Nhà máy nhiệt điện “sạch” đầu tiên trên thế giới

Trên thế giới đã xuất hiện một công nghệ mới cho phép nhà máy nhiệt điện tạo ra năng lượng rẻ và sạch từ nhiên liệu hydrocarbon mà không phát thải ra môi trường.

Vào ngày 9/4, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng toàn cầu lần thứ VIII (khai mạc ngày 10/4/2019 tại Karlsruhe, Đức), người đoạt giải thưởng Năng lượng toàn cầu năm 2012, thành viên của Ủy ban giải thưởng quốc tế, giám đốc kỹ thuật của Net Power LLC, Rodney Allam đã nói với các sinh viên của Viện công nghệ Karlsruhe về nhà máy nhiệt điện đầu tiên trên thế giới hoạt động trên cơ sở một chu kỳ đặc biệt, được đặt tên để vinh danh ông, sản xuất ra năng lượng rẻ và sạch từ nhiên liệu hydrocarbon mà không phát thải ra môi trường.

Công nghệ mới đậm tính sáng tạo của người đoạt giải Năng lượng toàn cầu không chỉ giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu – mục tiêu quan trọng nhất của Thỏa thuận Khí hậu Paris – mà còn góp phần phát triển năng lượng bền vững. Bằng cách thu giữ tất cả lượng khí carbon dioxide sinh ra từ việc đốt khí đốt tự nhiên, công nghệ này cũng cung cấp điện với mức giá thấp tương đương với các tuabin khí hiện đại khác – chưa tới 1 cent cho mỗi 1 kWh.

Trong tương lai, các nhà máy nhiệt điện sẽ không còn phát thải như thế này.

Được biết, trong nhiều năm, Rodney Allam đã xử lý các vấn đề về giảm khí thải CO2, NOx và SOx tại các nhà máy nhiệt điện than và phát triển công nghệ thu giữ carbon dioxide trong khí thải, cho phép chúng ta không ném nó vào khí quyển, mà hóa lỏng và bơm xuống lòng đất ở độ sâu khoảng 1 km qua những giếng còn lưu lại sau khi khai thác cạn kiệt các mỏ dầu. Tuy nhiên, công nghệ này lại làm tăng hơn 60% chi phí điện do các nhà máy nhiệt điện than sản xuất.

Nhà phát minh đã thấy rõ rằng cần phải nghĩ ra một cách không chỉ loại bỏ carbon dioxide được tạo ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu, mà còn bằng cách nào đó đưa nó vào chu trình nhiệt động lực học. Giải pháp mới được gọi là chu kỳ Allama. Môi trường làm việc trong đó là carbon dioxide gần như tinh khiết được giải phóng trong quá trình đốt cháy nhiên liệu ở trạng thái siêu tới hạn, đi vào tuabin ở nhiệt độ lên tới 1.200°C và áp suất hơn 300 atm. Sau khi đi qua tuabin và bộ trao đổi nhiệt, nó trở lại buồng đốt. Bằng cách sử dụng CO2 thay vì hơi nước, Allam đã có thể tránh được sự chuyển pha không hiệu quả. Nhiệt vẫn còn bên trong hệ thống, giúp giảm lượng nhiên liệu cần thiết để duy trì nhiệt độ hoạt động cao.

Nhà khoa học giải thích rằng sự khác biệt quan trọng giữa “Chu kỳ Allama” với các phương pháp truyền thống là việc đốt cháy oxy của nhiên liệu. Để làm điều này, một thiết bị tách không khí được lắp đặt ở đầu vào hệ thống, phát ra oxy tinh khiết từ không khí, trong đó diễn ra quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch – than hoặc khí tự nhiên.

Hiện tại, một nhà máy điện 50 MW đang được xây dựng tại La Porte, bang Texas, Mỹ, sẽ chứng minh hoạt động của hệ thống năng lượng mới nhất dựa trên oxy và khí tự nhiên với lượng khí thải bằng không vào khí quyển, sử dụng công nghệ chu kỳ Allama.

