ADB hỗ trợ hơn 220 triệu USD phát triển các đô thị xanh tại Việt Nam

Mới đây, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng UBND các tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên – Huế đã ký kết các hiệp định dự án với tổng giá trị 223,87 triệu USD cho Dự án Phát triển các đô thị xanh. Dự án sẽ hỗ trợ phát triển đồng đều và bền vững về môi trường tại các TP. Hà Giang, Vĩnh Yên và Huế để tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế những nơi này.

Theo đó, ADB sẽ giúp Hà Giang, Vĩnh Yên và Huế tích hợp những cấu phần xanh đặc trưng trong cơ sở hạ tầng đô thị của TP, ví dụ như chiếu sáng đường phố tiết kiệm năng lượng và kè bờ với các đặc điểm tự nhiên. Dựa trên hỗ trợ của ADB về xây dựng các Kế hoạch Hành động TP Xanh cho 3 TP, ADB kỳ vọng Dự án sẽ là minh chứng cho việc kết hợp giữa quy hoạch đô thị tổng hợp và phối hợp tài trợ để giúp cải thiện tính đáng sống, tính thích ứng và cơ hội kinh tế ở các TP.

Do đô thị hóa nhanh, hầu hết 31 triệu người dân sống tại các đô thị của Việt Nam đều đang đối mặt với những thách thức mới xuất hiện về kinh tế – xã hội và môi trường. Khác với 5 TP trực thuộc Ttrung ương, sự phát triển của các đô thị loại 2 đang tụt hậu. Rất nhiều cộng đồng ở những TP này đang trở nên ngày càng dễ tổn thương trước các rủi ro thảm họa và biến đổi khí hậu.


Huế là một trong 3 TP được thực hiện Dự án Phát triển các đô thị xanh.

Sự phát triển chậm của các đô thị loại 2 không chỉ cản trở các đô thị này đóng góp vào tăng trưởng kinh tế – xã hội của cả nước, mà còn làm giảm các cơ hội việc làm và khiến cho môi trường sống bị suy giảm cho người dân địa phương cũng như lao động di cư. Để ứng phó với những hạn chế phức tạp trên cả khía cạnh kinh tế – xã hội và tài chính này, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ mang tính chiến lược trong quy hoạch TP và xác định các hoạt động đầu tư hiệu quả từ bên trên.

Chính phủ và ADB đã cùng lựa chọn Hà Giang, Vĩnh Yên và Huế làm các TP thí điểm, do các đô thị này đại diện cho những đặc điểm kinh tế – xã hội, các hạn chế phát triển và vị trí địa lý khác nhau.

Tổng vốn đầu tư dự án bao gồm 3 triệu USD viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF); 3 triệu USD viện trợ từ Quỹ Tín thác Thích ứng Biến đổi khí hậu đô thị (UCCRFT), được hỗ trợ bởi Quỹ Rockefeller, Chính phủ Thụy Sĩ và Vương quốc Anh. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ về kỹ thuật đi kèm Dự án trị giá 12,8 triệu USD, trong đó 10,8 triệu USD được tài trợ bởi GEF và 2 triệu USD từ UCCRTF.

Song song với việc triển khai thí điểm phát triển TP xanh, Dự án cũng sẽ giúp hình thành một khung pháp lý cho các đô thị bền vững và thích ứng để áp dụng trong phát triển đô thị xanh trên toàn quốc, thí điểm tài trợ rủi ro thảm họa cho Huế.

Dự án được dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2023, giúp 3 TP cải thiện các dịch vụ cơ sở hạ tầng đô thị xanh và thích ứng cũng như tăng quy mô ứng phó biến đổi khí hậu, mang lại lợi ích cho khoảng 116.000 hộ gia đình, trong đó có 6.100 hộ nghèo, cận nghèo. Đối với tất cả các tiểu dự án, UBND các tỉnh sẽ được tăng cường năng lực thể chế trong quản lý phát triển đô thị.

