Posts

Nhà thông minh tạo ra năng lượng

Một công ty ở Bồ Đào Nha đã thiết kế những ngôi nhà luôn quay về phía mặt trời để hấp thu và tạo ra năng lượng. Lấy cảm hứng từ hoa hướng dương, kiến ​​trúc của ngôi nhà tích hợp sự đổi mới và bền vững đồng thời cũng thích ứng với nhu cầu của người sử dụng.

Theo nhóm nghiên cứu, ngôi nhà có thể tự sản xuất 25.000 kWh điện mỗi năm, gấp 5 lần lượng điện một ngôi nhà cần sử dụng. Việc luôn quay về hướng mặt trời giúp nó sản xuất nhiều hơn 45% điện so với thông thường.


Ngôi nhà luôn quay về phía mặt trời để hấp thu và tạo ra năng lượng.

Ngôi nhà kết hợp 2 chuyển động. Chuyển động xoay của phần mái từ các tấm điện mặt trời và chuyển động xoay của chính ngôi nhà. Các tấm điện mặt trời có thể điều chỉnh phù hợp từng loại thời tiết. Chúng có thể tạo ra bóng râm hoặc mở ra để mặt trời chiếu vào làm ấm không gian bên trong. Sự kết hợp của hai chuyển động này tạo nên hiệu ứng hoa hướng dương. Năng lượng được tạo ra từ ngôi nhà có thể dùng để sạc xe ô tô điện.

Người sử dụng có thể mở cửa, bật đèn và điều chỉnh không gian bên trong như ý muốn. Ngôi nhà có thể dễ dàng di chuyển và phù hợp mọi nơi trên thế giới.

G.Minh
https://petrotimes.vn/nha-thong-minh-tao-ra-nang-luong-570443.html

4 công trình sử dụng điện mặt trời lớn nhất thế giới

Hiện nay, nhiều công trình, dự án quy mô lớn trên thế giới đã chú trọng sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, vừa giúp tiết kiệm năng lượng, vừa bảo vệ môi trường.

Cao ốc văn phòng “Án Nhật Nguyệt”

Cao ốc văn phòng “Án Nhật Nguyệt” được xây dựng ở thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, vùng Tây Bắc Trung Quốc. Tòa nhà rộng 75.000 m2, được thiết kế dạng cấu trúc đồng hồ mặt trời. Hệ thống pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái, đáp ứng yêu cầu sử dụng năng lượng cho các trung tâm triển lãm, khu vực nghiên cứu, trung tâm hội nghị và một khách sạn bên trong tòa cao ốc này.

Mặt tiền khu cao ốc có màu trắng, tượng trưng cho năng lượng sạch. Cấu trúc bên ngoài chỉ sử dụng 1% thép cho thiết kế kiểu “tổ chim”. Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống cách nhiệt cho tường và mái đã giúp lượng điện tiêu thụ của tòa cao ốc giảm 30%, vượt tiêu chuẩn quốc gia (Trung Quốc) về tiết kiệm năng lượng.

Cầu đi bộ


Cầu đi bộ Kurilpa

Cầu đi bộ Kurilpa bắc ngang con sông Brisbane trị giá trên 63 triệu USD, dài 470m, nằm tại vị trí đắc địa trong khu trung tâm thương mại và tài chính của thành phố Brisbane (Australia). Theo ước tính, hơn 1.050 người đã được huy động để xây dựng cầu đi bộ sử dụng năng lượng mặt trời được coi là lớn nhất thế giới này.

Cầu Kurilpa sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED được lập trình để tạo ra một loạt các hiệu ứng ánh sáng khác nhau. Hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng sử dụng 84 tấm pin mặt trời phát điện với công suất khoảng 100 kWh/ngày. Lượng điện dư từ các tấm pin mặt trời sẽ được hòa lưới điện quốc gia (hệ thống đèn LED chỉ sử dụng 75% điện năng mặt trời).

Tàu 3 thân


Tàu 3 thân PlanetSolar

PlanetSolar được xem là tàu 3 thân sử dụng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, được sản xuất tại một xưởng đóng tàu tại Kiel (Đức) của Công ty Immo Stroeher. Tàu không có các cánh buồm, mà thay vào đó là các tấm pin mặt trời, đủ để chu du vòng quanh thế giới trong 140 ngày.

