Mạng 5G ảnh hưởng đến dự báo thời tiết

Mạng 5G không có ảnh hưởng rõ rệt đối với độ ẩm, nhiệt độ không khí hay gió. Mặc dù vậy, nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc dự báo thời tiết.

Điều gì quan trọng hơn: Có thể nhanh chóng cảnh báo lũ lụt hay dự đoán chính xác thời điểm xảy ra? Một số ý kiến cho rằng, cả hai việc đó quan trọng như nhau. Tuy nhiên, góp phần làm cho dự đoán kém chính xác có thể là mạng 5G, cụ thể hơn là tần số của mạng này.

Mạng 5G hoạt động trên một số tần số và có thể làm giảm tính chính xác của công việc dự báo thời tiết hiện đại, thậm chí tới 30%. Nếu đạt tới mức đó, chúng ta sẽ lùi đến những năm 80 thế kỷ trước với những dự báo thời tiết không chính xác. Sự cố như vậy dường như đã xảy ra tại Mỹ. Chỉ cần một vài quốc gia gặp sự cố là các mô hình khí hậu toàn cầu sẽ bị nhiễu loạn.

Mạng 5G và thời tiết có gì liên quan? Mạng 5G không có ảnh hưởng rõ rệt đối với độ ẩm, nhiệt độ không khí hay gió. Mặc dù vậy, nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc dự báo thời tiết.

Ảnh minh họa

Vấn đề chủ yếu ở đây là cách thu thập dữ liệu cần thiết để lập mô hình khí hậu. Các nhà khí tượng học sử dụng radar vi ba, dựa trên đặc điểm của khí quyển.

Chẳng hạn, chúng ta hãy xét hơi nước. Các phân tử nước trong không khí không đứng yên một chỗ. Chúng dao động, phát ra tín hiệu yếu ớt trong tần số cao – cụ thể là 23,8 GHz.

Hoạt động trên tần số này là các radar thời tiết, đo chính xác độ ẩm không khí. Dải tần này cũng được các hệ thống khác theo dõi, trong đó có hệ thống MetOp của Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA, bao gồm 3 radar trên quỹ đạo quanh Trái đất.

Tần số trên rất gần với dải tần mà trên đó mạng 5G có thể hoạt động. Trong kế hoạch có cả việc khởi động mạng ở dải tần 24 GHz. Sự rối nhiễu và làm hư hỏng dữ liệu về độ ẩm không khí, do vậy, là gần như chắc chắn xảy ra.

“Chúng tôi muốn chuyển sang tần số 23,8 GHz, nhưng không thể được – ông Jordan Gerth, nhà khí tượng học ở ĐH Winsconsin (Mỹ) cho biết – Đối với chính phủ Mỹ, điều quan trọng là khởi động mạng 5G trong dải tần mà họ cho là ổn định”.

Các nhà khí tượng học có suy nghĩ khác. Đề xuất hiện nay về phân chia tần số ở Mỹ có thể dẫn tới sự mất mát dữ liệu rất lớn. Các dự đoán sẽ không sử dụng 77% dữ liệu từ các vệ tinh dự báo thời tiết bị động, theo dõi toàn nước Mỹ.

Mô hình khí hậu, tương tự như các dự đoán khác, hiệu quả hay không là phụ thuộc vào dữ liệu thu thập. Việc mất một phần thông tin làm giảm hiệu quả dự báo thời tiết thậm chí đến 30%. Sự thay đổi thời tiết là hiện tượng phức tạp và rối loạn, đến mức nếu có trong tay siêu máy tính hiện đại và các thiết bị nhạy bén trên quỹ đạo, thì chúng ta cũng không biết dự đoán sự thay đổi thời tiết trong vài ba ngày gần nhất.

Tuy nhiên, sự việc không đến mức mất hết hi vọng. Ông Gerth nhấn mạnh rằng những người điều hành mạng 5G có thể giảm cường độ các máy phát 5G. Khi đó các sóng sẽ không gây nhiễu đối với các thiết bị khí tượng nhạy bén. NASA và NOAA (Cục Quản lý đại dương và khí quyển Mỹ) cam kết hạn chế rối nhiễu đến mức mà Ủy ban châu Âu và các nhà khí tượng học trên thế giới chấp nhận được.