Theo Nhật Minh/tapchimoitruong.vn

Hệ thống hóa khí bằng nguyên liệu sinh khối: Sáng kiến vì môi trường

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường từ khói bếp và tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu tái tạo thay thế cho nguồn nguyên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, anh Bùi Công Tráng đến từ tiểu khu 2 thị trấn Thuận Châu tỉnh Sơn La đã nghiên cứu và chế tạo ra hệ thống hóa khí sinh nhiệt gián tiếp từ nhiên liệu sinh khối.

Sinh khối là dạng vật liệu sinh học từ sự sống, hay gần đây là sinh vật sống, đa số là các cây trồng hay vật liệu có nguồn gốc từ thực vật. Được xem là nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối có thể dùng trực tiếp, gián tiếp một lần hay chuyển thành dạng năng lượng khác như nhiên liệu sinh học. Sinh khối có thể chuyển thành năng lượng theo ba cách: chuyển đổi nhiệt, chuyển đổi hóa học, và chuyển đổi sinh hóa.

Anh Bùi Công Tráng – Tác giả sáng kiến

Nguyên lý hoạt động của hệ thống là quá trình chuyển hóa nhiên liệu từ thể rắn sang thể khí nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng lên gấp nhiều lần, bằng cách đốt nhiên liệu trong môi trường thiếu oxy và đốt cháy dưới dạng than hồng không có ngọn lửa.

“Hệ thống hóa khí sinh nhiệt” gián tiếp từ nhiên liệu sinh khối gồm 1 thùng hóa khí có thiết kế hình trụ, được làm bằng tôn mạ kẽm chống gỉ, có chức năng chứa và đốt cháy nhiên liệu. Bình trung gian có nhiệm vụ chế hòa khí và loại bỏ hơi nước cùng các tạp chất độc hại, làm mát khí trước khi đưa khí tới mặt đốt, cũng như tách lấy khí cháy được để sử dụng.

Ngoài ra, hệ thống còn được trang bị thêm 3 mô tơ sử dụng điện 220v: Mô tơ quạt hút có nhiệm vụ hút khí từ thùng hóa khí tới bình trung gian giúp người cấp nhiên liệu tránh được khói bụi và khí độc hại, đồng thời cũng duy trì quá trình cháy liên tục cho hệ thống khi cấp thêm nhiên liệu; mô tơ đầm rung dùng để nén chặt nhiên liệu, làm tăng khả năng sinh khí gas hỗn hợp, kéo dài thời gian sử dụng; mô tơ quạt thổi có chiết áp điều chỉnh tốc độ giúp cấp oxy và duy trì quá trình cháy trong thùng hóa khí.

Cuối cùng bộ phận đốt khí gas sinh nhiệt được làm bằng thép, bên trong là lớp gốm chịu nhiệt được chia thành 4000 lỗ nhỏ nhằm đốt triệt tiêu lượng khí gas phun ra. Mặt trên của lớp gốm là lớp lưới wolfam (vôn phờ ram). Khi đốt, lớp lưới wolfam sẽ cháy hồng rực ở dạng than hồng không có ngọn lửa, cho nhiệt lượng cao và sạch.

“Hệ thống hóa khí sinh nhiệt” gián tiếp từ nhiên liệu sinh khối của tác giả có chi phí đầu tư thấp, dễ dàng sử dụng và an toàn, không có khói bụi, không có khí thải độc hại cho con người và môi trường xung quanh. Lượng nhiệt sinh ra ổn định nên rất phù hợp cho các bếp ăn tập thể hay sấy các loại nông sản, thực phẩm, dược liệu và nhiều lĩnh vực khác trong công nghiệp.

