Cách tính lượng khí thải từ hoạt động sản xuất hydro

Ngày 13/5/2019, Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cho biết, đã nhất trí về những quy định cập nhật để tính toán chính xác hơn đối với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các nước, trong đó có cách tính lượng khí thải từ hoạt động sản xuất hydro.

Các quy định trên được IPCC thông qua sau cuộc họp của đại hội đồng ICPP diễn ra từ ngày 8 – 12/5 tại thành phố Kyoto (Nhật Bản), trước khi Hiệp định Pari về biến đối khí hậu bắt đầu được thực thi chính thức vào năm 2020.

Cách tính khí thải trên bổ sung cách tính trước đó được đưa ra từ năm 2006, theo đó bao gồm cả các cách tính lượng khí thải từ hoạt động sản xuất hydro được dùng trong các pin nhiên liệu và các sản phẩm khác, cũng như lượng khí thải xuất phát từ hoạt động khai thác than đá và khí đốt tự nhiên. Cách tính mới này cũng giúp các nước ước tính chính xác hơn về lượng khí phát thải từ hoạt động chôn lấp rác thải và xử lý nước thải.

Quy định mới sẽ được ban hành sau khi được thông qua tại hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Theo Hồng Cẩm/tapchimoitruong.vn 

Bọt sinh học giúp kiểm soát ô nhiễm dầu

Khi hỗn hợp dầu-nước đi qua bọt polypropylene, nước tinh khiết có thể nhanh chóng thấm qua, còn dầu sẽ bị bọt hấp thụ trong vài giây.

Các nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ Vật liệu và Kỹ thuật Ninh Ba (Viện Khoa học Trung Quốc) đã phát triển loại bọt sinh học mới có tên là polypropylene. Loại bọt này có thể giúp việc tách dầu và nước đạt hiệu quả hơn, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm dầu.

Nhờ bề mặt gồ ghề và cấu trúc hình ống rỗng giống như tổ ong, bọt polypropylene có khả năng hấp thụ và lọc hiệu quả hơn.

Khi hỗn hợp dầu-nước đi qua bọt polypropylene, nước tinh khiết có thể nhanh chóng thấm qua, còn dầu sẽ bị bọt hấp thụ trong vài giây.

Bọt polypropylene có thể được chế tạo dễ dàng, giá rẻ và thân thiện với môi trường, do đó có tiềm năng ứng dụng cao để tách dầu và nước ở quy mô lớn.

Việc tách dầu và nước là thách thức toàn cầu do tình trạng gia tăng lượng nước thải chứa dầu công nghiệp và sự cố tràn dầu thường xuyên xảy ra. Do đó, nghiên cứu về các vật liệu, công nghệ giúp việc tách dầu và nước đạt hiệu quả cao có ý nghĩa khoa học và giá trị ứng dụng.

Một số phương pháp khắc phục ô nhiễm dầu thông thường như đốt và lọc dầu có nhiều hạn chế như tiêu tốn nhiều năng lượng, thời gian dài và có thể dẫn tới ô nhiễm thứ cấp.

Theo Chinhphu.vn (15/5/2019)

Yêu cầu làm rõ nguyên nhân gia tăng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP.HCM

Nhận định mức độ ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM đang có chiều hướng gia tăng, Bộ TN-MT đề nghị hai thành phố xác định rõ nguyên nhân, đánh giá hiện trạng các điểm nóng xảy ra ô nhiễm.

Theo Bộ Tài nguyên – môi trường (TN-MT), mức độ ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP.HCM có chiều hướng gia tăng cả về thời gian và mức độ ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân đã được các cơ quan truyền thông phản ánh nhiều trong thời gian vừa qua.​​

Trước thực trạng trên, Bộ TN-MT có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội, TP.HCM – với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương – chỉ đạo các đơn vị chức năng của thành phố khẩn trương đánh giá hiện trạng các điểm nóng xảy ra ô nhiễm vượt ngưỡng quy định của quy chuẩn quốc gia.

