Công nghệ phản hồi thời gian thực có thể giảm tiêu thụ năng lượng

Kể cả khi người dùng không có ý thức tiết kiệm năng lượng, công nghệ này vẫn có thể thay đổi hành vi của người dùng và tăng hiệu quả bảo tồn tài nguyên.

Theo đó, nhóm nghiên cứu từ Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ) đã đưa ra kết luận dựa trên việc lắp đặt đồng hồ thông minh đo lượng điện sử dụng để đun nóng và bơm nước trong phòng tắm tại 6 khách sạn.

Kết quả là với gần 20.000 vòi sen hoạt động, các phòng tắm được trang bị màn hình phản hồi thời gian thực kết nối với đồng hồ thông minh có lượng điện năng tiêu thụ trung bình ít hơn 11,4% so với các phòng tắm thông thường.


Ảnh: AFP RELAXNEWS

Verena Tiefenbeck, nghiên cứu viên cao cấp của nhóm, cho biết: “Điều này cho thấy công nghệ phản hồi thời gian thực có thể thay đổi hành vi của người dùng và tăng hiệu quả bảo tồn tài nguyên ngay cả khi người dùng không có ý thức tiết kiệm năng lượng.

Qua đó, công nghệ này có thể được áp dụng cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, đồng thời định lượng số tiền tiết kiệm được trong vòng hai năm dựa trên hành vi của người dùng.”

Tiefenbeck còn nói thêm các đồng hồ thông minh còn yêu cầu khách sử dụng lại khăn của mình để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, dữ liệu không cung cấp về lượng nước tiêu thụ tương đương.

Nghiên cứu hiện được công bố trên Nature Energy với mục tiêu nâng cao ý thức về môi trường của mọi người nhiều hơn tập trung vào các lợi ích tài chính.

Theo TT/moitruong.com.vn (26/11/2017)

Vì sao không được vứt pin đã qua sử dụng vào thùng rác?

Hầu hết gia đình nào cũng có khoảng chục thiết bị có sử dụng pin như điện thoại, đồng hồ, điều khiển từ xa, xe đạp điện… và số lượng các thiết bị này ngày càng có xu hướng tăng nhanh.

Tuy nhiên hầu hết chúng ta đều không biết rằng pin và ắc-quy đã qua sử dụng không được phép bỏ vào thùng rác để hủy như các loại rác thông thường vì tính độc hại của chúng là rất cao.

Các kim loại nặng trong pin là rất độc hại

Nhiều người trong chúng ta vẫn cho rằng những cục pin sử dụng trong các thiết bị điện tử chỉ là vật dụng nhỏ bé vô hại. Thông thường, khi pin không còn giá trị sử dụng, chúng ta có thói quen vứt bừa bãi hoặc bỏ chúng vào thùng rác gia đình như các loại rác thải khác, để rồi người ta sẽ xử lý chúng bằng hai phương pháp: chôn lấp hoặc đốt.


Việc đốt, phá hủy, chôn lấp, tiếp xúc trực tiếp, hay bỏ pin trong thùng rác bình thường đều được khuyến cáo là không phù hợp với tất cả các loại pin.

Các viên pin thường có các kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm, cadmium, lithium… Nếu chỉ được chôn lấp, các kim nặng này thấm vào đất và nguồn nước ngầm, gây ra ô nhiễm nguồn nước. Hoặc khi đốt, các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc, hay chất độc còn đọng lại trong tro sẽ gây ô nhiễm không khí.

Lượng thủy ngân có trong một viên pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 mét khối đất trong 50 năm. Thủy ngân từ các nguồn ô nhiễm khi xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống hoặc hít thở, chúng có thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch…

Một lượng nhỏ của chì cũng có thể gây hại cho cơ thể. Nó có xu hướng thay thế vị trí của tất cả các kim loại khác trong cơ thể người. Ví dụ chì sẽ chiếm chỗ của canxi trong xương, chiếm chỗ của kẽm và canxi trong các protein, chiếm chỗ của canxi trong các phản ứng truyền xung điện não, thay thế sắt trong máu…

Tóm lại chì gây rối loạn hoặc ngưng các phản ứng sinh hóa diễn ra bình thường trong cơ thể. Nó gây còi xương, chậm lớn ở trẻ, huyết áp cao đối với người lớn, tổn hại máu và xương, gây chứng mất trí và giảm khả năng suy nghĩ, giảm sinh tinh, thậm chí là vô sinh, giảm chức năng của thận…

Khi nhiễm độc kẽm, người bệnh thường nôn mửa nhiều và có thể bị chảy máu đường ruột. Tình trạng chung của cơ thể thường không ổn định, hay run rẩy, giảm mức phản xạ tự nhiên, đôi khi bị tê liệt.

