Posts

Triển vọng điện mặt trời áp mái tại Australia

Lần đầu tiên trên thế giới xuất hiện lưới điện mặt trời cho diện tích hơn 1 triệu km2. Vào ngày 11-2-2021, lần đầu tiên toàn bang Nam Australia được cung ứng 100% điện mặt trời trong 2 giờ đồng hồ.

Mạng lưới điện mặt trời của Australia trải dài dọc theo bờ biển phía Đông và Đông Nam, đi từ thành phố Cairns ở phía Bắc đến Adelaide ở phía Nam, qua các thành phố Brisbane, Sydney, Melbourne và thủ đô Canberra. Đây là một trong những mạng lưới điện dài nhất thế giới do thị trường điện quốc gia Australia (NEM) quản lý.

Ban Nam Australia có diện tích gấp đôi nước Pháp, dân số chưa đầy 2 triệu người tập trung phần lớn tại thủ phủ Adelaide. Bang Nam Australia kết nối với lưới điện quốc gia bằng hai đường dây cao thế, cho phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu năng lượng tùy theo nhu cầu địa phương.

Australia là quốc gia sản xuất điện năng phát thải nhiều carbon nhất trên thế giới do có nguồn than dồi dào, được sử dụng rộng rãi trong các nhà máy điện xung quanh hai thành phố Melbourne và Sydney. Tuy nhiên, khu vực Nam Australia lại khác, tại đây, bên cạnh các nhà máy nhiệt điện khí còn có các turbine điện gió và các tấm pin điện mặt trời.

Kỳ tích về điện mặt trời

Sản xuất điện mặt trời hiện đang được phát triển mạnh mẽ ở Nam Australia với 3 nhà máy có tổng công suất 315 MW. Tuy nhiên, con số này vẫn rất thấp so với công suất điện mặt trời áp mái được lắp đặt tại các hộ gia đình. Hiện có khoảng 288.000 hộ gia đình, chiếm khoảng 1/3 hộ dân ở Nam Australia, lắp đặt pin mặt trời với tổng công suất 1.700 GW.

Vào ngày 11-2-2021, toàn bang Nam Australia được cung ứng 100% điện mặt trời trong vòng 2 giờ đồng hồ. Từ 12 giờ đến 14 giờ, lần đầu tiên hệ thống điện được vận hành hoàn toàn bằng điện mặt trời. Trong đó, 80% công suất đến từ điện mặt trời áp mái của các hộ gia đình. Kỳ tích này đạt được nhờ vào một số yếu tố như bầu trời quang đãng giúp tận dụng tối đa ánh nắng hay nhiệt độ ôn hòa khiến tiêu thụ điện năng tương đối thấp.

Điện mặt trời áp mái tại Australia

Cần cân bằng hệ thống

Để hoạt động tối ưu, hệ thống điện cần phải ổn định cả về mức điện áp và tần số. Vì không thể lưu trữ điện năng, nên tại mọi thời điểm, sản xuất và tiêu thụ điện phải được cân bằng một cách có hệ thống. Nếu gặp rủi ro nhất thời, theo quán tính, máy phát điện xoay chiều trong các nhà máy nhiệt điện sẽ giúp ổn định hệ thống. Cũng giống như đi xe đạp, khi dừng đạp, xe đạp vẫn tiếp tục di chuyển về phía trước và giúp chúng ta giữ thăng bằng. Quán tính này cho phép chúng ta có những khoảng nghỉ ngắn mà không hề ảnh hưởng đến hành trình.

Tương tự, hãy hình dung khi xe đạp được đặt trên máy chạy bộ (các tấm pin mặt trời). Nếu muốn giữ thăng bằng, dù tốc độ của máy chạy bộ là bao nhiêu, chúng ta vẫn phải đạp một chút. Hệ thống điện cũng vận hành như vậy. Tuy nhiên, pin điện mặt trời không có máy phát điện xoay chiều để tạo quán tính, khiến hệ thống thiếu bền vững và có nguy cơ sụt giảm điện khi xảy ra rủi ro. Để tránh những vấn đề đó, bang Nam Australia vẫn duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện khí với số lượng tối thiểu.