Bộ TN-MT cũng đề nghị hai thành phố xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với các phương tiện, chủ phương tiện không đáp ứng quy định về tiêu chuẩn khí thải hoặc chuyên chở nguyên vật liệu phục vụ xây dựng, các công trình xây dựng đô thị, nhà ở, giao thông, dịch vụ công ích… gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, để người dân kịp thời theo dõi, nắm bắt diễn biến chất lượng không khí, Bộ TN-MT đề nghị hai thành phố cập nhật và công bố thường xuyên thông tin chất lượng không khí trong thành phố, kèm theo đó là công khai thông tin về các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường ở địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng theo văn bản của Bộ TN-MT, hai thành phố Hà Nội, TP.HCM cũng phải báo cáo các thông tin chi tiết về quá trình triển khai và kết quả của từng nhiệm vụ được giao theo quyết định của Thủ tướng về kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; làm rõ những thuận lợi và các vấn đề tồn tại, khó khăn cũng như kiến nghị có liên quan xung quanh việc quản lý chất lượng không khí.

Trước đó, đánh giá về thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP.HCM, ông Hoàng Văn Thức – phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết qua kết quả quan trắc năm 2018, Hà Nội chỉ có 15,6% ngày/năm có chất lượng khí tốt, 62,8% ngày là chỉ số chất lượng không khí trung bình, 14,1% là ở mức chỉ số kém và 2,1% là ở mức độ xấu. Tức là năm 2018 Hà Nội có khoảng 8 ngày chất lượng không khí xấu, có khoảng độ 52 ngày ở ngưỡng kém.

Trong quý I-2019, theo Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội có 50-60% số ngày có chất lượng không khí ở ngưỡng trung bình. Còn những ngày nồng độ bụi PM2.5 trung bình 24 giờ vượt giới hạn cho phép, thời gian nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng cao đột biến tập trung trong tháng 1 và tháng 3.

Theo Tổng cục Môi trường, đây là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật khi Hà Nội và một số tỉnh thành miền Bắc thường ô nhiễm bụi vào thời gian mùa đông và đầu xuân tăng cao hơn những mùa khác trong năm.

Theo Tuoitre.vn (10/5//2019)

Thủ tướng gửi thư kêu gọi chung tay giải quyết rác thải nhựa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có thư kêu gọi hành động vì một “Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra”.

Trong thư Thủ tướng nêu rõ: Hiện nay rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, mỗi năm lượng rác nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín bốn lần diện tích bề mặt Trái Đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương.

Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khoẻ con người và sự bền vững của mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam lượng tác thải nhựa cũng ngày càng gia tăng. Nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.


Rác thải nhựa để vương vãi khắp nơi ở làng Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì. Ảnh Mạnh Khánh – TTXVN

Năm 2018 Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” và tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019 nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã mạnh mẽ cam kết về việc chống rác thải nhựa.

Nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.

Tại nhiều diễn đàn quốc tế Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa.

Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân huỷ; chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Thủ tướng đánh giá cao một số địa phương, doanh nghiệp đã có những mô hình, sáng kiến, hành động thiết thực để giải quyết rác thải nhựa. Tuy nhiên, kết quả chưa được phát huy và lan tỏa sâu, rộng trong cả nước.

Thủ tướng cho rằng giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và của toàn xã hội.

Thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam hãy chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Từng cơ quan, đơn vị trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cần làm tốt cồng tác thông tin tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm, phát động các phong trào, xây dựng nhân rộng các mô hình, đề xuất các sáng kiến và tích cực tham gia bằng các hành động cụ thể như: thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị.

“Mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu đi đầu và vận động thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề rác thải nhựa”, Thủ tướng kêu gọi.

Thủ tướng đề nghị ngay bây giờ chúng ta hãy chung tay hành động vì một Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, góp phần cùng cộng đồng quốc tế, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.

Theo Vnanet.vn (3/5/2019)

Thiếu nước: Chạy đua lọc nước biển thành nước ngọt

Trước viễn cảnh không còn đủ nước để uống, các nhà khoa học đã nhắm đến giải pháp biến nước biển thành nước ngọt dù công nghệ này còn đắt tiền.

