Sản xuất thành công than sinh học từ vỏ sắn phế phẩm

Nhóm giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã nghiên cứu chế tạo thành công than sinh học từ vỏ sắn phế phẩm ứng dụng làm chất hấp phụ màu xanh methylene trong nước thải.

TS. Đỗ Quý Diễm, thành viên nhóm cho biết, than sinh học (biochar) là khoáng chất dạng rắn giàu carbon, có thể thu được khi nhiệt phân yếm khí sinh khối (biomass) các phụ phẩm nông nghiệp. Tùy thuộc vào nhiệt độ nhiệt phân và loại sinh khối mà sản phẩm biochar thu được có thành phần, tính chất khác nhau.

Phế phẩm cây trồng như rơm rạ, vỏ trấu, sắn, dừa, cà phê, phế thải gỗ… là một trong những nguồn sinh khối tiềm năng để phục vụ nhu cầu sản xuất biochar. Trong đó, vỏ sắn (khoai mì) có hai dạng cấu trúc là vỏ gỗ và vỏ cùi. Vỏ gỗ chiếm 0,5 – 3% khối lượng củ, gồm các tế bào có cấu tạo từ cellulose và hemicellulose, hầu như không có tinh bột.

Vỏ cùi dày hơn vỏ gỗ, chiếm khoảng 8 – 20% khối lượng củ, gồm các tế bào được cấu tạo bởi cellulose và tinh bột. Với loại này, tại các nhà máy sản xuất tinh bột sắn phải thải bỏ một lượng lớn, lượng vỏ sắn trực tiếp thải bỏ gây lãng phí, độc hại và ô nhiễm cho môi trường.


Nhóm giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã nghiên cứu chế tạo thành công than sinh học từ vỏ sắn phế phẩm.

Một trong những loại nước thải gây ô nhiễm môi trường nặng nhất là nước thải dệt nhuộm, sản xuất da, gỗ, mực in… Màu hữu cơ xanh methylene (MB) là hóa chất được sử dụng rộng rãi trong các ngành nhuộm vải, nilon, da, gỗ; sản xuất mực in,… MB có thể gây ra các bệnh về mắt, da, đường hô hấp, tiêu hóa, thậm chí là ung thư.

Do tính tan cao, MB nói riêng và các thuốc nhuộm nói chung là tác nhân gây ô nhiễm các nguồn nước, độc hại đến con người và các sinh vật sống. Hơn nữa, thuốc nhuộm trong nước thải rất khó loại bỏ vì chúng ổn định với ánh sáng, nhiệt và các tác nhân gây oxy hóa.

Thực tế đã có nhiều công trình nghiên cứu phương pháp để xử lý thuốc nhuộm trong nước thải như phương pháp hấp phụ, trao đổi ion, keo tụ…, trong đó phương pháp hấp phụ tỏ ra có nhiều ưu việt bởi tính kinh tế, hiệu quả, thao tác đơn giản và dễ thực hiện. Nhóm nghiên cứu lựa chọn vỏ sắn để tạo than sinh học sử dụng như một chất hấp phụ methylene trong nước thải.

Mẫu vỏ sắn sau khi thu gom được rửa sạch, cắt nhỏ và đem sấy khô ở nhiệt độ 105 độ C trong 3 giờ. Tiếp theo, mẫu được nung yếm khí ở nhiệt độ 600 độ C trong 1 giờ, thu được sản phẩm mẫu than BC-S, có màu đen, không mùi. Kết quả phân tích cho thấy hình thái bề mặt của BC-S ở dạng các hạt phẳng xếp chồng lên nhau, chứa nhiều hóc được biết như là các tâm hấp phụ, kích thước hạt trung bình 10µm.

Xen giữa các hạt phẳng là các rãnh mao quản, hạt phẳng tương đối đều nhau, các lỗ trống xen kẽ nhiều và sâu làm tăng diện tích bề mặt riêng, vì vậy sẽ làm tăng khả năng hấp phụ. Cấu trúc BC-S tồn tại dạng tinh thể carbon graphite chứa các nhóm đặc trưng của than sinh học có diện tích bề mặt riêng là 2,66 m2/g. Các kết quả phân tích cho thấy trong cấu trúc của sản phẩm là một dạng khoáng chứa nhiều nhóm chức hữu cơ và carbon, làm cho than sinh học có khả năng hấp phụ hóa học.