Tuy nhiên, giải pháp này không phải là quan trọng nhất. Chúng ta có thể tạo ra quán tính điện giả bằng cách sử dụng máy bù đồng bộ. Trong năm tới, 4 cỗ máy này sẽ được đưa vào vận hành tại bang Nam Australia. Khi sản xuất đủ điện mặt trời, toàn bang sẽ ngừng sản xuất điện bằng khí đốt.

Ở Nam Australia dự kiến đạt tổng công suất 2.800 MW điện mặt trời vào năm 2030. Nếu xảy ra dư thừa năng lượng, Australia sẽ xử lý thế nào? Nguồn điện mặt trời hoàn toàn có thể được lưu trữ trong pin điện của hệ thống lưu trữ năng lượng Hornsdale Power Reserve. Đây là một loại pin khổng lồ có dung lượng 194 MWh và công suất 150 MW. Chúng ta có thể sử dụng nguồn năng lượng lưu trữ này vào buổi tối, hoặc chuyển hóa thành khí hydro cho các loại phương tiện sử dụng nguồn nhiên liệu này, hoặc cũng có thể xuất khẩu điện.

Điện mặt trời dư thừa cũng có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định của lưới điện do không thể lưu trữ điện. Vì thế, nhà điều hành thị trường năng lượng Australia (AEMO) đang phát triển các công cụ kỹ thuật mới cho phép can thiệp và ngắt kết nối từ xa trong trường hợp điện mặt trời áp mái bị quá tải.

Thông thường, 100% sản lượng điện do nhà máy sản xuất sẽ được tải lên mạng lưới truyền tải điện cao áp. Trong khi đó, hệ thống phi tập trung của bang Nam Australia tránh được bước này vì điện mặt trời được sản xuất ngay trên mạng lưới phân phối. Hệ thống này giúp người tiêu dùng kết nối với lưới điện mà không cần lưu tâm đến yếu tố địa lý.

Phương thức sản xuất phi tập trung mới này giúp tránh việc sử dụng mạng lưới điện cao áp vào ban ngày. Bà Audrey Zibelman, Tổng giám đốc AEMO, cho biết: Bang Nam Australia đang tăng cường lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. AEMO cũng có kế hoạch mua 36.000 thiết bị quang điện mới trong vòng 14 tháng tới. Điều đó có nghĩa lưới điện Nam Australia sẽ không còn truyền tải điện nữa vì điện mặt trời áp mái có thể đáp ứng 100% nhu cầu.

Mô hình của Australia cho thấy tiềm năng cao. Vì trước mắt, dù có xử lý kỹ thuật không kịp thời thì hệ thống điện mặt trời 100% (hay 100% năng lượng tái tạo) vẫn có thể hoạt động mà không gây nguy hiểm đến sự ổn định của lưới điện.

Điều đó cũng là minh chứng hùng hồn về tính khả thi của sản xuất điện mặt trời cục bộ và phi tập trung. Việc xây dựng các cánh đồng pin năng lượng mặt trời nay đã lỗi thời. Tuy nhiên, điện mặt trời và điện lượng gió vẫn không đủ cho đến khi công nghệ lưu trữ năng lượng quy mô lớn được đưa vào sử dụng. Do đó, việc duy trì tạm thời một số nhà máy nhiệt điện là điều cần thiết với Australia.

Sản xuất điện mặt trời hiện đang được phát triển mạnh mẽ ở Nam Australia với 3 nhà máy có tổng công suất 315 MW. Tuy nhiên, con số này vẫn rất thấp so với công suất điện mặt trời áp mái được lắp đặt tại các hộ gia đình. Hiện có khoảng 288.000 hộ gia đình, chiếm khoảng 1/3 hộ dân ở Nam Australia, lắp đặt pin mặt trời với tổng công suất 1.700 GW.