Với hiện tượng biến đổi khí hậu, lượng mưa ngày càng ít và khô hạn kéo dài hơn, tình hình thiếu nước trở nên gay gắt.

“Hiện thời tưới nước cho bãi cỏ của bạn không phải là ý tưởng tốt. Đừng lãng phí nước quý giá. Có nguy cơ thiếu nước lịch sử”. Nước Bỉ đang lên tiếng cảnh báo tình hình thiếu nước nghiêm trọng.

Mùa đông vừa qua mưa ít hơn năm trước, không đủ bù đắp nguồn nước vốn đã thiếu hụt sau đợt khô hạn năm ngoái. Giáo sư Patrick Willems ở Đại học KU Leuven (Bỉ) tặc lưỡi nhận xét: “Chúng tôi chưa từng thấy chuyện này trong mấy chục năm qua”.

Nhà nghiên cứu Marjolein Vanoppen thử nghiệm lọc nước biển trong phòng thí nghiệm – Ảnh: natuurenbos.be

Sử dụng công nghệ màng lọc

Tại tỉnh nông nghiệp West-Vlaanderen (miền tây nước Bỉ), tỉnh trưởng Carl Decaluwé tuyên bố nếu trời mưa không cung cấp đủ nước, còn một chỗ có thể lấy nước là biển.

Tỉnh đang thực hiện dự án thí điểm lọc nước biển lấy nước ngọt. Các nhà khoa học ở Đại học Ghent đã nghiên cứu và nhận thấy có thể thực hiện dự án nhưng với chi phí khá đắt.

Kỹ sư sinh học Marjolein Vanoppen nhận xét: “Điều này không thể tránh khỏi vì khô hạn sẽ xảy ra thường xuyên hơn”.

Bà giải thích: “Từ thời Trung cổ người ta đã dùng kỹ thuật chưng cất để tách muối khỏi nước biển. Hơi nước thu được dùng để uống. Cách này tốn nhiều năng lượng. Muốn sản xuất 1.000 lít nước ngọt từ 2.000 lít nước biển cần từ 15-30 kWh điện.

Cứ thử so sánh, một người dân Bỉ chỉ dùng bình quân 2-4 kWh mỗi ngày thì mức tiêu thụ điện trên lớn đến mức nào”.

Bà đã nghiên cứu một giải pháp đỡ tốn điện hơn là công nghệ màng (membrane technology) dựa trên thẩm thấu ngược. Màng bán thấm có các lỗ nhỏ giữ lại các phân tử muối. Nếu sử dụng máy bơm cực mạnh, có thể thu được 500 lít nước ngọt từ 1.000 lít nước biển.

Các nước Trung Đông đang thu hoạch lượng nước khổng lồ bằng phương pháp trên. Tại châu Âu, Tây Ban Nha và Cyprus đi tiên phong trong lĩnh vực này. Úc cũng mới xây dựng một trong những nhà máy khử mặn lớn nhất thế giới.

Lọc nước biển với ánh nắng mặt trời

Tuy vậy, so với bơm và lọc nước sông, nước giếng thì lọc nước biển thành nước ngọt tốn năng lượng hơn nhiều. Các kỹ sư của Đại học Bách khoa Torino (Ý) đã thử nghiệm một công nghệ mới có chi phí rẻ hơn vì sử dụng năng lượng mặt trời.

Nguyên lý vận hành rất đơn giản, bắt chước nguyên lý cây đưa nước từ rễ lên lá qua hiện tượng mao dẫn và thoát hơi nước. Thiết bị nổi lấy nước biển được làm bằng xốp rẻ tiền. Nước biển nóng lên nhờ năng lượng mặt trời sẽ giúp tách muối khỏi nước biển.

Với lượng năng lượng mặt trời cố định, công nghệ mới có thể sản xuất lượng nước gấp đôi.

Công nghệ khử mặn thông thường cần các linh kiện cơ hoặc điện đắt tiền như ống bơm, hệ thống điều khiển và kỹ thuật viên lắp ráp, bảo trì. Công nghệ mới dựa trên quá trình tự phát và không cần máy móc trợ giúp.

