Posts

Tự bảo vệ dấu chân kỹ thuật số trong ngành hàng không hậu đại dịch

Khi hành khách sẽ cần thêm nhiều giấy tờ, thông tin cho việc di chuyển trong giai đoạn hậu đại dịch, họ cần chú ý tới “dấu chân kỹ thuật số” của mình.

Ảnh minh họa. (Nguồn: avira.com)

Hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19. Sau một năm 2020 đáng quên, ngành hàng không đã rục rịch tái khởi động và nhiều người đang háo hức trở lại các sân bay nhờ những nỗ lực đẩy mạnh tiêm vaccine trên toàn cầu.

Tạm gác lại nỗi lo về đại dịch còn diễn biến phức tạp và chỉ nhìn về tương lai khi hoạt động bay quốc tế phục hồi: sẽ có rất nhiều điều thay đổi với ngành hàng không trong một thế giới hậu COVID-19.

Một yếu tố được chú ý hàng đầu trong thời điểm này là những rủi ro về bảo mật dữ liệu liên quan đến việc đi lại, khi hành khách sẽ cần thêm nhiều giấy tờ, thông tin cho việc di chuyển trong giai đoạn hậu đại dịch. Đó là vì sao hành khách cần chú ý tới “dấu chân kỹ thuật số” (digital footprint) của mình.

Dòng chảy dữ liệu ngày một lớn

Ngay từ trước đại dịch, hoạt động bay đã có mối liên hệ chặt chẽ với các vấn đề về bảo mật dữ liệu.

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn an ninh mạng Mine, trung bình khoảng 7 dịch vụ có thể dễ dàng truy cập dữ liệu của hành khách, bao gồm các hãng hàng không, dịch vụ cho thuê xe, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ giao thông công cộng, mạng wifi nội bộ…

Giờ đây, khi các cơ quan chức năng ban hành thêm những hướng dẫn liên quan tới đại dịch, con số trên có thể sẽ còn tăng lên để bao gồm các cơ quan y tế và giám sát kiểm dịch.

Ngoài các thông tin cá nhân và tình hình tài chính, hành khách cũng được yêu cầu cung cấp các dữ liệu về sức khỏe thông qua các ứng dụng trực tuyến và tài liệu số hóa.

Liên minh châu Âu (EU) đã công bố thông tin mới liên quan đến Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của mình. Các quốc gia khác như Israel đã sử dụng các ứng dụng “Hộ chiếu COVID-19” để đảm bảo rằng du khách không gây rủi ro nhiễm bệnh cho cư dân.

Các hãng hàng không cũng đang thử nghiệm các ứng dụng cho phép hành khách chia sẻ hồ sơ tiêm chủng, kết quả xét nghiệm COVID-19 và khai báo y tế.

Nếu cách đây chỉ 2 năm, ý tưởng về việc chia sẻ thông tin sức khỏe với các công ty du lịch hoặc thậm chí các nhà hàng để đặt bàn sẽ khiến du khách phẫn nộ. Thì ngày nay, đa phần trong số đó đồng ý chia sẻ thông tin này.

Cuộc khảo sát của công ty Mine cho thấy 91% du khách thoải mái khi sử dụng Hộ chiếu sức khỏe kỹ thuật số. Song 93% bày tỏ lo ngại về cách các loại thông tin này được lưu trữ và sử dụng khi số vụ tấn công mạng nhằm chiếm đoạt dữ liệu sức khỏe người dùng đang gia tăng.

Những nỗi lo có cơ sở

Những lo ngại liên quan đến việc giao dữ liệu cho các công ty hàng không không hề vô căn cứ khi ngành này đã có nhiều bê bối về vi phạm bảo mật dữ liệu.

Ví dụ, British Airways bị Văn phòng Ủy viên Thông tin (ICO) phạt khoản tiền kỷ lục 20 triệu bảng (khoảng 27,8 triệu USD) sau khi thông tin cá nhân của hơn 400.000 nhân viên và khách hàng đã bị rò rỉ.

Hay mới đây vào tháng Năm, Air India cũng bị phạt khi để lộ dữ liệu nhạy cảm về 4,5 triệu khách hàng – bao gồm thông tin liên lạc, chi tiết thẻ tín dụng, hộ chiếu và thông tin chuyến bay.

Tuy nhiên, các hãng hàng không không phải là mối lo ngại duy nhất. Khi các nhà hàng và khách sạn địa phương có quyền truy cập vào thông tin chăm sóc sức khỏe của du khách, họ ít có khả năng triển khai những biện pháp bảo mật đủ mạnh so với các hãng hàng không. Điều này dẫn tới nguy cơ tạo ra những lỗ hổng lớn trong việc bảo mật dữ liệu khách hàng.

Tự bảo vệ trong thế giới hậu COVID-19

Trong một thế giới hậu đại dịch còn nhiều rủi ro, thay vì chờ đợi các hãng hàng không tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh dữ liệu, biện pháp hữu hiệu nhất dành cho các du khách nằm trong tay họ: học cách làm chủ dữ liệu của chính mình.

Một khi hoạt động vận tải đường không được mở lại hoàn toàn, kỹ năng quản lý và duy trì quyền kiểm soát “dấu chân kỹ thuật số” sẽ quan trọng hơn bao giờ hết đối với các hành khách. Họ cần nhận thức được giá trị cũng như rủi ro mỗi khi cung cấp các thông tin cá nhân.

Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc gia Ronald Reagan ở Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 22/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một số lời khuyên dành cho du khách sử dụng vận tải đường không trong tương lai:

Lựa chọn các doanh nghiệp quen thuộc, có độ đáng tin cậy thay vì những cái tên mới lạ. Tuy các thương hiệu lớn cũng có những vụ vi phạm, nhìn chung họ vẫn có các tiêu chuẩn bảo mật cao hơn.

Nếu thông tin được yêu cầu cung cấp mang tính nhạy cảm, hành khách cần chú ý xem liệu công ty có lịch sử bảo mật dữ liệu tốt không.

Nếu cần chia sẻ một số thông tin nhất định với một công ty, hành khách hãy xóa chúng ngay sau khi hoàn tất đăng ký hoặc khi kỳ nghỉ kết thúc.

Thường xuyên theo dõi các công ty có quyền truy cập vào dữ liệu của mình.

Thế giới vẫn đang loay hoay điều chỉnh với những thay đổi sau đại dịch, và tin tặc luôn tìm cách tận dụng bất kỳ điểm yếu nào trong giai đoạn nhạy cảm. Đó là vì sao hành khách cần nâng cao cảnh giác và tỉnh táo về thông tin cá nhân hơn bao giờ hết./.

H. THủy (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/tu-bao-ve-dau-chan-ky-thuat-so-trong-nganh-hang-khong-hau-dai-dich/734355.vnp