Theo cost-thanhhoa.gov.vn (23/7/2018)

Các dự án năng lượng sạch sẽ cung cấp đủ điện cho 2,5 triệu hộ gia đình Úc

Tổ chức bảo vệ môi trường tiểu bang Victoria (Úc) cho biết, các dự án năng lượng sạch với quy mô lớn đã và đang được triển khai sẽ cung cấp đủ điện cho 2,5 triệu hộ gia đình ở tiểu bang.

Theo đó, các dự án năng lượng gió và mặt trời với tổng công suất 1.585 MW đã được triển khai. Một dự án năng lượng tái tạo với công suất 2.518 MW đã được cấp kinh phí và đang chuẩn bị triển khai.

Giám đốc điều hành Tổ chức bảo vệ môi trường tiểu bang Victoria, ông Mark Wekeham cho biết: Hiện tại nguồn năng lượng sạch đang sản xuất đủ để cung cấp điện cho hơn 1 triệu hộ gia đình tại bang. Với 18 dự án năng lượng gió và mặt trời có công suất lớn đã được cấp kinh phí và đang được triển khai, chúng tôi sẽ sớm có đủ công suất để cung cấp điện đến 2,5 triệu hộ gia đình.

Các dự án năng lượng sạch của tiểu bang Victoria sẽ đủ cung cấp điện cho 2,5 triệu hộ gia đình.

– Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, theo phân tích của Công ty kiểm toán Ernstand Young, việc triển khai các dự án năng lượng lớn này sẽ tạo thêm 9.000 việc làm mới trong ngành xây dựng, kỹ thuật và lắp đặt, cũng như giảm gánh nặng tiền điện và giảm ô nhiễm môi trường.

Ông Wekeham nhận định, bang Victoria hội tụ đầy đủ các điều kiện để có được uy tín trên trường quốc tế về năng lượng sạch và ngành công nghiệp năng lượng tái tạo công nghệ cao, đồng thời còn có đủ khả năng để cung cấp điện cho toàn bang nhờ vào năng lượng tái tạo.

Kết quả khảo sát cho thấy, người dân ở tiểu bang Victoria muốn sử dụng năng lượng sạch với chi phí rẻ hơn, dưới sự điều tiết thị trường năng lượng của chính quyền bang.

Theo Thành Trung/environmentvictoria.org.au (17/07/2018)

Tua bin GE đã sẵn sàng cho dự án phong điện Tây Nguyên

Dự án Phong điện Tây Nguyên đang gấp rút hoàn thiện giai đoạn 1 để khánh thành và kết nối thử nghiệm với hệ thống lưới điện quốc gia vào cuối quý 3 năm nay. Tập đoàn General Electric (GE) Hoa Kỳ là đơn vị cung cấp thiết bị tua bin điện gió cho dự án này.

Theo đó, các tua bin điện gió của GE đã cập cảng của Việt Nam và đang trên đường vận chuyển tới dự án, tại xã Đliê Yang, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk để sẵn sàng lắp đặt, hoàn thiện dự án.

Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, Việt Nam là một quốc gia nhiều nắng và gió, được đánh giá có nhiều tiềm năng cực lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh việc khuyến khích, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí CO2. Đây chính là nền tảng, cũng như động lực giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Tiếp nối những nỗ lực của chính phủ trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, hơn 50 dự án phong điện đã được cấp phép trong khoảng 10 năm qua. Tuy nhiên đến nay 90% các dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy. Sự ảm đạm của ngành điện gió có lẽ chấm dứt vào năm 2018 này với việc bổ sung của dự án điện gió Đầm Nại (tháng 1/2018) và dự án Phong điện Tây Nguyên vào nửa cuối năm nay.

Trụ tua bin cập cảng Cam Ranh, Khánh Hòa.

Trang trại Phong điện Tây Nguyên có tổng vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng, tổng công suất 280MW, dự án do Công ty CP giải pháp năng lượng gió HBRE là chủ đầu tư, Công ty CP giải pháp tòa nhà thông minh (IBS) là tổng thầu EPC và Tập đoàn GE là đơn vị cung cấp thiết bị tua bin điện gió. Dự án chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 dự kiến sẽ được hoàn thiện và kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia vào cuối quý 3 năm nay, với công suất lắp máy 28.8 MW.