Năng suất đạt được tối thiểu 20 lít nước uống mỗi ngày trên 1m2 tiếp xúc với ánh nắng. Thiết bị ít tốn kém, dễ lắp đặt, dễ sửa chữa, thích hợp với các địa phương ven biển thường xuyên thiếu nước, thiếu cơ sở hạ tầng và vốn đầu tư.

Theo Tuoitre.vn (30/4/2019)

WHO cảnh báo nguy cơ ung thư do dùng amiăng ở Việt Nam

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tái khẳng định tác hại gây ung thư của amiăng, trong khi Việt Nam vẫn sử dụng lượng lớn vật liệu này. 

Amiăng là một trong những chất gây ung thư nghề nghiệp nghiêm trọng nhất. Ước tính một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp có liên quan amiăng, ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho biết tại hội thảo Phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng ngày 24/4.

Việt Nam là một trong 6 nước vẫn sử dụng lượng lớn amiăng trong sản xuất, với hơn 50.000 tấn mỗi năm. Gần 80% amiăng nhập khẩu được sử dụng để làm tấm lợp. Ngoài ra, amiăng có trong một số vật liệu, sản phẩm cách nhiệt, cách điện, chống cháy, má phanh, tấm trần… Những công việc có thể phát sinh bụi amiăng chủ yếu trong quá trình sản xuất như xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn… Các dạng chất khác nhau chủ yếu của amiăng như amiăng trắng, xanh và nâu…

Phó giáo sư Lương Thị Mai Anh, Phó Cục trưởng Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, cho biết sợi amiăng xâm nhập vào cơ thể gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động hít phải sợi amiăng phát tán trong môi trường. Ngoài ra, chất này có thể xâm nhập qua đường tiêu hóa.

“Phơi nhiễm với amiăng, kể cả amiăng trắng, gây ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiăng tức xơ hóa phổi”, bà Mai Anh nói.


Amiăng để sản xuất tấm lợp được xác định gây ung thư và bệnh phổi.

Phó giáo sư Nguyễn Văn Sơn, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, cho biết sợi amiăng được hít vào qua đường hô hấp sẽ xâm nhập vào phổi và tồn tại trong một thời gian dài do quá trình thanh thải thường thất bại. Sợi amiăng không được thanh thải sẽ gây tổn thương tế bào biểu mô dẫn tới các bệnh về phổi như ung thư phổi, ung thư trung biểu mô. Thời gian ủ bệnh từ 10 đến 40 năm.

Tại Việt Nam, bệnh bụi phổi animăng từ năm 1976 được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù. Kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giai đoạn 2010-2011 khẳng định đến 80% ca ung thư trung biểu mô ở Việt Nam có liên quan đến amiăng.

Tại Hàn Quốc, ca bệnh đầu tiên ung thư trung biểu mô liên quan đến amiăng được xác định là một nữ công nhân, năm 1993. Một năm sau, ca bệnh này được công nhận là có liên quan đến công việc. Bệnh nhân có 19 năm làm việc tại một nhà máy dệt amiăng.

Mỗi năm, Hàn Quốc chi khoảng 8 tỷ USD để đền bù cho các bệnh nhân mắc bệnh liên quan amiăng. Đầu năm 2018, có hơn 2.800 người được bồi thường. Năm 2015, Hàn Quốc đã cấm triệt để dùng chất này trong mọi lĩnh vực.

Nhật Bản cấm sử dụng amiăng từ năm 2012 ở tất cả ngành công nghiệp. Trên thế giới, từ năm 2013 đến nay có hơn 60 nước đã cấm sử dụng tất cả các dạng amiăng.

Trước gánh nặng bệnh tật và tài chính do các bệnh liên quan đến amiăng, WHO và Tổ chức Lao động quốc tế đều khuyến nghị cấm hoàn toàn sử dụng mọi dạng amiăng. Đây là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan đến chất này.

“Các bệnh liên quan đến amiăng có thể phòng ngừa được. Cách hiệu quả nhất là ngừng sử dụng tất cả các dạng của amiăng để phòng ngừa phơi nhiễm”, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định.

Theo Lê Nga/vnexpress.net (25/4/2019)