Chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái để phát triển kinh tế bền vững

Theo Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ KH&ĐT, tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 KCN, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích khoảng 132.300 ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89.900 ha.

Trong đó có hơn 300 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.

Hiện đã có một số Khu công nghiệp truyền thống tiên phong chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, thu hút nhiều Tập đoàn lớn đến đầu tư và hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế đất nước xanh, bền vững. Tuy vậy rất cần nhiều cơ chế, chính sách hơn nữa để thúc đẩy các Khu công nghiệp sinh thái thực sự đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước bền vững.

Một thực tế đáng mừng là, trong những năm gần đây, vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35 – 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong KCN, KKT chiếm 70 – 80% tổng vốn đăng ký cả nước. KCN và KKT đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, như: Samsung, LG, Canon, Foxconn, Lego, Gortek, Hyosung, Formosa… đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.


Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền – Hải Phòng

Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, với sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế và nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, trong giai đoạn 2015-2019, Việt Nam đã triển khai thí điểm sáng kiến KCN sinh thái tại 3 địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ do Bộ KH&ĐT phối hợp với tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc thực hiện với nguồn tài trợ từ Tổng cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, Quỹ Môi trường toàn cầu và Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc.

Sau hơn 4 năm triển khai hỗ trợ chuyển đổi 4 KCN thí điểm là KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu, KCN Hòa Khánh và KCN Trà Nóc 1&2, các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn do dự án đề xuất đã giúp 72 DN tiết kiệm được hơn 22.000 MWh điện, 600.000 m3 nước, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải, trên 76 tỷ đồng/năm và huy động trên 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm khí CO2 phát thải…

Từ năm 2020-2024, từ nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sỹ, Bộ KH&ĐT tiếp tục phối hợp với UNIDO nhân rộng mô hình KCN sinh thái thêm tại 3 địa phương: Hải Phòng, Đồng Nai và TP.HCM. Tính đến hết tháng 5/2024, đã có 90 doanh nghiệp được hỗ trợ với 889 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn tại 4 KCN: Hiệp Phước; Amata; Đình Vũ và Hoà Khánh, góp phần tiết kiệm năng lượng, nước, giảm phát thải CO2 và đem lại lợi ích kinh tế cho các DN; đề xuất thực hiện 62 cơ hội cộng sinh công nghiệp – đô thị cho 3 KCN với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các KCN trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới, các bộ, ngành đang đề xuất những chính sách khuyến khích phù hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư có động lực triển khai các mô hình mang tính bền vững.

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ KH&ĐT cho biết: “Đối với mô hình khu công nghiệp sinh thái này thì ngoài những cơ chế chính sách ưu đãi, không phải quy định của pháp luật về thuế, chúng tôi định hướng sẽ bổ sung cơ chế chính sách, ví dụ như thời hạn hoạt động của các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cao hơn so với những dự án hạ tầng khu công nghiệp thông thường.

Đồng thời sẽ bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến điều kiện tín dụng ưu đãi, các nguồn lực cho việc thực hiện các khu công nghiệp sinh thái. Ngoài ra nội dung quan trọng nhất của Luật, đó chính là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về Khu công nghiệp- Khu kinh tế với trọng tâm là các cơ quan quản lý nhà nước về KCN-KKT ở các địa phương. Các Ban quản lý phải có đủ thẩm quyền, năng lực để phát triển những mô hình, theo hướng tiệm cận với quốc tế như là mô hình Khu công nghiệp sinh thái hay khu thương mại tự do”.


Bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Quản lý các Khu kinh tế – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh. Đây cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển bứt phá và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đơn cử như quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang sinh thái của các khu công nghiệp An Phát (Hải Dương), Nam Cầu Kiền và Deep-C (Hải Phòng) đã tạo ra hiệu quả vượt trội cho chuỗi kinh tế tuần hoàn. Những mô hình này đang tạo sức cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời, là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi xanh. Khu công nghiệp Deep C nổi bật với hệ thống năng lượng tái tạo (điện mặt trời áp mái, điện gió); khu tổ hợp dịch vụ xã hội trong khu công nghiệp. Các công trình nơi đây đều dựa vào tự nhiên ứng phó biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền với vai trò tích cực của nhà đầu tư đã trở thành mô hình đang chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái thí điểm, đã có hơn 1 triệu cây xanh được trồng, chiếm đến 33% diện tích đất khu công nghiệp. Hệ thống quan trắc nguồn thải tự động liên tục truyền dẫn thông tin về Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng (24/24 giờ) tất cả các ngày trong tuần. 81,4 kWh điện đã được tạo ra từ dự án điện mặt trời áp mái và được sử dụng trong vận hành khu công nghiệp, 25% lượng nước thải trong khu công nghiệp sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả thải ra ngoài môi trường, tiết kiệm được 6 tỷ đồng mỗi năm chi phí mua nước sạch. 65% hệ sinh thái trong khu công nghiệp được phục hồi sau khi mô hình sinh thái đang được từng bước áp dụng tại Nam Cầu Kiền. Mô hình chuyển đổi này đang được nhân rộng trên cả nước, với tổng quy mô quỹ đất lên đến 3.500 ha.

Ông Phạm Hồng Điệp – một chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng đề xuất: “Cơ chế, chính sách để khuyến khích cho các nhà đầu tư cũng như là các doanh nghiệp FDI hoặc DDI trong thu hút đầu tư phải có sự đồng bộ và có cơ chế chính sách khuyến khích để họ có cảm hứng, liên kết với nhau cùng xây dựng một Hệ kinh tế tuần hoàn, cũng như Hệ doanh nghiệp sống cộng sinh trong khu công nghiệp, dẫn đến thành công một khu công nghiệp sinh thái. Hiện nay, chúng tôi rất cần các vấn đề pháp lý và các cơ chế chính sách để tạo cảm hứng cho các nhà đầu tư”.

Ông Bruno Jaspaert – Tổng giám đốc Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng) cho biết, các nguyên tắc phát triển hiện nay của Khu theo hướng đảm bảo thu hút các nhà đầu tư muốn đến đầu tư và đáp ứng các dịch vụ liên quan đến ESG (các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị), đến chứng chỉ carbon, các sáng kiến để các nhà đầu tư báo cáo với cấp quản lý không chỉ hiệu quả về mặt lợi nhuận mà cả việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Các sáng kiến đều đảm bảo phát triển một KCN theo định hướng xanh nhất và bền vững nhất. Tuy nhiên cũng còn một số khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ Khu công nghiệp truyền thống sang Khu công nghiệp sinh thái.

“Có một ví dụ mà chúng tôi gặp khó khăn khi triển khai các sáng kiến, và ngay tại thời điểm này có nhiều việc chúng tôi cũng chưa thể làm được. Như việc chúng tôi có nhà máy xử lý nước thải có khả năng xử lý để chất lượng nước thải sau xử lý còn tốt hơn chất lượng nước thô. Nhưng hiện tại chúng tôi chưa thể đưa nước thải đã qua xử lý quay trở lại quy trình sản xuất công nghiệp mặc dù các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp sẵn sàng tái sử dụng nước thải đã qua xử lý này” – ông Bruno Jaspaert nói.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN mới, tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN xanh, trong đó quy hoạch hình thành các khu Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng “Thung lũng Sillicon Việt Nam”. Các Khu công nghiệp, khu kinh tế lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai.

Trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các DN công nghệ, start-up được hình thành và phát triển. Dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng… Thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các Tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên. Điều quan trọng nhất là phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội, đảm bảo bền vững về môi trường, quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KKT, hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp – đô thị – dịch vụ, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các KCN, KKT.

Xuân Lan/VOV1
https://vov.vn/kinh-te/chuyen-doi-sang-khu-cong-nghiep-sinh-thai-de-phat-trien-kinh-te-ben-vung-post1116812.vov