Posts

Phát triển bền vững cho hành tinh đang thay đổi với tiêu chuẩn quốc tế

Các tiêu chuẩn quốc tế cung cấp hướng dẫn có giá trị trong mọi khía cạnh của đời sống, từ hiệu quả năng lượng, giao thông thông minh, đến chất lượng không khí và quản lý chất thải.

Phát triển bền vững được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, nhưng định nghĩa trích dẫn phổ biến nhất đến từ Báo cáo Tương lai chung, được gọi là Báo cáo Brundtland như sau: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.

Tính bền vững hình thành nên nền tảng của khuôn khổ toàn cầu hàng đầu hiện nay cho hợp tác quốc tế – Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Các mục tiêu toàn cầu này không chỉ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà còn thúc đẩy hòa nhập xã hội và bảo vệ môi trường. Cùng nhau, ba chiều của tính bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường) tạo nên một con đường cân bằng hướng đến thịnh vượng, đảm bảo tất cả mọi người trên hành tinh này có thể sống cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh và viên mãn.

Khí hậu và phát triển bền vững

Nghiên cứu cho thấy tác động của khí hậu đến phát triển bền vững là rất sâu sắc. Biến đổi khí hậu đang đặt những thành tựu phát triển vào tình trạng nguy hiểm, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề đến các cộng đồng dễ bị tổn thương. Các rủi ro liên quan đến một mối nguy hiểm khí hậu nhất định phụ thuộc vào mức độ dễ bị tổn thương của một quốc gia. Các sự kiện thời tiết leo thang được dự đoán sẽ làm tăng đáng kể tình trạng sức khỏe kém và tử vong sớm, cũng như mức độ phơi nhiễm của dân số với bệnh tật và tử vong liên quan đến nhiệt độ.

Đồng thời, rủi ro về khí hậu của một quốc gia được xác định bởi các quyết định phát triển mà quốc gia đó đưa ra. Ví dụ, xu hướng toàn cầu hướng tới đô thị hóa khiến sức khỏe nhiều người gặp rủi ro hơn vì tác động của biến đổi khí hậu có thể trầm trọng hơn trong bối cảnh đô thị.

Ô nhiễm không khí ở các thành phố, chỉ cần nêu một ví dụ là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe, góp phần gây ra hàng triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Nếu không có hành động nào được thực hiện, hậu quả sẽ tiếp tục đe dọa đến sự an toàn, khả năng phục hồi và tính bền vững của đô thị.

Ảnh minh họa.

Phát triển nhà ở bền vững

Tầm quan trọng của nhà ở là một phần không thể thiếu của phát triển đô thị bền vững vì nó phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Nhà ở bền vững như được nêu trong Mục tiêu 11 của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, nhằm đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận nhà ở đầy đủ, an toàn và giá cả phải chăng vào năm 2030. Những ngôi nhà được thiết kế thông minh này cung cấp môi trường sống thoải mái, lành mạnh và an toàn bằng cách sử dụng các kỹ thuật nhà ở bền vững giúp giảm lượng khí thải carbon, cắt giảm chi phí năng lượng và thúc đẩy lối sống năng động.

Phát triển nhà ở bền vững có bốn lợi thế chính: Giảm thiểu biến đổi khí hậu – nhà ở bền vững giúp giảm lượng khí thải carbon bằng cách kết hợp công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguồn năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng bền vững.

Bảo tồn tài nguyên: Phát triển nhà ở bền vững ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế và có nguồn gốc tại địa phương, giảm bớt gánh nặng cho tài nguyên thiên nhiên.

Giảm mức tiêu thụ năng lượng: Bằng cách kết hợp các tính năng tiết kiệm năng lượng như tấm pin mặt trời, cách nhiệt tốt hơn, công nghệ thông minh và kỹ thuật sưởi ấm, làm mát thụ động những ngôi nhà bền vững có thể tối ưu hóa hiệu suất năng lượng, dẫn đến giảm hóa đơn tiền điện.

Nâng cao chất lượng không khí trong nhà: Phát triển nhà ở bền vững ưu tiên chất lượng không khí trong nhà bằng cách sử dụng vật liệu xây dựng không độc hại và thúc đẩy hệ thống thông gió phù hợp. Điều này góp phần tạo nên môi trường sống lành mạnh hơn.

