Ấn Độ phát động Chiến dịch cải thiện không khí tại hơn 100 thành phố

Chất lượng không khí tại quốc gia hơn 1,25 tỷ dân đã xuống cấp nhanh chóng trong những năm gần đây, trong đó thủ đô New Delhi và 13 thành phố khác của Ấn Độ lọt vào danh sách 15 thành phố ô nhiễm nhất do Liên Hợp Quốc đánh giá.

Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Harsh Vardhan cho biết, Chiến dịch làm sạch không khí sẽ tập trung vào 102 thành phố, nhằm giảm hàm lượng hạt bụi siêu nhỏ. Các hạt bụi nhỏ lơ lửng là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh như ung thư phổi, tim mạch và viêm phế quản cấp.

Ấn Độ đang phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề (Ảnh: Livemint)

Chính phủ Ấn Độ đã chi 42 triệu USD để thực hiện kế hoạch nhằm giảm bớt các nguồn gây ô nhiễm chính như khí thải giao thông, công nghiệp, bụi xây dựng và tình trạng đốt rác thải nông nghiệp.

Các tổ chức môi trường từ lâu chỉ trích chính phủ chậm trễ trong cuộc chiến chống ô nhiễm đã dè dặt hoanh nghênh kế hoạch mới này.

Không khí độc hại được cho là gây ra 1,24 triệu ca tử vong sớm ở Ấn Độ trong năm 2017 và hàng chục triệu người đối mặt với các rủi ro về sức khỏe. 20 triệu cư dân ở New Delhi hàng năm phải hít thở trong bầu không khí bị khói mù bao phủ trong những tháng mùa Đông khi nông dân ở các vùng phụ cận đốt rươm rạ sau thu hoạch.

Theo Nguyệt Minh/tapchimoitruong.vn

Công nghệ biến rác thải nhựa thành xăng, dầu

Các nhà khoa học thuộc miền trung nước Nga đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng công nghệ tái chế nhựa cho phép biến rác nhựa thành nguyên liệu đầu vào để thu hồi xăng, dầu và than bán cốc.

Giải pháp cốt lõi của phương pháp này là công nghệ nhiệt phân trong môi trường yếm khí. Khi đó rác nhựa được đốt nóng lên đến nhiệt độ cao nhất định, các kết cấu nhựa bị phân rã chuyển thành dạng khí. Khí này được làm lạnh ngưng tụ thành chất lỏng dầu, sau đó thu được xăng dầu theo yêu cầu. Các thành phần chất rắn được kết tinh lại trong quá trình nhiệt phân là than chất lượng cao gọi là than bán cốc.

Trong quá trình ngưng tụ, khí không xử lý hết được dẫn ra ngoài và quay vòng trở lại để làm nhiên liệu đốt vận hành hệ thống xử lý rác mà không phải dùng điện hay các nguồn năng lượng khác.

Một ưu việt nữa của công nghệ này là tổ hợp lò nhiệt phân không thải ra môi trường bất kỳ chất độc hại nào, nên được gọi là công nghệ sạch, thân thiện môi trường.

Khảo sát của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy, với công suất xử lý khoảng 7 tấn nhựa một ngày, hệ thống thiết bị cần đầu tư gần 7 tỷ đồng. Sau xử lý sẽ thu hồi được 3 tấn xăng, dầu và 2,5 tấn than bán cốc.

Dung dịch dầu thu hồi là FO và diesel đạt chất lượng, có thể dùng ngay. Với xăng sẽ cần thêm một thiết bị phụ trợ để xử lý thành xăng tiêu chuẩn EURO 4 và EURO 5. Thiết bị này được cho là không quá đắt.


Hệ thống xử lý rác thải nhựa để thu hồi xăng dầu của các nhà khoa học Nga. Ảnh: Đình Khang.

Trước đó năm 2016, nhà hóa học người Trung Quốc Zhibin Guan, Đại học California cùng Viện hóa học hữu cơ Thượng Hải (Trung Quốc) từng sử dụng chất xúc tác hóa học để phân giải nhựa.

