Dự án sản xuất hydro xanh đầu tiên tại Việt Nam

Dự án nhà máy hydro xanh đầu tiên của Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long với mức đầu tư gần 8 nghìn tỷ đồng (327 triệu USD), trải rộng trên hơn 20ha. Dự án do Tập đoàn The Green Solutions (TGS) làm chủ đầu tư và có đối tác là công ty Honeywell.


Ảnh minh họa.

Có diện tích hơn 20ha, dự án Hydro xanh Trà Vinh đang được xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long với ý tưởng trở thành trung tâm năng lượng xanh của địa phương. Nhà máy sẽ sản xuất hydro xanh thông qua quá trình điện phân nước biển, ban đầu nhắm mục tiêu sản lượng 24.000 tấn hydro và 195.000 tấn oxy y tế mỗi năm, giải quyết việc làm cho 300 – 500 lao động.

Bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Giám đốc điều hành của TGS nói: “Sự hợp tác của chúng tôi đánh dấu một bước đi quan trọng, hướng tới việc sản xuất ra hydro xanh tại nhà máy Trà Vinh”.

Dự án sản xuất hydro xanh Trà Vinh là một bước ngoặt lớn đối với cả hai công ty và cũng là cột mốc quan trọng trong việc hướng tới hiện thực hóa mục tiêu quốc gia là loại bỏ carbon trong ngành năng lượng bằng các giải pháp năng lượng tái tạo, góp phần tạo nên một tương lai sạch và bền vững hơn.

Honeywell sẽ đóng góp vào dự án những công nghệ như thiết kế và quản lý dự án tự động, cũng như quản lý năng lượng cho quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm hệ thống lưu trữ pin năng lượng (BESS), cho phép TGS tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào nhà máy hydro xanh.

Tổng Giám đốc khu vực của Honeywell Process Solutions, ông Ramanathan Valliyappan cho biết: “Hệ thống lưu trữ pin năng lượng của Honeywell sẽ đóng vai trò quan trọng trong dự án hydro xanh Trà Vinh.

Công nghệ này sẽ mở rộng nguồn năng lượng tái tạo từ các trang trại năng lượng mặt trời của TGS ở những thời điểm không có ánh sáng mặt trời cũng như gia tăng năng lượng gió ngay cả khi gió lặng.

Nền tảng BESS của Honeywell giúp giảm thiểu chi phí và khí thải carbon thông qua việc cung cấp sự ổn định cho lưới điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, hỗ trợ cho quá trình sản xuất hydro xanh tại nhà máy Trà Vinh”.

Hydrogen xanh được đánh giá là nguồn nhiên liệu sạch được sản xuất từ công nghệ điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần hướng đến mục tiêu giảm phát thải và phát triển kinh tế.

Theo các chuyên gia đánh giá, hydrogen xanh dự kiến sẽ dùng trong các ngành công nghiệp vốn sử dụng nhiên liệu hydrogen xám hoặc lam như: Dầu khí, hóa chất, công nghiệp sản xuất thép và đặc biệt là trong giao thông vận tải.

Việt Nam cam kết đạt được lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo một số dự báo quốc tế, Việt Nam là một trong năm quốc gia hàng đầu có khả năng phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, với những rủi ro kinh tế và xã hội nghiêm trọng có thể xảy ra. Nhưng thay vào đó, Việt Nam có tiềm năng lớn trong sản xuất năng lượng mặt trời và gió, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi đặt nhà máy BESS ở Trà Vinh.

Vừa qua, ngân hàng Standard Chartered Việt Nam vừa ký thỏa thuận với công ty The Green Solutions trụ sở tại TP HCM để cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cho dự án này. Như vậy, ngân hàng Standard Chartered giữ vai trò cố vấn tài chính cho việc phát triển và vận hành dự án.

Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho biết thỏa thuận với TGS thể hiện chuyên môn của Standard Chartered trong việc cung cấp các giải pháp tài chính cho khách hàng nhằm hỗ trợ khách hàng đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Standard Chartered cam kết hợp tác chặt chẽ với khách hàng và đối tác nhằm thúc đẩy các nguồn tài chính bền vững có lợi cho môi trường và đóng góp vào sự phát triển bền vững tại Việt Nam.

