Posts

Đối mặt khủng hoảng năng lượng, châu Âu kêu gọi ủng hộ điện hạt nhân

10 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu – gồm Pháp, Phần Lan, Ba Lan, CH Séc, Slovakia, Croatia, Slovenia, Rumani, Bulgaria và Hungary – ký một tuyên bố chung khẳng định năng lượng hạt nhân bảo vệ những người tiêu thụ châu Âu chống lại giá cả tăng vọt, đặc biệt nhấn mạnh rằng nó có vai trò chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Các bên ký kết tuyên bố rằng năng lượng hạt nhân “bảo vệ người tiêu dùng châu Âu khỏi sự biến động giá cả”, trong khi giá khí đốt đã tăng mạnh trong vài tháng qua. Do đó, họ cho rằng năng lượng hạt nhân phải được đưa vào khuôn khổ phân loại của châu Âu trước cuối năm nay”, nghĩa là trong danh sách các loại năng lượng được coi là tốt cho cả khí hậu và môi trường mà Ủy ban châu Âu phải đề xuất trong những tháng tới. Việc phân loại này sẽ mở ra khả năng tiếp cận nguồn tài chính “xanh” và tạo lợi thế cạnh tranh cho các lĩnh vực được công nhận.

Theo các nước này, năng lượng hạt nhân cần phải được đưa vào danh sách các năng lượng có lợi cho khí hậu và môi trường. Quan điểm này bị nhiều thành viên khác của liên minh, như Đức và Áo, cực lực phản đối, giống như nhiều tổ chức phi chính phủ coi đó là một công nghệ rủi ro.

Các thành viên ủng hộ điện hạt nhân cũng ca ngợi lợi ích kinh tế của ngành công nghiệp hạt nhân. Theo họ, sự phát triển của ngành này có thể “tạo ra gần 1 triệu việc làm có trình độ cao ở châu Âu”.

Đối với Pháp, đây là cơ hội để một lần nữa khơi lại các cuộc tranh luận không ngừng nghỉ về năng lượng hạt nhân. Chủ đề này được đưa ra hai ngày trước khi Tổng thống Emmanuel Macron công bố kế hoạch đầu tư hàng chục tỷ euro cho kế hoạch mang tên “Nước Pháp 2030”, trong đó ngành công nghiệp điện hạt nhân có một vị trí nổi bật. Nguyên thủ Pháp đặc biệt kỳ vọng vào việc phát triển các lò phản ứng hạt nhân nhỏ, được gọi là SMR (“lò phản ứng mô-đun nhỏ”).

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/doi-mat-khung-hoang-nang-luong-chau-au-keu-goi-ung-ho-dien-hat-nhan-629214.html

Bỉ sẽ xây dựng đảo năng lượng đa chức năng ở Biển Bắc

Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van de Straeten ngày 26/4 cho biết một trong những trụ cột chính của chính sách năng lượng của nước này là sản xuất điện gió ngoài khơi.

Trong chính sách năng lượng của kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, Bỉ sẽ tập trung sản xuất năng lượng tại Biển Bắc. Theo đó, dự kiến Brussels sẽ xây dựng một hòn đảo năng lượng đa chức năng ở vùng biển này.

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh và truyền hình Cộng đồng nói tiếng Pháp của Bỉ (RTBF), Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van de Straeten ngày 26/4 cho biết một trong những trụ cột chính của chính sách năng lượng của nước này là sản xuất điện gió ngoài khơi.

Bỉ dự kiến xây dựng một đảo năng lượng đa chức năng ở Biển Bắc – nơi sẽ kết nối các tuabin gió, đồng thời cho phép lưu trữ và sản xuất hydro xanh. Như vậy, Bỉ sẽ là quốc gia đầu tiên có đảo năng lượng như vậy ở Biển Bắc, trước cả Đan Mạch.

Về đổi mới năng lượng, châu Âu dự định tập trung vào hydro xanh và coi đó như một nhân tố chính trong quá trình chuyển đổi sang trung hòa carbon vào năm 2050.

Một trong những điểm chính của chính sách năng lượng của chính phủ Bỉ là duy trì loại bỏ điện hạt nhân vào năm 2025. Điều này đồng nghĩa với hàng nghìn việc làm bị đe dọa.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tinne Van der Straeten, những việc làm này có thể sử dụng trong các lĩnh vực khác ngoài năng lượng, đặc biệt là y học hạt nhân.

Hiện Bỉ có hai cơ quan nghiên cứu sáng tạo ở Flanders và Wallonia hoạt động với đồng vị phóng xạ. Các dự án sử dụng đồng vị phóng xạ bằng cách tạo ra ít chất thải hơn và với tham vọng chữa khỏi bệnh ung thư.