Các nhà khoa học này đã tìm cách tách nguyên tử hydro trong hợp chất, khiến các nguyên tử carbon buộc phải liên kết với nhau. Trong quá trình liên kết, chất xúc tác lại bẻ gãy nó, khiến carbon liên kết với hydro. Quá trình này lặp lại liên tục, giúp các nhà khoa học thay đổi được cấu trúc của polyethylene tạo thành dầu diesel và xăng.

Còn ở Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ Lọc hóa dầu, Đại học Bách khoa TP HCM từng nghiên cứu công nghệ nhiệt phân nhựa và cao su ở nhiệt độ cao thành dạng khí rồi ngưng tụ, tách lấy dầu FO.

Phương pháp được nhóm nghiên cứu sử dụng là nhiệt phân nhựa, cao su phế thải ở nhiệt độ cao thành dạng khí rồi ngưng tụ. Lượng dầu thu được sẽ được tách ra nhờ đặc tính nổi trên nước của dầu.

Hệ thống này cho phép chuyển hóa tối đa 60-70% khối lượng cao su, nhựa thải thành dầu FO sử dụng làm nhiên liệu đốt lò trong công nghiệp nồi hơi, lò nung, lò đốt dạng bay hơi, dạng ống khói hoặc cho các loại động cơ đốt trong của tàu biển…

Dù có nhiều giải pháp công nghệ được các nhà khoa học công bố, song việc ứng dụng vào thực tế ở Việt Nam còn hạn chế và rác thải nhựa vẫn là vấn đề nhức nhối.

Thống kê của các nhà khoa học, mỗi năm thế giới thải ra đại dương nửa triệu tấn rác nhựa. Việt Nam được xếp vào tốp đầu những nước thải nhiều rác nhựa ra biển ở châu Á, xếp thứ tư sau Trung Quốc, Thái Lan và Philipines. Trên đất liền rác nhựa cũng chiếm một phần không nhỏ trong rác thải sinh hoạt hàng ngày. Các nghiên cứu cho thấy, rác nhựa tồn tại trong tự nhiên phải 400 năm mới tự phân hủy.

Theo VnExpress.net (16/1/2019)

Thép không ô nhiễm, được không?

Giữa lúc thế giới đang nỗ lực chống thảm họa môi trường ngày càng diễn biến khốc liệt, việc sản xuất thép sạch càng trở thành tâm điểm, cho thấy trọng trách phải đại tu một ngành công nghiệp gây ra ô nhiễm môi trường lớn nhất.

Đằng sau các đụn cát trên bờ biển Bắc Hải, các đám khói và hơi nước cuồn cuộn bốc lên từ vô số ống khói, đường ống và cần trục làm nên sự uy nghi, sừng sững của tổ hợp cán thép Ijmuiden. Sâu bên trong khu phức hợp công nghiệp khổng lồ này, vốn trải qua gần 1 thế kỷ cho ra lò hàng triệu triệu tấn thép cung cấp cho ngành ô tô, xây dựng và thực phẩm, là một dự án thử nghiệm đang được triển khai để sản xuất thép sạch hơn và rẻ hơn.

Tập đoàn đa ngành Tata của Ấn Độ, ông chủ của nhà máy này, gọi quy trình mới mẻ đó là “một kẻ thay đổi cuộc chơi” vì có khả năng giảm cả khí thải CO2 lẫn lượng tiêu thụ năng lượng tới 1/5. “Có một trọng trách rất lớn cho ngành thép chúng ta bởi chúng ta là một trong những kẻ đầu sỏ thải ra lượng khí CO2 lớn nhất”, Hans Fischer, CEO Tata Steel Europe, nhận định.

Nhưng dù đã hơn 1 thập niên thai nghén, công nghệ sản xuất thép mới này vẫn chưa có thể triển khai về mặt thương mại ít nhất cho đến thập niên 2030. “Không phải do vấn đề tài chính, hay đầu tư, mà do kỹ thuật khiến công nghệ này mất thời gian lâu đến vậy”, Fisher nói.

Giữa lúc thế giới đang nỗ lực chống thảm họa môi trường ngày càng diễn biến khốc liệt, việc sản xuất thép sạch càng trở thành tâm điểm, cho thấy trọng trách phải đại tu một ngành công nghiệp gây ra ô nhiễm môi trường lớn nhất. Trên toàn cầu, thép đóng góp tới 7-9% tổng lượng thải khí trực tiếp từ nhiên liệu hóa thạch, với mỗi tấn thép được sản xuất thải ra trung bình 1,83 tấn khí CO2, theo Hiệp hội Thép Thế giới. Và khi dân số thế giới càng tăng, nhu cầu thép càng cao.