PV
https://petrotimes.vn/du-an-san-xuat-hydro-xanh-dau-tien-tai-viet-nam-715760.html

Địa phương vào cuộc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” (Net Zero)

Hiện nay nhiều tỉnh thành đang quyết tâm bảo vệ môi trường không khí và giảm phát thải carbon, hướng đến đô thị sinh thái và chung tay cùng cả nước thực hiện cam kết về phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, khí thải nhà kính là loại khí trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính. Các khí thải nhà kính đáng lo ngại nhất phải kể đến carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O). Trong đó, CO2 tồn tại trong khí quyển 1.000 năm, metan tồn tại trong khoảng 10 năm còn oxit nitơ tồn tại trong khoảng 120 năm. Đặc biệt, trong khoảng thời gian 20 năm, metan tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu gấp 80 lần so với CO2 và oxit nitơ mạnh gấp 280 lần.

Hiệu ứng nhà kính gây tác động đáng kể đến môi trường và các hệ sinh thái trên Trái Đất. Tăng nhiệt độ Trái Đất gây ra nhiều vấn đề như tăng mực nước biển, sự biến đổi khí hậu, tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, hạn hán và lũ lụt.

Để giảm thiểu những tác hại từ khí thải nhà kính hiện nay nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang nỗ lực đặt ra mục tiêu bảo vệ môi trường không khí và giảm phát thải carbon, hướng đến đô thị sinh thái và chung tay cùng cả nước thực hiện cam kết về phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, lượng phát thải khí nhà kính giảm 12,14%

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 22/7/2020 triển khai hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, thành phố đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong đó, sẽ thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu đến năm 2025, lượng phát thải khí nhà kính giảm 12,14%; đến năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính giảm 18,71% so với mức phát thải năm 2030 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 13,76 triệu tấn CO2).

Đối với các sản phẩm được dán nhãn xanh, sinh thái, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ gia tăng các sản phẩm được dán nhãn xanh, sinh thái hằng năm 15%/năm. Các toà nhà xây mới đáp ứng tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”, mã số QCVN 09:2017/BXD (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, khu thương mại, dịch vụ, chung cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp) năm 2025 là 100%.

Giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ môi trường đang được nhiều tỉnh, thành của Việt Nam nỗ lực thực hiện. Ảnh minh họa

Đà Nẵng tập trung xây dựng thành phố carbon thấp

Ông Đặng Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, từ năm 2008 đến nay, những giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí đã đạt được những thành tựu ban đầu. Theo kết quả quan trắc định kỳ độ ồn tại khu vực dân cư luôn thấp hơn 60 dB(A), đường phố thấp hơn 75 dB(A); diện tích bình quân không gian xanh đô thị đối với mỗi người đạt mục tiêu, năm 2022 là 7,51m2/người, tăng 5,51m2/người so với năm 2015; tỷ lệ cơ sở, khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định đã đạt 57,14%… Trong đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, thành phố đã đề ra các biện pháp quản lý, bảo đảm chất lượng môi trường không khí.

Cùng với hoạt động bảo vệ môi trường không khí và làm giảm thiểu ô nhiễm không khí, việc giảm phát thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O…) có ý nghĩa quan trọng để kiềm chế, làm giảm sự gia tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất, những tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozone. Đà Nẵng đang quyết tâm giữ vững danh hiệu “Thành phố carbon thấp” và triển khai các giải pháp giảm phát thải carbon.

Trước mắt, việc kiểm kê khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế, xã hội là rất quan trọng, nhất là các hoạt động sản xuất công nghiệp để xác định mức phát thải, mức hấp thụ khí nhà kính, từ đó có kế hoạch và giải pháp kiềm chế hoặc giảm phát thải, tăng hấp thụ…Các ngành có đối tượng phải giảm phát thải khí nhà kính như công thương, tài nguyên và môi trường, xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp… đã và đang xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực; đánh giá, kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp, cơ sở nhằm gắn trách nhiệm thực hiện việc giảm phát thải.

