Sắp có xe ô tô sử dụng năng lượng mặt trời?

Công ty Lightyear (Hà Lan) vừa thông báo sắp bắt đầu sản xuất ô tô sử dụng nhiên liệu từ pin năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới.

Công ty Lightyear cho biết, mẫu xe Lightyear 0 sắp sản xuất được lắp các tấm pin năng lượng mặt trời trên nóc, đầu và thân xe. Nhờ hỗ trợ tấm pin năng lượng mặt trời, mỗi giờ đặt xe dưới ánh nắng, xe có thể được quãng đường gần 10km.

Trong khi mỗi lần sạc đầy, xe có thể di chuyển quãng đường 625km mà không cần tái sạc và sẽ được bổ sung tới 70km/ngày nhờ năng lượng từ tấm pin mặt trời. So sánh với Tesla Model 3 và Kia Niro Long Range, quãng đường xe có thể đi trong 1 lần sạc là nhiều hơn.

Tại các quốc gia có nhiều ánh nắng mặt trời như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, nếu quãng đường di chuyển hàng ngày dưới 35km, lái xe sẽ không cần sạc xe trong thời gian tới 7 tháng. Tại những quốc gia ít ánh nắng hơn như Hà Lan, cứ sau mỗi 2 tháng, mới cần sạc xe.


Hình ảnh đồ họa mẫu xe Lightyear 0. Ảnh: Lightyear

Mẫu xe Lightyear 0 được cải tiến để có trọng lượng pin nhẹ hơn, kích cỡ pin nhỏ hơn so với mẫu Lightyear One ra mắt 2 năm trước đó, trong khi vẫn đảm bảo quãng đường di chuyển giữa 2 lần sạc tương đương với Lightyear One. Trọng lượng pin nhẹ hơn giúp giảm toàn bộ trọng lượng xe.

Công ty Lightyear cho biết mức giá ban đầu của mẫu xe Lightyear 0 là 262.000 USD và có thể được bàn giao tại châu Âu sớm nhất vào tháng 11. Tuy nhiên, giá bán xe Lightyear 0 được đánh giá là khá cao so với các mẫu ô tô điện khác và cũng chỉ có tốc độ tối đa là 160km/h.

Trong tương lai, công ty cũng hy vọng ra mắt những mẫu xe tích hợp pin năng lượng mặt trời với mức giá “phải chăng” hơn, chẳng hạn như mẫu xe dự kiến đặt tên là Lightyear Two, với giá bán lẻ chỉ khoảng 31.215 USD vào năm 2025. Một số công ty khác trên thế giới cũng đang phát triển các mẫu ô tô tích hợp tấm pin năng lượng mặt trời nhưng chưa hãng nào sẵn sàng tung sản phẩm ra thị trường như Lightyear.

Chẳng hạn, hãng ô tô điện Sono Motors dự kiến sẽ sản xuất mẫu xe tích hợp pin năng lượng mặt trời Sono Sion vào năm 2023, với khả năng đi thêm quãng đường 16km/ngày nhờ năng lượng từ mặt trời. Hãng Aptera kỳ vọng sẽ sản xuất mẫu xe Aptera Never Charge từ năm 2023 và đã nhận được 24.000 đơn đặt trước. Loại xe này có thể thêm quãng đường 64km/ngày nhờ năng lượng mặt trời.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/sap-co-xe-o-to-su-dung-nang-luong-mat-troi-d201418.html

Phát triển tuabin khí chạy hoàn toàn bằng hydro đầu tiên trên thế giới

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stavanger, Na Uy, tuyên bố đã tạo ra một tuabin khí đốt 100% hydro.

Tuabin khí được sử dụng trong máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, máy phát điện, máy bơm, máy nén và nhiều nơi khác. Chúng có thể chạy bằng nhiều loại nhiên liệu, nhưng khoảng 90% đang chạy bằng khí tự nhiên – loại nhiên liệu hóa thạch tạo ra CO2 khi cháy, đồng thời bay lên khí quyển khi được lấy lên khỏi lòng đất và tạo ra hiệu ứng nhà kính tồi tệ gấp 80 lần so với CO2 trong 20 năm.

Trong cuộc đua hướng đến mục tiêu không phát thải vào năm 2050, con người cần thay đổi hoặc loại bỏ turbine khí. Một số công ty, bao gồm General Electric (GE), đang tìm cách chuyển đổi sang đốt hydro xanh như một nguồn nhiên liệu sạch. GE có hơn 100 tuabin chạy bằng ít nhất 5% nhiên liệu hydro theo thể tích và đang hướng tới mục tiêu đạt 100%.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stavanger, Na Uy, tuyên bố họ đã tạo ra một tuabin khí đốt 100% hydro từ giữa tháng 5 năm nay.