Công nghệ sản xuất thép sạch phải ít nhất đến thập niên 2030 mới có thể khả thi về mặt thương mại.

“Rất rõ ràng, nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu giảm thải khí và giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 20C (theo Thỏa thuận Paris 2015), ngành thép sẽ cần phải sạch hơn”, Nicole Voigt, thuộc Boston Consulting Group, nhận định. Tuy nhiên, thậm chí khi các nhà sản xuất thép phát triển một loạt công nghệ mới, các chuyên gia cho biết phải mất hàng thập niên ngành này mới đạt được mức khử carbon trên quy mô lớn.

Thách thức “thép xanh”

Khi thép vẫn còn đóng vai trò là trung tâm của nền kinh tế hiện đại, vốn là hàng hóa được giao dịch nhiều nhất chỉ sau dầu mỏ, có lẽ thách thức lớn nhất là tạo ra cái gọi là “thép xanh” với mức giá cạnh tranh. “Về nguyên tắc, có những công nghệ làm giảm khí thải từ quá trình sản xuất thép”, David Clarke, đứng đầu bộ phận chiến lược và là Giám đốc Công nghệ tại ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới về sản lượng, nhận định. Nhưng ông nói thêm, “vấn đề là xã hội sẽ phải chấp nhận chi phí sản xuất thép cao hơn”.

Phương pháp sản xuất sắt và gang hợp kim, làm tan chảy nguyên vật liệu ở nhiệt độ rất cao về cơ bản không hề thay đổi kể từ khi thép phổ biến cách đây hơn 150 năm. Các lò cao dựa vào than cốc, một nhiên liệu “giàu” carbon được sản xuất từ than đá, để nung quặng sắt thành kim loại lỏng, sau đó luyện thành thép.

Mặc dù quá trình sản xuất có cải tiến theo thời gian, nhưng quy luật của ngành hóa học có nghĩa CO2 vẫn là đầu ra không thể tránh khỏi của quá trình sản xuất thép. “Có 2 cách giảm lượng khí thải CO2. Một là để tránh CO2 trong quá trình sản xuất thép, bạn có thể sử dụng phế liệu, hoặc thứ gì đó khử carbon. Hai là dùng công nghệ cuối đường ống, tức công nghệ lưu trữ hoặc sử dụng carbon. Câu hỏi là chọn phương cách nào. Đó vẫn là điều còn gây tranh cãi, dù cách thứ 2 được cho là sẽ khả thi hơn”, Voigt nói.

Một giải pháp thay thế cho lò cao là lò hồ quang điện (EAF) giúp làm nóng chảy phế liệu, thay vì sử dụng nguyên vật liệu. Các lò EAF nhỏ hơn, ít đắt đỏ hơn và vì chúng không tiêu thụ than cốc nên thải ra lượng CO2 thấp hơn lò cao. Chúng chiếm khoảng 25% sản lượng thép toàn cầu. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo không thể đáp ứng nhu cầu điện khổng lồ của chúng – đủ để cấp điện cho một thị trấn 100.000 dân. Một trở ngại khác là nguồn cung cấp phế liệu, trong khi thép sản xuất từ EAF lại thường không đúng chất lượng yêu cầu để được sử dụng trong một số ngành như ô tô.

Đối với nhiều người trong ngành, câu trả lời nằm ở việc tìm kiếm một phương pháp chiết xuất sắt từ quặng ít ô nhiễm hơn. “Đây là thách thức thực sự cho các nhà sản xuất thép. Nó không chỉ là việc làm sao hiệu quả hơn. Có phản ứng hóa học diễn ra nên bạn cần carbon, nhưng hy vọng một ngày nào đó bạn có thể dùng hydro để làm công việc này”, Chris McDonald, Tổng Giám đốc Viện Xử lý Vật liệu (Anh), nhận định.