Sở Khoa học và Công nghệ đã, đang hướng dẫn, tập huấn cho các doanh nghiệp về nhận thức chung, kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 và xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Từ đó, doanh nghiệp có giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, phục vụ tăng trưởng, bảo đảm năng suất và việc làm bền vững.

Lào Cai giảm thải khí nhà kính ở tất cả các lĩnh vực

Giảm thải khí nhà kính trên tất cả các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông… Tăng cường công tác trồng rừng, nhân rộng các mô hình sinh học trong nông nghiệp, hay các hệ thống năng lượng tái tạo. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ và giữ rừng là hướng đi mà tỉnh Lào Cai đang thực hiện nhằm giảm thiểu khí nhà kinh bảo vệ môi trường sống.

Những năm qua, Lào Cai đã thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng. Cùng với đó, các ngành chuyên môn đã thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính của các hệ sinh thái.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh đã có chính sách khuyến khích người dân áp dụng công nghệ thích hợp để giảm phát thải khí nhà kính như xử lý chất thải bằng hầm biogas để tận dụng làm khí đốt.

Ngoài ra, tỉnh Lào Cai đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đô thị thành phố Lào Cai (công suất hơn 100 tấn/ngày) thành phân hữu cơ. Bên cạnh đó, tham gia nghiên cứu các mô hình xử lý rác thải thành điện; lắp đặt các hệ thống điện mặt trời, bình nước nóng năng lượng mặt trời tại các hộ và khu công sở, khách sạn, nhà hàng, góp phần giảm thiểu lượng điện tiêu thụ.

Trong lĩnh vực giao thông, Lào Cai khuyến khích đổi mới công nghệ để sử dụng năng lượng tiết kiệm trong giao thông vận tải, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu ít phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh việc giảm phát thải, Lào Cai cũng quan tâm bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng để tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính cân bằng giữa lượng phát thải và lượng hấp thu.

Nam Định chủ động thực hiện giải pháp giảm tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí

Theo UBND tỉnh Nam Định, hiện nay việc đầu tư của tỉnh cho công tác giảm phát thải khí kính để bảo vệ môi trường ngày càng tăng lên. Việc xã hội hóa công tác này bước đầu được áp dụng đối với việc thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn đang dần đi vào nề nếp, tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn thu gom đạt từ 89,8% trở lên. Việc triển khai, phân loại rác thải tại nguồn đã được thực hiện ở hầu hết các xã, phường, thị trấn.

Các doanh nghiệp đã có ý thức trong việc đầu tư các công trình xử lý chất thải, hầu hết các cơ sở phát sinh khí thải đều có hệ thống xử lý khí thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Chất thải chăn nuôi đã được quản lý, hạn chế ô nhiễm môi trường và góp phần tích cực giảm phát thải khí nhà kính.

Việc tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện cá nhân đã được người dân quan tâm; đến nay trên địa bàn tỉnh có 10 tuyến xe buýt đang hoạt động với tổng số 85 xe; hầu hết các phương tiện đều đạt tiêu chuẩn khí thải EURO III.

Để hạn chế nguồn thải phát sinh chất gây ô nhiễm không khí, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của người dân và môi trường sinh sống, tỉnh đã ưu tiên kiểm soát tại khu vực thành phố Nam Định, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề phát sinh nhiều khí thải. Kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông cơ giới đường bộ từng bước chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh học, điện cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Đồng Nai hướng tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050

Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm carbon, góp phần hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Đây là một bước đi cần thiết và quan trọng để tỉnh Đồng Nai thực hiện cam kết với các mục tiêu khí hậu quốc gia và quốc tế, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững.

Đồng thời, Đề án sẽ giúp tỉnh Đồng Nai nâng cao năng lực quản lý, đánh giá và theo dõi phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện lộ trình giảm phát thải theo sự thống nhất của tỉnh; phát triển và triển khai các chiến lược và dự án giảm thiểu carbon theo chuyên ngành và đa ngành; xác định và kết nối với các đối tác tài chính xanh để đảm bảo đầu tư vào tỉnh và thực hiện các giải pháp tài chính xanh sáng tạo. Và tạo ra các cơ hội mới cho tỉnh Đồng Nai trong việc phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế số và kinh tế trung tính carbon, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.