Giáo sư Mohsen Assadi, kỹ sư Bjarte Hetlelid và tiến sĩ Reyhaneh Banihabib với tuabin khí đầu tiên trên thế giới chạy bằng hydro nguyên chất làm nhiên liệu đốt.

Đại học Stavanger vận hành một nhà máy điện khí nhỏ riêng và tuabin khí của nhà máy tạo ra cả nhiệt lẫn điện. Nhà máy cũng cung cấp nước nóng để sưởi ấm các phòng thí nghiệm ở khu vực xung quanh. Lượng điện dư thừa sẽ được chuyển đến mạng lưới điện và nhiệt địa phương của nhà cung cấp điện Lyse. Toàn bộ năng lượng đều được sử dụng hiệu quả.

“Chúng tôi đã lập kỷ lục thế giới về đốt cháy hydro trong tuabin khí siêu nhỏ. Trước đây, chưa ai có thể sản xuất ở mức độ này”, giáo sư Mohsen Assadi, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. Ông cùng tiến sĩ Reyhaneh Banihabib, kỹ sư Magnus Wersland và Bjarte Hetlelid từ viện nghiên cứu NORCE đã vận hành thử nghiệm nhà máy. Họ chứng minh có thể sử dụng hydro trong các cơ sở hạ tầng sử dụng khí tự nhiên sẵn có.

“Hiệu quả khi chạy tuabin khí bằng hydro sẽ kém hơn một chút. Tuy nhiên, lợi ích lớn là tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có. Ngoài ra, cách sản xuất năng lượng này không thải ra CO2”, Assadi nói.

Nghiên cứu mới không chỉ tập trung vào việc điều chỉnh buồng đốt cho hydro mà còn điều chỉnh hệ thống nhiên liệu và cơ sở hạ tầng khí tự nhiên cũ để xử lý loại khí rất khác này. Nhóm nghiên cứu đang xem xét kỹ hơn hạn chế của nhà máy và tìm cách tăng công suất để tạo ra nhiều năng lượng sạch nhất có thể.

Những dự án dạng này sẽ mang đến giải pháp chuyển đổi hiệu quả, vừa giúp duy trì các thiết bị tuabin cũ, vừa chuyển sang nhiên liệu không phát thải. Tuy nhiên, để chúng trở nên hiệu quả về kinh tế, giá hydro xanh cần giảm mạnh và thuế carbon cần được áp dụng cho các phương pháp sử dụng nhiên liệu hóa thạch vốn rẻ hơn.

Hà My
https://vietq.vn/phat-trien-tuabin-khi-chay-hoan-toan-bang-hydro-dau-tien-tren-the-gioi-d201233.html

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về chuyển đổi sang năng lượng sạch

Theo nhận định của tờ Te Economist, Việt Nam là quốc gia đang dẫn đầu Đông Nam Á về chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Theo bài viết của The Economist, trong 4 năm tính đến năm 2021, tỉ trọng điện lượng mặt trời tại Việt Nam đã tăng từ mức thực tế gần như bằng 0 lên gần 11%. Đây không chỉ là tốc độ tăng nhanh hơn hầu hết mọi nơi trên thế giới, mà tỉ trọng này còn cao hơn so với các nền kinh tế lớn như Pháp hay Nhật Bản.

Đến năm ngoái Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 thế giới. Nhấn mạnh cam kết đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 11/2021 đã tuyên bố sẽ ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới và giảm lượng khí thải ròng của Việt Nam về mức bằng 0 vào năm 2050.

Các quốc gia Đông Nam Á khác muốn nâng cao cuộc chơi của mình có thể rút ra một vài kinh nghiệm từ Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã tăng gấp 4 lần công suất điện gió và điện mặt trời so với năm 2019.


Ảnh minh hoạ

Bài viết khẳng định “thành tích phi thường” này chủ yếu nhờ ý chí chính trị và các động lực thị trường. Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu trả cho các nhà cung cấp năng lượng mặt trời với giá cố định lên tới 9,35 cent cho mỗi kilowatt giờ cung cấp cho lưới điện. Mức giá này là khá hào phóng vì chi phí cho mỗi kilowatt giờ thường dao động từ 5-7 cent.

Kết quả là 100.000 tấm pin mặt trời trên mái đã được lắp đặt trong năm 2019 và 2020, nâng công suất năng lượng mặt trời của Việt Nam lên 16GW. Nhiều quốc gia Đông Nam Á khác đã thử áp dụng mức giá bán cho lưới điện, nhưng không đủ hấp dẫn.

