Tìm giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế nhựa tại Việt Nam

Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp cả về pháp lý và kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng.

Ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn, nhu cầu cho nguyên liệu phế liệu gia tăng hằng năm từ 15-20%. Mặc dù có nhiều tiềm năng song ngành công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam còn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần thực thi đồng bộ các giải pháp mang tính pháp lý, kinh tế và nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa.

Hiện trạng tiêu thụ và tái chế

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, mỗi năm con người thải ra lượng rác nhựa đủ để bao quanh Trái Đất 4 lần.

Nếu không thay đổi thói quen, đến năm 2050, con người sẽ phải chung sống với 12 tỷ tấn rác thải nhựa. Hiện có 192 quốc gia bị ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, trong đó một số nước châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Việt Nam là nặng nề nhất.

Vì vậy, việc tái chế sẽ làm giảm lượng chất thải nhựa cần xử lý, giảm áp lực đối với vật liệu nhựa nguyên sinh, giảm sự tiêu thụ năng lượng và nước cũng như giảm phát thải các loại khí và hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất vật liệu nguyên sinh…

Uớc tính việc tái chế 1 tấn nhựa sẽ giúp tiết kiệm 3,8 thùng dầu thô sẽ tạo ra những lợi ích kinh tế-môi trường đáng kể.

Trên quy mô toàn cầu, chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế. Riêng ở Mỹ, tỷ lệ tái chế chai nhựa chỉ đạt khoảng 30%, ở Anh từ 20 đến 45%.

Hiện nay, châu Âu đang đi đầu trong các giải pháp xử lý rác thải. Na Uy hiện là quốc gia đi đầu trong phong trào tái chế chất thải nhựa, với 97% chai nhựa đước tái chế. Một chai nhựa ở Na Uy có thể trải qua hơn 50 lần tái chế.

Năm 1991, Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên đánh thuế trên các nguồn năng lượng hóa thạch. Sau nhiều năm liền đi đầu về tái chế, hiện nay, Thụy Điển thậm chí phải nhập khẩu rác từ những nước khác để các nhà máy tái chế trong nước có thể tiếp tục hoạt động.

Nhiều nước trên thế giới đã đạt được một số thành tựu trong việc nghiên cứu tái chế rác thải nhựa và ứng dụng thành công vào thực tiễn, giải quyết thách thức về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa.

Các biện pháp tận dụng, tái chế rác nhựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về phát triển bền vững, mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến.

Chuyên gia Nguyễn Đình Đáp, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tại Việt Nam, nguồn phế liệu nhựa thải ra tới gần 18.000 tấn/ngày, giá phế liệu rất thấp. Do đó, hạt nhựa tái chế từ chất thải nhựa sinh hoạt có giá thấp hơn nhiều so với hạt nhựa nguyên sinh. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa theo thống kê tăng trung bình 20%/năm.

Điều này cho thấy tiềm năng phát triển ngành nhựa tái chế là rất lớn, đồng thời kinh doanh tái chế chất thải nhựa cũng mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ; giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất…

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm có tới 16.000 tấn chất thải phát sinh, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế.

50-70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới, song chỉ có gần 10% được tái chế sử dụng.

Hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh có tới 50.000 tấn chất thải nhựa đang chôn lấp, nếu số chất thải này được tái chế, Thành phố Hồ Chí Minh có thể tiết kiệm được khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm.

Dựa trên tốc độ tiêu thụ nhựa bình quân hiện tại, sự phát triển kinh tế, dân số tăng nhanh, ước tính đến năm 2020, lượng tiêu thụ, chất thải nhựa phát sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng 400.000 tấn/năm. Điều này cho thấy cơ hội phát triển cho ngành tái chế nhựa là rất lớn.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35-50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%.

Trong khi đó, theo Quỹ Tái chế chất thải Thành phố Hồ Chí Minh, rác thải nhựa chiếm tỷ trong cao, chỉ sau rác thực phẩm trong chất thải rắn đô thị.

Những giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế

Tại Việt Nam, số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay. Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm lượng rác thải gia tăng thêm 10%, đồng nghĩa với hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí.

Các chuyên gia môi trường cho rằng có 2 nguyên nhân chính: việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả; chưa có những chính sách ưu đãi đầu tư cần thiết và phù hợp để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư vào tái chế rác thải.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn. Muốn tái chế và phát triển ngành tái chế để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, đưa rác thải quay lại phục vụ đời sống, phải làm tốt phân loại rác thải tại nguồn, khâu này là quan trọng nhất.

Tuy vậy, hiện trạng của Việt Nam là nhựa phế liệu tuy có, nhưng phần lớn đều trộn lẫn với rác thải sinh hoạt và xử lý bằng biện pháp chôn lấp, số ít thu gom được từ hoạt động ve chai, nhưng không đáng kể.