Nếu tìm ra giải pháp làm hài lòng tất cả mọi người thì chúng ta sẽ có công thức cho các vấn đề phát sinh tiếp theo. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ có kế hoạch chia mạng 5G theo các tần số cao tiếp theo. Hiện, các dải tần 36 – 37 GHz (sử dụng để phát hiện mưa và tuyết) đang được rao bán đấu giá. Để theo dõi nhiệt độ, người ta sử dụng các tần số trong khoảng 50,2 – 50,4 GHz, nghiên cứu mây và mưa đá trong khoảng 80 – 90 GHz.

Theo Giaoducthoidai.vn (20/6/2019)

Biến ánh nắng và không khí thành nhiên liệu lỏng

CO2 và nước chiết xuất từ không khí xung quanh sẽ được bơm vào lò phản ứng Mặt trời, đồng thời sử dụng nhiệt từ Mặt trời để tách phân tử thành hydro và carbon monoxide.

Nhiên liệu lỏng được sử dụng cho máy bay, tàu biển, ôtô được sản xuất từ ánh nắng và không khí. Công trình này đang được các nhà khoa học tại Thụy Sĩ nghiên cứu.

Đây là hệ thống lọc ánh nắng Mặt Trời mini được nhóm nghiên cứu tại Đại học Zurich, Thụy Sĩ, xây dựng. CO2 và nước chiết xuất từ không khí xung quanh sẽ được bơm vào lò phản ứng Mặt trời và sử dụng nhiệt Mặt trời để tách phân tử thành hydro và carbon monoxide, còn gọi là khí tổng hợp.

Theo nhóm nghiên cứu, việc hội tụ nắng Mặt trời sẽ tạo ra nhiệt độ đủ cao cho các phản ứng nhiệt hóa nhanh, giúp tăng tốc quá trình sản xuất khí tổng hợp. Khí tổng hợp này có thể dễ dàng xử lý thành dầu hỏa, nhiên liệu lỏng, methanol và các loại nhiên liệu khác phổ biến hiện nay.

Hiện hệ thống lọc mini này có thể tạo ra 100 mililit nhiên liệu mỗi ngày, và nhóm nghiên cứu đang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có nhà máy sản xuất năng lượng Mặt Trời đầu tiên với công suất sản xuất khoảng 10 triệu lít methanol mỗi năm.

Theo VietnamPlus.vn (17/6/2019)

Biến cây nhân tạo thành nhà máy điện mini

Wind tree – “cây điện gió” được phát triển bởi nhà khoa học Pháp Jerome Michaud Lauriviere, với hình thức bề ngoài như một tác phẩm nghệ thuật, tuy nhiên bên trong nó là những turbin nhỏ có thể phát ra nguồn điện nhờ sức gió.

Wind tree – tác phẩm nghệ thuật tạo ra điện từ gió

Năng lượng từ gió là một trong những nguồn năng lượng tái tạo vô hạn, góp phần không nhỏ trong cung cấp điện năng phục vụ các hoạt động của con người trên khắp hành tinh. Nguồn năng lượng này đã được các nhà khoa học, Chính phủ các quốc gia đẩy mạnh phát triển trong những thập kỷ gần đây nhằm giảm thiểu việc sử dụng các nhà máy nhiệt điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, đẩy lùi ô nhiễm không khí và hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Sau thảm họa kép động đất và sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3-2011, Jerome Michaud Lauriviere đã nung nấu ý tưởng sáng chế ra những turbin có thể sản sinh ra điện năng từ những nguồn nhiên liệu tái tạo, không gây ô nhiễm và không gây ra những thảm họa tồi tệ như sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản). Năm 2016, sau những ngày lên ý tưởng, Jerome cùng các kỹ sư điện người Pháp đã cho “ra lò” nguyên mẫu về “cây gió” đầu tiên thuyết phục được đa phần các vị quan chức tham dự hội nghị bàn về biến đổi khí hậu toàn cầu ở Thủ đô Paris (Pháp).