Với mục tiêu loại bỏ tất cả khí thải carbon từ công đoạn sản xuất sắt, một số công ty đang nỗ lực làm cho thép hydro trở nên khả thi về mặt kinh tế. Tập đoàn thép Thụy Điển SSAB đang xây dựng một cơ sở thử nghiệm trị giá 150 triệu euro, sẽ giúp Thụy Điển trở thành nước đầu tiên sản xuất thép mà không dùng nhiên liệu hóa thạch. Hydro được sản xuất bởi điện phân từ các nguồn năng lượng tái tạo dư thừa của Thụy Điển sẽ được sử dụng để biến quặng thành một sản phẩm gọi là sắt xốp, có thể được chuyển thành thép thông qua các lò hồ quang điện.

Tuy nhiên, sản xuất hydro sạch lại rất đắt đỏ và sẽ đòi hỏi công suất tạo ra năng lượng tái tạo rất lớn. Posco của Hàn Quốc và Voestalpine của Áo đang theo đuổi các dự án tương tự mặc dù Voestalpine cho biết sẽ mất 2 thập niên mới trở thành hiện thực. Trong quá trình chờ đến thời điểm đó, các nhà sản xuất thép đang đi những bước trung gian.

Hệ thống sản xuất của Tata loại bỏ nhiều công đoạn tiền xử lý nguyên vật liệu và nếu kết hợp với việc bắt giữ và lưu trữ các loại khí bỏ đi, Công ty cho biết có thể giảm khí thải CO2 tới 80%. ArcelorMittal đang tài trợ một dự án 150 triệu euro sử dụng vi khuẩn để chuyển khí CO thành ethanol sinh học, có thể làm nhiên liệu cho ngành vận chuyển hoặc ngành nhựa. Các sáng kiến khác nhằm thay than cốc trong các lò cao bằng than đá sinh học làm từ gỗ phế thải. Đây là tín hiệu vui cho ngành thép và cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Theo Nhipcaudautu.vn (14/1/2019)

Sản xuất nhựa từ khoai tây và vỏ trái cây

Việc tìm kiếm giải pháp nhựa sinh học an toàn và dễ phân hủy đang là hướng đi của các nhà khoa học cùng Chính phủ các nước để giải bài toán ô nhiễm môi trường hiện nay. Trong số đó phải kể đến vật liệu từ tinh bột khoai tây có tính chất tương tự như nhựa – một sản phẩm của Pontus Trenquist – cựu sinh viên của Đại học Lund (Thụy Điển).

Thành công từ việc… “lỡ tay”

Pontus Trenquist, 24 tuổi, cựu sinh viên ĐH Lund (Thụy Điển) đã được giới khoa học chú ý đến bởi công trình nghiên cứu cho ra sản phẩm nguyên liệu nhựa từ tinh bột khoai tây tại cuộc thi thiết kế “The James Dyson”.

Pontus Trenquist đã tạo ra những dụng cụ nhà bếp như dao, nĩa, thìa, đĩa… từ “nhựa khoai tây”. Ngoài tinh bột khoai tây, Trenquist còn sử dụng 2 loại nguyên liệu có sẵn mà không gây hại cho môi trường đó là nước và glycerin (một hợp chất có vị ngọt như siro, là thành phần chính trong chất béo hoặc dầu thực vật).

Pontus Trenquist đã tạo ra những dụng cụ nhà bếp như dao, nĩa, thìa, đĩa… từ “nhựa khoai tây”.

Đặc biệt, Trenquist chia sẻ: “Lúc đầu tôi lên kế hoạch sản xuất đá, gạch xây nhà từ tảo biển nên tôi đã về quê và tìm kiếm rong biển để phơi khô. Tôi đã loay hoay để tìm kiếm một chất kết dính cho rong biển và trong số đó tôi để ý đến tinh bột khoai tây kết hợp với nước.

Tuy nhiên, do lỡ tay nên tôi đã đổ hỗn hợp chất lỏng này tràn ra ngoài. Và rất ngạc nhiên sau đó tôi phát hiện, hỗn hợp khoai tây trộn với nước khi khô đi có đặc tính như màng nhựa. Chính điều đó đã khiến tôi nảy ý tưởng nghiên cứu nhựa từ tinh bột khoai tây”.

