Rác thải điện tử và những nguy hại khó lường
Rác thải điện tử là những sản phẩm điện hoặc điện tử đã hư hỏng, lỗi thời… Trong loại rác thải này có rất nhiều chất độc gây hại cho sức khỏe con người.
Rác thải điện tử tăng nhanh- mối lo ngại toàn cầu
Tình trạng rác thải điện tử tại khu vực châu Á đang hết sức nghiêm trọng, gây ra mối nguy hại lớn với sức khỏe và môi trường. Rác thải điện tử là những sản phẩm điện hoặc điện tử đã hư hỏng, lỗi thời… Loại rác này là mối lo ngại lớn trên toàn cầu. Nếu không có sự kiểm soát, các chất độc trong rác điện tử có thể ngấm vào đất hoặc các mạch nước ngầm, gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.
Châu Á hiện là thị trường thiết bị điện tử, gia dụng lớn nhất, chiếm gần một nửa doanh số toàn cầu, nhưng cũng là khu vực tạo ra nhiều rác thải điện tử nhất. Những yếu tố góp phần dẫn đến thực trạng này là thu nhập tăng, dân số trẻ bùng nổ, sản phẩm lỗi thời nhanh chóng do công nghệ cải tiến và mẫu mã không ngừng thay đổi và nạn buôn bán rác thải điện tử bất hợp pháp.
Mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 1 tỉ chiếc điện thoại di động và 300 triệu máy tính được đưa vào sản xuất. Chất thải điện tử toàn cầu dự kiến sẽ tăng 8% mỗi năm và có khoảng 80% số chất thải điện tử tạo ra ở Mỹ được “xuất khẩu” sang châu Á, phản ánh một luận điểm gây tranh cãi đáng kể khi người ta nhắc đến dòng chảy thương mại toàn cầu.
Tại Việt Nam, nhu cầu về thiết bị điện tử gia dụng trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự cải thiện mức sống người dân.
Rác thải điện tử đang là mối đe dọa toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Ảnh minh họa
Theo thời gian, do việc giảm liên tục giá thành mang tính cạnh tranh của thiết bị điện tử, cùng với những thay đổi về mẫu mã, loại hình và công năng sẽ tạo ra nhu cầu lớn thay đổi thiết bị điện tử gia dụng, dẫn đến phát sinh một lượng rác thải điện tử gia dụng lớn với tốc độ gia tăng nhanh chóng.
Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, mỗi người dân Việt Nam thải ra trung bình 1,3kg chất thải điện tử mỗi năm, tương đương 116.000 tấn. Chất thải điện tử hiện chiếm tới 2% trong tổng số toàn bộ chất thải hiện nay.
Số liệu thống kê từ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy, năm 2010 nước ta có khoảng hơn 3,77 triệu thiết bị điện và điện tử gia dụng bị thải ra với trọng lượng ước tính khoảng 113 nghìn tấn. Hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử. Ước tính đến năm 2025, riêng lượng rác thải là ti vi có thể lên tới 250 nghìn tấn.
Những chất độc từ rác thải điện tử
Rác thải điện tử chứa nhiều chất thải cực kì độc hại và hiện nay lượng rác này đang ngày càng tăng lên nhất là những nước đã và đang phát triển, đe dọa đến môi trường và sức khỏe con người.
Những rác điện tử như điện thoại, tủ lạnh… nhìn bề ngoài thì hoàn toàn thấy vô hại nhưng những chất cấu tạo nên nó mới thực sự độc hại. Những loại rác này thường được tạo bởi những kim loại nặng, những hợp chất hóa học dễ xâm nhập vào đất và nước.
Ở Việt Nam, các vựa ve chai thường thu mua loại rác này và họ tự tháo gỡ những bộ phận bên trong để bán lại. Chính vì sự vô tình này đã làm các chất độc hại bám vào đất và tích tụ dần thẩm thấu vào nguồn nước ngầm.
Không chỉ vậy, tay chân họ cũng dính những chất kim loại nặng đó, mặc dù rửa với xà bông nhưng nó vẫn sẽ còn bám lại và dễ gây bệnh cho họ về đường hô hấp, thậm chí ưng thư, suy giảm nhận thức…
Trong khi đó, hiện nay còn nhiều nhà máy xử lý rác điện tử còn thô sơ, không được vận hành một cách an toàn. Đốt cháy rác thải điện tử một cách bừa bãi, làm khí đốt độc hại lẫn vào không khí gây ô nhiễm không khí, trong đó có cả chất thải dioxin rất dễ gây ra quái thai, dị tật đối với thai nhi.
Rác thải điện tử là tivi, camera, màn hình máy tính thường có ống tia cực âm bên trong, ống chứa những chất như chì và baric dễ ngấm vào đất và nước ngầm nơi tái chế, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nơi đó khi sử dụng nước để nấu nướng, tắm rửa.
Rác thải điện tử nguy hiểm là thế, chính vì vậy không nên tái chế, đốt, xử lý một cách bừa bãi, không đúng quy định. Rác thải điện tử phải được phân loại và phải được xử lý đúng quy trình.
Hiện nay, thì không nhiều gia đình sử dụng nguồn nước ngầm thay vào đó là sử dụng nước máy, tuy nhiên nếu cứ tiếp tục xả rác thì không những nguồn nước ngầm mà cả nguồn nước biển, nước sông cũng chứa đầy kim loại nặng.
An Dương (T/h)
http://vietq.vn/rac-thai-dien-tu-va-nhung-nguy-hai-kho-luong-d184003.html