Posts

Mekong Capital và HUSK ký khoản đầu tư 5 triệu USD thúc đẩy nông nghiệp tái tạo

Quỹ Mekong Enterprise Fund IV Và HUSK ký thỏa thuận đầu tư 5 triệu USD nhằm thúc đẩy nông nghiệp tái tạo tại Đông Nam Á.

Ngày 15/5, Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV) thông báo đã ký kết thỏa thuận đầu tư trị giá 5 triệu đô la Mỹ với HUSK, một công ty tiên phong trong lĩnh vực sản xuất than sinh học và phân bón sinh học cam kết các ứng dụng thực tiễn về nông nghiệp tái tạo tại Đông Nam Á.

Đây là minh chứng cho cam kết của MEF IV trong việc mang lại cả lợi nhuận tài chính lẫn các tác động có ý nghĩa về xã hội và môi trường trên toàn khu vực.

HUSK được thành lập vào năm 2017 bởi hai doanh nhân nữ Heloise Buckland và Carol Rius. Sau đó, khi Richard Kendall tham gia vào năm 2019, công ty đã nhanh chóng phát triển thành một công ty dẫn đầu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tận dụng công nghệ tiên tiến, HUSK sản xuất than sinh học, phân bón có chứa carbon hữu cơ (carbon based fertilizer) và các sản phẩm bảo vệ cây trồng hướng đến giải quyết các thách thức mà nông dân đang phải đối mặt, như hiệu suất thu hoạch không đều, không ổn định, sâu rầy, dịch bệnh, và các cách thức canh tác đất làm cạn dinh dưỡng đất. Những vấn đề này ngày càng trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Bà Heloise Buckland, CEO và đồng sáng lập của Husk, cho biết, sứ mệnh của HUSK là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp tái tạo. Để đạt được điều này, chúng tôi đã phát triển một hệ thống công nghệ và sản phẩm độc đáo giúp cải thiện chất lượng đất, hấp thụ carbon và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

“Nông dân lựa chọn sản phẩm của chúng tôi vì chúng mang lại giá trị vượt trội so với các loại phân bón thông thường, hỗ trợ sức khỏe đất lâu dài, bảo vệ cây trồng và cải thiện hiệu quả sử dụng nước và dưỡng chất. Cam kết của Mekong Capital trong việc hỗ trợ tầm nhìn của chúng tôi đến vào thời điểm vô cùng quan trọng, khi nhu cầu về các giải pháp bền vững có thể nhân rộng và có ảnh hưởng đối với việc chống thoái hóa đất đang ở mức cấp bách nhất”, bà Heloise Buckland nói.

Cũng theo bà Bà Heloise Buckland, việc ký kết khoản đầu tư trên không chỉ là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển nhanh chóng của HUSK với tư cách là nhà sản xuất hàng đầu về phân bón hữu cơ, mà còn là phần thiết yếu trong việc thúc đẩy sự áp dụng than sinh học như một nền tảng quan trọng trong việc gia tăng các thực hành nông nghiệp tái tạo trên khắp Đông Nam Á. Đội ngũ của HUSK rất mong chờ được hợp tác cùng Mekong Capital trong giai đoạn tiếp theo của hành trình đầy triển vọng này”.

Bà Ellen Văn, Trưởng nhóm Tư vấn Đầu tư tại Mekong Capital và là người phụ trách khoản đầu tư vào HUSK, chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác với HUSK trong việc kết hợp tri thức và sự đổi mới để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp tái tạo. Tại Mekong Capital, chúng tôi luôn tin tưởng vào việc đầu tư vào những công ty không chỉ mang lại những con số lợi nhuận mà còn tạo ra tác động tích cực đối với xã hội và môi trường. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ sứ mệnh của HUSK và mong muốn hỗ trợ sự phát triển của họ trong những năm tới, là minh chứng cho mối quan hệ tương hỗ giữa tác động xã hội và lợi nhuận tài chính.”

Được thành lập vào năm 2017 bởi Heloise Buckland và Carol Rius, HUSK là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tái tạo tại Đông Nam Á. Khi Richard Kendall gia nhập vào năm 2019, công ty ưu tiên về lãnh đạo nữ và các giải pháp đổi mới. Theo đó, HUSK chú trọng đào tạo phụ nữ làm đại sứ nông nghiệp carbon, tạo động lực cho họ để thúc đẩy các hoạt động bền vững và phổ cập cho mọi người về ‘sức khỏe’ của đất. Phương pháp này, kết hợp với các nỗ lực bán hàng được trực tiếp dẫn dắt bởi các nữ lãnh đạo tại Campuchia, đã đóng góp 27% doanh số bán hàng trong năm 2023.

Tại Việt Nam, HUSK tiếp thị sản phẩm của mình chủ yếu ở các vùng trung du cho cây rau và cà phê, và các vùng đồng bằng sông Cửu Long cho việc canh tác lúa. Công ty đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về phân bón hữu cơ tại Việt Nam theo mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhằm nâng tỷ lệ sản phẩm hữu cơ được đăng ký lên 25% vào năm 2025. HUSK cũng có kế hoạch đầy tham vọng để đưa Việt Nam lên vị trí dẫn đầu trong việc giảm thiểu carbon trong các chuỗi giá trị quan trọng như cà phê và lúa gạo, bằng cách cải tạo đất, hấp thụ carbon và giảm sử dụng phân bón tổng hợp.