“Sau đó, tôi tiếp tục thêm glycerin vào trong hỗn hợp tinh bột khoai tây và nước, hỗn hợp đã trở nên dẻo hơn, dễ dàng cán và tạo hình ra những sản phẩm theo ý thích của mình mà không hề bị rách hay rạn nứt, thậm chí chúng còn xuất hiện lớp màng mỏng có thể tạo ra những chiếc túi nilon hoàn toàn bằng thực vật”, Trenquist chia sẻ thêm.

Hiện nay, Trenquist đang làm việc tại Phòng Nghiên cứu Thiết kế Vật liệu tại trường Đại học Công nghệ và Thiết kế Copenhagen (Đan Mạch) và vẫn tiếp tục phát triển sản phẩm của mình.

Mới đây, một nhóm nghiên cứu của Đại học Y khoa Vienna (Áo) cho biết, họ đã tìm thấy 9 loại vi hạt nhựa khác nhau có trong các mẫu phân của các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm. Điều này chứng tỏ chúng ta đang nuốt phải chất thải nhựa cùng với thức ăn hàng ngày. Các vi chất nhựa này có thể gây ức chế hệ miễn dịch, làm lây lan các độc tố, virus và vi khuẩn trong cơ thể con người.

Do đó, nghiên cứu của Trenquist có thể là một trong những thành công trong việc vừa tiết kiệm được nông sản bỏ đi (khoảng 20% khoai tây sau thu hoạch bị loại) vừa là lời giải cho bài toán cứu lấy đại dương.

Bao bì làm từ vỏ trái cây và khoai tây

Hồi năm 2006, một nhà máy tại Pháp đã sản suất ra các loại bao bì từ bột khoai tây và có thể tự phân hủy trong khoảng từ 5 – 6 tháng sau khi sử dụng. “Bao bì này sẽ giúp chúng ta tiết kiệm năng lượng hơn, ít tốn nguyên liệu, bền hơn nhờ độ đặc của tinh bột khoai tây, đồng thời tạo thu nhập cho người nông dân”, ông Renault – Giám đốc Công ty Plastiques et Tissages de Luneray cho biết. Và lợi ích lớn nhất là “giá của bao bì nhựa thông thường sẽ tăng theo giá dầu, trong khi bao bì làm từ khoai tây sẽ hạ giá khi sản lượng khoai thu hoạch tăng”.

Một công ty khác cũng đã nỗ lực để thay đổi vấn đề này đó là Biome Bioplastics (Anh) khi sản xuất loại cốc, ly có thể phân hủy và tái chế. Loại nguyên liệu để làm ra những chiếc cốc đó là tinh bột khoai tây, ngô và cellulose. Sản phẩm cốc, ly của của Biome Bioplastics hoàn toàn có thể tự phân hủy trong thùng rác thực phẩm hoặc thùng giấy tái chế.

Bên cạnh đó, cả một công ty chuyên sản xuất thực phẩm và nước giải khát khổng lồ như PepsiCo cũng đang nhắm đến mục đích sản xuất bao bì từ vỏ khoai tây bỏ đi sau khi sản xuất khoai tây chiên giòn tại nhà máy tại Leicester (Anh).

Trước đó, tại Malaysia, các nhà nghiên cứu tại nước này đã phát triển loại bao bì nhựa phân hủy sinh học làm từ vỏ trái cây nhiệt đới không chỉ bền, tiết kiệm mà còn giúp chúng ta hạn chế được việc gây ô nhiễm môi trường. GS.TS Hanafi Ismail cùng nhóm nghiên cứu đặt tên sản phẩm là “FruitPlast” – sản phẩm của sự chuyển đổi từ vỏ trái cây biến thành tinh bột rồi thành nhựa phân hủy sinh học.

Hiện nay, giới khoa học cho biết ý tưởng sử dụng nhựa phân hủy sinh học thân thiện với môi trường, thay thế cho nhựa truyền thống làm từ nhiên liệu hóa thạch là rất khả quan.

Theo Anninhthudo.vn (9/1/2018)

Sự thật về các chỉ số chất lượng không khí

Làm thế nào để biết được bầu không khí bạn đang hít thở là sạch, là đạt chất lượng? Thực ra xưa nay, chúng ta thường chỉ dựa vào cảm nhận của bản thân. Bạn hít thở cảm thấy thoải mái, không khí mát mẻ, không khó chịu thì mặc nhiên đó là không khí sạch.