S.Phương
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/trien-vong-dien-mat-troi-ap-mai-tai-australia-604331.html

Đức sửa đổi Luật năng lượng nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo

Bộ trưởng Môi trường LB Đức cho biết, liên minh cầm quyền tại Đức đã đồng ý sửa đổi Luật năng lượng nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo (NLTT) và giúp nước này đạt mục tiêu sản xuất 65% điện năng từ các nguồn năng lượng “xanh” vào năm 2030.

Dự thảo luật năng lượng mới dự kiến sẽ đưa ra thảo luận và bỏ phiếu vào thứ Năm (17/12) để kịp ban hành trước ngày 1/1/2021.

Dự thảo luật có một số điểm đáng chú ý, gồm: Cung cấp cho cộng đồng địa phương các ưu đãi tài chính để xây dựng các dự án điện gió trên bờ; Thúc đẩy phát triển năng lượng sinh khối và địa nhiệt; Khuyến khích xây dựng nhiều nhà máy điện mặt trời áp mái quy mô lớn trên các tòa nhà thương mại cũng như trên mái nhà của hộ gia đình; Thiết lập lại chính sách hỗ trợ đối với các nhà máy điện mặt trời và điện gió sau 20 năm hoạt động để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo ý kiến của một số nhà lập pháp Đức, dự luật mới sẽ cung cấp thêm các ưu đãi đối với việc tiêu thụ năng lượng của các hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái và thuế đối với các hộ dân tham gia vào dự án năng lượng mặt trời, giúp tiết kiệm chi phí điện năng cho người dân. Hiệp hội ngành công nghiệp tiện ích tại Đức (BDEW) cho biết, trong năm 2020, các nguồn NLTT đã chiếm 46,3% tiêu thụ điện năng của Đức, cao hơn 3,8% so với năm 2019. Một phần của sự gia tăng này xuất phát từ sụt giảm tiêu thụ điện năng trong thời gian khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/duc-sua-doi-luat-nang-luong-nham-thuc-day-nang-luong-tai-tao-590961.html

Thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật điện mặt trời áp mái

Điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật ĐMTAM, ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống lưới điện. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Võ Quang Lâm – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – về vấn đề này.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, nước ta đang có nguy cơ thiếu điện. Ông có nhận xét gì về ý kiến đó?


Ông Võ Quang Lâm

Ông Võ Quang Lâm: Nhiều dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ, dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần. Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực mới đây cho thấy, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200 MW trở lên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.

Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ, đẩy mạnh tiết kiệm điện, thì việc thúc đẩy phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời là cần thiết và cấp bách. Thực tế, nguồn năng lượng tái tạo đang chiếm khoảng 10% tổng công suất toàn hệ thống, nhưng sản lượng điện tạo ra chỉ chiếm dưới 3% tổng sản lượng điện sản xuất.

PV: Thời gian qua, Việt Nam đã có những chính sách thúc đẩy sự phát triển ĐMTAM. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của nguồn năng lượng này?

Ông Võ Quang Lâm: Tính đến 31-5-2020, cả nước đã có khoảng 37.000 khách hàng lắp đặt ĐMTAM với tổng công suất 653 MW. Đây là mô hình mang lại rất nhiều lợi ích cho chủ đầu tư. Với hộ gia đình, ĐMTAM sẽ góp phần giảm số điện sử dụng ở bậc thang giá cao. Với doanh nghiệp, ĐMTAM góp phần giảm số điện phải sử dụng trong giờ cao điểm, tiết giảm chi phí tiền điện hằng tháng. Ngoài ra, phần sản lượng điện mặt trời dư thừa, chủ đầu tư có thể bán lại cho ngành điện. Chúng tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm 500-1.000 MW ĐMTAM được lắp đặt.

Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật ĐMTAM. Đây là vấn đề cần được quan tâm, vì ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống lưới điện trung, hạ áp trong thời gian tới. Hiện nay, EVN đang phối hợp với Bộ Công Thương và Tổ chức GIZ để xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho ĐMTAM.