Từ năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hướng chuyển đổi xử lý rác thải thành đốt phát điện. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu không có chủ trương khuyến khích, phân loại rác thải tái chế, việc chuyển đổi cũng gặp nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư.

Mặt khác, tỷ lệ rác thải có khả năng tái chế được tận dụng cũng sẽ không cao.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, với các phân tích về tỷ trọng, thành phần chất thải rắn, có thể thấy rằng việc đốt hỗn hợp chất thải rắn sinh hoạt để sinh nhiệt và tạo năng lượng không mang lại giá trị kinh tế, trừ khi các chất có nhiệt trị cao hơn và có độ ẩm thấp hơn, như thành phần nhựa, gỗ, vải, giấy, cao su, da… được tách riêng để đốt.

Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng rào cản gặp phải hiện nay là định kiến của lãnh đạo địa phương đối với đầu tư lĩnh vực này, đồng thời vấp phải sự phản ứng tiêu cực từ phía cộng đồng do gây ảnh hưởng chung chất lượng sống của người dân.

Chuyên gia Nguyễn Đình Đáp cho rằng một trong những giải pháp hiệu quả là biến rác thải nhựa thành nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp.

Thu gom rác thải nhựa trên vùng biển xóm Nhà Rầm, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Các ngành công nghiệp như ximăng, sắt thép và ngành điện đang phải tiêu thụ một lượng than khổng lồ. Rác thải nhựa không thể tái chế có thể được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy bằng phương pháp đồng xử lý. Từ đó, các nhà máy sẽ cắt giảm được lượng than tiêu thụ nhờ thu hồi năng lượng từ việc đốt rác thải nhựa không thể tái chế. Hiệu quả năng lượng sẽ cao hơn nhiều so với các nhà máy chuyển đổi rác thải thành năng lượng thông thường.

Phương pháp đồng xử lý hiệu quả về chi phí và không làm phát sinh các chất tồn dư, trong khi đó, phát thải khí nhà kính sẽ giảm đáng kể so với hình thức chôn lấp và đốt rác thải.

Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất, tổng lượng phế liệu nhựa thu mua chỉ khoảng 10% của tổng chất thải nhựa tồn lưu mỗi năm, bị phát tán vào môi trường.

Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp cả về pháp lý và kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa; cần có cơ chế chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa Việt Nam đầu tư hơn về công nghệ để tái chế rác thải nhựa. Điều này có thể giúp hạn chế tình trạng nhập khẩu phế liệu và xử lý tốt nguồn thải nhựa trong nước./.

Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tim-giai-phap-thuc-day-nganh-cong-nghiep-tai-che-nhua-tai-viet-nam/623127.vnp

Hà Nội sẽ hoàn thiện 81 trạm quan trắc không khí trong quý 1

Sau khi được UBND Hà Nội chấp thuận, Sở Tài nguyên-Môi trường sẽ thông báo cho đơn vị tài trợ là Công ty THT tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc cảm biến, sớm đưa vào vận hành phục vụ người dân Thủ đô.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang điều chỉnh Dự án đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động (bao gồm 20 trạm quan trắc không khí cố định, 1 trạm quan trắc không khí lưu động), đảm bảo tiến độ trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt trong tháng Hai này, triển khai dự án hoàn thành trong năm nay.

Đặc biệt, với hiện trạng 11 trạm quan trắc hiện có, 50 trạm cảm biến và 20 trạm cố định đang thực hiện đầu tư, mục tiêu đến hết năm 2020 thành phố sẽ hoàn thiện đồng bộ hệ thống 81 trạm quan trắc không khí trên toàn địa bàn, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và nhu cầu theo dõi diễn biến chất lượng không khí của người dân Thủ đô.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã và đang phối hợp đơn vị tư vấn khảo sát, lựa chọn 50 địa điểm trên nguyên tắc phù hợp với Quy hoạch mạng lưới quan trắc, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành khác.

Sau khi được Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ thông báo cho đơn vị tài trợ là Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển THT tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc cảm biến, sớm đưa vào vận hành phục vụ người dân, dự kiến hoàn thành trong quý 1 này./.

Thanh Trà (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/infographics-se-hoan-thien-81-tram-quan-trac-khong-khi-trong-quy-1/622602.vnp

Hành trình “thần tốc” tạo ra bộ kit test nhanh virus corona “made in Vietnam”

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, nhóm nghiên cứu của TS. Lê Quang Hòa, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã chế tạo thành công bộ kit test nhanh virus corona cho kết quả trong vòng 70 phút.

Mới đây, nhóm nghiên cứu của TS. Lê Quang Hòa, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ quốc tế Innogenex đã thông báo kết quả nghiên cứu chế tạo thành công bộ kit thử nhanh chủng virus corona mới (2019-nCoV) dựa trên kỹ thuật RT-LAMP.