Nghiên cứu khả năng ứng dụng BC-S làm chất hấp phụ MB, tại nồng độ 15ppm, thời gian hấp phụ là 25 phút, cho thấy khả năng hấp phụ cực đại là 5,10 mg MB/g BC-S. Các kết quả cho thấy có thể sử dụng BC-S làm chất hấp phụ xử lý nước thải mang màu rộng rãi ở quy mô công nghiệp.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/san-xuat-thanh-cong-than-sinh-hoc-tu-vo-san-phe-pham-d217942.html

Ủy ban châu Âu đạt được thỏa thuận về kiểm soát xuất khẩu chất thải

Ủy ban châu Âu (EC) đã đạt được thỏa thuận chính trị về kiểm soát các chuyến hàng hóa có chứa chất thải. Các quy định trong thỏa thuận trên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái sử dụng chất thải làm nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm và thúc đảy sự phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Việc xuất khẩu chất thải nhựa từ Liên minh châu Âu (EU) sang các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD ) sẽ bị cấm. Từng quốc gia cần đảm bảo các điều kiện môi trường nghiêm ngặt trong vòng 5 năm kể từ khi các quy định mới trong thỏa thuận có hiệu lực sẽ được nhập khẩu rác thải từ EU để xử lý. Đồng thời, việc vận chuyển chất thải tái chế trong EU sẽ dễ dàng hơn nhờ các quy trình số hóa hiện đại và Liên minh châu Âu sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống tội phạm buôn bán chất thải.

Thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu chất thải có thể giải quyết lượng rác thải nhựa không ngừng tăng cao vànhững thách thức trong việc quản lý. Với biện pháp này, các nhà lập pháp tại Liên minh châu Âu hi vọng có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng suy thoái và ô nhiễm môi trường ở các nước thứ ba do rác thải nhựa tạo ra ở EU.

Khai thác tiềm năng của thị trường rác thải tại EU để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn

Việc lưu thông chất thải để tái chế và tái sử dụng giữa các quốc gia thành viên là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi của EU sang nền kinh tế tuần hoàn và đảm bảo an ninh cung cấp nguyên liệu thô.

EU sẽ sớm hiện đại hóa các thủ tục hiện hành để nhanh chóng ứng dụng vào việc vận chuyển chất thải. Thủ tục theo dõi nhanh đối với một số điều kiện do các quốc gia thành viên chỉ định cũng sẽ được thực thi dễ dàng và hiệu quả hơn. Từ đó, các chất thải tái nhập khẩu vào nền kinh tế tuần hoàn trên toàn EU sẽ thuận lợi hơn mà không làm giảm mức độ kiểm soát cần thiết đối với các lô hàng đó.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đạt được thỏa thuận chính trị về kiểm soát các chuyến hàng hóa có chứa chất thải. Ảnh minh họa

Xử lý nạn buôn bán rác thải

Buôn bán chất thải là một trong những tội phạm môi trường nghiêm trọng nhất hiện nay, gây hại nghiêm trọng đối với môi trường. Hơn nữa, nhiều chuyên gia đã tìm ra mối liên hệ rõ ràng giữa buôn bán chất thải và tội phạm có tổ chức. Có tới 1/3 số lượng vận chuyển chất thải được cho là bất hợp pháp, tạo ra lợi nhuận bất hợp pháp đáng kể hàng năm.

Để tăng cường phản ứng của EU đối với nạn buôn bán rác thải, sẽ có sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia thành viên EU. Từ đó, đề ra nhiều biện pháp trừng phạt răn đe phù hợp đối với tội phạm liên quan đến buôn bán rác thải bất hợp pháp. Ủy ban châu Âu có thể hành động thực tế để hỗ trợ điều tra của các quốc gia thành viên về tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến buôn bán chất thải, với sự tham gia trực tiếp của Văn phòng Chống Lừa đảo Liên minh Châu Âu (OLAF).

Những bước tiếp theo

Nghị viện và Hội đồng Châu Âu giờ đây sẽ phải chính thức áp dụng quy định phù hợp với thỏa thuận chính trị đã đạt được. Sau khi được thông qua chính thức, quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ khi được công bố chính thức.