Viện Công nghệ Karlsruhe là một phần của Hiệp hội các trường đại học nghiên cứu Helmholtz, ngoài nhiệm vụ của một trường đại học nhà nước, Viện còn thường xuyên thực hiện những công trình nghiên cứu lớn ở quy mô quốc gia. Ba nhiệm vụ chính của Viện là nghiên cứu, cung cấp giáo dục đại học và phát triển đổi mới với khoảng 9.300 chuyên gia hợp tác trong nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế, nhân văn và khoa học xã hội. Viện Công nghệ Karlsruhe luôn ở trong top đầu trong bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo đại học tốt nhất.

Theo Bá Thủy/petrotimes (10/4/2019)

Điện mặt trời áp mái sau 30/6/2019 sẽ ra sao?

Theo dự thảo mới của Bộ Công Thương, giá bán điện mặt trời áp dụng sau ngày 30/6/2019 sẽ theo 4 vùng bức xạ (theo địa lý) và theo 4 loại hình sản xuất (điện mặt trời nổi, điện mặt trời mặt đất, dự án tích hợp hệ thống lưu trữ và điện mặt trời áp mái).  

Trong đó, giá bán điện cho hình thức điện mặt trời áp mái đang là cao nhất. So với mức giá “cào bằng” 9,35 cent/kWh (2.134 đồng chưa VAT), cách thức này tạo hấp dẫn cho những dự án đặt tại khu vực bức xạ thấp. Cùng đó là phân tán bớt dự án tại những vùng bức xạ cao như Bình Thuận, Ninh Thuận.

Theo ông Mai Văn Trung – Giám đốc Phát triển Kinh doanh Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách khoa (SolarBK), một khi áp dụng, giá bán áp dụng cho điện mặt trời áp mái theo dự thảo trên vẫn cao hơn giá bán điện của các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhất là Thái Lan và Malaysia vốn tương đồng về điều kiện khí hậu, chi phí nhân công. Đây cũng là 2 nước có chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời từ sớm so với Việt Nam và đang đi vào giai đoạn ổn định về giá bán điện. Thêm vào đó, giá điện ở nước ta vừa chính thức tăng thêm 8,36% vào cuối tháng 3 này. Vì vậy, xét tình hình thực tế, cơ hội phát triển cho thị trường điện mặt trời Việt Nam còn rất lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào thị trường.

Việt Nam có nhiều tiềm năng về điện mặt trời áp mái.

Với việc hoàn thiện chuỗi tích hợp dọc từ sản xuất, công nghệ, thiết kế kỹ thuật, tài chính đến thi công, vận hành và bảo trì, hiện nay SolarBK có thể tối ưu được chi phí trong từng thành phần của chuỗi với chất lượng đồng bộ, từ đó đưa ra được giải pháp điện mặt trời áp mái tốt nhất cho khách hàng xét trên phương diện đầu tư. SolarBK hiện được xem là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất hoàn thiện được chuỗi tích hợp dọc về lĩnh vực điện mặt trời và trở thành đối trọng của các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tại Việt Nam.

Bên cạnh hình thức khách hàng đầu tư trực tiếp, SolarBK hiện có thêm hình thức cùng đầu tư theo dạng dự án ESCO, do Solar ESCO – một thành viên trong chuỗi tích hợp dọc của SolarBK phụ trách triển khai. Solar ESCO là giải pháp tài chính dành cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện năng lượng mặt trời với hình thức thanh toán linh hoạt. Khi đáp ứng được một số tiêu chí, doanh nghiệp sẽ được đầu tư một phần hoặc toàn bộ hệ thống tùy theo thỏa thuận (bao gồm lắp đặt, vận hành, cơ sở hạ tầng và quản lý rủi ro). Đối tượng tiếp cận chủ yếu của mô hình này là các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có lượng tiêu thụ điện năng mỗi năm tương đối lớn. Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ không mất chi phí đầu tư ban đầu, và được sở hữu hệ thống điện mặt trời sau thời gian kết thúc hợp đồng.


Ông Mai Văn Trung, Giám đốc phát triển kinh doanh SolarBK chia sẻ nhận định về phát triển điện mặt trời áp mái ở Việt Nam.

