Posts

G20 cam kết tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Ngày 23/7, các bộ trưởng môi trường và năng lượng của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ký một thỏa thuận tái cam kết tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ngày 23/7, các bộ trưởng môi trường và năng lượng của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ký một thỏa thuận tái cam kết tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mặc dù các bộ trưởng chưa nhất trí về cách diễn đạt trong hiệp định về giới hạn sự ấm lên của Trái Đất.

Thỏa thuận trên được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng môi trường, khí hậu và năng lượng của G20, diễn ra trong các ngày 22-23/7 tại Naples, Italy.

Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái của Italy Roberto Cingolani cho biết thỏa thuận này là cơ sở cho việc mở đường cho Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) sẽ diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: independent.org)

Tuy nhiên, các bộ trưởng vẫn chưa nhất trí về cách diễn đạt về giới hạn sự ấm lên của Trái Đất ở mức từ 1,5-2 độ C mà Hiệp định Paris đề ra và được gần 200 nước phê chuẩn. Hiệp định Paris kêu gọi giới hạn mức nhiệt của Trái Đất ở mức “dưới 2 độ C” và ở mức 1,5 độ C nếu có thể.

Thông cáo chung của hội nghị nêu rõ: “Các nước từ Trung Quốc tới Ấn Độ, Mỹ, Nga và các nước châu Âu đều nhất trí rằng việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhất là sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19, là công cụ thúc đẩy nhanh và toàn diện tăng trưởng kinh tế, xã hội, tạo việc làm và phải là một tiến trình chuyển đổi mà không ai bị bỏ lại phía sau.”

Hội nghị cấp bộ trưởng môi trường, khí hậu và năng lượng tại Naples là diễn đàn trực tiếp đầu tiên kể từ hội nghị tại Nhật Bản vào tháng 6/2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát khắp thế giới. Hội nghị thể hiện cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Năm 2021 là một năm quan trọng đối với quá trình chuyển đổi sinh thái và khí hậu, với một số sự kiện toàn cầu sẽ diễn ra trong những tháng tới: Hội nghị các bên (COP) của ba Công ước Rio về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và sa mạc hóa, khởi động Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh về các hệ thống lương thực của Liên hợp quốc và Hội nghị về đại dương của Liên hợp quốc./.

Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/g20-cam-ket-tuan-thu-hiep-dinh-paris-ve-bien-doi-khi-hau/728896.vnp

IEA kêu gọi đẩy mạnh việc triển khai công nghệ thu hồi carbon

IEA cho biết để đạt được mục tiêu này, lượng CO2 thu hồi phải tăng từ mức 40 triệu tấn hiện nay lên tới 800 triệu tấn vào năm 2030.

Ngày 24/9, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nêu bật tầm quan trọng của việc đẩy mạnh triển khai công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) trên toàn cầu, nếu như các nước muốn đạt được mục tiêu về trung hòa khí thải, nhằm làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.

Nguồn: powerengineeringint

Ngày càng nhiều quốc gia và công ty đang đặt mục tiêu về trung hòa khí CO2 vào giữa thế kỷ này sau khi ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015.

IEA cho biết để đạt được mục tiêu này, lượng CO2 thu hồi phải tăng từ mức 40 triệu tấn hiện nay lên tới 800 triệu tấn vào năm 2030. Điều này đòi hỏi số tiền đầu tư lên đến 160 tỷ USD cho công nghệ CCUS vào năm 2030, gấp 10 lần so với thập kỷ trước đó.

Giám đốc IEA Fatih Birol nhấn mạnh nếu không có công nghệ này, việc đạt được các mục tiêu về năng lượng và khí hậu sẽ gần như là bất khả thi.

IEA nhận định suy thoái kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có nguy cơ dẫn đến tình trạng trì hoãn hoặc hủy bỏ các dự án vốn phụ thuộc vào hỗ trợ công. Giá dầu giảm cũng làm giảm bớt thu nhập cho các cơ sở CCUS chuyên bán CO2 để phục vụ việc khai thác dầu mỏ.

Thông qua công nghệ Tăng khả năng thu hồi dầu (EOR), CO2 sẽ được bơm vào giếng dầu để làm cho dầu dễ chảy hơn và tăng tỷ lệ khai thác.

IEA nhấn mạnh các gói phục hồi kinh tế là cơ hội để các chính phủ hỗ trợ CCUS bên cạnh các công nghệ năng lượng sạch khác.

Về khoản đầu tư lớn nhằm xây dựng hai nhà máy thu hồi carbon và cơ sở lưu trữ CO2 ngoài khơi, ông Birol cho biết Na Uy đã thể hiện được vai trò lãnh đạo tại châu Âu khi đưa ra cam kết tài chính lớn cho dự án Longship.

Tuy nhiên, CCUS vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu động lực thương mại, chi phí lớn và việc người dân phản đối lưu trữ CO2, đặc biệt là ở ngoài khơi.

Trong năm 2009, IEA đã kêu gọi xây dựng 100 dự án CCUS quy mô lớn vào năm 2020 để lưu trữ khoảng 300 triệu tấn CO2/năm. Cho đến nay, chỉ có 20 dự án thương mại đang hoạt động với công suất khoảng 40 triệu tấn/năm./.

Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/iea-keu-goi-day-manh-viec-trien-khai-cong-nghe-thu-hoi-carbon/665756.vnp