Theo ghi nhận đến lúc này, Việt Nam cũng chính là quốc gia đầu tiên chế tạo thành công kit RT-LAMP phát hiện nhanh 2019-nCoV, giúp rút ngắn thời gian xét nghiệm và đơn giản hóa được quy trình phân tích để có thể ứng dụng ngay tại các bệnh viện tuyến huyện. Để làm rõ hơn thông tin về quá trình tạo ra bộ sản phẩm nói trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Quang Hòa, Trưởng nhóm nghiên cứu bộ kit thử nhanh chủng virus corona mới dựa trên kỹ thuật RT-LAMP.


TS Lê Quang Hoà cùng đồng nghiệp làm việc tại phòng thí nghiệm tại Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội). Ảnh: HUST

Được biết, bộ kit test nhanh virus corona đã được chế tạo trong vòng chưa đầy một tháng kể từ khi khởi phát ý tưởng. Tiến sĩ có thể cho biết động lực nào giúp ông cùng các đồng nghiệp có thể cho ra một sản phẩm test virus nhanh đến vậy?

Ngay kể từ khi có tin tức về việc Trung Quốc gửi báo cáo lên WHO về một số trường hợp viêm phổi không xác định nguyên nhân, chúng tôi đã theo dõi sát sao những diễn biến liên quan. Tới ngày 13/1/2020 Trung Quốc công bố đã xác định được tác nhân và công bố trình tự hệ gen của chủng corona virus mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp thì chúng tôi cũng nhanh chóng tiến hành so sánh các trình tự và tiến hành thiết kế mồi.

Thiết kế mồi là khâu quan trọng nhất trong kỹ thuật RT-LAMP này bởi đảm bảo độ đặc hiệu, độ nhạy, cũng như tốc độ phản ứng. Ngay trước Tết, chúng tôi đã thiết kế xong mồi, rồi tiến hành tổng hợp gen nhân tạo, trình tự gen đích mà mình muốn khuếch đại. Sau chưa đầy một tháng thì chúng tôi chế tạo thành công kit thử nhanh chủng virus corona mới (2019-nCoV) dựa trên kỹ thuật RT-LAMP.

Ngay từ khi các nhà khoa học trên thế giới xác định được tác nhân gây ra bệnh viêm phổi cấp ở Vũ Hán (Trung Quốc) là do virus corona chủng mới, tôi cùng các đồng nghiệp của mình đã nuôi ý tưởng tạo ra một bộ kit test nhanh virus corona trong thời gian nhanh nhất có thể. Bởi nếu bộ kit này được chế tạo và ứng dụng thành công sớm, nó có thể góp phần làm giảm quy mô cũng như tốc độ lây lan của virus corona từ người sang người. Bởi trên thực tế, một người mắc virus corona có thể lây cho nhiều người và nếu không nhanh chóng xác định các trường hợp đã nhiễm bệnh để cách ly, số người tiếp xúc với người bệnh có thể sẽ lớn hơn rất nhiều, khiến cho công tác khoanh vùng, ngăn chặn dịch ngày càng khó khăn.

Ngoài việc giúp rút ngắn thời gian xét nghiệm từ khoảng 3-4 tiếng (theo phương pháp tiêu chuẩn) xuống còn 70 phút, bộ kit test nhanh virus corona do nhóm của Tiến sĩ phát triển còn có ưu điểm gì đặc biệt?

Trước đây, để xét nghiệm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm 2019-nCoV, Việt Nam áp dụng phương pháp xét nghiệm giải trình tự gene mất 3-5 ngày. Sau đó, với mẫu thử của WHO kết hợp với phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử, thời gian xét nghiệm virus corona ở Việt Nam rút xuống dưới 9 giờ. Còn trên thế giới, phương pháp tiêu chuẩn real-time RT-PCR được WHO khuyến cáo thì mất khoảng 3 tiếng để thu nhận kết quả.

Nguyên lý của kỹ thuật RT-LAMP mà nhóm áp dụng là kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt axit nucleic, trong đó giai đoạn phiên mã ngược và giai đoạn khuếch đại đều được thực hiện tại một nhiệt độ duy nhất với khả năng khuếch đại DNA lên đến trên một tỷ lần. Đặc biệt, phản ứng dương tính được phát hiện trực tiếp bằng mắt thường dựa trên việc đổi màu dung dịch, giúp rút ngắn và đơn giản hóa quy trình phân tích. Tổng thời gian phân tích chỉ mất 70 phút, trong đó bao gồm hai giai đoạn: Tách chiết RNA của virus (30 phút), chuẩn bị và tiến hành phản ứng RT-LAMP (40 phút).