Tàu dài 30m, rộng 15m, nặng 58 tấn. Các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp trên phần nóc rộng 508m2. Các tấm panel có khả năng sản xuất ra 1.000 W điện mỗi ngày. Lượng điện dư sẽ được trữ trong những bình điện giúp chiếc tàu tiếp tục hành trình mà không cần ánh nắng mặt trời trong vòng 3 ngày. Tàu chạy với tốc độ khoảng 18km/giờ.

Hệ thống âm thanh sử dụng năng lượng mặt trời


Sân vận động thành phố Cao Hùng (Đài Bắc Trung Hoa)

Hệ thống âm thanh này được xây dựng trong Sân vận động thành phố Cao Hùng (Đài Bắc Trung Hoa), có khả năng phát ra âm thanh cực lớn (105db) phục vụ cho 40.000 khán giả. Sân vận động siêu hiện đại trị giá 5 tỉ USD có phần mái cực rộng 14.155m2, với gần 9.000 tấm pin mặt trời giúp tạo ra điện năng dành riêng cho hệ thống âm thanh khổng lồ này là 1,14 triệu kWh/năm. Đồng thời, giúp giảm bớt 660 tấn khí thải CO2 vào bầu khí quyển mỗi năm.

Toàn bộ hệ thống âm thanh bao gồm 60 dàn loa Apogee Sound AE-7SX chịu được thời tiết xấu, phục vụ cho việc truyền thông tin đến khu vực khán đài; 12 bộ loa Apogeee Sound ALA-5WSX phục vụ khu vực thi đấu; 2 bộ loa Apogee Sound AFI-205 và 2 bộ AFI-Point dành cho Phòng Kiểm soát và theo dõi.

Theo tietkiemnangluong.vn
https://petrotimes.vn/4-cong-trinh-su-dung-dien-mat-troi-lon-nhat-the-gioi-570032.html

Các nhà khoa học Đức công bố tấm pin mặt trời cho hiệu suất gấp đôi

Viện nghiên cứu Helmholtz-Zentrum Berlin (HZB) mới đây đã phát triển thành công tế bào quang điện màng mỏng có tên Tadem cho tỷ lệ chuyển đổi năng lượng lên tới 24,16%.

Theo đó, loại pin mới kết hợp hai chất bán dẫn CIGS và perovskite để chuyển đổi các thành phần khác nhau của quang phổ ánh sáng thành năng lượng điện.

Cụ thể, các perovskite kim loại halogen tập trung vào ánh sáng khả kiến (một phần của quang phổ điện từ mà mắt con người có thể nhìn thấy), trong khi hợp chất CIGS (gồm: đồng, indi, gali và selen) có khả năng chuyển đổi một phần ánh sáng hồng ngoại mà mắt thường không thể nhìn thấy.

Pin mặt trời song song CIGS – perovskite.

Các tế bào CIGS có thể lắng đọng dưới dạng màng mỏng khoảng 3-4 micromet. Các lớp perovskite thậm chí còn mỏng hơn nhiều với độ dày chỉ 0,5 micromet. Do đó, các tế bào pin mặt trời song song Tadem chỉ có độ dày chưa tới 5 micromet, cho phép sản xuất các module năng lượng linh hoạt.

Tạp chí Joule dẫn lời GS TS Steve Albrecht thuộc HZB, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Sự kết hợp này mang tới trọng lượng nhẹ và khả năng chống chiếu xạ, có thể ứng dụng trong công nghiệp vệ tinh không gian”.

Ông Albrecht cùng các cộng sự đã tiến hành lắng đọng trực tiếp perovskite lên trên lớp CIGS bằng một kỹ thuật mà nhóm tự phát triển. Họ thêm các phân tử đặc biệt, được gọi là SAM vào chất bán dẫn CIGS để tạo thành một lớp đơn phân tử tự tổ chức, giúp cải thiện khả năng tiếp xúc giữa perovskite và CIGS.

Được biết, tế bào quang điện song song mới cho hiệu suất chuyển đổi năng lượng lên tới 24,16%, cao hơn nhiều so với các pin năng lượng thương mại hiện có trên thị trường, dao động từ 5-15%.

Điều này đã được chứng nhận bởi Viện nghiên cứu Hệ thống năng lượng mặt trời Fraunhofer (ISE) của Đức.