Chia sẻ về dự án, đại diện GE tại Việt Nam cho biết: “Tua bin gió mà GE cung cấp cho dự án Phong điện Tây Nguyên là loại tua bin có sải cánh lớn nhất trong các dự án đã và đang xây dựng ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Với sải cánh dài gần 57m cho dòng máy phát công suất 2.4MW nên hiệu suất vượt trội so với các dòng máy khác có cùng gam công suất”.

Là một tập đoàn công nghiệp toàn cầu, hoạt động tại hơn 180 quốc gia trên khắp thế giới, GE là một trong những công ty Mỹ đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Tập đoàn này đã có nhiều đóng góp cho các công trình lớn, yêu cầu trình độ và chất lượng công nghệ cao ở Việt Nam.

Đối với dự án Phong điện Tây Nguyên, công nghệ sản xuất của GE cho phép tạo ra những hiệu chỉnh về chiều cao của cột tua bin, kích thước cánh quạt và gam máy, phù hợp với điều kiện riêng của từng vị trí lắp đặt. Đồng thời, khi đi vào vận hành, các tua bin sẽ tiếp tục được quản lý bằng hệ thống quản lý tài sản APM, nhằm dự đoán và ngăn ngừa các sự cố trong quá trình vận hành, cũng như tối thiểu hóa thiệt hại về sản lượng khi xảy ra gián đoạn. Trên cơ sở của những phân tích của hệ thống, đơn vị vận hành có thể chủ động thực hiện công tác khắc phục các lỗi kỹ thuật và tìm kiếm phụ tùng thay thế từ sớm. Điều này giúp tiết kiệm được thời gian, cắt giảm được chi phí, cũng như sản lượng bị thiệt hại, giúp hiệu năng sản xuất có thể tăng 5% và tạo thêm 20% lợi nhuận từ hoạt động sản xuất.

Cánh tua bin được vận chuyển từ cảng quốc tế Phú Mỹ.

Tọa lạc tại xã Đliê Yang, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk, tuy nhiên phần lớn các thiết bị bin vận phải được nhập về thông qua các cảng biển là cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) và càng Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Sau khi được cập cảng và thông quan, các thiết bị này sẽ được vận chuyển về tới vị trí dự án bằng các phương tiện chuyên dụng, với sự hỗ trợ và hướng dẫn của các đơn vị chức năng phụ trách điều tiết giao thông.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải, tuyến đường vận chuyển từ cảng về tới dự án phải vượt qua những địa hình đồi núi hiểm trở, đòi hỏi sự khảo sát địa hình kỹ lưỡng trước khi vận chuyển và sự cẩn trọng trong suốt quá trình vận chuyển. Đặc biệt, phải nói tới đoạn đường 12km đi qua đèo Phượng Hoàng – cửa ngõ phía Đông của tỉnh Đắk Lắk. Đoạn đường này một thời từng được ví như con đèo tử thần đối với giới lái xe bởi nó không chỉ có những khúc quanh co, uốn lượn liên tục theo hình ziczac mà còn có độ dốc lên tới 10%. Điều này gây cản trở không nhỏ đối với các xe tải siêu trường siêu trọng, vận chuyển thiết bị của dự án.

Tỉnh lộ 26 đoạn chạy qua đèo Phượng Hoàng với những khúc cua liên tục với độ dốc 10%.

Phát triển năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời là hướng đi rất triển vọng cho tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là sau khi có Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tạm dừng xây dựng thủy điện tại Tây Nguyên, được đưa ra tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 (tổ chức ngày 20/6/2016, tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Theo nangluongvietnam.vn (09/07/2018)

Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải gắn với tăng trưởng xanh

Là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Các giải pháp tăng trưởng xanh để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” do Chi nhánh Phòng TM&CN Việt Nam tại TP.HCM (VCCI-HCM) tổ chức mới đây.

Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc VCCI-HCM cho biết, biến đổi khí hậu là vấn đề đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, biến đổi khí hậu và thiên tai tại Việt Nam đã làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP, riêng năm 2017, thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu và thiên tai khoảng 60.000 tỷ đồng.

Biến đổi khí hậu và thiên tai ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, nhất là trong việc tăng chi phí sản xuất, giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, mất ổn định chuỗi cung ứng, tăng chi phí vốn để khôi phục sản xuất, mất cân bằng về số lượng lao động…

Theo ông Nguyễn Thế Hưng, tăng trưởng xanh là xu hướng tiếp cận trong sản xuất, dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp, vừa giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững. Đây cũng là xu hướng phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới ở Việt Nam.

Biến đổi khí hậu là vấn đề đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề.

Thông tin cụ thể về vấn đề tăng trưởng xanh, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho biết, tăng trưởng xanh thể hiện qua thực hiện tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nước, giảm chi phí nhân công, phí môi trường trong sản xuất, giảm phát thải và sử dụng nguyên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường.

Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Thực hiện tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giúp giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng môi trường, kích thích tăng trưởng kinh tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đề xuất về giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh, PGS-TS Phùng Chí Sỹ cho rằng cần nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại, thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong công nghiệp và giao thông vận tải.

Thực hiện giải pháp giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần thực hiện điều chỉnh quy hoạch các ngành sản xuất, hạn chế những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện phát triển cho các ngành sản xuất xanh mới.

Mỗi doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cần chủ động nghiên cứu xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cũng đã bày tỏ quan điểm của đơn vị về phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, và đề nghị các bộ, ban ngành cần có chính sách ưu đãi về cho thuê đất xây dựng dự án và tăng giá mua điện tư nhân trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần mạnh tay xử lý các cơ sở sản xuất bẩn, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời khuyến khích người dân quan tâm đến thực phẩm sạch, an toàn để bảo vệ sức khỏe.

Theo Mai Nhiệm/tietkiemnangluong.vn (19/4/2018)

Những lợi ích bất ngờ từ tái chế rác

Rác tưởng chừng như là đổ bỏ đi thế nhưng nhiều người đã biến nó thành những sáng chế vô cùng hữu ích như biến rác thành tiền, biến rác thành quần áo, biến rác thành đồ gia dụng hay điện năng…

Israel biến rác thành đồ gia dụng

Rác ở bãi rác lại có thể dùng để chế tạo đồ gia dụng như ghế và thùng rác. Nhưng một công ty ở Israel có tên là UBQ đã kinh doanh về lĩnh vực này, họ còn xin cấp bằng sáng chế đối với quy trình chế tạo này.

Giám đốc điều hành Christopher Swann của UBQ cho biết: “Những thứ mà bạn nhìn thấy ở đây có thể giống như đồ bỏ đi, nhưng chúng tôi muốn biến chúng thành đồ gia dụng như ghế, thùng rác và lọ hoa”.

Theo tổng giám đốc Jack Peggio của UBQ: “Rác ở đây bao gồm cơm thừa, vỏ chuối, xương gà, hamburger, túi nhựa bẩn, hộp bẩn, giấy bẩn, cái gì cũng có. Chúng tôi đã cho sử lý vệ sinh, làm khô, qua gia công tán nhỏ và dùng kỹ thuật độc quyền mang tính cách mạng của chúng tôi để xử lý”.

Hình minh họa.

Rác biến thành dạng viên sau quá trình tán nhỏ nhào trộn để các công ty khác có thể dùng để sản xuất ra sản phẩm.