Khi Cadmium xâm nhiễm vào cơ thể người, nó sẽ là tác nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, thiếu máu, suy gan thận, gây nhiều loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, đối với phụ nữ có thai, nó làm tăng nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi…


Pin lithium-ion tuy không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng có nguy cơ cháy nổ cao, phải lưu ý khi vận chuyển.

Cần nâng cao ý thức với việc loại bỏ pin sau khi sử dụng ở Việt Nam


Tất cả các loại pin, ắc quy tại Anh đều phải dán để khuyến cáo người dùng về mức độ nguy hại của chúng.

Việt Nam đã có các nghị định và quyết định của Chính phủ về viêc hướng dẫn quản lý, thu hồi, xử lý chất thải và phế liệu trong đó có pin và ắc quy đã qua sử dụng. Tuy nhiên, có lẽ do thiếu truyền thông và hướng dẫn, phần lớn người dân chưa có ý thức phân loại rác thải độc hại và pin tại nguồn.

Hiện nay, các viên pin không còn giá trị sử dụng đều bị bỏ chung với rác thải sinh hoạt mà chưa ý thức được đây chính là một trong những hành vi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Hầu hết các cơ quan xử lý rác và chất thải ở Việt nam cũng không có hướng dẫn hay truyền thông đến người dân cách phân loại, bảo quản, vận chuyển và xử lý các sản phẩm pin và ắc quy sau khi sử dụng cũng như không chỉ rõ nơi thu gom và xử lý các rác thải độc hại này.

Đối với các nước phát triển, các nhà chức năng có quy định rất nghiêm ngặt về việc dán nhãn ghi rõ thành phần cấu tạo nên pin và ắc quy cũng như như cách phân loại, bảo quản, thu gom và tái chế sau khi sử dụng. Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất pin ở Việt Nam hiện chưa thực hiện tốt việc này. Đây cũng là một điểm còn khiếm khuyết trong công tác quản lý và sản xuất loại sản phẩm này.


Nước Anh có quy định rất nghiêm ngặt trong việc dán nhãn các sản phẩm ắc quy nước.


Pin được sản xuất ở Việt Nam vẫn khá đơn giản trong việc dán nhãn khuyến nghị về cách loại bỏ sau khi sử dụng.

Giải pháp tạm thời

Trong khi chờ các cơ quan chức năng có hành động cụ thể trong việc hướng dẫn phân loại, bảo quản, vận chuyển và xử lý các sản phẩm pin và ắc quy đã qua sử dụng, có lẽ chúng ta cần thực tự mình tìm lấy giải pháp tạm thời.

Bạn hãy kiếm một chiếc lọ thủy tinh sạch, bỏ các thỏi pin đã qua sử dụng vào lọ để đảm bảo chúng không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, lưu ý để lọ xa tầm với của trẻ em. Mỗi năm một lần, bạn hãy trực tiếp chuyển pin trong lọ cho công nhân thu gom rác thải sinh hoạt và thông báo rằng chúng là pin đã qua sử dụng để họ có cách xử lý theo đúng quy định.

Đối với những bình ắc quy đã qua sử dụng, hãy tìm chỗ khô ráo, sạch sẽ và xa tầm tay trẻ em để bảo quản tạm thời, rồi ngay lập tức chuyển chúng trực tiếp kèm theo thông báo cho các công nhân thu gom rác thải sinh hoạt.

Nếu ở Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh, bạn có thể trực tiếp chuyển pin và ắc quy đã qua sử dụng đến các địa điểm hoặc tổ chức có chương trình thu gom loại rác thải này.

Thiết nghĩ, cùng với mức độ sử dụng các loại pin và ắc quy ngày càng gia tăng, việc nâng cao ý thức của nhà quản lý, đơn vị sản xuất và người tiêu dùng đồng thời có các hành động cụ thể và kịp thời đối với việc xử lý loại rác thải đặc biệt này là điều hết sức cần thiết hiện nay.