“Một ngày, khi đang ngồi trong công viên, tôi thấy những chiếc lá rung rinh trên cành cây. Đó là một ngày nắng nóng, không có gió, nhưng lá cây vẫn rung rinh. Tôi đã nghĩ rằng phải làm thế nào để thu được nguồn năng lượng chuyển động của những chiếc lá cây kia. Và có thể về lâu dài chúng ta có thể thu được nguồn năng lượng tái tạo bền vững theo cách này. Từ đó, ý tưởng về phát triển cây gió tạo ra điện đã được hình thành trong tôi”, Jerome chia sẻ.

Jerome Michaud Lauriviere đã nhận được sự hỗ trợ từ chính người chú của mình và Công ty New Wind (Pháp) đã phát triển nguyên mẫu sản phẩm “cây điện gió” này. Ban đầu, “cây điện gió” được thiết kế bằng thép, cao 11m và có đường kính 8m, với 72 chiếc “lá nhựa” được sơn màu xanh, trông giống như những chiếc lá cây thật. Tuy nhiên, bên trong những chiếc lá này là những chiếc quạt nhỏ, nó sẽ chuyển động khi có bất kỳ cơn gió nào thổi đến từ tất cả các hướng, thậm chí cả những cơn gió rất nhỏ. Sau đó, các cánh quạt quay làm turbin chạy, tạo ra điện năng.

“Tác phẩm nghệ thuật” tạo đổi mới trong phát triển bền vững

Về cơ bản, cấu tạo của “cây điện gió” này cũng rất đơn giản, khi gió làm xoay trục của lá, từ đó tạo ra năng lượng. Điện sẽ đi qua các cành cây rồi đến rễ, một máy biến áp đặt dưới gốc cây sẽ phân phối dòng điện theo nhu cầu và điện áp thích hợp nhất. Bên cạnh đó, bề ngoài thoạt nhìn chúng ta sẽ thấy “công trình” tạo ra điện năng này giống như một tác phẩm nghệ thuật được đặt trong công viên hay các sân vườn.

Với mỗi một “cây điện gió” như vậy, tốc độ gió trung bình khoảng 14km/h, nó có thể tạo ra 2.600kWh mỗi năm và có thể lên tới 10.800kWh với vận tốc gió là 25km/h. “Cây điện gió” có thể hoạt động đến 280 ngày/năm, công suất điện đầu ra ước tính 3,1kW và tùy vào tốc độ gió, vị trí đặt cây thuận lợi, cây sẽ tạo ra 3.500kW đến 13.000kW/năm – sản lượng điện có thể cung cấp cho 15 chiếc đèn đường/năm, hoặc 83% mức tiêu thụ điện của một hộ gia đình, hoặc một chiếc xe điện chạy khoảng 16.000km/năm. Mặc dù hoạt động đến gần 300 ngày trong năm nhưng “cây điện gió” không gây ra bất kỳ tiếng ồn nào trong khi vận hành.

Vẻ bề ngoài như một cây xanh thông thường, các nhà sáng chế ra Wind tree hy vọng nó sẽ được lắp đặt rộng rãi tại các công viên, trung tâm thành thị, sân vườn của các hộ gia đình trên khắp hành tinh. Nó rất hữu ích khi mang lại nguồn điện thắp sáng, làm đẹp cảnh quan môi trường. Giám đốc Điều hành của New Wind Olivier Calloud khẳng định “cây điện gió” của Jerome không chỉ là một “nhà máy” phát điện mini mà còn là một tác phẩm nghệ thuật tạo đổi mới trong lĩnh vực phát triển bền vững trong tương lai của nhân loại.

Tiềm năng từ năng lượng tái tạo như gió vẫn còn nhiều và vẫn đang chờ đợi con người khám phá. New Wind cũng hứa hẹn rằng sẽ cải tiến thiết bị để phù hợp hơn với từng điều kiện địa lý sử dụng sản phẩm, đặc biệt là các hộ gia đình. Sự linh hoạt này có thể giúp đồng thời cả những người có ngân sách tài chính thấp khó có khả năng tiếp cận nguồn năng lượng, hoặc những nơi có địa hình nhỏ hẹp cũng có thể sử dụng sản phẩm này.

