Posts

Khám phá robot hỗ trợ điều trị covid-19 mới được Việt Nam chế tạo thành công

Robot hỗ trợ điều trị Covid-19 mới được chế tạo thành công có thể làm giúp công việc của 3 đến 5 nhân viên y tế bằng nhiều tính năng như đưa thuốc, thu gom rác, đưa cơm cho bệnh nhân…

Tổ chuyên gia do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành lập vừa tiến hành buổi họp đánh giá kết quả giai đoạn 1 nghiên cứu, chế tạo robot Vibot-1a. Với tỷ lệ 100% thành viên đồng ý thông qua, Bộ KH&CN kiến nghị Bộ Y tế xem xét cho phép sử dụng robot Vibot-1a tại các cơ sở cách ly phòng chống dịch Covid-19.

Cách đây 2 tuần, trên cơ sở đề xuất của Học viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng), Bộ KH&CN đã quyết định giao cho Học viện Kỹ thuật quân sự thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo hệ thống robot hỗ trợ y tế có các tính năng hiện đại theo mẫu robot TUG của hãng Aethon, Mỹ. Các robot có thể hoạt động theo nhóm trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế các công việc phục vụ, chăm sóc bệnh nhân và người nghi nhiễm.

Với sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu trẻ, chỉ trong vòng 2 tuần, robot mang tên Vibot phiên bản 1a đã được chế tạo và có thể thuần thục đảm nhận nhiệm vụ tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… từ ngoài vào các buồng bệnh; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt… từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân.

Các robot Vibot được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với tải trọng lên đến 100kg. Mọi hoạt động của Hệ thống robot được giám sát, điều khiển bởi Trung tâm điều hành, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết.


Đại diện Học viện Kỹ thuật quân sự giới thiệu robot với các bác sĩ bệnh viện Bắc Thăng Long.

Phiên bản Vibot-1a sử dụng kỹ thuật dẫn đường bằng vạch từ và định vị bằng thẻ nhận dạng tuy đơn giản nhưng có độ tin cậy cao, cho phép robot tự di chuyển trong khu vực cách ly để thực hiện các nhiệm vụ. Vibot-1a có khả năng phát hiện và tránh va chạm vật cản nhờ các cảm biến trang bị ở phía trước và phía sau. Với khối nguồn pin công suất lớn và trạm sạc tự động, Vibot-1a có thể làm việc liên tục 12 giờ và tự động tìm về trạm để sạc khi cạn nguồn.

Hiện nay, sản phẩm Vibot-1a đã được lắp đặt, chạy thử nghiệm tại môi trường thực tế và nhận được phản hồi tốt tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội, nơi được quy hoạch để cách ly, điều trị các bệnh nhân Covid-19 khi dịch bùng phát.

Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, Vibot được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với tải trọng lên đến 100kg. Quá trình vận chuyển, robot có thể phát nhạc, phát bản tin giải trí. Sự dụng cảm biến thông minh, Vibot có thể phát ra nhiều âm thanh như “Xin tránh đường”, “Xin cảm ơn”, “Tạm biệt”.

Đặc biệt các bác sĩ có thể tương tác với bệnh nhân thông qua hệ thống đường truyền được thiết lập riêng, có camera gắn trực tiếp trên robot, có chất lượng hình ảnh, âm thanh cao. Nhờ đó hạn chế tiếp xúc trực tiếp, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo. Mọi hoạt động của Hệ thống robot được giám sát, điều khiển bởi Trung tâm điều hành, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết.

Qua tính toán sơ bộ, mỗi robot có thể thay thế được 3-5 nhân viên y tế. Ngoài việc giảm rủi ro lây nhiễm, việc sử dụng robot còn tạo điều kiện để nhân viên y tế tập trung thời gian, công sức phục vụ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng được tốt hơn.

Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng cho biết thêm, sau khi hoàn thành phiên bản Vibot-1a, nhóm nghiên cứu cũng đang tiếp tục nâng cấp và cải tiến các tính năng để robot có thể hoạt động hoàn toàn tự động và thông minh hơn, hướng tới mục tiêu chế tạo được Vibot có tính năng hiện đại như robot TUG của hãng Aethon, Mỹ. Với các tính năng ưu việt của mình, Vibot còn có thể được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp và đời sống, phục vụ tại các tòa nhà, kho hàng tự động hoặc các phân xưởng sản xuất và các môi trường đặc biệt khác để hỗ trợ vận chuyển theo yêu cầu.