Để giúp thị trường điện mặt trời phát triển và mô hình ESCO hoạt động hiệu quả, ông Mai Văn Trung cho rằng, cần sự chung tay tài trợ của các định chế tài chính (ngân hàng, bảo hiểm). Thực tế, trước đây đa số ngân hàng còn e dè trong việc cấp vốn đầu tư cho các doanh nghiệp. Nhưng với sự mở rộng của thị trường và các chính sách ngày càng hoàn thiện, cùng những khuyến khích kêu gọi chung tay đầu tư, tạo đòn bẩy, các ngân hàng đã vào cuộc, giúp thị trường điện mặt trời giàu tiềm năng thêm tăng trưởng. Bên cạnh đó, các tổ chức bảo hiểm cũng là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp tin tưởng hơn vào việc phát triển điện mặt trời. Hiện tại, trên thị trường ghi nhận ngân hàng HD Bank có hỗ trợ cho khách hàng doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời áp mái. SolarBK cũng đang làm việc với phía công ty bảo hiểm BIDV (BIC) để bảo hiểm cho các dự án do phía công ty này triển khai.

Các chuyên gia nhận định, tiềm năng của điện mặt trời Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị vững chắc và sự chung tay của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh trên sân nhà khi các doanh nghiệp nước ngoài vốn thừa kinh nghiệm đi trước cũng như tiềm lực tài chính trong lĩnh vực này.

Theo Mai Phương/petrotimes.vn (10/4/2019)

Nhà khoa học Việt chế tạo pin không cháy nổ có tuổi thọ 50 năm

Tiến sĩ Trương Quang Đức – nhà khoa học người Việt tại Đại học Tohoku, Nhật Bản mới đây vừa sáng chế ra loại pin thế hệ mới không gây cháy nổ đồng thời nâng tuổi thọ pin lithium lên đến 50 năm. Đây là một bước tiến có tính đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ pin.

Hiện nay các thiết bị điện tử cầm tay như máy tính điện thoại và thậm chí ô tô điện đều sử dụng công nghệ pin Lithium với vật liệu LMO, loại pin không an toàn có nhiều nguy cơ cháy nổ đặc biệt khi dùng trong điều kiện công suất cao và không phù hợp để sử dụng trong việc nạp và xả pin liên tục nhiều lần.

Các nhà khoa học của Đại học Tohoku cùng các nhà khoa học Nhật Bản đã bắt tay giải quyết vấn đề này bằng cách nghiên cứu các thế hệ pin mới dựa trên sự trao đổi nguyên tử Magiê, thay thế cho nguyên tử Lithium.

Lithium là kim loại phản ứng rất nhạy với nước và các chất hữu cơ có hydro sinh ra khí hydro tác nhân gây nổ khi pin nóng lên trong quá trình sạc xả.

TS Trương Quang Đức (áo trắng hàng 3, ngoài cùng bên phải) cùng nhóm nghiên cứu tại đại học Tohoku.

Ngược lại, Magiê là kim loại rất bền nhiệt và không có phản ứng trong môi trường không khí và nước. Do đó pin Magiê không gây cháy nổ rất thích hợp cho ô tô điện trong tương lai.

Loại pin thế hệ mới này sử dụng điện cực Magiê Mangan spinel oxit nhúng trong chất điện ly Magiê perclorat. Trong quá trình thí nghiệm, các nhà khoa học phát hiện ra loại pin này có thể cung cấp trữ năng 400 Wh/Kg, cao gấp 1,5 lần trữ năng của LCO hay NMC trong ô tô điện hiện nay.

Bất ngờ hơn, quá trình thử nghiệm độ bền của pin cho thấy, pin trải qua 50.000 lần mà không có sự suy giảm nào trong công suất, điện năng.

Các thế hệ pin Lithium có khả năng chịu được 5.000 lần sạc xả tương đương tuổi thọ 5 năm. Trong khi đó, loại pin công nghệ mới có khả năng kéo dài thời lượng sử dụng pin của máy tính, điện thoại thông minh, ô tô đến 50 năm.

Giáo sư Itaru Honma, Trưởng trung tâm nghiên cứu công nghệ pin Đại học Tohoku cho biết: “Tiến sĩ Đức đã thiết kế loại pin mới sử dụng vật liệu spinel oxít và bắt đầu thử nạp xả nó.

Sau đó, chúng tôi vô cùng bất ngờ, thiết bị pin mới này có khả năng sạc xả hàng chục vạn lần mà không bị giảm dung lượng. Trong khi đó pin thông thường giảm tuổi thọ nhanh chóng chỉ sau khoảng vài ngàn lần sạc”.