Theo Anninhthudo.vn (12/6/2019)

Hà Nội: Nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng tăng cao

Qua số liệu thống kê từ các trạm quan trắc cho thấy, trong tuần này chất lượng không khí (CLKK – AQI) trên địa bàn TP Hà Nội có xu hướng giảm so với tuần trước đó. Bệnh có thể gặp do tác hại của bụi siêu mịn PM2.5

Nồng độ bụi PM2.5 tăng đột biến khiến chất lượng không khí Hà Nội đang xấu đi

Trong tuần này thời tiết tại Hà Nội khá nắng nóng và oi bức, trời ít mưa. Bên cạnh đó, khu vực ngoại thành đang vào mùa thu hoạch lúa khiến chất lượng không khí Thủ đô bị ảnh hưởng xấu.

Chỉ số đo tại các trạm đều cao hơn. Đồng thời, số ngày AQI chạm ngưỡng kém tại các khu vực giao thông tăng lên. Theo ghi nhận, CLKK trong tuần tại các trạm nền đô thị chủ yếu ở mức trung bình, các trạm giao thông chủ yếu ở mức kém. Chỉ số AQI dao động từ 54 – 115.

Tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần này CLKK không có biến động nhiều, 100% số ngày AQI ở mức trung bình.

Tại 2 điểm quan trắc giao thông ở UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông, trong tuần này số ngày AQI chạm mức kém đều tăng. Cụ thể, số ngày AQI ở mức kém tăng lên chiếm 42,9% ở trạm Minh Khai và 57,1% ở trạm Phạm Văn Đồng. Chỉ số cao nhất lần lượt là 112 và 111.

Đối với các trạm quan trắc giao thông nội đô, CLKK tại 2 trạm Hoàn Kiếm và Thành Công không có thay đổi nhiều, 100% số ngày AQI ở mức trung bình. Riêng trạm Hàng Đậu, số ngày AQI ở mức kém tăng so với tuần trước, chiếm 57,1%.

Có thể thấy, trong tuần này thời tiết tại Hà Nội khá nắng nóng và oi bức, trời ít mưa. Nền nhiệt ban ngày vẫn tăng khá cao do nắng và giảm mạnh về đêm.

Sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, ít gió, ít mưa phần nào hạn chế sự khuếch tán các chất thải, khói, bụi có trong không khí lên cao để pha loãng và phát thải.

Đồng thời, có thể trong thời gian gần đây, khu vực ngoại thành đang vào mùa thu hoạch lúa nên sẽ có nhiều hộ gia đình đốt rơm rạ, phát thải các chất khí bụi CO2, CO, Nox vào môi trường, khiến nồng độ bụi PM2.5 thường có xu hướng tăng cao đột biến vào thời điểm đêm khuya.

Bệnh có thể gặp do tác hại của bụi siêu mịn PM2.5

Bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người). Nó được hình thành từ các chất như carbon, nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Khi nồng độ bụi PM2.5 trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù.


Bụi PM2.5 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp gây nên một số bệnh như tim mạch, đột quỵ, ung thư.

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cảnh báo, bụi mịn PM2.5 có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây nên tình trạng khó thở; đặc biệt nguy hiểm với những người mắc bệnh phổi, hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp.

Theo Health, tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây ra các ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn như mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi, sổ mũi và khó thở. Nguyên nhân chính là do bụi PM 2.5 cộng với khí CO hay SO2, NO2 gây kích ứng niêm mạc đồng thời cản trở hemoglobin kết hợp oxi khiến tế bào thiếu oxi dẫn đến suy giảm chức năng phổi và làm nặng thêm tình trạng bệnh hen và bệnh tim.

Bụi siêu mịn khi tiếp xúc lâu dài gây gia tăng tỷ lệ viêm phế quản mãn tính, giảm chức năng phổi và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim. Ước tính rằng, PM2.5 tăng 10 µg/m3 thì số bệnh nhân cấp cứu vì bệnh cao huyết áp sẽ tăng 8%, các bệnh về tim mạch cũng tăng lên. Do đó, những người có vấn đề về hô hấp và tim, trẻ em và người già nhạy cảm với bụi bẩn cần cẩn thận để đề phòng biến chứng.