Tiêu chuẩn cho cuộc sống bền vững

Xây dựng một thành phố bền vững là công việc phức tạp vì mỗi thành phố đều có những thách thức riêng. Một mẫu số chung có thể giúp nhiệm vụ này trở nên đơn giản hơn nhiều – các tiêu chuẩn ISO.

Các tiêu chuẩn quốc tế cung cấp hướng dẫn có giá trị trong mọi khía cạnh của đời sống thành phố, từ hiệu quả năng lượng và giao thông thông minh, đến chất lượng không khí và quản lý chất thải.

Các nhà lãnh đạo thành phố có thể giải quyết hiệu quả mối đe dọa của biến đổi khí hậu bằng cách đưa các tiêu chuẩn vào quy hoạch đô thị. Các tiêu chuẩn chính như ISO 50001 cho hệ thống quản lý năng lượng và ISO 52000 cho quản lý hiệu suất năng lượng của các tòa nhà đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động nhà ở bền vững. Phát triển đô thị bền vững không chỉ làm giảm lượng khí thải carbon toàn cầu mà còn thúc đẩy điều kiện sống tốt hơn và giảm chi phí năng lượng ở các thành phố và xa hơn nữa.

Theo Hà My (theo ISO)
https://vietq.vn/phat-trien-ben-vung-cho-mot-hanh-tinh-dang-thay-doi-voi-tieu-chuan-quoc-te-d235043.html

Năng suất xanh – “chìa khóa” giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Năng suất xanh chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì tăng trưởng ổn định và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Năng suất xanh là sự kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và yêu cầu phát triển bền vững toàn cầu.

Với các giải pháp như sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn tài nguyên và chuyển đổi số trong quản lý, năng suất xanh tạo ra mô hình phát triển hiện đại, có trách nhiệm. Doanh nghiệp áp dụng năng suất xanh cũng nâng cao hình ảnh thương hiệu, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là các quốc gia phát triển vốn khắt khe về tiêu chuẩn môi trường. Về lâu dài, năng suất xanh chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì tăng trưởng ổn định và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Lấy ví dụ về các doanh nghiệp áp dụng thành công mô hình năng suất xanh, ông Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam – Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, tại trang trại M’s Pig Farm (Campuchia), trang trại này có 4.000 con heo sử dụng trung bình từ 6.000-7.000 tấn thức ăn hằng tháng, mỗi ngày trang trại sản xuất 4.000-5.000m3 chất thải, lượng chất thải tạo ra gây mùi khó chịu ảnh hưởng tới môi trường, người dân.

Trang trại sử dụng giải pháp dùng bể biogas công suất lớn để xử lý chất thải và phát điện. Nhờ đó, trang trại đạt mục tiêu Green Goal (mục tiêu xanh) trong thu hồi và tái chế chất thải để tạo ra điện, giảm phát thải khí nhà kính và tăng lợi nhuận từ 1-2%, tiết kiệm 200.000kWh điện trong làm mát và thông gió trang trại.

Hay tại Việt Nam, Heineken Việt Nam là nhà sản xuất đồ uống lớn và nhờ áp dụng mô hình năng suất xanh, tái cấu trúc nhà máy, tái sử dụng và tái chế các nguyên liệu, tăng vòng đời vật liệu giảm chi phí, Heineken Việt Nam tối ưu hóa lượng chất thải từ nhà máy, 99,01% chất thải được tái chế và không có chất thải phải chôn lấp. Nước thải được xử lý và thu hồi sử dụng cho nhiều mục đích, khí gas từ công trình xử lý nước được sử dụng và cấp nhiệt cho quá trình sản xuất, đồng thời sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Năng suất xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty TNHH xây dựng – sản xuất và thương mại Phước An hay Công ty TNHH Thương mại dịch vụ chế biến thủy sản Hưng Phong;… cũng ghi nhận thành công đáng kể nhờ vào việc áp dụng năng suất xanh, từ giảm lượng rác thải, tiết kiệm năng lượng đến gia tăng lợi nhuận.

Hiện nay, Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã và đang tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về năng suất xanh như: Tăng cường hội nghị, hội thảo, truyền thông giúp doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn với năng suất xanh; Cung cấp các khóa đào tạo để doanh nghiệp có thêm kiến thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;… Đồng thời, năng suất xanh cũng đang là một trong những nội dung rất quan trọng trong Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.

