Posts

VNCPC tham gia khởi động dự án Năng lượng tái tạo cho ngành chè Việt Nam

Mới đây (6-10/02/2023), đại diện Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng đoàn chuyên gia Thụy Sĩ đã khởi động dự án Năng lượng tái tạo cho ngành chè Việt Nam, tại tỉnh Nghệ An.

Dự án được triển khai từ tháng 01/2023 đến tháng 02/2025, nhằm mục đích đánh giá mức độ khả thi, khuyến nghị lộ trình thực hiện cho việc áp dụng hệ thống tích hợp quang nông-nhiệt phân-than sinh học thí điểm tại huyện Anh Sơn (Nghệ An), hướng tới xây dựng mô hình canh tác và sản xuất chè bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.

Sơ đồ mô tả Hệ thống tích hợp quang nông-nhiệt phân-than sinh học thí điểm

Với gồm 04 hợp phần chính, trong đó 03 hợp phần kỹ thuật và 01 hợp phần tích hợp, dự án hướng tới các mục tiêu cụ thể là: Đạt được mức tăng đáng kể về hiệu suất năng lượng của toàn bộ hệ thống; Tăng khả năng lưu giữ chất dinh dưỡng và nước của đất bằng cách bón than sinh học (biochar) được sản xuất từ công nghệ nhiệt phân, nhờ đó giúp giảm sự phụ thuộc của người trồng chè vào nhiên liệu hóa thạch (dầu để bơm nước), phân bón và nước; Tối đa hoá đóng góp tiềm năng của sinh kế nông nghiệp (canh tác chè) vào quá trình hấp thụ carbon, cũng như phí sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm; Đồng thời tối ưu hoá sản xuất chè dưới hệ thống sản xuất năng lượng mặt trời che bóng có kiểm soát (điện mặt trời), và xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp cho nông dân trồng chè.

Cũng trong chuyến công tác này, đoàn cán bộ dự án đã có buổi thăm và làm việc với huyện ủy Anh Sơn, Công ty CP Phát triển Chè Nghệ An, cũng như đi khảo sát các địa điểm sẽ triển khai mô hình thí điểm tại xã Hùng Sơn và Bình Sơn, huyện Anh Sơn.

Theo đánh giá chung, dự án đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo địa phương cũng như nhà máy và các hộ nông dân. Hoạt động tiếp theo của dự án sẽ tập trung vào chia sẻ thông tin và kết nối với các bên hữu quan trong nước.

Một số hình ảnh về chuyến công tác tại huyện Anh Sơn của đoàn cán bộ dự án:

VNCPC

Than sinh học: Tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam

Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học chính là giải pháp thông minh giúp ứng phó với biến đổi khí hậu cho ngành nông nghiệp của Việt Nam. Không chỉ có vậy, than sinh học còn có rất nhiều tiềm năng ứng dụng đang được triển khai tại Việt Nam

Ngày 16/9, tại Hà Nội, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng các đối tác đã phối hợp tổ chức  Sự kiện kết nối nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường than sinh học tại Việt Nam. Đây là hoạt động thuộc Dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Khu công nghiệp Sinh thái Toàn cầu (GEIPP) – Việt Nam do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

Dự án nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam với 3 mục tiêu chính: Nhận diện “công nghệ xanh” và nâng cao nhận thức về công nghệ nhiệt phân; Nghiên cứu khả thi và xây dựng các mô hình kinh doanh; Thúc đẩy thị trường than sinh học.

Ông Hannes Zellweger – Trưởng nhóm thực hiện Dự án (ngồi phía bên trái)

Phát biểu tại sự kiện, ông Hannes Zellweger – Trưởng nhóm thực hiện Dự án cho biết: Phát triển và chuyển giao công nghệ xanh là yếu tố trọng tâm trong chiến lược giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ của Thụy Sĩ mà cả Việt Nam. Sự kiện lần này nhằm kết nối các bên hữu quan hoạt động trong lĩnh vực than sinh học để trao đổi về các khoảng trống và nhu cầu chính của ngành. Đây là bước đệm cho việc định hình và phát triển một diễn đàn cấp quốc gia về than sinh học. Qua đó, khuyến khích tất cả các bên liên quan cùng chia sẻ và trao đổi thông tin; tương tác, hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu; sản xuất, kinh doanh và ứng dụng công nghệ nhiệt phân và than sinh học tại Việt Nam.

Các đại biểu tham gia sự kiện chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo còn góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, giảm phát thải khí nhà kính, kết nối hợp tác để thúc đẩy việc chuyển đổi các phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học có giá trị, đồng thời thúc đẩy thị trường than sinh học.