Đối với những người thường xuyên làm việc trong môi trường ngoài trời như cảnh sát giao thông còn có khả năng bị các triệu chứng hô hấp và suy giảm chức năng phổi như viêm xoang ở người lớn và bệnh hô hấp ở trẻ sơ sinh. Các bà mẹ tiếp xúc lâu ngày có thể bị sảy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh và tử vong.

Bụi PM2.5 còn được mệnh danh là “sát thủ âm thầm” bởi nó có thể thúc đẩy bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan. PM2.5 gây ra kháng insulin, viêm và góp phần vào sự phát triển của bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, bụi mịn còn tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí – máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh. Một nghiên cứu của Mỹ được công bố vào năm 2015 cho thấy việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí có thể khiến não bộ già đi nhanh hơn.

Bảo vệ bản thân bằng cách nào?

Để bảo vệ bản thân trước nguy hại của bụi siêu mịn, người lớn, trẻ em nên đeo khẩu trang khi ra đường để giảm bớt tiếp xúc với khói bụi, hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc…

Lựa chọn sống nơi thoáng nhất có thể, nhiều cây xanh càng tốt và bảo vệ cơ thể trước khi ra đường. Những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao nhiễm ô nhiễm nặng như hầm mỏ, đan dệt, xi măng cán thép, các cửa hàng xăng-dầu…cần có bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn.

Kết hợp tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng đồng thời xây dựng chế độ ăn đầy đủ bao gồm trái cây, rau quả chứa nhiều vitamin, chất khoáng và protein từ thịt, cá, trứng sữa… vào bữa ăn hàng ngày.

Theo Moitruongthudo/Kinhtedothi/VnExpress

Công nghệ giúp pin năng lượng mặt trời hoạt động “bất ​chấp thời tiết”

Những tấm pin năng lượng mặt trời không còn là những điều quá xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể hoạt động hiệu quả vào những ngày có nắng. Vậy vào những ngày mưa thì sao?

Công nghệ và kỹ thuật của quang điện

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Soochow ở Trung Quốc đã đưa ra một giải pháp đầy hứa hẹn cho vấn đề này: Đó là các tấm pin mặt trời có thể tạo ra điện từ những giọt mưa.

Chuyển động của những giọt mưa cũng có thể tạo ra điện.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí ACS Nano đã mô tả chi tiết công nghệ được gọi là máy phát điện ma sát nano, hay TENG (triboelectric nanogenerator). TENG có thể tạo ra điện từ ma sát của hai vật liệu khi cọ xát với nhau, như ma sát của lốp xe với mặt đường, hay chuyển động lăn tròn của những hạt mưa trên tấm pin mặt trời.

“Với thiết bị này, chúng ta có thể tạo ra năng lượng trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau” – các nhà nghiên cứu cho biết.

Thách thức ở đây là tạo ra một hệ thống không quá phức tạp, cồng kềnh và đủ tiêu chuẩn để gắn trên mái nhà. Để thực hiện việc này, các nhà nghiên cứu đã phủ 2 lớp polymer trong suốt khác nhau lên bề mặt tấm pin mặt trời. Sử dụng phương pháp tương tự như in đĩa DVD tiêu chuẩn, các nhà nghiên cứu đã thêm vào các đường rãnh trên một tấm polymer để cải thiện khả năng thu năng lượng.

Trong cuộc thử nghiệm, lớp polyme đã hoạt động như một điện cực chung cho cả TENG và lớp pin mặt trời phía dưới, tạo ra năng lượng khi nước mưa đập vào và kết nối các lớp với nhau. Vì lớp phủ polymer trong suốt cho nên ánh sáng mặt trời vẫn có thể được hấp thụ, mặc dù thấp hơn đôi chút so với khi không có lớp phủ.

Các lớp polymer trong suốt được phủ thêm để tạo ra điện từ các giọt mưa.

Đây không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới. Năm 2016, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Đại Dương của Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra điện từ các tấm pin năng lượng mặt trời ngay cả khi trời đang mưa, bằng cách phủ bên ngoài các tấm pin một lớp Graphene mỏng.