PV: Theo ông, cần có cơ chế chính sách gì để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư và sử dụng ĐMTAM?

Ông Võ Quang Lâm: Ngay sau khi Thủ tưởng Chính phủ ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó có ĐMTAM, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương cho phép tạm thời áp dụng Thông tư 05 để EVN có thể ký được các hợp đồng mua bán điện với người dân và doanh nghiệp đã lắp ĐMTAM, thanh toán được ngay với người dân và doanh nghiệp. Từ ngày 22-5-2020, EVN đã thực hiện thanh toán cho người dân và doanh nghiệp đã lắp ĐMTAM từ 1-7-2019 đến nay với số tiền gần 300 tỉ đồng.

Việc phát triển ĐMTAM là cơ hội rất tốt để người dân, doanh nghiệp giảm chi phí mua điện từ EVN. Do tính chất của điện mặt trời, sản xuất vào đúng giờ cao điểm của các doanh nghiệp nên doanh nghiệp sẽ giảm bớt giá điện bậc thang vào giờ cao điểm. Hiện nay, giá điện bậc thang tùy vào cấp điện áp, nếu điện áp dưới 6 kW thì khoảng 3.000 đồng/kWh, còn điện áp trên 6 kW thì cao hơn 50% so với giá điện bán cho EVN. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã lắp tấm pin điện mặt trời trên mái công xưởng để giảm bớt điện tiêu thụ vào giờ cao điểm.

Từ ngày 22-5-2020, EVN đã thực hiện thanh toán cho người dân và doanh nghiệp đã lắp ĐMTAM từ 1-7-2019 đến nay với số tiền gần 300 tỉ đồng.

Vì những lợi ích to lớn đó nên EVN đã tạo mọi cơ chế khuyến khích doanh nghiệp lắp ĐMTAM. Một mặt, EVN yêu cầu các tổng công ty điện lực, khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt ĐMTAM, trong vòng hai ngày kể từ khi có thông tin phải trang bị công tơ hai chiều miễn phí cho người dân, doanh nghiệp và ký các hợp đồng mua bán điện điện tử.

Ngoài ra, EVN đang thúc đẩy xây dựng nền tảng, tạm gọi là EVN Solar, trên nền tảng đó, EVN cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vấn đề pháp lý, thông tin nhà thầu, để các nhà đầu tư, các nhà bán thiết bị, các nhà quản lý có thể gặp nhau nhằm phát triển ĐMTAM ở Việt Nam. EVN đã báo cáo Bộ Công Thương để sớm triển khai hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với nhau không qua lưới của EVN để tận dụng được nguồn năng lượng quý giá này.

PV: Đối với những khó khăn về giải tỏa công suất cho ĐMTAM, EVN đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Võ Quang Lâm: Đối với các dự án nối lưới, EVN đang thực hiện theo các quy định, tiến độ cam kết với các nhà đầu tư. Đặc biệt, đối với các dự án truyền tải lớn, chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư. Chúng tôi cũng nhìn thấy một số khó khăn có thể có trong việc giải tỏa công suất của ĐMTAM, chủ yếu liên quan đến các máy biến áp. Chúng tôi đã đưa các thông tin về tiến độ giải tỏa công suất của các máy biến áp lên các website của EVN để người dân và doanh nghiệp có thể theo dõi được những khu vực nào hệ thống điện sẵn sàng cho việc giải tỏa công suất của ĐMTAM.

Xu hướng chung của xã hội là sử dụng nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Đây là một xu hướng rất tốt, giảm được chi phí đầu tư cho ngành điện cũng như tăng nguồn phụ tải cho nguồn điện, bởi hiện nay nguồn điện đang rất khó khăn. Mong Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục có những cơ chế chính sách tốt hơn để khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đức Minh
https://petrotimes.vn/thieu-tieu-chuan-ky-thuat-dien-mat-troi-ap-mai-574108.html