Bảo Lam
https://petrotimes.vn/cac-nha-khoa-hoc-duc-cong-bo-tam-pin-mat-troi-cho-hieu-suat-gap-doi-569595.html

Công bố Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam 2.0

Việt Nam có nhiều tiềm năng về nước, gió và năng lượng Mặt Trời để phát triển điện sạch, cơ hội để xây dựng nhà máy khí và pin cho điện tái tạo là rất khả thi.

Sáng 27/2 tại Hà Nội, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) chính thức công bố Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam (Phiên bản 2.0).

Đại diện Liên minh VBF, bà Virginia Foote, cho biết trong khi năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và trở nên bức thiết đã đặt ra yêu cầu khai thác nguồn năng lượng tái tạo, sạch, an toàn để thay thế. Việc làm này còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ môi trường sống.

Vì lẽ đó, bằng nhiều biện pháp, các cơ quan chức năng nên khuyến khích việc sử dụng hệ thống pin Mặt Trời trên các tầng mái, thậm chí có thể lan tỏa thành các phong trào rộng khắp trong cộng đồng xã hội. Đó chính là lý do, VBF công bố Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam (Phiên bản 2.0).

Báo cáo được hoàn thành nhờ sự nỗ lực của tập thể các thành viên Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – một kênh đối thoại chính sách cấp cao giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm 15 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Hệ thống điện Mặt Trời áp mái được lắp đặt trên nóc trụ sở Công ty Điện lực Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Theo ông Rockhold, Trưởng nhóm nghiên cứu điện và năng lượng (VBF), Việt Nam có nhiều tiềm năng về nước, gió và năng lượng Mặt Trời để phát triển điện sạch. Cơ hội để xây dựng nhà máy khí và pin cho điện tái tạo là rất khả thi.

Cũng đã có nhiều nhà đầu tư rất quan tâm tới lĩnh vực này. Cơ bản là cần những cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy họ từ chỗ chỉ quan tâm sang hiện thực hóa thành các quyết định đầu tư.

Nhu cầu sử dụng điện đang ngày càng tăng cao và việc hoàn thiện hệ thống truyền tải điện cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt, trong khi đó, nguồn lực của Nhà nước lại có hạn.

Vì thế, rất cần động lực để thúc đẩy hợp tác đối tác công tư. Qua đó, đề cao hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong các khâu như quản lý, phân phối giá bán lẻ hợp lý…

“Thực tế cho thấy, khối tư nhân có thể thực hiện được nhiều việc đối với các dự án năng lượng và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Sau khi biểu giá bán điện FiT được ban hành vào tháng 9/2016, khối tư nhân đã lắp đặt được xấp xỉ 5,2 GW năng lượng Mặt Trời. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai khi việc chuyển sang sử dụng khí như một phụ tải nền để hỗ trợ hàng chục các dự án năng lượng tái tạo được đề xuất. Do đó, hơn lúc nào hết, thúc đẩy hợp tác đối tác công tư trong phát triển năng lượng tái tạo là việc làm cần thiết ở thời điểm này,” ông John Rockhold nhấn mạnh.

Ấn bản đầu tiên “Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam 1.0” đã hoàn thành trong năm 2016-2017./.

Thạch Huê (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/cong-bo-ke-hoach-nang-luong-san-xuat-tai-viet-nam-20/625447.vnp

Pin mặt trời có sản sinh điện vào ngày mưa?

Thực tế, các tấm pin mặt trời hấp thụ bức xạ từ ánh sáng mặt trời nên những ngày dù không có nắng, nhiều mây, mưa nhưng cường độ bức xạ tốt vẫn giúp pin mặt trời sản sinh được ra điện.

Theo các chuyên gia Công ty Cổ phần thương mại SolarGATES, trong một số trường hợp trời âm u nhưng bức xạ mặt trời cao vẫn sản sinh ra nhiều điện hơn trời nắng gắt do pin chịu hấp thụ kém hơn khi nhiệt độ tấm pin tăng cao quá 40 độ C.

Ngoài ra, hiểu lầm khác thường thấy về pin mặt trời là sau khi hết hạn sử dụng (khoảng 25 năm), pin mặt trời sẽ trở thành rác thải độc hại cho môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, thành phần cấu tạo của pin mặt trời gồm 76% thủy tinh, 10% plastic, 8% aluminium, 5% silicon, 1% kim loại.