Than sinh học: Giải pháp giúp ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo UNIDO, than sinh học có nguồn gốc từ sinh khối chất thải nông nghiệp là một công nghệ phát thải âm thông qua việc cô lập các-bon dài hạn và hiệu quả với những lợi ích tiềm năng to lớn trong thực hành nông nghiệp tái tạo. Than sinh học cũng được coi là một giải pháp sạch, hiệu quả và bền vững để khử các-bon trong ngành nông nghiệp, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, một số thành viên từ cộng đồng nghiên cứu, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đã tiên phong và phát triển các dự án than sinh học hơn 20 năm qua. Lợi ích rõ nét nhất của than sinh học đang được sử dụng là để cải tạo chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng.

TS Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam)

Tại sự kiện, TS Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cũng chia sẻ về lợi ích mà than sinh học mang lại đối với ngành nông nghiệp. Theo TS Lương Hữu Thành than sinh học có độ pH cao và có thể hoạt động giống như vai trò của vôi để tăng độ pH của đất. Khi vật chất hữu cơ và thành phần sét trong đất thấp và đất có kết cấu thô thì việc duy trì độ ẩm đất có thể giúp thành lập thảm thực vật và than sinh học có thể trợ giúp để làm điều này. Đặc biệt, việc rửa trôi chất dinh dưỡng cũng có thể giảm được bằng cách áp dụng bón than sinh học cho đất.

Đề cập đến lợi ích từ than sinh học, ông Võ Văn Quốc Bảo đến từ Trường Đại học Nông Lâm Huế cho hay: Với mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ổn định diện tích gieo trồng lúa nước khoảng 51.000 – 52.000 ha/năm. Ước tính cho khối lượng phụ phẩm rơm, trấu sau thu hoạch là 3.944.000 tấn rơm và 724.000 tấn trấu.

Ông Võ Văn Quốc Bảo – Trường Đại học Nông Lâm Huế

Phần lớn lượng phụ phẩm này bị đốt, bỏ trên đồng ruộng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, mất an toàn giao thông… Bên cạnh đó, việc đốt phế phẩm ngoài trời sẽ gây hiệu ứng nhà kính. Do đó, phương pháp để sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm này là ứng dụng công nghệ, thiết bị để sản xuất ra than sinh học, sử dụng để cải tạo đất trồng, giúp tăng năng suất cây trồng.

… Và những tiềm năng khác

Bà Đỗ Thị Dịu- Chuyên gia của VNCPC

Theo bà Đỗ Thị Dịu – Chuyên gia của VNCPC, hiện ngoài ứng dụng trong nông nghiệp, than sinh học còn được ứng dụng rất nhiều trong lọc nước và xử lý nước thải, trong y tế, trong làm đẹp và đời sống hằng ngày. Song các ứng dụng này vẫn chưa được triển khai rộng khắp. Vì vậy rất cần sự chung tay góp sức của các cơ quan, tổ chức, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp để than sinh học ngày càng phát huy được những tác dụng hữu ích của mình.

VNCPC

Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững

Chiều ngày 28/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo trực tuyến: Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững”.

Hội nghị do Ông Nguyễn Hà Huế, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Bà Nguyễn Lê Hằng – Phó Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNPCP), đơn vị đầu mối thực hiện dự án “Thúc đẩy mô hình nhiệt phân hệ thống quy mô nhỏ tại Việt Nam” do UNIDO triển khai tại Việt Nam đồng chủ trì.

Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, giảm phát thải khí nhà kính, chia sẻ tri thức, kết nối hợp tác để thúc đẩy việc chuyển đổi các phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học có giá trị đồng thời thúc đẩy thị trường than sinh học tại Việt Nam.

Sự kiện này cũng là một trong chuỗi sự kiện được Chương trình hỗ trợ quốc tế – Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức để kết nối tri thức và tăng cường năng lực cho các cán bộ ngành nông nghiệp nhằm triển khai thực hiện tốt mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính…Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, ít phát thải, thân thiện với môi trường và thích ứng với khí hậu…” đã đề ra trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, các hợp tác xã, các cơ quan quản lý và các Sở nông nghiệp và PTNT với hơn 200 lượt truy cập trực tuyến. Gần 50 câu hỏi đã được đặt ra trao đổi và thảo luận về các vấn đề có liên quan đến phát triển than sinh học và các công nghệ có thể ứng dụng để biến các phụ phẩm nông nghiệp thành “vàng đen”.

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe 4 bài trình bày từ các chuyên gia trong nước và quốc tế về nhu cầu và xu hướng phát triển than sinh học trên thế giới và ở Việt Nam, đặc tính và ứng dụng của than sinh học, các mô hình ứng dụng than sinh học trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Theo http://www.isgmard.org.vn/Detailnews.aspx?NewsID=999&CM=CM002&CategoryID=CA001&subCategoryID=SC002

Hội thảo trực tuyến: Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trân trọng kính mời: Quý đại biểu

Tham dự “Hội thảo trực tuyến: Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững” do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức.

Hội thảo này được tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022.

  1. Mục tiêu hội thảo:

– Nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp.

– Kết nối và hợp tác để thúc đẩy ứng dụng và thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam trong chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học giá trị.

