẫn dầu khí gặp trục trặc, chính quyền có rất nhiều điều để nói, nhưng việc cho phép thực hiện một dự án điện gió ngoài khơi là điều không thể thực hiện được. Chính quyền đang cố gắng nới lỏng các tiêu chuẩn ô tô thay vì hợp tác với các nhà sản xuất để tạo ra chiếc ô tô của tương lai. Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang đã khiến việc triển khai năng lượng tái tạo trở nên khó khăn hơn bằng việc gây nghi ngờ về quyền hỗ trợ các ngành công nghiệp mới của một bang.

Dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá sẽ cạnh tranh trong một thế giới với những hạn chế chặt chẽ hơn về môi trường đối với việc sản xuất và sử dụng chúng. Các công ty năng lượng truyền thống, nếu không chuẩn bị cho tương lai, sẽ gặp bất lợi trong bối cảnh cạnh tranh mới. Chính sách của Mỹ trong thời gian qua thể hiện ý muốn làm bá chủ thế giới về xuất khẩu dầu khí, xong mong muốn này đang vượt quá xa thực tế. Hiện sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ đã tăng đến mức kỷ lục, khó có thể nhìn xa hơn trong ngắn hạn khả năng khai thác bền vững có thể nằm ở đâu đó ngoài quốc gia này. Tương lai Mỹ có thể tụt hậu trong khai thác dầu khí có thể sẽ đến sớm.

Nếu không từ bỏ ý định bá chủ về nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần và bắt đầu đuổi theo xu hướng, Mỹ có thể sẽ bị tụt hậu trong cuộc đua năng lượng mới mà EU và Trung Quốc đã bắt đầu.

HTM
https://petrotimes.vn/my-dang-mat-phuong-huong-va-tut-hau-trong-phat-trien-nang-luong-tai-tao-583301.html