Tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả trong nước bằng ánh sáng

Nguồn nước mà chúng ta uống và sinh hoạt hàng ngày là sự kết hợp của nhiều hợp chất và có nhiều phương pháp để lọc nước. Tuy nhiên, không phải phương pháp nào cũng đem lại hiệu quả với nhiều loại nước và tạp chất được lấy từ nhiều nguồn khác nhau.

Mới đây, các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu công nghệ thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc và Đại học Dương Châu đã phát minh ra chất xúc tác mới hiệu quả và không làm từ kim loại.

Sử dụng ánh sáng để làm sạch nước là phương pháp an toàn với môi trường.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các tấm graphitic carbon nitride, một vật liệu hai chiều siêu mỏng với các tính năng điện từ phù hợp để hấp thụ ánh sáng và giải phóng ra các chất hóa học có gốc ôxy. Kết cấu này tạo điều kiện cho phản ứng sản sinh ra nhiều hydrogen peroxide (ôxy già), giúp tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả. Kết quả cho thấy, với chất xúc tác này, nước mang nhiều mầm bệnh có thể được làm sạch nhanh chóng trong 30 phút và khử trùng hiệu quả đến 99% sau khi được chiếu sáng. Vật liệu này cũng không để lại cặn kim loại nặng hay gây ô nhiễm môi trường.

Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển vật liệu này trước khi đưa ra sử dụng cho mục đích thương mại.

Theo Phương Linh/tapchimoitruong.vn

Phát minh ra cách tạo nhiên liệu hydro từ nước biển

Các nhà khoa học tại Đại học Stanford đã phát minh ra cách tạo nhiên liệu hydro từ nước biển khi sử dụng năng lượng mặt trời, mở ra khả năng tạo năng lượng sạch không thải khí CO2.

Các nhà khoa học tại Đại học Stanford đã phát minh ra cách tạo nhiên liệu hydro từ nước biển khi sử dụng năng lượng mặt trời, mở ra khả năng tạo năng lượng sạch không thải khí CO2.

Nghiên cứu trên được công bố ngày 18/3 trong tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences, mô tả phương pháp chống bào mòn khi tách nhiên liệu hydro và khí oxy với điện.

Nhiên liệu hydro đang được thế giới đầu tư nghiên cứu nhằm phục vụ các dự án trong tương lai. (Nguồn: HydroWorld)

Các biện pháp phân tách nước hiện nay sử dụng nước đã được thanh lọc vì chất clo trong muối nước biển (được tích điện âm) có thể ăn mòn cực dương, dẫn tới làm giảm tuổi thọ của hệ thống phân tách.

Theo các nhà nghiên cứu, khi tách hydro và oxy từ nước, khí hydro bay ra theo cực âm và khí oxy thoát ra theo cực dương.

Nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Dai Hongjie đứng đầu đã phát hiện rằng nếu phủ cực dương bằng những lớp kim loại được tích nhiều điện âm, chính các tấm này sẽ đẩy clo ra và làm chậm quá trình ăn mòn kim loại bên trong đã được che phủ.

Nếu không có vỏ bọc đã tích điện âm, cực dương chỉ có thể làm việc trong khoảng 12 giờ trong môi trường nước biển mặn, nhưng với lớp bọc này, cực dương có thể hoạt động tốt trong hàng nghìn giờ.

Phòng thí nghiệm của nhà khoa học Dai Hongjie có thể tạo ra gấp 10 lần lượng điện thông qua thiết bị đa tầng của mình, giúp tạo hydro từ nước biển nhanh hơn.

Theo các nhà nghiên cứu, trong tương lai, công nghệ này cũng có thể được sử dụng để tạo khí oxy có thể thở được từ đại dương.

Theo TTXVN/Vietnam+ (21/3/2019)

Phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030

Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Chương trình triển khai đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chương trình được ban hành thể hiện sự cam kết của các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng về tiết kiệm năng lượng nói riêng, về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường nói chung.

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 được thực hiện thành 2 giai đoạn từ 2019 – 2025 và 2026 – 2030 với các nhiệm vụ chủ yếu: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ); Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về SDNL TK&HQ đối với các hoạt động như sản xuất, chế tạo, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất,…; Xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam, các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và SDNL TK&HQ; Tăng cường năng lực về SDNL TK&HQ; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về SDNL TK&HQ.