Theo Trithucvn (19/11/2018)

Xu hướng “xanh hóa” trong ngành sản xuất ô tô – xe máy

Trong quá trình hoạt động, các phương tiện giao thông thải lượng lớn các chất như: Bụi, CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… vào môi trường không khí. Trước nguy cơ gây ô nhiễm, Chính phủ các thị trường ô tô lớn như Anh, Pháp, Trung Quốc… đều đã lên kế hoạch cấm bán xe ô tô chạy bằng xăng dầu.

Cùng với đó, nhiều Chính phủ áp dụng triển khai chính sách ưu đãi đối với xe xanh, xe hybrid nhằm khuyến khích người tiêu dùng, hạn chế khí thải CO2 từ lưu thông xe cộ vào không khí.

Tại các nước phát triển, chính sách thuế ưu đãi là một trong những công cụ quan trọng trong việc kích cầu tiêu dùng đối với những dòng “xe xanh”, đồng thời đây được coi là nguồn động lực cổ vũ các hãng ô tô đầu tư, thiết kế và sản xuất các mẫu sản phẩm hiện đại, hiệu suất cao, tiết kiệm nhiên liệu hơn nữa. Qua đó, gián tiếp góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên hóa thạch có hạn đang ngày một trở nên khan hiếm.

Trước động thái khá quyết liệt từ Chính phủ các nước, nhiều nhà sản xuất ô tô đã không ngừng đổi mới công nghệ nhằm đưa ra thị trường những dòng xe tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải, thân thiện với môi trường.

Thế giới hiện công nhận 4 loại xe xanh bao gồm: Xe điện (Electric Vehicle); Xe “lai” (Hybrid Electric Vehicle); Xe lai có thể cắm sạc (Plug-in Hybrid Electric Vehicle) và Xe dùng bằng pin nhiên liệu (fuel cell).

Ảnh minh họa

Trong đó, công nghệ xe “lai” hay xe Hybrid nằm trong danh sách 20 công nghệ quan trọng để giảm thiểu khí thải CO2 tính tới năm 2050, đồng thời được đánh giá là có tính thực tiễn cao khi áp dụng trong đời sống tiêu dùng các nước. Nhờ kết hợp giữa năng lượng đốt trong và điện năng, xe Hybrid tiết kiệm khoảng 20% – 30% nhiên liệu so với xe chạy bằng xăng, dầu cùng dòng.

Là nhà sản xuất ô tô xe máy hàng đầu thế giới với hàng chục triệu xe được trao tới tay khách hàng mỗi năm, Honda ý thức được trách nhiệm cũng như nghĩa vụ to lớn của mình trong việc mang đến những sản phẩm không chỉ có chất lượng cao, mà còn đáp ứng được những xu thế phát triển tất yếu của tương lai để trở thành thương hiệu tiên phong có độ tin cậy và được khách hàng ưa chuộng rộng rãi.

Tại triển lãm ô tô Tokyo 2017, Honda cũng đã lần đầu tiên giới thiệu công nghệ Hybrid – sự kết hợp giữa động cơ xăng và mô tô hỗ trợ, thể hiện những nỗ lực của công ty trong việc đem đến cho khách hàng những sản phẩm đáp ứng được xu thế phát triển của tương lai.

Ở thị trường Việt Nam, ngày 20/8 vừa qua, Honda cũng đã chính thức giới thiệu mẫu xe mới PCX Hybrid – Đây là là mẫu xe máy 2 bánh đầu tiên ứng dụng công nghệ Hybrid, góp phần tăng thêm lựa chọn cho khách hàng ở phân khúc phổ thông.

Theo đánh giá, hệ thống Hybrid của dòng xe PCX lần này của Honda nhắm đến mục đích đáp ứng đồng thời cả hai yếu tố “phản ứng nhanh nhạy theo tay ga cùng hiệu suất hoạt động cao” và “tăng sự thân thiện với người dùng”.

Hệ thống bao gồm động cơ xăng với dung tích 150cc cung cấp năng lượng chính và mô tơ hỗ trợ đóng vai trò trợ lực cho động cơ xăng. Khi xe được vặn ga để chuyển từ trạng thái đứng yên sang chuyển động hoặc khi được xoắn ga đột ngột, mô tơ hỗ trợ sẽ được kích hoạt, sản sinh ra mô men xoắn hỗ trợ cho động cơ xăng, giúp xe tăng tốc mạnh mẽ và tiết kiệm nhiên liệu hơn.