Thanh Tùng
https://vietq.vn/nang-suat-xanh-la-chia-khoa-giup-doanh-nghiep-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-d233786.html

9 lợi ích thực hiện ESG mang lại cho doanh nghiệp

Phát triển bền vững ESG đang ngày càng thu hút sự quan tâm, đầu tư triển khai của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, lợi ích của doanh nghiệp nhận được khi thực hiện ESG là gì vẫn là câu hỏi luôn được đặt ra.

3 tiêu chuẩn của ESG

ESG là viết tắt của 3 tiêu chuẩn đó là: Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị).

Tiêu chuẩn môi trường được đánh giá bằng cách doanh nghiệp hoặc tổ chức quản lý các tác động của họ lên môi trường, bao gồm việc giảm thiểu khí thải carbon, sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Tiêu chuẩn xã hội được đánh giá bằng cách doanh nghiệp hoặc tổ chức tương tác và có tác động đến các bên liên quan khác nhau như nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng. Điều này bao gồm các chính sách về quyền lao động, điều kiện làm việc, sự đa dạng và hòa nhập, cũng như các hoạt động cộng đồng.

Tiêu chuẩn quản trị đánh giá cấu trúc và thực tiễn quản lý của doanh nghiệp hoặc tổ chức, thông qua cách doanh nghiệp quản lý rủi ro, sự minh bạch và trung thực trong báo cáo tài chính, cấu trúc hội đồng quản trị, các chính sách về lương thưởng và ưu đãi.

Hiện các nhà đầu tư ngày càng chú trọng đến ESG vì họ tin rằng các công ty có tiêu chuẩn ESG cao có thể là các khoản đầu tư bền vững và ít rủi ro hơn trong dài hạn.

Dưới đây là 9 lợi ích từ việc thực hiện ESG mang lại cho doanh nghiệp:

  1. ESG giúp kiểm soát những rủi ro: Việc tuân thủ các tiêu chí ESG giúp doanh nghiệp nhận diện và quản lý các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị, từ đó giảm thiểu nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề pháp lý và tài chính.
  2. ESG giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí: Các thực hành bền vững như sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên không chỉ giảm thiểu tác động môi trường mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu quả hoạt động.
  3. ESG giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư bền vững: ESG ngày nay đã trở thành yếu tố đánh giá quan trọng của các quỹ, các tổ chức đầu tư trên thế giới khi xem xét đầu tư, đặc biệt là các tổ chức đầu tư bền vững.
  4. ESG hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phù hợp: Việc áp dụng ESG cũng dần trở thành tiêu chí phổ biến, nhất là với nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính phát triển bền vững, vay nước ngoài.
  5. ESG hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng khả năng tiếp cận thị trường: Các tiêu chuẩn ESG không chỉ là yêu cầu bởi các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính mà đã trở thành yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ… Vì vậy, doanh nghiệp muốn tìm kiếm khách hàng, đối tác mới trên thị trường, yêu cầu bắt buộc phải thực hành ESG.
  6. ESG giúp cải thiện hình ảnh và danh tiếng: Doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chí ESG thường được xem là có trách nhiệm và đạo đức, từ đó thu hút được sự tin tưởng của khách hàng, nhà đầu tư và cộng đồng.
  7. ESG giúp thu hút và giữ chân nhân tài: Môi trường làm việc bền vững và có trách nhiệm xã hội luôn thu hút những nhân viên chất lượng cao và giữ chân họ lâu dài, vì nhiều người lao động ngày nay mong muốn làm việc cho các doanh nghiệp có ý nghĩa và giá trị xã hội.
  8. ESG giúp gắn kết khách hàng: Khách hàng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc và cách thức sản xuất của sản phẩm. Họ có xu hướng ủng hộ các doanh nghiệp có tiêu chuẩn ESG cao.
  9. ESG giúp thích ứng với các thay đổi: Bằng cách tập trung vào các yếu tố bền vững, doanh nghiệp có thể xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn, giúp duy trì khả năng cạnh tranh và thích ứng với các thay đổi trong môi trường kinh doanh.

Theo đó, phát triển bền vững dựa trên tiêu chuẩn ESG không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường, tạo ra giá trị lâu dài cho cả doanh nghiệp và cộng đồng.

VNCPC (tổng hợp)

Tiêu chuẩn ESG và 3 trụ cột chính

Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu đối với tất cả các doanh nghiệp. Vì vậy, tiêu chuẩn ESG đang ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

ESG gồm những tiêu chuẩn gì?

ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp) là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG giúp doanh nghiệp xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng chúng vào vận hành.