Bằng các quan sát trên kính hiển vi điện tử truyền qua phân giải cao, các nhà nghiên cứu hiện phát hiện ra một lớp mỏng có cấu trúc khác lạ giúp cho điện cực siêu bền ở điều kiện nạp xả trong chất điện ly.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu chưa thỏa mãn với trữ năng của vật liệu Mangan, nên họ đang tiếp tục thử nghiệm một vài lựa chọn thay thế khác trước khi bắt đầu cùng các công ty sản xuất sản phẩm tung ra thị trường.

Công trình nghiên cứu pin Magiê được tài trợ bởi chương trình đẩy mạnh nghiên cứu thế hệ pin mới (SPRING-Specially Promoted Research for Innovative Next Generation Batteries), của Bộ Khoa Học Công Nghệ Nhật Bản, đã được Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ công nhận và đăng trên tạp chí Chemistry of Materials tháng 8 năm 2017, hiện nay vừa hoàn thành quá trình thử nghiệm độ bền sạc xả.

Trao đổi với PV Dân trí, TS Trương Quang Đức cho biết: “Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục thử ứng dụng các vật liệu từ Niken và Cobalt thay cho Mangan để tăng lượng trữ năng của loại pin thế hệ mới này. Trong tương lai chúng tôi sẽ đăng ký‎ bằng sáng chế và cùng các công ty Nhật Bản đưa vào sản xuất các vật liệu pin mới này”.

TS Trương Quang Đức là nhà khoa học người Việt, hiện đang làm trợ lý Giáo Sư tại đại học Tohoku, Nhật Bản. Đây là 1 trong 3 trường ĐH hàng đầu của Nhật Bản và nằm trong top 80 trường ĐH tốt nhất trên thế giới.

Hiện ông hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu về công nghệ pin thế hệ mới, hợp tác cùng các công ty Hitachi và Panasonic. Ông từng có một số công trình nghiên cứu về pin thế hợi mới cùng cộng sự đã công bố.

Ông có hơn 50 công trình đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI, trong đó có các tạp chí hàng đầu về vật liệu và năng lượng: Nano Letters, Journal of Power Source.

Ông là một trong 100 nhà khoa học trẻ của Việt Nam tại nước ngoài tham gia chương trình Đổi mới Sáng tạo do Chính phủ Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ, và Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức vào tháng 8/2018 tại Việt Nam.

Theo Dantri.com.vn (6/4/2019)

Biến khí thải CO2 thành năng lượng hữu ích

Một nhóm nhà nghiên cứu liên kết với Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ulsan (Hàn Quốc) đã phát triển một hệ thống sản xuất điện và hydro, đồng thời loại bỏ carbon dioxide, là tác nhân chính của hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu.

Kết quả được trình bày bởi Trường Kỹ thuật Năng lượng và Hóa học trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ulsan (Hàn Quốc). Trong nghiên cứu này, nhóm đã trình bày một hệ thống tích hợp có thể liên tục tạo ra năng lượng điện và hydro thông qua việc chuyển đổi carbon dioxide hiệu quả và hoạt động ổn định trong hơn một nghìn giờ sau khi hòa tan chất tự nhiên trong dung dịch nước.

Giáo sư Kim Gun-tae, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, gần đây, người ta đã chú ý nhiều đến các công nghệ sử dụng carbon vì chúng cung cấp giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Chìa khóa của công nghệ này là sự chuyển đổi đơn giản các phân tử carbon dioxide ổn định về mặt hóa học sang các vật liệu khác.

Giáo sư Kim Gun-tae (giữa) cùng các cộng sự tham gia nghiên cứu.

Một phần đáng kể khí carbon dioxide do các hoạt động của con người thải ra được hấp thụ bởi đại dương và được chuyển đổi thành axit. Các nhà nghiên cứu tập trung vào hiện tượng này và đưa ra ý tưởng về sự biến đổi của nó thành nước để gây ra phản ứng điện hóa. Trong trường hợp một hệ thống pin được tạo ra trên cơ sở hiện tượng này, điện có thể được sản xuất bằng cách loại bỏ khí thải.