Chủ tịch Albert Doer của UBQ cho hay: “Trên thực tế, họ có thể sử dụng các thiết bị hiện có để sản xuất những sản phẩm mà họ đã sản xuất, chỉ là nay đã có thể dùng nguyên liệu của công ty chúng tôi, không cần dùng nhựa nữa”.

Biến rác thành tiền

Ở thành phố Kawasaki (Nhật), các doanh nghiệp không chỉ có ý thức bảo vệ môi trường, mà họ còn biến rác thành tiền…

Trường hợp của PRT và nhà máy Ajinomoto tại thành phố Kawasaki chỉ là hai ví dụ điển hình về việc biến rác thành tiền và trách nhiệm phải bảo vệ môi trường. Bởi ở thành phố 1,45 triệu dân, GDP đạt 5,2 nghìn tỷ Yên này, từ năm 1970-1972, 45 nhà máy lớn nhất thành phố đã phải ký với chính quyền về việc cam kết bảo vệ môi trường.

Ông Satoru Yokota, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu môi trường Kawasaki (Cục Môi trường Kawasaki) cho hay, theo ký kết, các công ty ở thành phố tập trung nhiều tập đoàn lớn trên thế giới này phải có chính sách giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua việc dùng các nguyên, nhiên liệu giảm thiểu ô nhiễm môi trường dùng cho sản xuất. Việc bảo vệ môi trường được chính quyền thành phố giao nhiệm vụ cho từng quận.

Tuy nhiên, bằng việc đầu tư công nghệ hiện đại, các chất thải đã được tái chế làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hóa học… Theo ước tính, riêng hệ thống xử lý nước thải của nhà máy mỗi ngày xử lý được 4 tấn chất thải làm nguyên liệu cho sản xuất phân bón hóa học (trong ảnh là nguyên liệu khô, kết quả xử lý nước thải).

Với một tập đoàn chuyên về thực phẩm hiện có 126 nhà máy, doanh thu 10 tỷ USD mỗi năm, việc xử lý chất thải thành nguyên liệu tái chế là quy trình bắt buộc của tập đoàn, đại diện Ajinomoto nói với VnEconomy.

Khác với PRT có mục tiêu quan trọng là biến rác thành tiền, nhà máy Ajinomoto tại thành phố Kawasaki lại đối mặt với việc phải xử lý nước thải để bảo vệ môi trường. Nhà máy có diện tích 350.000 m2 này hiện là nơi làm việc của 3.000 công nhân.

Vốn đầu tư nhà máy tái chế rác nhựa này là 20 tỷ Yên (khoảng 177 triệu USD, tương đương 3,78 nghìn tỷ đồng). Chi phí đầu tư nhà máy không quá lớn so với quy mô một phần quan trọng nhờ công ty phát minh ra được dây chuyền tái chế, thay vì đi mua. Vì thế, tài sản quý giá nhất của công ty được cho là dây truyền tái chế rác hiện đại.

Từ những chai nhựa bỏ đi, qua quy trình tái chế phức tạp thì cho ra sản phẩm hạt nhựa trắng để tái chế ra chai nhựa mới. Sản phẩm hạt nhựa không được xuất khẩu ra nước ngoài, mà dùng để tái chế cho thị trường trong nước.

Cũng theo bà Toshiko Ito, mỗi năm nhà máy xử lý được 27.500 tấn chai nhựa. Dù chi phí thu mua thấp nhưng bà từ chối trả lời mức doanh thu và lợi nhuận vì đây là “bí mật kinh doanh”.

Hàng ngày, một lượng lớn vỏ chai nhựa được cho vào thùng rác. Ô nhiễm chất thải rắn trở thành một vấn đề của nhiều thành phố. Tuy nhiên, ở thành phố Kawasaki (Nhật), Công ty Pet Refine Technology (PRT) lại đang ăn nên làm ra nhờ việc gom rác thải và chế biến thành vật liệu tái sinh.