Cải cách giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng kinh doanh tại Việt Nam hơn cũng đã giúp ích. Tuy nhiên, theo bài viết, nếu hy vọng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Theo công ty tư vấn Dezan Shira, nhu cầu năng lượng ở Việt Nam đã tăng khoảng 10% mỗi năm trong thập kỷ qua và lượng nhu cầu này đang được đáp ứng phần nhiều bởi điện than.

Bài viết cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ cần tăng cường năng lượng gió và mặt trời, đồng thời xem xét mở rộng và nâng cấp lưới điện để bao phủ toàn quốc nhằm đối phó với tính chất không liên tục của nguồn điện do năng lượng tái tạo cung cấp.

Phong Lâm
https://vietq.vn/viet-nam-dan-dau-dong-nam-a-ve-chuyen-doi-sang-nang-luong-sach-d200974.html

Công nghệ mới tạo ra loại pin có tuổi thọ tới 100 năm

Nhóm nhà nghiên cứu pin của Tesla ở Canada đã phối hợp với Đại học Dalhousie đưa ra nghiên cứu về công nghệ pin mới dựa trên niken, có thể kéo dài tuổi thọ pin đến 100 năm

Công nghệ kể trên cũng sẽ cung cấp mật độ năng lượng và thời gian sạc tương tự như các tế bào Lithium Ferrum (sắt) Phosphate hiện đang được sử dụng trong sản xuất ô tô điện.

Được biết, nghiên cứu đã được báo cáo lần đầu tiên bởi nhà nghiên cứu Electrek với sự hợp tác của một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ pin, Jeff Dahn – người hiện là thành viên của Đại học Dalhousie ở Halifax, Canada. Ông đã nghiên cứu về pin Lithium-ion và được coi là người tiên phong trong lĩnh vực này sau khi công việc của ông đã làm tăng vòng đời của pin mà chúng ta thấy ngày nay.

Các loại pin mới do Dahn phát triển sử dụng Nickel trong hỗn hợp của chúng, mang lại mật độ cao cho bức tranh sản xuất, cho phép phạm vi hoạt động cao hơn đối với các loại xe điện. Pin có thành phần hóa học độc đáo bền hơn so với pin lithium-ion, dựa trên nhiệt độ mà nó được sạc.


Tesla sẽ sớm tạo ra hệ thống pin có tuổi thọ lên đến 100 năm. Ảnh: Reuters

Bài nghiên cứu đã nêu bật ví dụ trong đó nếu pin luôn được sạc ở nhiệt độ 25 độ C, tuổi thọ của pin có thể vượt quá 100 năm. Đây thực sự là cuộc cách mạng mới trong việc sản xuất ô tô điện.

Hơn nữa, pin niken trong quá khứ đã có thành phần coban trong chúng. Không có gì bí mật khi tìm nguồn cung ứng coban là một thách thức lớn cho các nhà sản xuất. Để loại bỏ những lo ngại này, thiết kế pin mới sẽ có khả năng mang lại kết quả tương tự và hoạt động giống như trước nhưng với lượng coban thấp hoặc hoàn toàn không có trong thành phần của pin. Điều này sẽ nhờ vào chất điện phân mới với muối liti LiFSI.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/cong-nghe-moi-tao-ra-loai-pin-co-tuoi-tho-toi-100-nam-d200840.html

Khóa học miễn phí Các nguồn Tài chính xanh

Trong thời đại tự do thương mại ngày nay, khi sự cạnh tranh trở nên ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ càng phải trở nên năng động hơn để tìm kiếm được vị trí trên thị trường cho mình. Có thể doanh nghiệp bạn đã có sẵn các kế hoạch cho sự đổi mới theo hướng bền vững hơn, hoặc dựa vào các kiến thức có được từ các khóa học về Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) và đổi mới sản phẩm, doanh nghiệp đã vạch cho mình được các bước đi tiếp theo để tăng tính cạnh tranh và uy tín doanh nghiệp. Nhưng để biến các kế hoạch thành dự án đem lại hiệu quả thực tế, chúng ta sẽ cần vay vốn.

Vậy:

  • Dự án có khả thi và đáng để đầu tư không?
  • Các nguồn huy động vốn nào có thể phù hợp với dự án?
  • Bạn cần chuẩn bị những gì trong bộ hồ sơ vay vốn?
  • Đâu là những điểm quan trọng có thể giúp dự án của bạn hấp dẫn hơn trong mắt của các nhà đầu tư

Chủ đề 1: Các nguồn tài chính xanh

Có một thực tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp khó khăn trong việc vay vốn so với các doanh nghiệp lớn hơn. Vậy rào cản ở đây là gì và làm thế nào để doanh nghiệp của bạn vượt qua được các rào cản đó?