Để đảm bảo cung cấp năng lượng ở Bỉ mà không có nhà máy điện hạt nhân, Brussels đang xây dựng cơ chế trả công năng lực, nhằm hỗ trợ các “nhà cung cấp năng lực” bằng năng lượng.

Đây là nền tảng để bắt đầu quá trình chuyển đổi năng lượng, vì tương lai hậu năng lượng hạt nhân ban đầu sẽ là các nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Ngoài việc tập trung vào sản xuất năng lượng, Bỉ cũng chú trọng lưu trữ năng lượng.

Kể từ năm 2003, các chính phủ kế tiếp nhau tại Bỉ đã cố gắng thực hiện chính sách chuyển đổi năng lượng nhưng không đạt được nhiều thành công./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/bi-se-xay-dung-dao-nang-luong-da-chuc-nang-o-bien-bac/709054.vnp

Từ bỏ điện hạt nhân: Đức bồi thường 2,4 tỷ euro cho các công ty bị ảnh hưởng

Chính phủ Đức tuyên bố đã ký một thỏa thuận bồi thường trị giá 2,4 tỷ euro với các công ty năng lượng bị ảnh hưởng bởi quyết định rút khỏi năng lượng hạt nhân được Thủ tưởng Angela Merkel đưa ra sau thảm họa Fukushima.

Berlin cho biết: “Chính phủ sẽ trả khoản bồi thường trị giá 2,428 tỷ euro” cho các nhà khai thác EON, RWE, Vattenfall và EnBW, những công ty vận hành các nhà máy điện hạt nhân của Đức, toàn bộ sẽ đóng cửa vào cuối năm 2022. Mười năm sau quyết định lịch sử từ bỏ điện hạt nhân của Đức, thỏa thuận này nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề bồi thường cho các nhà sản xuất năng lượng bị ảnh hưởng bởi việc cho ngừng hoạt động dần tất cả các lò phản ứng trong nước.

Bộ Tài chính, Bộ Môi trường và Bộ Kinh tế Đức cho biết 4 công ty sẽ nhận được 2,285 tỷ euro cho “điện không sản xuất”, và 142,5 triệu euro để bù đắp các khoản đầu tư kéo dài tuổi thọ các nhà máy.

Theo Berlin, các công ty cam kết “rút lại tất cả các thủ tục pháp lý đang chờ xử lý và không đưa ra các hành động hoặc kháng cáo chống lại thỏa thuận bồi thường”.

Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh vụ kiện do công ty Vattenfall đưa ra trước Hội đồng trọng tài của Ngân hàng Thế giới vào năm 2014 để chống lại việc từ bỏ hạt nhân của Berlin. Vattenfall đưa ra thông báo xác nhận từ bỏ các vụ kiện này: “Chúng tôi hoan nghênh thỏa thuận này, nhằm chấm dứt nhiều năm xung đột tốn kém”. Còn về phần RWE: “Đây là một dấu hiệu tốt để củng cố lại lòng tin từ chúng tôi”.

Các nhà chức trách Đức nói rõ thỏa hiệp này không ảnh hưởng gì đến thời hạn và cách thức loại bỏ điện hạt nhân.

Sau vụ tai nạn tại nhà máy điện ở Fukushima, Nhật Bản, Thủ tướng Angela Merkel gây bất ngờ khi tuyên bố loại bỏ hạt nhân cho đến cuối năm 2022. Một cuộc chiến pháp lý nổ ra sau đó giữa chính phủ và các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân của Đức, những công ty bị ảnh hưởng bởi quyết định này. Năm 2016, Tòa án Hiến pháp Karlsruhe đã đưa ra phán quyết chống lại nhà nước, yêu cầu Berlin bồi thường cho các công ty.

Vẫn còn 6 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động ở Đức, so với con số 17 trước khi tuyên bố rút khỏi được được ra. 8 trong số đó đã bị ngắt kết nối vào năm 2011, sau thảm họa Fukushima. Nằm trong chính sách chuyển đổi sinh thái của ngành năng lượng, Đức cũng đã quyết định từ bỏ than đá vào năm 2038.

Để thực hiện điều này, chính phủ đã ký một thỏa thuận bồi thường tương tự cho các nhà sản xuất, trị giá 4,35 tỷ euro. Tuy nhiên, vừa qua, Ủy ban châu Âu đã thông báo mở một cuộc điều tra sâu về các thức bồi thường này, dựa trên các quy tắc cạnh tranh của châu Âu về viện trợ nhà nước.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tu-bo-dien-hat-nhan-duc-boi-thuong-24-ty-euro-cho-cac-cong-ty-bi-anh-huong-603293.html