Posts

Làn sóng năng lượng tái tạo “trỗi dậy” ở Thái Lan

Công suất năng lượng tái tạo (NLTT) ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng thêm hai triệu megawatts trong thập kỷ tới. Đông Nam Á sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng đó với dự kiến nhu cầu điện tăng gấp đôi vào năm 2040.

Tiềm năng phát triển NLTT ở Thái Lan

Thái Lan hiện có công suất lắp đặt NLTT trên 15 GW, đóng góp khoảng một phần ba tổng lượng điện năng, và dự báo sẽ tăng lên 63 GW chiếm 39% thị phần vào năm 2030 để trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về NLTT.


Cơ quan phát điện Thái Lan cho biết dự án lắp đặt điện mặt trời nổi với công suất 45 megawatt trong hồ chứa của đập Sirindhorn ở Ubon Ratchathani sẽ là công trình lớn nhất thế giới khi hoàn thành vào tháng 6 năm nay.

Thái Lan có nguồn NLTT lắp đặt tương đối đa dạng, không phụ thuộc vào một nguồn phát điện chính như thủy điện hoặc năng lượng mặt trời như nhiều nước láng giềng trong khu vực. Thủy điện tính đến năm 2019 đóng góp 30% công suất NLTT hiện có, điện mặt trời 28%, sinh khối 27% và gió 15%.

Sự đa dạng này mang lại cơ hội lớn để tận dụng các lợi ích chi phí từ nhiều công nghệ tái tạo. Tốc độ tăng trưởng gần đây tập trung vào công nghệ điện gió và điện mặt trời, đạt tỷ lệ ấn tượng hàng năm lần lượt là 89% và 83% trong thập kỷ qua.

Điện mặt trời mang lại cơ hội rõ ràng nhất cho sự phát triển năng lượng tái tạo, được thúc đẩy bởi Kế hoạch Phát triển Điện lực quốc gia với mục tiêu đạt 15,6 GW công suất lắp đặt vào năm 2037.

Thái Lan đã và đang tiên phong với việc thí điểm mua bán điện mặt trời ngang hàng sử dụng nền tảng blockchain.

So với năng lượng điện mặt trời, điện gió có tương lai ít chắc chắn hơn dù đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây với các mục tiêu của Chính phủ ít tham vọng hơn.

Sinh khối và thủy điện đều có những đóng góp quan trọng vào bức tranh NLTT hiện tại của Thái Lan, nhưng không có khả năng trở thành những ngành trọng tâm. Sinh khối không cạnh tranh về chi phí so với năng lượng mặt trời và gió.

Thủy điện được quản lý bởi Cơ quan Phát điện Thái Lan (Egat) và cũng được bảo vệ bởi các luật và quy định nghiêm ngặt. Mặc dù điều đó là quan trọng để đảm bảo hiệu quả kinh tế và xã hội cho các dự án thủy điện, nhưng lại khiến các cơ hội trở nên kém hấp dẫn đối với những nhà đầu tư.

Giải pháp

Thái Lan được xếp hạng thứ 21 trên toàn cầu về Chỉ số Thuận lợi Môi trường Kinh doanh (Ease of Doing Business Index) của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên để khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực NLTT còn nhiều việc phải làm.

Tự do hóa hơn nữa hệ thống điện của Thái Lan sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi, giúp nước này đạt được kế hoạch tăng 50% tổng công suất sản xuất trong Kế hoạch Phát triển Điện lực quốc gia.

Tự do hóa sẽ giúp đưa ra các quy định tạo điều kiện và cởi trói cho các doanh nghiệp ngành điện, được hỗ trợ bởi một thị trường bán buôn và bán lẻ cạnh tranh sẽ là động lực quan trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghệ NLTT nhanh chóng và toàn diện hơn.

Công nghệ lưu trữ năng lượng cũng là một lĩnh vực quan trọng đang tạo ra nhiều cơ hội. Phát triển các hệ thống lưu trữ năng lượng có tác dụng bổ sung cho quá trình sản xuất năng lượng tái tạo không liên tục là một trong những lĩnh vực hấp dẫn được các công ty năng lượng như Egat và Global Power Synergy Plc quan tâm. Ngân hàng Phát triển Châu Á năm 2020 đã dành khoản đầu tư đầu tiên cho khu vực tư nhân trị giá 7 triệu USD để phát triển công nghệ lưu trữ pin kết hợp với điện gió quy mô lớn.

Có thể nói, việc thúc đẩy NLTT ở Thái Lan thể hiện nỗ lực của quốc gia nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (GHG) xuống 20,8% dưới mức kịch bản kinh doanh thông thường (business-as-usual) vào năm 2030.

Với môi trường đầu tư thân thiện và mục tiêu phát triển bền vững rõ ràng, cùng các giải pháp như trên, làn sóng năng lượng tái tạo hứa hẹn sẽ sớm đưa Thái Lan trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về NLTT.

Nhật Linh/Theo Bangkokpost
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/lan-song-nang-luong-tai-tao-troi-day-o-thai-lan-605440.html