Ủy ban châu Âu đã chuẩn bị cho việc triển khai nhanh chóng các quy trình kỹ thuật số đúng thời hạn. Sau đó, EU sẽ tiếp cận thông qua các diễn đàn đa phương cũng như song phương để cung cấp và hỗ trợ cho các quốc gia đối tác đang nỗ lực đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu mới. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động quản lý chất thải tốt hơn và áp dụng các mô hình tuần hoàn hiệu quả trong nền kinh tế các nước đối tác của EU.

Những quy định mới có trong thỏa thuận kiểm soát chất thải trở thành cam kết chính của Thỏa thuận Xanh Châu Âu. Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới và Kế hoạch hành động không gây ô nhiễm cũng như Chiến lược mới của EU nhằm giải quyết tội phạm có tổ chức giai đoạn 2021-2025.

Chất thải có thể là một nguồn tài nguyên có giá trị nhưng nó phải được sử dụng cẩn thận. Khi chất thải được vận chuyển xuyên biên giới không được kiểm soát đúng cách và quản lý bền vững ở các quốc gia nhập khẩu, nó có thể gây hại cho sức khỏe con người và môi trường. Mặt khác, các chất thải này nếu được xử lý đúng cách có thể mang lại nhiều giá trị kinh tế tích cực và nhiều lợi ích đối với môi trường. Đây là trường hợp chất thải được tái chế và sử dụng làm vật liệu thứ cấp thay thế vật liệu thô và góp phần tạo ra nền kinh tế tuần hoàn hơn.

Thương mại quốc tế về chất thải đang không ngừng gia tăng và EU đóng một vai trò quan trọng trong đó. Quy định về vận chuyển chất thải hiện có hiệu lực từ năm 2006. Kể từ khi được thông qua, việc xuất khẩu chất thải từ EU sang các nước thứ ba đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là sang các nước không phải là thành viên của OECD. Việc thiếu các điều khoản chi tiết để đảm bảo chất thải được quản lý bền vững ở các quốc gia tiếp nhận rác thải đã dẫn đến những thách thức về thực thi yếu kém cũng như môi trường và sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia đó.

Khánh Mai (Theo: European Commission)
https://vietq.vn/uy-ban-chau-au-dat-duoc-thoa-thuan-ve-kiem-soat-xuat-khau-chat-thai-d217941.html

Quy định tái chế nhiều sản phẩm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024

Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì bắt đầu từ ngày 1/1/2024.

Cùng với xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam đang từng bước phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải.

Một trong những “giải pháp xanh” cho nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững chính là tái chế chất thải hiệu quả. Định hình được nhân tố này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt các văn bản nhằm tăng cường quản lý chất thải, tái sử dụng, tái chế, trong đó, phải kể đến Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Đặc biệt, với mục tiêu hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) với hai trách nhiệm là trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Cụ thể, nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ có thêm 2 trách nhiệm: tái chế sản phẩm, bao bì và thu gom, xử lý chất thải. Trong đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo lộ trình: một số sản phẩm, bao bì sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2024; một số sản phẩm thực hiện từ đầu năm 2025 và từ đầu năm 2027. Nhà sản xuất, nhập khẩu có quyền lựa chọn một trong hai phương án: hoặc tổ chức tái chế, hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Với trách nhiệm thu gom, tái chế chất thải, doanh nghiệp phải thực hiện ngay từ ngày 1/1/2022 – thời điểm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải. Đây là khoản đóng góp bắt buộc đối với nhà sản xuất, nhập khẩu.


Theo Luật Bảo vệ Môi trường các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Ảnh minh họa

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phan Tuấn Hùng cho hay, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được doanh nghiệp đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu.

Tỷ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiên đối với săm lốp là 5%; các loại pin sử dụng cho phương tiện giao thông (như Li, NiMH) và pin sử dụng cho các thiết bị điện-điện tử là 8%; tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với ắcquy từ 8-12%, tùy từng loại (trong đó ắcquy chì 12%, ắcquy các loại khác 8%).

Tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với bao bì là từ 10-22%, tùy từng loại (như giấy carton là 20%, bao bì giấy hỗn hợp 15%, bao bì nhôm 22%, bao bì nhựa PET là 22%, bao bì sắt và kim loại khác 20%); chai, lọ, hộp thủy tinh 15%…

Theo quy định, đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm: Thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, ximăng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế. “Riêng các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có tổng doanh thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng hoặc có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng thì không phải thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì,” ông Hùng thông tin.