Khoa học thì khác! Muốn đánh giá thứ gì chúng ta cũng cần các chỉ số cụ thể. Và với câu chuyện không khí sạch, chúng ta sử dụng chỉ số đo lường chất lượng không khí AQI (Air quality Index).

AQI là chỉ số được nhiều quốc gia tin dùng để đánh giá bầu không khí chúng ta đang hít thở. Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều người trong chúng ta – và có thể là cả bạn nữa – đang có một hiểu nhầm không nhỏ về những gì mà nó tiết lộ.

AQI cho biết điều gì?

Đây là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Các chỉ số AQI được tính toán trên công thức để chuyển đổi số đo PM 2.5 thành chỉ số chất lượng không khí. Dành cho những ai chưa biết, PM2.5 mật độ hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5micromet có trong không khí quanh máy quan trắc. Sau khi quy đổi, chất lượng không khí sẽ được biểu diễn theo một thang điểm gồm 6 khoảng, và cụ thể như sau:


Nguồn ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam

Nhưng chỉ mình AQI không nói lên được toàn bộ bức tranh không khí của toàn thành phố, có những thời điểm mọi người nhìn máy đo và nhận được chỉ số AQI ở mức cao ngất ngưởng, để rồi cảm thấy hoang mang vì chất lượng không khí quá kém. Tuy nhiên, câu chuyện về AQI không chỉ đơn giản như thế.

Đầu tiên, cần biết rằng AQI không phải là một chỉ số hoàn hảo. Nó được xây dựng dựa trên công thức chuyển đổi số đo PM 2.5 thôi, trong khi để đánh giá tổng thể chất lượng không khí thì còn cần các chỉ số khác như PM10, lượng CO2 trong không khí…

Thứ 2 là tại Việt Nam, nhiều người lấy chỉ số AQI do thiết bị quan trắc của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cung cấp. Tuy nhiên, ngay chính website của đại sứ quán cũng đưa ra lưu ý rằng thiết bị của họ chỉ có thể đưa ra chỉ số chất lượng không khí tại khu vực gần lãnh sự quán – nơi đặt thiết bị quan trắc.

Nói cách khác, đó là chỉ số cục bộ, chứ không thể đại diện cho chất lượng không khí toàn thành phố.

AQI cũng sẽ có sự khác biệt theo từng thời điểm trong ngày. Vào giờ cao điểm, chất lượng không khí sẽ tệ hơn do các phương tiện lưu thông nhiều. Trong những ngày mưa hoặc có gió nhiều, AQI cũng sẽ giảm xuống.

Và cuối cùng là về những cỗ máy đo chất lượng không khí tại nhà mà nhiều gia đình đang sử dụng. Có một sự thật nhiều người cần biết là không khí trong nhà đôi khi có chất lượng còn kém hơn ngoài trời do cấu trúc khép kín, nên cũng không thể vin vào đó mà bảo không khí toàn thành phố đang xuống cấp được.

Tóm lại, câu chuyện chúng ta cần hiểu ở đây là AQI dù sao cũng chỉ mang tính chất tham khảo mà thôi.

 Theo Helino/tapchimoitruong.vn

10 vấn đề nóng của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2018

Năm 2018 được nhắc đến không chỉ bởi thiên tai, ngập lụt ở các thành phố, mà còn hàng loạt vấn đề nóng gây xôn xao dư luận. Đó là việc “xẻ thịt” rừng phòng hộ xây dựng biệt thự trái phép ở Sóc Sơn, nhập khẩu phế liệu diễn biến phức tạp, “bom nước” ở Nha Trang, hay việc sử dụng vốn đầu tư công của Bộ Tài nguyên và Môi trường: “đụng đâu sai đó.”

Xin điểm lại những vấn đề gây xôn xao dư luận trong năm qua.

Hàng loạt thành phố chìm trong “biển nước” do mưa lũ

Do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao gây mưa lớn kéo dài từ ngày 7 đến 12/12, nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn như Đà Nẵng, Vinh, Hội An, Nha Trang (Khánh Hòa), Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã bị ngập lụt cục bộ, nhiều tuyến đường biến thành sông.