Graphene là một loại chất liệu hai chiều, chứa các nguyên tử Cacbon liên kết với nhau theo hình lục giác. Ngoài tính năng dẫn điện tốt thì các Electron có trong graphene có thể di chuyển tự do trên bề mặt của nó.

Nước mưa là nguồn cung cấp muối hòa tan hoàn hảo với đầy đủ các điện tích dương và điện tích âm. Khi nước mưa đọng lại trên bề mặt tấm graphene, các Electron tự do sẽ kết hợp với các ion mang điện tích dương từ trong nước mưa hình thành nên một tụ điện, sau đó các hạt ion mang điện tích dương như Canxi, Natri sẽ sản sinh các dòng điện. Mặc dù mức năng lượng tạo ra không nhiều, nhưng nó đủ chứng minh rằng thiết bị này vẫn có thể hoạt động ngay cả khi trời mưa.

Trong tương lai sẽ có những cánh đồng năng lượng mặt trời hoạt động bất kể thời gian hay thời tiết.

Bất chấp những thách thức thời tiết, năng lượng mặt trời đang nhanh chóng trở thành một trong những nguồn năng lượng phát triển nhanh nhất trên thế giới. Nếu các nhà nghiên cứu sớm tìm ra cách làm giảm chi phí sản xuất, công nghệ mới này có thể trở thành một cuộc cách mạng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Lúc đó, năng lượng mặt trời sẽ trở thành một giải pháp năng lượng sạch lý tưởng ngay cả ở những khu vực không thường xuyên có nắng. Và một ngày nào đó, chúng ta có thể thấy những cánh đồng năng lượng mặt trời hoạt động không kể thời tiết như thế nào, dù trời mưa, âm u hay thậm chí là cả khi trời tối.

Theo Nangluongvietnam.vn (29/5/2019)

Phát hiện mới về nguyên nhân hàng đầu khiến mực nước biển dâng cao

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Australia công bố ngày 3/6 cho thấy các trận động đất lớn cũng là nguyên nhân khiến mực nước biển dâng cao tại các đại dương.

Lâu nay, tình trạng Trái Đất ấm lên được xác định là nguyên nhân chính làm tan chảy các dòng sông băng, qua đó khiến mực nước biển ngày càng dâng cao.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của các nhà khoa học Australia công bố ngày 3/6 cho thấy các trận động đất lớn cũng là nguyên nhân khiến mực nước biển dâng cao tại các đại dương, thậm chí với tộc độ nhanh hơn tình trạng biến đổi khí hậu.

Hình ảnh sau trận động đất ở Samoa-Tonga năm 2009. (Nguồn: Daily Express)

Giáo sư Shin-Chan Han, thuộc Đại học Newcastle phát hiện ra rằng mực nước biển tại Samoa thuộc Mỹ đã dâng cao gấp 5 lần mức trung bình toàn thế giới do hiện tượng sụt lún đất trên bề mặt Trái Đất – hậu quả sau các trận động đất ở Samoa-Tonga năm 2009.

Giáo sư cảnh báo với các quốc đảo Thái Bình Dương rằng hiện tượng này còn nguy hiểm hơn so với tình trạng biến đổi khí hậu.

Căn cứ những hình ảnh và dữ liệu thu thập từ vệ tinh, giáo sư Han chỉ ra trong 8 năm sau trận động đất nói trên, đất tại đảo Samoa thuộc Mỹ sụt lụt khoảng 16mm/năm, so với mức 8-10mm/năm được ghi nhân trên toàn quần đảo cùng tên.

Ông kêu gọi chính phủ các nước khẩn trương đánh giá lại dự báo về mực nước biển dâng do ảnh hưởng của các trận động đất lớn với cường độ trên 8 bởi những trận động đất có cường độ lớn như vậy có khả năng làm biến dạng vỏ Trái đất.

Giáo sư Han kết luận sự vận động địa chất có thể ảnh hưởng lớn đến tốc độ nước biển dâng cao và cần được xem xét bên cạnh nhưng thay đổi do biến đổi khí hậu.

The Vietnamplus.vn (3/6/2019)