Về quy cách tái chế bắt buộc, ông Hùng cho hay theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn nhiều giải pháp tái chế.

Đơn cử như đối với săm lốp, doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp tái chế như làm lốp dán công nghệ cao hoặc cắt, thu hồi bột cao su làm cốt liệu hoặc chưng phân đoạn thành dầu. Đối với pin sạc, doanh nghiệp có thể áp dụng giải pháp tái chế như sản xuất kim loại dạng phôi hoặc hóa chất công nghiệp; sản xuất hạt nhựa tái sinh hoặc các sản phẩm phụ từ nhựa như hóa chất thương phẩm, dầu nặng, khí tổng hợp làm nguyên, nhiên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp…

Đối với dầu nhớt, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có thể áp dụng các giải pháp tái chế như chưng thu hồi dầu gốc hay loại dầu khác, hoặc chưng thu hồi dầu các phân đoạn. Với bao bì, doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp tái chế khác nhau tùy thuộc loại bao bì (như bao bì giấy, giấy carton có pháp tái chế là sản xuất bột giấy thương phẩm hoặc các sản phẩm giấy như giấy vệ sinh, giấy bìa, hộp giấy).

Với bao bì nhôm, các doanh nghiệp có thể áp dụng giải pháp tái chế là sản xuất phôi nhôm hoặc sản xuất các sản phẩm khác; bao bì nhựa có thể tái chế sản xuất hạt nhựa tái sinh, sản xuất sản phẩm khác như dầu, xơ sợi…

Theo nhiều chuyên gia, EPR là chính sách đột phá trong quản lý chất thải, đưa ra giải pháp hiệu quả về tài chính cho xử lý vấn đề chất thải, đồng thời, EPR thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế.

Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/thuc-hien-chinh-sach-tai-che-doi-voi–cac-nha-san-xuat-va-nhap-khau-trong-nam-2024-d217868.html

QCVN về quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 25/2023/TT-BTNMT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học (QCVN 78:2023/BTNMT) do Cục Viễn thám quốc gia biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định về quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học; Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thiết lập và áp dụng bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học.

Về quy định quản lý, chứng nhận hợp quy sản phẩm theo Phương thức 1 “Thử nghiệm mẫu điển hình” quy định tại Phụ lục II Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.


Ảnh minh họa.

Quy định về công bố hợp quy, sản phẩm bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học phải được công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định. Kết quả đo kiểm/thử nghiệm phục vụ công bố hợp quy phải thực hiện tại tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học có trách nhiệm công bố hợp quy đối với sản phẩm phù hợp với quy định nêu tại Điều 16 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.

Việc công bố hợp quy thực hiện theo các văn bản sau: Thông tư số 06/2020/TT-BKHCN ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008, Nghị định số 74/2018/NĐ- CP ngày 15 tháng 5 năm 2018, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 và Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ; Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

An Hạ

https://vietq.vn/qcvn-ve-quy-trinh-thiet-lap-bo-du-lieu-lop-phu-mat-dat-phuc-vu-tinh-toan-phat-thai-khi-nha-kinh-su-dung-du-lieu-vien-tham-quang-hoc-d217880.html

Phó thủ tướng yêu cầu xử nghiêm sai phạm phát triển điện gió, mặt trời

Phó thủ tướng yêu cầu xử nghiêm sai phạm trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng điện mặt trời, gió tại Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh, không để thất thoát tài sản Nhà nước.

Chỉ đạo này nêu tại thông báo của Văn phòng Chính phủ mới đây, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về phát triển, đầu tư điện gió, mặt trời.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện các nội dung báo cáo, số liệu, kiến nghị nêu tại kết luận thanh tra. “Cần bảo đảm chính xác, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định và không để thất thoát tài sản Nhà nước”, Phó thủ tướng nêu quan điểm.


Phó thủ tướng yêu cầu xử nghiêm sai phạm phát triển điện gió, mặt trời.

Theo kết luận thanh tra hồi tháng 4, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều vi phạm trong phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch, dẫn tới mất cân đối nguồn và lưới. Việc này gây khó cho quản lý vận hành, lãng phí nguồn lực.