So với mô-men xoắn của PCX 150cc động cơ xăng, mô-men xoắn của PCX Hybrid đã được cải thiện đáng kể (tăng 26% tại vòng tua máy 4000 v/p), động cơ sẽ phản ứng gần như lập tức theo sự thay đổi của tay ga, giúp xe tăng tốc mạnh mẽ ở dải tốc độ thấp và vừa.

Bên cạnh đó, thời gian ngắt tạm thời hoạt động của động cơ được giảm từ 03 giây xuống còn 0,5 giây, tất cả giúp giảm tiêu hao nhiên liệu ~ 2% so với PCX 150cc động cơ xăng.

Ngoài ra PCX Hybrid còn sở hữu tính năng mới lần đầu tiên xuất hiện trên một mẫu xe sản xuất trong nước, đó là chế độ lái với những lựa chọn khác nhau theo nhu cầu và sở thích, bao gồm: D, S, Idling. Chế độ D đem lại cảm giác xe chạy thoải mái. Chế độ S đẩy mạnh năng lượng bổ trợ từ chế độ D giúp tăng tính thể thao trong khả năng vận hành. Chế độ Idling sẽ ngắt hoạt động của Idling Stop nhưng cảm giác chạy xe vẫn thoải mái như chế độ D.

Thiết kế tổng thể của Honda PCX Hybrid không khác biệt quá nhiều so với bản động cơ xăng. Điểm khác nằm ở màu sơn xanh lam, dải màu xanh trên chóa đèn cùng logo Hybrid ở thân xe; yên xe dùng chỉ khâu màu xanh lam để đồng bộ với màu sơn. Do đó, khách hàng sẽ hoàn toàn yên tâm và thoải mái khi sử dụng.

Khi người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm “xanh” và chính phủ các nước có những động thái khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra giải pháp thân thiện với môi trường sống thì Honda PCX Hybird chính là lời giải cho hai yêu cầu trên. Động cơ Hybrid chứng tỏ sự nỗ lực, bước đi tiên phong đón đầu xu hướng “xanh hóa” trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy của Honda.

Theo Tapchigiaothongvantai.vn

“Khu c\u00f4ng nghi\u1ec7p sinh th\u00e1i \u1edf Vi\u1ec7t Nam: C\u01a1 h\u1ed9i, th\u00e1ch th\u1ee9c v\u00e0 r\u00e0o c\u1ea3n ph\u00e1t tri\u1ec3n”

Đó là chủ đề của Hội thảo chuyên gia quốc tế lần thứ hai vừa diễn ra trong 2 ngày 08-09/2018, tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức, với sự tham gia của 120 chuyên gia quốc tế về lĩnh vực môi trường, sinh thái.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” (EGM) cho biết về tình hình phát triển của các KCN, KCX, KKT cả nước. Theo đó, từ năm 1991 đến nay, cả nước đã xây dựng 326 KCN, KCX với tổng diện tích đất tự nhiên gần 94 nghìn ha, thu hút trên 16.000 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký trên 180 tỷ USD.

Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án

Vụ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, các KCN đã có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thông qua việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước và tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các KCN tại Việt Nam đã và đang tạo ra các thách thức đặt ra yêu cầu giải quyết cấp bách, như: Ô nhiễm KCN hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống của người dân xung quanh, tài nguyên thiên nhiên chưa được sử dụng hiệu quả; nhiều giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên chưa được ứng dụng; cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong KCN hoặc giữa các KCN còn hạn chế; các dịch vụ trong KCN chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao….

Ông Trần Duy Đông khẳng định, tiếp nối thành công của Hội thảo lần thứ 1 vào năm 2016 tại Quảng Nam, Hội thảo EGM lần thứ 2 lần này là diễn đàn để đại diện các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận, trao đổi để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam đã được quy định tại Nghị định 82.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, thay mặt cho Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), bà Lê Thanh Thảo – đại diện Quốc Gia – Văn phòng UNIDO Việt Nam chia sẻ rằng, hơn 2 năm về trước, khi Hội nghị Chuyên gia Quốc tế về KCNST lần thứ nhất được tổ chức, khái niệm về KCN sinh thái còn vô cùng mới mẻ với Việt Nam. Song, đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong nhiều khía cạnh liên quan đến phát triển KCN sinh thái.