Hệ thống tích hợp mới, giống như pin nhiên liệu, bao gồm cực âm (natri), dải phân cách và cực dương (chất xúc tác). Không giống như các loại pin khác, các chất xúc tác nằm trong nước và được kết nối với cực âm bằng dây. Khi carbon dioxide được bơm vào nước, bắt đầu xảy ra phản ứng loại bỏ nó và tạo ra điện.

Hiệu suất chuyển đổi được coi là khá cao – hơn 50%.

Theo Bá Thủy RT/Petrotimes.vn (7/4/2019)

Việt Nam sẽ dùng kỹ thuật hạt nhân truy nguồn gốc chất ô nhiễm

Các nghiên cứu kỹ thuật hạt nhân và đồng vị được sử dụng vào đánh giá nguồn nước, truy xuất nguồn gốc chất ô nhiễm, xử lý môi trường.

Sáng 4/4, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã khánh thành Trung tâm Hợp tác IAEA-VINATOM về nước và môi trường. Đây là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam và là trung tâm thứ ba IAEA hợp tác thành lập tại khu vực châu Á.


Bà Najat Mokhtar (Phó Tổng Giám đốc IAEA) và Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cắt băng khánh thành trung tâm. Ảnh: BN.

TS Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM cho biết, trung tâm được thành lập nhằm thúc đẩy kết quả nghiên cứu ứng dụng dựa trên cơ sở nghiên cứu năng lực và nhu cầu thực tế của Việt Nam. Sau khi thành lập IAEA sẽ hỗ trợ, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi nghiên cứu thúc đẩy ứng dụng nhiều hơn.

Trước mắt Trung tâm sẽ tập trung vào lĩnh vực môi trường và nước – hai lĩnh vực IAEA nhận thấy Việt Nam có nhiều vấn đề môi trường cần được xử lý vì là quốc gia đang phát triển và chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các kỹ thuật về hạt nhân và đồng vị tại IAEA sẽ được ứng dụng để đánh giá nguồn nước, truy xuất nguồn gốc chất ô nhiễm, xử lý môi trường.

Ô nhiễm bụi ở Việt Nam đang ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Ảnh: Lê Hiếu.

Trung tâm sẽ là đầu mối trao đổi khoa học, hợp tác nghiên cứu, nâng cao năng lực về con người, thiết bị giữa VINATOM và IAEA. Hai bên sẽ cùng nhau nghiên cứu, tổ chức lớp học, hội nghị, hội thảo, tài trợ cho các hoạt động xúc tiến ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân, đồng vị trong nghiên cứu nước và môi trường tại Việt Nam và cho cả khu vực Đông Nam Á.

Trong năm 2019, trung tâm sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực thông qua các chương trình hợp tác đào tạo và đồng tài trợ với IAEA. Theo đó sẽ nâng cấp, sửa chữa và bổ sung trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, hiện chưa phổ biến ở Việt Nam trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc.

TS Trần Chí Thành kỳ vọng trong bối cảnh môi trường không khí và nước của Việt Nam ô nhiễm như hiện nay, các chuyên gia IAEA và Việt Nam sẽ ứng dụng các kỹ thuật mới để đánh giá, hỗ trợ tìm giải pháp phù hợp.

The VnExpress.net (4/4/2019)

Điện mặt trời áp mái: Giảm áp lực cho nguồn cung điện

Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về nguồn điện cung ứng, việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái (ÐMTAM), được xem là một trong những giải pháp giảm áp lực hiệu quả.

Tiềm năng lớn

Tại Việt Nam, ÐMTAM được cho là có nhiều tiềm năng để khai thác hiệu quả. Cụ thể, về điều kiện tự nhiên, cường độ bức xạ đo được tại khu vực miền Nam và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ lên tới 1.600 kWh/m2/năm. Báo cáo đánh giá kỹ thuật tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017 cho thấy, chỉ tính riêng tiềm năng ÐMT trên địa bàn TP HCM đã tới khoảng 6.300MW. Hà Nội có số giờ nắng trung bình khoảng 1.466,1 giờ/năm thuộc khu vực có cường độ bức xạ mặt trời trung bình từ 3,3-4,1 kWh/m2/ngày. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cứ 1 kWh ÐMT tiết kiệm sẽ giảm phát thải vào môi trường 0,6612kg CO2.