Điểm số ESG được đánh giá dựa trên những tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội, và hiệu suất quản trị của doanh nghiệp khi quản lý các ảnh hưởng đó. Điểm ESG càng cao càng chứng tỏ cho việc thực hành tốt ESG tại tổ chức.

Điểm số ESG được đánh giá dựa trên những tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội, và hiệu suất quản trị của doanh nghiệp khi quản lý các ảnh hưởng đó.

3 trụ cột của ESG

Tiêu chuẩn ESG bao gồm đa dạng vấn đề, bắt nguồn từ luật quốc tế, luật địa phương, các thỏa thuận, nguyên tắc ở mỗi quốc gia. Để thực hiện ESG, doanh nghiệp cần đáp ứng 3 trọng tâm chính với hàng chục tiêu chí cụ thể.

  1. Môi trường

Môi trường là khía cạnh đầu tiên đo lường mức độ doanh nghiệp tác động đến tự nhiên trong suốt quá trình sản xuất, vận hành, quản lý… Khía cạnh môi trường được đo lường dựa trên 4 yếu tố, bao gồm:

Biến đổi khí hậu

Tiêu chí biến đổi khí hậu được đánh giá dựa trên các cam kết quốc tế và trong nước, chính sách quốc gia và quy định tại địa phương đó. Tại doanh nghiệp tiêu chí này được đánh giá dựa trên lượng khí thải nhà kính phát thải từ hoạt động kinh doanh.

Với vai trò tiên phong trong việc tạo ra các chính sách ESG, Chính phủ sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp có động lực và cơ sở rõ ràng hơn khi nỗ lực đạt được các cam kết liên quan đến mục tiêu ESG.

Năng lượng

Khi các doanh nghiệp thực hiện ESG phải đảm bảo khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng. Bên cạnh sự tối ưu, quá trình tìm kiếm, sử dụng các nguồn năng lượng thay thế có tính vô hạn đang được khuyến khích… Điều này giúp tránh tình trạng cạn kiệt năng lượng, doanh nghiệp luôn có thể hoạt động mà không phụ thuộc vào các nguồn bị giới hạn. Từ đó, thúc đẩy quá trình sản xuất ngày càng phát triển hơn.

Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên thiên nhiên bao gồm đất, nước, cây xanh, khoáng sản, không khí… Để đạt điểm ESG cao ở mục này, doanh nghiệp phải đảm bảo có đầy đủ giấy cấp phép khi sử dụng bất kỳ nguồn tài nguyên nào. Ngoài ra, nhiều tổ chức cũng ghi điểm khi chủ động/góp phần cải tạo, khôi phục các khu vực bị ô nhiễm.

Đặc biệt, thay vì giảm thiểu, một số doanh nghiệp trong thời đại 4.0 còn nghiên cứu và triển khai các loại công nghệ mới có thể tự tạo ra tài nguyên mà không gây tác động đến môi trường.

Xử lý và tái chế chất thải

Muốn xử lý chất thải đạt chuẩn ESG, các doanh nghiệp cần thống kê, lên danh sách chi tiết từng loại và khối lượng chất thải nguy hiểm. Sau đó tiến hành thu gom, phân loại chúng và lưu trữ đảm bảo không gây ô nhiễm. Theo quy định, doanh nghiệp có thể di chuyển và đem chúng đến nơi xử lý thích hợp theo giấy phép. Nếu được, doanh nghiệp có thể tái chế, tái sử dụng để giảm chất thải ra môi trường, tối ưu hóa năng lượng. Doanh nghiệp còn có thể tự mình sáng chế, hoặc dùng các dịch vụ tái chế để đảm bảo chất thải được xử lý đúng cách theo quy định của pháp luật.

  1. Xã hội

Xã hội là khía cạnh thứ 2 trong ESG giúp các doanh nghiệp đánh giá các yếu tố liên quan như mối quan hệ kinh doanh của công ty với khách hàng, đối tác; điều kiện làm việc của nhân viên theo luật Lao động ở Việt Nam. Tiêu chuẩn này bao gồm 4 yếu tố chính:

Quyền riêng tư và bảo mật

Đây là tiêu chí quan trọng nhưng quy định và luật lệ về chúng còn khá mới ở nước ta. Khi thực hiện ESG, các doanh nghiệp cần sự cho phép của chủ sở hữu trước khi thu thập, sử dụng hoặc làm bất cứ điều gì với dữ liệu của họ. Đặc biệt doanh nghiệp phải cam kết có các biện pháp bảo vệ dữ liệu, tuyệt đối không được tiết lộ thông tin cá nhân.