Ngoài việc rút ngắn thời gian xét nghiệm từ 3-4 giờ xuống còn 70 phút, một ưu điểm nổi bật khác của sinh phẩm RT-LAMP so với quy trình real-time RT-PCR tiêu chuẩn là tính đơn giản, không yêu cầu trang thiết bị phức tạp. Điều này giúp sinh phẩm RT-LAMP có thể được sử dụng ngay từ bệnh viện tuyến huyện và các bệnh viện dã chiến khi dịch bùng nổ, giúp khoanh vùng dịch, hạn chế sự lây lan.

Bên cạnh đó, có một ưu điểm nữa là phản ứng RT-LAMP này là chỉ phát hiện chủng virus corona mới và không cho kết quả dương tính giả với các chủng virus corona khác như SARS CoV, MERS-CoV, HKU4, HKU1, OC43 và 229E.

Tiến sĩ có thể giải thích rõ hơn về quá trình phát hiện nhanh chủng virus corona mới bằng kỹ thuật RT-LAMP trong 70 phút hay không?

Quy trình sẽ gồm hai bước chính. Đầu tiên là tách chiết RNA: trong giai đoạn này, hạt vi rút có trong mẫu sẽ bị ly giải dưới tác dụng của dung dịch đệm tách chiết để giải phóng RNA của vi rút, tiếp đó dung dịch này sẽ được đưa qua cột silica để RNA bám lên cột. Sau quá trình rửa, RNA sẽ được hòa tan trong nước để được sử dụng trong giai đoạn tiếp theo. Toàn bộ giai đoạn tách chiết RNA diễn ra trong vòng 30 phút.

Bước thứ hai là khuếch đại vùng gen đích của vi rút bằng kỹ thuật RT-LAMP: đầu tiên RNA sẽ được phiên mã ngược thành DNA để thực hiện phản ứng khuếch đại LAMP dưới tác dụng của enzym Bst DNA polymerase và 6 mồi hướng đến 8 vùng trình tự đặc hiệu của chủng nCoV. Sau khi ủ ở 63ºC trong 30 phút, vùng trình tự gen đích này sẽ được khuếch đại đến hàng tỷ lần, kết quả là làm thay đổi màu dung dịch của phản ứng. Các mẫu dương tính có màu đổi từ hồng sang vàng trong khi đó mẫu âm tính vẫn giữ màu hồng. Quá trình chuẩn bị và thực hiện phản ứng LAMP diễn ra trong vòng 40 phút.


Bộ sinh phẩm BK-LAMP- nCoV hoàn thiện chờ thử nghiệm với mẫu bệnh phẩm thực. Ảnh: HUST

Nhóm nghiên cứu của ông đã có kế hoạch ra sao để đưa bộ kit này vào ứng dụng rộng rãi trong thực tế? Sản phẩm có cần hoàn thiện hay phát triển thêm chức năng nào hay không?

Bộ sinh phẩm của chúng tôi được xây dựng trên những mẫu RNA được tổng hợp nhân tạo. Do vậy để đảm bảo độ chính xác về mặt khoa học thì chắc chắn bộ sinh phẩm sẽ phải được thử nghiệm trên các mẫu RNA được tách chiết từ mẫu bệnh phẩm thực, cũng như thực hiện quá trình tách chiết từ mẫu bệnh phẩm thực để có khả năng so sánh với phương pháp tiêu chuẩn hiện nay là phương pháp real-time RT-PCR. Từ đó có khả năng so sánh kết quả 2 phương pháp thì chúng ta sẽ kết luận được là liệu bộ sinh phẩm có đạt được độ chính xác cần thiết để sử dụng trong thực tiễn hay không.

Để ứng dụng rộng, nhóm chúng tôi mong muốn có tối thiểu 12 mẫu RNA của chủng virus corona để nội kiểm và cần thử nghiệm liên phòng trước khi đăng ký sản phẩm và sản xuất hàng loạt. Khi có mẫu, sau 3 ngày nhóm sẽ có kết quả.

Một bộ kit test nhanh virus corona do nhóm chế tạo có giá thành là bao nhiêu? Tiến sĩ đánh giá ra sao về tiềm năng thương mại hóa của sản phẩm này?

Giá thành sản xuất mỗi test là 350.000 đồng, còn giá sản xuất bộ test RT-PCR là một triệu đồng. So với các kỹ thuật sinh học phân tử khác, RT-LAMP có thiết bị đơn giản, khả năng ứng dụng tại hiện trường, độ nhạy và độ đặc hiệu cao (tương đương với real-time RT-PCR).