Các vật liệu trên thường thấy trong sản xuất các đồ dùng trong đời sống hằng ngày, không phải rác thải độc hại như nhiều người vẫn nghĩ. Nguyên nhân dẫn đến nhận định trên có lẽ xuất phát từ hiểu lầm của tên gọi “pin” mặt trời làm nhiều người liên tưởng đến các loại pin tích điện thông thường và đưa sản phẩm vào diện nguy hiểm, cần được thu hồi gấp để xử lý.

Nhiều cơ quan kiểm soát ở các bang và liên bang Mỹ đã cho tiến hành thí nghiệm để kiểm tra tính nguy hại đến môi trường của pin mặt trời nhưng phần lớn các sản phẩm đều vượt qua các kiểm tra này và các cơ quan này không đưa pin mặt trời vào diện kiểm soát chất thải nguy hại.

Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời cũng đã và đang nghiên cứu quy trình tái chế tấm pin sau 25 năm, góp phần xây dựng phát triển năng lượng sạch bền vững.

M.P

https://petrotimes.vn/pin-mat-troi-co-san-sinh-dien-vao-ngay-mua-564933.html

Khám phá thiết bị đặc biệt có khả năng tạo ra điện từ không khí

Các khoa học tại Đại học Massachusetts tại Amherst (Mỹ) vừa phát triển thiết bị mới sử dụng protein tự nhiên để tạo ra điện từ độ ẩm trong không khí.

Thiết bị đặc biệt nói trên có tên Air-gen với cấu trúc tương tự một máy phát điện không khí bao gồm một màng mỏng dệt bằng các sợi dây protein (thin film of protein nanowires). Protein tự nhiên được nuôi cấy nhờ loài vi sinh vật Geobacter để tạo ra điện từ độ ẩm trong không khí.

Thiết bị này có thể hoạt động trong nhiều tháng và trong nhiều môi trường, kể cả trong bóng tối, trong nhà kín và thậm chí cả những nơi khô cằn như sa mạc Sahara. Trong tương lai, một công nghệ như vậy có thể sạc tất cả các thiết bị điện gia dụng. Việc tạo ra công nghệ này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu và tương lai của y học.

“Chúng tôi thực sự tạo ra điện từ không khí mỏng. Air-gen tạo ra năng lượng sạch 24/7. Đây là ứng dụng tuyệt vời”, kỹ sư điện Jun Yao từ Đại học Massachusetts nói.

Cũng theo các nhà khoa học, phương pháp tạo ra điện từ không khí là một trong các phương pháp tái tạo năng lượng sạch và rẻ tiền. Công nghệ mới cho thấy kết quả tốt hơn khi được sử dụng trong môi trường có độ ẩm tương đối 45%.

Ưu điểm của công nghệ nói trên so với việc sử dụng năng lượng Mặt trời hoặc năng lượng gió là nó độc lập với thời tiết và hoạt động ngay cả trong nhà. Air-gen chỉ cần một màng mỏng gồm các dây nano protein dày dưới 10 micron. Đế của màng bao gồm một điện cực, và một điện cực nhỏ hơn bao phủ một phần màng từ phía trên. Màng hấp thụ bụi nước từ không khí. Sự kết hợp giữa tính dẫn điện và hóa học của các dây protein, cũng như lỗ rỗng giữa các dây tạo ra điều kiện phát sinh điện áp trong thời gian ít nhất hai tháng.

Nhóm nghiên cứu cho biết, một máy phát điện như vậy có thể cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện nhỏ. Do đó, nhóm đang có kế hoạch tạo ra một miếng dán nhỏ gồm các dây nano để có thể cung cấp năng lượng cho các thiết bị y tế gọn nhẹ, máy theo dõi thể dục và đồng hồ thông minh để giảm bớt dần việc sử dụng pin.


Ảnh minh họa

Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của các nhà khoa học là tạo ra một hệ thống năng lượng quy mô lớn. Ví dụ, một lớp sơn có thể được phủ lên tường của một căn hộ để sạc lại tất cả các thiết bị điện gia dụng.