Đáng kể nhất là việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 82 quy định về quản lý KCN và KKT vào tháng 5 năm 2018, trong đó thể chế hóa các khái niệm KCNST, cộng sinh công nghiệp, đưa ra các tiêu chí xác định KCNST, khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp áp dụng và phát triển theo mô hình KCNST.

“Một kết quả đáng khích lệ khác là sự tham gia tích cực và chủ động của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới và ứng dụng công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, giảm các nguồn gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu, sử dụng hiệu quả tài nguyên”, bà Lê Thanh Thảo chỉ rõ.

Cụ thể, đến nay, đã có 72 doanh nghiệp tham gia áp dụng các biện pháp kỹ thuật, giúp giảm 24.882 tấn CO2, tiết kiệm 429.000 m3 nước và gần 18 triệu KwH điện mỗi năm. KCN Hòa Khánh là 1 trong 3 KCN thí điểm của dự án đã được Quỹ Môi Trường toàn cầu (GEF) lựa chọn là địa điểm tham quan cho đại biểu tham dự Đại hội đồng GEF lần thứ 6 tổ chức vào tháng 6 vừa qua tại Đà Nẵng.

Bà Lê Thanh Thảo – đại diện Quốc Gia – Văn phòng UNIDO Việt Nam

Bà Lê Thanh Thảo cũng khẳng định, 2018 là năm đặc biệt với UNIDO, đánh dấu 40 năm hợp tác kỹ thuật với Việt Nam. Thời gian qua, UNIDO đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và thông lệ thực hành tốt để hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế và công nghiệp một cách bao trùm và bền vững.

Trong những năm tới, UNIDO cam kết vẫn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương và các bên có liên quan để hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp quan trọng, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh Công nghiệp 4.0, xây dựng các chính sách phát triển công nghiệp bền vững, góp phần giúp Việt Nam đạt được những ưu tiên phát triển KT-XH của mình, thực hiện cam kết đối với Chương trình nghị sự 2030, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Đại diện cho lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoàng Năng- Trưởng ban Quản lý các KCN- CX Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc gắn kết phát triển công nghiệp theo mô hình KCNST là hết sức cần thiết.

“Chúng tôi nhận thấy mô hình KCNST là phù hợp cho các KCN ở Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường của Thành phố. Việc thực hiện mô hình KCNST có thể mang đến lợi ích bền vững hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp và NLĐ thành phố nói riêng, thành phố Hồ Chí Minh và cả nước nói chung. Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng ký tham gia dự án KCN sinh thái, gồm KCN Hiệp Phước và KCN Lê Minh Xuân”, ông Nguyễn Hoàng Năng phát biểu.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết, với 28 bài thuyết trình của các đại biểu cùng các phiên thảo luận nhóm, các ý kiến tham gia đóng góp cho Hội thảo trong hai ngày qua đã giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp KCN, KKT có góc nhìn tổng thể hơn, thực tế hơn và rõ nét hơn về mô hình KCNST để các giải pháp chỉ đạo và thực thi KCNST hiệu quả.

Hội thảo chuyên gia quốc tế lần thứ hai KCN sinh thái ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và rào cản phát triển nằm trong nằm trong khuôn khổ Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và chính phủ Thụy Sỹ, thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ nhằm thực hiện thí điểm chuyển đổi từ KCN thông thường sang KCN sinh thái tại Việt Nam.

Thông qua Dự án KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO thực hiện thí điểm sáng kiến KCN sinh thái tại 3 địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ với mục tiêu đảm bảo 3 trụ cột của phát triển bền vững trong công nghiệp gồm: kinh tế, môi trường và xã hội.

Dự án đã đạt được kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức về KCNST, thúc đẩy các doanh nghiệp trong các KCN đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn… Trên cơ sở các kết quả tích cực của sáng kiến KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý KCN và KKT, trong đó nêu rõ khái niệm, tiêu chí KCN sinh thái và phân công trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc hướng dẫn phát triển KCN sinh thái.

Theo Nguyễn Hằng/kinhtevadubao.vn (9/11/2018)

Dự án sẵn sàng tham gia thị trường carbon của Việt Nam

Sáng kiến Chương trình PMR là một trong những công cụ được quốc tế xem là hữu hiệu để tạo động lực cho tất cả các bên tham gia các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ các hành động tự nguyện như NAMA, chuyển thành các cơ chế bắt buộc khi các chính sách thuế, phí, cơ chế hạn ngạch phát thải, các điều kiện về nhãn carbon, dấu vết carbon sẽ hình thành ở nhiều nơi trên thế giới.