Cụ thể, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đưa ra kế hoạch lắp đặt 850 MW điện mặt trời vào năm 2020, và tăng lên 4.000 MW vào 2025, nhưng thực tế công suất được bổ sung quy hoạch vượt nhiều lần.

Đến cuối năm 2020 – thời điểm hết hạn giá FIT ưu đãi 9,35 cent một kWh theo Quyết định 11/2017, 129 dự án đã vận hành thương mại, công suất 8.581 MW, cao hơn 10 lần công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW).

Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà cũng phát triển nhanh, nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên 16.506 MW, cao gấp hơn 19 lần công suất phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Việc này dẫn tới cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời tăng 1,4% lên 23,8%.

Về việc chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương và chuyển hồ sơ, tài liệu các vụ việc sang Bộ Công an, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Thanh tra Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền.

Bộ Công Thương, các bộ, ngành và UBND các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Long An, Bình Phước, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện các kiến nghị tại kết luận thanh tra và báo cáo kết quả trong tháng 3/2024.

Lãnh đạo Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ công khai kết luận, chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra thực hiện kết luận và báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2024.

Phương Nam
https://vietq.vn/pho-thu-tuong-yeu-cau-xu-nghiem-sai-pham-phat-trien-dien-gio-mat-troi-d217419.html

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội ngày càng trầm trọng, đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Theo các chuyên gia, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng nhất là ở TP. Hà Nội vì vậy cần có giải pháp triệt để nhằm hạn chế tác hại tới sức khỏe con người.

Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí ở nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam), chỉ số AQI ở nhiều khu vực tại Hà Nội luôn dao động ở mức trên 150 – 200 đơn vị. Đây là mức độ rất nguy hại gây hại trực tiếp đến sức khỏe con người.

Việt Nam là quốc gia xếp thứ 36 trong tổng 177 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu. Theo thống kê của Iqair, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần so với mức độ không khí đảm bảo.

Thực tế từ đầu tháng 11/2023 đến nay, tình trạng ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội và các tỉnh miền Bắc khá trầm trọng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng sức khỏe người dân. Lớp sương mù trắng đục và bụi mịn liên tục bao phủ Thủ đô. Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam) còn cho rằng, tại thời điểm lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 8/12/2023, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới. Trước đó, ngày 3/12, ứng dụng AirVisual ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội cao thứ 3 trong nhóm 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, khi mà bầu trời bị bao phủ bởi sương mù và bụi mịn.


Tình trạng ô nhiễm không khí tại TP. Hà Nội ngày càng nghiêm trọng cần có giải pháp triệt để. Ảnh minh họa

Cùng với ô nhiễm không khí thì sương mù cũng xuất hiện. Từ 5 giờ 30 đến 7 giờ ngày 7/12, do sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế, đã có 25 chuyến bay không thể cất cánh, hạ cánh tại sân bay Nội Bài. 7 chuyến bay phải chuyển hướng, hạ cánh ở sân bay dự phòng. Trong khi đó tại khu đô thị Ecopark, các tòa nhà cao tầng bị mờ nhòe do sương mù. Đáng chú ý, sương mù có khả năng lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí; hít phải nó khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nguy hiểm đến đường hô hấp, xương khớp.

Vấn đề ô nhiễm không khí tại nước ta đang cảnh báo sự nguy hiểm tới sức khỏe con người, đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Theo như thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO, trong mỗi năm có tới 7 triệu ca tử vong sớm do phơi nhiễm với ô nhiễm không khí. Trong đó, bụi PM2.5 chính là nguyên nhân chủ yếu vì loại bụi siêu mịn này có thể đi sâu vào trong cơ thể con người. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia về môi trường không khí, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2.5.

Thực tế, Cơ quan quản lý nhà nước, giới chuyên môn cũng đã đưa ra nhiều lý giải. Các cấp chính quyền cũng đã có những biện pháp xử lý cụ thể. Nhưng đáng tiếc là ô nhiễm không khí vẫn tiếp diễn. Hàng năm, vào tiết giao mùa từ cuối tháng 11 đến tháng 12, tình trạng không khí ở Hà Nội lại rơi vào trạng thái “SOS”. Cuối thu và mùa đông, lặng gió, ít mưa kèm theo sương mù làm giảm độ khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm quẩn quanh ở tầm thấp hoặc không được rửa trôi.