Tính đa dạng, công bằng và hòa nhập

Cơ sở để đánh giá điểm ESG ở mục này là Luật Lao động. Theo đó, các tổ chức không được phân biệt đối xử với nhân viên dù họ có giới tính, màu da, chủng tộc, tôn giáo, hay ở bất cứ tầng lớp xã hội, tổ chức nào. Nhân sự nam và nhân sự nữ cần công bằng về mọi mặt: công việc, cơ hội thăng tiến, lương thưởng…

Môi trường làm việc an toàn

Nơi làm việc cần đảm bảo về an toàn lao động và sức khỏe. ESG nghiêm cấm các trường hợp ép buộc lao động, ngược đãi, bóc lột, quấy rối… Tiêu chuẩn cũng khắt khe trong việc sử dụng nhân lực dưới 18 tuổi, bên cạnh đó, tổ chức cần thực hiện đúng giờ giấc cũng như tính chất công việc được luật Lao động cho phép.

Điều kiện làm việc 

ESG dựa theo những quy định trong luật pháp Việt Nam để xem xét điểm số cho doanh nghiệp như mức lương, giờ làm việc, khám sức khỏe, chính sách bảo hiểm…

  1. Quản trị doanh nghiệp

Khía cạnh cuối cùng của ESG là quản trị, liên quan đến các hoạt động của tổ chức đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch, đạo đức kinh doanh và tuân thủ các quy định pháp luật.

Công bố báo cáo ESG

Luật Việt Nam quy định các doanh nghiệp thực hiện ESG phải công bố thông tin, kết quả hoạt động hằng năm như khai thác và tiêu thụ tài nguyên, chính sách lao động, báo cáo tài chính, đóng góp cho cộng đồng… Báo cáo này cần nộp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán.

Chống hối lộ và tham nhũng

Đây là yếu tố rất được quan tâm trong quản trị và được đánh giá theo luật Phòng chống hối lộ và tham nhũng, luật Hình sự của Việt Nam.

Tính đa dạng và hòa nhập của hội đồng quản trị

Tiêu chí ESG này đánh giá sự đa dạng về nguồn gốc của các thành viên trong hội đồng quản trị về giới tính và lý lịch. Theo luật pháp Việt Nam, trong một số trường hợp còn buộc phải có hội đồng quản trị độc lập, chẳng hạn 1/5 thành viên hội đồng quản trị của công ty đại chúng chưa niêm yết phải độc lập.

Không phải là phong trào, hiện ESG được xem là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Do vậy, để bắt kịp xu hướng và hoàn thành tốt bộ tiêu chuẩn này, lãnh đạo doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu sâu rộng về ESG và có cách quản trị phù hợp các khuôn khổ pháp lý và các thông lệ ESG hiện hành.

VNCPC (tổng hợp)

Dịch vụ đánh giá theo khung ESG

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đang dần chú trọng hơn đến sự phát triển bền vững như một hướng đi quan trọng trong hoạt động kinh doanh. ESG (Khung Môi trường – Xã hội – Quản trị) không chỉ là một xu hướng mà còn là một yếu tố quyết định cho sự thành công và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai.

VNCPC cam kết cung cấp các dịch vụ tư vấn và đánh giá ESG với chất lượng cao, dựa trên những kinh nghiệm sâu rộng và kiến thức chuyên môn của đội ngũ chuyên gia hàng đầu. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng quý khách trên con đường phát triển bền vững, đảm bảo rằng mỗi bước đi của quý doanh nghiệp đều góp phần xây dựng một tương lai xanh và phát triển thịnh vượng.

 

 

 

Ra mắt chương trình truyền hình “Hành trình Net Zero”

Chủ đề của “Hành trình Net Zero” xoay quanh các vấn đề: biện pháp bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, phòng ngừa ô nhiễm, tiết kiệm và sử dụng năng lượng tái tạo; giới thiệu sản phẩm hữu cơ, phát triển theo hướng giảm phát thải.

Ngày 14/11, Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) và Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (VTV9) – Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức lễ ra mắt chương trình truyền hình “Hành trình Net Zero”.


Các đại biểu thực hiện nghi thức lễ ra mắt chương trình “Hành trình Net Zero”.