Tổng quan về Dự án Sẵn sàng thị trường carbon toàn cầu (Partnership for Market readiness – PMR)

Sáng kiến Sẵn sàng thị trường carbon (Partnership for Market readiness – PMR) do Ngân hàng Thế giới tổ chức thực hiện đã tạo ra Diễn đàn tập hợp các ý tưởng tưởng, đề xuất kỹ thuật và nguồn lực tài chính hỗ trợ các quốc gia, khu vực nâng cao năng lực triển khai các hành động giảm phát thải khí nhà kính. Sáng kiến PMR được triển khai trong khuôn khổ Chương trình PMR toàn cầu do Ngân hàng Thế giới tài trợ, hỗ trợ các quốc gia thực hiện các nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các chính sách thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính bằng công cụ định giá carbon (carbon pricing instruments).

Chương trình PMR toàn cầu đến nay đã có trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ được hỗ trợ kỹ thuât và tài chính để nghiên cứu từ tiềm năng áp dụng đến việc thử nghiệm, thí điểm các công cụ thị trường như thuế, phí, thiết lập thị trường mua bán hạn ngạch phát thải carbon. Trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình, Diễn đàn PMR toàn cầu đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế, các chuyên gia kỹ thuật hợp tác giữa các quốc gia, chia sẻ thông tin, kiến thức và các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, triển khai cơ chế chính sách về giảm phát thải khí nhà kính, hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra, các báo cáo nghiên cứu về xây dựng và triển khai thị trường carbon toàn cầu,…. Chi tiết tham khảo tại website: https://thepmr.org.

Định giá carbon – vấn đề trọng tâm trong các nghiên cứu của PMR ở các quốc gia

Việc định giá carbon thông qua các công cụ tài chính như thuế, mua bán carbon được xem là một trong biện pháp hiệu quả thúc đẩy hoạt động giảm phát thải khí nhà kính ở các quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Nhiều chính phủ các quốc gia trong khuôn khổ Chương trình PMR đã theo đuổi các nghiên cứu chính sách định giá carbon và lồng ghép vào chiến lược giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia. Chương trình PMR đã cam kết hỗ trợ các Chính phủ thiết kế và thực thi các chính sách về định giá carbon, bao gồm hệ thống mua bán carbon (ETS – Emission Trading Scheme), carbon taxes và cơ chế tạo tín chỉ (Crediting) và cơ chế bù trù (offset). Một số nghiên cứu điển hình và kết quả triển khai Dự án PMR ở các quốc gia cụ thể như sau:

Argentina: Nghiên cứu khả năng thiết lập hệ thống mua bán chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính từ phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ đó sẽ triển khai chính sách thuế carbon tại quốc gia này.

Costa Rica hiện nay đang nghiên cứu xây dựng thị trường carbon nội địa thông qua việc thúc đẩy, khuyến khích các hành động tự nguyện, tiếp cận đến thực thi các quy định, hướng dẫn của chương trình. Với sự hỗ trợ của PMR, Costa Rica đã tái khởi động lại chương trình chuyển đổi carbon, tập trung nghiên cứu cơ chế bù trừ, từ đó sẽ thiết kế chương trình mua bán tự nguyện, giai đoạn đầu sẽ thí điểm ở một số ngành công nghiệp.

Chile: Đã ban hành thuế carbon đối với các một số loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu, khí và áp thuế đối với một số nguồn thải lớn như các nhà máy nhiệt điện, tuy nhiên, mức thuế hiện tại còn thấp (5$/tấn CO2). Chính phủ Chile đang nghiên cứu tăng mức thuế carbon và giảm các loại thuế khác có liên quan như thuế môi trường, từ đó dần hình thành hệ thống mua bán carbon ETS ở trong nước.

Ấn Độ: Đã và đang vận hành hệ thống đăng ký các công cụ thị trường (Market Based Instrument – MBIs), nghiên cứu các cơ chế để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia và các ngành. Trong ngắn hạn, Ấn Độ dự kiến áp dụng công cụ định giá carbon đối với lĩnh vực quản lý chất thải.