Trước đây, ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội được cho là do quá nhiều hộ dân, hàng quán sử dụng bếp than tổ ong và còn do nông dân ngoại thành đốt rơm rạ, cùng với quá nhiều lò gạch thủ công. Tuy nhiên, tới nay, cả 3 yếu tố gây ô nhiễm không khí kể trên đều đã gần như hết, nhưng ô nhiễm không khí vẫn tiếp tục. Do đó, rất cần tìm hiểu ở những nguyên nhân khác mới có cách xử lý hiệu quả.

Theo như báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, có một số nguyên nhân chính đã đưa thành phố vào tình cảnh lo lắng này. Với hơn 770 nghìn xe ô tô và gần 6 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, khí thải từ giao thông đóng góp một phần lớn vào ô nhiễm môi trường. Chất bụi mịn PM2.5, khí CO và khí CO2 từ động cơ đã tạo nên một bức tranh ô nhiễm khó lường. Hà Nội hiện cớ 17 khu công nghiệp và hơn 800 làng nghề, nơi sản xuất và chế biến, không chỉ tạo ra khói bụi và khí thải độc hại, mà còn góp phần vào sự gia tăng của ô nhiễm môi trường không khí. Đốt rác và rơm rạ sau thu hoạch, cùng với việc sử dụng bếp than tổ ong, đã tạo ra lượng lớn khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Sự thiếu kiểm soát và ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng này.

Nhiều địa phương chưa có điểm trung chuyển rác thải, dẫn đến việc sử dụng điểm tập kết rác ở mặt đường, gây cản trở giao thông. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đường ngõ hẹp, và tình trạng đổ rác và đốt rác không đúng nơi quy định là những thách thức cần vượt qua.

Kiểm soát khí thải của phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng và xe máy gặp khó khăn, mặc dù đã có sự tăng cường kiểm tra và xử lý từ lực lượng chức năng. Tình trạng đổ trộm đất, phế thải, lôi kéo đất cát, vi phạm vệ sinh môi trường… vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Từ những nguyên nhân trên, rõ ràng chúng ta thấy rằng cần có một chiến lược đa chiều, liên ngành để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ý thức của cộng đồng cần được nâng cao, và quy hoạch thành phố cũng cần tính đến vấn đề này trong quá trình phát triển bền vững.

Cần xây dựng chiến lược cụ thể

Trước tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài, Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tập trung quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn trong thời điểm thời tiết giao mùa. Trong đó, đặc biệt lưu ý tới khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận với nhiều diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.

Theo bà Carolyn Turk – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí thì rất cần sự phối hợp giữa các tỉnh lân cận dưới sự chủ trì của Hà Nội. Cùng đó, bà Carolyn Turk đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí cho Hà Nội. Bao gồm: Thực thi hiệu quả lệnh cấm đốt rác, phế phẩm nông nghiệp ngoài trời, hỗ trợ quản lý tốt hơn phế thải nông nghiệp và có các biện pháp giảm bụi đường phố; Củng cố và thực thi các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải xe máy; Loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại, tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỷ lệ làm phân hữu cơ; Thắt chặt tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện và ngành công nghiệp, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo.

Các chuyên gia cũng cho rằng, TP. Hà Nội cần cùng phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận để xây dựng chiến lược cụ thể cho bài toán ô nhiễm không khí. Trong đó, TP Hà Nội cần xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để đảm bảo loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại và tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỷ lệ làm phân hữu cơ; giải quyết nguồn phát thải amoni từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón vô cơ và hoạt động chăn nuôi.

Cũng theo các chuyên gia, mặc dù TP. Hà Nội đã triển khai quyết liệt một số giải pháp nhằm hạn chế một số nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí nhỏ, xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công. Thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt 80%. Đồng thời, đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đây là nỗ lực rất lớn của Hà Nội khiến không khí ô nhiễm về đêm như đã từng xảy ra do đốt rơm rạ, đốt gạch… hiện nay đã không còn. Dù vậy theo đánh giá của các chuyên gia những nỗ lực này chưa đủ, cần phải có chiến lược tổng thể quyết liệt hơn.

Cùng với đó, triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn. Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải…

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/noi-lo-o-nhiem-khong-khi-tai-ha-noi-ngay-cang-tram-trong-d217202.html