Posts

Để hydro xanh trở thành nhiên liệu cạnh tranh

Theo đánh giá của S&P Global Ratings, hydro xanh sẽ trở thành nhiên liệu cạnh tranh nếu giảm được 50% chi phí.

Hiện tại, nhu cầu toàn cầu về hydro là 73 triệu tấn. Khoảng 50% được tiêu thụ trong tinh chế, 40% trong sản xuất phân bón.

Chi phí sản xuất hydro phụ thuộc nhiều vào giá khí đốt và các nguồn năng lượng tái tạo. Vào tháng 10/2020, hydro xám tại Vịnh Mexico có giá 1,25 USD/kg, tại California – 2 USD/kg, tại Hà Lan – 1,7 USD/kg, tại Nhật Bản – 2,7 USD/kg. Chi phí cho hydro xanh cao hơn khoảng 0,2 USD/kg.

Chi phí hydro được sản xuất bằng điện phân, dựa trên giá điện giao ngay tại Vịnh Mexico là 2,8 USD/kg, ở California là hơn 4 USD/kg, ở Hà Lan – 4,3 USD/kg, ở Nhật Bản – 5,3 USD/kg.

Để hydro xanh trở thành nhiên liệu cạnh tranh, chi phí sản xuất phải giảm hơn một nửa – ít nhất là xuống còn 2 USD/kg. LCOE giảm 10 USD/MW vào năm 2030 có thể giảm chi phí hydro 0,4-0,5 USD/kg; giảm đơn vị CAPEX mỗi máy điện phân 250 USD/kW làm giảm giá hydro 0,3-0,4 USD/kg; tăng hiệu quả của máy điện phân từ 40% hiện tại lên 50% có thể dẫn đến giảm chi phí hydro 0,2-0,3 USD/kg.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/de-hydro-xanh-tro-thanh-nhien-lieu-canh-tranh-587323.html

Các cường quốc dầu khí đầu tư nhiều tỷ đô-la cho năng lượng xanh

Chính phủ Úc ủng hộ dự án năng lượng tái tạo trọng điểm Asian Renewable Energy Hub có mức đầu tư lên tới 36 tỷ USD xây dựng tổ hợp phong điện và điện mặt trời lớn nhất thế giới (diện tích 6.500 km2, bao gồm 1.600 tuabin phong điện và 78 km2 pin mặt trời) trong đó, một phần điện được xuất khẩu sang Singapore, một phần dùng để sản xuất hydro xanh (điện phân) xuất khẩu sang thị trường châu Á.

Ngoài ra, dự án quy mô này nhận được sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp lớn như Vestas, Intercontinental Energy, Macquarie Group và CWP Renewables. Bằng cách này, chính phủ Úc đã công nhận vai trò ngày càng tăng của năng lượng tái tạo, thể hiện sự quan tâm đến biến đổi khí hậu và dần giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đang mang lại nguồn doanh thu xuất khẩu 73 tỷ USD. Với quy mô lớn của dự án, nhà đầu tư kỳ vọng đạt được mục tiêu hạ giá thành hydro xanh xuống dưới 2 USD/kg, ngoài sử dụng như nhiên liệu sạch, nó có thể chuyển hóa thành amoniac để dễ dàng lưu trữ và vận chuyển.

Không chỉ riêng Úc, các quốc gia sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới như Ả rập Saudi và Nga cũng đang muốn tham gia vào thị trường xuất khẩu hydro xanh. Hồi tháng 7 vừa qua, liên doanh dẫn đầu bởi Air Products, ACWA Power và Neom đã công bố kế hoạch xây dựng tổ hợp điện tái tạo – hydro xanh trị giá 5 tỷ USD tại Ả rập Saudi với mục tiêu xuất khẩu amoniac vào năm 2025. Cả Úc, Ả rập Saudi và Nga đều có lợi thế về diện tích đất rộng, mật độ dân thấp, tuy nhiên, Úc được đánh giá là có nguồn tài nguyên năng lượng gió và mặt trời tốt nhất thế giới.

Cuối tháng 9/2020, Aramco đã xuất khẩu lô hydro đầu tiên sang Nhật Bản. Tuy khối lượng không lớn (40 tấn), nhưng đây là bước đi đáng kể của một tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới sang một mô hình kinh tế mới. Với vai trò ngày càng tăng của hydro trong ngành năng lượng toàn cầu, Aramco có kế hoạch chuyển vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực dầu mỏ sang lĩnh vực hydro. Bên cạnh những lợi ích về tài chính, qua đây, Aramco còn có thể nâng cao uy tín của mình trên thị trường chứng khoán quốc tế.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cac-cuong-quoc-dau-khi-dau-tu-nhieu-ty-do-la-cho-nang-luong-xanh-582109.html