Theo Đề án này, có 7 lĩnh vực trọng điểm và 4 giai đoạn để thực hiện. Bảy lĩnh vực trọng điểm là công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng và bất động sản.

Trước mắt, giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai khuyến khích sử dụng điện và năng lượng xanh trong giao thông vận tải; sử dụng xăng E5; giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp đồng thời tăng tỷ lệ hấp thụ carbon, nâng tỷ lệ xử lý chất thải. Phát triển mạnh các dự án năng lượng mới không phát thải như: sản xuất nhiên liệu hydrogen, amoniac xanh; phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng. Cùng với đó, hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo năm 2030 thị trường tín chỉ carbon của tỉnh được vận hành, kết nối với các thị trường trong nước, các nước khu vực và trên thế giới.

An Dương (t/h)
https://vietq.vn/bao-ve-moi-truong-khong-khi-giam-phat-thai-carbon-huong-toi-phat-trien-ben-vung-d224078.html

Phát triển lưới gốm tái sử dụng hút “hóa chất vĩnh cửu” độc hại khỏi nước

Các nhà khoa học tại Anh đã phát triển phương pháp mới để loại bỏ “hóa chất vĩnh cửu” độc hại khỏi nước thải. Các lưới gốm in 3D được xử lý đặc biệt có thể loại bỏ tới 75% hóa chất khỏi nước ô nhiễm trong ba giờ và các cấu trúc này sẽ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của chúng khi được tái sử dụng.

Một trong những mối quan tâm cấp bách nhất về môi trường và sức khỏe hiện nay là nhóm hóa chất được gọi là chất perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl (PFAS). Việc sử dụng rộng rãi trong phần lớn thế kỷ đã lan truyền những hóa chất này trên khắp hành tinh và chúng không bị phân hủy, dẫn đến biệt danh là “hóa chất vĩnh cửu”. Cuối cùng, chúng sẽ đi vào cơ thể nơi chúng có liên quan đến một loạt vấn đề sức khỏe, từ bệnh tiểu đường đến nhiều loại ung thư.

Hiện nay, các nhà khoa học tại Đại học Bath đã chứng minh phương pháp tiềm năng mới để loại bỏ PFAS khỏi nước. Ý tưởng là sử dụng “khối đơn” in 3D làm từ vật liệu gốm được truyền oxit indium, liên kết với phân tử PFAS. Những khối đơn này có thể được ngâm trong nước ô nhiễm trong vài giờ và khi chúng được loại bỏ, PFAS cũng sẽ đi theo chúng. Sau đó, chúng có thể được xử lý để loại bỏ các hóa chất và cho phép các khối đơn được sử dụng lại.

Trong khi nhiều cấu trúc in 3D đòi hỏi chi tiết tinh xảo thì chúng được làm từ những vật liệu dày hơn nhiều, giống như kem đánh răng được ép ra khỏi ống thành một cấu trúc trông giống như chồng bánh quế. Mục tiêu của việc đó không chỉ là sản xuất đơn giản mà còn tối đa hóa diện tích bề mặt để chúng có thể thu được càng nhiều PFAS càng tốt.


Các mẫu khối gốm nguyên khối của nhóm nghiên cứu có thể loại bỏ “hóa chất độc hại vĩnh viễn” ra khỏi nước.

Trong thử nghiệm, các khối đơn nguyên này ban đầu có thể loại bỏ 53% một loại PFAS phổ biến được gọi là axit perfluorooctanoic (PFOA) khỏi nước trong ba giờ. Xử lý nhiệt phân các khối đơn nguyên ở 500 °C (932 °F) đã tái sinh chúng, cho phép chúng được sử dụng lại và điều thú vị là điều này thực sự thúc đẩy khả năng làm sạch nước của chúng. Đến chu kỳ thứ ba, các khối đơn nguyên đã loại bỏ 75% PFOA trong ba giờ.

Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, nhóm nghiên cứu cho biết mảng các khối gốm nguyên khối có thể tái sử dụng này có thể là bước tiến có giá trị để bổ sung vào các nhà máy xử lý nước thải hiện có. Không giống như các kỹ thuật khác đòi hỏi phải có chất xúc tác, bản thân quá trình này không đòi hỏi năng lượng, tuy nhiên việc tái tạo chúng thông qua quá trình nhiệt phân có thể là một điểm khó khăn.

Tiến sĩ Liana Zoumpouli, tác giả của nghiên cứu cho biết: “Sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra khối đơn sắc tương đối đơn giản và cũng có nghĩa là quy trình này có thể mở rộng quy mô. Công nghệ in 3D cho phép chúng tôi tạo ra các vật thể có diện tích bề mặt lớn, đây là chìa khóa của quy trình. Khi các khối đơn sắc đã sẵn sàng, bạn chỉ cần thả chúng vào nước và để chúng thực hiện công việc của mình. Đây là điều rất thú vị và chúng tôi rất muốn phát triển thêm và đưa vào sử dụng”.

An Hạ
https://vietq.vn/phat-trien-cac-luoi-gom-tai-su-dung-hut-hoa-chat-vinh-cuu-doc-hai-ra-khoi-nuoc-d224067.html

Phát triển loại mực in 3D mới có thể đông lại khi tiếp xúc nước muối và thân thiện với môi trường

Việc in 3D một số mặt hàng có thể sớm trở nên nhanh hơn, đơn giản hơn và thân thiện với môi trường hơn. Đó là vì các nhà khoa học đã phát triển loại mực in 3D mới có thể dễ dàng đùn ra dưới dạng lỏng, nhưng sau đó đông lại khi tiếp xúc với dung dịch nước muối.

Khi hầu hết mọi người nghĩ đến in 3D, họ hình dung ra kỹ thuật thường được sử dụng gọi là mô hình lắng đọng hợp nhất (FDM). Phương pháp này bao gồm việc đùn một loại polymer nóng chảy ra khỏi vòi phun, tạo ra các vật thể theo lớp lắng đọng liên tiếp khi polymer nguội thành trạng thái rắn.

Một kỹ thuật khác được gọi là viết mực trực tiếp (DIW), cũng liên quan đến việc đùn vật liệu ra khỏi vòi phun. Tuy nhiên, trong trường hợp này, vật liệu đó là “mực” polymer dạng keo chuyển thành dạng rắn về mặt hóa học. So với FDM, DIW có xu hướng tiết kiệm chi phí và tiết kiệm năng lượng hơn, cộng với việc nó cho phép tạo ra các vật thể từ nhiều loại polymer hơn.

Tuy nhiên, một nhược điểm của kỹ thuật này nằm ở thực tế là chất xúc tác hóa học độc hại và chất liên kết chéo thường được yêu cầu để bắt đầu và sau đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ lỏng sang rắn. Những hóa chất này không chỉ có khả năng gây hại cho con người và môi trường mà còn được thêm vào trong bước sau khi in, làm tăng thời gian và độ phức tạp của quá trình sản xuất. Đó chính là lúc mực mới xuất hiện.


Học giả sau tiến sĩ Donghwan Ji làm việc với mực in 3D PNIPAM.

Được phát triển bởi Giáo sư Jinhye Bae và các đồng nghiệp tại Đại học California San Diego, nó kết hợp dung dịch polyme lỏng có tên là poly(N-isopropylacrylamide) hay viết tắt là PNIPAM. Các vật liệu chức năng, chẳng hạn như ống nano carbon hoặc mảnh graphene, có thể được trộn vào chất lỏng.

Vì PNIPAM ban đầu khá loãng nên có thể dễ dàng đùn ra khỏi kim chỉ bằng một lực rất nhỏ. Khi mực được đùn vào dung dịch nước muối canxi clorua, các ion muối ngay lập tức hút các phân tử nước ra khỏi mực – đây là hiện tượng “muối hóa”. Các chuỗi polyme kỵ nước (kìm hãm nước) còn lại trong mực sau đó tụ lại với nhau, khiến mực ngay lập tức chuyển sang trạng thái rắn. Bất kỳ vật liệu chức năng nào được thêm vào cũng bị khóa ở đó.