Là Quỹ thứ năm do Mekong Capital tư vấn, MEF IV, là quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân với quy mô quỹ là 246 triệu USD. MEF IV sẽ tiếp tục chiến lược thành công của Mekong Capital trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, tập trung vào các công ty trong lĩnh vực tiêu dùng đang tăng trưởng tốt nhờ vào sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và việc ứng dụng các phương thức kinh doanh hiện đại.

Theo đó, Quỹ sẽ đặc biệt tập trung vào các ngành bán lẻ, giáo dục, nhà hàng, dịch vụ tiêu dùng, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và chăm sóc sức khỏe như Entobel, Rever, LiveSpo, Tập đoàn HSV , Mutosi , Marou, Gene Solutions và F88.

Với cách tiếp cận Đầu tư vốn cổ phần tư nhân mang tính chuyển hóa và mô hình Đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng, MEF IV hướng đến thực hiện cam kết đồng hành cùng các công ty hiện thực hóa tầm nhìn của họ.

https://baodautu.vn/mekong-capital-va-husk-ky-khoan-dau-tu-5-trieu-usd-thuc-day-nong-nghiep-tai-tao-d215224.html

Sản xuất than sinh học giúp giảm phát thải

Tại Hội thảo trực tuyến “Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững” vừa diễn ra, các chuyên gia trong và ngoài nước đã giới thiệu tiềm năng sản xuất, ứng dụng than sinh học tại Việt Nam và đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp.

Hội thảo trực trực tuyến có sự tham dự của nhiều đại diện quốc tế, chia sẻ về các tiềm năng ứng dụng than sinh học.

Theo ông Nguyễn Hà Huế – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT), than sinh học được tạo ra từ các loại phế, phụ phẩm trong nông nghiệp. Tại Việt Nam, nguồn nguyên liệu này rất dồi dào, khoảng trên 120 triệu tấn/năm nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để.

Việc ứng dụng than sinh học tại Việt Nam sẽ giúp hướng đến mục tiêu “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải nhà kính 10% so với năm 2020”, cùng với đó là thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam, chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng sạch và than sinh học có giá trị cao – ông Huế khẳng định.

Tại Hội thảo, đại biểu được nghe các chuyên gia chia sẻ những nội dung về nhu cầu và xu hướng thế giới về than sinh học, cụ thể tại Việt Nam; than sinh học và các mô hình ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam; kinh tế tuần hoàn than sinh học từ vỏ cà phê ở Việt Nam; kinh nghiệm phát triển than sinh học trên thế giới.

Than sinh học còn được mệnh danh là “vàng đen”

Than sinh học còn được mệnh danh là “vàng đen” vì những tác dụng quý báu của nó đối với nông nghiệp và môi trường. Với đặc tính như một bể chứa Cacbon tự nhiên, than sinh học giúp cô lập và giữ khí CO2 trong đất và đặc tính xốp giúp đất giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi khuẩn có lợi cho đất. Khi chôn dưới đất, sau phân hủy sẽ cho ra một loại phân bón hữu cơ, đây là một loại phân bón tốt và thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, than sinh học còn có tác dụng khử mùi và khử trùng hoặc có thể sử dụng kết hợp với chế phẩm vi sinh để làm lớp thảm sinh học cho các trại chăn nuôi gia cầm.

Theo đó, than sinh học có đặc tính là cải thiện dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng; đẩy mạnh quá trình rửa trôi muối, ức chế sự xâm nhập của Na+ cải thiện và phục hồi đất nhiễm mặn, tăng sức chống chịu của cây trồng; tăng giữ nước, giữ dinh dưỡng trong đất. Đồng thời, việc sử dụng TSH trong trồng trọt cho thấy việc bón phân TSH sản xuất từ nguồn phụ phẩm rơm rạ, trấu, lõi bắp, thân, lá, cành các loại cây trồng… có sẵn làm tăng độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí đầu tư phân bón, góp phần giảm phát thải nhà kính…

Hiện nay, nguồn nguyên liệu sản xuất than sinh học ở Việt Nam rất phong phú và giá thành rẻ như: Xương động vật, vỏ cua, vỏ ốc hến, tro bếp, xác của các loại động thực vật, các loại cây thủy sinh (tảo, bèo..), vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ đậu phụng, bã mía, vỏ dừa, vỏ ca cao cho đến cây tre, lau sậy, phế thải từ khai thác rừng, cùng rất nhiều các chất thải xanh khác. Tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú, sẵn có, rẻ tiền, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu sang các nước dựa trên yếu tố cạnh tranh về chi phí.

Đại diện UNIDO đã giới thiệu công nghệ nhiệt phân của Thụy Sĩ là giải pháp tiên tiến, chi phí thấp được thiết kế để sử dụng tại Viêt Nam, áp dụng cho mô hình hợp tác xã và nhà máy chế biến nông sản tại Đắk Lắk. Sản phẩm đầu ra của công nghệ nhiệt phân không chỉ là than sinh học mà còn cả năng lượng phục vụ quá trình sấy, sản xuất điện và tạo ra doanh thu cho các nông hộ.

Với sự tài trợ của Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sĩ (SECO), giai đoạn 2020-2022, UNIDO ưu tiên tập trung nhân rộng mô hình công nghệ nhiệt phân giữa các nhóm áp dụng tiềm năng và thúc đẩy thương mại hóa công nghệ xanh này tại Việt Nam.

https://baotainguyenmoitruong.vn/san-xuat-than-sinh-hoc-giup-giam-phat-thai-339458.html