Muốn được thương mại hóa, chấp nhận trên thị trường thì bắt buộc phải so sánh kết quả của bộ sinh phẩm mà nhóm chúng tôi phát triển với bộ sinh phẩm được tiến hành bằng phương pháp tiêu chuẩn RT-PCR để xem độ tương hợp giữa 2 phương pháp ra sao. Để có thể ứng dụng vào thực tế, bộ sinh phẩm, bộ kit cũng cần phải kiểm định bởi các cơ quan chuyên trách của Bộ Y tế. Thông thường quy trình kiểm định này thường mất từ 3 đến 6 tháng.

Do vậy, chúng tôi mong có sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ để nhóm có thể hợp tác được với một số bệnh viện, cơ quan chuyên trách để tiến hành thử nghiệm, kiểm định bộ sinh phẩm trong thời gian sớm nhất, sẵn sàng hỗ trợ cho việc phòng chống dịch. Chúng tôi hy vọng rằng trong 2 tuần tới, với sự giúp đỡ của các Cơ quan ban ngành, bộ sinh phẩm có thể được sản xuất ứng dụng vào thực tiễn.

Xin cảm ơn ông!

Phong Lâm
http://vietq.vn/hanh-trinh-than-toc-tao-ra-bo-kit-test-nhanh-virus-corona-made-in-vietnam-d169409.html

Mỗi người Việt Nam đã tiêu thụ tới 41kg nhựa trong năm 2019

Mỗi năm, Việt Nam thải ra biển khoảng 0,28-0,73 triệu tấn rác thải nhựa (6% tổng lượng nhựa thải ra biển của thế giới), đứng thứ 4 trong danh sách các quốc gia có lượng nhựa thải ra biển nhiều nhất.

Chất thải nhựa đang gây những tác hại cho hệ sinh thái và môi trường biển trên thế giới và cả Việt Nam.

Để thực hiện việc giảm thiểu chất thải nhựa vào môi trường và duy trì sự quản lý bền vững chất thải nhựa, Việt Nam cần có các chiến lược và hành động về quản lý nhựa thải; đồng thời cần tham khảo cách quản lý và xử lý của các quốc gia trên thế giới để hướng đến tái sử dụng, nhất là tạo ra các sản phẩm thay thế có nguồn gốc sinh học, hoặc có thể phân hủy sinh học.

Gia tăng cả về nguồn thải và lượng

Ở Việt Nam, lượng tiêu thụ sản phẩm nhựa đang tăng lên nhanh chóng. Hiệp hội Nhựa Việt Nam (2019) thống kê lượng sản xuất và tiêu thụ nhựa khoảng 5 triệu tấn năm 2015, trong đó 80% nguyên liệu sản xuất nhựa là nhập khẩu.

Lượng nhựa tiêu thụ bình quân đầu người năm 2019 là 41kg/người, gấp hơn 10 lần so với lượng tiêu thụ 3,8kg/người vào năm 1990.

Hiện, các thống kê và nghiên cứu ở Việt Nam vẫn chưa cung cấp các thông tin cụ thể về lượng, loại và thành phần của nhựa thải ra biển, mà chỉ có một số nghiên cứu về chất thải nhựa nói chung ở một số địa phương.

Nghiên cứu mới đây của nhóm tác giả Lê Thị Hoàng Oanh, Trần Thị Lan Anh và Nguyễn Thị Phương Loan thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội, cho thấy tại Việt Nam, ước tính lượng nhựa thải ra biển khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm (chiếm 6% tổng lượng nhựa thải ra biển của thế giới), đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia có lượng nhựa thải ra biển nhiều nhất.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn, trong đó có nhựa thải là 80-100% tại các đô thị, 40-55% tại các khu vực nông thôn, trong cả nước 81% được xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Phân tích các thành phần chất thải đô thị có thể tái chế được ở thành phố Hội An, chất thải nhựa chiếm 8,4-14%.

Lượng chất thải nhựa tại các nhà hàng chiếm số phần trăm thấp nhất (8,4%), trong khi tỷ lệ này trong chất thải từ hộ gia đình, khách sạn và đường phố tương đương nhau và xấp xỉ 14%.

Tại thành phố Cần Thơ, lượng chất thải nhựa chiếm tỷ lệ ít hơn so với Hội An, với 6,13%. Cũng tại thành phố này, trong lượng chất thải nhựa, túi nylon mua hàng chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 45,72%.

Nghiên cứu chất thải nhựa cỡ lớn trên sông Sài Gòn trong năm 2019 cho thấy, nhựa PO mềm và PS-E thường xuyên chiếm tỷ lệ cao nhất.

Nhựa thải chiếm 6% trong chất thải rắn đô thị tại Huế và 8% trong chất thải nhựa tại Hà Nội. Lượng chất thải nhựa chiếm khoảng 3,2-8,3% tổng lượng chất thải trên sông Sài Gòn và thấp hơn tỷ lệ chất thải nhựa (16%) trong chất thải rắn đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ thu gom nhựa thải có mối liên hệ với tỷ lệ thu gom chất thải rắn.

