9 lợi ích thực hiện ESG mang lại cho doanh nghiệp
Phát triển bền vững ESG đang ngày càng thu hút sự quan tâm, đầu tư triển khai của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, lợi ích của doanh nghiệp nhận được khi thực hiện ESG là gì vẫn là câu hỏi luôn được đặt ra.
ESG là viết tắt của 3 tiêu chuẩn đó là: Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị).
Tiêu chuẩn môi trường được đánh giá bằng cách doanh nghiệp hoặc tổ chức quản lý các tác động của họ lên môi trường, bao gồm việc giảm thiểu khí thải carbon, sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Tiêu chuẩn xã hội được đánh giá bằng cách doanh nghiệp hoặc tổ chức tương tác và có tác động đến các bên liên quan khác nhau như nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng. Điều này bao gồm các chính sách về quyền lao động, điều kiện làm việc, sự đa dạng và hòa nhập, cũng như các hoạt động cộng đồng.
Tiêu chuẩn quản trị đánh giá cấu trúc và thực tiễn quản lý của doanh nghiệp hoặc tổ chức, thông qua cách doanh nghiệp quản lý rủi ro, sự minh bạch và trung thực trong báo cáo tài chính, cấu trúc hội đồng quản trị, các chính sách về lương thưởng và ưu đãi.
Hiện các nhà đầu tư ngày càng chú trọng đến ESG vì họ tin rằng các công ty có tiêu chuẩn ESG cao có thể là các khoản đầu tư bền vững và ít rủi ro hơn trong dài hạn.
Dưới đây là 9 lợi ích từ việc thực hiện ESG mang lại cho doanh nghiệp:
- ESG giúp kiểm soát những rủi ro: Việc tuân thủ các tiêu chí ESG giúp doanh nghiệp nhận diện và quản lý các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị, từ đó giảm thiểu nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề pháp lý và tài chính.
- ESG giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí: Các thực hành bền vững như sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên không chỉ giảm thiểu tác động môi trường mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu quả hoạt động.
- ESG giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư bền vững: ESG ngày nay đã trở thành yếu tố đánh giá quan trọng của các quỹ, các tổ chức đầu tư trên thế giới khi xem xét đầu tư, đặc biệt là các tổ chức đầu tư bền vững.
- ESG hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phù hợp: Việc áp dụng ESG cũng dần trở thành tiêu chí phổ biến, nhất là với nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính phát triển bền vững, vay nước ngoài.
- ESG hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng khả năng tiếp cận thị trường: Các tiêu chuẩn ESG không chỉ là yêu cầu bởi các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính mà đã trở thành yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ… Vì vậy, doanh nghiệp muốn tìm kiếm khách hàng, đối tác mới trên thị trường, yêu cầu bắt buộc phải thực hành ESG.
- ESG giúp cải thiện hình ảnh và danh tiếng: Doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chí ESG thường được xem là có trách nhiệm và đạo đức, từ đó thu hút được sự tin tưởng của khách hàng, nhà đầu tư và cộng đồng.
- ESG giúp thu hút và giữ chân nhân tài: Môi trường làm việc bền vững và có trách nhiệm xã hội luôn thu hút những nhân viên chất lượng cao và giữ chân họ lâu dài, vì nhiều người lao động ngày nay mong muốn làm việc cho các doanh nghiệp có ý nghĩa và giá trị xã hội.
- ESG giúp gắn kết khách hàng: Khách hàng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc và cách thức sản xuất của sản phẩm. Họ có xu hướng ủng hộ các doanh nghiệp có tiêu chuẩn ESG cao.
- ESG giúp thích ứng với các thay đổi: Bằng cách tập trung vào các yếu tố bền vững, doanh nghiệp có thể xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn, giúp duy trì khả năng cạnh tranh và thích ứng với các thay đổi trong môi trường kinh doanh.
Theo đó, phát triển bền vững dựa trên tiêu chuẩn ESG không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường, tạo ra giá trị lâu dài cho cả doanh nghiệp và cộng đồng.
VNCPC (tổng hợp)