GS. TS Đào Văn Hiệp, Tổ trưởng tổ chuyên gia do Bộ trưởng KH&CN thành lập cho biết, đề tài chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là hình thành sản phẩm để phục vụ cho khu cách ly nên công nghệ mới chỉ ở mức vừa phải, nghĩa là mới chỉ là robot tự hành. Giai đoạn hai sẽ tiếp cận với trình độ cao hơn đó là robot thông minh, việc di chuyển không phụ thuộc vào vạch chỉ đường mà phải theo bản đồ nạp sẵn hoặc robot tự xây dựng được bản đồ hoạt động của mình. Sau này robot không phải hoạt động một con mà hoạt động theo một nhóm robot lúc đó trung tâm điều khiển phải điều khiển được cả một nhóm robot, các robot có thể tương tác với nhau mà không phụ thuộc vào trung tâm điều khiển…

Đây là thành công quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong lúc dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới, khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam, cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung, Bộ KH&CN và các đơn vị có liên quan đến nghiên cứu nói riêng trước những vấn đề đặt ra từ cuộc sống.

Bảo Lâm

http://vietq.vn/kham-pha-robot-ho-tro-dieu-tri-covid-19-moi-duoc-viet-nam-che-tao-thanh-cong-d172316.html

Nhật Bản dùng công nghệ chụp được giọt bắn siêu nhỏ khi hắt hơi

Một clip tại Nhật Bản cho thấy công nghệ mới ghi lại được hình ảnh của những giọt nước siêu nhỏ bắn ra khi con người hắt hơi, có kích thước nhỏ hơn 10 micromet.

Trong clip, những thứ mà mắt thường chúng ta nhìn thấy là những giọt nước lớn với đường kính cỡ 1mm. Nó ngay lập tức rơi xuống mặt đất. Tuy nhiên khi quan sát bằng camera có độ nhạy lớn thì lúc này có thể thấy những hạt lấp lánh xuất hiện.

Đó là một hạt nhỏ hơn 10 micromet được bắn ra sau khi hắt hơi. Những hạt nhỏ này có khả năng trôi dạt xa vì rất nhỏ và nhẹ.

Khi chúng ta duy trì một cuộc trò chuyện sôi nổi trong khoảng cách rất gần giữa hai người, chúng ta có thể thấy rằng khi nói to sẽ có rất nhiều giọt nước nhỏ được bắn ra, nó tiếp tục trôi dạt giữa những người nói chuyện và không dễ dàng bị mất đi.


Những hạt siêu nhỏ vẫn trôi nổi trong không khí và lưu lại ít nhất 20 phút sau. (Ảnh chụp màn hình)

Chúng ta chưa biết được rằng có bao nhiêu giọt nước nhỏ sẽ lây từ người này sang người kia khi hít phải.

Có rất nhiều virus còn sống thậm chí trong những hạt rất là nhỏ, trong cuộc nói chuyện lớn giọng hay thở mạnh. Những hạt siêu nhỏ được tạo ra trong những trường hợp này và khi người ở gần hít phải, họ sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm.

Thêm nữa, khả năng là những giọt nước nhỏ có thể tăng nguy cơ lây nhiễm trong môi trường không thông thoáng đã và đang tăng lên.

Clip được quay lại trong một phòng thí nghiệm giả lập sự chuyển động của những giọt siêu nhỏ trong môi trường hẹp.

Trong trường hợp ở nơi có khoảng 10 người, tương đương trong phòng nhỏ hoặc trong 1 phòng lớn. Họ sẽ cho một người ho, khi đó đo được có khoảng 100.000 giọt nước lớn nhỏ bị bay ra.

Những hạt siêu nhỏ vẫn trôi nổi trong không khí và lưu lại ít nhất 20 phút sau.

Hình ảnh từ máy chụp cho thấy những giọt lớn màu xanh dương hoặc xanh lục hầu hết rơi xuống đất trong 1 phút, tuy nhiên, hạt siêu nhỏ (màu đỏ) vẫn trôi nổi trong không khí và lưu lại ít nhất 20 phút sau.

Do đó, nếu không khí không được lưu thông thì những giọt bắn siêu nhỏ này vẫn sẽ tồn tại trong môi trường và nếu có mang virus sẽ dễ dàng lây nhiễm bệnh. Biện pháp duy nhất để loại bỏ những giọt này là mở các cửa phòng để không khí được thông thoáng, như vậy sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm virus nếu có trong những giọt bắn siêu nhỏ này.

Công nghệ mới này của Nhật đã cho thấy lời khuyến cáo từ các cơ quan y tế về việc giữ khoảng cách an toàn và giữ cho phòng ốc thoáng khí để tránh lây nhiễm covid-19 là hoàn toàn chính xác và hiệu quả.

An Hạ
http://vietq.vn/nhat-ban-dung-cong-nghe-chup-duoc-giot-ban-sieu-nho-khi-hat-hoi-d171996.html

Vì sao không nên dùng buồng khử khuẩn để ngăn virus corona thời điểm này?