Trung Quốc: Là quốc gia có nhiều bước tiến trong nghiên cứu và vận hành thị trường mua bán carbon nội địa. Trung Quốc đã công bố hệ thống ETS tháng 12 năm 2017, giai đoạn ban đầu đã triển khai thí điểm một tỉnh, thành phố lớn tại Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến,…thí điểm vận hành đối với lĩnh vực sản xuất điện, với sự tham gia chủ yếu của các doanh nghiệp nhà nước.

Một số nội dung nghiên cứu trọng tâm của Dự án PMR của Việt Nam (VNPMR – Vietnam Partnership for Market Readiness’Project)

Dự án VNPMR đã được Đại Hội đồng PMR của Ngân hàng Thế giới phê duyệt vào tháng 8 năm 2014. Sau một thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các tài liệu, thủ tục nội bộ theo quy định của pháp luật, Dự án VNPMR đã được Chính phủ phê duyệt năm 2017 và chính thức triển khai thực hiện từ năm 2018 đến tháng 6 năm 2020, do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng với sự tham gia của các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng tham gia thực hiện các hợp phần nghiên cứu của các ngành/lĩnh vực, cụ thể:

– Hợp phần của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành các nghiên cứu đề xuất và xây dựng một số chính sách, công cụ quản lý nhà nước liên quan đến thị trường carbon.

– Hợp phần do Bộ Xây dựng quản lý sẽ thiết lập cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính, công cụ thị trường các-bon và lộ trình tham gia thị trường các-bon trong lĩnh vực chất thải rắn.

– Hợp phần do Bộ Công Thương chủ trì dự kiến nghiên cứu xây dựng và triển khai thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon, hệ thống báo cáo các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và đề xuất lộ trình tham gia thị trường các-bon trong lĩnh vực sản xuất thép.

Hiện nay, Dự án VNPMR đang trong giai đoạn tuyển tư vấn để tham gia thực hiện các nghiên cứu do Ban quản lý dự án đặt hàng. Dự kiến các nghiên cứu sẽ được thực hiện đồng thời trong giai đoạn 2019-2020. Cũng trong giai đoạn này, Ban quản lý Dự án sẽ tổ chức nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo tập huấn cho các bên liên quan, trang bị các kiến thức cơ bản đến chuyên sâu trong việc thiết kế, vận hành các cơ chế thị trường mới về giảm phát thải, các công cụ tài chính định giá carbon như thuế, phí, cơ chế mua bán, bù trừ, hạn ngạch phát thải,…Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Dự án sẽ báo cáo Chính phủ xem xét lựa chọn các đề xuất chính sách liên quan đến định giá carbon để ban hành và tổ chức thực hiện trong giai đoạn Việt Nam triển khai Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDCs – National Determined Contributions).

Những nội dung chính của sáng kiến PMR và một số vấn đề cần quan tâm đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các quốc gia trên thế giới và các tổ chức quốc tế đã và đang có nhiều nghiên cứu, định hướng chính sách lớn ở cấp độ từ quốc gia, khu vực đến toàn cầu về vấn đề giảm phát thải khí nhà kính. Các sáng kiến thúc đẩy các nỗ lực giảm phát thải đã được hình thành từ rất sớm, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA – Nationally Appropriate Mitigation Actions) là một trong những sáng kiến cụ thể hóa các hành đông chính sách từ cấp độ quốc gia, được hình thành từ năm 2007 tại Hội nghị Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 13 tại Indonesia (COP13) và được cụ thể tại Kế hoạch hành động Bali. Kế hoạch này đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, các nước mới dừng lại ở mức độ nghiên cứu và kêu gọi hỗ trợ quốc tế để thực hiện. Các Hội nghi sau COP13 đến COP15, các cuộc thảo luận, đàm phán trong khuôn khổ Công ước khí hậu vẫn đi vào bế tắc và chưa hình thành được cơ chế nào có hiệu quả để cắt giảm tốc độ phát thải khí nhà kính ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực, các quốc gia mới nổi, quốc gia đang phát triển có nhu cầu tăng tốc độ phát triển kinh tế hơn bao giờ hết. Nhu cầu tăng trưởng và phát triển của các quốc gia là chính đáng, tuy nhiên để đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ khí hậu trái đất, giảm nhẹ các thiệt hại do biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế đã hình thành các chương trình như Chiến lược phát thải thải thấp (LEDS – Low Emission Developemt Strategy), Dự kiến Đóng góp quốc gia tự quyết định (INDCs – Intended National Determined Contributions) nay là NDCs và sẽ được tất cả Bên tham gia Công ước khí hậu cùng thực hiện từ 2021 trở đi.