Tỷ lệ thu gom này đạt 80-100% ở các khu vực đô thị và 40-55% tại các khu vực nông thôn, tỷ lệ xử lý đạt tiêu chuẩn quy chuẩn đạt 81%. Trong đó, tỷ lệ chất thải rắn thu gom được xử lý cao nhất ở Đông Nam Bộ (99,4%), tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng (88,9%) và mức 57,5% đối với các khu vực Tây Nguyên, 56,4% ở Trung du và miền núi phía Bắc.

Các công nghệ áp dụng xử lý chất thải rắn phổ biến là sản xuất phân compost, đốt và chôn lấp.

Phần lớn chất thải rắn tiếp nhận tại các bãi chôn lấp không được phân loại tại nguồn. Một lượng đáng kể chất thải nhựa được tái chế tại các làng nghề Việt Nam, như Trung Văn, Tân Triều, Tiên Dược (Hà Nội) và Minh Khai (Hưng Yên).

Tại các làng nghề này, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các nguồn nước mặt. Không chỉ tái chế nhựa thải lấy từ các nguồn trong nước, các làng nghề này còn nhập khẩu phần lớn nguyên liệu nhựa thải từ nước ngoài.

Một số thành phố ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chất thải nhựa trôi nổi trên biển từ các nguồn chất thải đô thị, sinh hoạt, nông nghiệp, bệnh viện, nuôi trồng thủy sản và giao thông vận tải biển.

Chỉ tính riêng tại thành phố Hạ Long, mỗi ngày cơ quan chức năng thu gom khoảng 7 tấn chất thải rắn để đưa vào bờ xử lý. Sau 3 chiến dịch thu gom rác từ năm 2016 đến 2019, tại 4km của Vịnh Hạ Long đã thu được 4 tấn rác thải, chủ yếu là chất thải nhựa và túi nylon.

Tại Cát Bà, trên 50% số lượng phao xốp nuôi trồng hải sản trong tình trạng cũ hỏng, rách vụn, trôi nổi xung quanh khu vực nuôi trồng thủy sản; 4,1% chất thải nhựa từ các nhà hàng và 7,9% chất thải nhựa từ các khách sạn không thể tái chế.

Huyện Cát Hải thu vớt lượng 10m3/ngày rác trôi nổi trên Vịnh, trong đó có 70% là nhựa.

Tại thành phố Đà Nẵng, năm 2019, 8-10% số rác thải rắn được thu gom là túi nylon và chai nhựa. Chính quyền thành phố đã nghiêm cấm người dân, du khách đem thức ăn xuống bãi biển, từ đó hạn chế túi nylon, chai nhựa tràn ra biển.

Hầu hết các nguồn thải từ nước mưa đều xả ra biển, sông hoặc ao hồ. Ngoài ra, chất thải do các hoạt động dịch vụ ven bờ biển thải trực tiếp xuống bãi cát và được cuốn ra biển khi thủy triều lên.

Giải pháp hàng đầu là giảm thiểu và tái sử dụng

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Lê Thị Hoàng Oanh, Trần Thị Lan Anh và Nguyễn Thị Phương Loan thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, những biện pháp tái chế chất thải nhựa được chia thành 4 nhóm là sơ cấp, thứ cấp, tam cấp và tứ cấp.

Sơ cấp là xử lý cơ học mảnh nhựa có lịch sử rõ ràng để tạo thành sản phẩm có tính chất tương đương; thứ cấp là xử lý cơ học nhựa đã sử dụng, tạo ra sản phẩm có chất lượng thấp hơn ban đầu; tam cấp thu hồi những thành phần của nhựa và phụ gia; tứ cấp tức là thu hồi năng lượng từ nhựa thải.

Tái chế sơ cấp rất đơn giản, chi phí thấp, nhưng chỉ áp dụng cho loại nhựa nhất định, vừa sạch vừa không nhiễm các hóa chất.

Việc sản xuất chai nhựa mới từ chai nhựa cũ là một ví dụ. Cụ thể, tái chế thứ cấp là quá trình xử lý vật lý nhựa thải, tạo ra các hạt theo phương pháp đùn thông thường sau khi tách nhựa ra khỏi các tạp chất khác.

Quá trình này liên quan đến việc thu gom, phân loại, làm sạch, sấy khô, làm nhỏ, tạo màu hoặc kết dính, ép viên, đùn nhựa để tạo ra sản phẩm cuối cùng.

Tái chế tam cấp, hay tái chế hóa học, hoặc tái chế nguyên liệu nhằm phân hủy nhựa thành các đơn vị cấu trúc hay các mảnh có khối lượng phân tử thấp khác, sau đó tái tạo.