Chương trình cũng tập trung truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về SDNL TK&HQ; Tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực SDNL TK&HQ; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về SDNL TK&HQ và Thành lập Quỹ thúc đẩy SDNL TK&HQ.

Chương trình nhằm huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tranh thủ kinh nghiệm và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động của xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng; hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 – 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8 – 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030.

Chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ giai đoạn 2019 – 2030 được triển khai trên phạm vi cả nước và áp dụng với mọi đối tượng bao gồm các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động sử dụng và quản lý năng lượng tại Việt Nam. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.400 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách Trung ương khoảng 600 tỷ đồng; nguồn viện trợ không hoàn lại khoảng 1.600 tỷ đồng; vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi khoảng 2.200 tỷ đồng.

Chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ giai đoạn 2019 – 2030 được xây dựng dựa trên sự kế thừa và phát huy những kết quả tích cực và khắc phục những hạn chế của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả các giai đoạn trước, phối hợp và lồng ghép với các Chương trình khác đang được triển khai thực hiện.

Theo Scp/Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (19/3/2019) 

WWF cảnh báo nguy cơ gia tăng rác thải nhựa vào năm 2030

Mới đây, Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã đưa ra Báo cáo về vấn đề rác thải nhựa, trong đó cảnh báo, đến năm 2030, sẽ có thêm 104 triệu tấn rác thải nhựa có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, nếu như không có giải pháp hiệu quả. Việt Nam được xem là một trong những quốc gia thải ra biển lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới.

Theo WWF, lượng rác thải nhựa hiện đang hủy hoại môi trường, tàn phá hệ sinh thái và các loài động, thực vật thủy sinh. Báo cáo cho biết, có hơn 270 loài bị tổn thương do vướng phải rác thải nhựa và 240 loài được ghi nhận là nuốt phải rác nhựa, nhất là các mẩu vụn. Đồng thời, Báo cáo cũng chỉ rõ, lượng rác thải ngày càng tăng, trong khi công tác quản lý rác thải chưa hiệu quả, càng làm gia tăng lượng phát thải khí ra môi trường. Dự đoán, đến năm 2030, tổng lượng phát thải khí CO2 theo vòng đời của nhựa sẽ tăng 50% và lượng khí CO2 thải ra cũng tăng gấp 3 lần do việc đốt rác thải.

Rác thải nhựa hiện đang hủy hoại môi trường, tàn phá hệ sinh thái và các loài động, thực vật thủy sinh.

Ngoài ra, Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hiện nay, trách nhiệm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa chủ yếu thuộc về người tiêu dùng và cơ quan quản lý rác thải, những nỗ lực này sẽ không hiệu quả trừ phi tất cả các bên liên quan đến hoạt động quản lý, sản xuất và thải bỏ các sản phẩm nhựa cùng hành động.

Tại cuộc họp UNEA, WWF sẽ kêu gọi các quốc gia đàm phán về một hiệp định quốc tế có tính pháp lý về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Hiệp định này cần xác định các mục tiêu quốc gia và có một hệ thống báo cáo minh bạch để các doanh nghiệp có thể áp dụng. Thêm vào đó, hiệp định cần có quy định về hỗ trợ tài chính và kỹ thuật đối với các quốc gia có thu nhập thấp.

Phương Tâm/tapchimoitruong.vn

Biến sóng biển thành năng lượng sạch

Một công nghệ năng lượng từ sóng biển đang được nhóm kỹ sư Trường Đại học Edinburgh và Ý hợp tác phát triển có thể giúp tạo ra điện giá rẻ cho hàng ngàn người dân.

Thiết bị này có giá thấp hơn so với các thiết kế thông thường, có ít bộ phận chuyển động hơn và được làm bằng các loại vật liệu bền. Nó có thiết kế tích hợp vào các hệ thống năng lượng đại dương hiện có và có thể chuyển đổi năng lượng sóng biển thành điện năng.

Các thử nghiệm mô hình hóa đại dương quy mô nhỏ cho thấy phiên bản kích cỡ thực của thiết bị này có thể tạo ra công suất tương đương 500kW, đủ điện dùng cho khoảng 100 ngôi nhà. Các kỹ sư nói rằng thiết kế của họ có thể được sử dụng cho các nhu cầu giá rẻ, có các kết cấu dễ bảo trì trên biển trong nhiều năm, để tận dụng sóng mạnh của vùng biển Scotland.