Bộ Y tế cho biết thời gian qua đã nhận được đề xuất nghiên cứu của đơn vị trực thuộc Bộ về buồng khử khuẩn toàn thân di động để phòng chống Covid-19.

Tuy nhiên, đề xuất chưa được hội đồng khoa học cấp Bộ thông qua do chưa đủ tài liệu minh chứng và cần được đánh giá về hiệu quả diệt virus cũng như mức độ an toàn đối với người sử dụng.

Bộ Y tế nhấn mạnh, trong thời gian Bộ này xem xét, đánh giá, các tổ chức, cá nhân không nên sử dụng để đảm bảo an toàn. Người dân hãy thực hiện những biện pháp dự phòng đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả như không đi ra ngoài nếu không cần thiết, nếu phải đi ra ngoài thì giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét và đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có nồng độ cồn ít nhất 60%…

Theo Bộ Y tế, buồng khử khuẩn toàn thân đang được đề xuất hiện nay về cấu tạo thường gồm 1 buồng (phun sương dung dịch clo hoạt tính) hoặc gồm 2 buồng nối tiếp nhau; buồng 1 phun khí ozone nồng độ 0,12ppm trong 30 giây, tiếp đến buồng 2 có phun sương (hạt sương 5µm) nước điện hóa (là dung dịch anolyte hay nước Javen, khử khuẩn bằng clo hoạt tính) trong 30 giây.

Tuy nhiên, Ozone là chất gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh đường hô hấp. Theo khuyến cáo của Viện quốc gia về Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp Mỹ, nồng độ ozone trong không khí không được vượt quá 0,10ppm tại bất cứ thời điểm nào. Không có khuyến cáo dùng ozone để khử khuẩn quần áo, da người trong điều kiện bình thường.

Hiện, chưa có nghiên cứu nào được công bố chỉ ra dung dịch clo hoạt tính dạng phun sương có tác dụng khử khuẩn quần áo, da người trong vòng 30 giây. Clo hoạt tính dạng phun sương dễ xâm nhập vào đường hô hấp và phổi gây hại cho con người khi hít phải. Tổ chức Y tế thế giới cũng không khuyến cáo áp dụng phương pháp phun sương trong khử khuẩn bề mặt.


Ảnh minh họa

Phòng áp lực âm là một phương pháp cách ly được sử dụng trong các bệnh viện để ngăn chặn sự lây nhiễm chéo, không phải dùng để điều trị bệnh. Phòng áp lực âm có cấu tạo gồm 2 phòng là phòng đệm và phòng điều trị. Không khí từ bên ngoài sẽ đi qua phòng đệm vào phòng điều trị. Trong phòng điều trị có hệ thống đẩy không khí qua bộ lọc không khí hiệu suất cao (HEPA), sau đó bơm ra ngoài. Không khí bơm ra ngoài không chứa virus vì virus đã được giữ lại tại bộ lọc. Vì vậy, phòng áp lực âm chỉ làm giảm lượng virus có trong không khí mà không có khả năng diệt virus.

Ngoài ra, khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện sẽ phát tán các giọt bắn có chứa virus và vẫn còn một lượng virus này bám trên các bề mặt trong phòng mà không bị hút theo luồng không khí. Do vậy, phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus cho nhân viên y tế, người chăm sóc bệnh nhân nếu không thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ.

Hiện nay, chi phí xây dựng một phòng áp lực âm rất lớn, việc xây dựng phức tạp, tốn nhiều thời gian, quy trình vận hành để đảm bảo không xảy ra hiện tượng đảo ngược chiều luồng không khí và xử lý bộ lọc an toàn thì tốn kém và đòi hỏi kỹ thuật cao. Mỗi phòng áp lực âm hiện chỉ có thể sử dụng cho một bệnh nhân.

Vì vậy, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, việc thiết kế, xây dựng, lắp đặt và đào tạo để vận hành phòng áp lực âm sẽ không đáp ứng kịp thời yêu cầu chống dịch. Các bệnh viện chưa có phòng áp lực âm nên tập trung thực hiện các biện pháp cách ly bệnh nhân nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả như bố trí phòng cách ly bệnh nhân thông thoáng, sử dụng thông khí hỗn hợp hoặc thông khí tự nhiên… theo đúng hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh của Bộ Y tế và đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn tốt.

Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các nghiên cứu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và mô trường trực thuộc Bộ Y tế, tổ chức thực hiện có liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19 nếu chưa được hội đồng khoa học cấp Bộ và lãnh đạo Bộ Y tế thông qua đề cương và kết quả thì không được phép phổ biến và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bảo Lâm
http://vietq.vn/vi-sao-khong-nen-dung-buong-khu-khuan-de-ngan-virus-corona-thoi-diem-nay-d171647.html