Chương trình “Hành trình Net Zero” được phát sóng từ ngày 22/9 vào lúc 20h10 tối thứ Sáu; phát lại lúc 6h30 sáng thứ Bảy; 9h25 sáng Chủ nhật và 17h30 phút chiều thứ Tư hằng tuần trên kênh Truyền hình VTV9.

Chương trình gồm 52 số, mỗi số 15 phút, chia thành 3 phần gồm: Tuần xanh, Tâm xanh và Điểm xanh. Trong đó, “Tuần xanh”: điểm qua các tin tức nổi bật liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

“Tâm xanh”: các ý tưởng mới lạ, độc đáo hoặc những dự án đã và đang được triển khai phục vụ cho mục tiêu giảm phát thải, kinh tế xanh, phát triển bền vững hay vì lợi ích môi trường.

“Điểm xanh”: phóng sự về dự án, con người, hoạt động sản xuất kinh doanh, sản phẩm, công nghệ và thành tựu về môi trường, doanh nghiệp chia sẻ ý tưởng, giải pháp và đóng góp…

Chương trình không chỉ mang đến những thông điệp quan trọng về tăng trưởng xanh mà còn chia sẻ kiến thức về các giải pháp thực tế và thành tựu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Tại buổi lễ, ông Ngô Trường Sơn, Phó Giám đốc VTV9 cho biết, chương trình “Hành trình Net Zero” sẽ góp phần thúc đẩy và ủng hộ chuyển đổi xanh, thông qua góp phần nâng cao nhận thức và giáo dục, thúc đẩy hành động cụ thể, tạo ra cơ hội và hỗ trợ giao lưu, tạo động lực và tạo cảm hứng trong quá trình chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, “Hành trình Net Zero” góp phần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách về tiến trình tăng trưởng, chuyển đổi xanh. Hành trình Net Zero thực hiện điều này thông qua việc phản ánh những bất cập, phản biện các chính sách chưa hợp lý, đưa ra các đề xuất về chính sách tăng trưởng xanh để các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, điều chỉnh”.


GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi lễ.

Tại buổi lễ ra mắt chương trình, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, nhân loại đang cần một trái đất sạch, luôn trong xanh (cả Green lẫn Blue) để bảo đảm cho tương lai bền vững. Thương mại trong thị trường quyền carbon là một giải pháp duy nhất tạo nên hiệu quả vì giải pháp này gắn được với cơ chế tài chính để điều tiết lợi ích. Trên toàn cầu, thị trường quyền carbon được vận hành dựa vào công pháp quốc tế, mà chủ yếu vẫn là các cam kết giữa các quốc gia thông qua các ký kết quốc tế, trong đó trách nhiệm thực thi vẫn dựa trên cơ chế tự nguyện.

Trong phạm vi một quốc gia hay vùng lãnh thổ, thị trường quyền carbon có thể vận hành rất hiệu quả giữa các bên phát thải và các bên không phát thải trong sản xuất hay cung cấp dịch vụ cùng một loại hàng hóa, cùng một hạng mục của nếp sinh hoạt. Mỗi quốc gia, trong đó có nước ta, phải vạch ra một “lộ trình phát triển sạch” trong cả sản xuất, dịch vụ và nếp sinh hoạt phù hợp với thu nhập.

Các bước của lộ trình phải dựa trên nâng cao năng lực cạnh tranh của từng con người, từng tổ chức, từng cộng đồng tham gia vào thị trường quyền carbon trong một khung pháp luật phù hợp với khả năng thu nhập thực tế. Lộ trình này cần tạo ra những bước đi cụ thể cho từng ngành kinh tế như phát triển hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ như giao thông, xây dựng, đầu tư, thương mại…

Các lộ trình này luôn đứng trước những thách thức vô cùng lớn, trong đó thách thức lớn nhất là thay đổi tư duy phát triển. Tất cả chỉ để có một gia đình sạch, khu dân cư sạch, địa phương sạch, quốc gia sạch nhằm góp phần tạo nên trái đất sạch và bền vững.

Nhân dịp này, EPMA cũng đã phát động Giải thưởng “Tôn vinh Doanh nghiệp phát triển Xanh”. Giải thưởng sẽ được trao vào tháng 10/2024 và sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh Truyền hình VTV9, nhằm ghi nhận, tôn vinh các doanh nghiệp có đóng góp tích cực trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng xanh.

N.H
https://petrotimes.vn/ra-mat-chuong-trinh-truyen-hinh-hanh-trinh-net-zero-699335.html