Không giống như phương pháp in DIW thông thường, phương pháp PNIPAM không yêu cầu sử dụng bất kỳ hóa chất sau in nào và có thể thực hiện ở nhiệt độ phòng. Một lợi ích bổ sung là các vật thể rắn đã in sau đó có thể chuyển đổi trở lại thành PNIPAM dạng lỏng sử dụng nếu muốn.

Công nghệ này đã được sử dụng để in bảng mạch điện dùng để cung cấp điện cho bóng đèn.

An Hạ
https://vietq.vn/phat-trien-loai-muc-in-3d-moi-co-the-dong-lai-khi-tiep-xuc-nuoc-muoi-va-than-thien-voi-moi-truong-d223949.html

Phát triển vật liệu “gel thủy tinh” mới có độ bền, độ co giãn và độ dính kỳ lạ

Gel và kính nằm ở hai đầu đối lập của quang phổ vật liệu nhưng các kỹ sư tại Đại học bang North Carolina (NCSU) đã phát triển một loại vật liệu mới có tên là “gel thủy tinh” vừa bền vừa dẻo, vừa có độ dính và tự phục hồi.

Polyme thủy tinh là loại nhựa được tạo ra để có các đặc tính giống như thủy tinh – chúng bền, cứng và chắc, nhưng cũng thường giòn, dễ gãy nếu cố uốn cong hoặc kéo căng. Ngược lại, gel mềm và linh hoạt nhưng cũng yếu. Nhóm NCSU hiện đã phát triển vật liệu mới kết hợp những ưu điểm của cả hai.

“Chúng tôi đã tạo ra loại vật liệu mà chúng tôi gọi là gel thủy tinh, cứng như polyme thủy tinh, nhưng nếu tác dụng đủ lực có thể kéo dài gấp năm lần chiều dài ban đầu của chúng, thay vì bị đứt”, Michael Dickey, tác giả liên hệ của nghiên cứu cho biết.

Hơn nữa, sau khi vật liệu được kéo dài, có thể khiến nó trở lại hình dạng ban đầu bằng cách áp dụng nhiệt. Ngoài ra, bề mặt của gel thủy tinh có độ bám dính cao, điều này không bình thường đối với các vật liệu cứng.

Để tạo ra gel thủy tinh, nhóm nghiên cứu kết hợp các phân tử tiền chất lỏng của polyme thủy tinh với chất lỏng ion. Sau đó, hỗn hợp được đổ vào khuôn và tiếp xúc với tia UV để đông cứng trước khi lấy ra khỏi khuôn. Chất lỏng ion này hoạt động như một dung môi, giúp vật liệu có được sức mạnh của cả thủy tinh và gel.

Gel thủy tinh rất co giãn nhưng vẫn bền như các loại polyme thủy tinh cứng hơn.

Dickey cho biết: “Thông thường, khi bạn thêm dung môi vào polyme, dung môi sẽ đẩy các chuỗi polyme ra xa nhau, khiến polyme mềm và có thể kéo giãn. Trong gel thủy tinh, dung môi đẩy các chuỗi phân tử trong polyme ra xa nhau, cho phép nó có thể kéo giãn như gel. Tuy nhiên, các ion trong dung môi bị polyme thu hút mạnh, ngăn không cho các chuỗi polyme di chuyển. Sự bất lực của các chuỗi khiến nó trở nên thủy tinh. Kết quả cuối cùng là vật liệu cứng do các lực hấp dẫn, nhưng vẫn có khả năng kéo giãn do khoảng cách bổ sung”.

Mặc dù chúng có hơn 54% là chất lỏng theo trọng lượng nhưng các loại gel thủy tinh này được phát hiện có độ bền gãy là 42 MPa, độ dai là 110 MJ m-3, độ bền chảy là 73 MPa và mô đun Young là 1 GPa. Nhóm nghiên cứu cho biết các thông số này tương tự nhựa nhiệt dẻo như polyethylene, nhưng không giống như các vật liệu đó, chúng cũng có thể kéo dài gấp năm lần chiều dài ban đầu.