  1. Thời gian: 14h00 – 16h00, thứ Năm, ngày 28/04/2022
  2. Đầu cầu chính: Phòng 101 B6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
  3. Chủ trì: Lãnh đạo Vụ HTQT và đại diện UNIDO
  4. Hình thức:

– Trực tiếp tại đầu cầu chính: Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện UNIDO

– Trực tuyến: Lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT, các doanh nghiệp, hiệp hội, hội, hợp tác xã, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; các cơ quan truyền thông, báo chí.Quý đại biểu tham dự Hội thảo xin đăng ký tham dự trước ngày 27/04/2022 theo đường link sau: https://forms.gle/q2K1yeHjLQDtsgxo6.

Thông tin về phòng họp trực tuyến, ID và mật khẩu sẽ được gửi đến Quý đại biểu tham dự trực tuyến sau khi nhận được đăng ký. Chi tiết liên hệ với Văn phòng ISG, Vụ Hợp tác quốc tế (Đ/c Nhung: Tel: 024.3771.1736/0392.992.235; [email protected])

VNCPC

Biochar giúp cải tạo đất, nâng cao chất lượng nông sản

Với giá thành thấp hơn đáng kể so với phân bón hóa học, song ưu điểm nổi trội của biochar (than sinh học) không chỉ là cải tạo đất, nâng cao chất lượng nông sản mà còn giúp duy trì hiệu quả trong thời gian dài.

Đó là nhận xét chung của các thành viên tham dự buổi tập huấn về “Ứng dụng than sinh trong cải tạo đất trồng” diễn ra vào ngày 19/3, tại xã Cư Suê huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Các thành viên tham gia buổi tập huấn chụp ảnh lưu niệm.

Theo bà Heloise Buckland- Giám đốc điều hành và là nhà đồng sáng lập Tổ chức HUSK (Tây Ban Nha): Biochar là sản phẩm đã được sử dụng từ hàng nghìn năm trước tại khu vực Amazon và những năm gần đây đã được các nước ở châu Á, Đông Nam Á sử dụng để cải tạo độ PH trong đất.

Biochar theo nghiên cứu của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) có thể giữ hàm lượng carbon trong đất lên tới cả trăm năm.  Chỉ 1 gam biochar có thể sử dụng để cải tạo cho 120 m2 đất. Còn với phân bón vi sinh được bà con nông dân làm theo cách truyền thống thường không giữ được carbon trong đất do dễ dàng bị nước mưa rửa trôi trong thời gian ngắn.

Bà Heloise Buckland- Giám đốc điều hành và là nhà đồng sáng lập Tổ chức HUSK (Tây Ban Nha) giải thích về cơ chế biochar giúp cải tạo đất.

Trong khi đó, cây trồng cần hàm lượng carbon trong đất lên tới 60% để duy trì bộ rễ phát triển khỏe mạnh. Nhưng theo ước tính, trên toàn cầu hiện có tới 30% diện tích đất nông nghiệp đã bị thoái hóa do quá trình canh tác thiếu bền vững. Vì vậy, biochar chính là “chìa khóa” giúp giải quyết vấn đề một cách triệt để. Khi được trộn vào đất, biochar sẽ giúp cải thiện cấu trúc của đất, giúp đất giữ được nước và các chất dinh dưỡng nhờ đó mà các hệ vi sinh phát triển, tạo sự cân bằng sinh thái trong đất. Cũng nhờ những ưu điểm này mà người dân không cần phải bón than sinh học liên tục như cách làm hiện nay đối với phân bón hóa học.

Bà Heloise hướng dẫn sử dụng biochar đối với cây trồng.

“Nhờ sử dụng biochar, tôi đã giảm được ½ lượng phân bón hóa học mỗi năm. Điều này không chỉ giúp tiết giảm chi phí mà đất vườn của tôi cũng tơi xốp hơn, cây cối xanh mướt, ít sâu bệnh, chất lượng nông sản tốt hơn nên giá bán cũng cao hơn”, Bà Đặng Thị Cúc –  xã viên Hợp tác xã Bình Minh chia sẻ.

Còn theo bà Triệu Thị Châu – Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh: Ưu điểm nổi trội  của hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ PPV300 đó là ngoài tạo ra than sinh học từ phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp, còn giúp người nông dân sấy nông sản như cà phê khi vào mùa thu hoạch gặp mưa trái mùa. Đặc biệt, nhờ quá trình đốt yếm khí không xả thải CO2 nên vấn đề môi trường cũng được xử lý một cách hiệu quả.

Thông tin về công nghệ nhiệt phân

Trong giai đoạn từ 2016 – 2019, công nghệ nhiệt phân (pyrolysis) đã được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ về Việt Nam, có tiềm năng chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng nhiệt và than sinh học. Công nghệ này làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho người nông dân và người chế biến nông sản. Công nghệ lò đốt nhiệt phân cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và kịp thời mà vẫn đáp ứng được những tiêu chuẩn khí thải khắt khe. Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền là đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ (PPV300) để thí điểm cho mô hình HTX tại Việt Nam.

VNCPC

Portfolio Items