Tái chế tam cấp rất hữu ích vì nó tuần hoàn vật chất, giảm sử dụng năng lượng và nguyên liệu cho quá trình sản xuất nhựa. Tuy vậy, tái chế tam cấp không phổ biến rộng rãi do tốn năng lượng và chưa bền vững về mặt kinh tế.

Còn tái chế tứ cấp hay thu hồi năng lượng là phương pháp hiệu quả nhất để giảm thể tích nhựa thải, tuy nhiên lại phát thải ra các chất độc trong khí thải và tro thải nên đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ và không được ủng hộ theo quan điểm sinh thái.

Tiến sỹ Lê Thị Hoàng Oanh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định, về khía cạnh kỹ thuật, kinh tế, môi trường và xã hội, Việt Nam cần ưu tiên hàng đầu nhóm biện pháp giảm thiểu và tái sử dụng chất thải nhựa. Đặc biệt, chúng ta có cơ hội áp dụng các biện pháp thân thiện sinh thái trong quản lý nhựa.

Các biện pháp tái chế nhựa sơ cấp, thứ cấp và tứ cấp đã và đang được thực hiện tại Việt Nam, nhưng cần đầu tư lớn về công cụ kiểm soát ô nhiễm thứ cấp và các công cụ khác, như pháp lý, kinh tế và giao tiếp.

Việt Nam là quốc gia có lượng phát thải nhựa ra biển lớn hàng đầu thế giới, do hoạt động quản lý và xử lý chất thải nhựa còn nhiều bất cập.

Nhựa thải ở khu vực ven biển do các hoạt động đánh bắt cá và du lịch là nguồn thải trực tiếp vào đại dương, bên cạnh nguồn từ đất liền được vận chuyển theo các con sông ra biển.

Giống với các nước trên thế giới, hình thức tái chế sơ cấp, thứ cấp và tứ cấp được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, nhưng khả năng kiểm soát ô nhiễm thứ cấp còn hạn chế.

Việt Nam nên đẩy mạnh việc khuyến khích tái sử dụng và tạo ra các vật liệu thay thế nhựa có nguồn gốc sinh học hoặc có thể phân hủy sinh học./.

Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/moi-nguoi-viet-nam-da-tieu-thu-toi-41kg-nhua-trong-nam-2019/621752.vnp

Máy tính, điện thoại cũng có thể là nơi chứa mầm bệnh virus corona

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát hiện virus corona trên tay nắm cửa tại nhà của một bệnh nhân nhiễm bệnh.

Tin tức trên báo Tuổi Trẻ, công bố thông tin này là ông Trương Chu Bân (Zhang Zhou Bin), Phó chủ nhiệm Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Quảng Châu.

Theo tờ Nhân Dân Nhật báo của Trung Quốc (People’s Daily), đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tại Quảng Châu phát hiện virus corona xuất hiện ở môi trường bên ngoài.

Cũng theo Trương Chu Bân, ngoài tay nắm cửa, những nơi khác có thể chứa mầm bệnh virus corona là điện thoại di động, bàn phím máy tính và van nước.

Theo ông Trương, những gì chúng ta biết về virus corona chủng mới đó là loại virus này chủ yếu lây nhiễm thông qua những giọt nước bọt và tiếp xúc. Tuy nhiên, với phát hiện mới này người dân có thể bị nhiễm bệnh do tiếp xúc gián tiếp.

Virus corona có thể có ở nhiều nơi như tay nắm cửa, máy tính, điện thoại. Ảnh minh họa

Phó chủ nhiệm Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Quảng Châu cho biết: “Chằng hạn khi chạm tay vào bề mặt có virus, sau đó dùng tay ăn uống hoặc dụi mắt của mình. Phát hiện này cho thấy, chúng ta nhất định phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, trong đó việc rửa tay là vô cùng quan trọng”.

Theo tờ Tân Hoa xã, các nhà khoa học đã tìm thấy acid nucleic của virus corona trong chất bài tiết và trực tràng sau khi phát hiện dấu hiệu ban đầu của một số ca nhiễm bệnh lại chỉ là tiêu chảy chứ không phải sốt như các trường hợp phổ biến.

Nhóm nghiên cứu cho rằng ngoài truyền nhiễm qua tiếp xúc hoặc đường hô hấp, chủng mới của virus corona còn có khả năng truyền nhiễm qua đường phân-miệng nhất định.

Cũng trong một diễn biến liên quan tới tình hình dịch virus corona, trên trang web chính thức, Tổ chức Y tế Thế giới WHO khẳng định: “Kháng sinh không có tác dụng chống các loại virus, mà chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn”, đồng thời nêu rõ 2019-nCoV là một loại virus, do đó sử dụng kháng sinh để phòng hay điều trị không hiệu quả. Tuy nhiên, nếu một bệnh nhân nhập viện do nhiễm virus nCoV, vẫn có thể điều trị bằng kháng sinh vì bệnh nhân có thể đồng nhiễm vi khuẩn.