Trước đó, cuối tháng 11, cơn bão số 9 đi qua một dải Nam Trung Bộ và Nam Bộ, cũng đã ảnh hưởng dọc các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre, đồng thời trút lượng mưa kỷ lục xuống Thành phố Hồ Chí Minh, biến khu vực nội đô ngập nặng.

Tại Hà Nội, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ ngày ngày 18 đến 31/7, mực nước sông Tích, sông Bùi qua địa bàn huyện Chương Mỹ dâng lên rất cao, khiến hàng nghìn căn nhà chìm sâu trong nước lũ; hàng nghìn hécta hoa màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, gia súc gia cầm bị lũ dữ hủy hoại, bị cô lập nhiều ngày.

Nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam diễn biến phức tạp

Năm tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với cả năm 2017. Trong khi, với hàng nghìn container phế liệu đang bị tồn, một số cảng biển nước ta có nguy cơ thành “bãi rác phế liệu” của thế giới sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế thải.

Trước tình trạng “báo động” nhập khẩu phế liệu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các Bộ, địa phương thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng trên; tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc rà soát, ngăn chặn việc nhập lậu phế liệu vào Việt Nam.

“Xẻ thịt” đất rừng xây biệt thự trái phép

Tình trạng “xẻ thịt” đất rừng phòng hộ để xây biệt phủ, công trình trái phép tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là câu chuyện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong năm 2018. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến khu biệt thự của gia đình ca sĩ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương. Hai khu này được cho là đã “xẻ thịt” rừng phòng hộ và có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về đất đai.

Trước đó trả lời trong cuộc giao ban báo chí Thành ủy diễn ra vào chiều ngày 16/10, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết, hai công trình này nằm trong danh sách các công trình trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về thanh tra đất rừng Sóc Sơn từ năm 2006 và huyện đang xử lý.

Do công trình này thuộc sự quản lý của giai đoạn trước nên cần có sự thống nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Sử dụng vốn đầu tư công “đụng đâu sai đó”

Trước thông tin phản ánh công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công của Bộ Tài nguyên và Môi trường có “nhiều vi phạm” và “đụng đâu sai đó,” sáng ngày 5/5, Bộ này đã phát đi thông cáo báo chí giải thích một số nội dung báo chí phản ánh.

Theo Thông cáo, việc Thanh tra Bộ Tài chính triển khai thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị trực thuộc là hoạt động thanh tra định kỳ theo kế hoạch; không phải thanh tra vụ việc cụ thể khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

Trong quá trình thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo, giải trình cụ thể về các nội dung của từng dự án và đã được Thanh tra Bộ Tài chính tiếp thu, được thể hiện trong kiến nghị của Kết luận Thanh tra đối với các thiếu sót và biện pháp khắc phục (chủ yếu là thiếu sót về trình tự thủ tục, thời gian, không phải là vi phạm về sử dụng, chi sai nguồn vốn, gây ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước).

Sạt lở khủng khiếp ở Nha Trang khiến 19 người chết

Sáng 18/11, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Toraji suy yếu, trận mưa lớn kéo dài kéo theo sạt lở khiến đất đá đổ xuống đã vùi lấp hàng chục nhà dân ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), làm 19 người chết, 28 người bị thương.

Trong đó, riêng sự cố vỡ hồ chứa nước nhân tạo tại dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú ở phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang gây sạt lở đã khiến gia đình thầy giáo gồm 4 người tử nạn, hàng loạt căn nhà đổ sập.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, giáo sư tiến sỹ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng việc quy hoạch xây dựng “bom nước” trên núi cao, trong khi dân cư ở dưới đường thoát lũ là việc làm sai lầm.

“Thử hỏi, nếu như không vỡ hồ chứa nước nhân tạo ‘treo’ trên núi, liệu sạt lở có xảy ra như các điểm khác trong thành phố Nha Trang và mức độ ảnh hưởng có nghiêm trọng đến mức sập nhà, chết người nặng nề như vậy?,” ông Hồng nói.

Xôn xao việc bổ nhiệm quyền Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo

Ông Tạ Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thành viên Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, là đơn vị từng bị kỷ luật tập thể vì sự cố Formosa nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ chức quyền Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo.