Câu trả lời cho các câu hỏi trên cùng danh sách các tổ chức tài chính phù hợp với dự án sản xuất bền vững của các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp vừa và nhỏ là nội dung mà chúng ta sẽ đề cập trong chủ đề này.

Bạn sẽ học được những gì?

  • Hiểu được những lý do tại sao doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong việc vay vốn từ ngân hàng.
  • Hiểu rõ hơn về các nguồn tài chính xanh, các tổ chức tài chính phù hợp với dự án của doanh nghiệp; cách tiếp cận các nguồn này.

Chủ đề 2: Lập hồ sơ tiếp cận vốn vay cho dự án đầu tư sản xuất bền vững

Nếu bạn đang có một hoặc nhiều ý tưởng muốn thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp theo hướng thân thiện hơn với môi trường và có trách nhiệm hơn với xã hội, chủ đề này sẽ giúp bạn biết được liệu các ý tưởng đó có khả thi và đáng được đầu tư hay không. Nếu đó là một ý tưởng thiết thực, bạn sẽ muốn bắt tay vào tìm kiếm nguồn vốn để thực hiện? Trong chủ đề này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các bước chi tiết từ lựa chọn nguồn huy động vốn, chuẩn bị hồ sơ, và các điểm bạn cần lưu ý để giúp hồ sơ của bạn dễ dàng được thông qua trong quá trình xét duyệt hơn.

Đây có phải các thông tin hữu ích cho bạn?

Còn chần chừ gì mà không bắt đầu!

Bạn sẽ học được những gì?

  • Nắm được các bước hình thành một dự án đầu tư sản xuất bền vững và lợi ích của chúng
  • Làm quen với cách dự toán vốn đầu tư và các nguồn huy động vốn
  • Hiểu được các bước chi tiết và các lưu ý khi lập hồ sơ vay vốn/hỗ trợ

Link khóa học: Các nguồn tài chính xanh (funzi.mobi)

Khóa học Sản xuất bền vững dành cho MSMEs – Miễn phí

Những năm gần đây, Việt Nam, với nỗ lực nắm bắt thời cơ và mở rộng thị trường, đã ký kết thỏa thuận tự do thương mại (FTAs) với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, vào tháng 6 năm 2019, chúng ta đã ký kết thành công  Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Đi kèm với các kỳ vọng giúp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam, nhất là mặt hàng nông sản, thỏa thuận này đặt các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ, trước các thách thức lớn. Làm thế nào để thỏa mãn được các yêu cầu khắt khe của bạn hàng Châu Âu, không chỉ về chất lượng sản phẩm, mà còn về quy trình quản lý, sản xuất, quản lý môi trường, và các yêu cầu về tiêu chuẩn hóa, khả năng truy xuất nguồn gốc?

Khóa học này được thiết kế với mong muốn đem đến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ các công cụ hỗ trợ, giúp thúc đẩy sự phát triển và rút ngắn con đường tiếp cận với các thị trường khó tính như Châu Âu.

Ba công cụ quan trọng mà khóa học này sẽ trang bị cho bạn:

  • RECP: Giải pháp giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới sản xuất sạch, bền vững hơn.
  • Các phương pháp đổi mới sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, doanh số bán hàng và lợi nhuận.
  • Và hiểu biết về các tiêu chuẩn, chứng nhận mà doanh nghiệp sẽ cần đáp ứng khi tham gia vào sân chơi quốc tế.

Khóa học này dành cho bạn nếu:

  • Doanh nghiệp của bạn muốn cải thiện chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất nhưng không phải mất nhiều chi phí và công sức để xử lý chất thải phát sinh.
  • Doanh nghiệp của bạn muốn kinh doanh lâu dài và tạo ra lợi nhuận một cách bền vững.
  • Doanh nghiệp của bạn muốn tạo ra các sản phẩm tốt, được thị trường đón nhận tích cực.
  • Doanh nghiệp của bạn muốn tạo hình ảnh đẹp với cộng đồng xung quanh và công luận.
  • Bạn muốn môi trường làm việc hàng ngày tại nhà máy của mình được an toàn và ít rủi ro.

Bạn sẽ học được những gì:

  • Hiểu rõ hơn về các thách thức của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lại gần
  • Các lợi ích mang lại khi doanh nghiệp quyết định thay đổi
  • Các thông tin tổng quan về công cụ mà bạn sẽ được tìm hiểu trong khóa học.

Link khóa học tham khảo tại đây: funzi.mobi/go/sanxuatbenvung2