Theo WHO, cho tới nay chưa có loại thuốc đặc trị nào có thể phòng ngừa hoặc điều trị chủng virus nói trên, tuy nhiên, một số biện pháp chữa trị đang được nghiên cứu và sẽ được thử nghiệm lâm sàng. Hiện WHO đang phối hợp với các đối tác để đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển các phương pháp phòng chống.

WHO khẳng định mọi người ở tất cả các độ tuổi đều có thể bị nhiễm nCoV, trong đó người cao tuổi và người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường và bệnh tim là những đối tượng dễ bị nhiễm nhất.

Về thông tin các vật nuôi như chó, mèo có thể nhiễm nCoV, WHO cho biết, hiện chưa có bằng chứng nào về việc này. Mặc dù vậy, WHO khuyến cáo mọi người nên rửa tay bằng nước và xà phòng sau khi tiếp xúc với vật nuôi để tránh nhiễm những loại vi khuẩn như E.coli và Salmonella có thể lây từ động vật sang người.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/may-tinh-dien-thoai-cung-la-noi-tru-ngu-cua-virus-corona-d169055.html

Cảnh báo đường liên kết giả tin tức về virus corona để phát tán mã độc

Các chuyên gia an ninh mạng đã phát đi cảnh báo về việc tin tặc đang phát tán các đường dẫn (link) mạo danh tin tức về virus corona để cài mã độc vào máy tính, điện thoại.

Tin tặc đang sử dụng các đường dẫn mạo danh các hãng truyền thông đưa tin về virus corona để dụ mọi người vô tình tải phần mềm độc hại.

Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo rằng một số liên kết độc hại được ngụy trang dưới hình thức các bài báo hoặc video tin tức về sự bùng phát của virus corona mới, thực sự có chứa mã độc được thiết kế để đánh cắp thông tin cá nhân.

Tin tặc cũng phát tán các bài viết, bài đăng và video gắn mã độc được che dấu dưới định dạng tệp hợp pháp, chẳng hạn như PDF hoặc MP4.

Nếu nhấp vào và tải xuống điện thoại hoặc máy tính, tin tặc có thể truy cập vào thông tin được lưu trữ của người dùng và có thể phá hủy, chặn hoặc sao chép dữ liệu theo ý muốn.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới bùng phát toàn cầu, bắt nguồn từ Vũ Hán (Trung Quốc) đã nhận được một lượng lớn sự chú ý của giới truyền thông. Theo thống kê của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến hết ngày 1/2, nước này có tổng cộng 14.411 ca nhiễm bệnh, tăng 2.590 người so với trước đó một ngày, trong đó 304 người đã tử vong. Tới nay, dịch bệnh nguy hiểm này không có vắcxin hoặc thuốc chữa.

Lợi dụng nhu cầu thông tin về dịch bệnh của người dùng tăng cao, nhiều trang truyền thông xã hội đã tràn ngập những tin tức giả mạo và thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh.

Facebook, Google và Twitter đều đã ban hành các điều khoản đặc biệt để kiểm soát vấn đề này, nhưng tội phạm mạng đang lợi dụng sự hoảng loạn để bẫy những người dùng Internet không nghi ngờ.

“Chủ đề virus corona, đang được thảo luận rộng rãi như một câu chuyện tin tức lớn, đã bị tội phạm mạng sử dụng làm mồi nhử,” Anton Ivanov, nhà phân tích phần mềm độc hại của hãng bảo mật Kaspersky cho biết.

“Cho đến nay, chúng tôi chỉ phát hiện có 10 tệp, nhưng vì loại hoạt động này thường xảy ra với các chủ đề truyền thông phổ biến nên chúng tôi cho rằng rằng xu hướng này có thể phát triển.” – ông Ivanov nhận định.

“Khi mọi người tiếp tục lo lắng cho sức khỏe của mình, chúng tôi có thể thấy ngày càng nhiều phần mềm độc hại ẩn bên trong các tài liệu giả mạo đang lan truyền về virus corona.”

Để tránh dính bẫy các liên kết này, các chuyên gia an ninh mạng khuyên người dùng nên trực tiếp tìm đến một nguồn tin tức chính thống.

Bên cạnh đó, một cách chính để phát hiện phần mềm độc hại là bằng cách nhìn vào cuối địa chỉ của đường liên kết. Nếu nó có phần mở rộng không phải là .docx., .Pdf hoặc .mp4 thì đó có thể là một “cãi bẫy.”

Các tài liệu và tệp video cũng không tạo với các định dạng .exe hoặc .lnk./.

Việt Đức (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/canh-bao-duong-lien-ket-gia-tin-tuc-ve-virus-corona-de-phat-tan-ma-doc/621047.vnp