Những lợi thế khác của gel thủy tinh bao gồm khả năng tự phục hồi và trở lại hình dạng ban đầu khi áp dụng một chút nhiệt. Hàm lượng chất lỏng cao cũng khiến chúng trở thành vật dẫn điện hiệu quả hơn và chúng có bề mặt dính, vì những lý do mà nhóm nghiên cứu không hoàn toàn hiểu rõ.

Hữu ích nhất trong tất cả, những loại gel thủy tinh này khá dễ làm. Việc tạo ra gel thủy tinh là quá trình đơn giản có thể thực hiện bằng cách xử lý trong bất kỳ loại khuôn nào hoặc bằng cách in 3D. Hầu hết loại nhựa có đặc tính cơ học tương tự đều yêu cầu các nhà sản xuất tạo ra polyme làm nguyên liệu đầu vào, sau đó vận chuyển polyme đó đến một cơ sở khác, nơi polyme được nấu chảy và tạo thành sản phẩm cuối cùng.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn loại gel thủy tinh này có thể có những ứng dụng gì, nhưng với danh sách các tính chất hấp dẫn như vậy, họ tin rằng vật liệu mới này cuối cùng có thể rất hữu ích.

An Hạ
https://vietq.vn/phat-trien-vat-lieu-gel-thuy-tinh-moi-co-do-ben-do-co-gian-va-do-dinh-ky-la-d223302.html

Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn.

Ảnh minh họa

Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định mua bán điện trực tiếp là hoạt động mua bán giao nhận điện năng được thực hiện thông qua 02 hình thức:

Mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng qua Đường dây kết nối riêng giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn theo quy định tại Chương II Nghị định này.

Mua bán điện trực tiếp qua Lưới điện quốc gia là hoạt động mua bán điện thông qua Hợp đồng kỳ hạn giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) và hoạt động mua bán điện thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định này bao gồm:

– Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán toàn bộ điện năng sản xuất vào thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh;

– Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực (hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp) để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu;

– Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền mua bán điện thông qua Hợp đồng kỳ hạn.

Nguyên tắc mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng

Về hình thức mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng, Nghị định quy định đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn thực hiện mua bán điện trực tiếp thông qua Đường dây kết nối riêng theo các nguyên tắc sau:

– Hợp đồng mua bán điện giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn trong trường hợp mua bán điện trực tiếp thông qua Đường dây kết nối riêng do hai bên thỏa thuận phù hợp với quy định tại Điều 22 Luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bao gồm các nội dung chính sau: Chủ thể hợp đồng; mục đích sử dụng; tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ; quyền và nghĩa vụ của các bên; giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán; điều kiện chấm dứt hợp đồng; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; thời hạn của hợp đồng; trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành Đường dây kết nối riêng; các nội dung khác do hai bên thỏa thuận;

– Giá bán điện do hai bên thỏa thuận trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định này.

Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện về công suất, sản lượng, giá đối với sản lượng điện dư với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hoặc đơn vị được ủy quyền) theo quy định.

Ngoài các hoạt động mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng quy định ở trên, Khách hàng sử dụng điện lớn được mua bán điện với Tổng công ty Điện lực (hoặc Đơn vị bán lẻ điện không phải Tổng công ty Điện lực) theo quy định.

Trường hợp Đơn vị điện lực vừa thực hiện chức năng phát điện và chức năng bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia đồng thời với các nguồn điện tại chỗ khác để bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện trong các mô hình khu, cụm, giá bán lẻ điện cho khách hàng được thực hiện theo Quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.

Giá thị trường điện giao ngay

Về hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Nghị định cũng quy định rõ việc bán điện của đơn vị phát điện năng lượng tái tạo qua thị trường điện giao ngay và việc mua bán điện với Tổng công ty điện lực.

Theo quy định, giá thị trường điện giao ngay là giá thị trường điện toàn phần được hình thành theo từng chu kỳ giao dịch của thị trường điện giao ngay và được xác định bằng tổng của giá điện năng thị trường và giá công suất thị trường. Trong đó, giá điện năng thị trường và giá công suất thị trường được xác định theo Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành.

Thành Long
https://vietq.vn/chinh-phu-ban-hanh-nghi-dinh-ve-co-che-mua-ban-dien-truc-tiep-d222972.html