Phát triển ÐMTAM đem lại lợi ích cho cả Nhà nước và người sử dụng điện. Ðó là có thêm nguồn năng lượng sạch với sản lượng khá cao (nếu được khuyến khích đầu tư), giảm tối đa nguồn vốn ngân sách đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới truyền tải điện. Tại nhiều nước, đây là một ngành công nghiệp phát triển tạo ra việc làm và thu nhập cho nhiều người. Theo ước tính, chỉ cần khoảng 2 triệu nóc nhà tại Việt Nam lắp đặt ÐMTAM với công suất 10 kW/mái nhà sẽ giúp giảm khoảng 16 triệu tấn than/năm dùng cho nhiệt điện than.

Hệ thống pin mặt trời lắp mái tại Trường THPT Chuyên Lê Khiết, TP Quảng Ngãi.

Giáo sư Trần Ðình Long – Phó chủ tịch Hội Ðiện lực Việt Nam – dẫn chứng: Nếu chỉ tính vào khung giờ buổi sáng, lượng ÐMTAM huy động được từ các nhà công cộng có thể đạt 25-30% lượng điện năng tiêu thụ, nếu tính thêm cả các giờ buổi trưa, cao điểm nắng thì lượng điện huy động có thể lên tới 60-65%, như vậy sẽ giảm được lượng điện phải trả với giá cao của các doanh nghiệp (DN), nhà công cộng.

Ông Trần Hồng Kỳ – cán bộ nghiên cứu về năng lượng của WB cho rằng, khoảng 30% mái nhà ở TP HCM và Ðà Nẵng có khả năng lắp đặt ÐMTAM hiệu quả cao.

Với mục tiêu phát triển ÐMT, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ÐMT tại Việt Nam. Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ÐMT và Thông tư số 05/2019/TT-BCT (có hiệu lực từ ngày 25/4/2019) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2017/TT-BCT để tháo gỡ vướng mắc cho ÐMTAM.

Theo EVN, giai đoạn 2021-2025 có nhiều khả năng thiếu điện tại miền Nam, mức thiếu hụt từ 3,7 tỉ kWh năm 2021 tăng lên gần 10 tỉ kWh năm 2022, khoảng 12 tỉ kWh năm 2023.

Nhiều cản ngại

Phó trưởng ban Kinh doanh của EVN Trần Viết Nguyên cho biết, năm 2018, trụ sở các cơ quan, DN thuộc EVN đã triển khai 54 vị trí lắp ÐMTAM với công suất 3,2MWp. Có khoảng 1.800 khách hàng (công sở, DN, hộ gia đình) lắp đặt ÐMTAM với công suất 30,12MWp, điện năng phát lên lưới đạt 3,97 triệu kWh. Lãnh đạo Tổng công ty Ðiện lực TP HCM (EVN HCMC) cho biết, tình hình triển khai ÐMTAM tại TP HCM đang rất hiệu quả. EVN HCMC đã lắp đặt các hệ thống ÐMTAM với công suất gần 1.130 kWp và đang tiếp tục triển khai các hệ thống với công suất 2.658kWp.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc EVN Trần Ðình Nhân đánh giá, con số đó còn quá nhỏ bé so với tiềm năng phát triển ÐMT tại Việt Nam, nguyên nhân do Việt Nam còn thiếu quy định thanh toán tiền bán điện của khách hàng khi đấu nối lên lưới điện. Công tác tuyên truyền, quảng bá về ÐMTAM còn hạn chế. EVN và các DN điện lực chưa thể ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán tiền điện. Các khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, DN thi công, lắp đặt, chế độ vận hành, bảo hành thiết bị…

Theo các chuyên gia, việc lắp đặt ÐMTAM hiện nay trở nên khả thi hơn do công nghệ khá phát triển và tương đối phổ biến. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ÐMTAM khoảng 20-25 triệu đồng/kWp là khá cao, khiến các hộ dân chưa mặn mà. Một cán bộ ngành điện chia sẻ, cách đây vài năm, để tiên phong trong sử dụng ÐMTAM, gia đình ông mạnh dạn đầu tư một hệ thống công suất 5kWp. Dù được bên bán giảm chi phí công lắp đặt, nhưng vốn đầu tư cũng lên tới khoảng 150 triệu đồng, chưa biết đến bao giờ mới hoàn vốn, bởi nếu so sánh thì dùng điện lưới vẫn lợi hơn.