Sáng kiến Chương trình PMR là một trong những công cụ được quốc tế xem là hữu hiệu để tạo động lực cho tất cả các bên tham gia các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ các hành động tự nguyện như NAMA, chuyển thành các cơ chế bắt buộc khi các chính sách thuế, phí, cơ chế hạn ngạch phát thải, các điều kiện về nhãn carbon, dấu vết carbon sẽ hình thành ở nhiều nơi trên thế giới. Do đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, các quốc gia tập trung nghiên cứu các chính sách của quốc gia để phù hợp với xu hướng thế giới, đồng thời cũng là giai đoạn chuẩn bị cho sự hội nhập kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu với những cơ chế chính sách mới liên quan đến phát thải carbon. Các chính sách này sẽ tác động đến cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và toàn xã hội, nó có thể đem lại nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng có thể trở thành các rào cản lớn nếu không có sự chuẩn bị chu đáo.

Do đó, đối với cộng đồng doanh nghiệp cần lưu ý, quan tâm những nội dung sau để nâng cao khả năng thích ứng với những cơ chế, chính sách mới của quốc tế cũng như của các khu vực và quốc gia, cụ thể:

1) Chủ động nghiên cứu, tiếp cận và cập nhật các thông tin mới nhất về các chính sách có liên quan như thuế carbon, nhãn carbon, thị trường carbon;
2) Tích cực, chủ động tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong tình hình mới, đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu;
3) Chủ động xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, minh bạch và kiểm soát phát thải khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến sử dụng năng lượng;
4) Có kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch để giảm mức phát thải carbon trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
5) Tìm kiếm và phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa sử dụng công nghệ, năng lượng hiệu quả để giảm dấu vết carbon trên sản phẩm trong chuối cung ứng hàng hóa.

Trên đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến các cơ chế, chính sách mới về phát thải khí nhà kính trong khuôn khổ các nghiên cứu gần đây của ngành và của quốc tế, các cơ chế chính sách này có thể sẽ biến thành các cơ hội phát triển, nhưng cũng có thể trở thành các rào cản nếu chúng ta không nhận thức đúng và có kế hoạch để vượt qua.

Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững

Hà Nội phấn đấu 50% DN phân phối áp dụng sản xuất sạch hơn đến năm 2020

Ngày 31/10/2018, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND về hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020.

Kế hoạch hướng tới mục tiêu thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả; đồng thời thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu của vòng đời sản phẩm.

Theo Kế hoạch, thành phố phấn đấu tỷ lệ đóng góp của các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, tái chế chất thải trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt từ 42% đến 45%; Khoảng 50% các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng.

Ảnh minh họa

Đồng thời, giảm tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các siêu thị, trung tâm thương mại đạt từ 50% đến 65%; Tỷ lệ các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường đạt từ 60% đến 70%.

Góp phần đạt chỉ tiêu quốc gia, phấn đấu tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ đối với chất thải được thu gom đối với: Chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 85%, chất thải rắn công nghiệp đạt 75%, chất thải rắn xây dựng đạt 50%.

Phấn đấu 100% các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

Kế hoạch cũng nêu lên các nội dung thực hiện như tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất, tiêu dùng bền vững các sản phẩm thay thế nhựa và túi nilon trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Tập huấn chuyên đề nâng cao nhận thức, năng lực của doanh nghiệp về hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững; Phổ biến triển khai mô hình kinh doanh xanh, kết nối lĩnh vực phân phối – dịch vụ bền vững.

Đánh giá tiềm năng thị trường và khả năng cung ứng, phân phối các sản phẩm thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố; Đánh giá cơ hội cạnh tranh, tham gia vào mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững toàn cầu đối với ngành công nghiệp hỗ trợ có sản phẩm tham gia xuất khẩu trên địa bàn Thành phố.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các Sở, ngành; UBND các quận, huyện thị xã và các đơn vị, tổ chức liên quan xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn đến 2020; Hàng năm, xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; Dự toán kinh phí thực hiện theo quy định.

Các sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm huy động các nguồn vốn kết hợp với ngân sách hỗ trợ để đảm bảo thực hiện Kế hoạch…

Theo Scp.org.vn (3/11/2018)