“Mục tiêu cuối cùng là tạo ra các hệ thống quy mô lớn. Ví dụ, công nghệ có thể được tích hợp vào sơn tường có thể giúp cung cấp năng lượng cho ngôi nhà của bạn. Hoặc chúng tôi có thể phát triển các máy phát điện chạy bằng không khí. Một khi chúng ta đạt đến quy mô công nghiệp để sản xuất dây protein, chúng ta hoàn toàn mong đợi rằng có thể tạo ra các hệ thống lớn đóng góp cho sản xuất năng lượng bền vững”, một nhà khoa học nhấn mạnh.

Liên quan tới các nỗ lực tận dụng năng lượng từ không khí để sản xuất điện, trước đó, vào năm 2011, một doanh nhân người Úc là Roger Davey có ý tưởng tạo ra nguồn điện sạch từ khí nóng để cung cấp cho các hộ gia đình với mục đích chính là tạo ra nguồn năng lượng sạch, an toàn và không phát thải cacbon vào môi trường.

Roger Davey đã xây dựng một ngọn tháp năng lượng mặt trời khổng lồ cao 2.600 feet ở sa mạc Arizona. Tháp có chức năng thu nhận các luồng không khí nóng làm quay 32 tuabin, từ đó tạo nguồn năng lượng cơ khí. Nguồn năng lượng cơ khí này sau đó sẽ được chuyển đổi thành điện năng.

Mỗi ngọn tháp như vậy có thể tạo ra trung bình 200 MW điện/ngày, đủ cung cấp cho 100.000 hộ gia đình. Được biết, tháp khí nóng sẽ được xây bằng xi măng và chỉ thấp hơn so với tòa nhà chọc trời Khalifa Burj ở Dubai, có thể hoạt động được đến 80 năm, lâu hơn rất nhiều so với tuổi thọ của một tấm pin mặt trời. Tổng chi phí cho toàn bộ dự án vào khoảng 750 triệu USD. Tới năm 2012, các nhà khoa học Nga cũng đã phát minh ra một phương pháp mới để sản xuất nguồn điện liên tục từ không khí nhiễm tĩnh điện.

Trưởng phòng thí nghiệm của Viện Nông nghiệp Leonid Yuferev khẳng định rằng các thành viên của Viện đã thành công trong việc chuyển đổi tĩnh điện thành dòng điện một cách hiệu quả.

“Thực tế khí quyển nhiễm điện thì người ta đã biết cách đây hơn 200 năm. Tất cả các nghiên cứu được thực hiện từ lâu, hơn 100 năm trước. Bây giờ chúng tôi đề xuất không triệt tĩnh điện từ khí quyển, bởi vì điều đó đã được rất nhiều người làm. Chúng tôi nghiên cứu chế tạo các thiết bị sẽ chuyển đổi tĩnh điện thành dòng điện. Trong đề án của chúng tôi tĩnh điện từ bầu không khí được chuyển đổi thành điện bằng cách sử dụng công nghệ Tesla để nhận được dòng thông thường điện áp thấp tiêu chuẩn, nhằm sử dụng trong các hộ gia đình và một số ứng dụng công nghiệp”, ông Yuferev giải thích.

Ông Leonid Yuferev cho biết thiết bị thí nghiệm rất nhỏ gọn: “Thiết bị công suất 50 watt có kích thước khoảng 20x20x10 cm, có nghĩa là nó khá nhỏ. Trọng lượng của nó khoảng 1kg. Các kích thước của thiết bị tương ứng với công suất của nó. Nếu làm cho công suất mạnh hơn, tất nhiên, nó sẽ có kích thước lớn hơn”.

Theo Leonid Yuferev, triển vọng áp dụng thiết bị mới sẽ hữu ích tại các vùng sâu vùng xa, nơi kéo đường dây điện thông thường là không khả thi vì không kinh tế, mà ở đó không khí lại mang rất nhiều tĩnh điện. Ví dụ, ở vùng núi hoặc tại Nam Cực. Các chuyên gia khẳng định rằng đây sẽ là cách rẻ nhất để tạo ra năng lượng ở những nơi như vậy. Bằng cách này có thể áp dụng để cấp điện cho các hải đăng xa xôi.

Bảo Lâm (Theo Phys.org)
http://vietq.vn/kham-pha-thiet-bi-dac-biet-co-kha-nang-tao-ra-dien-tu-khong-khi-d169867.html