Posts

Hà Nội: Nồng độ ô nhiễm gia tăng, người dân cần lưu ý bảo vệ sức khỏe

Trong tuần qua, từ ngày 23-31/8, chất lượng không khí tại các quận nội thành Hà Nội đa phần đều ở mức tốt và trung bình. Tuy nhiên, chất lượng không khí có giảm hơn so với tuần trước đó.

Theo kết quả phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), từ ngày 23-31/8, chất lượng không khí tại các quận nội thành đa phần đều ở mức tốt và trung bình. Tuy nhiên, chất lượng không khí có giảm (xấu) hơn so với tuần trước, trong đó có một ngày chất lượng không khí ở mức kém.

Cụ thể, trong tuần qua, Hà Nội chỉ có khu vực Tây Mỗ 100% số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) được xác định ở mức tốt.

Chất lượng không khí ở Hà Nội giảm mạnh trong hai ngày 26 và 27/8. (Nguồn: Chi cục BVMT Hà Nội)

Các khu vực khác như Chi cục Bảo vệ môi trường, Minh Khai, Phạm Văn Đồng và Hàng Đậu, 100% số ngày trong tuần có chỉ số AQI ở mức trung bình (từ 51-100).

Riêng khu vực Hàng Đậu có 2 ngày (26 và 27/8) chỉ số AQI lên mức kém, 108.

Trong đêm 26 và sáng 27/8, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố cũng có chỉ số AQI ở mức kém, trong đó cao nhất là khu vực Hàng Đậu với chỉ số 132; Chi cục Bảo vệ môi trường 125, Minh Khai 121, Phạm Văn Đồng 120, Thành Công 117…

Với chỉ số AQI ở mức kém, những người nhạy cảm có thể sẽ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.

Lý giải nguyên nhân khiến chất lượng không khí những ngày cuối tháng Tám có xu hướng giảm, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường cho rằng tuần vừa qua có mưa trên toàn thành phố, ngày có sương mù nhẹ, trời âm u, nhiều mây, nhiệt độ thấp, lặng gió nên đã gây bất lợi cho việc khuếch tán các chất ô nhiễm, khiến nồng độ ô nhiễm tích tụ trong lớp khí quyển sát mặt đất gia tăng…


Ô nhiễm không khí. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Trước thực trạng nêu trên, Chi cục Bảo vệ Môi trường khuyến cáo người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong; rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống.

Các khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe bản thân, mọi người hạn chế ra ngoài trời và thường xuyên đeo khẩu trang đạt chuẩn an toàn khi ra đường; thường xuyên cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố công khai của cơ quan nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe./.

Hùng Võ (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-nong-do-o-nhiem-gia-tang-nguoi-dan-can-luu-y-bao-ve-suc-khoe/660335.vnp

Ô nhiễm môi trường gây tác hại thế nào đối với sức khỏe?

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. HCM, chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, nguy hại tới sức khỏe người dân. Vậy ô nhiễm môi trường tác động thế nào đối với sức khỏe?

Từ tháng 9 – 12/2019, chỉ số AQI nhiều nơi đã vượt giá trị 200, đặc biệt có ngày chỉ số AQI có nơi vượt ngưỡng 300, mức nguy hại cho sức khỏe. Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí như: PAM Air, Air Visual, ô nhiễm không dừng ở Hà Nội mà lan ra toàn miền Bắc như: Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, hầu hết ở ngưỡng đỏ, xấp xỉ ngưỡng tím, một số nơi đến ngưỡng nâu – ngưỡng cao nhất trong thang bậc cảnh báo.

Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm

Theo thống kê, ở Hà Nội có khoảng 5,8 triệu xe máy, vài trăm nghìn ô tô. Năm 2019, số lượng phương tiện giao thông tăng 15% so với những năm trước. Con số phương tiện giao thông ở Tp. HCM rất lớn với 7,5 triệu xe máy… chưa kể số lượng phương tiện giao thông di chuyển qua hai thành phố này cũng không ít.

Số lượng các nhà máy ven thành phố đang tăng nhanh, gây áp lực lớn lên môi trường xung quanh, trong đó ở Tp. HCM còn có hơn 900 nhà máy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công. Các hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông, ở Hà Nội hiện nay có hơn 1.000 công trình đang xây dựng, Tp. HCM cũng đang có mật độ xây dựng rất lớn, biến hai thành phố trở thành đại công trường gây ô nhiễm lớn.

Ngoài ra, nguyên nhân đặc thù ở Hà Nội là do đốt rơm rạ, gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó là không nhỏ. Cùng với hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong, đốt rác thải không đúng quy định ở ngoại thành Hà Nội cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí.

Tổng cục Môi trường đánh giá, lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng, trong khi đó, công tác quản lý rác thải sinh hoạt này còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được giảm thiểu hoặc tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao. Nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn hầu hết chưa qua xử lý, xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời.

Ngoài vấn đề trên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Môi trường, trung bình mỗi năm lượng chất thải rắn phát sinh từ 10 – 16%. Trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị 38 nghìn tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 32 nghìn tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp khoảng 25 triệu tấn/năm. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. HCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông.