Trước nghi vấn về việc bổ nhiệm trên, chiều 12/4, tại buổi họp báo quý 1/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết khi sự cố Formosa xảy ra, tập thể Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2010-2016 bị kỷ luật. Song, cá nhân ông Tạ Đình Thi không liên quan trực tiếp đến vụ Formosa, do vậy, không có hình thức kỷ luật với riêng ông Thi.

4.000 lít dầu tràn ra đồng, nhiều gia đình phải sơ tán

Ngày 17/12, tại khu vực phố 5, thuộc phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa xảy ra sự cố cháy dầu tràn ra kênh mương. Ước tính khối lượng dầu rò rỉ ra môi trường hơn 4.000 lít, khiến hơn 5 hécta đất ruộng và hơn 800-1.000m đường kênh mương nội đồng bị nhiễm dầu.

Theo thông tin ban đầu từ các lực lượng chức năng, nguyên nhân tràn dầu ra môi trường được xác định là do tràn bể thu váng dầu của một cây xăng quân đội sát Cảng Lễ Môn, Khu công nghiệp Lễ Môn, phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa. Dầu rò rỉ, chảy vào hệ thống thoát nước dọc khu dân cư, đổ ra cánh đồng.

Ngay trong ngày, Ủy ban Nhân dân thành phố Thanh Hóa đã họp khẩn với Bộ đội Biên phòng, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp lên phương án xử lý, khắc phục sự cố.

Formosa không có trong kế hoạch thanh tra của Bộ Tài nguyên

Liên quan đến thông tin không đưa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) vào kế hoạch thanh tra năm 2018, chiều 3/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra thông cáo báo chí giải thích tới công luận.

Nội dung thông cáo báo chí cho biết, ngay sau khi FHS nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hà Tĩnh, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan đưa FHS vào “chế độ giám sát đặc biệt và nghiêm ngặt” để thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của FHS, đảm bảo không để tái diễn sự cố.

Từ ngày 22/7/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Tổ giám sát FHS trong việc thực hiện cam kết khắc phục sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.

“Nóng” vụ sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xin nhận trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng vì đã thực hiện không đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng chân thành xin lỗi nhân dân thành phố, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2, đã chịu nhiều thiệt thòi, tổn thất, vất vả trong cuộc sống nhiều năm qua.

Thành phố cũng cam kết xây dựng xong chính sách bồi thường trước 30/11; đồng thời xử lý vi phạm với tổ chức, cá nhân liên quan trước ngày 30/11.

Nền đa dạng sinh học đang bị đe dọa nghiêm trọng

Năm 2018, liên tục xảy ra những vụ giết động vật hoang dã, quý hiếm rồi livestream, đăng ảnh lên mạng xã hội facebook để khoe chiến tích khiến dư luận phẫn nộ bởi hành vi đó đã đạt tột cùng của sự tàn ác.

“Quá tàn nhẫn, man rợn! Sao những hình ảnh dã man thời trung cổ lại có thể tái hiện ở xã hội văn minh?”. Nhiều người đã phải thốt lên như vậy khi xem đoạn livestream trên Facebook về một nhóm 5 đối tượng ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang giết động vật hoang dã nghi khỉ hoặc voọc chà vá chân nâu.

Đặc biệt, nhóm người đàn ông này đã dùng dao bổ mạnh lên phần đầu của cá thể này rồi dùng muỗng và tay múc não cá thể ăn sống với rượu ngay tại chỗ. Đám người này sau đó đã cạo lông, làm thịt cá thể nghi khỉ này.

Chỉ ít ngày sau, dư luận lại tiếp tục phẫn nộ với việc một giám đốc doanh nghiệp giết thịt hai con chim hoang dã nghi Cao cát bụng trắng, thuộc họ Hồng hoàng rồi đem khoe lên mạng xã hội Facebook.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), ở Việt Nam, số loài bị đe dọa toàn cầu không chỉ tăng về số lượng, mà còn tăng về mức độ đe dọa. Nhiều loài được đánh giá bị đe dọa không cao trên quy mô toàn cầu nhưng lại bị đe dọa ở mức rất cao.

Theo VietnamPlus.vn (31/12/2018)