Theo đại diện EVN HCMC, thực tế việc phát triển ÐMTAM ở TP HCM cho thấy, giá thành lắp đặt ÐMTAM còn cao, khoảng 1.000 USD/kWp, đồng thời chưa có chính sách hỗ trợ về vốn vay đối với các dự án ÐMT và các chương trình hỗ trợ chi phí lắp đặt cho khách hàng.

Đáng chú ý, hiện trên thị trường có rất nhiều DN cung cấp và lắp đặt các hệ thống ÐMT với hàng trăm nhãn hiệu, xuất xứ khác nhau dẫn đến tâm lý e ngại, không dám lắp đặt, sử dụng ÐMT; chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quy định của cơ quan có thẩm quyền đối với các thiết bị liên quan như tấm pin, khung đỡ, bộ biến tần… để hạn chế các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Giải pháp nào?

Tổng giám đốc EVN Trần Ðình Nhân khẳng định, ngành điện luôn hỗ trợ tối đa các yêu cầu về lắp đặt ÐMTAM của người dân và DN; các thủ tục đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện sẽ được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng. Việc thanh toán tiền điện mua bán lên lưới sẽ được thực hiện ngay khi có thông tư hướng dẫn. Ðồng thời, EVN sẽ chịu toàn bộ chi phí đầu tư đồng hồ đo điện hai chiều để đo lường sản lượng khách hàng sử dụng cũng như bán lên lưới.

Ðể ÐMTAM phát triển mạnh mẽ, EVN kiến nghị các bộ, ngành tăng cường quảng bá lợi ích của ÐMTAM; khuyến khích các cơ quan, DN, tổ chức lắp đặt ÐMTAM; có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư ban đầu nhằm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt ÐMTAM; đồng thời có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ ba) tham gia đầu tư nhằm hỗ trợ, khuyến khích khách hàng lắp đặt ÐMTAM.

Thạc sĩ Ðào Minh Hiển (Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2 – PECC 2) cho rằng, hiện có rất nhiều mô hình để hỗ trợ người dân triển khai ÐMTAM, tuy nhiên, do chi phí đầu tư khá lớn, cho nên mô hình hiện đại sẽ là các công ty điện lực có thể tài trợ thuê/cho thuê mái nhà, thuê/cho thuê hệ thống điện mặt trời… Tất cả các mô hình này đều có thể hỗ trợ thúc đẩy sử dụng ÐMTAM trong thời gian tới. Hiện nay, EVN đang tích cực hợp tác với các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm tiếp cận các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển các dự án ÐMT tại Việt Nam nói chung và ÐMTAM nói riêng; trao đổi, chia sẻ, cập nhật công nghệ, kỹ thuật, giải pháp phát triển ÐMTAM.

Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital S.Ku-ma cho rằng, việc huy động vốn quốc tế rất cần thiết để phát triển mạnh ÐMTAM, nhất là ở quy mô công nghiệp. Theo đó, các tổ chức tài chính quốc tế sẽ cho vay trực tiếp đến các nhà phát triển ÐMT để trực tiếp đầu tư các dự án, hoặc cho vay trung gian thông qua các tổ chức tài chính trong nước.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) Ngụy Thị Khanh, nguyên nhân đầu tiên khiến ÐMTAM chưa được quan tâm tại Việt Nam chính là thiếu thông tin (chủng loại, quy chuẩn kỹ thuật, chi phí, khả năng thu hồi vốn…). Do vậy, giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển ÐMTAM thời gian tới chính là phải coi trọng truyền thông tới cộng đồng, tới từng hộ gia đình, từ khả năng đầu tư cũng như lợi ích thiết thực của ÐMTAM.

Có một giải pháp rất quan trọng: Tháo gỡ “nút thắt” về thanh toán. Cần quy định rõ phương thức thanh toán việc mua bán sản lượng ÐMTAM thể hiện bằng hợp đồng cụ thể, tạo cơ chế thanh toán hợp lý, phù hợp thực tiễn, nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển ÐMTAM.

Theo Tùng Bảo/petrotimes.vn (3/4/2019)