Nhóm kỹ sư đặt tên cho thiết bị của họ là Dielectric Elastomer Generator (DEG). Thiết bị này sử dụng các màng cao su dẻo. Nó được thiết kế đặt trên đỉnh của một ống trục thẳng đứng, khi đặt dưới biển, một phần chứa đầy nước dâng lên và rơi xuống theo chuyển động sóng.


Mô hình công nghệ năng lượng từ sóng biển đang được nhóm kỹ sư Trường Đại học Edinburgh và Ý hợp tác nghiên cứu.

Khi sóng truyền qua ống, nước bên trong đẩy không khí bị kẹt ở trên để bơm căng phồng và thoát hơi, máy phát điện nằm trên đỉnh thiết bị. Khi màng cao su phồng căng, sẽ tạo ra điện áp. Nó sẽ gia tăng khi màng cao su xẹp hơi xuống và sinh ra điện. Trong một thiết bị thương mại, điện này sẽ được “vận chuyển” vào bờ qua hệ thống cáp điện dưới nước.

Phiên bản thu nhỏ của hệ thống đã được thử nghiệm tại nhà máy FloWave thuộc Trường Đại học Edinburgh. Nó giống một cái bể tròn, đường kính 25m, có thể khai thác năng lượng sóng biển và hải lưu để tạo ra điện. Hệ thống này có thể thay thế các thiết kế thông thường, liên quan đến các tuabin khí phức tạp và các bộ phận chuyển động đắt tiền.

Năng lượng sóng là nguồn tài nguyên có giá trị xung quanh bờ biển Scotland và việc phát triển các hệ thống khai thác nguồn năng lượng này có thể đóng vai trò quý giá trong việc tạo ra năng lượng sạch cho các thế hệ tương lai, GS David Ingram, Trường Đại học Edinburgh, nói.

Theo Congthuong.vn (4/3/2019)

Hướng mới tái chế các sản phẩm nhựa dùng một lần

Với quy trình mới, PET tái chế được nâng cấp thành các vật liệu tổng hợp có giá trị cao, thậm chí có thể được sử dụng để sản xuất trong các linh kiện xe hơi, cánh quạt tuabin gió hoặc ván lướt sóng.

Các nhà khoa học Mỹ đang phát triển một giải pháp hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn để tái chế các sản phẩm nhựa dùng một lần vốn được làm từ vật liệu polyester thông thường. Không chỉ giúp giảm thiểu được lượng rác thải nhựa, nghiên cứu này còn khởi động thị trường nhựa tái chế.

Các sản phẩm nắp hộp nhựa phế thải tại một nhà máy tái chế gần Marseille, Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Joule ra ngày 27/2, các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia Mỹ (NREL) đã kết hợp polyethylene terephthalate (PET) tái chế với các phân tử có nguồn gốc từ sinh khối thực vật bỏ đi để sản xuất hai loại nhựa được gia cố theo dạng sợi, bền gấp hai đến ba lần so với PET ban đầu (PET là nhựa nhiệt dẻo, thuộc loại nhựa polyester và được dùng trong tổng hợp xơ sợi).

PET là vật liệu nhẹ, bền và chịu nước, được sử dụng rộng rãi trong các đồ dùng như chai nước giải khát, quần áo và thảm. Nó có thể tái chế, nhưng dường như có độ bền thấp hơn so với bản gốc và chỉ có thể tái sản xuất một hoặc hai lần.

Theo ông Gregg Beckham, tác giả chính của nghiên cứu trên, tái chế PET tiêu chuẩn ngày nay về cơ bản là giảm giá trị (tái chế xuống cấp). Song với quy trình mới, PET tái chế được nâng cấp thành các vật liệu tổng hợp có giá trị cao, thậm chí có thể được sử dụng để sản xuất trong các linh kiện xe hơi, cánh quạt tuabin gió hoặc ván lướt sóng.

Mặc dù vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, song các nhà khoa học dự đoán sản phẩm tổng hợp này sẽ cần ít hơn 57% năng lượng so với quy trình tái chế hiện tại và thải ít hơn 40% khí gây hiệu ứng nhà kính so với sản xuất nhựa gia cố sợi tiêu chuẩn. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn phải kiểm tra quy trình này trước khi có thể mở rộng sản xuất.

Theo TTXVN (1/3/2019)