Biến rác thải thành quần áo

Người Nhật rất chú trọng và tỉ mỉ trong quy trình phân loại rác. Nếu như ở các nước khác trên thế giới, hầu hết rác thải được phân làm 2 loại chính là tái chế được và không tái chế được, thì ở Nhật, rác thải được chia ra đến 6 loại. Từ rác đốt được, rác không đốt được, rác cồng kềnh đến rác độc hại… tất cả sẽ được phân loại thành từng nhóm riêng biệt đ hay nguể đem đi tái chế.

Cũng nhờ quá trình này cùng ới công nghệ hiện đại, người Nhật đã áp dụng những kỹ thuật vô cùng tiên tiến để xử lí rác thải. Không chỉ giúp giải quyết rác thải hiệu quả, người ta còn chế tạo ra những thành phẩm đặc sắc. Nhờ đó, việc biến rác thải thành quần áo, gạch lát đườngyên liệu cho ngành khác trở nên thuận tiện hơn.

Hình minh họa.

Với công suất một tấn mỗi giờ, nhà máy xử lí rác ở quận Mitano đã tái chế nhựa PET vô cùng hiệu quả. Từ những chai nhựa bỏ đi, người ta đã tái chế lại thành các chai nhựa mới hoặc biến chúng thành sợi văn phòng. Những sợi này được dệt và may thành những bộ quần áo vô cùng bắt mắt. Với tính ứng dụng cao, sợi văn phòng từ nhựa PET sẽ có mặt trong nhiều sản phẩm may mặc trong tương lai.

Biến rác thải thành điện năng

Không phải đâu xa, ngay tại Việt Nam, lần đầu tiên một dây chuyền công nghệ biến rác thải thành điện năng đã được thực nghiệm thành công tại Khu công nghiệp Đồng Văn I, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Theo công nghệ điện rác WTE (CNĐR), rác thải rắn sẽ được xử lý bằng phương pháp khí hóa thiếu oxy tạo ra khí gas tổng hợp (syngas) để phát điện theo CNĐR. Ưu điểm của phương pháp này là sử dụng dây chuyền khép kín, không tốn quỹ đất để chôn lấp và không cần phải phân loại rác đầu nguồn. Khi chuyển hóa rác thành khí gas tổng hợp không phát sinh mùi, nước; ổn định và an toàn suốt quá trình vận hành.

Theo báo cáo của công ty HMC, trong đợt chạy khảo nghiệm từ ngày 21/9 đến 25/10/2016, nhà máy này đã tiếp nhận và xử lý sạch 208 tấn rác thải rắn không phân loại do công ty Môi trường đô thị Hà Nam cung cấp.

Phần khí gas tổng hợp thu được đã được dùng để chạy ba tổ máy phát điện công suất 550 KVA, 680 KVA, thắp sáng cho toàn bộ hệ thống chiếu sáng hàng rào của nhà máy liên tục trong 12 tiếng/ngày (trong 10 ngày). Từ ngày 17/10/2016, nhà máy đã chính thức đấu điện chiếu sáng cho KCN Đồng Văn I từ 17h30 đến 6h sáng ngày hôm sau, trong 7 ngày liên tục.

Trao đổi với Dân trí, ông Đặng Đình Thoảng, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Hà Nam, đây là công nghệ cơ bản được đánh giá là ưu việt, Việt Nam có nhiều công nghệ điện rác, tuy nhiên HMC là đơn vị được đánh giá hoàn thiện hơn cả, thực tế cho thấy công ty này đã xử lý được rác và dùng năng lượng thu được để phát được điện.

Tuy nhiên, để nhân rộng công nghệ trên ra toàn quốc hay có thể xuất khẩu được cần phải đánh giá lại quá trình hoàn thiện dây chuyền công nghệ này từ chịu lực, áp suất, tính an toàn, tính bền vững, các chất độc hại, khí thải có an toàn không… và sự đánh giá này phải được Hội đồng khoa học kỹ thuật Quốc gia đánh giá.

Theo moitruongvadothi.vn