“Chúng ta càng gây tổn hại đến môi trường nhiều hơn thì chúng ta và các thế hệ tương lai càng chịu nhiều nguy hiểm hơn. Sức khỏe của hành tinh là sức khỏe của chúng ta”

Hậu quả của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người

Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người và hệ sinh thái. Cụ thể, ô nhiễm môi trường dẫn đến những hậu quả sau:

Tác động tiêu cực đến phổi

Khói bụi gây ô nhiễm không khí, việc hít vào những nguồn không khí ô nhiễm sẽ tạo gánh nặng cho phổi, khiến chức năng phổi bị suy yếu. Đồng thời, đối với những người bị bệnh hen suyễn, bệnh hô hấp khí phế thũng và viêm phế quản khi hít vào không khí ô nhiễm này khiến bệnh tình nặng hơn. Theo một số nghiên cứu, trẻ em chiếm tỷ lệ cao bị mắc bệnh hen suyễn khi sống gần những khu vực bị ô nhiễm cao.

Làm tăng nguy cơ ung thư

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng, ung thư phát sinh có đến 75 – 80% nguyên nhân là có liên quan đến môi trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi ô nhiễm môi trường đất, khi thực phẩm rau củ được trồng trên vùng đất bị ô nhiễm sẽ chứa trong đó 1 phần độc tố hóa học và khi con người ăn phải những thực phẩm đó, lượng độc tố sẽ tích tụ trong cơ thể và tạo thành những khối ung thư.

Gây ảnh hưởng đến tim mạch

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn nhịp tim, thậm chí dẫn đến đau tim, đột tử,… Theo một nguyên cứu tại Anh cho biết: “Khi các hạt carbon nhỏ xâm nhập vào phổi, chúng gây ra phản ứng viêm và phóng hóa chất vào máu, thu hẹp động mạch, gây ra các cục máu đông, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim”.

Ô nhiễm môi trường gây hậu quả lớn đối với hệ sinh thái

Tình trạng ô nhiễm môi trường không những chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe con người mà còn gây tác động rất lớn đến hệ sinh thái.

Môi trường đất

Ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái, môi trường mà tất cả chúng ta cũng như các hệ sinh vật đang sinh sống. Khi tài nguyên đất bị ô nhiễm sẽ làm đất đai cằn cỗi, cây cối không thể phát triển được gây ảnh hưởng đến rất nhiều các loài sinh vật. Những vấn đề này dẫn đến các hệ lụy khác rất nguy hiểm.

Thứ nhất, nguồn đất bị ô nhiễm trở nên cằn cỗi, không thích hợp cho cây trồng. Thực vật trồng khi trên đất này cũng sẽ bị nhiễm bệnh, Khi chúng ta ăn vào cũng sẽ bị nhiễm bệnh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các cơ thể sống khác trong chuỗi thức ăn.

Thứ hai, môi trường đất bị ô nhiễm cũng sẽ ngấm vào nước gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và dẫn đến tình trạng thiếu nước dùng cho sinh hoạt hoặc phải dùng các nguồn nước bẩn.

Thứ ba, môi trường đất bị ô nhiễm sẽ làm thu hẹp môi trường sống của nhiều loài sinh, động, thực vật.

Môi trường không khí

Bên cạnh đó, môi trường không khí bị ô nhiễm cũng sẽ để lại rất nhiều hệ lụy như:
Thứ nhất, gây ra mưa axit làm giảm độ pH của đất do những chất lưu huỳnh dioxit và các oxit của nitơ.
Thứ hai, ô nhiễm không khí tạo nên hiện tượng khói bụi che chắn làm giảm ánh sáng mặt trời, ảnh hưởng đến sự quang hợp và phát triển của thực vật… Cụ thể, tại Hà Nội từng bị che phủ trong khói bụi dày đặc.
Thứ ba, ô nhiễm không khí cũng là nguyên nhân làm thủng tầng ôzôn, tăng hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên, phá hủy các khu sinh thái.

Môi trường nước

Có thể nói, ô nhiễm nguồn nước là vấn đề nghiêm trọng nhất tại nước ta hiện nay đang hủy diệt các sinh vật sống trong nước. Cụ thể: Ô nhiễm nguồn nước do Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh) xả trực tiếp ra biển khiến hiện tượng cá chết hàng loạt từ vùng biển Vũng Áng kéo dài tới vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế vào khoảng đầu tháng 4/2016.

Nói chung, ô nhiễm nguồn nước gây hậu quả nghiêm trọng đến sự sống và sức khỏe con người. Ví dụ như: ô nhiễm và cạn kiệt mạch nước ngầm sẽ gây lên tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt trong tương lai.

VNCPC (Tổng hợp)

http://kttvqg.gov.vn/tin-tuc-tai-nguyen-nuoc-va-moi-truong-114/khac-phuc-nan-o-nhiem-khong-khi–bo-tai-nguyen-va-moi-truong-de-xuat-ban-hanh-mot-loat-bien-phap-cap-bach-6592.html

https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/hon-52-000-nguoi-viet-chet-vi-o-nhiem-khong-khi-605021.html